Tin tức

Viện Dược liệu tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Phùng Thanh Long

Chiều ngày 22/05/2023, Viện Dược liệu tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho Nghiên cứu sinh Phùng Thanh Long, chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền (mã số: 9720206) với tên đề tài: Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và tác dụng chống viêm của cây Nho rừng (Vitis heyneana Roem. & Schult.), họ Nho (Vitaceae) dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Đỗ Thị Hà và TS. Hà Vân Oanh.

Thành phần tham dự buổi lễ có Hội đồng đánh giá luận án, đại diện Viện Dược liệu, đại diện khoa Dược - Trường Đại học Đại Nam - cơ quan công tác của Nghiên cứu sinh, phòng Khoa học và Đào tạo, các nhà khoa học, một số nghiên cứu sinh và cán bộ chuyên môn của Viện Dược liệu, gia đình, đồng nghiệp của NCS quan tâm đến dự.

Nghiên cứu sinh đã trình bày những kết quả đã đạt được của luận án như: -  Về thực vật học Luận án là tài liệu đầu tiên mô tả, phân tích đặc điểm giải phẫu thân, lá và xác định được đặc điểm bột dược liệu thân, lá Nho rừng (Vitis heyneana Roem. & Schult.). Về hóa học Luận án đã phân lập và xác định cấu trúc của 16 hợp chất từ loài Nho rừng, trong đó có 02 hợp chất VH8 VH13 lần đầu tiên được phân lập từ chi Nho Vitis L. (shoreaketon, dehydrocostus lacton)  và 09 hợp chất lần đầu tiên được phân lập từ loài Nho rừng (2-r-viniferin, betulifol A, vitisinol C, α-viniferin, amurensin B, vitisinol B, cis-vitisin B, acid protocatechuic, daucosterol). Về tác dụng sinh học Luận án là công bố đầu tiên về tác dụng chống viêm và giảm đau của loài Vitis heyneana Roem. & Schult. Luận án là công bố đầu tiên về : - Tác dụng chống viêm của cao chiết cồn và các phân đoạn của phần trên mặt đất Nho rừng. Phân đoạn ethyl acetat của cao chiết cồn nho rừng (VHE) có tác dụng ức chế sự biểu hiện COX-2 gây ra bởi LPS trong đại thực bào RAW264.7 mạnh nhất. - Tác dụng chống viêm, giảm đau in vivo của cao VHE thông qua mô hình gây phù chân chuột và gây đau quặn bằng acid acetic. - Tác dụng chống viêm của các hợp chất được phân lập từ cao VHE, hợp chất (-)-trans-ε-viniferin (VH6) ức chế mạnh nhất sự biểu hiện COX-2 gây ra bởi LPS trong đại thực bào RAW264.7.- Cơ chế chống viêm của VH6. Hợp chất này làm giảm mức độ biểu hiện của COX-2 và iNOS một cách phụ thuộc nồng độ. Hợp chất này cũng làm giảm mức độ biểu hiện của COX-2 mRNA, sự sản sinh PGE2, NO và làm giảm hoạt tính NF-kB phụ thuộc nồng độ

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ đạt yêu cầu theo quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo và của Viện Dược liệu. Luận án có ý nghĩa khoa học, sử dụng các phương pháp thường quy có độ tin cậy và đã có những đóng góp mới về dược liệu tu hùng tai. Tuy nhiên, hội đồng cũng đã đưa ra những điểm cần sửa chữa để nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện hơn luận án của mình, trước khi nộp lại cho Thư viện Quốc gia.

PGS.TS. Đỗ Thị Hà, là cán bộ hướng dẫn của Nghiên cứu sinh Phùng Thanh Long cũng ghi nhận sự kiên trì, nỗ lực học tập vượt qua những khó khăn trong suốt quá trình học tập nghiên cứu để đạt được những kết quả của luận án.

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra trang trọng, kết thúc với 100% số phiếu đồng ý đề nghị Viện trưởng Viện Dược liệu công nhận học vị Tiến sĩ cho NCS Phùng Thanh Long sau khi sửa chữa hoàn thiện luận án theo góp ý của Hội đồng và nộp lưu luận án tại thư viện Quốc gia.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)