Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 4 NĂM 2023: CỐT TOÁI BỔ VÀ LẠC TIÊN

Cốt toái bổ

  MỘT FLAVAN MỚI TỪ THÂN RỄ CỐT TOÁI BỔ (DRYNARIA BONII  H. CHRIST)

Pham Thi Nhat Trinh và cs.

Natural Product Research. 2016; 30(7): 761-767.

Tại Việt Nam, cây thuốc Cốt toái bổ (Drynaria bonii  H. Christ) được dùng để điều trị loãng xương, gãy xương, kích thích mọc tóc, trị ù tai (Ho 2002; Lợi 2004). Trong bài báo này, các thí nghiệm được thiết kế để khảo sát tác động tăng sinh của các cao chiết ethanol, n-hexan, chloroform, ethyl acetat và methanol từ thân rễ Cốt toái bổ (D. Bonii) trên các tế bào MG-63 giống nguyên bào xương của người. Kết quả cho thấy các cao chiết methanol và n-hexan có khả năng gây tăng sinh tế bào MG-63 ở nồng độ thay đổi từ 0,1 đến 0,01 μg/mL. Đặc biệt, ở nồng độ 0,01 μg/mL, các cao chiết n-hexan và methanol từ cốt toái bổ cho thấy tỷ lệ tăng sinh cao nhất với lần lượt là 9,31% và 6,16%. Bằng sắc ký cột, một hợp chất mới có tên drynaether A (1) và năm hợp chất đã biết uracil (2), 4'-hydroxy-7-methoxyflavan (3), kaempferol (4), axit indole-3-carboxylic (5) và acid protocatechuic (6) đã được phân lập và xác định từ cao chiết methanol.

Lê Quí Trí, Đỗ Trần Thẩm Thuý, Phan Thanh Thủy, Nguyễn Trà My

NGHIÊN CỨU IN SILICO TRONG MPO VÀ DOCKING PHÂN TỬ CỦA CÁC CHẤT TỔNG HỢP  TƯƠNG TỰ DRYNARAN ĐỂ CHỐNG LẠI Ù TAI MÃN TÍNH:  ĐIỀU HÒA THỤ THỂ ACETYLCHOLIN MUSCARIN M1

Matheus Nunes da Rocha và cs.

Molecular Biotechnology. 2023

https://doi.org/10.1007/s12033-023-00748-5

Ù tai là một hội chứng ảnh hưởng đến hệ thống thính giác của con người và được đặc trưng bởi sự cảm nhận âm thanh trong trường hợp không có kích thích âm thanh hoặc trong yên lặng hoàn toàn. Nghiên cứu cho thấy các thụ thể acetylcholine muscarin (mAChRs), đặc biệt là loại M1, đóng vai trò căn bản trong sự thay đổi cảm nhận âm thanh của bệnh ù tai. Ở đây, một loạt các công cụ hỗ trợ bởi máy tính đã được sử dụng, từ phần mềm phân tích bề mặt phân tử đến các dịch vụ có sẵn trên web để ước lượng dược động học và dược lực học. Kết quả cho thấy các phối tử có tính thân lipid thấp, tức là các alkyl furan 1a-d, có hồ sơ dược động học tốt nhất, khi các hợp chất có sự liên kết tối ưu giữa tính thấm và độ thanh thải. Tuy nhiên, chỉ có phối tử 1a1b có tính chất an toàn đối với hệ thống thần kinh trung ương, nơi xảy ra sự điều chỉnh kiểu choline. Các phối tử này có sự tương đồng với các hợp chất được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu hóa học của Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử Châu Âu (ChEMBL) tác động lên mAChRs loại M1, mục tiêu được chọn cho thử nghiệm docking phân tử. Các mô phỏng cho thấy phối tử 1g có thể tạo thành phức hợp phối tử-thụ thể với trật tự năng lượng ái lực tốt nhất và cùng với phối tử 1b, chúng là các chất chủ vận cạnh tranh đối với chất đối kháng Tiotropium, bên cạnh tác dụng hiệp đồng với thuốc Bromazepam trong việc điều trị hội chứng ù tai mãn tính.

Sơ đồ

Mô tả: Nghiên cứu về các hoạt động sinh học của Drynaria bonii  đã dẫn đến mô hình ADMET được sử dụng, chủ yếu liên quan đến sự hấp thu của ruột non và hoạt động của não. Các công cụ web, bằng thử nghiệm tìm kiếm đồng dạng đã chọn lựa được thụ thể muscarinic M1 và đã sử dụng trong các thử nghiệm tương tác thụ thể-phối tử, để dự đoán cơ chế điều trị chứng ù tai của các ứng viên.


Lê Thị Kim Oanh

TỔNG HỢP DRYNARAN VÀ CÁC HỢP CHẤT TƯƠNG TỰ

Lorena Lessa Mendes và cs.

Journal of Molecular Structure. 2022; 1250 (1): 131673.

https://doi.org/10.1016/j.molstruc.2021.131673

Trong một nghiên cứu trước, hợp chất tự nhiên drynaran, hay E-3-(5-hydroxymethyl) furan-2-yl)-2-phenylacrylaldehyd, đã được phân lập từ loài dược liệu Châu Á Cốt toái bổ (Drynaria bonii). Mặc dù loài này đã được sử dụng cho một số mục đích điều trị, nhưng lượng drynaran phân lập được ít và do đó chỉ được đánh giá cho một số tác dụng sinh học. Ở đây, chúng tôi đề xuất một quá trình tổng hợp drynaran đơn giản, nhanh chóng, chọn lọc cấu trúc, điều kiện tổng hợp thân thiện, ít độc hại, sử dụng ethanol làm dung môi và 5-hydroxymethylfurfural làm nguyên liệu ban đầu. Drynaran thu được với hiệu suất 66% và tỷ lệ đồng phân lập thể E:Z là 98:2. Phương pháp này cũng được sử dụng để tạo ra một loạt các chất tương tự với drynaran, một trong số chúng là đồng phân E- ở dạng tinh khiết và một số khác có tỷ lệ E:Z đạt ít nhất là 90:10. Ngoài ra, năm chất tương tự drynaran đã hình thành dạng tinh thể với các tính chất phù hợp cho việc thu thập dữ liệu nhiễu xạ tia X đơn tinh thể và lần đầu tiên cấu trúc tinh thể của chúng được mô tả.

Nguyễn Thu Hằng

DRYBONIOSID, MỘT GLUCOSID MỚI ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ THÂN RỄ CỐT TOÁI BỔ (DRYNARIA BONII  H. CHRIST)

Pham Thi Nhat Trinh và cs.

Nature Produce Research. 2015; 29(2): 137-140

Cốt toái bổ (Drynaria bonii  H. Christ), một cây thuốc cổ truyền ở Việt Nam, được dùng để chữa loãng xương, gãy xương, ù tai,…( Hộ P. H. 2002. Cây cỏ Việt Nam. Hà Nội: NXB Trẻ; Lợi Đ. T. 2004. Cây thuốc và bài thuốc Việt Nam. Hà Nội: NXB Y học). Dựa trên sắc ký cột, một glucosid mới có tên là dryboniosid (5) và bốn hợp chất đã biết là α-tocopherol (1), 24-methylencycloartan-3-β-ol (2), triphyllol (3) và ethyl β-D-fructopyranosid (4) đã được phân lập và xác định từ các chiết xuất n-hexan và methanol của loài D. bonii. Cấu trúc của hợp chất mới đã được làm sáng tỏ dựa trên cơ sở phân tích phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR và phương pháp khối phổ MS.

 

Đỗ Thị Thùy Linh, Nguyễn Trà My

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA THÂN RỄ CÔT TOÁI BỔ (DRYNARIA BONII) VÀ TÁC DỤNG TRÊN SỰ TĂNG SINH TẾ BÀO CỦA DÒNG NGUYÊN BÀO XƯƠNG MG-63

Pham Thi Nhat Trinh và cs.

IOP conference series: Materials Science and Engineering. 2020; 736

Trong y học dân gian Việt Nam, cây cốt toái bổ (Drynaria bonii  Heinrich Christ) được dùng chữa bệnh về xương, loãng xương, ù tai và kích thích mọc tóc, dùng thay cho cây Drynaria fortunei. Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của Drynaria bonii. Phương pháp điều trị loãng xương thông qua kích thích tăng sinh tế bào tạo xương đang được quan tâm hiện nay. Trong bài báo này, chúng tôi báo cáo quá trình phân lập và xác định cấu trúc hóa học 6 hợp chất gồm 24-methylen-cycloartan-3-ß-ol (1), triphyllol (2), 5-hydroxymethylfurfural (3), acid protocatechuic (4), rutin (5) và nicotiflorin (6) từ chiết xuất methanol của thân rễ D. bonii. Tác dụng tăng sinh tế bào của các hợp chất phân lập được lên dòng tế bào nguyên bào xương MG-63 cũng đã được khám phá. Kết quả chỉ ra rằng các hợp chất 1, 2 4 đã kích thích sự tăng sinh của các tế bào nguyên bào xương MG-63 lần lượt là 8,49%; 11,18 % và 7,68 % ở các nồng độ 100 μg/ml. Đây là thông báo đầu tiên của sáu hợp chất phân lập được từ cố toái bổ Drynaria bonii và hoạt tính tăng sinh tế bào của chúng trên các tế bào MG-63 nguyên bào xương.

Phan Thanh Thủy, Nguyễn Trà My

CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC TỪ THÂN RỄ CỐT TOÁI BỔ (DRYNARIA BONII)

Pham Thi Nhat Trinh và cs.

Chemistry of Natural Compounds 2015, 51: 476-479

Trong nghiên cứu này, các hợp chất phenolic từ thân rễ cốt toái bổ (D. bonii) đã được phân lập và đánh giá hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa. Một hợp chất mới và tám hợp chất phenolic đã biết cùng được phân lập từ cao chiết ethanol của D. bonii. Cấu trúc của hợp chất mới được xác định bằng cách phân tích dữ liệu quang phổ là 3-(5-hydroxymetyl)furan-2-yl)-2-phenylacrylaldehyd (9), cùng với chrysophanol (1), nobiletin (2), acid protocatechuic (3), protocatechualdehyd (4), isoliquiritigenin (5), rutin (6), nicotiflorin (7) và linocaffein (8). Các hợp chất này lần đầu tiên được phân lập từ loài này. Hầu hết các hợp chất đều thể hiện hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa, trong đó hợp chất số 4 có tác dụng chống oxy hóa mạnh (SC50 4,87 μg/mL) trong thử nghiệm dập tắt gốc tự do DPPH.

Nguyễn Trà My

NUÔI CẤY BÀO TỬ DRYNARIABONII: TỐI ƯU HOÁ CÁC ĐIỀU KIỆN NUÔI CẤY VÀ PHÂN TÍCH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỂ GIAO TỬ VÀ THỂ BÀO TỬ

Quyen Van Nguyen và cs.

Plant Biotechnology Reports. 2020; 14: 575-584

Drynariabonii H. Christ là cây thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh mãn tính và lao phổi. Tuy nhiên, cây thuốc cốt toái bổ (D. bonii) vẫn chưa được trồng và nhân giống trong sản xuất. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tối ưu hoá điều kiện nuôi cấy bào tử để tạo ra các thể bào tử. Đầu tiên, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau, như nhiệt độ, cường độ ánh sáng, vật liệu làm bầu và độ pH, tới sự nảy mầm của bào tử và sự phát triển giao tử sớm. Trong điều kiện nuôi cấy tối ưu, 95-99% bào tử nảy mầm trong vòng 2 tuần nuôi cấy. Tiếp theo, dựa trên những kết quả này, chúng tôi thiết lập một hệ thống nuôi cấy để phát triển giao tử và sản xuất bào tử. Giao tử trưởng thành xuất hiện đầu tiên sau 5 tháng kể từ khi nảy mầm (mpg) và ở mức 12 mpg, tỷ lệ giao tử hình thành hình tim đạt 56,6%. Thể bào tử ở giai đoạn đầu của lá đầu tiên xuất hiện ở thời điểm 6 mpg và 12 mpg, tỷ lệ hình thành thể bào tử đạt 15,4%. Trong đó 6,3% số giao tử tạo ra nhiều bào tử. Ngoài ra, 42-62% giao tử cũng tạo ra nhiều giao tử thứ cấp, cho thấy tiềm năng cao của giao tử cốt toái bổ để tạo ra giao tử mới và sau đó là thể bào tử. Khi chuyển sang khay hoặc chậu mới, bào tử phát triển tốt và tỷ lệ sống 100%. Nhìn chung, hệ thống nuôi cấy bào tử này có thể được sử dụng để nhân giống thành công bào tử cốt toái bổ.

Đỗ Trần Thẩm Thuý, Giàng A Tiến

MỘT FLAVAN MỚI Ở  RỄ CỦA CÂY DRYNARIABONII H. CHRIST

Pham Thi Nhat Trinh và cs.

Natural product research. 2016; 30(7): 761-767

Ở Việt Nam, cây dược liệu Drynaria bonii H. Christ được sử dụng để điều trị loãng xương, gãy xương, kích thích mọc tóc, trị ù tai (Ho, 2002; Loi, 2004). Trong nghiên cứu này, các thí nghiệm được thiết kế để đánh giá hoạt tính tăng sinh của các chiết xuất ethanol, n-hexan, chloroform, ethyl axetat và methanol từ rễ của cây D. bonii trên các tế bào giống nguyên bào xương MG-63 của con người. Kết quả cho thấy dịch chiết methanol và hexan có khả năng tăng sinh tế bào MG-63 ở nồng độ thay đổi từ 0,1 đến 0,01 μg/mL. Đặc biệt, ở nồng độ 0,01 μg/mL, chiết xuất hexan và methanol cho tỷ lệ tăng sinh cao nhất với tỷ lệ tương ứng là 9,31% và 6,16%. Sử dụng phương pháp sắc kí cột, một hợp chất mới có tên là drynaether A (1) và 5 hợp chất đã biết là uracil (2), 4′-hydroxy-7-methoxyflavan (3), kaempferol (4), axit indole-3-carboxylic (5) và axit protocatechuic (6) được phân lập và xác định từ dịch chiết methanol.

Đỗ Trần Thẩm Thuý

 

Lạc tiên

 

TIỀM NĂNG Y HỌC CỦA CÁC CHIẾT XUẤT TỪ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.): CÁC HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Md Asadujjaman và cs.

Journal of Integrative Medicine. 2014, 12(2): 121-126

Mục tiêu: Nhằm khám phá các tác dụng giảm đau, chống tiêu chảy và gây độc tế bào của cao chiết ethanol từ Lạc tiên Passiflora foetida L. (Passifloraceae) bằng ba phương pháp thực nghiệm.

Phương pháp: Hoạt tính giảm đau của cao chiết ethanol từ Lạc tiên (EEPF) được đánh giá qua thử nghiệm ức chế cơn đau quặn bụng do acid acetic gây ra ở chuột. Mô hình kích thích tiêu chảy do dầu thầu dầu gây ra ở chuột được sử dụng để đánh giá hoạt tính chống tiêu chảy. Hoạt tính gây độc tế bào của EEPF đã được nghiên cứu bằng thử nghiệm độc tính trên ấu trùng tôm.

Kết quả: Kết quả cao chiết EEPF liều 500 và 250 mg/kg ức chế 68,75% và 30,00% cơn đau quặn bụng, tương ứng. Cao chiết EEPF làm tăng tiềm thời của cơn tiêu chảy cấp lên khoảng 1,55 giờ và 1,17 giờ và giảm số lượng phân trung bình xuống 4,4 và 5,6 với liều 500 và 250 mg/kg, tương ứng. Cao chiết EEPF cũng thể hiện hoạt tính gây độc tế bào trong thử nghiệm gây chết ấu trùng tôm và nồng độ gây chết trung bình đối với ấu trùng tôm là 80 μg/mL

Kết luận: Kết quả cho thấy cao chiết từ ​​Lạc tiên có hoạt tính giảm đau và chống tiêu chảy, góp phần cho việc sử dụng loài thực vật này trong y học cổ truyền. Kết quả cũng cho thấy rằng cao chiết Lạc tiên có hoạt tính độc tế bào.

                       Lê Quí Trí, Đỗ Hồng Mạnh

TÁC DỤNG HIỆP ĐỒNG KHÁNG KHUẨN VÀ DIỆT MUỖI CỦA CÁC HẠT NANO BẠC TỔNG HỢP TỪ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.)

Palanisamy D.S. và cs.

Brazilian Journal of Biology. 2024; 84: e263391

Các hạt nano bạc được lựa chọn để có các ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau, từ thuốc truyền thống đến các mặt hàng ẩm thực. Các hạt này có độc tính tế bào, hiệu quả nhất trên vi khuẩn, nấm, vi rút, ký sinh trùng, vật mang ký sinh trùng như muỗi và ấu trùng của chúng và các vi sinh vật nhân thực khác ở nồng độ thấp mà không có bất kỳ tác dụng phụ và độc tính nào đối với con người. Theo các dữ kiện như vậy, nghiên cứu hiện tại đã được khám phá bằng cách tổng hợp các hạt nano bạc sử dụng bạc nitrat 1 mM và dịch chiết nước từ Lạc tiên (Passiflora foetida L.). Tiến hành phân tích sự thay đổi của các hạt nano về kích thước và hình dạng liên quan đến nồng độ dịch chiết được chuẩn bị. Sự hình thành các hạt nano bạc được xác nhận bằng cách thay đổi màu sắc từ xanh vàng sang nâu đỏ liên quan đến cộng hưởng plasmon bề mặt. Ngoài ra, các hạt nano bạc đã được khẳng định bằng đỉnh hấp thụ ở 420 nm trong phân tích quang phổ UV-Visible . Phân tích FTIR đã được sử dụng để xác định các phối tử đóng nắp, bao gồm ankan, nhóm thơm và hợp chất nitro. Kích thước hạt trung bình từ  ̴12 nm đến 14 nm với pha tinh thể được thể hiện bởi các nghiên cứu nhiễu xạ tia X. Các hình ảnh SEM mô tả hình thái bề mặt với sự kết tụ; Các nghiên cứu TEM cho thấy hình dạng của các hạt nano là hình cầu và lục giác với kích thước từ 40 nm đến 100 nm và phân tích EDAX đã xác nhận sự hiện diện của bạc nguyên tố là thành phần chính. Các hạt nano bạc đặc trưng sau đó đã được thử nghiệm về tác dụng kháng khuẩn hiệp đồng với tetracycline và kết quả cho thấy có hoạt tính mạnh với E. coliS. aureus, nhưng có hiệu quả vừa phải đối với B. cereusK. pneumoniae. Các hạt nano bạc cũng có tác dụng độc mạnh với ấu trùng và nhộng trên tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti với tỷ lệ gây chết cao nhất. Kết quả cho thấy các hạt nano bạc có thể là một sự thay thế khả thi cho nhiều ứng dụng khác nhau.

Lê Thị Kim Oanh

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ VÀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÁC CHIẾT XUẤT LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.): NHỮNG NHẬN ĐỊNH MỚI TRONG DƯỢC PHẦM VÀ DƯỢC DINH DƯỠNG

Chiavaroli A. và cs.

Processes. 2020; 8: 1034.

Trong nghiên cứu này, các chiết xuất Lạc tiên (Passiflora foetida L.) đặc trưng bởi độ phân cực khác nhau đã được khảo sát thành phần hóa học, đánh giá hoạt tính ức chế enzyme và khả năng chống oxy hóa. Các chiết xuất methanol và nước từ Lạc tiên đã được nghiên cứu trên các thực nghiệm in silico, in vitro ex vivo để dự đoán dược động học và dược lực học. Theo khía cạnh này, các tế bào thần kinh HypoE22, các mô da chuột bị cô lập và các chủng nấm gây bệnh ngoài da đã được thử nghiệm với các chiết xuất từ Lạc tiên. Nghiên cứu này nhấn mạnh đến tác dụng của các chiết xuất từ Lạc tiên trong ngăn ngừa những biến đổi của prostaglandin E2 (PGE2), L-DOPA và serotonin do peroxide hydrogen gây ra. Phân tích hóa học cho thấy sự hiện diện của các hợp chất tương tự trong dịch chiết nước và dịch chiết methanol từ Lạc tiên. Các nghiên cứu ex vivo cũng cho thấy các đặc tính bảo vệ da nhờ chiết xuất nước và methanol từ Lạc tiên, giúp  làm giảm PGE2 do peroxide hydrogen gây ra. Ngoài ra, các tác động làm giảm nồng độ L-DOPA do peroxide hydrogen gây ra phù hợp với hoạt tính kháng tyrosinase của cả hai chiết xuất. Thử nghiệm in silico đã chứng minh ái lực của các hợp chất trong các chiết xuất như apigenin, chrysoeriol, loliolide, luteolin, quercetin và vitexin đối với cyclooxygenase-2 và tyrosinase. Cuối cùng, các thử nghiệm vi sinh đã minh chứng tính hiệu quả của chiết xuất nước và methanol từ Lạc tiên như là các tác nhân chống nấm đối với các loài TrichophytonArthroderma, liên quan đến viêm da. Do đó, các chiết xuất Lạc tiên có thể đại diện cho các nguồn dược phẩm và dược dinh dưỡng tiềm năng.

Nguyễn Hoàng Minh, Đỗ Trần Thẩm Thuý, Trần Huyền Trang

DỮ LIỆU NGOÀI DƯỢC ĐIỂN VỀ HÌNH THÁI-GIẢI PHẪU, SƠ BỘ HÓA THỰC VẬT VÀ HPTLC CỦA LÁ LẠC TIÊN (Passiflora foetida Linn.)

Shruthi Pandith và cs.

Journal of Ayurvedic and Herbal Medicine. 2022; 8(3): 173–177.

Mở đầu: Y học đã phát triển sau rất nhiều thử nghiệm và thất bại. Ayurveda là một hệ khoa học sự sống với ý nghĩa mang lại hạnh phúc cho tất cả các sinh vật. Tầm quan trọng về mặt y học của nhiều loại thực vật đã được ghi nhận trong Ayurveda, tuy nhiên loài được tìm thấy muộn hơn hoặc ngoại lai không được đề cập đến trong Ayurveda, thay vào đó chúng được gọi là Anukta có nghĩa là không thể liệt kê. Thực vật học dân tộc là một nhánh của thực vật học nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và thực vật. Là thảo dược được bổ sung trong Ayurveda, Lạc tiên (Passiflora foetida Linn.) được sử dụng bởi y học dân gian và các thầy lang để chữa nhiều bệnh khác nhau như chứng quá kích động, bệnh về da, hen suyễn, đau đầu, các vết chích cắn nhiễm độc, hay rối loạn tiêu hóa v.v.

Phương pháp: Nghiên cứu dược tính, hóa lý, hóa thực vật sơ bộ và nghiên cứu HPTLC được thực hiện theo các quy trình tiêu chuẩn được đề cập trong Dược điển.

Kết quả: Nghiên cứu dược liệu ghi nhận các đặc điểm vi mô tới vĩ mô của cây. Các nghiên cứu hóa lý cung cấp thông tin về độ ẩm, tro toàn phần, tro không tan trong acid, tro tan trong nước, chất chiết tan trong cồn và chất chiết tan trong nước. Đánh giá hóa thực vật sơ bộ của chiết xuất cồn cho thấy sự hiện diện của các hợp chất phenol, alkaloid và chất nhựa. Nghiên cứu HPTLC thu thập dấu vân tay của chiết xuất từ mẫu thực vật.

Kết luận: Kết quả thu được từ các nghiên cứu sẽ giúp ích cho việc tiêu chuẩn hóa nguyên liệu thực vật.

Cao Ngọc Giang

THÀNH PHẦN HÓA HỌC, HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA TINH DẦU TỪ THÂN VÀ QUẢ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA (LINNAEUS))

Olaoluwa O. Olaoluwa và cs.

 The Pharmaceutical and Chemical Journal. 2019; 6(6): 21-28.

Nghiên cứu đã xác định thành phần tinh dầu, hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn của loài Lạc tiên (Passiflora foetida L., họ Passifloraceae). Tinh dầu của quả và thân P. foetida được chưng cất bằng thiết bị thủy tinh-Clevenger và thành phần hóa học của tinh dầu (EO) được xác định bằng sắc ký khí-khối phổ (GC/MS). Hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn lần lượt được đánh giá bằng cách sử dụng thử nghiệm dập tắt gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) và phương pháp khuếch tán thạch. Kết quả cho thấy hiệu suất tốt của tinh dầu với 0,40% ở thân và 0,24% ở quả (theo khối lượng/khối lượng). Trong đó, 13 hợp chất (chiếm 99,97%) và 17 hợp chất (chiếm 100%) với các thành phần chính như pentadecanal (30,11%) và oleamid (19,32%) là hai hợp chất chính nhận định được trong tinh dầu thân và quả, tương ứng. Các nhóm hợp chất được xác định trong tinh dầu ở thân gồm các alkanal (48,54%), alkanol (21,43%), ester (20,30%), amid (6,65%), alkanon (1,99%) và hydrocarbon (1,06%); trong khi đó các nhóm chất của tinh dầu quả là hydrocarbon (49,04%), amid (19,32%), alkanal (12,01%), acid carboxylic acid (8,10%), ester (4,94%), alcohol (3,34%) và ether vòng (3,24%). Tác dụng chống oxi hóa ở tinh dầu quả cao hơn ở tinh dầu thân và có hoạt tính cao hơn α-tocopherol (20 - 0,0625%), với thời gian ủ 10 phút và 30 phút. Tinh dầu ở thân lại thể hiện hoạt tính kháng vi khuẩn Staphylococcus aureus ở nồng độ 50 mg/mL. Điều này giúp khẳng định thêm hoạt tính kháng khuẩn của các dịch chiết P. foetida, minh chứng cho việc sử dụng loài này như là tác nhân chống nhiễm trùng trong y học cổ truyền.

Võ Phát Thịnh, Lâm Bích Thảo, Nguyễn Thị Kim Anh

CÁC PHÂN ĐOẠN SẮC KÝ CỘT VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HOÁ TỪ LÁ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA)

Nita Triadisti  và cs.

Borneo Journal of Pharmacy. 2023; 6(1): 22-30

Các chất chống oxy hóa tổng hợp hiện nay đã được báo cáo về ảnh hưởng gây đột biến và có độc tính. Trong khi đó, chất chống oxy hóa tự nhiên thể hiện ưu việt vì không có hoặc ít độc hại hơn. Lạc tiên (Passiflora foetida L.) có tiềm năng làm chất chống oxy hóa, nhưng việc nghiên cứu hoạt tính chống oxy hóa của các phân đoạn sắc ký cột của lá Lạc tiên chưa được báo cáo. Nghiên cứu này nhằm mục đích khám phá hoạt tính chống oxy hóa của các phân đoạn sắc ký cột của lá Lạc tiên. Một sàng lọc hoạt tính chống oxi hóa sử dụng các phương pháp DPPH và FRAP. Quá trình chiết xuất được tiến hành bằng cách chiết ngấm kiệt, sau đó phân đoạn bằng cách sử dụng cột sắc ký. Thử nghiệm hoạt tính chống oxy hóa được tiến hành bởi các phương pháp DPPH và FRAP. Phân tích sắc ký bản mỏng được thực hiện để xác định mẫu sắc ký. Giá trị EC50 với phương pháp DPPH từ cao chiết n-hexan: 129,035 µg/mL, từ cao chiết ethyl acetat: 206,398 µg/mL, từ cao chiết methanol: 97,453 µg/mL, trong khi giá trị EC50 sử dụng phương pháp FRAP từ cao chiết n-hexan: 67,851 µg/mL, cao chiết ethyl acetat: 68,981 µg/mL, cao chiết methanol: 58,787 µg/mL. Các phân đoạn sắc ký cột có hoạt tính chống oxy hóa, với phân đoạn có hoạt tính tốt nhất FMetPF6, với tỷ lệ ức chế 41,85±1,96 ở nồng độ 25 µg/mL (DPPH), và hoạt tính chống oxy hóa 26,03±0,84 ở nồng độ 9 µg/mL (FRAP). Lá Lạc tiên có tiềm năng lớn làm chất chống oxy hóa; cả cao chiết và các phân đoạn của lá Lạc tiên đều có hoạt tính chống oxy hóa. Phân đoạn FMetPF6 có hoạt tính tốt nhất so với các chiết xuất và phân đoạn khác. Các thí nghiệm phân tích tiếp theo để xác định các hợp chất khác nhau trong FMetPF6 bằng phương pháp LC-MS/MS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân lập hoạt chất.

Hoàng Thành Dương, Đỗ Trần Thẩm Thuý

ĐÁNH GIÁ VỀ HÓA THỰC VẬT CỦA CÁC CAO CHIẾT TỪ HẠT VÀ CÙI QUẢ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.)

P. S. Chinnasamy và cs.

World Journal of Pharmaceutical Research. 2018; 7(7): 1924-1932

Cao chiết methanol của hạt và cùi quả từ cây Lạc tiên (Passiflora foetida L.) đã được kiểm tra để tìm các nguồn có thể có của các thành phần hóa học trong cây. Quá trình sàng lọc sơ bộ hóa thực vật được thực hiện với các quy trình định tính tiêu chuẩn cho thấy có sự hiện diện của một số chất chuyển hóa thứ cấp. Nghiên cứu GC-MS đã được thực hiện để xác định các hợp chất có hoạt tính sinh học tiềm năng có trong cao chiết từ hạt và cùi quả. Phân tích GC-MS cho thấy sự hiện diện của 12 và 15 hợp chất có hoạt tính sinh học tương ứng trong cao chiết hạt và cùi quả. Các hợp chất chính phổ biến nhất có trong cao chiết hạt là các methyl ester của các acid như : 11-octadecenoic (31,82 %); 9,12-octadecadienoic (27,08 %); acid hexadecanoic, methyl ester (21,94 %); acid hexadecanoic, 15-methyl-, methyl ester (13,65 %) và acid phthalic, isobutyl octyl este (2,85 %). Trong khi đó, cao chiết methanol của cùi quả cho thấy có sự hiện diện của acid hexadecanoic, 15-methyl-, methyl ester (26,39%); 5-Hydroxymethylfurfural (25,18%); 2',3'-Dideoxyribonolactone (11,89%); Levoglucosenone (11,21%), Furfuran (6,76%). Những kết quả này chỉ ra rằng cao chiết methanol của hạt và quả Lạc tiên có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư mạnh. Do đó, Lạc tiên có thể được xem như là một thực vật dược quan trọng.

Phạm Anh Minh

ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH BẢO VỆ DẠ DÀY CỦA CAO LÁ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.) CHIẾT BẰNG HỆ THỐNG CHIẾT CÓ HỖ TRỢ SIÊU ÂM (UAE) TRONG VIỆC CHỐNG LẠI TỔN THƯƠNG DẠ DÀY DO ETHANOL GÂY RA Ở CHUỘT

Elsa Trinovita và cs.

Majalah Obat Tradisional. 2020; 25(2): 110-117.

Trên thế giới, loét dạ dày là một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc điều trị đều có tác dụng phụ và tương tác thuốc không mong muốn nên nghiên cứu này tập trung vào việc sử dụng các sản phẩm từ thực vật như một tác nhân chất chống loét dạ dày. Các nhóm chất của lá Lạc tiên (Passiflora foetida L.), hay còn được biết đến nhiều hơn ở Central Borneo với tên gọi ‘Cemot’, như flavonoid, alkaloid và tannin được chứng minh có tiềm năng bảo vệ dạ dày. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp chiết xuất không thường quy, tên là UAE (ultrasonic assisted extraction), vì nó có những ưu điểm so với các phương pháp truyền thống khác. Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát các tác dụng bảo vệ dạ dày của cao chiết ethanol từ lá Lạc tiên theo phương pháp UAE. Cao chiết Lạc tiên thu được từ UAE sử dụng ethanol 70%, tỷ lệ mẫu/dung môi (10 g/mL) trong 3 phút. Ba nhóm chuột cống trắng được điều trị với liều cao chiết tương ứng (50, 100 và 200 mg/kg thể trọng), một nhóm chuột được điều trị bằng omeprazole 36 mg/kg thể trọng, trong bảy ngày trước khi gây loét dạ dày bằng ethanol. Hoạt tính bảo vệ dạ dày với việc đo lường các chỉ số tổn thương do loét dạ dày và tỷ lệ ức chế loét. Nhóm chuột được điều trị bằng cao chiết Lạc tiên liều 200 mg/kg cho thấy giảm chỉ số loét và khả năng ức chế loét lần lượt là 2,83 và 35,34% khi so với nhóm sử dụng các liều khác. Kết luận: Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, kết luận rằng cao chiết Lạc tiên có tiềm năng bảo vệ dạ dày.

Nguyễn Phú Quang

ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI GIAN CHIẾT ĐẾN HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA CAO CHIẾT LÁ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.) VỚI PHƯỚNG PHÁP CHIẾT XUẤT CÓ HỖ TRỢ VI SÓNG (MAE)

Erika Ary Koesnadi và cs.

Jurnal Ilmu Dan Teknologi Pangan (ITEPA). 2021; 10(3): 357.

Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát ảnh hưởng của thời gian chiết đến hoạt tính chống oxi hóa của cao chiết lá Lạc tiên (Passiflora foetida L.) được chiết bằng phương pháp chiết xuất có hỗ trợ vi sóng (microwave assisted extraction, MAE). Thời gian chiết xuất được đánh giá ở: 1 phút, 2 phút, 3 phút, 4 phút, 5 phút và 6 phút với công suất chiếu vi sóng 300 Watt. Nghiên cứu này đã sử dụng thiết kế thí nghiệm hoàn toàn ngẫu nhiên được lặp lại 3 lần để thu được 18 thí nghiệm. Các thông số ghi nhận bao gồm hiệu suất chiết, hàm lượng tổng số của các nhóm chất như phenol, flavonoid và tannin cùng hoạt tính chống oxy hóa. Các dữ liệu về hiệu suất chiết xuất, phenol tổng số, flavonoid tổng số, tannin tổng số và hoạt tính chống oxy hóa được phân tích bằng phép phân tích phương sai, và nếu phép phân tích có hiệu quả đạt ý nghĩa, tiếp tục hậu kiểm bằng phép thử Duncan. Kết quả cho thấy thời gian chiết ảnh hưởng rõ ràng đến hiệu suất chiết xuất, hàm lượng tổng phenol, tổng flavonoid, tổng tannin và hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết lá Lạc tiên. Kết quả cho thấy thời gian chiết MAE 4 phút là phương pháp xử lý tốt nhất, cho hiệu suất đạt 17,40%; hàm lượng tổng phenol tương đương 75,07 mg acid gallic/g cao chiết; hàm lượng tổng flavonoid tương đương 33,05 mg quercetin/g; hàm lượng tổng tannin tương đương 2,76 mg acid tannic/g, hoạt tính chống oxy hóa dựa trên phần trăm  loại bỏ gốc tự do là 25,29 % với giá trị IC50 là 196,17 mg/L.

Trần Anh Quang

MỘT PHENYLETHANOID MỚI VÀ CÁC HỢP CHẤT KHÁC TỪ LẠC TIÊN (Passiflora foetida L.) CÙNG CÁC HOẠT TÍNH ỨC CHẾ NITRIC OXID CỦA CHÚNG

Nguyễn Văn Linh và cs.

Natural Product Communications. 2022; 17(11): 1–5

Bảy hợp chất phenolic, bao gồm một phenylethanoid mới, có tên là passifosid (1) và 6 hợp chất đã được mô tả trước đây, syringaresinol (2), berchemol (3), threo-guaiacylglycerol (4), p-hydroxybenzaldehyd (5), 3,4,5-trimethoxyphenyl-O-β-D-glucopyranosid (6) và acid trans-p-coumaric (7), được xác định từ phần trên mặt đất của Lạc tiên (Passiflora foetida L.). Cấu trúc hóa học của chúng đã được xác định bằng các dữ liệu phổ HR-ESI-MS và NMR và so sánh với tài liệu. Hợp chất 2 ức chế quá trình sản xuất nitric oxid trong các tế bào RAW 264.7 được kích thích bằng lipopolysaccharid với giá trị IC50 là 9,45 ± 0,33 µM. Các hợp chất khác thể hiện hoạt tính yếu hoặc có hoạt tính không đáng kể so với L-NMMA, được sử dụng như một chứng dương.

Nguyễn Thị Thu

CÁC ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CỦA BA HETERO-GALACTURONAN TỪ QUẢ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA) VÀ CÁC TÁC DỤNG ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH IN VITRO

Ya Song và cs.

Polymers. 2020; 12(3): 615

Lạc tiên (Passiflora foetida L.) là một loại cây trồng trong vườn nhà và là một loại thảo dược truyền thống thiết yếu của Trung Quốc. Trong nghiên cứu trước của chúng tôi, đặc tính và tác dụng tăng cường miễn dịch của polysaccharid 1 (PFP1) từ quả, một loại hetero-mannan được rửa giải bằng nước từ quả Lạc tiên hoang dại, đã được khám pháp. Ở đây, ba polysaccharid mới được rửa giải bằng muối, tên là PFP2, PFP3 và PFP4, đã được phân lập và xác định cấu trúc. Kết quả cho thấy, PFP2, PFP3 và PFP4 là ba dị hợp tử hetero-galacturonan có cấu trúc tương tự nhau với khối lượng phân tử khác nhau, lần lượt là 6,11 × 104; 4,37 × 104 và 3,48 × 105 g/mol. Cả ba hetero-galacturonan này đều được cấu tạo chủ yếu bởi acid galacturonic, galactose, arabinose (với tỷ lệ lần lượt là 75,69%, 80,39% và 74,30%) và các monosaccharid khác bao gồm mannose, fucose, glucose, ribose, xylose và acid glucuronic (lần lượt là 24,31%, 19,61 và 25,70%), cho dù có sự khác biệt trong cấu trúc khung của chúng. Ngoài ra, thử nghiệm điều hòa miễn dịch chỉ ra rằng ba hetero-galacturonan có khả năng thúc đẩy sản xuất nitric oxid (NO), yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α) và interleukin-6 (IL-6) trong đại thực bào RAW264.7 theo cách phụ thuộc vào nồng độ (p < 0,05). Đặc biệt, PFP3 thể hiện tác dụng tăng cường mạnh hơn PFP2 và PFP4 ở nồng độ hiệu quả tối thiểu. Do đó, kết quả cho thấy rằng ba hetero-galacturonan thu được theo phương pháp rửa muối, đặc biệt là PFP3, có thể được sử dụng như là hợp chất có tác dụng điều hòa miễn dịch trong ngành công nghiệp dinh dưỡng/dược phẩm.

Nguyễn Thị Thu

XÁC ĐỊNH VỀ HÓA THỰC VẬT VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA CÁC CAO CHIẾT QUẢ VÀ LÁ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA): MỘT NGHIÊN CỨU SO SÁNH

Yohanes Tandoro và cs.

International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences. 2020; 12(6): 55-58

Mục tiêu: Mục tiêu của nghiên cứu này là so sánh thành phần hóa học và hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết từ ​​quả và lá cây Lạc tiên (Passiflora foetida).

Phương pháp: Các thông số quan sát được trong nghiên cứu này là các nhóm chất hóa học bao gồm alkaloid, flavonoid, phenolic, sterol, triterpenoid, saponin, tannin và glycosid tim; hàm lượng phenolic tổng số được xác định bằng phương pháp Folin Ciocalteu dựa trên sự khử của thuốc thử Folin Ciocalteu trong môi trường kiềm và phức kim loại sinh ra được đo ở λmax= 760 nm; hàm lượng flavonoid tổng số theo phương pháp đo quang với AlCl3 dựa trên phép so màu thông qua sự tạo phức của AlCl3 và flavonoid trong môi trường kiềm, phức AlCl3-flavonoid sinh ra được đo ở λmax: 510 nm; hoạt động dọn gốc tự do DPPH và khả năng khử sắt dựa trên quá trình khử ion Fe3+ thành ion Fe2+ và phản ứng với FeCl3 để tạo thành phức hợp sắt (III)-sắt (II) được đo ở λmax: 700 nm.

Kết quả: Cao chiết lá Lạc tiên có các nhóm chất như alkaloid, phenolic, flavonoid, saponin và glycosid tim, phenol tổng số tương đương 22,92 ± 0,18 mg acid gallic/g mẫu khô, flavonoid tổng số tương đương 7,01 ± 0,10 mg catechin/g mẫu khô, hoạt tính dọn gốc tự do DPPH tương đương 2,77 ± 0,02 mg acid gallic/g mẫu khô và khả năng khử sắt tương đương 3,20 ± 0,04 mg acid gallic/g mẫu khô. Trong khi đó, cao chiết từ quả Lạc tiên có các nhóm chất như alkaloid, phenolic, flavonoid, glycosid tim, phenol tổng số tương đương 6,53 ± 1,02 mg acid gallic/g mẫu khô, flavonoid tổng tương đương 1,56 ± 0,27 mg catechin/g mẫu khô, hoạt tính dọn gốc tự do DPPH tương đương 1,00 ± 0,15 mg acid gallic/g mẫu khô và khả năng khử sắt tương đương 1,12 ± 0,17 mg acid gallic/g mẫu khô.

Kết luận: Cao chiết lá Lạc tiên có hàm lượng phenol tổng, flavonoid tổng và hoạt tính chống oxy hóa được đo bằng hoạt tính dọn gốc DPPH và khả năng khử sắt là cao hơn so với cao chiết từ quả Lạc tiên.

Nguyễn Thị Thu

PHÁT TRIỂN VÀ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ LỚP MỎNG HIỆU NĂNG CAO ĐỂ PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG VITEXIN TRONG CÁC CÔNG THỨC THẢO DƯỢC CÓ CHỨA LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA)

Ahmed Ibrahim Foudah và cs.

Saudi Pharmaceutical Journal. 2019. 27(8): 1157-1163

Mục đích của nghiên cứu này là phát triển phương pháp HPTLC được thẩm định để định lượng vitexin từ các dạng bào chế thương mại chứa dược liệu Lạc tiên. Phương pháp phát triển được đã được thẩm định, phù hợp với các hướng dẫn của ICH về độ chính xác, độ đúng, độ đặc hiệu và độ thô. Hệ sắc ký được khai triển với việc sử dụng hệ dung môi ethyl acetat:methanol:nước:acid formic 30:4:2:1 (%, v/v/v/v) trên các bản silica gel 60 F254 được tráng thủy tinh kích cỡ 20×10 cm và sau đó được quét và định lượng mật độ quang ở λ = 340 nm. Phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy mối quan hệ tuyến tính tốt giữa diện tích pic và hàm lượng vitexin trong khoảng 100–700 ng/điểm. Hàm lượng vitexin trong chín sản phẩm thảo dược thương mại đã được định lượng thành công bằng phương pháp HPTLC này. Phương pháp sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao được phát triển và thẩm định này cung cấp một công cụ mới nhạy hơn và đáng tin cậy để định lượng vitexin trong các sản phẩm thảo dược khác nhau có chứa Lạc tiên.

Vũ Thị Diệp

TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM CỦA LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.) TRONG ĐẠI THỰC BÀO RAW264.7 ĐƯỢC KÍCH THÍCH BỞI LPS

Ji-Won Park và cs.

International Journal of Molecular Medicine. 2018; 41(16): 3709-3716

Lạc tiên (Passiflora foetida L., họ Lạc tiên, Passifloraceae), một loại cây leo lâu năm, được sử dụng để điều trị nhiều bệnh trong y học cổ truyền. Trong nghiên cứu này, tác dụng chống viêm của cao chiết  methanol của Lạc tiên (PFME) và sự liên quan đến tín hiệu NF-κB (yếu tố hạt nhân-κB) trong quá trình điều hòa viêm đã được nghiên cứu. PFME đã ngăn chặn việc sản xuất prostaglandin E2 (PGE2) và sự biểu hiện của cyclooxygenase-2 (COX-2) cảm ứng trong các tế bào đại thực bào bị kích thích bởi lipopolysacarid (LPS). Bên cạnh đó, PFME làm giảm việc giải phóng các cytokin gây viêm. Ngoài ra, trong các tế bào RAW264.7 được kích thích bởi LPS, quá trình phosphoryl hóa MAPK (ERK1/2, p38 và JNK) đã bị PFME ngăn chặn. Hơn nữa, PFME đã ức chế quá trình kích hoạt NF-κB do LPS gây ra, quá trình này có liên quan đến mức độ p65 với việc loại bỏ sự thoái biến IκBα và các suy giảm tiếp theo sau. Những kết quả này chỉ ra rằng, PFME đã ức chế các phản ứng viêm và oxy hóa do LPS gây ra. Do đó, nghiên cứu đề xuất rằng PFME có thể là liệu pháp để điều trị các bệnh viêm nhiễm.

 

Vũ Thị Diệp

TÁC DỤNG GIẢM ĐAU VÀ CHỐNG VIÊM CỦA LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.)

V. Sasikala và cs.

Asian Pacific Journal of Tropical Medicine. 2011; 4(8): 600-603

Mục tiêu: Khảo sát tác dụng giảm đau, chống viêm của cao chiết ethanol lá Lạc tiên (Passiflora foetida).

Phương pháp: Đánh giá tác dụng giảm đau của cao chiết ethanol lá Lạc tiên bằng các phương pháp đĩa nóng và gây đau quặn bụng do acid acetic gây ra ở chuột nhắt trắng. Đặc tính chống viêm của cao chiết ethanol lá Lạc tiên đã được thử nghiệm bằng phương pháp gây phù nề cấp tính bàn chân chuột cống trắng bởi carrageenan và histamin.

Kết quả: Liều 200 mg/kg cao chiết lá Lạc Tiên thể hiện hoạt tính giảm đau mạnh nhất [(13,50±0,43) phút] tại thời gian phản ứng là 20 phút ở phương pháp đĩa nóng ở chuột. Cao chiết ethanol của lá với liều 100 mg/kg có tác dụng chống viêm đáng kể [(1,302±0,079) mL] ở chuột.

Kết luận: Lạc tiên đã có minh chứng thực nghiệm rõ về tác dụng giảm đau và chống viêm để có thể ứng dụng cho dược phẩm.

Trần Huyền Trang

ĐẶC TRƯNG CẤU TRÚC VÀ HOẠT TÍNH TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH CỦA MỘT POLYSACCHARID MỚI TỪ QUẢ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA)

Ya Song và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2019; 136: 324-331

Một polysaccharid mới (PFP1) với trọng lượng phân tử trung bình là 2,02 × 105 g/mol đã được phân lập từ quả Lạc tiên (Passiflora foetida) bằng phương pháp chiết nước nóng, tạo kết tủa bằng ethanol và tiến hành sắc ký cột. Cấu trúc của PFP1 được xác định bởi GPC MALS-RI, IC, FT-IR, GC-MS và NMR. Phân tích cấu trúc cho thấy PFP1 là một heteropolysaccharid và cấu tạo bởi mannose (48,83%), galactose (32,46%), glucose (6,21%), arabinose (5,88%), fructose (2,24%), acid galacturonic (2,20%), xylose (1,17%), fucose (0,17%), ribose (0,05%) và acid glucuronic (0,78%), với cấu trúc khung là →1)-α-D-Manp→1,2) β-D-Manp được liên kết với cắn 1,2,6)-β-D-Manp còn lại và các mạch nhánh gồm →1)-β-D-Galp, →1,4)-α-D-Manp, →1, 4)-β-D -Glcp, →1,3)-α-D-Galp, →1,6)-β-D-Manp, →1,6)-β-D-Galp, →1,2,3)-β D-Manp và →1,3,6)-β-D-Galp. Kết quả của các thử nghiệm hoạt tính tăng cường miễn dịch cho thấy, PFP1 có thể thúc đẩy quá trình sản xuất NO và tiết các cytokin (TNF-α và IL-6) của đại thực bào RAW264.7. Những phát hiện này minh chứng rằng polysaccharid từ quả Lạc tiên có thể được sử dụng như một thực phẩm chức năng tăng cường miễn dịch tiềm năng.

Trần Huyền Trang

CÁC NGHIÊN CỨU VỀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ DINH DƯỠNG CỦA CAO CHIẾT CÙI QUẢ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA)

S. Revathy và cs.

Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry. 2019; 8(4): 732-734

Nghiên cứu về thành phần hóa học sơ bộ của Lạc tiên (Passiflora foetida) đã chứng minh rằng loài này có chứa carbohydrat, protein, chất béo, đường khử, acid ascorbic, flavonoid, alkaloid, phospho, magne, calci, acid amin, cholesterol và các hợp chất phenolic. Sự có mặt của các hợp chất sinh học này chứng tỏ Lạc tiên có giá trị dược liệu cao và mức độ độc thấp. Nghiên cứu này dẫn đến việc bảo tồn Lạc tiên, loài thực vật có cả giá trị kinh tế và dinh dưỡng.

Trần Huyền Trang

CÁC FLAVONOID CHỐNG VIÊM PHÂN LẬP TỪ LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.)

Nguyen Thi Yen và cs.

Natural Product Communications. 2015; 10(6):1934578X1501000634

Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá hoạt tính kháng viêm của phân đoạn ethyl acetat và các thành phần hóa học của vỏ thân Lạc tiên (Passiflora foetida, họ Passifloraceae). Mười flavonoid (1-10) đã được phân lập bằng các kỹ thuật sắc ký khác nhau và cấu trúc của chúng được xác định dựa trên các phân tích quang phổ bằng cách sử dụng cộng hưởng từ hạt nhân (NMR). Luteolin (2) và chrysoeriol (3) thể hiện khả năng ức chế sản xuất oxid nitric (NO) mạnh nhất trong dòng tế bào đại thực bào RAW264.7, với giá trị nồng độ ức chế 50% (IC50) lần lượt là 1,2 và 3,1 μM. Các hợp chất này đã ức chế biểu hiện NO synthase cảm ứng (iNOS) do lipopolysaccharid (LPS) gây ra ở cấp độ phiên mã. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, vỏ thân Lạc tiên có đặc tính chống viêm đáng kể, trong đó nhóm chất flavonoid trong vỏ thân Lạc tiên có thể có lợi ích chống viêm.

Đỗ Hồng Mạnh

HOẠT TÍNH CHỐNG TRẦM CẢM CỦA CAO CHIẾT METHANOL LÁ CÂY LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.) TRÊN CHUỘT NHẮT

P. Santosh và cs.

International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences. 2011; 3(1): 112-115

Lạc tiên (Passiflora  foetida - Họ Passifloraceae), là một loại cây leo có tác dụng trong y học dân gian của Mexico để điều trị các rối loạn khác nhau của hệ thống thần kinh trung ương (CNS). Tuy nhiên, thông tin khoa học về loài này hiện rất ít và chưa có báo cáo liên quan đến tác dụng có thể của nó trên CNS. Trong nghiên cứu này, tác dụng của cao chiết methanol từ lá Lạc tiên (PF) đã được đánh giá trên chuột bằng các thử nghiệm hành vi cho đáp ứng tốt đối với các hợp chất chống trầm cảm có hiệu quả lâm sàng. Cao chiết (100, 200 và 300 mg/kg) được tiêm màng bụng, có khả năng giảm thời gian bất động của chuột phụ thuộc vào liều lượng khi thực hiện cả thử nghiệm treo đuôi và bơi cưỡng ép và các tác dụng này tương đương với các thuốc đối chứng, ví dụ như như fluoxetin (20 mg/kg) và imipramin (15 mg/kg). Cả cao chiết PF và fluoxetin, ở các liều được thử nghiệm, đều không gây ra tác dụng đáng kể đối với hoạt động vận động khi thực hiện thử nghiệm hành vi trong môi trường mở. Những kết quả này cho thấy PF có tác dụng chống trầm cảm đặc biệt trên mô hình động vật thí nghiệm. Như vậy, nghiên cứu đã cho thấy cao chiết PF thể hiện tác dụng chống trầm cảm tiềm năng để có thể được ứng dụng trong điều trị các rối loạn trầm cảm.

Đỗ Hồng Mạnh

SINH TRƯỞNG CỦA GỐC GHÉP LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA L.) TRONG ĐIỀU KIỆN NƯỚCTƯỚI BỊ NHIỄM MẶN

 Souza và cs.

Revista Brasileira de Engenharia Agrícola e Ambiental. 2023;27(2)

Các loài lạc tiên hoang dã, do khả năng chống chịu tốt hơn đối với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường, biểu lộ tiềm năng làm gốc ghép giữa các loài. Lạc tiên là một loài hoang dã có khả năng chịu mặn. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của độ mặn nước tưới đến sự sinh trưởng của gốc ghép lạc tiên (P. foetida L.). Thí nghiệm được thực hiện trong môi trường được bảo vệ. Các công thức bao gồm độ dẫn điện của nước tưới (0,3; 1,0; 2,0; 3,0 và 4,0 dS m-1), được bố trí  theo khối ngẫu nhiên. Các chỉ tiêu chiều cao, đường kính thân, số lá, kích thước lá trung bình, diện tích lá và tổng số chất khô của chồi, rễ được theo dõi vào thời điểm 7, 14, 21, 28 và 35 ngày sau khi ghép. Ở các gốc ghép non hơn, độ dẫn điện thấp có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao và các thành phần của lá, khả năng chịu đựng với độ mặn tăng theo độ tuổi. Tuy nhiên, sự tích lũy sinh khối khô bị hạn chế nghiêm trọng hơn do độ mặn cùng với sự gia tăng tuổi gốc ghép. Gốc ghép lạc tiên hoang dã chịu mặn và có thể tưới bằng nước có độ dẫn điện lên đến 4,0 dS m-1.

Đoàn Thị Huyền Trang, Tô Thị Ngân, Ngô Thị Minh Huyền

NĂNG SUẤT VÀ THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG CỦA CÂY LẠC TIÊN

Filho và cs.

Revista Brasileira deFruticultura. 2019; 41(3)

Cây Lạc tiên (Passiflora foetida) mặc dù đã được trồng phổ biến tại các vùng nhiệt đới, nhưng chưa có nghiên cứu kỹ về năng suất cũng như thành phần dinh dưỡng của loài cây này. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá năng suất quả và thành phần hóa học của quả và vỏ quả cây lạc tiên. Thí nghiệm tiến hành thông qua các công thức như sau: Công thức 1, T1 không làm giàn, T2 (CT2) giàn thẳng đứng, T3 (CT3) giàn nằm ngang cách bặt đất 60 cm, T4 (CT4) giàn ngang 02 cọc cách mặt đất 60 và 120 cm, T5 (CT5) giàn nằm ngang cách mặt đất 80 cm. Kết quả cho thấy T5, T4, T3, T2 và T1 cho năng suất lần lượt là 1,4; 1,05; 0,66; 0,4 và 0,35 tấn/ha. Kết quả nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng cho thấy phần thịt quả cung cấp hàm lượng dưỡng chất cao hơn so với phần vỏ lần lượt 2,6% protein, 4,5% lipid và 24,3% carbohydrat. Chúng tôi kết luận rằng những cây có kiểu gen có tiềm năng năng suất thấp, có thể được cải thiện năng suất bằng việc sử dụng giàn ngang trong quá trình canh tác.

Vàng Mí Nhù, Nguyễn Xuân Khánh, Tô Thị Ngân

QUẢN LÝ TUYẾN TRÙNG NỐT SƯNG (MELOIDOGYNE INCOGNITA) GÂY HẠI DÂU TẰM BẰNG LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA)

Rani P. Victoria và cs.

Agricultural Science Digest - A Research Journal. 2021; 41(4): 600-604

Tổng quan

Tuyến trùng nốt sưng Meloidogyne incognita Chitwood là đối tượng gây hại dâu tằm và có ý nghĩa kinh tế quan trọng trong ngành tơ tằm. Bệnh tuyến trùng nốt sưng ảnh hưởng đến sản lượng lá dâu cả về số lượng và chất lượng. Do lá dâu là nguồn thức ăn duy nhất của tằm nên từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tằm (Bombyx mori L.), và cũng ảnh hưởng đến sản lượng kén của tằm.

Phương pháp

Do vậy, Để quản lý bệnh do tuyến trùng gây ra,  thí nghiệm  chậu vại đã được thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của của các công thức thân thiện với môi trường bằng chiết xuất từ cây lạc tiên để quản lý mức độ nghiêm trọng của bệnh tuyến trùng khi dùng để  cải tạo đất và và ức chế khả năng nở của trứng tuyến trùng.

Kết quả

Sau khi xử lý, sự gây hại của tuyến trùng giảm đáng kể về số lượng nốt sưng/g trọng lượng rễ và khối lượng trứng tuyến trùng/g trọng lượng rễ ở cây dâu tằm và  trên những cây được xử lý cho thấy sự phát triển về chiều dài chồi và rễ tốt hơn so với cây đối chứng. Dịch chiết nước của cây lạc tiên đã cho thấy sự ức chế tối đa khả năng nở của trứng tuyến trừng khi tăng nồng độ dịch chiết cây.

Tô Thị Ngân

ĐÁNH GIÁ TỔNG HỢP VỀ CÂY THUỐC LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA LINN)

Sripathi and Sruthi

IJPSR. 2023; 14(6): 2809-2817

Passiflora foetida tên thường gọi là Lạc tiên được sử dụng làm thuốc cổ truyền để điều trị các bệnh như đau họng, chóng mặt, rối loạn gan, tiêu chảy, khối u, rối loạn thần kinh, lo lắng; rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng da, loạn thần và hen suyễn. Ngoài ra, P. foetida được ghi nhận có khả năng chống oxy hóa, chống viêm, chống động kinh, chống tăng đường huyết, bảo vệ tim mạch, chống tiêu chảy và chống ung thư. Các hoạt chất chính được chiết xuất từ cây lạc tiên bao gồm flavonoid, polysaccharid, α-pyron và cyanohydrin. Những hợp chất này được phân lập từ lá, thân, hạt, nhựa và quả của cây. Trong khi thân của cây lạc tiên có chứa hàm lượng cao cellulose. Lá và quả của chúng có nhiều chất dinh dưỡng giá trị thường được sử dụng làm các loại trà thảo dược, thuốc viên và bột dinh dưỡng. Vitexin được định lượng bằng kỹ thuật sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao. Các chất này có nhiều đặc tính sinh học. Bài báo này nêu bật các chất thứ cấp, định lượng các hợp chất, các thông số, thành phần hóa học, hoạt tính và ứng dụng của chúng.

Nguyễn Xuân Khánh

ĐẶC ĐIỂM SINH THÁI CỦA SINH SẢN HỮU TÍNH Ở HOA CÂY LẠC TIÊN, PASSIFLORA FOETIDA L. (PASSIFLORACEAE)

Suvarna và Raju

Discovery. 2022; 58(320): 921-925

Passiflora foetida (Lạc tiên) là một loài cây thân leo hàng năm hoặc lâu năm. Hoa của cây là hoa lưỡng tính, có kích thước lớn, giàu mật và có mùi thơm, cấu trúc lá bắc chuyên biệt có tác dụng bảo vệ nụ, hoa và quả trong giai đoạn trưởng thành khỏi những loài động vật ăn hoa, quả; đồng thời bẫy một số loài côn trùng làm thức ăn để bổ sung thêm dưỡng chất. Hoa của cây lạc tiên thường có nhị chín trước, vì vậy thúc đẩy quá trình thụ phấn chéo; tuy nhiên, cây vẫn có thể tự thụ phấn. Hoa lạc tiên được thụ phấn hiệu quả bởi ong thợ. Những đặc điểm chức năng của hoa lạc tiên như lưỡng tính, giàu mật, cấu trúc hoa chia làm ba, nhị chín trước và hệ thống thụ phấn hỗn hợp thúc đẩy quá trình giao phấn và tự thụ, không liên quan đến sự xuất hiện của côn trùng thụ phấn. Nhờ đó, những đặc điểm này giúp chúng có thể phát triển mạnh trở thành một trong những loài cây dại xâm lấn chính ở các vùng nhiệt đới.

Nguyễn Xuân Khánh

SINH THÁI THỤ PHẤN, HỆ THỐNG CHỌN GIỐNG VÀ PHÁT TÁN HẠT Ở CÂY LẠC TIÊN PASSIFLORAFOETIDA L. (PASSIFLORACEAE), MỘT LOẠI CÂY LEO THÂN THẢO LÂU NĂM Ở MIỀN NAM BANG ANDHRA PRADESH, ẤN ĐỘ.

Rao M. Mallikarjuna

BIOTROPIA-The Southeast Asian Journal of Tropical Biology.2023; 30(1): 51-62

Passiflora foetida L. (Passifloraceae) là một loài cây thân thảo; cao từ 1,5 – 6,5m, thường mọc ở vùng ven sông, đất hoang, nền rừng, trên ruộng và ven đường có thể leo ra xung quanh từ 4 đến 10m, thời điểm ra hoa rộ từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm; hoa thường có màu trắng, có một vòng màu tím xung quanh phần mật hoa, hoa nở vào lúc mặt trời mọc và cụp lại vào buổi trưa cùng ngày. Có ba dạng hoa khác nhau tùy thuộc vào vị trí đầu nhụy, với mỗi vị trí quyết định đến khả năng thụ phấn khác nhau của hoa. 1. Đầu nhụy nằm dưới bao phấn 64% (nhụy cong hoàn toàn), 2. Đầu nhụy trên bao phấn 16% (nhụy không cong), 3. Đầu nhụy trên bao phấn 20% (nhụy chỉ cong một phần). Hoa của P. foetida sử dụng cả hai hình thức tự thụ phấn và giao phấn. Xylocopa latipas sp (ong bầu) là loài thụ phấn chủ yếu cho cây Lạc tiên. Đối với những hoa có nhụy bị cong nằm dưới bao phấn cho tỉ lệ hình thành quả đạt (68%) và hình thành hạt đạt (82,14%). Quả và hạt được phân tán đi xa nhờ vào động vật. Cây thường được trồng nhằm lấy hoa trang trí, lấy quả và là nguyên liệu phục vụ cho ngành dược. Nghiên cứu hiện tại khám phá tầm quan trọng sinh thái, sinh thái sinh sản và tương tác giữa các loài thụ phấn của cây.

Nguyễn Xuân Khánh Vàng Mí Nhù, Lê Thanh Sơn

HÌNH THÁI VI MÔ LÁ CỦA CHỒI CÂY PASSIFLORA FOETIDA IN VITRO VÀ CÂY TRỒNG TRÊN RUỘNG

Mani và Shekhawat

Horticultural Plant Journal. 2017; 3(1): 34-40

Báo cáo hiện tại mô tả sự phát triển của các đặc điểm, định lượng các cấu trúc và hình thái lá vi phẫu và định tính trong môi trường thực địa, làm sáng tỏ sự thích nghi của cây Passiflora foetida L. cấy mô trong điều kiện đất tự nhiên. Môi trường đồng ruộng (cường độ ánh sáng cao so với điều kiện nuôi cấy in vitro) thúc đẩy quá trình tự dưỡng thông qua việc giảm chỉ số khí khổng (từ 23,2 ± 0,15 xuống 21,0 ± 0,19), tăng số mạch dẫn (từ 10,0 ± 0,14 mm xuống 15,6 ± 0,24/mm2) và gân bên (từ 1,6 ± 0,14 mm đến 5,0 ± 0,20/mm2) và mật độ lông ở cây giống P. foetida. Các lá phát triển in vitro và trên đồng ruộng hầu hết đều có các loại khí khổng kiểu không đều và không đồng nhất. Hai loại lông được quan sát thấy trên bề mặt lá của cây P. foetida nuôi cấy in vitro cũng như trên đồng ruộng: các lông đơn bào (không có tuyến) và lông đa bào (có tuyến). Mật độ lông trong điều kiện in vitro ít hơn so với môi trường in vivo. Lá mới hình thành trong giai đoạn ra rễ bên ngoài môi trường (trong nhà kính) và sau khi chuyển cây con ra đồng ruộng đã cho thấy sự phát triển của các đặc điểm hình thái vi mô thích ứng ở cây trồng nhân giống cấy mô, giúp chúng sống dưới các điều kiện đồng ruộng.

Đoàn Thị Huyền Trang

NGHIÊN CỨU SO SÁNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NOÃN GIỮA LOÀI HOANG DÃ (PASSIFLORA FOETIDA L.) VÀ LOÀI TRỒNG TRỌT (P. EDULIS SIMS) CỦA CHI LẠC TIÊN CUNG CẤP THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ KIỂU PHÁT TRIỂN KHÁC NHAU CỦA NÓ

Archa Vijay và cs.

Journal of Zoological and Botanical Gardens. 2021; 2(3): 502-516.

Các noãn bên trong bầu nhụy của thực vật là tiền thân của hạt và chúng rất quan trọng đối với sự tồn tại của thực vật. Chi lạc tiên (Passiflora L.), cho quả với nhiều hạt, có giá trị kinh tế và dược liệu. Phần ăn được của lạc tiên là các hạt được bao quanh bởi cùi quả. Do là phần ăn được của quả, nên việc nghiên cứu sự phát triển ban đầu của noãn ở cây lạc tiên (Passiflora) là rất quan trọng để có thể hiểu được sự hình thành hạt sau khi thụ phấn. Họ hàng hoang dại của các loài đã được thuần hóa đang ngày càng được nghiên cứu để tìm nguồn gen có thể được sử dụng cho việc chọn giống, cải tiến chất lượng cây trồng. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá sự phát triển noãn giữa cây lạc tiên dại (Passiflora foetida L.) và một loài được trồng trọt (Passiflora edulis Sims) thuộc chi lạc tiên (Passiflora) với mục đích cung cấp thông tin quan trọng về các cơ chế điều hòa chung và riêng trong quá trình phát triển noãn giữa loài hoang dã và loài trồng trọt. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu hình thái phấn hoa giữa các loài hoang dã và loài trồng trọt bằng kính hiển vi quang học và kính hiển vi điện tử. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phát triển của noãn cây lạc tiên dại (P. foetida) nhanh hơn so với loài P. edulis. Mặc khác, các loài hoang dại chứa noãn có kích thước lớn (0,14 mm2) nhưng với số lượng ít hơn (6) so với các loài trồng trọt có kích thước noãn nhỏ hơn (0,05 mm2), nhưng số lượng tương đối nhiều hơn (21). Sự khác biệt về độ dày thành noãn cũng rõ rệt giữa hai loài. Độ dày thành noãn là 0,10 mm ở loài hoang dã trong khi đó là 0,74 mm ở loài trồng trọt. Sự khác biệt đáng chú ý cũng được quan sát thấy ở đường kính noãn, trong đó loài hoang dã (2,45 mm) có kích thước nhỏ hơn so với loài trồng trọt (3,25 mm). Chúng tôi quan sát thấy rất ít sự khác biệt về hình thái phấn hoa giữa hai loài.

Vàng Dùng Thề

PHẢN ỨNG CỦA CÁC GIỐNG CHANH DÂY Ở NHỮNG VÙNG NHIỄM NẤM FUSARIUM

Silva, R. M. Da và cs.

Summa Phytopathologica. 2017; 43(2): 98-102

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tỷ lệ sống của 8 giống chanh dây (P.edulis Sims). và phản ứng của chanh dây vàng ghép trên cây lạc tiên (Passiflora foetida L.) ở khu vực có lịch sử nhiễm bệnh héo vàng fusarium (Fusarium oxysporum f. sp. passiflorae) ở vùng Mossoró/RN. Hai khảo nghiệm đã được tiến hành, trong đó 8 giống chanh dây (FB 200, FB 300, BRS Gigante Amarelo, BRS Sol do Cerrado, BRS Rubi do Cerrado, IAC 273, IAC 275 và IAC 277) được trồng và một giống thương mại “Yellow round”' của Topssed® được ghép trên lạc tiên (P.foetida) ở khu vực bị nhiễm nấm F.oxysporum f. sp. passiflorae. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại và 3 cây trên mỗi ô. Trong khảo nghiệm I, đã đánh giá được tỷ lệ sống của các giống cây trồng và trong khảo nghiệm II, đã đánh giá được tỷ lệ nhiễm bệnh héo vàng fusarium và nhóm phản ứng kháng bệnh, xác định các công thức khảo nghiệm là kháng bệnh, mẫn cảm trung bình và mẫn cảm. Tất cả các giống (Khảo nghiệm I) đều có tỷ lệ sống thấp sau 180 ngày trồng. Các giống không ghép (Khảo nghiệm II) được phân loại là mẫn cảm và tỷ lệ nhiễm bệnh héo vàng fusarium dao động từ 22,22% đến 91,67%. Không có ghi nhận về tỷ lệ nhiễm bệnh héo vàng fusarium ở chanh dây ghép trên lạc tiện (P.foetida)  (Khảo nghiệm II) trong giai đoạn đánh giá, đây là một gốc ghép triển vọng khi trồng chanh dây trên đất bị nhiễm nấm Fusarium oxysporum.

                                Khuất Thị Chung

XÂY DỰNG CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ HIỆU QUẢ ĐỂ KIỂM SOÁT CÂY HOA LẠC TIÊN (PASSIFLORA FOETIDA) VÀ THÚC ĐẨY PHỤC HỒI ĐA DẠNG SINH HỌC BẢN ĐỊA MIỀN BẮC ÚC

Tommaso Jucker và cs.

Biogical Invasion. 2020; 22: 2737-2748

Các loài thực vật ngoại lai là mối đe dọa đối với đa dạng sinh học bản địa ngày càng tăng và là gánh nặng đối với sinh kế địa phương do tác động của chúng đối với các giá trị văn hóa, nông nghiệp, trồng trọt và du lịch. Một ví dụ điển hình của điều này là hoa lạc tiên (Passiflora foetida), một loại dây leo thân thảo đã phát triển khắp các vùng nhiệt đới toàn cầu, bao gồm cả những vùng rộng lớn ở phía bắc  Úc. Tuy nhiên, việc phổ biến của nó đến cảnh quan và mối lo ngại ngày càng tăng về tác động đến sự đa dạng sinh học bản địa, người ta biết rất ít về cách kiểm soát hiệu quả mùi lạ của hoa lạc tiên. Để giải quyết vấn đề  này, chúng tôi đã tiến hành một thí nghiệm thực địa kéo dài 18 tháng ở vùng bán khô hạn Pilbara ở Tây Úc để (i) hiểu sự thay đổi theo mùa trong hiện tượng sinh trưởng của hoa lạc tiên và xác định các khung thời gian tối ưu để quản lý; (ii) so sánh hiệu quả của các phương pháp khác nhau để kiểm soát sự gây hại của hoa lạc tiên, bao gồm cả phương pháp vật lý và hóa học, (iii) việc quyết định của các phương pháp xử lý đối với cây giống hoa Lạc tiên và sự phục hồi của các loài thực vật bản địa. Chúng tôi thấy rằng sự phát triển của cây có tương quan chặt với điều kiện mưa, phần lớn là không thể kiểm soát được trong khu vực nghiên cứu. Chúng tôi cũng thấy sự khác biệt đáng kể về hiệu quả của các phương pháp xử lý khác nhau mà chúng tôi đã thử nghiệm, việc phun glyphosat qua lá có hiệu quả cao trong khi cây phục hồi nhanh chóng sau khi cắt thân. Tuy nhiên, việc phun glyphosat qua lá mà không loại bỏ sinh khối chết đã dẫn đến sự tái sinh nhanh chóng của cây giống hoa lạc tiên, trong khi các loài cây bản địa phần lớn không phục hồi được.

Giàng A Tiến

TỪ NỘI NHŨ ĐẾN THỰC VẬT TAM BỘI: ĐẶC TRƯNG TỪNG BƯỚC CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT SINH CƠ QUAN CHỒI MỚI VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI-NÔNG HỌC CỦA CHANH DÂY LÀM CẢNH (PASSIFLORA FOETIDA L.)

Mikovski và cs.

Plant Cell, Tissue and Organ Culture (PCTOC). 2021; 147: 239–253

Các đặc điểm tế bào và sinh hóa liên quan đến sự biểu hiện tính toàn năng trong các tế bào nội nhũ trong quá trình phát sinh cơ quan chồi mới, cũng như các đặc điểm di truyền tế bào và hình thái nông học của cây tam bội Passiflora foetida tái sinh đã được báo cáo gần đây. Nội nhũ được nuôi cấy trên môi trường Murashige và Skoog được bổ sung 0,5, 0,75, 1,0, 1,5 và 2,0 mg/l 6-benzyladenin, thidiazuron hoặc kinetin. Không có chất điều hòa sinh trưởng thực vật nào được thêm vào các nghiệm thức đối chứng. Các phản ứng phát sinh hình thái chỉ được quan sát thấy khi có sự hiện diện của các cytokinin, đặc biệt là thidiazuron. Tỷ lệ phần trăm cao nhất của phản ứng phát sinh hình thái (27%) và số lượng chồi ngẫu nhiên trên mỗi mẫu cấy (68,2) đã được quan sát tương ứng với nồng độ 1,5 và 2,0 mg/l thidiazuron. Sự tái sinh của các chồi bất định xảy ra chủ yếu từ mặt ngoài của nội nhũ bởi các tế bào có các đặc điểm giống như mô phân sinh. lipid và protein được tiêu thụ nhanh chóng, trong khi carbohydrat tăng lên đáng kể trong suốt quá trình hình thành các cơ quan. Các phân tích tế bào học đã xác nhận kiểu gen tam bội của cây có nguồn gốc nội nhũ, có cấu trúc sinh dưỡng và hoa gần như lớn hơn so với các cây lưỡng bội của chúng. Nghiên cứu này cung cấp một đặc trưng hình thái hoàn chỉnh của các cây tam bội có nguồn gốc từ nội nhũ P. foetida và mở ra những khả năng mới cho việc nhân giống nguồn gen chanh dây.

Đoàn Thị Huyền Trang

 

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu dịch)