Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 4 NĂM 2024: KÉ ĐẦU NGỰA VÀ THẢO QUYẾT MINH

 

Tin dịch

I.

 KÉ ĐẦU NGỰA (Xanthium strumarium L.)

1

CÔNG DỤNG THEO YHCT, THỰC VẬT, THÀNH PHẦN HÓA HỌC, TÁC DỤNG DƯỢC LÝ, DƯỢC ĐỘNG HỌC VÀ ĐỘC TÍNH CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Wenxiang Fan và cs

Molecules. 2019 Jan; 24(2): 359

Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L. (Asteraceae)) là một loại thuốc thảo dược truyền thống phổ biến và nổi tiếng của Trung Quốc, phiên âm là Cang-Er-Zi, đã được sử dụng từ hàng nghìn năm ở Trung Quốc. Mục đích của bài báo này là  kết quả nghiên cứu hiện đại và cung cấp tổng quan hệ thống về cách sử dụng theo YHCT, thực vật, thành phần hóa học, tác dụng dược lý, dược động học và độc tính của ké đầu ngựa (X. strumarium). Bên cạnh đó, các thảo luận chuyên sâu về một số vấn đề có giá trị và khả năng phát triển cho nghiên cứu trong tương lai về loại cây này cũng được đưa ra. X. strumarium, như một loại thuốc thảo dược truyền thống, đã được ứng dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm xoang mũi, nhức đầu, loét dạ dày, nổi mề đay, thấp khớp do vi khuẩn, nhiễm nấm và viêm khớp. Cho đến nay, hơn 170 hợp chất đã được phân lập và xác định cấu trúc từ X. strumarium, bao gồm các chất thuộc nhóm sesquiterpenoid, phenylpropenoid, lignanoid, coumarin, steroid, glycosid, flavonoid, thiazid, anthraquinon, naphthoquinon và các hợp chất khác. Nghiên cứu hiện đại cho thấy các chất chiết xuất và hợp chất từ ​​X. strumarium có tác dụng dược lý trên phạm vi rộng, bao gồm tác dụng chống viêm mũi dị ứng (AR), tác dụng chống khối u, tác dụng kháng viêm và giảm đau, tác dụng diệt côn trùng và chống ký sinh trùng, tác dụng chống oxy hóa, tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, tác dụng chống đái tháo đường, tác dụng hạ mỡ máu và tác dụng kháng virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo nên tập trung vào việc nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học và chứng minh cơ chế giải độc của nó, đồng thời nên thiết lập các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng hợp lý hơn đối với X. strumarium.

Đỗ Hồng Mạnh

2

Y HỌC DÂN TC, TÁC DỤNG DƯỢC LÝ VÀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Yaseen Khan và cs

International Journal of Scientific & Engineering Research. 2020 Jul; 11(7): 587

Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium) là một cây thuốc phổ biến thuộc họ Cúc. Loài này phân bố rộng rãi ở Bắc Mỹ và Nam Á. Đây là loài thực vật chiếm ưu thế ở khu vực phía nam Trung Quốc và khu vực phía bắc Pakistan. Thông thường, nó mọc vào mùa xuân, các bộ phận của cây như lá, rễ, thân và hạt được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh khác nhau như bạch tạng, động kinh, tăng tiết nước bọt, sốt rét, thấp khớp, lao, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nổi mề đay, viêm khớp dạng thấp, táo bón, tiêu chảy, bệnh phong, đau thắt lưng, ngứa, nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Dược liệu này chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học khác nhau bao gồm protein, carbohydrat, phenol, tannin, flavonoid, saponin, sesquiterpen, lacton, glycosid và polysterol. Nghiên cứu này cung cấp mô tả thực vật, thành phần hóa học và tác dụng dược lý của X. strumarium. Hơn nữa, các tác dụng kháng khuẩn, kháng ung thư, trị ho, kháng nấm, kháng viêm, giảm đau, hạ đường huyết, ức chế phân bào, chống oxy hóa, chống ký sinh trùng trypanosoma, diệt côn trùng và diệt cỏ đã được tổng hợp. Bài tổng hợp này hướng vào các đặc tính dược lý và hóa thực vật của X. strumarium. Bài báo này sẽ làm cơ sở cho việc tìm hiểu và khai thác thêm X. strumarium.

Đỗ Hồng Mạnh

3

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.) VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH CHỐNG SỐT RÉT IN VITRO

Ranjan K. Sahoo và cs

South African Journal of Botany. 2020 Dec; 135: 35−40

Sốt rét là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu và tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người mỗi năm, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.), được sử dụng trong y học cổ truyền để chữa bệnh sốt rét ở Đông Bắc Ấn Độ. Phân lập các phân đoạn có hoạt tính đã thu được năm hợp chất từ ​​phần trên mặt đất và quả ké đầu ngựa (Xanthium strumarium), cụ thể là, stigmasta-5,22-dien-3β-ol (1), xanthinosin (2), stigmasterol-3-O-β-D-glucopyranosid (3), acid oleic (4) và (E)-2,3-dihydroxypropyl-octadec-9-enoat (5). Tác dụng chống sốt rét của các hợp chất phân lập được đánh giá trên chủng Plasmodium falciparum 3D7 bằng phương pháp xét nghiệm ức chế trưởng thành thể phân liệt (schizont maturation inhibition). Cấu trúc của các hợp chất phân lập được thiết lập bằng phổ HR-MS, NMR và so sánh từ các dữ liệu trước đây. Hợp chất 23 thể hiện đặc tính chống sốt rét đáng kể trên chủng P. falciparum 3D7 với giá trị IC50 lần lượt là 27,25 và 7,14 μM. Hoạt tính chống sốt rét của xanthinosin (2) và stigmasterol-3-O-β-D-glucopyranosid (3) củng cố thêm ứng dụng của X. strumarium chống lại bệnh sốt rét và do đó cung cấp cơ sở để phát triển các phân tử chống sốt rét. Theo luật về thuốc và mỹ phẩm của Ấn Độ, với năm hợp chất được xác định có hoạt tính ức chế P. falciparum, ké đầu ngựa (X. strumarium) cũng có giá trị trong phát triển thuốc dược liệu chống sốt rét (1940, sửa đổi ngày 31 tháng 12 năm 2016).

Đỗ Hồng Mạnh

4

TÁC DỤNG CHỐNG TAN MÁU, CHỐNG PEROXY HÓA LIPID, CHỐNG OXY HÓA VÀ ĐỘC TÍNH CẤP CỦA CAO CHIẾT LÁ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM)

Guemmaz và cs

Research & Review in Biology. 2018; 24(3): 1-12

Nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá tác dụng chống oxy hóa in vitroin vivo của các cao chiết khác nhau từ lá của ké đầu ngựa (Xanthium strumarium). Hàm lượng polyphenol và flavonoid trong tất cả các dịch chiết được xác định bằng phương pháp quang phổ, khả năng chống oxy hóa và quét gốc tự do của các cao chiết được thử nghiệm bằng các thử nghiệm dọn gốc tự do DPPH, đánh giá năng lực khử, khả năng làm mất màu β-caroten và xét nghiệm chống tan máu. Ngoài ra, hoạt tính chống oxy hóa in vivo của ba nồng độ cao chiết thô từ lá đã được nghiên cứu. Tác dụng chống oxy hóa của cao chiết thô đã được kiểm tra bằng thử nghiệm chống tan máu và xác định hàm lượng glutathion (GSH) và malondialdehyd (MDA) và hoạt tính catalase. Các thử nghiệm chống oxy hóa in vitro cho thấy cao chiết thô và các phân đoạn của nó có tác dụng mạnh trong việc dọn gốc DPPH và khả năng khử. Các tác dụng này giảm dần theo thứ tự sau: cao chiết ethyl acetat (EAE) > cao chiết nước (AqE) > cao chiết thô (CrE) > cao chiết cloroform (ChE). Thử nghiệm làm mất màu β-caroten cho thấy CrE có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất, tiếp theo là EAE, AqE và ChE. Tuy nhiên, thử nghiệm chống tan máu cho thấy ChE có hiệu quả nhất trong việc bảo vệ các tế bào hồng cầu, tiếp theo là EAE, AqE và CrE. Ba nồng độ của cao chiết thô từ lá đã được đánh giá tác dụng chống oxy hóa in vivo. Cụ thể tác dụng trên enzyme catalase, hàm lượng MDA và GSH đã được đánh giá. Trong các nghiên cứu này, cao chiết thô X. strumarium cho thấy khả năng ức chế mạnh quá trình peroxy hóa lipid. Như vậy cao chiết X. strumarium có hàm lượng phenolic cao và có khả năng chống oxy hóa in vitroin vivo mạnh. Các cao chiết này an toàn và không gây độc. Những phát hiện này minh chứng cho việc sử dụng truyền thống cây ké đầu ngựa như một phương thuốc chống viêm.

Nguyễn Trà My - Trần Anh Quang

5

CÁC HỢP CHẤT DỄ BAY HƠI, TÁC DỤNG CẢM NHIỄM VÀ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA CỦA TINH DẦU LÁ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM) AI CẬP: BẰNG CHỨNG TỪ PHÂN TÍCH Chemometric

El-Gawad. A. A và cs

Molecules. 2019 Feb; 24(3): 584

Tinh dầu (EO) của lá ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L. họ: Asteraceae) được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, sau đó phân tích bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Đã xác định được bốn mươi ba hợp chất. Các sesquiterpenoid chiếm thành phần chính (72,4%), bao gồm sesquiterpen có oxy (61,78%) và không có oxy (10,62%), tiếp theo là monoterpen (25,19%). Các diterpenoid và hydrocarbon có oxy được xác định là các hợp chất phụ. Các thành phần chính của EO là 1,5-dimethyltetralin (14,27%), eudesmol (10,60%), l-borneol (6,59%), ledene alcohol (6,46%), (-)-caryophyllene oxid (5,36%), isolongifolen, 7,8-dehydro-8α-hydroxy (5,06%), L-bornyl acetat (3,77%) và aristolen epoxid (3,58%). Một phân tích so sánh giữa EO của X. strumarium Ai Cập và những EO từ Pakistan, Iran và Brazil đã được báo cáo trước đây dựa trên các công cụ chemometric như phân tích thành phần chính (PCA) và phân cụm phân cấp (AHC). EO của X. strumarium thể hiện hoạt tính dọn gốc tư do DPPH yếu với IC50 là 321,93 µL/L, tương đương với chứng dương acid ascorbic. Tuy nhiên, EO có khả năng ức chế cảm nhiễm (allelopathic) đáng kể sự nảy mầm và phát triển của cây Đơn kim (Bidens pilosa), là loài cỏ dại gây hại, phụ thuộc vào nồng độ. Do đó, cần nghiên cứu thêm để ứng dụng EO từ X. strumarium như một loại thuốc diệt cỏ sinh học xanh - thân thiện với môi trường, chống lại cỏ dại, cũng như xác định cơ chế tác dụng của chúng.

Nguyễn Trà My- Lê Thị Phương- Phạm Hải Long

6

NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA QUẢ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM) VÀ TÁC DỤNG GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA CHÚNG

Xu Xiang-Wei và cs

Journal of Natural Medicines. 2022 Mar; 76(2): 468-475

Tám triterpen năm vòng bao gồm hai triterpen mới (1, 2 ) đã được phân lập từ quả ké đầu ngựa (Xanthium strumarium). Cấu trúc các hợp chất được xác định bằng phân tích phổ. Tất cả các chất phân lập được đánh giá hoạt tính độc tế bào in vitro trên các dòng tế bào ung thư HepG2, A549, HCT116 và SW480. Trong số đó, hợp chất mới 2 được phát hiện có hoạt tính gây độc đáng kể trên các dòng tế bào ung thư A549, HCT116 và SW480 với giá trị IC50 lần lượt là 9,68, 4,27 và 7,58 μM. Hơn nữa, hợp chất 2 đã được chọn để phân tích chu kỳ tế bào và kết quả cho thấy hợp chất này có thể gây ngừng chu kỳ tế bào của HCT116 ở pha G1. Ngoài ra, thử nghiệm nhuộm Annexin V-FITC/PI cho thấy hợp chất 2 có thể gây chết các tế bào HCT116.

Nguyễn Trà My

7

TÁC DỤNG GÂY APOPTOSIS CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM) THÔNG QUA CON ĐƯỜNG PI3K/AKT/MTOR TRONG UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO GAN

Kim Juyoung và cs

Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine. 2019 Nov; 1-13

Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium (XS)) theo y học cổ truyền được sử dụng như một loại thảo dược để điều trị các bệnh viêm, chẳng hạn như viêm ruột thừa, viêm phế quản mãn tính, thấp khớp và viêm mũi. Nghiên cứu này đã đánh giá khả năng ức chế sự tiến triển của ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) của các cao chiết ethanol từ XS và cơ chế liên quan. Các cao chiết XS-5 và XS-6 ức chế phụ thuộc vào liều trên sự phát triển và tăng sinh của dòng tế bào HCC. Tác dụng gây apoptosis của chúng được ghi nhận thông qua mức tăng của caspase-3 và PARP đã bị phân cắt, cũng như làm tăng số lượng tế bào bị apoptosis được đánh giá qua phương pháp TUNEL (TdT-mediated dUTP-biotin nick end labeling). XS-5 và XS-6 cũng làm giảm biểu hiện XIAP và Mcl-1 thông qua mất chức năng màng ty thể. Ngoài ra, XS-5 và XS-6 ức chế sự xâm lấn và di chuyển của các tế bào HCC. Trên mô hình ex vivo , các cao chiết ức chế đáng kể sự phát triển của tế bào khối u và gây apoptosis bằng cách tăng biểu hiện của caspase-3 đã bị phân cắt. Một nghiên cứu cơ chế cho thấy XS-5 và XS-6 ức chế hiệu quả các con đường truyền tín hiệu PI3K/AKT/mTOR trong tế bào HCC. Tóm lại, những phát hiện của nghiên cứu chứng minh rằng cao chiết XS không chỉ gây apoptosis hiệu quả mà còn ức chế sự tăng sinh, di cư và xâm lấn của tế bào HCC bằng cách chặn con đường PI3K/AKT/mTOR. Nghiên cứu đã đề xuất XS-5 và XS-6 là các tác nhân tự nhiên mới chống HCC.

Nguyễn Trà My- Đỗ Thị Thùy Linh

8

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA TINH DẦU KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Javad Sharifi-Rad và cs

Molecules. 2015 Apr; 20(4): 7034-7047

Thành phần hóa học của tinh dầu ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) đã được nghiên cứu bằng phương pháp GC-MS. Tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu đã được thử nghiệm chống lại các vi khuẩn Gram-dương, Gram-âm và nấm. Tác dụng diệt sán đã được thử nghiệm chống lại ấu trùng sán dây Echinococcus granulosus. Tổng cộng, 34 hợp chất đã được xác định, chiếm 98,96% của tinh dầu. Các hợp chất chính trong tinh dầu là cis-β-guaien (34,2%), limonen (20,3%), borneol (11,6%), bornyl acetat (4,5%), β-cubeben (3,8%), sabinen (3,6%), phytol (3,1%), β-selinen (2,8%), camphen (2,2%), α-cubeben (2,4%), β-caryophyllen (1,9%), α-pinen (1,8%) và xanthinin (1,04%). Kết quả sàng lọc tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm của tinh dầu cho thấy tất cả các nồng độ được thử nghiệm đều ức chế đáng kể sự phát triển của Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, Candida albicansAspergillus niger (MIC = 0,5 ± 0,1; 1,3 ± 0,0; 4,8 ± 0,0; 20,5 ± 0,3; 55,2 ± 0,0 và 34,3 ± 0,0 µg/mL, tương ứng). Thử nghiệm diệt sán chỉ ra rằng tinh dầu có hoạt tính chống lại ấu trùng của E. granulosus điển hình. Theo tổng quan các công bố liên quan, đây là báo cáo đầu tiên về tác dụng diệt sán của X. strumarium. Do sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh, việc nghiên cứu các tác nhân hóa trị liệu mới có hiệu quả từ tự nhiên, chẳng hạn như tinh dầu từ X. strumarium, với ít tác dụng phụ, đại diện cho một cách tiếp cận rất hứa hẹn trong nghiên cứu y sinh.

Nguyễn Mạnh Khoa

9

XÁC ĐỊNH BA KIỂU SINH THÁI HỌC–HÓA HỌC CỦA LÔNG TUYẾN XANTHIUM STRUMARIUM BẰNG PHƯƠNG PHÁP KẾT HỢP NMR VÀ LC-MS

Fangfang Chen và cs

PLoS ONE. 2013 Oct; 8(10): e76621

Các xanthanolid, thuộc nhóm sesquiterpen lacton, được báo cáo là thành phần chính tạo nên các đặc tính dược lý của loài X. strumarium L. Các nghiên cứu về thành phần hóa học cho thấy các cấu trúc tuyến trên bề mặt mô thực vật sẽ là các vị trí chính để tích lũy nhóm hợp chất này. Là giao diện giữa thực vật và kẻ thù tự nhiên, lông tuyến có thể thay đổi loại hợp chất được tiết ra để chống lại các loài động vật ăn cỏ khác nhau trong các hệ sinh thái khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dữ liệu nào về đặc điểm hóa học của các tế bào tuyến của ké đầu ngựa X. strumarium. Trong nghiên cứu này, dịch tiết từ lông tuyến của loài X. strumarium có nguồn gốc từ mười chín khu vực khác nhau thuộc mười một tỉnh ở Trung Quốc đã được phân tích bằng phương pháp HPLC, LC-ESI-MS và NMR. Lần đầu tiên, ba kiểu hóa học khác biệt của lông tuyến X. strumarium đã được phát hiện cùng với các đánh giá định tính và định lượng về sự hiện diện của các xanthanolid; được đặt tên là các loại tế bào tuyến I, II và III, tương ứng. Các xanthanolid chính trong tế bào loại I là 8-epi-xanthatin và xanthumin trong khi không phát hiện thấy xanthatin. Xanthatin, 8-epi-xanthatin và xanthumin chiếm ưu thế trong các tế bào loại II với mức độ tương đương của từng hợp chất. Đối với các tế bào loại III, nồng độ 8-epi-xanthatin hoặc xanthinosin cao hơn đáng kể (so với xanthatin) đã được phát hiện, với xanthinosin chỉ được quan sát thấy ở loại III này. Nghiên sâu hơn sẽ tập trung vào việc tìm hiểu cơ chế sinh thái và phân tử gây ra sự khác biệt kiểu hóa học này trong các cấu trúc tuyến của X. strumarium.

Nguyễn Mạnh Khoa

10

XÁC ĐỊNH CÁC CHẤT ỨC CHẾ ĐẶC HIỆU TYROSINASE TỪ CHIẾT XUẤT QUẢ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM) BẰNG PHƯƠNG PHÁP SIÊU LỌC-SẮC KÝ LỎNG HIỆU NĂNG CAO

Zhiqiang Wang và cs

Journal of Chromatography B. 2015 Oct; 1002: 319-328

Trong nghiên cứu này, một phương pháp dựa trên siêu lọc-sắc ký lỏng hiệu năng cao kết hợp với đầu dò mảng diode (UF-HPLC-DAD) đã được đề xuất để sàng lọc các chất ức chế đặc hiệu tyrosinase trong quả ké đầu ngựa. Các kết quả âm tính giả được phân biệt bằng cách tối ưu hóa các thông số UF-HPLC-DAD để giảm nhiễu nền; các kết quả dương tính giả được phân biệt bằng cách sử dụng một chất ức chế trong nhóm đối chứng để so sánh. Để tìm chất ức chế tốt nhất, các thí nghiệm so sánh đã được thực hiện bằng cách sử dụng các chất đã biết khác nhau. Sử dụng phương pháp này, ba chất ức chế cạnh tranh (acid protocatechuic; acid 3,5-di-O-caffeoylquinic; và acid 1,5-di-O-caffeoylquinic) và một chất ức chế kiểu hỗn hợp (acid chlorogenic) đã được xác định. Các kết quả này đã được xác minh bằng cách sử dụng thử nghiệm ức chế tyrosinase, phân tích động học, và mô phỏng cấu trúc của phức hợp. Kết quả thực nghiệm này đề xuất giải pháp hữu ích cho việc xác định thông lượng cao các chất ức chế đặc hiệu tyrosinase trong các sản phẩm tự nhiên.

Nguyễn Mạnh Khoa

11

SESQUITERPEN LACTON TỰ NHIÊN LÀ NGUỒN CUNG CẤP CÁC ỨNG CỬ VIÊN DIỆT NẤM MỚI: THAY ĐỔI CẤU TRÚC VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH KHÁNG NẤM CỦA XANTHATIN CHIẾT XUẤT TỪ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Chun Yang và cs

Journal of Agricultural and Food Chemistry. 2023 Jul; 71(29): 11239-11251

Trong nỗ lực liên tục nhằm khám phá các ứng viên diệt nấm nông nghiệp mới từ các sesquiterpen lacton tự nhiên, trong nghiên cứu hiện tại, sáu mươi ba dẫn xuất của xanthatin chứa nhân arylpyrazol, arylimin, thio-acylamino, oxim, oxim ether, hoặc oxim ester đã được tổng hợp. Cấu trúc của chúng được xác định bằng cộng hưởng từ hạt nhân 1H and 13C và phổ khối phân giải cao, trong khi cấu hình tuyệt đối của các hợp chất 5′6a được xác định thêm bằng nhiễu xạ tia X đơn tinh thể. Trong khi đó, các hoạt tính kháng nấm của các hợp chất tổng hợp chống lại một số loại nấm gây bệnh thực vật đã được nghiên cứu bằng phương pháp nảy mầm bào tử và phương pháp tốc độ tăng trưởng sợi nấm in vitro. Kết quả thử nghiệm cho thấy các hợp chất 5, 5′ 15 có tác dụng ức chế rất cao đối với các bào tử nấm được thử nghiệm và có tác dụng ức chế đáng kể đối với sợi nấm. Các hợp chất 55′ thể hiện tác dụng ức chế mạnh hơn (IC50 = 1,1 và 24,8 μg/mL, tương ứng) đối với bào tử của Botrytis cinerea so với hợp chất xanthatin (IC50 = 37,6 μg/mL), trong đó tác dụng kháng nấm của hợp chất 5 cao hơn 34 lần so với xanthatin và cao hơn 71 lần so với đối chứng dương, difenoconazole (IC50= 78,5 μg/mL). Đáng chú ý, hợp chất 6′a cũng thể hiện tác dụng ức chế phổ rộng đối với bốn loại bào tử nấm thử nghiệm. Trong khi đó, các hợp chất 2, 5, 815 cho tác dụng ức chế nổi bật đối với thể sợi của nấm Cytospora mandshurica với các giá trị EC50 lần lượt là 2,3; 11,7; 11,1 và 3,0 μg/mL, trong khi giá trị EC50 của xanthatin là 14,8 μg/mL. Ngoài ra, các hợp chất 5′15 cho thấy hiệu quả điều trị in vivo và bảo vệ tốt chống lại B. cinerea với các giá trị lần lượt là 55,4 và 62,8%. Phân tích sơ bộ mối tương quan cấu trúc-hoạt tính cho thấy đoạn cấu trúc oxim, oxim ether, hoặc oxim ester tại vị trí C-4 của xanthatin hoặc một nguyên tử Clo tại vị trí C-3 của xanthatin có thể mang lại lợi ích đáng kể cho tác dụng kháng nấm. Tóm lại, kết quả chỉ ra rằng một số dẫn xuất của xanthatin từ nghiên cứu này có thể được xem xét để khám phá thêm như các cấu trúc dẫn tiềm năng để phát triển các ứng viên diệt nấm mới cho bảo vệ cây trồng.

Nguyễn Mạnh Khoa

12

HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÁC CHIẾT XUẤT BẰNG CHƯNG CẤT LÔI CUỐN HƠI NƯỚC VÀ CHIẾT SIÊU TỚI HẠN TỪ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Scherer. R và cs.

Journal of Essential Oil Research. 2010 Sep; 22(5): 424-429

Các hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa cũng như thành phần của tinh dầu và của chiết xuất siêu tới hạn (SFE) của lá ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) đã được nghiên cứu. Hiệu suất tốt nhất được quan sát thấy ở phương pháp SFE. Thành phần của dịch chiết thu được bằng SFE và bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước có rất ít sự khác biệt về chất, nhưng chúng khác nhau về mặt định lượng. Tinh dầu chứa hàm lượng β-guaiene cao (79,6%) trong khi các hợp chất chính ở chiết xuất SFE là hợp chất không xác định được với chỉ số Kovats là 2303 và xanthinin. Các chiết xuất X. strumarium bằng cả 2 phương pháp đều thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh chống lại Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Salmonella thyphimurium, Pseudomonas aeruginosaClostridium perfringens, tuy nhiên không quan sát thấy sự khác biệt về hoạt tính giữa chúng. Các chiết xuất X. strumarium thu được bằng 2 phương pháp đều có hoạt tính chống oxy hóa kém.

Trần Anh Quang

13

TỐI ƯU HÓA ĐIỀU KIỆN CHIẾT VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA, ỨC CHẾ α-GLUCOSIDASE VÀ KHÁNG KHUẨN CỦA QUẢ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Amol Subhash Ingawale và cs

Biocatalysis and Agricultural Biotechnology. 2018 Apr; 14: 40–47

Trong nghiên cứu này, quả ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) đã được chiết xuất và sản phẩm thu được được phân tích về tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống đái tháo đường. Ảnh hưởng của dung môi (methanol), thời gian chiết và tỷ lệ khối lượng mẫu/dung môi đến hàm lượng phenolic tổng (TPC), hoạt tính quét gốc tự do 1,1-diphenyl-1-picryl-hydrazyl-hydrat (DPPH) và khả năng chống oxy hóa khử sắt (FRAP) ) đã được nghiên cứu. Kết quả chỉ ra rằng nồng độ methanol tối ưu, thời gian chiết và tỷ lệ rắn/dung môi lần lượt là 60%, 30 phút và 1:5. Các giá trị TPC, DPPH và FRAP tương ứng lần lượt là 12,1 mg GAE/g mẫu, 72,5% và 92,6 μM Fe (II)/g mẫu. Nồng độ methanol và tỷ lệ khối lượng mẫu/dung môi được cho là có ảnh hưởng đáng kể đến giá trị TPC, DPPH và FRAP. Mặt khác, chiết xuất từ ​​​​quả ké đầu ngựa đã thể hiện tác dụng kháng khuẩn chống lại Staphyloccocus aureus và Streptococcus agalactiae. Khi thử nghiệm tiềm năng chống đái tháo đường, cao chiết thể hiện tác dụng ức chế α-glucosidase mạnh với giá trị IC50 là 15,25 µg/ml. Các phép đo điện hóa được cho là hữu ích trong việc xác định hàm lượng cũng như tính chất oxi hóa khử của các hợp chất chiết được. Các kết quả này có thể có tầm quan trọng đáng kể đối với các ứng dụng công nghiệp của chiết xuất ké đầu ngựa trong các loại thuốc mới có nguồn gốc từ thực vật hoặc thực phẩm chức năng.

Lê Thị Phương

14

TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA IN VITRO VÀ HẠ LIPID MÁU CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

N. B. Sridharamurthy và cs

Current Trends in Biotechnology and Pharmacy. 2011 Jul; 5(3): 1362-1371

Trong nghiên cứu này, cao chiết ​​chloroform và cồn của ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) đã được đánh giá về hoạt tính chống oxy hóa in vitro và hạ lipid máu bằng nhiều phương pháp khác nhau như: năng lực khử tổng, hoạt tính dập tắt các gốc tự do như 1,2-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH), superoxid, nitric oxid và hydrogen peroxid. Tỷ lệ phần trăm dập tắt các gốc tự do khác nhau được so sánh với các chất chống oxy hóa tiêu chuẩn như acid ascorbic và butylat hydroxyl toluene (BHT). Các cao chiết cũng được đánh giá về tác dụng hạ lipid máu trên mô hình gây tăng lipid máu ở chuột cống trắng chủng Swiss albino bằng Triton WR-1339 (iso-octyl polyoxyethylen phenol) bằng cách đánh giá nồng độ trong huyết thanh của triglyceride, lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL), cholesterol, lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL). Hoạt tính chống oxy hóa đáng kể đã được ghi nhận trong tất cả các phương pháp thử, nồng độ cholesterol giảm đáng kể ở thời điểm 6 và 24 giờ (P < 0,01) và ở thời điểm 48 giờ (P < 0,05). Có sự giảm đáng kể (P <0,01) triglycerid ở thời điểm 6, 24 và 48 giờ. VLDL cũng giảm đáng kể (P<0,05) sau 24 giờ và giảm tối đa (P <0,01) sau 48 giờ. Có sự gia tăng HDL đáng kể (P <0,01) ở thời điểm 6, 24 và 48 giờ. Từ kết quả này; rõ ràng là cao chiết cồn và chloroform của X. strumarium có thể làm giảm cholesterol, triglycerid, LDL và VLDL trong huyết tương và tăng HDL trong huyết tương một cách hiệu quả.

Trần Anh Quang

15

ẢNH HƯỞNG CỦA KỸ THUẬT CHIẾT VÀ CÁC THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẾN THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA CHIẾT XUẤT KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM SPINOSUM L)

Octavia Gligor và cs

Plants. 2023 Dec; 12(1): 96

Mục đích của nghiên cứu này là xác định những ảnh hưởng có thể có của các phương pháp chiết xuất cũng như các thông số chiết xuất lên dữ liệu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của chiết xuất ké đầu ngựa (Xanthium spinosum L.). Các phương pháp chiết xuất được lựa chọn như sau: phương pháp chiết cổ điển, ngấm kiệt và chiết Soxhlet; phương pháp chiết xuất cải tiến, chiết xuất turbo, chiết xuất hỗ trợ siêu âm và kết hợp cả hai phương pháp turbo và siêu âm. Các dịch chiết được tiến hành phân tích hàm lượng polyphenol tổng số và flavonoid bằng phương pháp quang phổ. Thành phần hóa học được xác định đối với các dịch chiết có hiệu suất cao nhất bằng phương pháp HPLC-MS. Các dịch chiết tiếp tục được phân loại theo các dữ liệu mới thu được. Hoạt tính sinh học như tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm đã được đánh giá, cũng như khả năng giảm stress oxy hóa, trên mô hình gây viêm ở chuột cống Wistar. Các kết quả thu được với chiết Soxhlet và chiết hỗ trợ siêu âm là tương đương nhau, cả hai đều vượt trội hơn tất cả các phương pháp đã thử nghiệm khác về hiệu suất. Nồng độ hoạt chất có xu hướng tăng theo thời gian và nhiệt độ chiết xuất tăng. Các giá trị cực đại này giảm xuống khi đạt đến điểm phân hủy của các hoạt chất. Các dịch chiết đã được chứng minh có khả năng kháng lại các vi khuẩn Gram âm. Ngoài ra, các dịch chiết còn thể hiện khả năng bảo vệ tế bào tốt trước tổn thương oxy hóa và tăng khả năng chống oxy hóa nội sinh khi phân tích trên dịch đồng thể mô gan bàn chân chuột bị viêm.

Lê Thị Phương

16

HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP CHIẾT XUẤT HỢP CHẤT PHENOLIC TỪ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.) VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA

Scherer. R. và cs

Revista Brasileira de Plantas Medicinais. 2014 Mar; 16(1): 41-46

Ảnh hưởng của phương pháp chiết xuất và dung môi đến hiệu suất, hàm lượng phenolic tổng, hoạt tính chống oxy hóa và thành phần của các hợp chất phenolic trong chiết xuất ké đầu ngựa (Xanthium strumarium) đã được nghiên cứu. Hoạt tính chống oxy hóa được xác định bằng phương pháp dọn gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH), và thành phần của các hợp chất phenolic được xác định bằng HPLC-DAD và LC/MS. Tất cả các kết quả về hoạt tính chống oxy hóa đều bị ảnh hưởng bởi phương pháp chiết xuất, đặc biệt là dung môi được sử dụng và kết quả tốt nhất thu được với chiết xuất methanol. Chiết xuất methanol và ethanol thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh và acid chlorogenic và acid ferulic là các hợp chất phenolic hiện diện nhiều nhất trong các chiết xuất.

Lê Thị Phương

17

CHIẾT XUẤT PHÂN ĐOẠN HƯỚNG HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM, GIẢM ĐAU THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

T. Han và cs

Phytomedicine. 2007 Dec; 4(12): 825-829

Mục đích của nghiên cứu này là phân đoạn chiết xuất của ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L. (EXS)) và nghiên cứu hoạt tính chống viêm và giảm đau của cao tổng và các phân đoạn. Chiết xuất ethanol của X. strumarium (EXS) được phân đoạn dựa trên độ phân cực. Trong số các phân đoạn khác nhau, phân đoạn n-butanol thể hiện hoạt tính chống viêm cao nhất trong thử nghiệm gây phù tai chuột bằng dầu croton và làm giảm số lần đau quặn bụng ở chuột gây bởi acid acetic theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Điều này chỉ ra rằng phân đoạn n-butanol của X. strumarium có tác dụng giảm đau mạnh liên quan đến tác dụng chống viêm. Phân lập theo định hướng hoạt tính sinh học cao chiết EXS đã dẫn đến việc phân lập và xác định được mười dẫn xuất của acid caffeoylquinic và ba dị vòng bằng HPLC–DAD–MSn từ phân đoạn n-butanol, cho thấy các hoạt chất có bản chất phân cực. Các dẫn xuất của acid caffeoylquinic được phân lập có thể giải thích một phần tác dụng giảm đau của phân đoạn cao chiết phân cực của X. strumarium.

Lê Thị Phương

18

XANTHATIN VÀ XANTHINOSIN TỪ QUẢ CÂY KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.) TÁC NHÂN CHỐNG UNG THƯ TIỀM NĂNG

Irving Ramírez-Erosa và cs

Canadian Journal of Physiology and Pharmacology. 2007 Nov; 85(11): 1160-72

Xanthatin và xanthinosin, 2 sesquiterpen lacton được phân lập từ quả cây ké đầu ngựa (Xanthiun strumarium L.), thể hiện hoạt tính gây độc tế bào in vitro từ trung bình đến cao ở các dòng tế bào ung thư ở người như WiDr ATCC (ung thư ruột kết), MDA-MB-231 ATCC (ung thư vú) và NCI-417 (ung thư phổi). Xanthatin và xanthinosin được tinh chế là kết quả của một nghiên cứu sàng lọc theo định hướng hoạt tính sinh học của nhiều loài thực vật hoang dã thuộc họ Cúc, được thu thập từ nhiều địa điểm khác nhau ở Saskatchewan, Canada. Bảy mươi lăm chiết xuất ở một nồng độ duy nhất là 100 μg/mL đã được đánh giá về độc tính tế bào in vitro đối với các dòng tế bào ung thư người. Chiết xuất chloroform của các bộ phận trên mặt đất của Carduus nutans L. (cây Kế gật gù) (IC50, 9,3 μg/mL) và chiết xuất n-hexan của rễ cây Echinacea angustifolia DC. (Cúc nón tím lá hẹp) (IC50, 4,0 μg/mL) có độc tính trung bình đến cao đối với dòng tế bào ung thư phổi. Chiết xuất chloroform của quả cây ké đầu ngựa (X. strumarium L.) và các bộ phận trên mặt đất của Tanacetum vulgare L. (cây cúc vạn thọ) thể hiện độc tính tế bào cao nhất đối với tất cả các dòng tế bào được thử nghiệm; giá trị IC50 của chúng, thu được từ thử nghiệm đa liều, dao động từ 0,1 đến 6,2 μg/mL (X. strumarium) và từ 2,4 đến 9,1 μg/mL (T. vulgare). Việc tinh chế thêm phân đoạn chloroform của X. strumarium thu được xanthatin và xanthinosin với hiệu suất cao. Đây là lần đầu tiên các hợp chất này được báo cáo trong quả của X. strumarium. Giá trị IC50 của chúng cũng được báo cáo bài báo này.

Lê Thị Phương

19

TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA CỦA CHIẾT XUẤT ​​KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM) – MỘT LOẠI CÂY THUỐC Ở VƯƠNG QUỐC LESOTHO

Manoharan Karuppiah Pillai và cs

International Journal of Plant Based Pharmaceuticals. 2023 May; 3(1):114-122

Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) có nhiều tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác dụng chống oxy hóa và xác định hàm lượng phenolic (TPC) tổng và hàm lượng flavonoid (TFC) tổng của các phân đoạn n-hexan, chloroform, ethyl acetat, aceton, methanol và nước chiết xuất từ ​​lá và vỏ thân của X. strumarium. Các kỹ thuật ngâm và chiết xuất dung môi nóng đã được sử dụng để thu được nhiều loại chiết xuất với các dung môi khác nhau. Các thử nghiệm dọn gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) và năng lực khử sắt đã được sử dụng để đánh giá hoạt tính chống oxy hóa. Các phương pháp đo màu Folin-Ciocalteu và nhôm clorid đã được sử dụng để xác định TPC và TFC tương ứng. Chiết xuất từ ​​lá và vỏ thân thể hiện tác dụng dọn gốc tự do trong khoảng 18,06 ± 0,3-185,67 ± 11,54% và 9,13 ± 0,54-84,18 ± 0,92%, tương ứng ở khoảng nồng độ 200-3000 µg/ml. Đối chứng dương, acid ascorbic, có tác dụng dọn gốc tự do trong khoảng 56,64 ± 1,26-88,98 ± 0,31% ở khoảng nồng độ 200-3000 µg/ml. Ngoài ra, giá trị IC50 của tất cả các chiết xuất này đã được xác định. Chiết xuất n-hexan và chloroform từ cả lá và vỏ thân và chiết xuất methanol từ lá được phát hiện là những chiết xuất có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất với giá trị IC50 < 200 µg/ml. Giá trị IC50 của đối chứng dương, acid ascorbic được xác định là < 200 µg/ml. Hơn nữa, trong thử nghiệm khả năng khử sắt, chiết xuất ethyl acetat từ cả lá và vỏ thân đều thể hiện năng lực khử sắt cao nhất là 0,996 ± 0,101 và 0,947 ± 0,018 ở nồng độ 100 µg/ml. Ngoài ra, chiết xuất methanol từ lá có TPC cao nhất là 133,41 ± 3,23 mg GAE/g cao chiết, tiếp theo là chiết xuất methanol từ vỏ thân và chiết xuất aceton từ lá với TPC lần lượt là 121,21 ± 3,14 và 118,01 ± 1,85 mg GAE/g cao chiết. Tương tự như vậy, chiết xuất methanol từ lá cũng được xác định có TFC cao nhất là 20,61 ± 1,81 mg QE/g cao chiết, tiếp theo là chiết xuất methanol từ vỏ thân với TFC là 14,90 ± 1,18 mg QE/g cao chiết. Từ nghiên cứu này, có thể kết luận rằng các chiết xuất khác nhau thu được từ lá và vỏ thân của X. strumarium thể hiện hoạt tính dọn gốc tự do và khả năng khử sắt từ trung bình đến mạnh và chứa một lượng đáng kể TPC và TFC.

 

Phạm Hải Long

20

THÀNH PHẦN HÓA HỌC THEO UPLC-ESI-MS\MS CỦA CÁC PHÂN ĐOẠN N-BUTANOL, CHLOROFORM VÀ HEXAN TỪ CHIẾT XUẤT QUẢ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM)

Mohammed A. Ezghayer và cs.

Biomedical & Pharmacology Journal. 2024 Jun; 17(2): 1035-1043

Công trình này nhằm mục đích khảo sát thành phần hóa học của các phân đoạn khác nhau của chiết xuất quả ké đầu ngựa (Xanthium strumarium) vì loại cây này được phát hiện là có độc đối với cả người và động vật ở Iraq. Các chiết xuất được sàng lọc thành phần hóa thực vật chỉ ra sự xuất hiện của các nhóm chất flavonoid, alkaloid, phenol, coumarin, saponin, tannin và terpenoid. Sau khi chiết xuất, quá trình phân đoạn được thực hiện bằng cách sử dụng n-hexan, chloroform và n-butanol tương ứng và phương pháp UPLC ghép nối với detector phổ khối ion hóa phun mù điện tử (UPLC-ESI-MS\MS) đã được sử dụng để xác định các thành phần hóa học có trong từng phân đoạn,  kết quả đã phát hiện ra sự hiện diện của sáu hợp chất sterol và terpen trong phân đoạn n-hexan, chín hợp chất đã được phát hiện trong phân đoạn chloroform, trong đó 2-acetyl-atractyligenin và artemisinin là thành phần chính và lần đầu tiên đã được phát hiện trong quả ké đầu ngựa. Ngoài ra, pungiolid C, dihydroartemisinin và atractylenolid II cũng lần đầu tiên được phát hiện trong ké đầu ngựa. Đối với phân đoạn n-butanol, tám glycosid diterpen đã được nhận dạng, với atractylosid và carboxyatractylosid và các dẫn xuất khử sulfat của chúng là những hợp chất chính gây ra độc tính cho cây. Phân đoạn butanol cũng cho thấy sự hiện diện của tám hợp chất phenolic, trong đó các dẫn xuất acid caffeoylquinic và flavonoid syringetin là những hợp chất chính trong phân đoạn này.

Phạm Anh Minh

21

HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Anjana Devkota và cs.

Journal of Natural History Museum. 2015; 29: 70-77

Hoạt tính kháng khuẩn của ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L., Asteraceae) được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Chiết xuất nước và methanol từ lá cây đã được chuẩn bị. Hoạt tính kháng khuẩn của các chiết xuất đã được nghiên cứu trên sáu loại vi khuẩn gây bệnh, ba chủng vi khuẩn Gram âm: Klebsiella pneumoniae (ATCC 15380), Proteus mirabilis (ATCC 49132), Escherichia coli (ATCC 25922) và ba chủng vi khuẩn Gram dương: Bacillus subtilis (ATCC 6633), Enterococcus faecalis (ATCC 29212), Staphylococcus aureus (ATCC 25932) ở các nồng độ khác nhau (50 mg/ml, 100 mg/ml, 150 mg/ml, 200 mg/ml, 250 mg/ml). Sàng lọc hóa thực vật cho thấy sự hiện diện của terpenoid, saponin, flavonoid, tannin và alcaloid. Hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất được xác định bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch và đo vùng ức chế (ZOI). Vi khuẩn Gram âm được phát hiện có khả năng kháng thuốc cao hơn vi khuẩn Gram dương. Vi khuẩn nhạy cảm nhất là S. aureus trong khi vi khuẩn đề kháng nhất là E. coli. Chiết xuất methanol được phát hiện có hiệu quả hơn chiết xuất nước. Những phát hiện này cho thấy chiết xuất thu được từ lá của X. strumurium có tiềm năng diệt khuẩn sinh học, có thể phù hợp để phát triển thành tác nhân kháng khuẩn.

Phạm Anh Minh

22

HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN VÀ DIỆT GIUN SÁN CỦA CHIẾT XUẤT KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM) (HỌ CÚC, ASTERACEAE)

V. V. Zazharskyi và cs.

Regulatory Mechanisms in Biosystem. 2024 Feb; 15(1): 129-133

Các loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae) được sử dụng rộng rãi để chống lại các vi sinh vật gây bệnh cho người và động vật, mặc dù cho đến nay tiềm năng của chúng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Trong một thí nghiệm in vitro, nghiên cứu đã thử nghiệm các chiết xuất ethanol, ethyl ether và dimethyl sulfoxid từ quả, lá, chồi và rễ của ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) về tác dụng của chúng đối với 13 chủng vi khuẩn và ấu trùng của 3 loài tuyến trùng. Các vùng ức chế khuẩn lạc sinh trưởng rộng hơn 8 mm của chiết xuất ethanol từ quả đã được ghi nhận đối với 11 chủng vi khuẩn: Enterobacter cloacae, Klebsiella pneumonia ssp. rhinoscleromatis, K. pneumonia ssp. ozaenae, K. aerogenes, Salmonella enterica, Escherichia coli, Morganella morganii, Enterococcus faecalis, E. faecium, Staphylococcus aureusBacillus subtilis. Chiết xuất ethanol từ lá ức chế sự tăng trưởng của các khuẩn lạc của 10 chủng vi khuẩn: E. cloacae, K. pneumonia ssp. rhinoscleromatis, K. pneumonia ssp. ozaenae, S. enterica, E. coli, Proteus vulgaris, E. faecalis, E. faecium, S. aureusB. subtilis. Chiết xuất ethanol từ thân cây ức chế sự phát triển của các khuẩn lạc chỉ có 6 loại vi khuẩn: K. aerogenes, E. cloacae, P. vulgaris, E. faecium, S. aureusB. subtilis. Chiết xuất ethanol từ rễ ức chế sự phát triển của 10 loại vi khuẩn: E. cloacae, K. pneumonia ssp. rhinoscleromatis, K. pneumonia ssp. ozaenae, K. aerogenes, S. enterica, E. coli, Pseudomonas aeruginosa, E. faecalis, E. faeciumS. aureus. Các chiết xuất ethyl ether và dimethyl sulfoxid từ ​​quả, lá, thân và rễ của X. strumarium không thể hiện hoạt tính chống ký sinh trùng hoặc đặc tính diệt giun sán đối với ấu trùng của các loài giun tròn Strongyloides papillosus, Haemonchus contortusMuellerius capillaris.

Phạm Anh Minh

23

CÁC CYTOKININ TRONG KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.): SỰ PHÂN BỐ TRONG CÂY VÀ SỰ SẢN XUẤT TRONG HỆ THỐNG RỄ

I. E. Henson và cs.

Journal of Experimental Botany. 1976 Dec; 27(6): 1268–1278

Cytokinin từ phiến lá, chồi, cuống lá, thân, rễ và dịch tiết rễ của cây ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) trưởng thành đã được chiết xuất, phân đoạn và định tính một phần bằng phương pháp sắc ký cột Sephadex LH20. Hai pic của hoạt tính cytokinin với thể tích rửa giải tương ứng với zeatin và zeatin ribosid đã được phát hiện, ở nồng độ khác nhau, trong tất cả các bộ phận của cây. Một cytokinin thứ ba, chỉ được phát hiện trong cuống lá và trong lá đang nở và trưởng thành, được rửa giải khỏi cột Sephadex trước zeatin riboside. Cytokinin này (đỉnh ‘a’) được chuyển thành zeatin hoặc thành cytokinin giống zeatin sau khi thủy phân bằng acid và xử lý bằng β-glucosidase. Đỉnh ‘a’ không được phát hiện trong chồi hoặc ở những lá non đang phát triển nhưng là cytokinin chiếm ưu thế có trong những lá đã nở một nửa và lá trưởng thành hơn. Ngược lại, đỉnh zeatin giống ribosid (đỉnh ‘b’) tạo nên cytokinin chính trong dịch tiết rễ, chồi đỉnh và những lá non đang phát triển, trong khi không đóng góp nhiều vào hàm lượng cytokinin của lá trưởng thành. Hệ thống rễ bị cắt ngọn đã được chứng minh là có khả năng sản xuất cytokinin. Sự phân bố của các cytokinin trong cây được thảo luận liên quan đến nguồn gốc của chúng trong hệ thống rễ.

Phạm Hải Long

24

 VỀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ VÀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)

Amina Sultana và cs.

Fuuast Journal of Biology. 2019 Dec; 9(2): 271-276

Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium Linn.) là một trong những loại thảo mộc có giá trị về mặt y học thuộc chi Xanthium của họ Cúc (Compositeae). Cây này mọc khắp Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Âu Á và cả ở Châu Mỹ. Tên thương mại là Cocklebur và Chotadhatura trong khi thường được gọi là Chotagokhru. Phân tích thành phần hóa học đã làm rõ sự hiện diện của nhiều nhóm hợp chất hữu cơ chủ yếu là các terpen, sesquiterpen, lacton, flavonoid, alkaloid, quinin, phenol, phytosterol, acid hữu cơ, acid ascorbic, acid amin và protein. Các cao chiết bằng dung môi hữu cơ đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, dị ứng, sốt, sốt rét, tiêu chảy, táo bón, ho, đau đầu, bệnh lao và vết côn trùng cắn. Các tác dụng dược lý này là do sự hiện diện của các thành phần hoạt chất như carboxyatractylosid (hạ đường huyết), caffeoylquinat và acid caffeic (chống tăng đường huyết), xanthumin (kháng khuẩn), xanthinin (chống sốt rét), acid caffeoylquinic (chống viêm), xanthatin, các xanthanolid sesquiterpen (chống khối u) và các terpene (chống oxy hóa). Bên cạnh đó, X. strumarium có khả năng tích tụ kim loại nặng từ đất. Do đó, có thể cân nhắc trồng gần các khu công nghiệp để cải tạo môi trường sống bằng thực vật. Nghiên cứu này được thực hiện để khám phá thành phần hóa học và tác dụng dược lý của ké đầu ngựa như một tác nhân chữa bệnh nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục phân lập và định lượng các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe con người.

Phạm Hải Long

25

PHÂN LẬP VÀ XÁC ĐỊNH CẤU TRÚC CÁC HỢP CHẤT TỪ KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUMi)

D. P. Pandey và  cs.

International Journal of ChemTech Research. 2012 Jan; 4(1): 266-271

Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L. (họ Cúc)) là một loại thảo mộc hàng năm được tìm thấy trên khắp Ấn Độ. Toàn bộ cây, đặc biệt là rễ và quả, được sử dụng làm thuốc. Theo Ayurveda, X. strumarium có tác dụng làm mát, nhuận tràng, làm béo, tẩy giun, làm long đờm, bổ, tiêu hóa, hạ sốt và cải thiện cảm giác thèm ăn, giọng nói, sắc da và trí nhớ. X. strumarium chữa bệnh bạch tạng, bệnh tăng tiết mật, động kinh, tăng tiết nước bọt, sốt và vết côn trùng cắn có độc. Các loài Xanthium đã được báo cáo là có hoạt tính chống viêm, giảm đau, chống loét và chống oxy hóa. Phân đoạn ethyl acetat (8,03 g) và chiết xuất methanol (12,5 g) được phân lập trên sắc ký cột Si-gel và sephadex LH20 thu được acid caffeic, xanthiazon và xanthiazone-(2-O-caffeoyl)-β-D-glucopyranosid. Việc xác định các hợp chất này được thực hiện bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp phổ NMR 1D và 2D, khối lượng, UV và IR và các phương pháp hóa học.

Đỗ Thị Thùy Linh

26

CÁC FLAVONOID GLYCOSID MỚI TỪ CÂY KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM) CÓ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ PTP1B

Pei-Jing Jiang  và cs.

Journal of Asian Natural Products Research. 2022 Jan; 24(1): 45-51

Hai flavonoid glycosid mới là 6-hydroxy-3-methoxy-apigenin 7-O-α-ʟ-rhamnopyranosid (1) và 3-hydroxyl-apigenin 8-C-β-ᴅ-xylopyranosid (2), cùng với năm hợp chất đã biết (3-7), đã được phân lập từ cây Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium). Cấu trúc của chúng được xác định trên cơ sở phân tích quang phổ và hóa lý. Các hợp chất được đánh giá hoạt tính ức chế đối với protein tyrosine phosphatase 1B (PTP1B) in vitro. Trong số đó, hợp chất 1 và 5 cho hoạt tính ức chế PTP1B đáng kể với giá trị IC50 lần lượt là 11,3 ± 1,7 và 8,9 ± 0,7 μM.

Nguyễn Thị Nụ

27

PHÂN ĐOẠN PHENOLIC CỦA LÁ CÂY KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.), HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA IN-VITRO VÀ TIỀM NĂNG CHỐNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG IN-VIVO

Asma Shaheen và cs.

Frontiers in Chemistry. 2023 Nov; 11: 1279729

Giới thiệu: Mục tiêu của nghiên cứu là sử dụng các dung môi để thu được phân đoạn chứa hợp chất phenolic từ lá cây ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) và đánh giá tác dụng chống oxy hóa và hoạt tính chống đái tháo đường in-vivo trên chuột bị đái tháo đường do Alloxan monohydrat gây ra.

Phương pháp: Với mục tiêu trên, lá cây ké đầu ngựa được lắc phân đoạn với ete dầu, ethyl acetat, ethanol và nước và kiểm tra sự có mặt của phenolic cũng như hoạt tính chống oxy hóa và tiềm năng chống đái tháo đường của các phân đoạn thu được.

Kết quả và thảo luận: Kết quả cho thấy cao chiết phân đoạn ethyl acetat của lá cây ké đầu ngựa chứa lượng phenolic tổng số cao nhất là 95,25 mg GAE/g, tiếp theo là cao chiết ethanol (65,14 mg GAE/g), cao chiết ete dầu (25,12 mg GAE/g), nước (12,20 mg GAE/g) và bột Ké đầu ngựa (69,13 mg GAE/g). Vào cuối thời gian điều trị (ngày 18 uống 400 mg cao chiết/kg trọng lượng cơ thể của chuột), cao chiết phân đoạn ethyl acetat làm giảm đáng kể (p ≤ 0,05) lượng đường trong máu (353 ± 10,6 đến 220 ± 25,5 mg/dL) có thể là do nồng độ nhóm chất phenolic trong phân đoạn này cao.

Kết luận: Nhìn chung, dung môi ethyl acetat và ethanol có thể được dùng để chiết xuất cao chiết lá cây ké đầu ngựa giàu phenolic mà không ảnh hưởng tới tác dụng chống đái tháo đường của nó.

                        Nguyễn Thị Nụ

28

SO SÁNH HÌNH THÁI, QUANG HỢP VÀ SINH TRƯỞNG GIỮA HAI LOÀI KÉ ĐẦU NGỰU (XANTHIUM STRUMARIUM), XANTHIUM SIBIRICUM VÀ CÂY LAI CỦA CHÚNG Ở CÁC MỨC NITƠ (N) KHÁC NHAU.

Chenyang Xue và cs.

Biodiversity Science 2018. 26 (6): 554.

Sự lai tạo giữa các giống mới di thực và giống bản địa có thể thay đổi khả năng thích ứng của giống mới di thực. Để nghiên cứu xác định liệu sự lai tạo này có thể thúc đẩy sự thích ứng của thực vật hay không, các tác giả đã thực hiện một thí nghiệm trong chậu để so sánh hình thái, quang hợp và sự phát triển của hai loài cây ké đầu ngựa di thực (Xanthium strumarium) và loài bản địa X. sibiricum, cùng cây lai của chúng (X. strumarium♀ × X. sibiricum♂) dưới ba mức độ nitơ (N), bao gồm: thấp, trung bình và cao. Tổng sinh khối của cây lai nhỏ hơn so với X. strumarium nhưng lớn hơn so với X. sibiricum ở mức N trung bình và cao. Tuy nhiên, đường kính thân của cây lai lớn hơn đáng kể so với các cây bố mẹ ở mức N thấp, tổng hàm lượng diệp lục và tốc độ thoát hơi nước của cây lai cao hơn đáng kể so với X. strumarium ở mức N cao, và tốc độ tăng trưởng tương đối của cây lai cao hơn so với hai loài cây bố mẹ ở mức N thấp và cao. Hơn nữa, chiều cao cây của loài X. strumarium thấp hơn đáng kể so với X. sibiricum ở cả ba mức N, nhưng chiều cao cây của cây lai không khác biệt đáng kể so với loài X. sibiricum ở mức N trung bình và cao. Những đặc điểm này có thể cải thiện khả năng của cây lai để hiểu biết và sử dụng, điều này không chỉ giúp cây lai thích nghi với môi trường dinh dưỡng kém mà còn có thể giúp cải thiện lợi thế của nó trong điều kiện thuận lợi. Tốc độ tăng trưởng cao hơn của giống lai có thể liên quan đến sự xâm lấn của X. strumarium.

Trần Văn Thắng

29

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG ĐẾN SỰ NẢY MẦM CỦA HẠT GIỐNG KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.): Ý NGHĨA ĐỐI VỚI QUẢN LÝ

Saeed A và cs.

PLoS One. 2020. 15. Số (10):e0241601

Xanthium strumarium L. (Cây ké đầu ngựa) là một loại cỏ dại độc hại phổ biến trong các hệ sinh thái khác nhau trên toàn thế giới. Nó gây ra tổn thất đáng kể về năng suất và kinh tế trong các hệ thống canh tác khác nhau trên toàn cầu. Quản lý thành công bất kỳ loài cỏ dại nào phụ thuộc vào kiến thức vững chắc về khả năng nảy mầm của hạt giống. Tuy nhiên, kiến thức chi tiết về khả năng nảy mầm đối với loài Xanthium strumarium L. vẫn còn thiếu. Do đó, các tác giả đã điều tra tác động của các yếu tố môi trường khác nhau lên sự nảy mầm của hạt và độ sâu chôn hạt lên sự mọc mầm của hai quần thể X. strumarium. Tác động của các liều lượng phủ rơm khác nhau (0–10 tấn/ha) lên sự mọc mầm của các quần thể được thử nghiệm cũng được tiến hành. Sự nảy mầm của hạt được đánh giá dưới các chu kỳ ánh sáng khác nhau (0, 12 và 24 giờ), nhiệt độ không đổi (0–50°C với bước tăng 5°C), và các mức độ pH khác nhau (3–12), độ mặn (0–600 mM) và độ thẩm thấu (0 đến -1,6 MPa). Sự nảy mầm của cây con được quan sát đối với các hạt được chôn ở các độ sâu khác nhau (0–15 cm). Hạt của cả hai quần thể đều không nhạy cảm với ánh sáng; tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm cao hơn được ghi nhận dưới chu kỳ ánh sáng 12 giờ. Hạt nảy mầm trong một phạm vi rộng của nhiệt độ không đổi (10–45°C), pH (4–10), độ thẩm thấu (0 đến -0,8 MPa) và mức độ mặn (0–400 mM NaCl). Tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm cao nhất được quan sát ở nhiệt độ 30–31°C và pH trung tính (7,51–7,52). Hạt có thể chịu được độ mặn 400 mM và độ thẩm thấu -1,00 MPa. Sự nảy mầm của cây con ban đầu được cải thiện với độ sâu chôn tăng lên và sau đó giảm mạnh đối với các hạt được chôn sâu hơn 3 cm. Hầu hết các hạt của cả hai quần thể không mọc mầm từ độ sâu hơn 8 cm. Các liều lượng phủ rơm khác nhau làm giảm sự mọc mầm của các quần thể được thử nghiệm, và việc áp dụng 5,83–5,89 tấn/ha phủ rơm đã giảm 50% sự nảy mầm của cây con. Sự nảy mầm của cây con hoàn toàn bị ngăn chặn với 8 tấn/ha phủ rơm. Các quần thể được thử nghiệm nảy mầm dưới các điều kiện môi trường đa dạng cho thấy rằng loài này có thể trở nên phức tạp hơn trong các môi trường sống cận biên và đất canh tác. Chôn sâu hạt và áp dụng phủ rơm đã ngăn chặn sự nảy mầm của cây con. Do đó, chôn sâu hạt sau đó cày nông và áp dụng phủ rơm có thể được sử dụng như một chiến lược thành công để quản lý loài này trong các cánh đồng nông nghiệp. Tuy nhiên, các chiến lược quản lý cần phải được tiếp tục phát triển để kiểm soát loài này trong các môi trường sống khác.

Nguyễn Bá Hưng

30

ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC SỬ DỤNG NIKEN ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÂY KÉ ĐẦU NGỰA

Eren A.

Applied Ecology & Environmental Research2019,17(2):2005-2013

 Ngày nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do kim loại nặng gây ra đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là ở những nơi công nghiệp phát triển nhanh chóng, và đất bị ô nhiễm rất nghiêm trọng và nguy hiểm ở mức độ cao. Trong nghiên cứu này, cây ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) được trồng trong đất bị nhiễm nickel (Ni) (0, 50, 100, 200 và 400 mg Ni kg-1) dưới điều kiện nhà kính trong 6 tuần được nghiên cứu về khả năng hấp thụ và tích lũy Ni của cây. Các cây được xử lý Ni được so sánh với cây đối chứng (0 mg Ni kg-1). Kết quả của sự so sánh này cho thấy, mức độ chlorophyll của lá già và lá non, trọng lượng khô, glutathione giảm (GSH), nồng độ các chất dinh dưỡng đa lượng như nitrogen (N), phosphor (P), potassium (K), calcium (Ca) và magnesium (Mg) và nồng độ các chất dinh dưỡng vi lượng như sắt (Fe), kẽm (Zn) và mangan (Mn) của cây đều giảm, trong khi nồng độ Ni và đồng (Cu) tăng lên cùng với các liều lượng Ni được sử dụng. Kết quả cũng cho thấy cây ké đầu ngựa được nghiên cứu (Xanthium strumarium L.) có thể được sử dụng để làm sạch đất bị nhiễm Ni và phù hợp cho quá trình loại bỏ ô nhiễm.

Phan Thị Lâm

31

ẢNH HƯỞNG CỦA Ô NHIỄM DIESEL ĐẾN SỰ NẢY NẦM VÀ SINH TRƯỞNG CỦA LOÀI KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM)

Dib D và cs.

International Journal of Phytoremediation. 2020. 22 (3):236-240.

Trong nghiên cứu này, các tác động của ô nhiễm nhiên liệu diesel lên hạt cây ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) đã được nghiên cứu. Năm mức độ ô nhiễm đã được thử nghiệm (0 g, 2,5 g, 5 g, 7,5 g và 10 g diesel trên 100 g giá thể). Sự nảy mầm chỉ giảm đáng kể ở mức 7,5 g và 10 g diesel và tỷ lệ nảy mầm cao nhất (97%) được ghi nhận ở mức 5 g diesel. Ô nhiễm diesel gây ra sự giảm đáng kể chiều dài chồi, nhưng sự suy giảm bắt đầu trở nên nghiêm trọng ở mức 7,5 g diesel. Chiều dài rễ không bị ảnh hưởng nhiều bởi ô nhiễm nhiên liệu diesel, rễ ngắn nhất (12,89 cm) được quan sát ở nhóm đối chứng và rễ dài nhất (19,92 cm) ở mức 5 g diesel. Hạt Xanthium strumarium nảy mầm thành công ở các mức độ ô nhiễm khác nhau, chiều dài rễ dường như không bị ảnh hưởng bởi các mức độ ô nhiễm nhiên liệu diesel và chiều dài chồi chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các mức độ ô nhiễm cao. Do đó, nhóm tác giả có thể đề xuất loài cây này như một ứng viên tiềm năng cho quá trình xử lý ô nhiễm tại các khu vực bị ô nhiễm diesel. Hơn nữa, kết quả có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về dặc điểm của cây ké đầu ngựa cũng như khả năng nảy mầm và phát triển của cây trong các điều kiện đất khác nhau.

Tô Thị Ngân - Lô Đức Việt

32

TIỀM NĂNG CẢI TẠO ĐẤT BẰNG CÁC GIỐNG LAI GIỮA LOÀI KÉ ĐẦU NGỰA NGOẠI LAI (XANTHIUM STRUMARIUM) VỚI LOÀI KÉ ĐẦU NGỰA BẢN ĐỊA (XANTHIUM SIBIRICUM) TRONG XỬ LÝ ĐẤT NHIỄM CADDMIUM

Xue C và cs.

International Journal of Phytoremediation. 2022;24(12):1292-1230.

Các loài thực vật ngoại lai có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi đất bị ô nhiễm kim loại nặng. Nghiên cứu này đã đánh giá khả năng chống chịu và khả năng hấp thụ cadmium (Cd) của ZCR (CR♀ × LT♂), các giống lai của Xanthium strumarium (LT, loài ngoại lai) và X. sibiricum (CR, loài bản địa), và các loài bố mẹ dưới các mức xử lý Cd khác nhau (0, 10, 40 và 80 mg·kg−1). Kết quả cho thấy các giống lai, khả năng chống chịu Cd được cải thiện đáng kể. Dưới áp lực Cd, sinh khối của ZCR tăng trung bình hơn 50% so với CR. Hơn nữa, các giống lai cho thấy khả năng vận chuyển Cd từ rễ lên thân cây đáng kể hơn. Hàm lượng Cd trong thân cây của ZCR tăng lần lượt 128,33%, 147,22% và 252,63% khi được xử lý với 10, 40 và 80 mg·kg−1 Cd. ZCR lưu trữ hơn 70% Cd trong lá rụng, do đó giảm tác động độc hại của Cd lên quá trình quang hợp và tăng trưởng. Kết quả cho thấy ZCR có khả năng chống chịu và tích lũy Cd khá tích cực. Các giống lai của Xanthium strumarium và loài bản địa X. sibiricum có thể khắc phục ô nhiễm Cd trong đất.

Tô Thị Ngân

33

BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ BỆNH NẤM MỐC TRÊN XANTHIUM STRUMARIUM L. Ở TRIPURA, ĐÔNG BẮC ẤN ĐỘ

Kumar V và cs.

Journal of Mycopathological Research. 2023, 61(2):271-272.

Mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ mắc bệnh phấn trắng trên cây ké đầu ngựa (Xanthium strumarium) được báo cáo là cao nhất (20-25% và 60-65% tương ứng) vào tháng 1 năm 2022. Những kết quả quan sát được dưới kính hiển vi cho thấy bệnh phấn trắng trên cây ké đầu ngựa do nấm Podosphaera xanthii gây ra. Loại nấm gây bệnh này cũng được báo cáo gây bệnh phấn trắng trên các cây ké đầu ngựa tại khu vực cận nhiệt đới và ôn đới của Ấn Độ và thế giới. Tuy nhiên, bệnh phấn trắng trên cây ké đầu ngựa lần đầu tiên được báo cáo từ bang Tripura của Ấn Độ.

Tô Thị Ngân

34

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA TINH DẦU TỪ XANTHIUM STRUMARIUM L.

Sharifi-Rad J và cs.

Molecule. 2015. 20. (4):7034-47.

Thành phần hóa học của tinh dầu (EO) từ lá cây ké đầu ngựa tươi (Xanthium strumarium L.) đã được nghiên cứu bằng hệ thống GC-MS. Hoạt tính kháng khuẩn của EO đã được thử nghiệm chống lại vi khuẩn Gram dương và Gram âm và nấm. Hoạt tính diệt khuẩn đã được thử nghiệm chống lại các protoscolices của Echinococcus granulosus. Tổng cộng, 34 hợp chất đã được xác định, chiếm 98,96% EO. Các hợp chất chính trong EO là cis-β-guaien (34,2%), limonen (20,3%), borneol (11,6%), bornyl acetat (4,5%), β-cubeben (3,8%), sabinen (3,6%), phytol (3,1%), β-selinen (2,8%), camphen (2,2%), α-cubeben (2,4%), β-caryophyllen (1,9%), α-pinen (1,8%) và xanthinin (1,04%). Sàng lọc kháng khuẩn và kháng nấm của EO cho thấy tất cả các nồng độ thử nghiệm đều ức chế đáng kể sự phát triển của Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, Candida albicansAspergillus niger (MIC = 0,5 ± 0,1, 1,3 ± 0,0, 4,8 ± 0,0, 20,5 ± 0,3, 55,2 ± 0,0 và 34,3 ± 0,0 µg/mL, tương ứng). Thử nghiệm diệt khuẩn cũng cho thấy EO có hoạt tính đáng kể chống lại các protoscolices của E. granulosus. Theo hiểu biết của các tác giả, đây là báo cáo đầu tiên về hoạt tính diệt khuẩn của X. strumarium. Do sự xuất hiện của kháng thuốc kháng khuẩn, nghiên cứu các tác nhân hóa trị liệu tự nhiên mới hiệu quả, chẳng hạn như tinh dầu từ X. strumarium, có thể có ít tác dụng phụ, đại diện cho một phương pháp rất hứa hẹn trong nghiên cứu y sinh.

Đức Việt

35

LƯỢC SỬ KHẢO CỔ CỦA LOÀI KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM L.)  TẠI UKRAINE

Gorbanenko S

Interdiscip Archaeol. 2020. 11(2):177-182.

Nghiên cứu tập trung thu thập và hệ thống dữ liệu về các phát hiện đối với loài ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) từ các địa điểm khảo cổ ở Ukraine ngày nay. Phát hiện đầu tiên đến từ các tàn dư bị than hoá được phát hiện vào giữa thế kỷ 20 tại pháo đài Bilsk. Hai phát hiện khác được đại diện bởi các vết tích trên các sản phẩm đất sét. Việc phát hiện ra chúng là kết quả của một cuộc kiểm tra đồ gốm đến từ các địa điểm của người Scythia. Phát hiện cuối cùng đến từ một địa điểm ở Rus cổ đại: trong một lượng lớn vật liệu dạng quả cháy thành than đã được tìm thấy ở đó. Lãnh thổ Ukraine ngày nay  nằm ở giao lộ của các tuyến đường bộ và đường thủy Á-Âu. Những phát hiện được trình bày rất quan trọng trong việc khôi phục lịch sử xuất hiện của loài ké đầu ngựa ở châu Âu

Nguyễn Khương Duy

36

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC CHẾ ĐỘ BÓN PHÂN ĐẠM KHÁC NHAU ĐẾN NĂNG SUẤT DẦU VÀ HÀM LƯỢNG ACID BÉO CỦA CÂY KÉ ĐẦU NGỰA (XANTHIUM STRUMARIUM)

Cesur C và cs.

Advance in Food Sciene. 2017. 39:44-47.

Hạt của cây ké đầu ngựa (Xanthium strumarium) là một nguồn phụ trợ cung cấp dầu và chất béo nhờ vào hàm lượng lipid cao. Mục tiêu của nghiên của này nhằm tìm ra ảnh hưởng của chế độ bón phân đạm (N) (bao gồm: phân urea (U), ammonium sulphate (AS) và ammonium nitrate (AN)) đối với hàm lượng dầu và acid béo có trong tinh dầu hạt ké đầu ngựa. Việc bón phân đạm được ghi nhận là có ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng dầu và các hợp chất axit béo trong cây ké đầu ngựa. Các mẫu được xử lý với U20 (urea 200 kg ha-1) có hàm lượng dầu cao nhất. Trong khi đó, hàm lượng dầu của các mẫu khác cho thấy các giá trị tương đương. Hạt X. strumarium chứa khoảng 90% axit béo không bão hòa. Axit linoleic là axit béo phong phú nhất (khoảng 70% tổng số axit béo), tiếp theo là axit oleic (khoảng 19%). Ngoại trừ các mẫu AN20 và AS10, các mẫu khác cho thấy sự tương đồng trong hồ sơ axit béo trong đó axit linoleic và axit oleic là các axit béo chính. Các mẫu AN20 và AS10 có giá trị axit oleic cao hơn, trong khi axit linoleic có hàm lượng thấp hơn trong các mẫu này.

Nguyễn Xuân Khánh

37

TÁC ĐỘNG XÂM LẤN CỦA XANTHIUM STRUMARIUM L. ĐẾN ĐA DẠNG THỰC VẬT CÓ MẠCH Ở VÙNG POTHWAR (PAKISTAN)

Qureshi H và cs.

Annali di Botanica. 2019.  9:73-82.

Các nghiên cứu về tác động của thực vật ngoại lai giúp hiểu rõ mức độ xâm lấn sinh học. Nhiều phân tích về các thông số đa dạng tại các địa điểm khác nhau cho phép giải thích chung về tác động đến sự đa dạng và phong phú của loài trong quần xã thực vật. Nghiên cứu này đánh giá tác động của sự xâm lấn của Xanthium strumarium đến sự đa dạng thực vật bản địa ở vùng Pothwar của Pakistan. Cách tiếp cận được sử dụng để nghiên cứu là lấy mẫu ngẫu nhiên với hai yếu tố phân loại: các ô bị xâm lấn và không bị xâm lấn trong cùng điều kiện môi trường sống. Sự khác biệt về tần số loài (N), độ phong phú của loài (R), độ đồng đều (J'), chỉ số đa dạng Shannon (H') và chỉ số thống trị Simpson (λ) được so sánh giữa các ô xâm lấn và kiểm soát bằng chuỗi t-test. Các ô kiểm soát chứa trung bình nhiều hơn 1,3 loài/10m². Danh mục kiểm soát đa dạng hơn (H’=2.00) so với danh mục bị xâm lấn (H’=1.82). Các ô không bị xâm lấn cho thấy sự phong phú về thực vật cao hơn so với các ô bị xâm lấn. Ở quy mô đa biến, sắp xếp (nMDS) và ANOSIM cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các ô bị xâm lấn và ô kiểm soát. Sự giảm chỉ số đa dạng ở các địa điểm bị xâm chiếm trên các địa điểm kiểm soát cho thấy các quần thể thực vật trở nên kém đa dạng sinh học hơn do sự xâm lấn của Xanthium strumarium. Điều này làm cho X. strumarium trở thành đối tượng được cân nhắc áp dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp.

Đoàn Thị Huyền Trang

38

XANTHIUM STRUMARIUM L. LOÀI NGOẠI LAI XÂM LẤN Ở KHYBER PAKHTUNKHWA (PAKISTAN): CÔNG CỤ GIÁM SÁT SINH HỌC VÀ ĐÁNH GIÁ RỦI RO MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC CHẤT Ô NHIỄM KIM LOẠI NẶNG

Ullah R, Khan N

Arabian Journal for Science and Engineering. 2022 47(1). DOI:10.1007/s13369-021-05839-6.

Trong nghiên cứu này, X. strumarium L., một loài xâm lấn ngoại lai, được sử dụng lần đầu tiên như một chất giám sát sinh học của các kim loại nặng được chọn (Pb, Cd, Zn và Cu) ở Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Các mẫu đất và cây được thu thập từ 15 địa điểm được phân loại là đường, đô thị và nông thôn dựa trên nguồn gốc và cường độ của các kim loại nặng để so sánh. Tất cả các nồng độ kim loại được định lượng từ các mẫu đã tiêu hóa bằng axit sử dụng máy quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS) để đạt được kết quả chính xác và đáng tin cậy. Như dự đoán, các tác giả đã tìm thấy xu hướng giảm dần nồng độ kim loại nặng trong đất và cây từ các khu vực đường đến các khu vực kiểm soát nông thôn (theo thứ tự là đường > đô thị > nông thôn). Phân tích tương quan Pearson được thực hiện để khám phá nguồn gốc của các chất ô nhiễm kim loại nặng. Các tác giả đã phát hiện ra rằng, các phương tiện giao thông đường bộ và khí thải từ các nhà máy luyện kim là các yếu tố chính, tiếp theo là các nguồn nhân tạo như nước thải công nghiệp và sinh hoạt và các nhà máy nghiền. Xét đến độc tính môi trường của các kim loại nặng, nồng độ Cd vượt quá giới hạn cho phép do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị, cho phép chúng tôi cảnh báo cư dân về các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe. Công trình này cho thấy rằng X. strumarium xuất hiện như một chỉ thị sinh học phù hợp dựa trên khả năng tích lũy kim loại mạnh mẽ của nó. Tương tự, nghiên cứu kết luận rằng, các loài xâm lấn khác cũng có thể được sử dụng để giám sát sinh học nhằm cải thiện hiểu biết của chúng ta về chất lượng môi trường một cách có lợi hơn trong khu vực.

Đoàn Thị Huyền Trang

39

ĐÁNH GIÁ NGẮN GỌN VỀ HÓA THỰC VẬT HỌC VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA XANTHIUM STRUMARIUM L.

Amina Sultana và cs.

FUUAST Journal of Biology. 2019.9.(2):359.

Xanthium strumarium Linn. là một trong những loại thảo dược có giá trị y học thuộc chi Xanthium của họ Compositeae. Cây này xuất hiện khắp Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Âu Á và cả ở Mỹ. Tên thương mại là Cocklebur và Chotadhatura, trong khi tên thông thường là Chotagokhru. Phân tích hóa học đã làm nổi bật sự tồn tại của các lớp hợp chất hữu cơ khác nhau, chủ yếu là terpen, sesquiterpen, lacton, flavonoid, alkaloid, quinine, phenol, phytosterol, axit hữu cơ, axit ascorbic, axit amin và protein. Chiết xuất từ cây trong dung môi hữu cơ đã được sử dụng trong y học truyền thống để điều trị nhiễm khuẩn và nấm, dị ứng, sốt, sốt rét, tiêu chảy, táo bón, ho, đau đầu, lao và côn trùng cắn. Những đặc tính y học này là do sự hiện diện của các thành phần dược lý như carboxyatractylosid (hạ đường huyết), caffeoylquinat và axit caffeic (chống tăng đường huyết), xanthumin (chống vi khuẩn), xanthinin (chống sốt rét), axit caffeoylquinic (chống viêm), xanthatin, sesquiterpen xanthanolid (chống khối u) và terpen (chống oxy hóa). Ngoài ra, X. strumarium có khả năng tích lũy kim loại nặng từ đất. Do đó, X. strumarium có thể được xem xét để trồng gần các khu vực công nghiệp để phục hồi môi trường. Bài đánh giá này được thực hiện để khám phá các hợp chất hóa học và đặc tính dược lý nhằm thu thập các đặc tính biến đổi của nó như một tác nhân y học, khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục phân lập và định lượng các hợp chất hóa học từ thực vật có lợi cho sức khỏe con người.

Hán Đức Lương

40

TỔNG QUAN VỀ CÔNG DỤNG TRUYỀN THỐNG, THỰC VẬT HỌC, HÓA THỰC VẬT, DƯỢC LÝ HỌC, DƯỢC ĐỘNG HỌC VÀ ĐỘC TÍNH HỌC CỦA XANTHIUM STRUMARIUM L.

Fan W và cs.

Molecules. 2019. 24.  (2):359.

Xanthium strumarium L. (Asteraceae)) là một loại thuốc thảo dược truyền thống phổ biến và nổi tiếng của Trung Quốc thường được gọi là Cang-Er-Zi, và đã được sử dụng trong hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Mục đích của nghiên cứu này là  quá trình nghiên cứu hiện đại và cung cấp, đánh giá có hệ thống về cách sử dụng truyền thống, thực vật học, hóa thực vật, dược lý, dược động học và độc tính của loài ké đầu ngựa (X. strumarium). Hơn nữa, một thảo luận sâu về một số vấn đề có giá trị và khả năng phát triển cho nghiên cứu trong tương lai về loại cây này cũng được đưa ra. X. strumarium là một loại thuốc thảo dược truyền thống, đã được ứng dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh, chẳng hạn như viêm mũi, viêm xoang mũi, đau đầu, loét dạ dày, nổi mề đay, thấp khớp do vi khuẩn, nhiễm nấm và viêm khớp. Cho đến nay, hơn 170 hợp chất hóa học đã được phân lập và xác định từ X. strumarium, bao gồm sesquiterpenoid, phenylpropenoid, lignanoid, coumarin, steroid, glycosid, flavonoid, thiazid, anthraquinon, naphthoquinon và các hợp chất khác. Nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng các chiết xuất và hợp chất từ X. strumarium có tác dụng dược lý rộng, bao gồm tác dụng chống viêm mũi dị ứng (AR), tác dụng chống khối u, tác dụng chống viêm và giảm đau, tác dụng diệt côn trùng và ký sinh trùng, tác dụng chống oxy hóa, tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, tác dụng chống tiểu đường, tác dụng chống lipid máu và tác dụng kháng vi-rút. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn nên tập trung vào việc đánh giá các hợp chất hoạt tính sinh học và chứng minh cơ chế giải độc của nó và các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng hợp lý hơn đối với X. strumarium cũng nên được tiếp tục thực hiện trong tương lai.

Vàng Dùng Thề

41

ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC DIỆT CỎ NICOSULFURON VÀ BENTAZON ĐẾN HIỆU SUẤT QUANG HỢP CỦA LOÀI XANTHIUM STRUMARIUM L.

Hassannejad S.

Environmental and Sustainability Indicators. 2020. 6. Doi.org/10.1016/j.indic.2020.100026.

Để đánh giá tác động của thuốc diệt cỏ bentazon và nicosulfuron lên bộ máy quang hợp của cây ké đầu ngựa ( X. strumarium) trong điều kiện nhà kính, phương pháp huỳnh quang diệp lục (ChlF) đã được nghiên cứu ở các khoảng thời gian 1, 2, 3 và 4 ngày sau khi xử lý với thuốc diệt cỏ (DAHT). Bentazon so với nicosulfuron, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thông số ChlF và hình dạng của các đường cong OJIP đa pha vào ngày 1 DAHT. Bentazon làm giảm đáng kể hoạt động của hệ quang hợp II thông qua việc tăng huỳnh quang tối thiểu (Fo) và năng suất lượng tử tối đa của tổn thất năng lượng không quang hóa cơ bản (Fo/FM) và giảm huỳnh quang tối đa (Fm), huỳnh quang thay đổi (Fv), thời gian đạt huỳnh quang tối đa (Tfm), kích thước của nhóm plastoquinon ở phía khử của hệ thống quang hợp II (Diện tích), hiệu quả tối đa của phức hợp phân tách nước ở phía cho của hệ thống quang hợp II (Fv/Fo), hiệu suất lượng tử tối đa của hệ thống quang hợp II (Fv/Fm), thông lượng bẫy dẫn đến QA giảm trên RC (TRo/RC), thông lượng vận chuyển điện tử xa hơn Q  trên RC (ETo/RC), và dòng electron khử các chất nhận electron cuối cùng ở phía nhận của hệ quang hợp I trên mỗi RC (REo/RC). Trong hầu hết các trường hợp, tác động ức chế của bentazon lên hoạt động của hệ quang hợp II được quan sát vào ngày 1 DAHT, nhưng những tác động ức chế này bị trì hoãn bởi ứng dụng nicosulfuron. Kết luận rằng ChlF là một phương pháp nhanh chóng để nghiên cứu cơ chế hoạt động của thuốc diệt cỏ khi hoạt động của hệ quang hợp II được coi là các vị trí tác động chính trong bentazon và các vị trí tác động thứ cấp trong nicosulfuron.

Vàng Dùng Thề

 

II

THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA (L.) ROXB)

1

TÁC DỤNG GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA PHENOLIC GLYCOSID PHÂN LẬP TỪ HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA)

 

Tran Thi Hong Hanh và cs

Phytochemistry Letters. 2021; 45: 190-194

Nghiên cứu thành phần hóa học hạt thảo quyết minh (Senna tora) đã phân lập được 14 phenolic glycosid, bao gồm ba hợp chất mới, đó là sennatorosid A-C (1-3). Cấu trúc hóa học của các hợp chất phân lập được xác nhận bằng phân tích phổ khối lượng HR-ESI-QTOF, phổ NMR 1D và 2D, và phổ ECD. Trong số các hợp chất phân lập được, 1-[(1-(<β>-D-glucopyranosyl)oxy-8-hydroxy-methoxynaphthalen)-6-yl]propan-2-one (11) thể hiện hoạt tính gây độc tế bào mạnh đối với ba dòng tế bào ung thư thử nghiệm là SK-LU-1 (ung thư phổi), HepG2 (ung thư gan) và MCF-7 (ung thư vú), với giá trị IC50 lần lượt là 8,05 ± 0,28, 9,52 ± 1,20 và 8,54 ± 0,85 μM, trong khi các hợp chất 1-4, 6-9, 1214 cho thấy độc tính tế bào ở mức độ vừa phải hoặc yếu, với giá trị IC50 nằm trong khoảng 44,59 ± 5,03-98,24 ± 2,45 μM.

Đỗ Hồng Mạnh

2

XÁC ĐỊNH ĐẶC TRƯNG CÁC CHẤT CHUYỂN HÓA CỦA THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA (L.) ROXB.) BẰNG CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC NHAU

Bhavna Kabila và cs

Journal of Phytology. 2022; 14: 109-120

Nghiên cứu này nhằm khảo sát sự đa dạng của các nguyên tố, hợp chất hóa học và các nhóm chức trong toàn bộ cây, lá và hạt của thảo quyết minh. Phân tích sơ bộ thành phần hóa học đã cho thấy sự có mặt của các chất chuyển hóa thứ cấp bao gồm alkaloid, flavonoid, tannin, terpenoid, glycosid tim, phenolic, v.v. Phân tích bằng sắc ký khí và khối phổ (GC-MS) lá và hạt thảo quyết minh, Senna tora (L.) Roxb., đã cho thấy có 31 và 27 hợp chất tương ứng. Phép đo quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR) đã tiếp tục phát hiện sự hiện diện của các nhóm chức khác nhau như amin, hợp chất thơm, nhóm carboxyl, keton, v.v. liên quan đến các chất chuyển hóa khác nhau. Phép đo huỳnh quang tia X phân tán theo bước sóng (WD-XRF) đã cho thấy sự có mặt của hơn 20 nguyên tố (đa lượng và vi lượng) bao gồm Ca, Mg, Fe, K, v.v. Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ chi tiết các hợp chất hóa học và nguyên tố có mặt trong loài cây đang được nghiên cứu và chứng minh tầm quan trọng của nó trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cổ truyền.

Cù Thị Hằng

3

Đánh giá lá THẢO QUYẾT MINH (Senna tora (L.) Roxb.) như nguồn CÁC chất CÓ hoạt tính sinh học VỚI TIỀM NĂNG chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn

Md. Mashiar Rahman và cs

Heliyon. 2023; 9: e12855

Thảo quyết minh, Senna tora (L.) Roxb., là một loại thảo dược dân gian được người dân vùng nông thôn và bộ lạc ở vùng Satpura, Madhya Pradesh, Ấn Độ và tỉnh Phatthalung, Thái Lan sử dụng để điều trị bệnh thấp khớp, viêm phế quản, hắc lào, ngứa, bệnh phong, chứng khó tiêu, rối loạn chức năng gan và tim. Thảo quyết minh cũng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ. Nghiên cứu này được tiến hành để tìm hiểu tiềm năng của Thảo quyết minh với tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Sàng lọc sơ bộ thành phần hóa học (PPS) và GC-MS đã được thực hiện để xác định thành phần hóa học trong cao chiết ethyl acetat của lá thảo quyết minh (EAESTL). Hoạt tính chống oxy hóa in vitro được đánh giá bằng các thử nghiệm dọn gốc tự do DPPH và H2O2; tác dụng chống viêm in vitro được xác định bằng cách làm biến tính albumin huyết thanh bò (BSA) và ức chế tan máu hồng cầu (RBC); và tác dụng kháng khuẩn được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch. Độc tính tế bào được ước tính bằng tỷ lệ chết của ấu trùng Artemia salina, trong khi độc tính cấp được đánh giá bằng thử nghiệm cho chuột uống cao chiết. Tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn in silico được dự đoán bằng chương trình “Prediction of Activity Spectra for Substances (PASS) program” (PASS). Đặc tính dược động học liên quan đến ADME (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ) và độc tính được đánh giá dựa trên phần mềm admetSAR2 và ADMETlab2, và các đặc tính có thể trở thành thuốc được đánh giá bởi phần mềm SwissADME. Sàng lọc hóa thực vật bằng GC-MS đã phát hiện 59 hợp chất thuộc các nhóm: phenol, flavonoid, tannin, terpenoid, saponin, steroid, alkaloid, glycosid và đường khử. EAESTL thể hiện hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn phụ thuộc vào liều lượng mà không có bất kỳ tác dụng phụ hoặc biến đổi nào về trọng lượng cơ thể. Chương trình PASS dự đoán rằng các hợp chất đã xác định có hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Trong số 51 hợp chất, 16 hợp chất cho thấy đặc tính ADME tốt và 8 hợp chất đạt được các đặc tính có thể dùng làm thuốc mà không gây độc tính. Tổng cộng, bốn hợp chất thực vật, cụ thể là benzyl alcohol, 3-(hydroxy-phenyl-methyl)-2,3-dimethyl-octan-4-on, phenylethyl alcohol và 2,6,6-trimethylbicyclo [3.1.1] heptan-3-ol, cho thấy dược động học tốt và các đặc tính có thể dùng làm thuốc mà không gây độc tính, cùng với các hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Các kết quả thu được cho thấy lá Senna tora (L.) Roxb. chứa các hoạt chất có tiềm năng là các ứng viên để phát triển thành thuốc với hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn.

Trần Huyền Trang

4

KHÁM PHÁ QUÁ TRÌNH SINH TỔNG HỢP ANTHRAQUINON Ở THẢO QUYẾT MINH (Senna tora (L.) Roxb.) SENNA TORA NHỜ GIẢI MÃ BỘ GEN

Sang-Ho Kang và cs

 Nat Commun.  2020; 11: 5875

Thảo quyết minh, Senna tora (L.) Roxb., là một loại cây thuốc được sử dụng rộng rãi. Lợi ích sức khỏe của thảo quyết minh được cho là do chứa hàm lượng lớn anthraquinon, nhưng sinh tổng hợp nhóm chất này trong cây vẫn còn là một bí ẩn. Để xác định các gen chịu trách nhiệm cho quá trình sinh tổng hợp anthraquinon ở thực vật, nghiên cứu này đã giải mã trình tự bộ gen của S. tora ở cấp độ nhiễm sắc thể với 526 Mb (96%) được lắp ráp thành 13 nhiễm sắc thể. So sánh giữa các loài thực vật có liên quan cho thấy một họ gen giống chalcon synthase (CHS-L) có tính chuyên biệt dòng tiến hóa và được mở rộng nhanh chóng ở S. tora. Kết hợp giữa hệ gen học, phiên mã học, phân tích chất chuyển hóa và hóa sinh học, nghiên cứu đã xác định được một gen CHS-L đóng góp vào quá trình sinh tổng hợp anthraquinon. Bộ gen tham chiếu của S. tora sẽ thúc đẩy việc khám phá các con đường sinh tổng hợp anthraquinon có hoạt tính sinh học ở các cây thuốc.

Trần Huyền Trang

5

CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC PHÂN LẬP TỪ CHỒI CÂY THẢO QUYẾT MINH (Senna tora (L.) Roxb.) VÀ TÁC DỤNG BẢO VỆ THẦN KINH CHỐNG LẠI STRESS OXY HÓA GÂY RA BỞI GLUTAMAT TRÊN CÁC TẾ BÀO HT22 VÀ R28

Jaeyoung Kwon và cs

Bioorganic Chemistry.  2021; 114: 105112

Việc tiêu thụ chồi cây (mầm cây) đã tăng đều đặn do chúng là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Người ta biết rằng các thành phần hoạt tính sinh học của hạt các cây họ đậu có thể tăng lên sau khi nảy mầm. Trong nghiên cứu này, cao chiết từ mầm cây thảo quyết minh (Senna tora) được chứng minh là có tác dụng thu dọn gốc tự do và bảo vệ thần kinh tốt hơn so với cao chiết từ hạt trên tế bào thần kinh vùng hải mã HT22 và tế bào tiền thân võng mạc R28 do tăng hàm lượng các hợp chất phenolic, đặc biệt là các hợp chất 13-6. Nghiên cứu hóa thực vật mầm cây S. tora đã phân lập được hai naphthopyron glycosid mới (1-2) cùng với 27 hợp chất đã được báo cáo trước đó. Cấu trúc của chúng được xác định dựa trên các dữ liệu phổ. Các hợp chất 13-6 được tìm thấy có tác dụng thu dọn gốc tự do và tác dụng bảo vệ thần kinh chống lại stress oxy hóa trên cả hai loại tế bào thần kinh HT22 và R28. Do đó, mầm cây Senna tora và các hợp chất trong cây có thể được phát triển như là các tác nhân bảo vệ thần kinh tự nhiên thông qua tác dụng chống oxy hóa.

Trần Huyền Trang

6

PHÂN LẬP, TINH CHẾ VÀ XÁC ĐỊNH ĐẶC TÍNH CỦA CÁC GALACTOMANNAN LÀM TÁ DƯỢC TỪ HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA)

Harshal A Pawar và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2014; 65: 167-75

Các galactomannan từ hạt là nhóm các polysaccharid trung tính, không đồng nhất phân bố rộng rãi trong tự nhiên. Tỷ lệ mannose/galactose khác nhau tùy theo từng loại gôm, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc, từ đó quyết định các ứng dụng công nghiệp khác nhau của galactomannan từ hạt. Thảo quyết minh (Senna tora (họ Đậu)) là một loại cây bụi phát triển và lan rộng nhanh, hạt, quả và lá được sử dụng rộng rãi trong y học. Người ta thấy rằng hạt là một nguồn thay thế cho các loại gôm thương mại. Nghiên cứu này liên quan đến việc phân lập, tinh chế và xác định đặc tính của các galactomannan từ hạt của S. tora. Quá trình chiết galactomannan dựa trên quá trình tách cơ học nội nhũ, hòa tan trong nước, ly tâm và kết tủa bằng aceton. Polysaccharid thu được từ hạt S. tora được xác định bằng cách sử dụng các phương pháp hóa lý và sắc ký, cũng như phổ FT-IR, phổ khối, phổ 13C NMR và 1H NMR. Kết quả chỉ ra rằng gôm có cấu trúc cơ bản của các galactomannan với mạch chính là các đơn vị β-D-mannopyranosyl liên kết (1→4), tại đó các đơn vị α-(1→6)-D-galactopyranosyl đơn lẻ được gắn thông qua mô hình khối. Các nghiên cứu lưu biến học chỉ ra rằng dung dịch gôm S. tora (1%, w/w) có dòng chảy giả dẻo. Do đó gôm S. tora được xem như một tá dược trong việc phát triển các hệ giải phóng thuốc kéo dài nhờ độ nhớt các các đặc tính lưu biến học phù hợp.

Trần Huyền Trang

7

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NÔNG SINH HỌC VÀ HÀM LƯỢNG AURANTIO-OBTUSIN TRONG HẠT MỘT SỐ MẪU GIỐNG THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA L.) TRỒNG TẠI HÀ NỘI

Van Hung Dang và cs.

Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam. 2023 Feb; 65(2)

Nghiên cứu này được thực hiện trên 11 mẫu giống thảo quyết minh (Senna tora L., TQM) thu thập ở các vùng sinh thái khác nhau tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội năm 2021. Những mẫu được gieo trồng để đánh giá về đặc điểm nông học, yếu tố cấu thành năng suất và hàm lượng aurantio-obtusin trong hạt. Thí nghiệm được bố trí tuần tự không nhắc lại. Diện tích ô thí nghiệm là 50 m2, khoảng cách trồng 40x40 cm. Kết quả cho thấy, các mẫu giống có chiều cao cây 123,6-233,2 cm, số quả chắc trung bình/cây đạt 253,4-464,0 quả, số hạt trung bình/quả đạt 18,1-30,1 hạt, khối lượng 1000 hạt đạt 8,63-21,70 g. Năng suất cá thể (năng suất hạt/cây) của các mẫu giống thu thập đạt 33,2-108,6 g/cây. Trong đó, các mẫu giống có triển vọng về năng suất gồm: TQM 1 (108,6 g/cây), TQM 6 (55,6 g/cây), TQM 4 (54,8 g/cây). Hàm lượng aurantio-obtusin trong hạt của các mẫu giống thu thập biến động từ 0,06 đến 0,27%. Trong đó, mẫu TQM 11 có hàm lượng aurantio-obtusin trong hạt cao nhất (0,27%), tiếp đến là TQM 10, TQM 8, TQM 4, TQM 3, TQM 1 và TQM 2, các mẫu này có hàm lượng aurantio-obtusin trong hạt đạt 0,15-0,24%, các mẫu còn lại đạt 0,06-0,09%.

Trần Huyền Trang

8

CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC VÀ KHẢ NĂNG DỌN GỐC TỰ DO CỦA THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA (L.) ROXB.) THU THẬP TỪ CÁC VÙNG  KHÁC NHAU CỦA ẤN ĐỘ

Shipra Shuklavà cs.

Pharmaceutical Chemistry Journal. 2021; 55: 684-690

Thảo quyết minh (Senna tora L. Roxb. syn Cassia tora L.), thường được phân bố rộng rãi ở các nước nhiệt đới châu Á. Các bộ phận khác nhau của cây được báo cáo là có giá trị y học nhờ sự hiện diện của các anthraquinon, hợp chất phenolic, emodin, β -sitosterol và chrysophanol. Quy trình phân tích có độ nhạy cao sử dụng UHPLC-ESI-MS/MS đã được phát triển và thẩm định để định lượng đồng thời năm hợp chất phenolic trong dịch chiết lá, thân và rễ của S. tora, và đánh giá hoạt tính bằng khả năng dọn gốc tự do DPPH. Khả năng dọn gốc tự do cao nhất (95,3 ± 0,5% ở nồng độ 100 μg/mL) là dịch chiết xuất methanol của lá CT-2 thu thập từ Nainital. Phương pháp đã phát triển được áp dụng để nghiên cứu sự biến đổi của năm hợp chất phenolic trong các mẫu thảo quyết minh (S. tora) được thu thập từ ba khu vực khác nhau. Kết quả cho thấy có sự khác biệt đáng kể về khả năng dọn gốc tự do giữa các mẫu phân tích được thu thập từ các địa điểm khác nhau ở Ấn Độ, chủ yếu là do hàm lượng rutin.

Phạm Thị Hiền

9

NGHIÊN CỨU CÁC HOẠT CHẤT EMODIN VÀ QUERCETIN TRONG CÁC BỘ PHẬN CỦA CÂY QUẾ (CASSIA FISTULA )THẢO QUYẾT MINH (CASSIA TORA) BẰNG HPTLC

Sucheta Abhay Gaikwad

Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry. 2018; 7(5): 892-897

Trong nghiên cứu này, phương pháp HPTLC đã được phát triển và thẩm định để xác định emodin (anthraquinon) và quercetin (flavonoid) trong chiết xuất hoa và thân cây Quế (Cassia fistula) và thảo quyết minh (Cassia tora) (họ Vang). Các pha động thích hợp được tìm thấy là n-hexan: ethyl acetat (7:3, v/v) đối với emodin (hợp chất 1) và toluen: ethyl acetat: acid formic (2,5:2:0,3, v/v/v) đối với quercetin (hợp chất 2). Việc xác định mật độ quang học được thực hiện cho cả hai hợp chất. Các tấm TLC được quét ở bước sóng 437 nm & 254 nm với chế độ hấp thụ/phản xạ tương ứng với hợp chất 1 & 2. Các thông số xác nhận giá trị sử dụng như khoảng tuyến tính, giới hạn phát hiện và giới hạn định lượng, hệ số tương quan, độ nhạy, v.v. Phân tích hồi quy cho thấy đường chuẩn nằm trong khoảng từ 0,5 đến 3 μg đối với hợp chất 1, giá trị hệ số tương quan (R2) là 0,977, trong khi đối với hợp chất 2 từ 2 đến 10 μg có giá trị hệ số tương quan (R2) là 0,991. Phương trình chỉ ra rằng nồng độ của hợp chất 1&2 tăng sẽ dẫn đến sự gia tăng đáp ứng của detector. Giá trị b thấp (trong phương trình y = ax + b) cho thấy sự phù hợp tốt giữa giá trị quan sát và giá trị tính toán. Độ chính xác của phương pháp đề xuất được xác định bằng cách thực hiện phân tích lặp lại, điều này cho thấy độ chính xác cao khi hàm lượng thực tế thu được gần với lượng lý thuyết. Độ bền vững (độ mạnh) của phương pháp HPTLC đề xuất đã được kiểm tra bằng độ bão hòa buồng, vì nó có ảnh hưởng rõ rệt trên dữ liệu bão hòa.

Phạm Thị Hiền

10

PHÂN LẬP ĐIỀU CHẾ VÀ TINH CHẾ NĂM HỢP CHẤT ANTHRAQUINON TỪ THẢO QUYẾT MINH (CASSIA TORA L.) BẰNG SẮC KÝ PHÂN BỐ NGƯỢC DÒNG TỐC ĐỘ CAO

Licai Zhu và cs.

Separation and Purification Technology. 2008; 63(3): 665-669

Năm hợp chất anthraquinon bao gồm aurantio-obtusin, 1-desmethylaurantio-obtusin, chryso-obtusin, obtusin và 1-desmethylchryso-obtusin đã được phân lập và tinh chế bằng sắc ký phân bố ngược dòng tốc độ cao (HSCCC) và phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao bán điều chế (HPLC) từ thảo quyết minh (Cassia tora L.). HSCCC sử dụng hệ dung môi hai pha bao gồm n-hexane-ethyl acetat-methanol-nước (11:9:10:10, v/v/v/v) đã được thực hiện thành công bằng cách tăng tốc độ dòng của pha động từ 1,5 đến 2,5 ml/phút sau 220 phút. Kết quả phân lập thu được từ 300 mg dịch chiết thô gồm: 35,8 mg aurantio-obtusin, 21,6 mg obtusin, 9,3 mg 1-desmethylchryso-obtusin và một phân đoạn đỉnh được tinh chế một phần (80,6 mg, chứa chryso-obtusin và 1-desmethylaurantio-obtusin). Sau đó, phân đoạn được tinh chế một phần được tiếp tục phân tách bằng HPLC pha đảo bán điều chế, thu hồi được 24,6 mg 1-desmethylaurantio-obtusin và 51,9 mg chryso-obtusin. Độ tinh khiết của aurantio-obtusin, 1-desmethylaurantio-obtusin, chryso-obtusin, obtusin và 1-desmethylchryso-obtusin lần lượt là 98,3, 98,7, 99,5, 97,4 và 99,6%, được xác định bằng HPLC. Cấu trúc của 5 anthraquinon được xác định bằng phổ UV, MS, và 1H NMR.

Phạm Thị Hiền

11

XÂY DỰNG VÀ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI EMODIN VÀ CHRYSOPHANOL TRONG DỊCH CHIẾT METHANOL CỦA THẢO QUYẾT MINH (CASSIA TORA LINN) BẰNG HPTLC

E. Sanmuga Priya và cs.

Journal of Liquid Chromatography & Related Technologies. 2013; 36(18): 2525-2533

Các anthraquinon glycosid là thành phần chính của thảo quyết minh (Cassia tora Linn) (họ Vang), trong đó emodin và chrysophanol được tìm thấy là các glycosid chính có hoạt tính. Mục tiêu của nghiên cứu này là phát triển một phương pháp sắc ký lớp mỏng đơn giản, chính xác và nhanh chóng để định lượng đồng thời emodin và chrysophanol trong chiết xuất thảo quyết minh (Cassia tora L.) và thẩm định phương pháp theo hướng dẫn của ICH. Phân tích TLC được thực hiện trên các bản mỏng silica gel 60 F254 đã được hoạt hóa với pha động là toluene: ethyl acetat (9:1). Khi quét ở bước sóng 435 nm, emodin và chrysophanol cho thấy độ phân giải tốt với các giá trị Rf lần lượt là 0,31 ± 0,02 và 0,85 ± 0,03. Phương pháp đã được thẩm định theo hướng dẫn của ICH. Hàm lượng của emodin và chrysophanol được tìm thấy lần lượt là 0,037% và 0,067%. Khoảng tuyến tính được tìm thấy là 10-300 µg/dải và giá trị thu hồi trung bình lần lượt là 94% và 95% đối với emodin và chrysophanol. Phương pháp được phát triển không cần tạo dẫn xuất nên đơn giản, chính xác và có độ lặp lại để phân tích thường quy emodin và chrysophanol.

Phạm Thị Hiền

12

PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN HÓA HỌC BẰNG GC-FID VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA PHÂN ĐOẠN METHANOL TỪ LÁ THẢO QUYẾT MINH (CASSIA TORA) 

Nkwocha và cs

Pharmacological Research-Modern Chinese Medicine. 2023; 9: 100338

Giới thiệu: Từ xa xưa, các bộ phận khác nhau của thảo quyết minh (Cassia tora) (Jue ming zi) đã được ứng dụng trong y học Trung Quốc. Đặc tính chữa bệnh của lá, hạt và rễ của cây là nổi bật. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các đặc tính chống oxy hóa và các hợp chất có hoạt tính sinh học trong lá thảo quyết minh.

Vật liệu và phương pháp: Các nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính chống oxy hóa được thực hiện bằng các kỹ thuật phân tích tiêu chuẩn. Các hợp chất có hoạt tính sinh học được phân tích bằng GC FID.

Kết quả: Kết quả phân tích định lượng thành phần hóa học của phân đoạn methanol chiết xuất từ lá thảo quyết minh cho thấy sự có mặt của saponin (71.760 ± 943,2 µg/ml), terpenoid (47.466,70 ± 46,2 µg/ml), tannin (21.253,30 ± 46,2 µg/ml), tannin (21.253,30 ± 46,2 µg/ml), flavonoid (14.682,70 ± 40,3 µg/ml), phenol (30.986,70 ± 46,2µg/ml), steroid (13.557,30 ± 24,4 µg/ml), alkaloid (9770,67 ± 9,2 µg/ml), glycosid (5434,67±139,8 µg/ml). Sử dụng các thử nghiệm về năng lực oxy hóa khử sắt (FRAP), dọn gốc tự do DPPH và khả năng chống oxy hóa tổng số (TAC) để phân tích đặc tính chống oxy hóa của phân đoạn methanol chiết xuất từ lá thảo quyết minh, đã phát hiện ra rằng khả năng chống oxy hóa càng cao, thì nồng độ của chất chuẩn (acid ascobic) càng thấp. So với chất đối chứng dương (acid ascorbic), phân đoạn có khả năng chống oxy hóa cao nhất ở nồng độ 6,86 mg/ml. Khả năng chống oxy hóa tổng của phân đoạn methanol dao động từ 1,78 mg/ml đến 16 mg/ml. Theo kết quả phân tích của sắc ký khí kết hợp detector ion hóa ngọn lửa (GC-FID), 20 chất có hoạt tính sinh học đã được tìm thấy trong phân đoạn cao chiết methanol của lá thảo quyết minh.

Kết luận: Những phát hiện của nghiên cứu này chứng minh rằng lá thảo quyết minh (Cassia tora) rất giàu các hợp chất có hoạt tính sinh học, là nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên.

Phạm Thị Hiền

13

CHIẾT XUẤT, XÁC ĐỊNH ĐẶC TÍNH VÀ TRỌNG LƯỢNG PHÂN TỬ CỦA POLYSACCHARID HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA (l.))

Harshal A Pawar và cs.

International Journal of Biomaterials. 2015 Nov; (1): 1-6

Mục tiêu của nghiên cứu này là chiết xuất polysaccharid từ hạt thảo quyết minh (Senna tora L.) và đánh giá đặc tính làm tá dược trong dược phẩm. Chiết xuất polysaccharid của hạt S. tora dựa trên quá trình tách cơ học nội nhũ, hòa tan trong nước, ly tâm và kết tủa bằng aceton. Các quy trình tiêu chuẩn được sử dụng để nghiên cứu độ nhớt, tính chất vi học và độ nhiễm khuẩn. Nghiên cứu độ ổn định ở điều kiện lão hóa cấp tốc được thực hiện trên polysaccharid phân lập được trong sáu tháng ở 40°C/75 RH theo hướng dẫn của ICH. Chất gôm thu được từ hạt S. tora có dạng bột vô định hình, không mùi, tơi, màu nâu (hiệu suất chiết là 35%, w/w). Dữ liệu về tỷ trọng, tỷ trọng gõ và góc nghỉ cho thấy chất gôm từ S. tora có đặc tính chảy tốt. Độ nhớt nội tại thu được là 1,568 dL/g. Trọng lượng phân tử trung bình của chất gôm S. tora tinh khiết được tìm thấy là 198 kDa bằng phương pháp độ nhớt nội tại. Kết quả chỉ ra rằng độ nhớt của dung dịch gôm này tăng khi nhiệt độ tăng. Nghiên cứu bằng FTIR cho thấy không có sự thoái hóa hoặc phân hủy polysaccharide ở điều kiện lão hóa cấp tốc trong sáu tháng. Có thể kết luận rằng polysaccharid phân lập được từ hạt S. tora  có thể sử dụng làm tá dược dược phẩm về mặt độ trơn chảy, độ nhiễm khuẩn và độ ổn định.

Phan Thanh Thủy

14

XÁC ĐỊNH CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC TRONG PHÂN ĐOẠN ETHYL ACETAT THU ĐƯỢC TỪ HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA, L. ROXB.) BẰNG GC-MS VÀ LC-MS

Noha fathalla và cs.

Nature Product Research. 2019 Oct; 33(19): 2878-2881

Mục đích của công trình này là mô tả các thành phần hoạt tính có trong phân đoạn ethyl acetat của hạt thảo quyết minh (Senna tora , L. Roxb.). Tác dụng sinh học chính của hạt S. tora, được cho là do các hợp chất phenolic, chủ yếu được phân lập từ phân đoạn ethyl acetat, để tránh lặp lại công việc và tiết kiệm thời gian, người ta cho rằng cần phải xác nhận danh tính của các hợp chất phenolic này. Điều này được thực hiện bằng phân tích GC-MS và LC-MS của phân đoạn ethyl acetat, trong đó cấu trúc của các hợp chất được phân lập được thiết lập trên cơ sở pic ion phân tử và kiểu phân mảnh. Các hợp chất được xác định là Chrysophanol, Chrysarobin, 10-hydroxy-5-methoxy-2-methyl-1, 4-anthracenedione, Rubrofusarin, Parietin, Griseoxanthone-B, Isotorachrysone và Cumbiasin B.

Phan Thanh Thủy - Đỗ Hồng Mạnh

15

PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA RUELLIA PROSTRATASENNA TORA BẰNG GC-MS VÀ XÁC ĐỊNH HOẠT TÍNH KHÁNG VIRUS SAR-COV-2

Rahat Alam và cs.

RSC Advances. 2021 Dec; 11(63): 40120-40135

SARS-CoV-2 là tác nhân gây ra đại dịch bệnh nhiễm virus corona 2019 (COVID-19). Loại virus này đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu và cướp đi hàng triệu sinh mạng do không có sẵn thuốc điều trị chống lại loại virus này. Cho đến nay, chưa có ứng viên điều trị đặc hiệu nào được phát triển có thể ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh nhiễm trùng do virus này gây ra. Protease chính (M pro ) của SARS-CoV-2 đóng vai trò then chốt trong việc trung gian sao chép virus và vì vậy việc ức chế protein này có thể cản trở quá trình sao chép và lây nhiễm của virus. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích xác định các hoạt chất thiên nhiên chống lại virus có thể ngăn chặn hoạt động của M pro và sau đó ngăn chặn các bệnh nhiễm trùng do virus này gây ra. Ban đầu, tổng cộng 96 hợp chất từ cây Ruellia prostrata Poir. và Senna tora (L.) Roxb. đã được xác định thông qua phương pháp phân tích sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Sau đó, các hợp chất được sàng lọc thông qua phương pháp docking phân tử, dược động học bao gồm hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ (ADME), độc tính (T) và mô phỏng động lực học phân tử (MD). Phương pháp docking phân tử bước đầu xác định được bốn phân tử có PubChem CID: 70825, CID: 25247358, CID: 54685836 và CID: 1983, có ái lực liên kết với vị trí hoạt động của protein mục tiêu nằm trong khoảng từ -6,067 đến -6,53 kcal/mol. Tất cả các hợp chất được chọn đều thể hiện các đặc tính dược động học và độc tính tốt. Cuối cùng, bốn hợp chất được đánh giá thêm dựa trên các phương pháp mô phỏng MD xác nhận độ ổn định liên kết của các hợp chất với protein mục tiêu. Các phương pháp tính toán đã xác định được bốn hợp chất tốt nhất CID: 70825, CID: 25247358, CID: 54685836 và CID: 1983 có thể được phát triển thành một lựa chọn điều trị các biến chứng liên quan đến bệnh SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, việc thẩm định bằng thực nghiệm vẫn được đề xuất để đánh giá thêm về công trình này.

Phan Thanh Thủy

16

PHÁT TRIỂN CÔNG THỨC DẦU GỘI CHỐNG NẤM CHO CHÓ CÓ CHỨA CHIẾT XUẤT HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA (L.) ROXB)

Laksana Charoenchai1 và cs.

Key Engineering Materials. 2020; 859: 181-187

Nghiên cứu này nhằm mục đích phát triển dầu gội cho chó có chứa chiết xuất hạt thảo quyết minh (Senna tora , L. Roxb.). Chiết xuất ethanol thô được tinh chế một phần thông qua sắc ký cột. Chiết xuất và công thức dầu gội được xác định cho bốn anthraquinone chính là aloe-emodin, emodin, chrysophanol và physicion bằng cách sử dụng RP-HPLC. Quá trình phát triển công thức được đánh giá về thành phần, tính chất vật lý và hoạt tính kháng nấm Microsporum canis. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng natri lauryl ether sulfate (20%) là chất tẩy rửa thích hợp với cocamidopropyl betain (4-6%) là chất tăng bọt. Polyethylene glycol-120 methylglucose (2-3%) là chất làm đặc và propylene glycol (6-7%) là đồng dung môi và chất giữ ẩm. Dầu gội này cho thấy hoạt tính kháng nấm tương đối mạnh đối với M. canis so với dầu gội thương mại ketoconazole 2% (% ức chế lần lượt là 76,27 và 85,59). Công thức là chất lỏng trong suốt, màu nâu sẫm với bọt mịn và ổn định, có tác dụng làm sạch hiệu quả. Mặc dù loại dầu gội này cho thấy độ pH và độ nhớt giảm sau khi thử nghiệm làm nóng và làm lạnh cấp tốc, nhưng vẫn có hiệu quả chống nấm M. canis với tỷ lệ ức chế là 69,10%. Vẫn cần nghiên cứu thêm về độ ổn định lâu dài và một số tối ưu hóa.

Phan Thanh Thủy

17

NGHIÊN CỨU SÀNG LỌC HÓA HỌC VÀ HIỆU QUẢ CHỐNG MỘT SỐ LOẠI NẤM GÂY BỆNH Ở THỰC VẬT CỦA HAI LOÀI CÓ QUAN HỆ GẦN LÀ SENNA OBTUSIFOLIASENNA TORA

Sanjay Kurmar Mishra và cs.

Proceedings of The National Academy of Sciences, India - Section B: Biological Sciences. 2017 Mar; 88(9): 1169-1175

Hoạt tính kháng nấm của cao chiết thô bằng methanol lá của hai loài có phả hệ gần là Senna obtusifoliaSenna tora họ Caesalpiniaceae trên bốn loại nấm gây bệnh thực vật là Alternaria helianthii, Pythium aphanidermatum, Fusarium oxysporum Aspergillus niger. Mặc dù có những điểm tương đồng về mặt hình thái, nhưng chiết xuất lá methanol của hai loài này cho thấy sự khác biệt về dữ liệu hóa học định tính và định lượng, xác định hai loài này có hai kiểu hình hóa học riêng biệt. Chiết xuất methanol của cả hai loài đều chứa hai hoặc nhiều hợp chất kháng nấm có tác dụng hiệp đồng, ức chế sự phát triển và sinh sản của nấm. S. obtusifolia thể hiện hiệu quả kháng nấm tốt hơn so với loài có phả hệ gần là S. tora trên tất cả các tác nhân nấm gây bệnh thực vật được nghiên cứu. Quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét cho thấy chiết xuất methanol thô gây ra sự co rút và biến dạng của sợi nấm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các cấu trúc sinh sản. Những kết quả này có thể tương quan với hiệu ứng hiệp đồng hoặc cộng gộp do hai hoặc nhiều hợp chất kháng nấm có trong cao chiết thô gây ra. Phân tích thống kê cung cấp điểm khác biệt đặc trưng về hiệu quả chống nấm của cao chiết methanol của các loài này. Sự khác biệt này có thể là do sự hoán vị và kết hợp khác nhau của các hợp chất kháng nấm có trong cao chiết của hai loài có phả hệ gần này.

Nguyễn Phú Quang

18

NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA LOÀI THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA ROXB.)

Gazi Murshid và cs.

Journal of Pharmacology and Toxicology. 2007 April; 2(4): 386-390

Phân tích thành phần hóa học của phần trên mặt đất thảo quyết minh (Senna tora (L.) Roxb.) (Họ Đậu) chỉ ra sự hiện diện của đường khử, tanin, steroid, saponin và chất gôm. Mối quan tâm dược lý của các hợp chất này, cùng với việc sử dụng thảo quyết minh trong y học cổ truyền đã thúc đẩy các tác giả đánh giá về các tác dụng kháng khuẩn và giảm đau của thảo quyết minh. Phần trên mặt đất của cây được chiết xuất liên tục bằng ethanol và chiết xuất được sử dụng để nghiên cứu các hoạt tính. Chiết xuất thể hiện hoạt tính kháng khuẩn yếu đối với các vi sinh vật được thử nghiệm bằng phương pháp khuếch tán thạch. Tuy nhiên, chiết xuất thể hiện sự ức chế đáng kể (p < 0,001) đối với phản xạ đau quặn bụng trên chuột thí nghiệm ở liều 500 mg/kg trọng lượng cơ thể, so với thuốc đối chiếu diclofenac natri ở liều 25 mg/kg. Kết quả thu được đã cung cấp nền tảng cho việc sử dụng thảo quyết minh trong y học cổ truyền và cho nghiên cứu sâu hơn.

Nguyễn Phú Quang

19

TÁC DỤNG GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA CÁC PHENOLIC GLYCOSID CHIẾT XUẤT TỪ HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA)

Hanh Tran và cs.

Phytochemistry Letters. 2021 oct; 45:190-194

Nghiên cứu thành phần hóa học của hạt thảo quyết minh (Senna tora) đã dẫn đến việc phân lập được mười bốn phenolic glycosid, bao gồm ba hợp chất mới, cụ thể là sennatorosid A–C (1–3). Cấu trúc hóa học của các hợp chất được phân lập đã được xác nhận bằng cách phân tích chi tiết phổ NMR 1D và 2D, phổ khối lượng phân giải cao HR-ESI-QTOF và phổ ECD. Trong số các hợp chất phân lập được, 1-[(1-(<β>-d-glucopyranosyl)oxy-8-hydroxy-methoxy naphthalen)-6-yl]propan-2-one (11) thể hiện hoạt tính gây độc tế bào mạnh đối với ba dòng tế bào ung thư đã thử nghiệm, SK-LU-1 (ung thư phổi), HepG2 (ung thư gan) và MCF-7 (ung thư vú), với giá trị IC50 lần lượt là 8,05 ± 0,28, 9,52 ± 1,20 và 8,54 ± 0,85 μM, trong khi các hợp chất 1–4, 6–9, 1214 thể hiện độc tính tế bào vừa phải hoặc yếu, với giá trị IC50 dao động từ 44,59 ± 5,03–98,24 ± 2,45 μM.

Nguyễn Phú Quang

20

TÁC DỤNG KHÁNG NẤM MICROSPORUM GYPSEUM CỦA CHIẾT XUẤT HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA (L.) ROXB.)

Natawat Chankana và cs.

RSU International Research Conference. 2017

Mục tiêu: Nghiên cứu này đã thử nghiệm hoạt tính kháng nấm da của chiết xuất hạt thảo quyết minh (Senna tora (L.) Roxb.). Bột hạt S. tora được chiết xuất bằng phương pháp siêu âm với ethanol 80% và làm khô để thu được cao chiết thô. Sắc ký lớp mỏng (TLC) được sử dụng để xác định thành phần anthraquinon của cao chiết thô. Tác dụng kháng nấm in vitro của cao chiết đã được thử nghiệm trên các vi sinh vật gây bệnh ngoài da ở cả người và động vật bao gồm Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Microsporum canisMicrosporum gypseum. Cao chiết ethanol của hạt S. tora đã được thử nghiệm tác dụng kháng nấm bằng phương pháp pha loãng. Thuốc chống nấm, ketoconazol được sử dụng làm đối chứng dương. Kết quả cho thấy cao chiết ethanol thô và thành phần anthraquinon có hoạt tính kháng nấm. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của cao chiết ethanol thô và physcion trên Microsporum gypseum lần lượt là 1000 và 200 µg/ml. Đã tìm thấy các thành phần anthraquinon như chrysophanol và physcion trong cao chiết ethanol của hạt S. tora có tác dụng ức chế đối với Microsporum gypseum. Dữ liệu này có thể được sử dụng để phát triển sản phẩm chống nấm từ cao chiết S. tora.

Trần Huyền Trang - Nguyễn Thị Kim Anh

21

SENNA TORA (L.) ROXB.: MỘT LOẠI THỰC PHẨM DINH DƯỠNG HOANG DÃ CỦA ẤN ĐỘ

Sundar S Mety và cs.

Wild Nutraceutical Plants (p.49-54). Publisher: APRF. DOI:10.5281/zenodo.10570658.

Các loại rau ăn lá hoang dại là một nguồn dinh dưỡng cần thiết hằng ngày tại các khu vực bản địa và nông thôn. Họ dùng một số loại lá của các loài cây hoang dại. Hầu hết các loại thực vật đó chưa được biết đến và chúng ta cần tư liệu hoá chúng để tạo ra các lựa chọn sinh kế và những vấn đề về thực phẩm. Senna tora, một loài cây thân bụi thuộc họ Đậu là một loài thực vật được dùng bởi bộ lạc Santhal ở Ấn Độ. Nó không chỉ làm thực phẩm mà còn có giá trị làm thuốc. Nó có thể phát triển như một loại dinh dưỡng trong tương lai. Bởi vậy đặc điểm hình thái, môi trường sống, giá trị sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc của Senna tora được thu thập từ thực địa, khảo sát và trình bày trong bài báo này.

Đoàn Thị Huyền Trang

22

CASSIA TORA LINN: TẦM QUAN TRỌNG VÀ THUỘC TÍNH: TỔNG QUAN

Verma NK và cs.

International Journal of Pharmaceutical Research and Applications. 2021.6 (4): 2249-7781.

Cassia tora Linn. thuộc họ Đậu (Leguminosae) là một loại thảo dược hàng năm có mùi hắc, chủ yếu được tìm thấy ở Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương như một loại cỏ dại quan trọng. Đây là một trong những loài thực vật chứa anthraquinone (hợp chất hữu cơ) được công nhận. Có thể kể đến như các công nhận của những người có kinh nghiệm trong hệ thống y học truyền thống Hindu (Ayurveda) như Athar Vangirasa, Atharveda, Atreya, Agnivasa, Bhila, Jatukarna, Parasana, Harita, Susruta, Charak... Bên cạnh Ayurveda, các hệ thống y học truyền thống khác ở Ấn Độ như Siddha, Yoga và chữa bệnh tự nhiên đã xuất hiện, nhưng Ayurveda được xem là hệ thống lâu đời nhất. Trong thời kỳ thuộc địa Anh, Ayurveda đã suy giảm đến mức chưa từng có. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống y học Ấn Độ đã thu hút được sự chú ý đáng kể sau khi giành độc lập. Một cuộc khảo sát do WHO thực hiện cho thấy 80% trong số khoảng 4 tỷ dân ở các nước đang phát triển dựa vào việc sử dụng các loại thuốc truyền thống, chủ yếu được chiết xuất từ thực vật. Theo WHO, 70% dân số thế giới phụ thuộc vào các loại thuốc truyền thống để đối phó với các vấn đề sức khỏe cũng như bệnh tật. Loài Cassia là một trong những loại thực vật có chứa nhiều thành phần hoạt tính rộng rãi. Loài này được biết đến cổ truyền  với việc điều trị các tình trạng như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh da, ho, các vấn đề về phổi và dạ dày, v.v. Điều thú vị là chi Cassia bao gồm 580 loài cây, thảo mộc và cây bụi.

Đoàn Thị Huyền Trang

23

ĐẶC TÍNH TRAO ĐỔI CHẤT CỦA SENNA TORA (L.) ROXB. BẰNG SỬ DỤNG CÁC CÁCH TIẾP CẬN KHÁC NHAU

Kabila B và cs.

Journal of Phytology. 2022. 14:109-120.

Nghiên cứu này đã thực hiện để khám phá sự đa dạng của các nguyên tố, hợp chất hóa học và các nhóm chức năng tương ứng trong toàn bộ cây, lá và hạt của Senna tora. Phân tích hóa học sơ bộ đã cho thấy sự hiện diện của các chất chuyển hóa thứ cấp bao gồm alkaloid, flavonoid, tannin, terpenoid, glycoside hoạt động tim, phenolic, v.v. Phân tích bằng phương pháp Sắc ký khí và Khối phổ (GC-MS) của lá và hạt S. tora đã phát hiện 31 và 27 hợp chất tương ứng. Phương pháp Quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR) đã tiết lộ sự hiện diện của các nhóm chức năng khác nhau như amin, hợp chất thơm, nhóm carboxyl, keton, v.v. liên quan đến các chất chuyển hóa khác nhau. Phương pháp Phân tán bước sóng tia X (WD-XRF) đã xác định sự hiện diện của hơn 20 nguyên tố (vĩ mô và vi mô) bao gồm Ca, Mg, Fe, K, v.v. Nghiên cứu này đã làm nổi bật chi tiết các hợp chất hóa học và nguyên tố có trong loài thực vật đang được điều tra và chứng minh tầm quan trọng của nó trong hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống.

Đoàn Thị Huyền Trang

24

TRÌNH TỰ BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA SENNA TORA VÀ PHÂN TÍCH PHÁT SINH LOÀI

Xu Q và cs.

Mitochondrial DNA Part B. 2020; 5(3): 3415–3417

Trình tự bộ gen lục lạp hoàn chỉnh của Thảo quyết minh (Senna tora) được mô tả từ trình tự kết thúc cặp Illumina. Bộ gen lục lạp của thảo quyết minh có chiều dài 161.050 bp, chứa một vùng sao chép đơn (LSC) lớn là 90.411 bp, một vùng sao chép đơn nhỏ (SSC) là 18.537 bp và hai vùng lặp lại đảo ngược (IR) là 26.050 bp. Hàm lượng GC tổng số là 36,20%, trong khi giá trị tương ứng của các vùng LSC, SSC và IR lần lượt là 64,5%, 69,4% và 60,2%. Bộ gen chứa 129 gen hoàn chỉnh, trong đó có 8 gen rRNA, 37 gen tRNA và 84 gen mã hóa protein. Phân tích phát sinh gen liên kết với các loài có quan hệ gần cho thấy S. toraS. bicapsularis được nhóm lại với nhau và xác định có quan hệ gần gũi với các loài Senna khác.

Hán Đức Lương

25

TRÌNH TỰ BỘ GEN TY THỂ HOÀN CHỈNH CỦA SENNA TORA (FABALES: FABACEAE)

Kang SH và cs.

Mitochondrial DNA Part B. 2019.  4. (1):1283-1284.

Thảo quyết minh (Senna tora), được biết đến như một loại cây có giá trị kinh tế, có bản chất làm thuốc và thuộc họ Fabaceae. Trình tự bộ gen ty thể hoàn chỉnh của thảo quyết minh có chiều dài 566.589 bp với hàm lượng GC 45,23%. Tổng cộng có 63 gen được chú thích bao gồm 36 gen mã hóa protein, 22 gen tRNA và 5 gen rRNA. Cây phát sinh gen dựa trên bộ gen ty thể đã chứng minh rằng S. tora có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với loài Senna occidentalis và phân họ Caesalpinioideae, và chắc chắn tách biệt khỏi phân họ Faboideae.

  Hán Đức Lương

26

PHÁT TRIỂN CÔNG THỨC DẦU GỘI CHỐNG NẤM CHO CHÓ TỪ CHIẾT XUẤT HẠT CỦA LOÀI THẢO QUYẾT MINH SENNA TORA (L.) ROXB.

Charoenchai L và cs.

InKey Engineering Materials. 2020.  859:181-187.

Nghiên cứu này nhằm phát triển dầu gội cho chó chứa chiết xuất từ hạt Senna tora. Chiết xuất thô ethanol được tinh chế một phần thông qua sắc ký cột. Chiết xuất và công thức dầu gội được xác định cho bốn anthraquinon chính là aloe-emodin, emodin, chrysophanol và physcion bằng RP-HPLC. Phát triển công thức được đánh giá về thành phần, tính chất vật lý và hoạt tính kháng nấm chống lại Microsporum canis. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng natri lauryl ether sulfate (20%) là chất tẩy rửa phù hợp, với cocamidopropyl betain (4-6%) làm chất tạo bọt. Polyethylen glycol-120 methylglucose (2-3%) là chất làm đặc và propylen glycol (6-7%) là chất đồng dung môi và chất giữ ẩm. Dầu gội này cho thấy hoạt tính kháng nấm tương đối mạnh chống lại M. canis so với dầu gội thương mại chứa 2% ketoconazol (tỷ lệ ức chế lần lượt là 75.27 và 85.85). Công thức là chất lỏng trong suốt, màu nâu đậm với bọt mịn và ổn định, bao gồm tác dụng làm sạch hiệu quả. Mặc dù dầu gội này cho thấy sự giảm pH và độ nhớt sau thử nghiệm gia tốc nhiệt và làm mát, nó vẫn hiệu quả như một chất kháng nấm chống lại M. canis với tỷ lệ ức chế là 69.10. Cần có thêm nghiên cứu về độ ổn định lâu dài và một số nghiên cứu nhằm tối ưu hóa.

Vàng Dùng Thề

27

BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA MỘT LOẠI THẢO DƯỢC NỔI TIẾNG, SENNA TORA

Ai HL và cs.

Mitochondrial DNA Part Part B. 2020.  5. (2:1659-1660

Thảo quyết minh (Senna tora) đã được sử dụng như một loại thuốc truyền thống nổi tiếng ở Trung Quốc và Ấn Độ để điều trị các bệnh về da, ho, viêm gan, sốt và bệnh trĩ. Tại đây, trình tự bộ gen lục lạp (cp) hoàn chỉnh của thảo quyết minh lần đầu tiên đã được báo cáo và mô tả. Bộ gen cp có chiều dài 162.426 bp, với vùng sao chép đơn (LSC) lớn là 90.673 bp và vùng sao chép đơn nhỏ (SSC) là 18.001 bp được phân tách bằng một cặp vùng lặp lại đảo ngược (IR) 26.791 bp. Có 130 gen được dự đoán bao gồm 85 gen mã hóa protein, 37 gen tRNA và 8 gen rRNA trong bộ gen và hàm lượng GC tổng thể của bộ gen là 36%. Phân tích phát sinh loài dựa trên dữ liệu bộ gen lục lạp chỉ ra rằng S. tora gần hơn với S. occidentalis .

Giàng A Tiến

28

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHẤT HÓA HỌC THỰC VẬT VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG NẤM CỦA DỊCH CHIẾT LÁ THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA) ĐỐI VỚI BỆNH SƯƠNG MAI BẮP CẢI

Zakari SM và cs.

Bayero Journal of Pure and Applied Sciences. 2018.  11. (1):15-17.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của chiết xuất nước từ lá Senna tora chống lại Perenospora parasitica, gây bệnh sương mai trên bắp cải. Phân tích hóa học của chiết xuất lá cho thấy sự hiện diện của một số hợp chất thứ cấp (Tannin, Saponin, Flavonoid, Glycoside, Alkaloid, hợp chất Phenolic và Carbohydrat) đã được báo cáo có tác dụng kháng khuẩn. Các thí nghiệm được thực hiện với các nồng độ chiết xuất 1000, 500, 250, 125 mg/ml bằng kỹ thuật khuếch tán thạch. Kết quả thu được cho thấy sự khác biệt đáng kể về đường kính vùng ức chế nấm giữa các nồng độ. Vùng ức chế lớn nhất được ghi nhận ở nồng độ 1000 và 500 mg/ml (lần lượt là 20 và 15 mm). Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt nấm tối thiểu (MFC) được xác định và ghi nhận ở mức 250 mg/ml. Việc sàng lọc kháng nấm cho thấy chiết xuất có hoạt tính ức chế chống lại mầm bệnh sương mai ở các nồng độ khác nhau. Những tác động quan sát được có thể là do sự hiện diện của các chất chuyển hóa hoạt động có trong dịch chiết.

Giàng A Tiến

29

SÀNG LỌC CÁC CHẤT HÓA THỰC VẬT VÀ HIỆU QUẢ KHÁNG NẤM CỦA SENNA OBTUSIFOLIASENNA TORA CÓ  QUAN HỆ GẦN VỚI MỘT SỐ LOẠI NẤM GÂY BỆNH THỰC VẬT

Mishra SK và cs.

Proceedings of the National Academy of Sciences, India Section B: Biological Sciences. 2018. 88:1169-1175..

Hoạt tính kháng nấm của chiết xuất lá thô trong methanol của Senna obtusifoliaSenna tora thuộc họ Caesalpiniaceae đã được đánh giá bằng phân tích ức chế tăng trưởng trên bốn loại nấm gây bệnh thực vật là Alternaria helianthii, Pythium aphanidermatum, Fusarium oxysporumAspergillus niger. Mặc dù có sự tương đồng về hình thái, chiết xuất lá methanol của các loài này cho thấy sự khác biệt về chất lượng và số lượng trong hồ sơ hóa học của chúng, xác lập chúng là hai kiểu hóa học khác biệt. Chiết xuất methanol của cả hai loài chứa hai hoặc nhiều hợp chất kháng nấm hoạt động hiệp đồng, ức chế sự phát triển và sinh sản của nấm. Senna obtusifolia đã cho thấy hiệu quả kháng nấm tốt hơn so với loài họ hàng gần gũi của nó là S. tora trên tất cả các nấm gây bệnh thực vật được điều tra. Quan sát bằng kính hiển vi điện tử cho thấy chiết xuất methanol thô gây co rút và biến dạng sợi nấm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các cấu trúc sinh sản. Những kết quả này có thể được liên kết với hiệu ứng hiệp đồng hoặc cộng thêm do hai hoặc nhiều hợp chất kháng nấm có trong chiết xuất thô. Phân tích thống kê hỗ trợ sự khác biệt đặc trưng trong hiệu quả kháng nấm của chiết xuất methanol của các loài này. Sự khác biệt này có thể do các tổ hợp khác nhau của các hợp chất kháng nấm có trong chiết xuất của các loài có quan hệ gần gũi này.

Khuất Thị Chung

30

TÁC DỤNG BẢO VỆ CỦA ANTHRAQUINONES, CASSIATORIN VÀ AURANTIO-OBTUSIN TỪ HẠT SENNA TORA CHỐNG LẠI SỰ TẤN CÔNG CỦA

MỌT ĐẬU ĐŨA

Mbatchou VC và cs.

Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine. 2018.

8.(2): 12): 98-105.

Mục tiêu:

Để khám phá tác dụng diệt côn trùng, ngăn cản chúng đẻ trứng và chống ăn mòn của chiết xuất ethyl acetate của hạt thảo quyết minh (Senna tora (Syn. Cassia tora) chống lại mọt đậu đũa (Callosobruchus maculatus).

Phương pháp:

Các tác động được đánh giá bằng cách sử dụng các quy chuẩn. Trong các thử nghiệm sinh học này, hạt đậu đũa được sử dụng trực tiếp làm thức ăn cho côn trùng. Hoạt tính của chiết xuất và các hợp chất phân lập đã được thử nghiệm ở nồng độ 100, 200 và 300 μg/mL và so sánh với dầu neem và cinnamaldehyd (dưới dạng đối chứng dương chuẩn). Phân tích hóa thực vật của chiết xuất ethyl axetat được thực hiện thông qua một số kỹ thuật sắc ký và cấu trúc của các hợp chất phân lập được thiết lập thông qua phân tích quang phổ toàn diện bao gồm nghiên cứu 2D-NMR và ESI-MS.

Kết quả:

Việc phân tách chiết xuất etyl axetat có hoạt tính đã phân lập được một loại anthraquinon đã biết, aurantio-obtusin (1) và một hợp chất mới được đặt tên là cassiatorin (2). Hợp chất 1 và 2 cho thấy đặc tính chống ăn của côn trùng so với với các đối chứng dương trong khi tác dụng ngăn chặn côn trùng và đẻ trứng của chúng vượt trội hơn nhiều so với đối chứng dương.

Kết luận:

Do đó, có thể kết luận rằng chiết xuất thảo quyết minh và các hợp chất phân lập (1 và 2) có thể được sử dụng trong quản lý sau thu hoạch đối với hạt đậu đũa được bảo quản và như các loại thuốc bảo vệ thực vật khác.

Khuất Thị Chung

31

CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC PHÂN LẬP TỪ MẦM THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA) VÀ TÁC DỤNG BẢO VỆ THẦN KINH CỦA CHÚNG CHỐNG LẠI STRESS OXY HÓA DO GLUTAMATE GÂY RA TRONG TẾ BÀO HT22 VÀ R28

Kwon J và cs.

Bioorganic Chemistry. 2021.

114:105112. doi: 10.1016/j.bioorg.2021.105112

Việc tiêu thụ rau mầm ngày càng tăng do chúng là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Như đã biết, thành phần có hoạt tính sinh học của các cây họ đậu có thể tăng lên sau khi nảy mầm. Trong nghiên cứu này, chiết xuất từ mầm thảo quyết minh (Senna tora) được chứng minh là có hoạt tính quét các gốc tự do được cải thiện và tác dụng bảo vệ thần kinh tốt hơn ở các tế bào thần kinh vùng hải mã HT22 (HT22) và tế bào tiền thân võng mạc R28 (R28) so với chiết xuất từ hạt do hàm lượng phenolic tăng lên, đặc biệt là hợp chất 1 và 3-6. Nghiên cứu về hóa thực vật ở mầm thảo quyết minh (S. Tora) đã kết luận việc phân lập hai naphthopyrone glycosid mới (1-2) và 27 hợp chất đã được báo cáo trước đó. Cấu trúc của chúng được xác định thông qua việc phân tích dữ liệu quang phổ. Hợp chất 1 và 3-6 được phát hiện có hoạt tính quét các gốc tự do và tác dụng bảo vệ thần kinh chống lại stress oxy hóa ở cả hai tế bào thần kinh. Do đó, mầm Thảo thảo quyết minh (Senna tora) và các thành phần của chúng có thể được phát triển như tác nhân bảo vệ thần kinh tự nhiên thông qua tác dụng chống oxy hóa

Nguyễn Thị Nụ

32

XÁC ĐỊNH CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC CÓ TRONG PHÂN ĐOẠN ETYL AXETAT BẰNG PHƯƠNG PHÁP GC-MS VÀ LC-MS CỦA HẠT THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA L. ROXB.)

Fathalla N và cs.

Natural product research. 2019.  33. (19): 2878-2881. doi: 10.1080/14786419.2018.1508138.

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các thành phần hoạt tính có trong phân đoạn ethyl acetate của hạt Senna tora, L. Roxb. Hoạt tính sinh học chính của hạt S. tora được xác định là do các hợp chất phenolic của nó, và chủ yếu được phân lập từ phân đoạn ethyl acetate. Do vậy, để tránh việc lặp đi lặp lại các công đoạn và tiết kiệm thời gian, nghiên cứu xác nhận danh tính của các hợp chất phenolic này là vô cùng cần thiết. Điều này được thực hiện bằng phân tích GC-MS và LC-MS của phân đoạn ethyl acetate, trong đó cấu trúc của các hợp chất được phân lập được xác định dựa trên đỉnh ion phân tử và mô hình phân mảnh của chúng. Chúng được xác định là Chrysophanol, Chrysarobin, 10-hydroxy-5-methoxy-2-methyl-1,4-anthracenedione, Rubrofusarin, Parietin, Griseoxanthone-B, Isotorachrysone và Cumbiasin B.

 

Nguyễn Thị Nụ

33

ĐÁNH GIÁ LÁ THẢO QUYẾT MINH (SENNA TORA (L.) ROXB.) NHƯ LÀ NGUỒN CUNG CẤP CÁC PHÂN TỬ HOẠT TÍNH SINH HỌC CÓ TIỀM NĂNG CHỐNG OXY HÓA, CHỐNG VIÊM VÀ KHÁNG KHUẨN

Rahman MM và cs.

Heliyon. 2023. 9. (1). e12855

Senna tora (L.) Roxb. là một loại thảo dược dân tộc được sử dụng bởi người dân nông thôn và bộ lạc ở vùng Satpura của Madhya Pradesh, Ấn Độ và tỉnh Phatthalung của Thái Lan để điều trị thấp khớp, viêm phế quản, nấm da, ngứa, bệnh phong, khó tiêu, rối loạn gan và rối loạn tim. Nó cũng được sử dụng trong y học Trung Quốc và Ayurveda. Nghiên cứu này được thực hiện để điều tra tiềm năng của Senna tora (L.) Roxb. như một nguồn ứng cử viên thuốc chống oxy hóa, viêm và nhiễm khuẩn. Sàng lọc hóa học sơ bộ (PPS) và GC-MS đã được thực hiện để xác định các hợp chất hóa học trong chiết xuất ethyl acetate của lá Senna tora (L.) Roxb. (EAESTL). Hoạt tính chống oxy hóa in vitro được đánh giá bằng các thử nghiệm loại bỏ 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) và H2O2; hoạt tính chống viêm in vitro được xác định bằng sự biến tính albumin huyết thanh bò (BSA) và ức chế tan máu tế bào hồng cầu (RBC); và hoạt động kháng khuẩn được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán thạch. Độc tính tế bào được ước tính bằng khả năng gây chết ấu trùng Artemia salina, trong khi độc tính cấp tính được đánh giá bằng cách cho chuột uống chiết xuất. Hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn in silico được dự đoán bằng chương trình Dự đoán Phổ Hoạt động cho Các Chất (PASS). Dược động học liên quan đến các thử nghiệm ADME và độc tính được xác định bằng các máy chủ web admetSAR2 và ADMETlab2, và các đặc tính có thể làm thuốc được đánh giá bằng máy chủ SwissADME. GC-MS phát hiện năm mươi chín hợp chất hóa học hỗ trợ các loại hợp chất (phenol, flavonoid, tannin, terpenoid, saponin, steroid, alkaloid, glycoside và đường khử) được xác định bằng sàng lọc hóa học. EAESTL thể hiện các hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn phụ thuộc vào liều lượng mà không có bất kỳ tác dụng phụ hoặc biến động nào về trọng lượng cơ thể. Chương trình PASS dự đoán rằng các hợp chất hóa học được xác định có hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Trong số 51 hợp chất hóa học, 16 hợp chất cho thấy ADME tốt, và 8 hợp chất đáp ứng các đặc tính có thể làm thuốc mà không có độc tính. Tổng cộng, bốn hợp chất hóa học, cụ thể là benzyl alcohol, 3-(hydroxy-phenyl-methyl)-2,3-dimethyl-octan-4-one, phenylethyl alcohol và 2,6,6-trimethylbicyclo [3.1.1] heptane-3-ol, cho thấy dược động học tốt và các đặc tính có thể làm thuốc mà không có độc tính, cùng với các hoạt động chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Kết quả thu được cho thấy rằng lá Senna tora (L.) Roxb. chứa các hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học có tiềm năng chống lại oxy hóa, viêm và nhiễm khuẩn như các ứng viên thuốc tiềm năng.

Cù Thị Hằng

34

SỰ ĐA DẠNG VỀ KIỂU HÌNH, KIỂU GEN VÀ SỰ KIỂM SOÁT DI TRUYỀN Ở MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI CỦA THẢO QUYẾT MINH (CASSIA TORA)

Kashyap D và cs.

The Pharma Innovation Journal. 2022. 11. (8):1721-1723.

Năm mươi mẫu giống của loài Cassia tora đã được nghiên cứu đối với mười lăm tính trạng tại trang trại nghiên cứu và hướng dẫn tại IGKV, Raipur (C.G). Giá trị PCV cao hơn GCV cho thấy ảnh hưởng của môi trường đến sự biểu hiện của các đặc điểm. Các đặc điểm số lượng hạt trên mỗi quả, chiều dài hạt (cm) và phần trăm carbohydrate lần lượt là 0,461%, 0,4% và 0,35% có sự khác biệt rất nhỏ giữa PCV và GCV. Do đó, các đặc điểm này ít bị ảnh hưởng bởi môi trường. Sự tiến bộ di truyền cao cùng với tính di truyền cao được quan sát thấy đối với chiều cao cây (cm) 49,41% và 97,87%, số lượng nhánh thứ cấp trên mỗi cây 86,402% và 92,05, số lượng quả trên mỗi cây 93,3544 và 96,332 và năng suất hạt trên mỗi cây (g) 105,489% và 96,53% cho thấy rằng hoạt động gen bổ sung chiếm ưu thế trong sự biểu hiện của các đặc điểm này; do đó, các đặc điểm này có thể được sử dụng để cải thiện di truyền của giống thông qua quy trình chọn lọc. Tính di truyền cao liên quan đến GA trung bình tính theo phần trăm của trung bình được báo cáo cho chiều rộng hạt (cm) và chiều dài hạt (cm). GA trung bình đến thấp tính theo phần trăm của trung bình, cho thấy rằng biến dị di truyền không bổ sung đóng vai trò trong sự biểu hiện của chúng.

Trần Văn Thắng

35

ẢNH HƯỞNG CỦA LƯỢNG NƯỚC ĐẾN SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT HẠT, CHẤT LƯỢNG HẠT Ở CÂY THẢO DƯỢC CASSIA OBTUSIFOLIA L.

Xue J và cs.

Agricultural Water Management. 2018. 195.(15):104-113

DOI:10.1016/j.agwat.2017.10.002

Hạt của Cassia obtusifolia L. được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc và trà sức khỏe. Mục tiêu của nghiên cứu này là điều tra ảnh hưởng của sự sẵn có của nước đến sự phát triển của cây, năng suất hạt và chất lượng hạt C. obtusifolia để cải thiện việc trồng trọt. Các thí nghiệm tưới nước trong chậu và trên đồng ruộng đã được thực hiện tại Thanh Đảo, Trung Quốc vào năm 2013 và 2014. Bảy phương pháp tưới nước bao gồm 100%, 90%, 80%, 70%, 60%, 50% và 40% dung tích đồng ruộng (FC) trong các thí nghiệm chậu, trong khi năm phương pháp tưới nước bao gồm 100%, 85%, 70%, 55% và 40% dung tích đồng ruộng (FC) trong các thí nghiệm đồng ruộng đã được áp dụng cho cây C. obtusifolia. Trong cả hai thí nghiệm, kết quả cho thấy các mức độ hạn hán khác nhau dẫn đến sự giảm khác nhau trong sự phát triển của cây và các thuộc tính năng suất hạt của C. obtusifolia, và rõ rệt hơn với mức độ nghiêm trọng của hạn hán. Tuy nhiên, đối với các thuộc tính chất lượng hạt, cả hai kết quả cho thấy hạn hán thấp và trung bình làm tăng đáng kể hàm lượng anthraquinones (các chất chuyển hóa thứ cấp của cây) trong khi giảm đáng kể hàm lượng protein (các chất chuyển hóa chính của cây) trong hạt của C. obtusifolia, ngoại trừ hạn hán cao làm giảm đáng kể cả hai. Đáng chú ý, hạn hán thấp (70% FC trong chậu và trên đồng ruộng) không làm giảm đáng kể năng suất hạt, dẫn đến chỉ số thu hoạch lớn nhất trong số các phương pháp khác và do đó dẫn đến năng suất anthraquinon cao nhất trên mỗi cây. Ngoài ra, kết quả cho thấy hạn hán cao và trung bình ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ giữa anthraquinon ưa nước và ưa lipid trong hạt của C. obtusifolia. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng một mức độ tưới nước thiếu hụt nhất định có tiềm năng làm giảm năng suất hạt và chất lượng hạt của C. obtusifolia, có thể được sử dụng như một chiến lược tưới nước thực tế để cải thiện việc trồng trọt C. obtusifolia là một loài cây thuốc.

Trần Văn Thắng

36

QUY TRÌNH THAO TÁC CHUẨN (SOP) CỦA CANH TÁC TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI LOÀI THẢO QUYẾT MINH

ZHANG Cheng và cs.

Chin. Med. J. Res. Prac. 2015. 29.  2

Mục tiêu:

Nghiên cứu xây dựng Quy trình thao tác tiêu chuẩn (SOP) của canh tác tiêu chuẩn trên Thảo quyết minh phù hợp với 'Thực hành nông nghiệp tốt  để sản xuất dược liệu thô của Trung Quốc (để triển khai thử nghiệm).

Phương pháp:

Theo kinh nghiệm canh tác truyền thống của Trung Quốc và thực hành nông nghiệp tốt, một số nghiên cứu về môi trường sinh trưởng, quản lý cơ sở sản xuất giống, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế biến, kiểm soát chất lượng, v.v. của thảo quyết minh đã được nghiên cứu.

Kết quả:

Chỉ số chất lượng của thảo quyết minh đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan.

Kết luận:

Quy trình hoạt động này có thể được sử dụng để hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiêu chuẩn của loài Thảo quyết minh.

Nguyễn Bá Hưng

37

SỰ TĂNG TRƯỞNG DO Cr+6 GÂY RA, NHỮNG THAY ĐỔI SINH HÓA VÀ TÍCH LŨY SINH HỌC CROM Ở LOÀI CASSIA TORA (L.) ROXB.

Jena P và cs.

Annals of Plant Sciences. 2016. 5. (7):1368.

DOI:10.21746/aps.2016.07.001

Các thí nghiệm nuôi cấy trong chậu in vivo hiện tại cho thấy Crom hóa trị sáu (Cr+6)  làm tăng trưởng, thay đổi sinh lý, sinh hóa và tích lũy sinh học crom trong 60 ngày. Chiều dài rễ và chồi, chất tươi và chất khô giảm đáng kể khi tăng nồng độ Cr+6. Tuy nhiên, ở nồng độ 10 ppm trọng lượng khô của chồi tăng lên. Sử dụng Cr+6 liều cao cho thấy hoạt tính diệp lục, protein và catalase giảm. Hoạt tính Catalase tăng khi cung cấp 10ppm Cr+6 cho đất và giảm khi cung cấp 50ppm Crôm trong lá. Hàm lượng đường tổng số, đường khử, tinh bột và carbohydrate tổng số cũng giảm khi tăng nồng độ Cr+6. Hoạt tính prolin và peroxidase tăng khi tăng nồng độ Cr+6. Tích lũy sinh học crom ở rễ nhiều hơn ở lá và thân. Hệ số nồng độ sinh học (BCF), Tỷ lệ tích lũy tổng (TAR) biểu thị các giá trị cao nhất, tức là 0,051 và 0,070 tương ứng trong 50 ppm trong khi Chỉ số vận chuyển (TI) cao nhất (0,814) trong 10 ppm Cr+6. Kết quả nghiên cứu hiện tại đã cho thấy khả năng loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong đất hoặc nước của loài thảo quyết minh Cassia tora (L.) Roxb là ấn tượng trong điều kiện hoang dại, có thể sử dụng để loại bỏ/hạn chế nhiễm độc Cr trong các vùng bị nhiễm Cr.

Phan Thị Lâm

38

ẢNH HƯỞNG CỦA KHÍ THẢI XE CỘ ĐẾN CÂY TRỒNGLOÀI CASSIA TORA L. VEN ĐƯỜNG NH-37, ASSAM, ẤN ĐỘ

Sarma B và cs.

International Journal of Ecology and Environmental Sciences. 2017.  43.  (1).

Nhóm tác giả đã nghiên cứu tác động của khí thải xe cộ lên loài cỏ dại phổ biến Cassia tora L. dọc theo các con đường cao tốc  Quốc lgia (NH37) ở Assam, Ấn Độ. Kết quả cho thấy sự suy giảm khả năng sống của phấn hoa, mật độ khí khổng, hàm lượng  diệp lục và đặc biệt là diện tích lá. Tuy nhiên, độ dày lá và mật độ trichom tăng đáng kể. Dựa trên ảnh hưởng rõ ràng của khí thải xe cộ đến một số đặc điểm quan trọng của lá, loài này có thể được coi là một cây chỉ thị để theo dõi tình trạng ô nhiễm như vậy trong tương lai.

Tô Thị Ngân

39

XÁC THỰC QUẦN THỂ CÂY THUỐC CỔ TRUYỀN CASSIA TORA L. DỰA TRÊN CHỈ THỊ ISSR VÀ PHÂN TÍCH FTIR

Kumar V. và cs.

Scientific reports. 2018.  8(1). DOI:10.1038/s41598-018-29114-1

Cassia tora là một loài cây thuốc. Các cây thuốc từ các địa phương khác nhau được cho là có sự khác biệt về hiệu quả điều trị. Trong nghiên cứu này, sáu quần thể C. tora với các nguồn gốc sinh thái-địa lý khác nhau đã được điều tra về mặt gen (ISSR) và hóa học thực vật (FTIR) để thiết lập một phương pháp tích hợp cho việc phân biệt quần thể và xác thực nguồn gốc của loại thảo dược này. Phân tích biểu hiện gen CHS và xác định hàm lượng flavonoid đã được thực hiện để củng cố nghiên cứu. Tổng cộng có 19 băng đặc trưng cho quần thể đã được quan sát trong 11 dấu vân tay ISSR. Các mã xác thực đã được tạo ra bằng cách sử dụng sáu băng đa hình cao, bao gồm ba băng xác thực. Phổ FTIR cho thấy các đỉnh tại số sóng 1623cm−1 (nhóm carbonyl) và 1034cm−1 (>CO- nhóm) có khả năng phân tách các quần thể mạnh mẽ. Các đỉnh này được gán cho flavonoid và carbohydrate, tương ứng, mạnh hơn đối với quần thể Ranchi (vùng cao). Sự biến đổi ở mức độ phiên mã của gen CHS đã được quan sát. Các phát hiện của phân tích FTIR và RT-PCR phù hợp với phân tích TFC, trong đó, lượng flavonoid thấp nhất được quan sát thấy ở quần thể Lucknow (vùng thấp). Tất cả các quần thể C. tora đã được xác thực chính xác bằng phân tích ISSR và dấu vân tay FTIR, và địa điểm Ranchi được quan sát là phù hợp hơn cho việc thu hoạch các hợp chất sinh học có hoạt tính điều trị tiềm năng.

Bùi Thị Xuân

40

ĐỘNG THÁI CỦA CÁC ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI – SINH LÝ CỦA LOÀI CASSIA TORA L.(FABACEAE) TRONG MÔI TRƯỜNG STRESS Ô NHIỄM DU MỎ

Sarma B và cs.

International Journal of Environmental Science and Technology.. 2018. 16 (3). DOI:10.1007/s13762-018-1919-0

Đốt cháy khí tự nhiên là hiện tượng gây suy thoái môi trường và ảnh hưởng đến kết cấu của bầu khí quyển. Nồng độ CO2 cao trong khí quyển làm thay đổi hình thái cũng như thành phần hóa sinh của cây, dẫn đến sự giới hạn nitơ cho cây. Cassia tora, một loại cỏ dại phổ biến, được chọn để đo lường tác động của việc đốt cháy khí tại hai trạm thu gom nhóm (GGS) ở huyện Sivasagar của Assam, Ấn Độ. Biểu bì được quan sát bằng kính hiển vi điện tử đã phát hiện ra những thay đổi có trong các đặc điểm biểu bì lá của cây. CO2 được ghi nhận là khí chủ yếu trong khí quyển ở các khu vực lân cận các địa điểm đốt khí. Ngoài ra, sự giảm đáng kể về nitơ (%), diện tích lá cụ thể (SLA) (mm2 mg-1), diệp lục (mg/g) và chiều dài lỗ khí khổng (µm) cũng như sự gia tăng hàm lượng chất khô của lá (LDMC), độ dày lá (mm) và tỷ lệ phần trăm carbon của cây thảo quyết minh đã được ghi nhận trong môi trường ức chế CO2 tại cả hai trạm thu gom. Các nghiên cứu mô phỏng được tiến hành trong buồng hở (OTC) cũng cho thấy xu hướng tương tự.

Lô Đức Việt

41

ẢNH HƯỞNG CỦA SULPHUR DIOXID ĐẾN KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG VÀ HÌNH THÁI CỦA LOÀI THẢO QUYẾT MINH (CASSIA TORA L.)

Prasannarani Tanneru

Journal of Environmental Science, Toxicology and Food Technology.201610, (2):36-37.

Thảo quyết minh (Cassia tora L.) từ lâu đã được biết đến nhờ các giá trị về mặt y học và các hoạt chất chúng sở hữu. Loại cây này được sử dụng trong việc điều trị sốt, bệnh về da, có tác dụng hỗ trợ thần kinh, sử dụng thay thế cà phê và còn nhiều công dụng khác. Tuy nhiên, trong tự nhiên, chúng sinh trưởng trong điều kiện không khí ô nhiễm, trong đó có khí SO2, thứ có thể gây ảnh hưởng đến hình thái và khả năng sinh trưởng của cây, từ đó có tác động đến hàm lượng hoạt chất. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tìm hiểu về mức độ ảnh hưởng của nồng độ SO2 (ở các mức 10, 20, 30, 40 và 50 ppm) đối với sự sinh trưởng và các đặc điểm hình  thái của cây giống thảo quyết minh. Sau 15 ngày, kết quả được ghi nhận dựa trên các tiêu chí về màu sắc và đặc điểm phiến lá, thân và khối lượng khô của cây. Khi nồng độ SO2 tăng lên mức 50 ppm, những thay đổi đáng kể nhất được ghi nhận như độ quăn và độ cuộn vào của lá. Khối lượng khô của cây giảm xuống khi nồng độ SO2 tăng lên, trong khi rễ không có sự thay đổi.

Nguyễn Xuân Khánh

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu dịch)