Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 1 NĂM 2023

CHUYÊN ĐỀ 1: NÁNG HOA TRẮNG

 

  1.  

HOẠT TÍNH XÚC TÁC CỦA HẠT NANO BẠC TỔNG HỢP TỪ DỊCH CHIẾT LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) (SUDARSHAN)

 

Samiksha Shukla và cs.

Materials Today: Proceedings. 2022; 56(6): 3714-3720

 

Việc tổng hợp các hạt nano bạc (Ag-NPs) theo  con đường xanh đã đạt được tốc độ phát triển trong những năm gần đây vì đây là cách sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí, không độc hại và sử dụng đơn giản các tiền chất. Nghiên cứu này trình bày một phương pháp tổng hợp xanh để tổng hợp Ag-NPs bằng cách sử dụng lá của náng hoa trắng và xem xét cách thức các phân tử sinh học có mặt trong cây dẫn đến sự hình thành Ag-NPs. Ag-NPs tổng hợp sinh học đã được xác nhận và ảnh hưởng của thay đổi pH, nhiệt độ phản ứng và nồng độ dịch chiết đối với sự khử các ion bạc đã được quan sát. Ag-NPs có cực đại hấp thụ ở khoảng 449 nm do cộng hưởng plasmon bề mặt. Kích thước, hình thái, cấu trúc tinh thể và tính ổn định của Ag-NPs được kiểm tra bằng các kỹ thuật như quang phổ hấp thụ, kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), quang phổ nhiễu xạ tia X (XRD) và phân tích điện thế zeta. Hình dạng của Ag-NPs là hình cầu và kích thước hạt trung bình là khoảng 11 nm. Các hoạt tính xúc tác đáng kể của Ag-NPs cũng được xác định bằng cách khử chất nhuộm màu có độc tính như xanh metylen (MB) với sự có mặt của NaBH4 với hằng số tốc độ là 0,097 phút−1.

Hoàng Thị Diệu Hằng

 

  1.  

NGHIÊN CỨU ĐỘC TÍNH CẤP VÀ BÁN CẤP CỦA CAO CHIẾT CHLOROFORM CỦA CỦ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) Ở CHUỘT NHẮT TRẮNG

 

Michael Ofori và cs.

South African Journal of Botany. 2021; 143: 133-140.

 

Củ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được phân bố rộng rãi ở các vùng của châu Phi và châu Á, hầu hết các bằng chứng cho thấy loại cây này có nguồn gốc từ châu Á với một số loài xuất hiện ở các đảo tại Ấn Độ Dương. Ở Ghana, cây chủ yếu được tìm thấy ở phần phía nam và được sử dụng trong y học dân tộc để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho nặng, nhiễm trùng da và chữa lành vết thương. Mặc dù người bản địa vẫn sử dụng, nhưng có rất ít nghiên cứu được công bố về độc tính liên quan đến việc sử dụng ngắn hạn hoặc dài hạn củ Náng hoa trắng.  Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá độc tính cấp và bán cấp của dịch chiết chloroform từ phần củ của Náng hoa trắng (CCAE) trên dòng chuột ICR. Trong thử nghiệm độc tính cấp, chuột đực và chuột cái không mang thai khỏe mạnh (từ 15-20 g) được sử dụng. Một nhóm được cho uống CCAE liều thấp (2000 mg/kg), một nhóm khác uống CCAE liều cao (5000 mg/kg) và nhóm đối chứng nhận được dùng nước muối sinh lý (1 ml/kg). Quan sát tổng thể nghiên cứu độc tính cấp trong bảy ngày. Trong nghiên cứu độc tính bán cấp, các liều CCAE 500 và 1500 mg/kg được dùng bằng đường uống trong 14 ngày liên tục và các quan sát được thực hiện trong suốt thời gian đó. Trong cả hai nghiên cứu, động vật được quan sát chặt chẽ về những thay đổi hành vi lâm sàng như tư thế cố định, giãn mạch, bị kích động, thay đổi trọng lượng cơ thể, chán ăn, rụng lông và tử vong. Độc tính của cao chiết trên gan, thận, các thông số huyết học và sinh hóa đã được đánh giá bao gồm kiểm tra mô bệnh học để đánh giá cấu trúc vi thể của các tế bào thận và gan. Tóm lại, nghiên cứu độc tính của CCAE cho thấy không có tác dụng độc hại đáng kể nào đối với gan, thận, trọng lượng cơ thể, chức năng thần kinh, các thông số huyết học và sinh hóa trong thử nghiệm độc tính cấp qua đường uống, sau đó là thử nghiệm độc tính bán cấp qua đường uống. Nghiên cứu mô bệnh học trên các tế bào thận và gan cho thấy bình thường. LD50 được xác định là lớn hơn 5000 mg/kg. Do đó dịch chiết chloroform từ củ của náng hoa trắng không độc khi dùng với liều lượng dưới 5000 mg/kg.

Hoàng Thị Diệu Hằng

 

  1.  

HOẠT TÍNH CHỐNG LAO CỦA CAO CHIẾT NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT BỊ LAO GÂY BỞI KHÍ DUNG CÓ VI KHUẨN MYCOBACTERIUM SMEGMATIS

 

Purwandi Yedy Sukmawan và cs.

Journal of Applied Pharmaceutical Science. 2022;12(5): 156-164

 

Bệnh lao (TB) là một trong những bệnh truyền nhiễm cao ảnh hưởng đến một phần ba dân số thế giới. Sự xuất hiện của bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB) và các chủng Mycobacterium tuberculosis kháng thuốc trên diện rộng (XDR) đã ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh lao. Số người chết vì MDR- và XDR-TB được ước tính là hơn một triệu người mỗi năm, điều này thật đáng báo động; do đó, cần phải tìm kiếm các hợp chất mới có thể phát triển để điều trị bệnh lao kháng thuốc. Các chiết xuất từ ​​củ của cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học dân gian để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhiễm trùng da và làm lành vết thương. Nghiên cứu này đánh giá hoạt tính kháng lao của cao chiết chloroform của củ Náng hoa trắng (CCAE) trong trên chuột nhắt trắng bị bệnh lao gây bởi khí dung có Mycobacterium smegmatis. Từ các kết quả thu được, cho thấy mô học của phổi chuột bị nhiễm bệnh được dùng CCAE với liều 500 và 1.000 mg/kg có sự cải thiện về xoang phế nang phổi, nhu mô phổi và chức năng phế quản. CCAE làm giảm đáng kể (p < 0,05) số lượng đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU)/ml của M. smegmatis trong phổi. CCAE làm giảm đáng kể (p < 0,05) mức độ biểu hiện của yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-α) và interleukin-6 (IL-6). Kết quả phân tích huyết học ghi nhận ở các nhóm được điều trị bằng CCAE có sự gia tăng hồng cầu và huyết sắc tố phụ thuộc vào liều lượng nhưng làm giảm số lượng bạch cầu so với nhóm đối chứng âm. Nhìn chung, cao chiết Náng hoa trắng thể hiện tác dụng chống lao đầy hứa hẹn, gợi ý đây là một dược liệu tiềm năng trong việc khám phá và phát triển các tác nhân chống lao có thể giúp giải quyết các vấn đề lao kháng thuốc trong kiểm soát bệnh lao.

Nguyễn Tiến Hoàng

 

  1.  

TỐI ƯU HÓA PHƯƠNG PHÁP CHIẾT SIÊU ÂM FLAVONOID TRONG CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁP ỨNG BỀ MẶT

 

Miao Yu và cs.

Saudi Journal of Biological Sciences, Dec 2021, 26(8): 2079-2084

 

Trong nghiên cứu này, quá trình chiết tách flavonoid từ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) với sự hỗ trợ của sóng siêu âm được nghiên cứu thông qua phương pháp bề mặt đáp ứng (RSM) nhằm đạt được quy trình chiết xuất flavonoid tốt nhất và nâng cao hiệu suất chiết flavonoid. Trong thử nghiệm RSM sau đây, nghiên cứu đã chọn dữ liệu tương ứng của từng yếu tố làm điểm trung tâm thông qua các thử nghiệm đơn yếu tố, sau đó dữ liệu thực nghiệm được phân tích hồi quy đa biến. Theo kết quả phân tích thống kê, kết quả phù hợp với mô hình hồi quy đa thức, hệ số xác định (R2) là 0,9769. Các điều kiện tốt nhất để đạt hiệu suất flavonoid tối đa là nồng độ ethanol 60%, nhiệt độ chiết 64 °C, tỷ lệ rắn-lỏng 1:28 (v/w) với thời gian chiết 47 phút. Hiệu suất chiết flavonoid tốt nhất là 1,63972%. Các kết quả dự đoán cho các điều kiện chiết xuất tốt nhất đồng thuận cao với các thông số thí nghiệm. Phương pháp chiết xuất có sự hỗ trợ của siêu âm có thể làm tăng đáng kể tốc độ chiết xuất của flavonoid. Đây là một công cụ mạnh mẽ để chiết xuất các hợp chất thực vật quan trọng từ tự nhiên.

Nguyễn Tiến Hoàng, Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG LAO IN-VITRO, CHỐNG ĐẨY THUỐC VÀ TÁC DỤNG CHỐNG MÀNG SINH HỌC CỦA CỦ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM )

Michael Ofori và cs.

Biomedical and Pharmacology Journal. 2021 Dec; 14(4): 1905-1915

 

Bệnh lao kháng thuốc vẫn là một trong những thách thức lớn với việc điều trị và quản lý bệnh lao (TB) trong hệ thống y tế công cộng và tại các cơ sở lâm sàng. Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 186.772 người chết vì bệnh lao kháng thuốc trong số 500.000 trường hợp được báo cáo và đây là điều đáng báo động. Có một nhu cầu cấp thiết từ mọi góc độ trong việc khám phá thuốc để phát triển các hợp chất mới có thể sở hữu các cơ chế tác động đa dạng để giải quyết bệnh lao kháng thuốc. Cao chiết từ củ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học dân tộc để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên và là tác nhân chữa lành vết thương. Mục đích của công trình này là nghiên cứu tác dụng chống bệnh lao in-vitro của các cao chiết từ củ Náng hoa trắng và để đánh giá các đặc tính ức chế chống lại sự biểu hiện của các bơm protein đẩy thuốc cũng như sự hình thành màng sinh học của vi khuẩn lao. Kết quả thu được cho thấy các cao chiết từ củ Náng hoa trắng (CAE) có hiệu quả ức chế Mycobacterium smegmatis (NCTC 8159) và Mycobacterium aurum (NCTC 10437) với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) là 125 μg/ml và 250 μg/ml đối với M. smegmatisM. aurum tương ứng. CAE đã ức chế rõ rệt biểu hiện các bơm đẩy thuốc của cả M. smegmatisM. aurum trong đó cao chiết chloroform cho hoạt tính mạnh nhất. CAE (cao chiết ethanol, methanol, chloroform và hexane) (***ρ˂0,005) đã ức chế đáng kể sự hình thành màng sinh học in-vitro của M. smegmatisM. aurum. Trong số các cao chiết khác nhau của Náng hoa trắng, cao chiết chloroform thể hiện sự ức chế mạnh nhất đối với sự hình thành màng sinh học của M. smegmatisM. aurum với ***ρ˂0,005. Tóm lại, CAE có tác dụng chống lao và có thể giải quyết bệnh lao kháng thuốc thể hiện qua các đặc tính chống bơm đẩy thuốc và chống hình thành màng sinh học của các chủng Mycobacterium đã chọn.

Lê Bích Nhài, Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

ỨC CHẾ TẠO MẠCH LÀ CƠ CHẾ KHẢ THI CỦA HOẠT TÍNH CHỐNG UNG THƯ TIỀM NĂNG CỦA CAO CHIẾT METHANOL TỪ LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)

 

Sa’adiah Mohd. Yusoff và cs.

Journal of Angiotherapy. 2017 May; 1(1): 12-17.

 

Các tác nhân hóa trị liệu có thể tiêu diệt khối u và làm chậm sự phát triển của ung thư, nhưng cũng có thể tiêu diệt các tế bào và mô bình thường. Do đó, các loại thuốc chống ung thư mới có nguồn gốc từ các sản phẩm tự nhiên được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các chiến lược hiệu quả hơn và an toàn hơn để ức chế sự tiến triển của ung thư mà không gây độc tế bào ở các mô khỏe mạnh xung quanh. Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học cổ truyển để điều trị viêm và khối u. Mục đích của nghiên cứu này là xác định tính khả thi về mặt khoa học của việc sử dụng Náng hoa trắng trong y học cổ truyền như một tác nhân chống khối u (có tiềm năng chống ung thư). Do đặc tính chống viêm của náng hoa trắng, người ta đưa ra giả thuyết rằng hoạt động chống khối u có thể là do hoạt động chống tạo mạch. Do đó, nghiên cứu hiện tại đã được thực hiện để nghiên cứu hoạt động chống tạo mạch của cao chiết methanol từ lá Náng hoa trắng (CALME) của các loài ở Malaysia. Kết quả xét nghiệm vòng động mạch chủ chuột cho thấy CALME ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới từ mẫu cấy vòng động mạch chủ, với IC50 là 11,58 µg/ml. Tác động của CALME đối với sự tăng sinh (ức chế) tế bào EAhy 926 cũng đã được nghiên cứu và kết quả MTT cho thấy CALME gây ra tác dụng độc tế bào trong các tế bào EAhy 926, với giá trị IC50 là 12,18 μg/ml (hoạt tính gây độc tế bào). CALME ức chế sự di chuyển của tế bào nội mô, với liều khoảng 12 μg/ml. Liều này tương tự như liều gây độc tế bào được quan sát thấy trong tế bào. CALME cũng ức chế giải phóng VEGF, nhưng không đáng kể. Dữ liệu GC-MS đã xác nhận sự hiện diện của lycorine trong CALME. Tóm lại, nghiên cứu hiện tại cung cấp minh chứng hỗ trợ cho việc sử dụng dân gian và các nghiên cứu trước đây liên quan về Náng hoa trắng, xác nhận rằng CALME thể hiện hoạt tính chống tạo mạch (tiềm năng chống ung thư). Tuy nhiên, tác dụng chống tạo mạch do CALME chứng minh là do bản chất gây độc tế bào của cao chiết và ít liên quan đến việc ức chế một hoặc nhiều bước của quá trình tạo mạch.

Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

TÁC DỤNG BẢO VỆ HỒNG CẦU NGƯỜI CỦA CAO CHIẾT NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) VÀ LYCORIN KHỎI TỔN THƯƠNG OXY HÓA GÂY BỞI 2-AMIDINOPROPAN

 

Ilavenil S. và cs.

Saudi journal of biological sciences. 2011; 18(2): 181-187.

 

Mục đích của nghiên cứu này là để đánh giá hoạt động thu dọn gốc tự do và hoạt động bảo vệ hồng cầu của chiết xuất ethanol của Náng hoa trắng (Crinum asiaticum (L)) và lycorin. Cao chiết xuất ethanol của Náng hoa trắng và lycorin được phát hiện có các đặc tính chống oxy hóa ở các mức độ khác nhau trong các mô hình thử nghiệm. Cả cao chiết ethanol của Náng hoa trắng (0,5–2,5 mg/ml) và lycorin (0,010 mg–0,050 mg/ml) đều làm tăng tỷ lệ ức chế peroxid hóa lipid (26,25 ± 0,23% và 19,25 ± 0,23%) và tăng cường hoạt động thu dọn gốc tự do (20,92 ± 0,22% và 20,52 ± 0,22%), thu dọn hydro peroxid (25,67 ± 0,17% và 23,07 ± 0,3%) và hoạt động thu dọn gốc anion superoxid (27,69 ± 0,16% và 16,09 ± 0,7%) lần lượt ở nồng độ tương ứng 2,5 và 0,050 mg của Náng hoa trắng và lycorin. Nhưng so với tocopherol (P < 0,05), hoạt tính của Náng hoa trắng và lycorin kém hơn. Cao chiết ethanol của Náng hoa trắng và lycorin đã điều chỉnh về bình thường mức giảm glutathion và ổn định trạng thái protein hồng cầu trong mô hình ex vivo gây tổn thương oxy hóa tạo gốc tự do peroxyl [2,2-azobis (2-amidinopropan) dihydrochlorid (AAPH)]. Kết quả hiện tại của các nghiên cứu đã chứng minh rằng Náng hoa trắng và lycorin sẽ được quan tâm như là nguồn chống oxy hóa tự nhiên.

Xa Thị Phương Thảo

 

8.                   

HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM CỦA CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) VÀ TÁC DỤNG CHỐNG CO THẮT DO BRADYKININ TRÊN TỬ CUNG CÔ LẬP

Awatef M Samud và cs.

Immunopharmacology. 1999; 43(2-3): 311-316.

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum Linn) được sử dụng ở Malaysia như một phương thuốc chữa bệnh thấp khớp và giảm đau tại chỗ. Nghiên cứu này đánh giá tác dụng chống viêm của cao chiết Náng hoa trắng trên sự sưng phù chân sau do carrageenan gây ra ở chuột nhắt trắng. Náng hoa trắng được chiết xuất lần lượt bằng ether dầu hoả, tiếp theo là chloroform và cuối cùng là methanol. Các cao chiết chloroform và methanol được dùng bằng đường uống (50 mg/kg) làm giảm đáng kể (p<0,05; n=7) độ phù chân chuột nhưng cao chiết ether dầu hoả không cho tác dụng điển hình (p>0,05). Cao chiết methanol sau đó được hòa trong nước và chiết phân đoạn lần lượt bằng chlorofom, ethyl acetat và butanol. Phân đoạn chloroform của việc chiết phân đoạn từ cao tổng methanol (CFME) (50 mg kg-1) làm giảm đáng kể (p<0,05; n=7) độ phù chân chuột cấp. Điều này có thể cho thấy sự hiện diện của các hợp chất có hoạt tính chống viêm trong CFME. Trong nghiên cứu cơ chế chống viêm của Náng hoa trắng, tác dụng của CFME đối với các cơn co thắt do bradykinin và histamin gây ra đã được nghiên cứu tương ứng trên tử cung chuột và hồi tràng chuột lang bị cô lập. Kết quả cho thấy CFME làm giảm phản ứng co thắt phụ thuộc vào liều (p<0,05; n=6) do bradykinin gây ra và làm dịch chuyển đường cong phản ứng –log liều của histamin sang phải. Những phát hiện hiện tại cho thấy rằng Náng hoa trắng có hoạt tính chống viêm như được đề xuất từ  công dụng theo y học cổ truyền. Hoạt tính chống viêm của Náng hoa trắng không thể là do hoạt tính chống bradykinin vì CFME ức chế không đặc hiệu sự co thắt gây bởi bradykinin. Ngoài ra, CFME có thể chứa (các) hợp chất có đặc tính kháng histamin.

Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

KHẢ NĂNG CHỐNG OXI HÓA VÀ KHÁNG KHUẨN CỦA CÁC CAO CHIẾT PHÂN ĐOẠN TỪ LÁ CỦA NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.)

 

Souren Goswami và cs.

Industrial Crops and Products. 2020 Oct; 154:112667

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L., họ: Amaryllidaceae) là loài cây thuốc được sử dụng rộng rãi, có giá trị y học dân tộc cao. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng chống oxy hóa và kháng khuẩn in vitro của các cao chiết từ lá Náng hoa trắng theo hàm lượng các hợp chất phenolic. Thử nghiệm chống oxy hóa toàn phần, hoạt tính thu dọn gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) và thử nghiệm khả năng chống oxy hóa khử ion sắt (FRAP) của cao chiết nước lá thô và năm cao chiết phân đoạn đã được phân tích để đánh giá tiềm năng chống oxy hóa. Khả năng kháng khuẩn được khảo sát trên hai dòng vi khuẩn Gram âm và một dòng vi khuẩn Gram dương bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch.

Cao chiết phân đoạn nước của Náng hoa trắng (CaAq) khi đánh giá vùng ức chế vi khuẩn, có tiềm năng kháng khuẩn tương đối cao hơn so với cao chiết nước thô (CaLAE), cho thấy là phương pháp chiết xuất phân đoạn có thể làm giàu các thành phần có hoạt tính sinh học đặc hiệu. Giống với cao CaAq và CaLAE, cao phân đoạn CaEA (cao chiết phân đoạn ethyl acetat) cũng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn có thể là do sự hiện diện của các hợp chất terpenoid, phenolic và flavonoid. Có thể kết luận rằng các tác nhân chống oxy hóa và kháng khuẩn hiện diện trong lá Náng hoa trắng, trong đó nước và ethyl acetat có thể là hệ dung môi hiệu quả để chiết tương ứng các tác nhân kháng khuẩn và chất chống oxy hóa.

Nguyễn Văn Hiệp

 

  1.  

ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG CHỐNG SỎI NIỆU IN VITROIN VIVO CỦA CÂY NÁNG HÓA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM

 

Suman Sura và cs.

Journal of Young Pharmacists. 2022; 12(2): 76-81

 

Mục tiêu: Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá tiềm năng chống sỏi niệu của Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) bằng các phương pháp in vitroin vivo.

Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu: Cao chiết ethanol của Náng hoa trắng (EECA) được sàng lọc hóa học và sắc ký vân tay HPTLC. Hoạt tính kháng sỏi niệu in vitro của EECA được xác định bằng các thử nghiệm đánh giá sự tạo mầm (sỏi) và kết tập của tinh thể Canxi Oxalate (CaOx). Các nghiên cứu về độc tính cấp được thực hiện theo hướng dẫn của OECD 423. Đối với hoạt tính chống sỏi niệu in vivo, 36 con chuột cống đực trắng được chia thành sáu nhóm. Nhóm I được dùng làm chứng sinh lý, nhóm II đến VI được gây tăng oxalat niệu bằng ethylen glycol liều 0,75 % v/v trong 28 ngày, trong đó nhóm II được dùng làm chứng bệnh lý và nhóm III được dùng làm đối chiếu. Nhóm IV đến VI là nhóm thử, được dùng liều EECA tương ứng từ 15 đến 28 ngày. Sau 28 ngày, creatinin, BUN, acid uric được định lượng. Các chỉ số canxi, oxalat, phosphat trong nước tiểu và dịch đồng thể thận cũng được sử dụng cho các nghiên cứu mô bệnh học.

Kết quả: Sàng lọc hóa thực vật cho thấy sự hiện diện của các hợp chất flavonoid, terpenoid, tannin và các hợp chất phenolic. Kết quả phân tích vân tay HPTLC cho thấy sự hiện diện của 7 hợp chất terpenoid và 7 hợp chất flavonoid ở bước sóng 540 nm và 366 nm tương ứng sau khi tạo dẫn xuất. Các nghiên cứu in vitro cho thấy EECA làm giảm kết tập tinh thể CaOx và ức chế quá trình tạo mầm CaOx. Kết quả nghiên cứu in vivo cũng cho thấy EECA làm giảm sự gia tăng nồng độ creatinine, BUN, acid uric trong huyết thanh và giảm mức độ canxi, oxalat và phosphate trong nước tiểu và dịch đồng thể thận so với nhóm chứng bệnh lý. Các kết quả này hỗ trợ minh chứng cho các khảo sát mô học.

Kết luận: EECA đã cho thấy hoạt tính chống sỏi niệu điển hình bằng cách giảm tạo sỏi.

Nguyễn Thị Lý

  1.  

CÁC ALKALOID CÓ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ CARBONIC ANHYDRASE ISOZYME II Ở NGƯỜI TỪ CỦ CỦA CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L. VAR. ASIATICUM)

 

Waraluck Chaichompoo và cs.

Phytochemistry Letters. 2020; 37: 101-105

 

Hai alkaloid nhóm haemanthamin mới, crinasiaticin A (1) và crinasiaticin B (2), cùng với 15 alkaloid đã biết 3–17, được chiết tách từ củ của cây Náng hoa trắng. Cấu trúc của các hợp chất mới được xác minh bằng phân tích quang phổ và các hợp chất đã biết được xác định bằng cách so sánh phổ với các hợp chất được báo cáo trước đó. Tất cả các hợp chất được đánh giá về khả năng ức chế in vivo đối với hoạt tính của carbonic anhydrase isozym II ở người (hCAII) bằng thử nghiệm dựa trên nấm men mới. Hợp chất 515 ức chế hoạt tính của hCAII với liều hiệu quả tối thiểu tương ứng là 166 và 8,7 μM. Hai hợp chất này không gây độc tế bào dù sử dụng ở nồng độ cao.

Đinh Thị Minh, Xa Thị Phương Thảo

 

12.               

CÁC THÀNH PHẦN DỄ BAY HƠI CỦA TINH DẦU LÁ CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUMVÀ HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN VÀ GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA CHÚNG

 

Wen-Nee Tan và cs

Journal of Essential Oil Bearing Plants. 2019 Oct; 22:  947-954

 

Từ xa xưa, cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum), tên địa phương ở Malaysia là “bunga tembaga suasa” đã được sử dụng trong y học dân gian. Nghiên cứu này nhằm mục đích kiểm tra các thành phần dễ bay hơi của tinh dầu lá cây Náng hoa trắng và các hoạt tính kháng khuẩn và gây độc tế bào của các thành phần này. Các thành phần hóa học thu được bằng quá trình chưng cất được phân tích bằng GC và GC/MS. Mười bảy thành phần được xác định trong tinh dầu lá, chiếm tỉ lệ 93,14 %. Các thành phần chính được tìm thấy trong tinh dầu lá là 1-hexadecanol (27,69 %), acid oleic (23,32 %) và methyl octadecanoat (12,45 %). Trong thử nghiệm MTT in vitro, tinh dầu lá có tác dụng gây độc tế bào 20-25 % đối với các tế bào MCF-7 trong vòng 24-72 giờ sau thời gian ủ ở nồng độ 20-70 mg/ml. Hơn nữa, tinh dầu lá cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn chống lại Shigella boydii, Candida albicans và Rhizopus sp. với giá trị MIC lần lượt là 1,25; 0,078 và 0,078 mg/ml.

Đinh Thị Minh

  1.  

TÁC DỤNG GIẢM ĐAU CỦA CAO CHIẾT TỪ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.) TRÊN CHUỘT GÂY ĐAU BỞI ACID ACETIC

 

Teodhora Simangunsong và cs.

Jurnal Farmasi Sains dan Praktis. Nov 2021; 7(2): 126-134

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.) là một loại cây có tác dụng dược lý trong giảm đau. Mục đích của nghiên cứu này là xác định tác dụng giảm đau của cao chiết ethanol từ Náng hoa trắng trên chuột đực ddY. Cao chiết thu được thông qua phương pháp ngâm và được cho chuột uống với ba liều, 200 mg/kg, 400 mg/kg và 800 mg/kg thể trọng chuột. Ibuprofen liều lượng 52 mg/kg thể trọng được sử dụng làm đối chứng dương và Na-CMC 0,5% làm đối chứng âm. 30 phút sau khi gây đau bởi acid acetic 1%, số cơn đau xoắn bụng được ghi nhận sau mỗi 5 phút đến 60 phút. Kết quả cho thấy tác dụng giảm đau tốt nhất ở liều 800 mg/kg thể trọng với tỷ lệ giảm cơn đau xoắn bụng là 80,66%. Kết quả so sánh hiệu quả ở liều 800 mg/kg thể trọng là 99,37% gần như tương ứng với hiệu quả 100% của Ibuprofen ở liều 52 mg/kg thể trọng.

Trần Trung Nghĩa, Đặng Quốc Tuấn

 

  1.  

PHÂN TÍCH SO SÁNH HÌNH THÁI NHIỄM SẮC THỂ CỦA HAI LOÀI NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.) VÀ NÁNG LÁ RỘNG (CRINUM LATIFOLIUM) THU THẬP TẠI HUYỆN PASCHIM MEDINIPUR, WEST BENGAL, ẤN ĐỘ

Dolai và cs.

 Tropical Plant Research. 2020; 7(1): 51-54

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) và náng lá rộng (Crinum latifolium) là hai loài cây cảnh có giá trị dược liệu. Hai loài này đã mất đi các phân tử sinh học của việc sử dụng dược phẩm. Nghiên cứu hệ nhiễm sắc thể là loại nghiên cứu cơ bản đặc trưng vật chất di truyền của một loài. Các nghiên cứu trước đây về nhiêm sắc thể đã cho thấy số lượng nhiễm sắc thể lưỡng bội là 22 và 24 của các loài Crinum sp.. Nghiên cứu này khẳng định bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội của hai loài trên là 22. Tuy nhiên, ở hai loài này có sự khác biệt về một số đặc điểm. Có 10 nhiễm sắc thể tâm cân và 12 nhiễm sắc thể lệch tâm ở loài Náng hoa trắng; trong khi đó là 10 nhiễm sắc thểtâm cân, 6 nhiễm sắc thể lẹch tâm và 6 nhiễm sắc thể tâm mút được xác định ở loài Náng lá rộng. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số khác biệt đáng kể về tổng chiều dài của bộ nhiễm sắc thể đơn bội, chỉ số đối xứng, mức độ bất đối xứng của nhiễm sắc đồ, chỉ số bất đối xứng tâm động trung bình, hệ số biến thiên của chiều dài nhiễm sắc thể, hệ số biến thiên của chỉ số tâm động cũng như chỉ số bất đối xứng. Sự khác biệt này giúpnhận dạng bộ nhiễm sắc của hai loài và cũng như bản chất mối quan hệ giữa hai loài.

Nguyễn Hoàng, Phạm Văn Năm

15.               

ĐẶC TÍNH KHÁNG KHUẨN, CHỐNG OXY HÓA VÀ GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA DỊCH CHIẾT TỪ CỦ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)

Md. Atiar Rahman và cs.

Bangladesh J Microbiol. 2011 28(1): 1-5

 

 

Tác dụng kháng khuẩn của dịch chiết từ củ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) (1mg/đĩa) đã được thử nghiệm trên 4 chủng vi khuẩn Gram dương và 6 chủng vi khuẩn Gram âm bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa kháng sinh chuẩn sử dụng kanamycin (30 µg/đĩa). Dịch chiết từ củ (250-1000 mg/đĩa) cho thấy vùng ức chế đáng kể đối với tất cả vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn gram âm có đường kính từ 12-14 mm. Khả năng chống oxy hóa của cùng một loại dịch chiết được đánh giá bằng phương pháp vạch 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH). Dịch chiết xuất cho hiệu ứng cao (95,96%) với giá trị IC 50 đạt 5,62 đối với dịch chiết và 5,46 đối với axit ascorbic (chất chống oxy hóa tiêu chuẩn) ở nồng độ 1000 µg/ml. Trong thử nghiệm gây chết tôm bằng nước muối, dịch chiết củ đạt giá trị LC 50 ở nồng độ 94,06 µg/ml.

Đào Văn Châu

16.               

HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM VÀ CHỐNG OXY HÓA CỦA DỊCH CHIẾT LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)

Md. Zia Uddina và cs.

Journal of Pharmacy Research. 2012; 5(12): 5553-5556

Nghiên cứu này được thực hiện để điều tra khả năng chống viêm và chống oxy hóa và đặc tính của dịch chiết ethanol từ lá loài Crinum asiaticum (Tên đồng danh Crinum amabile). Mô hình phù chân do carrageenan gây ra đã được sử dụng để đánh giá hoạt tính chống viêm ở chuột bạch tạng Wister. Trong nghiên cứu này, dịch chiết lá Náng hoa trắng được dùng trên động vật với liều 2 gm/kg và 1 gm/kg theo thể trọng và tác dụng thu được được so sánh với thuốc chống viêm diclofenac natri trên thị trường (10 mg/kg) đối với thử nghiệm phù nề bàn chân bằng carrageenan. Hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết ethanol lá Náng hoa trắng được đánh giá bằng phương pháp xác định gốc tự do DPPH. Dịch chiết lá Náng hoa trắng đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc giảm phù nề bàn chân do carrageenan gây ra ở liều 2 gm/kg và 1gm/kg thể trọng trong đó 40,8% và 8,76% biểu hiện phù chân đã giảm sau 4 giờ sử dụng dịch chiết. Những kết quả này chỉ ra rằng dịch chiết từ ​​lá Náng hoa trắng có tác dụng tiềm năng chống viêm. Dịch chiết này cũng cho thấy tác dụng trong thử nghiệm DPPH so với axit ascorbic. Giá trị IC 50 của axit ascorbic và dịch chiết lá lần lượt là 13,26 mg/ml và 71,4 mg/ml.

                                                           Đào Văn Châu

  1.  

HOẠT TÍNH CHỐNG GHẺ VÀ ĐUỔI MUỖI CỦA DỊCH CHIẾT TỪ ​​CRINUM ASIATICUM

Bharat Sharma và cs Research Journal of Pharmacy and Technology. 2020; 13(2):895-900

Research Journal of Pharmacy and Technology. 2020; 13(2): 895-900.

 

Đặt vấn đề: Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây suy nhược da do Sarcoptes scabiei gây ra, ảnh hưởng đến hơn 130 triệu người vào bất kỳ thời điểm nào. Trên toàn cầu, căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên này chiếm 0,07% tổng gánh nặng bệnh tật. Ở Ấn Độ và các nước Tây Á khác, Anopheles stephensi là véc tơ truyền bệnh sốt rét chính và có từ 200 triệu đến 450 triệu ca nhiễm gây ra 2,7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới. Các bộ phận của cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum Linn, họ Thủy tiên - Amaryllidaceae) được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền để chữa đau, viêm khớp, sưng nhọt, rối loạn cổ họng, bệnh ngoài da (bệnh phong), nhiễm giun, rối loạn cảm lạnh và ho, nôn mửa, đau ruột, tiểu khó, tiểu nhiều và làm thuốc đuổi côn trùng, gây nôn.

Mục tiêu: Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hoạt tính chống ghẻ và đuổi muỗi của dịch chiết lá Náng hoa trắng

Vật liệu và phương pháp: Lá Náng hoa trắng được chiết trong ethanol và dung môi nước bằng thiết bị soxhlet, được đánh giá về khả năng chống ghẻ đối với Sarcoptes scabiei sử dụng phương pháp thử nghiệm sinh học tiếp xúc và hoạt động đuổi muỗi chống lại Anopheles stephensi bằng thử nghiệm xua đuổi. 

Kết quả: Dịch chiết ethanol của Náng hoa trắng cho thấy tỷ lệ chết của S. scabiei là 100,00 ± 0,00% ở nồng độ 10% trong vòng 80 phút khi tiếp xúc và cũng ở nồng độ 10%, nó mang lại hiệu quả bảo vệ 97,00 ± 0,42% sau 6 giờ xử lý so với hiệu quả 78,25 ± 0,53% xử lý với DEET. 

Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy dịch chiết ethanol của Náng hoa trắng thể hiện hoạt tính diệt ghẻ rất hiệu quả đối với ve S. scabiei trưởng thành và hoạt tính đuổi muỗi đối với muỗi An. stephensi.

 Nguyễn Thị Tố Duyên

18.               

HOẠT TÍNH KHÁNG LAO CỦA DỊCH CHIẾT CỦ LOÀI NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT MANG VI KHUẨN MYCOBACTERIUM SMEGMATIS CẢM ỨNG BẰNG AEROSOL

Michael Ofori và cs.

Journal of Applied Pharmaceutical Science. 2022; 12(05): 156-164

 

Bệnh lao (TB) là một trong những bệnh truyền nhiễm cao ảnh hưởng đến một phần ba dân số thế giới. Sự xuất hiện của các chủng Mycobacterium tuberculosis kháng đa thuốc (MDR-TB) và kháng thuốc rộng rãi (XDR) đã ảnh hưởng đến chiến lược quản lý bệnh lao. Số người chết vì MDR - và XDR-TB được ước tính là hơn một triệu người mỗi năm, điều này thật đáng báo động; do đó, cần phải tìm ra các hợp chất mới có thể phát triển để giải quyết bệnh lao kháng thuốc. Dịch chiết từ củ loài Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng da và cho các hoạt động chữa lành vết thương. Nghiên cứu này nhằm đánh tính kháng lao của dịch chiết chloroform từ ​​củ Náng hoa trắng (CCAE) trên mô hình chuột nhiễm bệnh lao bởi các chủng Mycobacterium smegmatis. Từ các kết quả thu được, mô học của phổi bị nhiễm bệnh được quản lý với liều CCAE 500 và 1.000 mg/kg cho thấy không gian phế nang phổi, nhu mô phổi và chức năng phế quản được cải thiện. CCAE giảm đáng kể (p ≤0,05) số lượng đơn vị khuẩn lạc/ml của M. smegmatis trên phổi. Khi đánh giá mức độ yếu tố hoại tử khối u-alpha và interleukin-6, CCAE cho thấy mức giảm đáng kể (p≤0,05) cảu các chỉ số này. Có sự gia tăng phụ thuộc vào liều lượng của hồng cầu và huyết sắc tố, trong khi có sự giảm số lượng bạch cầu trong phân tích huyết học của các nhóm được điều trị bằng CCAE so với nhóm đối chứng âm tính. Nhìn chung, CCAE cho thấy tác dụng trong chống lao, có tiềm năng hàng đầu trong việc phát hiện và phát triển các tác nhân chống lao có thể giúp giải quyết các vấn đề kháng thuốc trong việc quản lý bệnh lao.

Đào Văn Châu

19.               

MỐI LIÊN QUAN GIỮA VIRUS SỌC VÀNG NERINE VỚI BỆNH KHẢM TRÊN CÂY CẢNH NÁNG HOA TRẮNG (Crinum asiaticum) Ở ẤN ĐỘ

Susheel Kumar và cs.

Plant Disease. 2015; 99(11) 1655

DOI:10.1094/PDIS-02-15-0211-PDN

 

Crinum asiaticum L., (họ Amaryllidaceae), thường được gọi là huệ nhện, là một loại cây cảnh thường gặp trong các khu vườn của các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới với lá dài, giống như dây đeo, màu xanh lục và những bông hoa màu trắng mọc thành cụm. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 12 năm 2013, các triệu chứng khảm nghiêm trọng đã được ghi nhận trên một số cây Náng hoa trắng mọc trong vườn tại các thành phố Noida và New Delhi của Ấn Độ. Do các triệu chứng tương tự như được mô tả trước đó ở Brazil trên một cây Crinum sp bị nhiễm potyvirus (Barboza và cộng sự 2006); khả năng do nhiễm potyvirus đã được cân nhắc. Phân tích đánh giá bằng kính hiển vi điện tử được thực hiện với sáu mẫu lá có triệu chứng được thu thập ngẫu nhiên cho thấy sự hiện diện của các hạt vi rút hình que, uốn cong và dài ∼ 700 × 12 nm, cho thấy sự liên quan của một loại potyvirus. Các mẫu này tiếp tục được phân tích bằng RT-PCR sử dụng mồi suy biến cho potyvirus (Gibbs et al. 2003). RT-PCR đã khuếch đại vùng gen có kích thước dự kiến ​​(∼ 1,5 kb) từ tất cả các mẫu có triệu chứng. Các sản phẩm khuếch đại được tách dòng và giải trình tự, và dữ liệu trình tự đã được đăng ký tại GenBank với các mã truy cập KJ886933 (Nod-1), KM066970 (Nod-2), KM066968 (Nod-3), KJ886934 (Del-1), KM066971 (Del-2) và KM066969 (Del-3). Phân tích gióng cột trình tự của các chủng phân lập này trong NCBI cho thấy sự hiện diện của gen mã hóa thể vùi (NIb), protein vỏ hoàn chỉnh (CP) và vùng chưa được dịch mã 3′ UTR của một potyvirus. Các chủng virus được nghiên cứu có sự tương đồng trình tự 98 đến 99% và tương đồng 78 đến 99% với các chủng vi rút sọc vàng Nerine (NeYSV) (FJ618537, DQ407932, EF362621, EF362622, EU042758 và JX865782) được báo cáo từ New Zealand, Hà Lan và Hoa Kỳ. Trong quá trình phân tích phát sinh loài bằng MEGA (V.5.1) (Tamura et al. 2013 ), các chủng phân lập được nghiên cứu phân nhóm cùng nhau và cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với các chủng NeYSV, ​​và potyvirus liên quan đến bệnh khảm của Náng hoa trắng được xác định là NeYSV. Sáu mẫu lá trên và chín mẫu lá có triệu chứng khác của Náng hoa trắng cũng đã được kiểm tra bằng phân tích lai acidt nucleic sử dụng mẫu dò được chuẩn bị từ dòng NeYSV ​​(KJ886933), cho tín hiệu lai mạnh mẽ xác nhận sự hiện diện của NeYSV. Mẫu dò có thể được sử dụng để kiểm tra các mẫu lá được thu thập từ các địa điểm khác nhau và để hiểu sự phân bố địa lý của NeYSV. Một nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra báo cáo duy nhất về sự liên quan của một loại potyvirus không xác định với bệnh khảm của Crinum sp. từ Brazil (Barboza et al. 2006) dựa trên khuếch đại RT-PCR sản phẩm 2,0 kb bằng mồi đặc hiệu cho chi potyvirus. Theo hiểu biết của nhóm tác giả, đây là báo cáo đầu tiên về sự xuất hiện tự nhiên của NeYSV ​​trên Náng hoa trắng ở Ấn Độ. Vì Náng hoa trắng đang được nhân giống bằng củ, sự lây lan của virus giữa các vườn ươm cũng như giữa các vùng trồng là mối quan tâm lớn và hiện được kiểm soát bằng việc chứng nhận nuôi cấy Náng hoa trắng sạch NeYSV.

Phạm Thị Lý

  1.  

SO SÁNH TIỀM NĂNG CHỐNG OXY HÓA VÀ KHÁNG KHUẨN TỪ CÁC PHÂN ĐOẠN CHIẾT XUẤT LIÊN TIẾP LOÀI NÁNG HOA TRẮNG (CRNUM ASIATICUM L.)

Souren Goswami và cs.

Industrial Crops and Products. 2020; 154: 112667

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.) là loài cây thuốc được sử dụng rộng rãi, có giá trị y học cao. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tiềm năng chống oxy hóa và kháng khuẩn in vitro của dịch chiết lá C. asiaticum cùng với hàm lượng phenolic của chúng. Thử nghiệm chống oxy hóa toàn phần, hoạt tính loại bỏ gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) và xét nghiệm khả năng chống oxy hóa khử ion sắt (FRAP) của dịch chiết nước tổng phần lá và năm phân đoạn chiết xuất liên tiếp đã được phân tích để đánh giá tiềm năng chống oxy hóa của chúng. Khả năng kháng khuẩn được khảo sát trên hai dòng vi khuẩn gram âm và một dòng vi khuẩn gram dương bằng phương pháp khuếch tán đĩa. Phân đoạn nước của C. asiaticum (CaAq) cho thấy tiềm năng kháng khuẩn tương đối cao hơn so với dịch chiết nước tổng (CaLAE), xét về vùng ức chế, cho thấy thực tế là quy trình chiết xuất nối tiếp có thể cô đặc thành công hơn các thành phần có hoạt tính sinh học đặc hiệu. Cùng với CaAq và CaLAE, phần CaEA (dịch chiết phân đoạn ethyl axetat) cũng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn có thể là do sự hiện diện của terpenoid, phenolic và flavonoid. Có thể kết luận rằng chất chống oxy hóa và chất kháng khuẩn có sẵn trong lá của C. asiaticum, trong đó nước và etyl axetat có thể là hệ dung môi hiệu quả để chiết các chất kháng khuẩn và chất chống oxy hóa tương ứng.

Đặng Quốc Tuấn

  1.  

NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM LINN): MỘT LOẠI THẢO DƯỢC CŨNG LÀ CÂY CẢNH Ở MIỀN TRUNG ẤN ĐỘ

DK Patel

International Journal of Environmental Sciences & Natural Resources. 2017; 6(1): 555678

 

Cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum Linn) là loại thảo mộc cổ truyền nổi tiếng được biết đến có các giá trị dược liệu và là cây cảnh được được trồng trong nhà, ngoài vườn vv… Loài này thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae). Bài báo này đề cập đến nghiên cứu về sự biến đổi của các bộ phận thực vật khác nhau theo sự phát triển của chúng.

Nghiên cứu về sự phát triển và nhân giống vô tính của Náng hoa trắng được thực hiện bằng sử dụng thân hành tự sinh từ cây trưởng thành, được tưới nước đầy đủ và cung cấp các dưỡng chất cần thiết khác cho sự sinh trưởng phát triển của nó và ghi nhận chất lượng dược liệu dựa trên các tài liệu có sẵn. Cây có hoa màu trắng, lá đẹp được sử dụng cho mục đích trang trí. Thân hành trưởng thành của cây Náng hoa trắng sẽ hình thành một số thân hành tự sinh xung quanh và được sử dụng để nhân giống bằng phương pháp nhân giống vô tính. Cây có nhiều đặc tính dược liệu và được sử dụng theo các phương thức và mục đích trong điều trị các rối loạn khác nhau. Các kết quả về biến dị hình thái và công dụng dược liệu của cây Náng hoa trắng được thảo luận sâu hơn trong nghiên cứu này.

Hoàng Thị Sáu, Đặng Quốc Tuấn

  1.  

Đa dạng các loài thụ phấn thuộc bộ cánh vẩy thúc đẩy quá trình bản địa hóa của NẮNG HOA TRẮNG (crinum asiaticum) trong môi trường sống bị xâm lấn và xáo trộn, mặc dù có sự chuyên HÓA rõ ràng về hoa

Chang Qiu Liu và cs.

Plant Systematics and Evolution. 2021; 307(23)

DOI:10.1007/s00606-021-01748-1

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) có đặc trưng về kiểu hình là hoa hình ống rất dài, có mùi thơm, màu trắng, cho thấy chỉ những loài ngài vòi dài mới có thể là loài thụ phấn hiệu quả. Tuy nhiên, loài này thường không được canh tác nhiều ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Do đó, chúng tôi đã nghiên cứu sinh học sinh sản của C. asiaticum để hiểu cách thức loài này có thể bản địa hóa, bất chấp sự chuyên hóa về kiểu hình. Chúng tôi đã đánh giá khả năng tự thụ phấn, sự phụ thuộc vào sinh sản hữu tính so với sinh sản sinh dưỡng ở C. asiaticum var. sinicum, sử dụng một nhóm các cá thể sinh trưởng và nhân giống tự nhiên trong vườn thực vật ở vùng ngoại ô. Chúng tôi cũng đã phân tích đặc điểm hoa, ghi nhận những loài bị hoa hấp dẫn, xác định hiệu quả thụ phấn của những loài thụ phấn và xem xét ghi nhận những loài này tại các địa điểm quan sát khác nhau. Sinh sản hữu tính mang lại khả năng phát tán lớn hơn nhiều so với sinh sản sinh dưỡng ở C. asiaticum var. sinicum. Loài cây này không có khả năng tự thụ phấn và cho thấy tính tự tương hợp kém. Đặc điểm hoa đã chỉ ra sự thụ phấn của ngài vòi dài, trong khi cả bướm đêm và bướm đuôi én với độ dài vòi khác nhau được quan sát là loài thụ phấn của hoa vì mật hoa có thể tích tụ ở mức cao và do đó lấp đầy phần lớn hoặc toàn bộ ống bao hoa. Cả bướm và bướm đêm đều gửi phấn hoa lên đầu nhụy một cách hiệu quả. Do đó, sự nhân giống tự nhiên được cho là nhờ sự thụ phấn chéo hiệu quả bởi các loài cánh vẩy bản địa. Kết quả của nghiên cứu gợi ý về khả năng tự thụ phấn và sinh sản sinh dưỡng có thể không cần thiết đối với quá trình bản địa hóa và sự tồn tại lâu dài của quần thể loài Náng hoa trắng trong môi trường sống bị xáo trộn cao hoặc khu vực mới, ngay cả khi loài này biểu hiện đặc điểm hoa có tính chuyên hóa rất cao.

Nguyễn Khương Duy, Nguyễn Văn Kiên

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ BIỆN PHÁP XỬ LÝ MẪU TRƯỚC KHI CHIẾT  CỦA DỊCH CHIẾT LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)TỚI HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM VÀ ĐẶC TÍNH HOÁ HỌC

Kongkwamcharoen và cs.

 Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine. 2021; (10):1-11.

 

Cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum Linn.) được sử dụng trong y học cổ truyền Thái Lan nhằm giảm các triệu chứng sưng viêm và điều trị viêm xương khớp. Đã có nhiều báo cáo về tiềm năng chống viêm của loại cây này nhưng chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của các biện pháp xử lý trước khi chiết tới đặc tính hoá học và hoạt tính chống viêm của dịch chiết từ lá của loài cây này. Cách thức xử lý dược liệu thô có ảnh hưởng rõ rệt tới chất lượng dược liệu nói chung. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu thử nghiệm các biện pháp xử lý lá cây C. asiaticum trước khi đưa vào chiết qua cồn và so sánh hiệu quả chống viêm và đặc tính hoá học của dịch chiết. Các biện pháp xử lý gồm có sấy bằng khí nóng bằng lò sấy, làm khô bằng lò vi sóng, sao sơ trên chảo than trước khi sấy trong lò, và sốc nhiệt qua nước nóng và nước lạnh trước khi sấy bằng lò sấy. Hoạt tính chống viêm và đặc tính hóa học của các mẫu dịch chiết được xác định bằng các phương pháp tiêu chuẩn. Kết quả cho thấy, dịch chiết ethanol 95% của lá cây được sấy trực tiếp trong lò sấy có khả năng chống viêm  và tổng lượng phenolic và lycorin cao nhất. Chúng tôi khuyến nghị  dùng phương pháp sấy trực tiếp trong lò để xử lý lá cây C. asiaticum do tính đơn giản, khả năng giữ dược chất, và khả năng ứng dụng ở quy mô công nghiệp.

Nguyễn Thị Hoà, Lê Thị Thu Hồng, Đỗ Trần Thẩm Thuý,  Nguyễn Thị Tố Duyên, Hoàng Thị Sáu

24.               

TÁC DỤNG KHÁNG KHỐI U VÀ ĐẶC TÍNH CẤU TRÚC CỦA POLYSACCHARID HIỆU DỤNG TỪ CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.)

Miao Yu và cs.

 Saudi Journal of Biological Sciences. 2019; 26(8): 2085–2090.

 

Trong nghiên cứu này, một loại polysaccharid hiệu dụng có khối lượng phân tử là 730.000 Da, đặt tên là CAL-n (Crinum asiaticum L.-n) lần đầu tiên được phân lập và tinh sạch từ cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.). CAL - n bao gồm Rha(rhamnose), Sor(sorbose), Gal(galactose) và Glu(glucosein) với tỷ lệ mol là 1:61,6:1,66:4,74. Cấu trúc hóa học của CAL - n được nghiên cứu bằng phân tích phổ hồng ngoại và GC–MS (Sắc ký khí–Khối phổ kế). Kết quả phân tích cho thấy khung cấu trúc của CAL- n bao gồm liên kết beta-pyran glycoside (1 → 2), (1 → 6), (1 → 3), không có liên kết beta-pyran glycoside (1 → 4). Ngoài ra, thử nghiệm MTT chỉ ra rằng sự phát triển của các tế bào HepG2 bị ảnh hưởng bởi CAL-n, với mức độ phụ thuộc vào nồng độ. Các kết quả trên chỉ ra rằng CAL - n cần nghiên cứu sâu hơn về hoạt tính chống khối u trên in vivo.

Vương Đình Tuấn

  1.  

CÔNG DỤNG TRONG Y HỌC DÂN TỘC, HÓA HỌC THỰC VẬT, ĐỘC TÍNH VÀ DƯỢC LÝ CỦA NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.)

Mahomoodally M.F. và cs.

South African Journal of Botany. 2021; 136:16-29

Crinum asiaticum L., (họ Amaryllidaceae), còn được gọi là củ độc hoặc huệ nhện, là một loại thảo mộc thân củ lâu năm có lá màu xanh lục có lông, được dùng để gây nôn khi ngộ độc. Trong hệ thống y học dân tộc Ayurveda, Náng hoa trắng được gọi là 'naagadami', ở Malaysia, người bản địa gọi là 'bakong', trong khi ở Papua New Guinea được gọi là 'morabau' và ở Mauritius lại có tên gọi là 'lys' hoặc 'lis sauvage'. Trong y học dân tộc, loài cây này được sử dụng để chữa trị nhiều tình trạng bệnh như nhọt, nhiễm trùng, đau tai, phù nề, sốt, gãy xương, các rối loạn về đường tiêu hóa, thoát vị, quai bị, thấp khớp, viêm amidan, khó tiểu và nôn mửa. Náng hoa trắng có giá trị kinh tế do thuộc tính dược liệu và tính ứng dụng trong trang trí của nó. Do thiếu tài liệu toàn diện về loài này, nghiên cứu này tổng hợp các đặc điểm hình thái, phân bố địa lý, cũng như cách sử dụng truyền thống, hóa thực vật, tính chất dược lý và khả năng gây độc. Trong khi các chiết xuất của Náng hoa trắng được phát hiện là đặc biệt giàu alkaloid, phân tích hóa học tinh dầu thu được từ cây cho thấy sự hiện diện của các thành phần khác bao gồm rượu, phenolic, acid béo, este, aldehyd, terpenoid và terpen. Dịch chiết xuất và các hợp chất từ ​​Náng hoa trắng đã được đánh giá về các đặc tính chống oxy hóa, giảm đau, chống viêm, chống plasmodial, gây độc tế bào, chống ung thư và kháng khuẩn. Chỉ có một nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng các ứng dụng đơn lẻ và lặp đi lặp lại trên da của dich chiết xuất dưới miếng dán không gây ra bất kỳ phản ứng kích ứng và nhạy cảm tích lũy nào. Tóm lại, loại cây này có các đặc tính dược lý đầy hứa hẹn cần được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là về độc tính của nó có thể có ý nghĩa trong phát triển dược phẩm thực vật.

Nguyễn Thị Tố Duyên

26.               

BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ NẤM COLLETOTRICHUM FRUCTICOLA GÂY BỆNH THÁN THƯ TRÊN CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) Ở TỈNH QUẢNG TÂY, TRUNG QUỐC

Zhen Qing và cs.

Journal of Plant Pathology. 2020; 102: 971.

doi: 10.1094/PDIS-06-22-1376-PDN

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum, họ Amaryllidaceae) là cây thuốc làm cảnh được trồng trong vườn ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Vào tháng 9 năm 2018, triệu chứng đốm đỏ và tổn thương hoại tử màu nâu nhạt không đều đã được ghi nhận trên cây Náng hoa trắng với tỷ lệ mắc bệnh xấp xỉ 32% tại Vườn thực vật dược liệu Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Giá trị làm cảnh và làm thuốc của Náng hoa trắng đã bị ảnh hưởng đáng kể. Tác nhân gây bệnh được phân lập từ những mảnh nhỏ của lá có triệu chứng bệnh đã khử trùng bằng cách nuôi cấy trên môi trường thạch dextrose khoai tây. Các khuẩn lạc chuyển từ màu trắng sang xám theo thời gian, đôi khi tạo ra các khối bào tử màu cam. Kích thước bào tử xác định được là 15,76 ± 1,4 μm × 6,10 ± 1,1 μm, trong suốt, đơn bào và hình trụ. Sử dụng phương pháp phân tích trình tự đa locut, việc định danh đã được xác nhận bằng cách khuếch đại và giải trình tự năm vùng DNA tương ứng với vùng đệm được phiên mã bên trong (ITS), actin (ACT),-tubulin (TUB2), chitin (CHS-1) và glyceraldehyd 3-phosphate dehydrogenase (GAPDH) (Damm et al. 2012). Các trình tự lần lượt có độ tương đồng cao với Colletotrichum fructicola với mã truy cập:  vùng ACT 100% với KR262555.1, vùng ITS 99,8% với MF153385.1, vùng GAPDH 99,6% với MH463893.1, vùng CHS-1 99,6% với MN075573.1 và vùng TUB2 99% với MF111053.1. Các trình tự đã được đăng ký vào Ngân hàng gen với các mã truy cập MK935145 (ITS), MK922605 (ACT), MK922607 (TUB2), MK922608 (CHS-1) và MK922606 (GAPDH). Để xác minh khả năng gây bệnh, huyền phù bào tử (105 bào tử/ml) đã được chuẩn bị từ môi trường nuôi cấy PDA 12 ngày tuổi và sau đó được cấy vào cây Náng hoa trắng 2 tháng tuổi bằng phương pháp cấy vết thương (Xu và Ko 1998). Các cây đối chứng được tạo ra bằng cách sử dụng nước vô trùng trong quá trình cấy. Tất cả các cây được trồng trong buồng tăng trưởng ở nhiệt độ 26°C. Sau năm ngày, các triệu chứng bệnh thán thư giống như các triệu chứng quan sát được trên đồng ruộng, phát triển trên lá được cấy và không có triệu chứng trên lá đối chứng. Một loại nấm có cùng hình thái khuẩn lạc và bào tử giống như C. fructicola đã được phân lập lại từ các vết bệnh trên lá được cấy, do đó xác nhận định đề của Koch. C. fructicola đã được ghi nhận trên Náng hoa trắng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (Yang et al. 2009 ), tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về bệnh thán thư do C. fructicola gây ra trên C. asiaticum tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Phạm Thị Lý

 

27.               

XÁC ĐỊNH VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA MACROPHOMINA PHASEOLINA GÂY BỆNH CHÁY LÁ TRÊN NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM VÀ HYMENOCALLIS LITTORALIS) Ở MALAYSIA

Yee Jia Keeand và cs.

Mycobiology. 2019; 47(4): 408–414.

 

Crinum asiaticum và Hymenocallis littoralis, thường được gọi là Náng hoa trắng, là những cây thân thảo lâu năm có củ được trồng rộng rãi ở Malaysia để làm cảnh. Trong năm 2015–2016, triệu chứng cháy lá đã được phát hiện trên các cây chủ tại một số địa điểm ở Penang. Triệu chứng xuất hiện dưới dạng các vết bệnh có màu nâu đến đỏ không đều được bao quanh bởi quầng sáng màu vàng. Khi bệnh tiến triển, các lá bị nhiễm bệnh bị cháy lá, khô và rụng với sự hiện diện của hạch nấm đen và túi bào tử phấn trên các phần vết bệnh. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm điều tra tác nhân gây bệnh cháy bìa lá trên C. asiaticum và H. littoralis. Dựa trên các đặc điểm hình thái và trình tự DNA của vùng ITS và gen yếu tố kéo dài dịch mã 1-alpha (TEF1-α), tác nhân gây bệnh được xác định là Macrophomina phaseolina. Phân tích phát sinh loài của bộ dữ liệu kết hợp của ITS và TEF1-α đã phân nhóm các chủng được nghiên cứu với các chủng M. phaseolina khác từ Ngân hàng gen. Kết quả phân nhóm các chủng có giá trị bootstrap 96%. Kiểm tra khả năng gây bệnh đã chứng minh vai trò của nấm trong việc gây bệnh cháy lá trên cả hai cây chủ.

Vương Đình Tuấn

  1.  

CÁC THÀNH PHẦN DỄ BAY HƠI CỦA TINH DẦU LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN VÀ GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA CHÚNG

Wen Nee Tan và cs.
Journal of Essential Oil Bearing Plants. 2019; 22(4) 

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được biết đến với tên địa phương là “bunga tembaga suasa” ở Malaysia đã được sử dụng từ xa xưa trong y học dân gian. Nghiên cứu này nhằm mục đích kiểm tra các thành phần dễ bay hơi của tinh dầu lá náng hoa trắng và các hoạt tính kháng khuẩn và gây độc tế bào của chúng. Các thành phần hóa học thu được bằng quá trình chưng cất thủy phân được phân tích bằng cách sử dụng GC và GC/MS. Mười bảy thành phần được xác định trong tinh dầu lá, chiếm 93,14 % mẫu. Các thành phần chính được tìm thấy trong tinh dầu lá là 1-hexadecanol (27,69 %), axit oleic (23,32 %) và methyl octadecanoate (12,45 %) có trong ống nghiệm. Xét nghiệm MTT, tinh dầu lá gây ra tác dụng gây độc tế bào 20-25 % đối với tế bào MCF-7 trong vòng 24-72 giờ sau thời gian ủ ở nồng độ 20-70 mg/ml. Hơn nữa, tinh dầu lá cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn chống lại Shigella boydiiCandida albicans và Rhizopus spvới giá trị MIC lần lượt là 1,25, 0,078 và 0,078 mg/ml.

Nguyễn Thị Tố Duyên

 

 

Chuyên đề 2: NGŨ SẮC

  1.  

HOẠT TÍNH CHỐNG ĐAU THẦN KINH CỦA NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) DO CÁC THÀNH PHẦN TINH DẦU

 

Purwandi Yedy Sukmawan và cs.

CNS & Neurological Disorders-Drug Targets. 2021; 20(2): 181-189.

 

Mục tiêu: Xác định hoạt tính chống đau thần kinh của tinh dầu và thành phần không tinh dầu (bã cất tinh dầu) của cây Ngũ sắc (A. conyzoides L.).

Cơ sở: Đau thần kinh là một trong các biểu hiện bệnh lý phổ biến trên thế giới. Hiện nay nhiều bệnh nhân chưa đạt được trạng thái giảm đau ngay cả có sử dụng các thuốc giảm đau tổng hợp. Từ đó đặt ra nhu cầu cấp thiết là tìm kiếm những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên trong trị liệu thay thế/bổ sung với tính an toàn và hiệu quả được xác định. Cây Ngũ sắc thường được sử dụng giảm đau ở Indonesia, tuy nhiên tác động giảm đau thần kinh vẫn chưa được biết.

Phương pháp: Tách thành phần tinh dầu từ các chất chuyển hóa thứ cấp khác bằng phương pháp chưng cất hơi nước. Cả hai thành phần tinh dầu và thành phần không tinh dầu đã được thử nghiệm về tác động chống đau thần kinh bằng cách sử dụng các mô hình động vật bị tổn thương co thắt mãn tính bằng các thử nghiệm tăng đau do kích thích nhiệt và gây loạn cảm đau. Các động vật được chia thành 7 nhóm thử nghiệm, cụ thể là chứng sinh lý, chứng mô hình, chứng bệnh lý, chứng dương (pregabalin liều 0,195 mg/20 g trọng lượng của chuột), thành phần tinh dầu (100 mg/kg trọng lượng của chuột) và thành phần không phải tinh dầu (100 mg/kg trọng lượng của chuột). Naloxon (chất đối kháng opioid receptor) đã được sử dụng để đối kháng với thành phần chống đau thần kinh mạnh nhất (tinh dầu hoặc chất không phải tinh dầu) để kiểm tra cơ chế liên quan đến các thụ thể opioid.

Kết quả: GC-MS của thành phần tinh dầu cho thấy có mặt của 60 hợp chất. Trong khi đó, các thành phần không phải tinh dầu bao gồm alkaloid, flavonoid, polyphenol, quinon, steroid và triterpenoid. Thành phần không phải tinh dầu chứa tổng lượng flavonoid tương đương với 248,89 ppm quercetin. Thử nghiệm hoạt tính chống đau thần kinh cho thấy thành phần tinh dầu có hoạt tính cao hơn đáng kể so với thành phần không phải tinh dầu và so với nhóm bệnh lý (p<0,05). Hơn nữa, thành phần tinh dầu thể hiện hoạt tính tương đương với pregabalin (p>0,05). Tuy nhiên, hoạt tính này đã loại bỏ bởi naloxon, cho thấy sự  liên quan của thụ thể opioid trong cơ chế tác động của thành phần tinh dầu.

Kết luận: Thành phần tinh dầu của cây Ngũ sắc là một chất mới có tiềm năng ứng dụng làm thuốc chống đau thần kinh.

Hoàng Thị Diệu Hằng

 

  1.  

TỔNG HỢP NANO NiO  THEO PHƯƠNG PHÁP XANH BẰNG CAO CHIẾT LÁ NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) VÀ HOẠT TÍNH XÚC TÁC CỦA NANO NiO

 

Miessya Wardani và cs.

IOP Conference Series Materials Science and Engineering. 2019 May; 509: 012077

 

Các hạt nano niken oxid (NiO-NP) đã được tổng hợp thành công bằng cách sử dụng cao chiết lá cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) thông qua phương pháp xanh. Đặc tính quang học, cấu trúc và hình thái học của NiO-NP đã được xác định. Phổ UV-Vis cho thấy một đỉnh điển hình của NiO-NP ở bước sóng cực đại 324 nm. Phổ FT-IR xác nhận rằng dao động kéo dài của Ni-O xảy ra ở bước sóng 434 cm−1. Sự phân bố kích thước hạt của NiO-NP là 50,70 − 91,3 nm được xác định bởi máy phân tích kích thước tiểu phân. Phổ XRD cho thấy độ kết tinh của NiO-NP với cấu trúc lập phương. Ảnh TEM cho thấy kích thước hạt của NiO-NP là 8-15 nm. Phần trăm hoạt tính xúc tác của NiO-NP là 83% trong quá trình khử xanh methylen so với hoạt tính khi không có chất xúc tác là 28% trong 18 phút.

Nguyễn Tiến Hoàng

 

  1.  

CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) VÀ CÁC CHẤT CHUYỂN HÓA THỨ CẤP CỦA CÂY TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ DO VI NẤM

 

Chahal Rubal và cs.

Molecules. 2021; 26(10): 2933

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L., họ Cúc- Asteraceae) là một loại cỏ dại có tinh dầu, xâm lấn khó kiểm soát hàng năm, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Ngũ sắc được sử dụng lâu đời theo tri thức bản địa, bao gồm băng gạc vết thương, nước súc miệng kháng khuẩn cũng như điều trị bệnh kiết lỵ, tiêu chảy, bệnh ngoài da, v.v. Trong bài  tổng quan này, ý tưởng cốt lõi là giới thiệu tiềm năng kháng nấm của cây Ngũ sắc và các chất chuyển hóa thứ cấp của nó chống lại các mầm bệnh nấm khác nhau. Ngoài ra, các nghiên cứu về độc tính (hồ sơ an toàn) được tiến hành để thảo luận về khả năng phát triển của loại thảo dược này trên lâm sàng. Tổng quan các bài báo viết từ năm 2000 đến năm 2020 đã được trích dẫn chi tiết để thể hiện những đánh giá gần đây về đặc tính kháng nấm của cây Ngũ sắc. Các nỗ lực nhằm cung cấp bằng chứng cho ứng dụng y học của cây Ngũ sắc bằng cách sử dụng các cơ sở dữ liệu và công cụ tìm kiếm khoa học được công nhận trên toàn cầu để có thể tiếp cận và thiết kế một cách hiệu quả các nghiên cứu hoàn thiện và phát triển thuốc chống nấm từ thảo dược này. Sau khi phân tích tài liệu, có thể báo cáo rằng cây Ngũ sắc đã ức chế hiệu quả sự phát triển của nhiều loài vi nấm gây bệnh, như Aspergillus, Alternaria, Candida, Fusarium, PhytophthoraPythium, nhờ sự hiện diện của nhiều chất chuyển hóa thứ cấp, đặc biệt là các chromene, terpenoid, flavonoid và coumarin. Cơ chế tác động có thể có của các chất chuyển hóa thứ cấp khác nhau trong cây Ngũ sắc chống lại mầm bệnh nấm cũng được bàn luận ngắn gọn. Tuy nhiên, chỉ có vài nghiên cứu được thực hiện để đưa ra liều lượng và hồ sơ về tính an toàn của cây này ở người. Kết hợp các thu thập này, cao chiết Ngũ sắc và các hợp chất thành phần có thể được coi như một nguồn tài nguyên sinh học đầy hứa hẹn để phát triển các công thức kháng nấm hiệu quả cho sử dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, để thiết lập tính an toàn và hiệu quả, cần có nghiên cứu khoa học bổ sung để phát hiện các độc tính khi sử dụng dài ngày của Ngũ sắc, xác định khả năng gây tương tác khi dùng đồng thời với các loại thảo mộc khác và để xác định liều lượng an toàn. Các thông tin chi tiết được trình bày ở đây không chỉ đề xuất thiết kế nghiên cứu tiếp mà còn gợi lên các chiến lược nghiên cứu trong tương lai cho các nhà nghiên cứu về vi sinh học, dược lý dân tộc và khám phá thuốc mới.

Lê Bích Nhài

 

  1.  

CÔNG THỨC CỦA MẶT NẠ CHỐNG MỤN TRỨNG CÁ TỪ CHIẾT XUẤT LÁ CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) CHỐNG LẠI VI KHUẨN PROPIONIBACTERIUM ACNES

 

Ginting Pricella và cs.

Journal of Drug Delivery and Therapeutics. 2021; 11(6-S):123-127

 

Mụn trứng cá có thể xảy ra do tăng tiết bã nhờn, viêm da do vi khuẩn Propionibacterium acnes, Staphylococcus cholermidis, Staphylococcus aureus gây ra. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định công thức của các chế phẩm mặt nạ giấy có dịch chiết từ lá cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes. Đây là một nghiên thực nghiệm bao gồm định danh thực vật, tạo cao chiết ethanol từ lá cây Ngũ sắc, xây dựng công thức mặt nạ, đánh giá các đặc tính của chế phẩm và thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn bằng phương pháp khoanh giấy sử dụng môi trường thạch Mueller Hinton. Việc chiết xuất được thực hiện bằng cách ngâm dược liệu với dung môi ethanol 70%. Kiểm tra hiệu quả kháng khuẩn bằng cách đo đường kính của vùng ức chế vi khuẩn, sau đó dữ liệu được phân tích bằng phân tích thống kê ANOVA 1 chiều. Kết quả đánh giá chế phẩm cho thấy chế phẩm đồng nhất, có độ pH dao động từ 4,5 đến 6,5 và không gây kích ứng trên da tình nguyện viên. Kết quả đo vùng ức chế vi khuẩn cho thấy đường kính vùng ức chế ở nồng độ 2,5% là 4,7 mm, 5% (6,83 mm), 7,5% (10,2 mm) so với đối chứng dương (20,57 mm). Điều này có nghĩa là nồng độ càng cao thì đường kính của vùng ức chế thu được càng lớn. Nghiên cứu này cho thấy là dịch chiết lá Ngũ sắc có thể được bào chế thành mặt nạ chống mụn, ổn định trong quá trình bảo quản với khả năng ức chế mạnh ở nồng độ 7,5%.

Lê Bích Nhài, Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH BẢO VỆ DẠ DÀY CỦA DỊCH CHIẾT  NƯỚC NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.): VAI TRÒ CỦA TẾ BÀO NIÊM MẠC, PROTEIN ỨC CHẾ QUÁ TRÌNH CHẾT THEO CHU TRÌNH TRÌNH (BCL-2) VÀ PROTEIN ỨC CHẾ KHỐI U (P53)

 

Dayo Omotoso và vs.

Journal of Herbmed Pharmacology. 2022; 11(2): 245-252

 

Giới thiệu: Nói chung, điều chỉnh tăng các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc điều chỉnh giảm các yếu tố gây tổn thương góp phần duy trì tính toàn vẹn của niêm mạc dạ dày. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá vai trò của các tế bào nhầy, protein Bcl-2 và p53 trong tác động bảo vệ dạ dày của cao chiết nước từ cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides).

Phương pháp: Thành phần hóa học của cao chiết từ cây Ngũ sắc được phân tích bằng sắc ký khí khối phổ. Động vật nghiên cứu được chia thành năm nhóm, bao gồm nhóm đối chứng bình thường không điều trị A, nhóm đối chứng bệnh không điều trị B và nhóm được điều trị bằng cao chiết nước C-E (điều trị trước lần lượt với liều 100, 300 và 500 mg/kg cao chiết từ cây Ngũ sắc trong 28 ngày). Sau thời gian điều trị, thủ thuật thắt môn vị được sử dụng để gây tổn thương niêm mạc. Các mô dạ dày đã được lấy mẫu, kiểm tra đại thể và xử lý cho các nghiên cứu mô học, mô hóa học và hóa mô miễn dịch. Các tiêu bản nhuộm màu đã được kiểm tra và định lượng bằng phần mềm image-J. Dữ liệu được phân tích bằng IBM-SPSS (phiên bản 23) và các phép so sánh bằng kiểm định t-test và phân tích phương sai.

Kết quả: Tổn thương niêm mạc nhẹ được quan sát thấy ở các nhóm được điều trị, nhưng tổn thương loét mạnh lại đặc trưng ở động vật nhóm đối chứng bệnh. Kết quả ghi nhận có sự gia tăng không đáng kể các tế bào niêm mạc, sự gia tăng đáng kể (P <0,05) biểu hiện của protein Bcl-2 mà không có sự gia tăng đáng kể biểu hiện p53 ở niêm mạc dạ dày của nhóm điều trị trước bằng cao chiết Ngũ sắc so với đối chứng bình thường. Niêm mạc dạ dày của nhóm đối chứng bệnh cho thấy số lượng tế bào niêm mạc và biểu hiện Bcl-2 giảm đáng kể (P < 0,05) cùng với sự gia tăng đáng kể biểu hiện p53.

Kết luận: Số lượng tế bào niêm mạc tăng và biểu hiện tương hỗ của các protein Bcl-2 và p53 ở niêm mạc dạ dày là các cơ chế tác động dưới tế bào nổi bật trong tác dụng bảo vệ dạ dày của cây Ngũ sắc.

Lê Bích Nhài

 

  1.  

NGHIÊN CỨU SO SÁNH HOẠT TÍNH KHÁNG VI KHUẨN TỤ CẦU VÀNG (STAPHYLOCOCCUS AUREUS) CỦA CAO CHIẾT CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) VÀ CAO CHIẾT TRẦU KHÔNG (PIPER BETLE L.) Ở DẠNG BÀO CHẾ GEL

 

Arif Budiman và cs.

Pharmacognosy Journal. 2020 May; 12(3): 473-477

 

Đặt vấn đề: Các vi sinh vật như vi khuẩn và virus thường lây nhiễm cho con người trong môi trường sống của chúng. Staphylococcus aureus (SA) là vi khuẩn Gram dương được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về hoạt tính kháng khuẩn và gây nhiễm trùng trên bề mặt cơ thể của động vật có vú. Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) (AC) và Trầu không (Piper betle L.) (PB) là các thảo dược tự nhiên có hoạt tính kháng SA.

Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm mục đích so sánh hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết AC với PB ở dạng bào chế gel với SA.

Phương pháp: Hoạt tính kháng khuẩn của cả hai cao chiết được xác định bằng phương pháp khuếch tán đĩa và nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) được đánh giá bằng phương pháp vi pha loãng. Các cao chiết này được bào chế thành dạng gel sử dụng natri carboxymethyl cellulose (CMC) ở các nồng độ khác nhau và sau đó được đánh giá về độ pH, độ nhớt và hoạt tính kháng khuẩn.

Kết quả: Kết quả cho thấy cả hai cao chiết AC và PB đều có hoạt tính kháng khuẩn chống lại SA với giá trị MIC lần lượt là 2% và 5%. Sau đó, gel chứa 4% natri CMC và cao chiết AC hoặc PB được xác định có tính ổn định vật lý tốt nhất. Dạng bào chế gel của cả hai cao chiết không cho thấy bất kỳ sự khác biệt nào về đặc tính cảm quan, pH và độ nhớt sau 28 ngày bảo quản. Các dạng bào chế gel của cao chiết AC và PB thể hiện hoạt tính kháng khuẩn với vùng ức chế lần lượt là 20,3 mm ± 1,3 mm và 15,21 ± 1,3 mm.

Kết luận: Hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết AC cao hơn so với cao chiết PB ở dạng bào chế gel.

Xa Thị Phương Thảo

 

35.               

BÀO CHẾ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỘ ỔN ĐỊNH CỦA CÔNG THỨC GEL CHỨA CAO CHIẾT NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES)

 

Sirikunya sayompark và cs.

Malaysian Applied Biology. 2019; 48(4): 115-120

 

Ngũ sắc (Ageratum conyzoides) là một loại cỏ dại phân bố ở nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ngũ sắc được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền ở các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới. Các bộ phận dung lá, thân, rễ và hoa của Ngũ sắc được sử dụng để đánh giá thành phần hóa học. cao chiết của các bộ phận dung này thể hiện các hoạt tính sinh học và dược lý như chống viêm, chống dị ứng, giảm đau, kháng nấm và kháng khuẩn. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá các thử nghiệm sàng lọc hóa thực vật của cao chiết ethanol của Ngũ sắc và cuối cùng, cao chiết Ngũ sắc đã được phát triển trong công thức Gel. Công thức dạng gel của cao chiết được nghiên cứu độ ổn định ở 45 °C và điều kiện làm nóng/làm mát, sau đó xác định cảm quan, độ nhớt và giá trị pH. Phân tích thành phần hóa học của cao chiết Ngũ sắc cho thấy sự hiện diện của các alkaloid, tannin, flavonoid và phenol. Công thức AC-6 cho thấy các đặc tính vật lý tốt: cảm quan, độ nhớt và giá trị pH khi so sánh với gel Diclofenac bán trên thị trường. Nghiên cứu tiếp theo nên được đánh giá về khả năng chống viêm và giảm đau bằng mô hình động vật, điều này có thể hữu ích trong việc phát triển các loại thuốc mới.

Xa Thị Phương Thảo

 

 

  1.  

TÁC DỤNG LÀM LÀNH VẾT THƯƠNG TRÊN MÔ HÌNH ĐỘNG VẬT CỦA GEL PHỐI HỢP CAO CHIẾT ETHANOL TỪ LÁ CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L., HOA TRẮNG VÀ HOA TÍM), CAO CHIẾT ETHANOL RAU MÁ (CENTELLA ASIATICA) VÀ ASTAXANTHIN

 

Yedy Purwandi Sukmawan và cs.

Turk J Pharm Sci, 2021 Oct 28;18(5):609-615. doi: 10.4274/tjps.galenos.2021.34676

 

Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm xác định hoạt tính chữa lành vết thương về sự kết hợp các cao chiết ethanol của lá Ngũ sắc (Ageratum conyzoides, màu trắng và tím), Rau má (Centella asiatica) và astaxanthin trong chế phẩm gel.

Vật liệu và phương pháp: Bào chế gel với 3 công thức tạo gel khác nhau: Carbopol 934 (1%), HPMC (9%) và Na-CMC (4%). Sau đó đánh giá các công thức này bao gồm cảm quan, độ pH, khả năng bôi trơn và độ nhớt. Để xác định hoạt tính làm lành vết thương, nghiên cứu chia 6 nhóm gồm chứng âm (Placebo), chứng dương (Bioplacenton), BP5 (Cao chiết ethanol lá Ngũ sắc-Loại hoa trắng: 5%, Cao chiết ethanol lá Rau má: 2,5%, Astaxanthin: 0,05%), BU5 (Cao chiết ethanol lá Ngũ sắc-Loại hoa màu tím: 5%, Chiết xuất ethanol lá Rau má: 2,5%, Astaxanthin: 0,05%), BU10 (Cao chiết ethanol lá Ngũ sắc-Loại hoa tím: 10%, Cao chiết ethanol lá Rau má: 5%, và Astaxanthin: 0,1%) và BP10 (Cao chiết ethanol lá Ngũ sắc- Loại hoa trắng: 10%, Cao chiết ethanol lá Rau má: 5%, và Astaxanthin: 0,1%). Tất cả các nhóm được điều trị bằng cách rạch tạo vết thương trên da chuột dài 1,5 cm. Quan sát chiều dài vết thương được tiến hành trong 14 ngày.

Kết quả: Dựa trên thử nghiệm đánh giá, công thức chất tạo gel carbopol 934 (1%) tốt hơn HPMC và Na-CMC. Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm hoạt tính lành vết thương của các nhóm BP5, BU 5, BU10, BP10 âm tính, dương tính lần lượt là 72,51%, 69,36%, 70,14%, 81,70%, 86,54% và 80,21%, tương ứng. BU5 và BU 10 có hoạt tính rõ rệt (p<0,05) so với nhóm chứng dương và chứng âm.

Kết luận: BU10 mang lại hoạt tính chữa lành vết thương tốt nhất và rất có tiềm năng phát triển thành sản phẩm thương mại.

Xa Thị Phương Thảo

 

 

  1.  

FLAVONOIDS TRONG LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) THỂ HIỆN TÁC DỤNG CHỐNG UNG THƯ IN VITRO IN VIVO MẠNH ĐỐI VỚI TẾ BÀO UNG THƯ BIỂU MÔ TUYẾN CỔ TỬ CUNG NGƯỜI HELA

 

Zeyan Lin và cộng sự

BioMed Research International. 2020; (3):1-10

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) thường được sử dụng trong y học cổ truyền và tác dụng chống ung thư của nó cũng đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, vai trò của các hợp chất flavonoid đối với các hoạt tính chống ung thư của Ngũ sắc vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tác dụng sinh học của các hợp chất flavonoid trong loài Ngũ sắc đối với ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung người Hela. Đầu tiên, chúng tôi đã phát hiện ra rằng flavonoid trong Ngũ sắc ức chế đáng kể sự tăng sinh, xâm lấn, di căn và tạo cụm của các tế bào Hela ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung người in vitro. Hơn nữa, chúng tôi phát hiện ra rằng các hợp chất flavonoid trong Ngũ sắc gây ra sự ngừng pha S và quá trình chết theo chương trình điển hình và làm giảm rõ rệt gốc oxy hoạt động (ROS) nội bào trong các tế bào HeLa in vitro. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện ra rằng các hợp chất flavonoid trong loài Ngũ sắc đã ức chế đáng kể sự phát triển khối u do cấy ghép tế bào HeLa in vivo và sự chuyển dạng biểu mô-trung mô (EMT). Tóm lại, kết quả của chúng tôi đã chứng minh rằng các hợp chất flavonoid trong Ngũ sắc có tác dụng chống ung thư trên tế bào HeLa, gợi ý flavonoid trong Ngũ sắc có thể là một liệu pháp điều trị mới cho ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung ở người.

Nguyễn Văn Hiệp

 

  1.  

TÁC DỤNG HIỆP ĐỒNG HOÁ TRỊ LIỆU CỦA CAO CHIẾT PHÂN ĐOẠN CHLOROFORM CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) VÀ 5-FLUOROURACIL TRÊN DÒNG TẾ BÀO HELA

 

Rifki Febriansah và cs.

Pharmacognosy Journal. 2019 Sep; 11(5): 913-918.

 

Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm xác định tác dụng hiệp đồng hóa trị liệu của cao chiết phân đoạn chloroform cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) (CFB) và Fluorouracil (5-FU) bằng đánh giá in vitro và in silico.

Phương pháp nghiên cứu: Cao chiết ethanol của cây Ngũ sắc được chiết phân đoạn bằng chloroform. Sắc ký lớp mỏng (TLC) được sử dụng để xác định các hợp chất có hoạt tính sinh học; nghiên cứu in vitro  bằng thử nghiệm MTT để xác định khả năng sống của các tế bào HeLa sau khi xử lý với CFB. Kỹ thuật docking phân tử  sử dụng Autodock Vina trong nghiên cứu in silico để trực quan hóa tương tác phân tử và ái lực giữa nobiletin và 5-FU với protein Bcl-XL.

Kết quả: Kết quả TLC đối với CFB cho thấy có vết ở vị trí Rf là 0,75 trùng với chất chuẩn quercetin, chứng tỏ CFB có chứa hợp chất flavonoid này. Kết quả docking cho thấy  có ái lực ΔG đối với nobiletin và 5-FU lần lượt là -8,0 và -4,7 kcal/mol. Kết quả này cho thấy ái lực của nobiletin với protein Bcl-XL cao hơn so với 5-FU. Thử nghiệm gây độc tế bào đơn lẻ của CFB và 5-FU cho thấy giá trị IC50 lần lượt là 30 μg/ml và 45 μg/ml. Thử nghiệm kết hợp giữa CFB và 5-FU cho thấy giá trị CI là 0,36; nghĩa là CFB và 5-FU có tác dụng hiệp đồng.

Kết luận: CFB có tác dụng ức chế khả năng sống sót của tế bào ung thư cổ tử cung HeLa và có tiềm năng phát triển thành tác nhân hiệp đồng hóa trị liệu với 5-FU.

Nguyễn Thị Lý

 

  1.  

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ ĐẶC TÍNH DƯỢC LÝ HỌC DÂN TỘC CỦA CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.)

 

Neelam Yadav và cs

Phytotheraapy research. 2019 SeP; 33(9): 2163-2178

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L., họ Cúc- Asteraceae) là một loại thảo dược chứa tinh dầu với tầm quan trọng trong trị liệu. Cây phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây Ngũ sắc có nhiều công dụng trong y học cổ truyền vì đã được sử dụng để chữa các bệnh khác nhau bao gồm bệnh phong, rối loạn da, bệnh ngủ, thấp khớp, nhức đầu, khó thở, đau răng, viêm phổi và nhiều bệnh khác. Một số thành hóa học của cây đã được biết rõ như alkaloid, flavonoid, terpen, chromen và sterol có ở hầu hết mọi bộ phận của cây này. Các thành phần này có các đặc tính dược lý đa dạng bao gồm kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa, chống ung thư, chống ký sinh trùng đơn bào, trị đái tháo đường, chống co thắt, cảm nhiễm sinh học, và nhiều hơn nữa. Cây Ngũ sắc đã tạo ra một nền tảng cho các nghiên cứu dược và độc tính nhằm phân lập ra một số hợp chất có hoạt tính triển vọng và xác thực tính an toàn của chúng trong sử dụng lâm sàng. Cây Ngũ sắc cung cấp thông tin chính cho các nghiên cứu nâng cao trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm và nông nghiệp. Bài tổng quan này trình bày các khía cạnh tế bào học, thực vật dân tộc học, hóa thực vật, dược lý và độc tính của cây Ngũ sắc.

Nguyễn Thị Tố Duyên

 

  1.  

CÁC PYRROLIZIDIN ALKALOID TRONG TRÀ DƯỢC LIỆU NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.)

 

Cristiane F. Bosi và cs.

Revista Brasileira de Farmacognosia Brazilian Journal of Pharmacognosy. 2013 Jun; 23(3): 425-432.

 

Hiện nay, quan điểm cho rằng các biện pháp chữa bệnh bằng thảo dược không có tác dụng phụ và/hoặc độc tính đã được thừa nhận là không đúng, một số loại cây được sử dụng theo truyền thống có thể gây độc. Việc sử dụng phổ biến cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) do hiệu quả tốt đã dẫn đến việc đưa nó vào danh mục dược liệu chữa bệnh do Cơ quan Giám sát Y tế Brazil ban hành. Cây Ngũ sắc thuộc bộ Eupatorieae, họ Asteraceae, và được mô tả là có chứa các alkaloid pyrrolizidine độc. Cao chiết nước của cây Ngũ sắc được thu thập ở Brazil (bao gồm mẫu thương mại, mẫu có hoa và không có hoa) được điều chế theo phương pháp đã mô tả và được phân tích bằng HPLC-HRMS. Các alkaloid pyrrolizidin như lycopsamin, dihydrolycopsamin, và acetyl-lycopsamine và các N-oxid của chúng được phát hiện trong các mẫu cao chiết, lycopsamin và N-oxid của nó được biết là chất gây độc gan và chất gây khối u. Cùng với các alkaloid pyrrolizidin được xác định bằng HPLC-HRMS, mười ba hợp chất phenolic đã được xác định, đáng chú ý là các flavonoid methoxyl hóa và chromene. Các nghiên cứu độc tính trên cây Ngũ sắc là cần thiết, cũng như theo dõi việc sử dụng lâm sàng của nó. Cho đến nay, không có hướng dẫn an toàn nào được xây dựng cho cây chứa alkaloid pyrrolizidin và việc sử dụng chúng ở Brazil.

Đào Văn Châu

 

  1.  

TÁC DỤNG CỦA CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) ĐỐI VỚI UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO GAN Ở CHUỘT DO DMBA GÂY RA DỰA TRÊN NGHIÊN CỨU IN VIVO, IN  SILICO

 

Heni Ratnasari và cs.

Proceedings of the Third International Conference on Sustainable Innovation 2019 – Health Science and Nursing. 2019

 

Ung thư gan là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Phương pháp điều trị đang áp dụng là hóa trị liệu có nhiều nhược điểm. Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) có chứa các hợp chất flavonoid đã được sử dụng làm tác nhân hóa dự phòng ung thư. Nghiên cứu này là nghiên cứu thực nghiệm sử dụng thử nghiệm docking phân tử của các hợp chất nobiletin với  VEGF, COX-2 và C-Myc so với 5-Fluorouracil. Thử nghiệm gây ung thư cho 20 con chuột được chia thành 5 nhóm cho ăn. Gây nhiễm  được tiến hành qua đường miệng bằng cách sử dụng CMC-Na 0,5% 1 ml/200 g, DMBA 20 mg/kg thể trọng và cao chiết Ngũ sắc (BHCF) với liều 750 mg/kg thể trọng và 1500 mg/kg thể trọng. DMBA được tiêm 2 lần một tuần trong 5 tuần. Quan sát mô học được thực hiện bằng Hóa mô miễn dịch và Haematoxylin-Eosin. TLC cho thấy BHCF chứa flavonoid là các chất chuyển hóa thứ cấp. Docking phân tử đã chứng minh rằng nobiletin ức chế sự biểu hiện của VEGF tốt hơn với giá trị ái lực là -7,6 kcal/mol. Cảm ứng bằng DMBA gây ra biểu hiện quá mức trung bình của VEGF đối với mô gan. Về mặt mô học, việc sử dụng BHCF với liều 1500 mg/kg thể trọng mang lại mức độ cải thiện mô học tốt hơn so với liều 750 mg/kg thể trọng. Sự hiện diện của flavonoid có thể được sử dụng làm tác nhân hóa học ngăn ngừa ung thư gan dựa trên đánh giá in silicoin vivo.

Hoàng Thị Sáu

  1.  

TÁC DỤNG CỦA CAO CHIẾT NƯỚC ​​LÁ CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES) ĐỐI VỚI NỒNG ĐỘ GLUCOSE, CREATININ VÀ CANXI TRONG MÁU Ở CHUỘT CỐNG TRẮNG

 

Kingsley N. Agbafor và cs.

Research Journal of Pharmaceutical, Biological and Chemical Sciences. 2015 Oct; 3(3): 408-415

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) được biết đến với tác dụng trong điều trị và kiểm soát một số rối loạn, chẳng hạn như; bệnh đái tháo đường, viêm, co thắt, đau đầu, ung thư. Nghiên cứu này đã đánh giá ảnh hưởng của cao chiết từ lá cây Ngũ sắc đối với nồng độ glucose, creatinin và ion canxi trong máu ở chuột cống trắng. Nghiên cứu được thực hiện với 25 con chuột đực trưởng thành,  chia thành 5 nhóm (1-5), mỗi nhóm 5 con. Liều lượng 150, 300, 450 và 600 mg/kg trọng lượng cơ thể của cao chiết nước  lá cây Ngũ sắc tươi được dùng bằng đường uống cho chuột ở nhóm 1, 2, 3 và 4 tương ứng, uống trong 7 ngày liên tục, trong khi nhóm 5 là nhóm đối chứng. Có sự giảm đáng kể trong các hoạt động thể chất, khối lượng cơ thể trung bình, và tỷ lệ thức ăn và nước tiêu thụ, trong các nhóm thử nghiệm khi so sánh với đối chứng. Nồng độ glucose và creatinin của các nhóm được sử dụng cao chiết nước của lá cây Ngũ sắc tươi giảm đáng kể (P<0,05), khi so sánh với đối chứng. Mặt khác, nồng độ ion canxi ở nhóm dùng cao chiết và nhóm đối chứng không thay đổi đáng kể (P> 0,05). Ảnh hưởng này là khác nhau giữa các liều. Những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy cao chiết nước từ ​​lá cây Ngũ sắc có tác dụng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và các rối loạn liên quan đến thận. 

Hoàng Thị Sáu

 

  1.  

NGHIÊN CỨU HÓA THỰC VẬT VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG KÉN TRÙNG CỦA CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES LINNAEUS)

 

Miraine Kapeua Ndacnouet  và vs.

Industrial Crops and Products.  2022 Oct; 153: 112589

Bệnh đen vỏ ca cao gây ra bởi tác nhân oomycet có độc lực mạnh nhất, Phytophthora megakarya là bệnh gây hại nặng nhất cho cây ca cao Theobroma ở Cameroon. Phương pháp kiểm soát sinh học sử dụng chiết xuất thực vật để kiểm soát bệnh hầu như không tồn tại cho đến nay. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hoạt tính kháng oomycet in vitro và in vivo của cao chiết ethanol của cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) chống lại Phytophthora megakarya, để xác định và mô tả một số hợp chất có hoạt tính sinh học. Khả năng ức chế sự phát triển sợi nấm của P. megakarya được đánh giá bằng phương pháp pha loãng thạch ở các nồng độ cao chiết (2, 5, 10, 15 mg/ml), nhóm chứng âm tính (không có cao chiết) và nhóm chứng dương Ridomil (dùng liều gây chết trên đồng ruộng). Tất cả các nồng độ đều cho thấy sự ức chế P. megakarya và ở nồng độ cao nhất 15 mg/ml có với khả năng ức chế tối đa là 38,96% so với đối chứng âm. Cao chiết ethanol của cây Ngũ sắc làm giảm đáng kể biểu hiện triệu chứng của bệnh đen vỏ cacao hiệu quả như ridomil (p<0,0001). Sàng lọc hóa học của cao chiết ethanol toàn phần của cây Ngũ sắc cho thấy sự hiện diện của các nhóm chất flavonoid, phenol, alkaloid, coumarin, saponin, tannin, sterol, glycosid và anthraquinon. Ngoài ra, 02 steroid 3-O-β-D-glucopyranosyl-β-sitosterol, hỗn hợp của β-sitosterol và stigmasterol, và hai alcol bậc một chuỗi dài tuyến tính là undecan-1-ol và decan-1-ol đã được phân lập từ cây Ngũ sắc. Việc làm sáng tỏ cấu trúc của chúng được thực hiện dựa trên các kỹ thuật quang phổ 1D- và 2D-NMR, cũng như so sánh với các báo cáo trước đây. Các chất chuyển hóa thứ cấp này có thể giải thích hoạt động chống kén trứng đối với P. megakarya, tác nhân gây bệnh độc hại nhất của bệnh đen vỏ cacao.

Nguyễn Trọng Chung

44.

LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) VÀ CÁC CHẤT CHUYỂN HÓA THỨ CẤP CỦA NÓ TRONG VIỆC QUẢN LÝ CÁC MẦM BỆNH NẤM KHÁC NHAU

Rubal Chahal và cs.

Molecules. 2021; 26(10): 2933

 

Ageratum conyzoides L. (Họ-Asteraceae) là một loại thảo mộc xâm lấn chứa tinh dầu hàng năm, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Nó có một lịch sử nổi tiếng về công dụng điều trị bản địa, bao gồm băng vết thương, thuốc chống vi sinh vật, nước súc miệng cũng như điều trị bệnh kiết lỵ, tiêu chảy, bệnh ngoài da, v.v. Trong bài tổng quan này, ý tưởng cốt lõi là trình bày tiềm năng kháng nấm của cây thuốc được chọn lọc và các chất chuyển hóa thứ cấp của nó chống lại các mầm bệnh nấm khác nhau. Ngoài ra, các nghiên cứu về độc tính (hồ sơ an toàn) được tiến hành trên loài thực vật tuyệt vời A. conyzoides L. được thảo luận về khả năng phát triển lâm sàng của loại thảo dược này. Các bài báo có sẵn từ năm 2000 đến 2020 đã được xem xét chi tiết để thể hiện những đánh giá gần đây về đặc tính kháng nấm củaA. conyzoit. Các nỗ lực nhằm mục đích cung cấp bằng chứng cho ứng dụng y học của A. conyzoides bằng cách sử dụng các cơ sở dữ liệu và công cụ tìm kiếm khoa học được công nhận trên toàn cầu để có thể áp dụng một phương pháp hiệu quả để lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu và phát triển thuốc chống nấm. Sau khi phân tích tài liệu, có thể báo cáo rằng cây thuốc được chọn đã ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của nhiều loài nấm, chẳng hạn như Aspergillus, Alternaria, Candida, Fusarium, Phytophthora và Pythium, do sự hiện diện của các chất chuyển hóa thứ cấp khác nhau, đặc biệt là chromenes, terpenoid, flavonoid và coumarin. Cơ chế hoạt động có thể có của các chất chuyển hóa thứ cấp khác nhau của thực vật chống lại mầm bệnh nấm cũng được thảo luận ngắn gọn. Tuy nhiên, người ta thấy rằng chỉ có một số nghiên cứu được thực hiện để chứng minh liều lượng và tính an toàn của cây này ở người. Được xem xét cùng nhau, chiết xuất A. conyzoides và các thành phần của nó có thể hoạt động như một nguồn sinh học đầy hứa hẹn để phát triển các công thức kháng nấm hiệu quả cho sử dụng lâm sàng. Tuy nhiên, để thiết lập tính an toàn và hiệu quả, cần có thêm nghiên cứu khoa học để khám phá các tác động độc tính mãn tính của ageratum., để xác định xác suất tương tác khi được sử dụng với các loại thảo mộc khác nhau và để xác định liều lượng an toàn. Các chi tiết được trình bày ở đây không chỉ thu hẹp khoảng cách này mà còn cung cấp các chiến lược nghiên cứu trong tương lai cho các nhà điều tra về vi sinh học, dân tộc học và khám phá thuốc.

Đào Văn Châu

  1.  

NGŨ SẮC ĐỐI VỚI QUẢN LÝ SÂU BỆNH  BỞI  CÁC NÔNG HỘ NHỎ 

Naomi B. Rioba và cs.

Industrial Crops and Products. 2017; 110: 22-29

 

Loài Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L., họ Asteraceae) là một loại cỏ thơm, hàng năm và cỏ dại phổ biến thường được gọi là cây cứt lơn hoặc cỏ dê và thường được tìm thấy trên các cánh đồng canh tác và các hệ sinh thái bị tác động khác. Loài này đã được nghiên cứu rộng rãi nhờ các đặc tính sinh học và tiềm năng ứng dụng của nó trong y học và nông nghiệp. Do tầm quan trọng và việc sử dụng nó trong điều trị bỏng và vết thương, viêm khớp, sốt rét, hen suyễn, bệnh phong và viêm da, các đặc tính chữa bệnh của nó đã được xem xét. Tuy nhiên, cây Ngũ sắc cũng có hoạt tính diệt côn trùng đối với một loạt loài gây hại chính cho cây trồng trên đồng ruộng và các sản phẩm được bảo quản bao gồm Callosobruchus chinensis L. (Coleoptera: Chrysomelidae), Chilo partellus Swinhoe (Lepidoptera: Crambidae), Sitophilus oryzae L. (Coleoptera: Curculionidae ), Panonychus citri McGregor (Tetranychidae: Panonychus), Sitophilus zeamais Motchulsky (Coleoptera: Curculionidae), Plutella xylostella L. (Lepidoptera: Plutellidae) và Brevicoryne brassicae L. (Hemiptera: Aphididae). Bằng chứng cho thấy rằng hiệu quả của nó có thể so sánh với thuốc trừ sâu tổng hợp và nó cũng khả thi về mặt kinh tế trong khi tác động của nó đối với côn trùng có ích bao gồm bọ rùa, ruồi và nhện giảm nhiều so với thuốc tổng hợp. Hoạt tính kháng vi khuẩn chống lại các tác nhân gây bệnh nông nghiệp quan trọng cũng được xem xét ở đây, bao gồm chống lại Fusarium oxysporum Schltdl., (Hypochreales: Nectriaceae), Phytophthora citrophthora (R.E. Sm. & E.H. Sm.) Leonian, (Phythiales: Phythiaceae), Pythium aphanidermatum (Edson) Fitzp., (Peronosporales: Pythium), Fusarium solani Mart (Sacc.) (Hypochreales: Nectriaceae) và Gibberella zeae (Schwein.) Petch (Fusarium graminearum (Schwabe) (Hypochreales: Nectriaceae). Vì các đánh giá trước đây tập trung vào đặc tính y học của Ngũ sắc và ít tập trung vào giá trị tiềm năng của nó trong nông nghiệp, nên đánh giá này tìm cách thu hẹp khoảng cách này bằng cách xem xét nghiên cứu về các đặc tính khác nhau của loài này có liên quan đến thực phẩm. Đánh giá trình bày thông tin cập nhật về việc sử dụng loài này như một nguồn tài nguyên nông nghiệp và nhấn mạnh tiềm năng của nó như một cây công nghiệp.

Phạm Thị Lý, Nguyễn Thị Tố Duyên

  1.  

ĐẶC TRƯNG BỘ GEN TY THỂ HOÀN CHỈNH CỦA LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES)

 

Luo và cs.

Mitochondrial DNA. 2019; 4(2): 3540–3541

 

Ngũ sắc (Ageratum conyzoides) là một loài cây dược liệu có nhiều hoạt tính sinh học, là một trong những cây có giá trị trong nông nghiệp. Trong nghiên cứu này, bộ gen ty thể của loài Ngũ sắc đã được giải trình tự bằng công nghệ Illumina, lắp ráp de novo và chú giải. Kết quả cho thấy bộ gen có kích thước 219.198 bp, gồm 52 gen: 30 gen mã hoá, 3 gen mã hoá rRNA và 19 gen mã hoá tRNA. Thành phần GC là 45,4%. Xây dựng cây phát sinh loài bằng phương pháp hợp lý tối đa (maximum-likelihood) cho thấy loài ngũ sắc có quan hệ gần với loài Diplostephium hartwegii thuộc phân học Cúc (Asteroideae)

Nguyễn Hoàng, Phạm Văn Năm

  1.  

HIỆU QUẢ DIỆT NẤM THỰC VẬT CỦA CHẤT CHIẾT XUẤT TỪ ​​LÁ CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES) ĐỐI VỚI BỆNH XOẮN LÁ HÀNH TÂY

Rianosa Rianosa và cs.

Journal of Suboptimal Lands. 2020; 9 (1)

 

Xoắn lá là một bệnh chính trên hành do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cepae. Sử dụng thuốc diệt nấm tổng hợp trong thời gian dài có tác động tiêu cực đến môi trường. Lá cây ngũ sắc có khả năng chống nấm, chống vi khuẩn cũng như chống ung thư. Nghiên cứu này nhằm xác định nồng độ tốt nhất của chiết xuất lá cây ngũ sắc để kiểm soát bệnh xoắn lá và so sánh hiệu quả của thuốc diệt nấm thực vật và thuốc diệt nấm tổng hợp. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6 - 9/2018 tại Phòng thí nghiệm bảo vệ thực vật và nhà kính, Đại học Bengkulu. Thí nghiệm bao gồm năm nồng độ chiết xuất lá cây ngũ sắc được dùng như thuốc diệt nấm thực vật (nồng độ 1%, 2%, 3%, 4% và 5%), và thuốc diệt nấm tổng hợp là mancozeb và metil tiofanat và xử lý đối chứng (trong đất vô trùng không xử lý thuốc diệt nấm). Thí nghiệm sử dụng phương pháp thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD) với 1 nhân tố. Chiết xuất lá thu được thông qua phương pháp ngâm sử dụng ethanol 96%. Việc áp dụng thuốc diệt nấm được thực hiện trên củ hành tây trước khi trồng. Kết quả cho thấy thuốc diệt nấm thực vật từ chiết xuất lá cây ngũ sắc có hiệu quả chống lại bệnh xoắn lá hành. Ở nồng độ 4% chiết xuất lá ngũ sắc, thời gian ủ bệnh dài hơn và mật độ bệnh thấp hơn so với các nồng độ khác, có hiệu quả tương đương so với sử dụng mancozeb để kiểm soát bệnh xoắn lá. Áp dụng cả thuốc diệt nấm tổng hợp và thực vật dẫn đến năng suất hành tây cao hơn.

Nguyễn Thị Tố Duyên 

  1.  

THỬ NGHIỆM HIỆU QUẢ CỦA DỊCH CHIẾT CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES) ĐỐI VỚI VIỆC DIỆT TRỪ THỂ TỰ DƯỠNG CỦA KÝ SINH TRÙNG GIARDIA DUODENALIS

 Pintong và cs.

BMC Complementary Medicine and Therapies. 2020; 20(63)

Đặt vấn đề

Giardia duodenalis là một loại ký sinh trùng gây tiêu chảy ở người, đặc biệt là ở các cộng đồng người từ các nước đang phát triển. Mặc dù đã có nhiều loại thuốc điều trị, nhiều báo cáo cho thấy một số thuốc điều trị phổ biến thường đi kèm nhiều tác dụng phụ và cũng đã bị ký sinh trùng Giardia kháng lại. Do đó, cần phải có các phương pháp điều trị mới đối với loại ký sinh trùng này. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của dịch chiết thô từ cây Ageratum conyzoides  tới việc diệt trừ thể tự dưỡng của ký sinh trùng G. duodenalis trong điều kiện in vitro.

Phương pháp

Ageratum conyzoides được chia thành 3 nhóm dựa vào màu sắc của hoa: trắng (W), tím (P), và trắng-tím (W-P). Cây được cắt riêng phần lá (L) và hoa (F). Những thay đổi trong hình thái các bào quan bên trong thể tự dưỡng của ký sinh trùng sau khi chịu tác động của dịch chiết được quan sát bằng kính hiển vi điện tử truyển qua (TEM). Tiếp theo đó, hiệu quả của tinh dầu từ dịch chiết thô tốt nhất (có 1/2 nồng độ ức chế cao nhất hay IC50 ≤ 100 μg/mL) đối với việc diệt trừ ký sinh trùng được thử nghiệm. Đánh giá hiệu quả của tinh dầu trong điều kiện in-vitro được thực hiện tương tự như với dịch chiết thô.

Kết quả

Dịch chiết thô từ LW–P và FP cho hiệu quả cao nhất (IC50 ≤ 100 μg/mL) trong việc diệt trừ ký sinh trùng với giá trị IC50 ± SD lần lượt là 45.67 ± 0.51 và 96.00 ± 0.46 μg/mL. Tinh dầu chiết xuất từ LW–P và FP cho giá trị  IC50 ± SD lần lượt là 35.00 ± 0.50 và 89.33 ± 0.41 μg/mL. Ảnh quan sát qua TEM cho thấy phần roi và đĩa bụng (ventral discs) của thể tự dưỡng của ký sinh trùng bị phá huỷ dưới tác dụng của dịch chiết thô.

Kết luận

Dịch chiết thô LW–P và FP của A. conyzoides cho thấy hiệu quả cao nhất đối với việc diệt trừ G. duodenalis. Các loại dịch chiết này gây biến đổi các cấu trúc dùng để bám vào bề mặt niêm mạc, cụ thể là phần roi và đĩa bụng của thể tự dưỡng của ký sinh trùng. Cần có nghiên cứu thêm về tính hiệu quả và an toàn của các dịch chiết được thử nghiệm trong nghiên cứu này đối với việc điều trị bệnh tiêu chảy gây bởi ký sinh trùng Giardia.

Nguyễn Thị Hoà, Lê Thị Thu Hồng, Đỗ Trần Thẩm Thuý

 

  1.  

ĐIỀU TRA THỰC VẬT DÂN TỘC HỌC VÀ MỘT SỐ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA LOÀI AGERATUM CONYZOIDES ĐƯỢC THU THẬP Ở PHÍA NAM THÀNH PHỐ BENIN

Kamirou Chabi-Sika và cs. 

International Journal of Biochemistry Research & Review. 2023; 32 (1): 9-25

 

Mục đích: Ageratum conyzoides L. là một loại cây thân thảo nhỏ hàng năm có mùi thơm nồng được sử dụng trong y học cổ truyền. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tiềm năng chống oxy hóa, độc tính và hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất từ các bộ phận trên mặt đất của A. conyzoides đối với các chủng vi khuẩn có liên quan đến nhiễm trùng âm đạo

Phương pháp nghiên cứu: Một cuộc khảo sát thực vật học dân tộc học đã được thực hiện trên A. conyzoides giữa các nhà thực vật học dân tộc học và các nhà trị liệu truyền thống tại 15 khu chợ ở các xã Abomey- Calavi, Cotonou, Zogbodomey, Bohicon và Abomey ở Nam-Benin. Sàng lọc hóa học thực vật là một phân tích định tính dựa trên các phản ứng nhuộm màu và kết tủa. Hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết nước và dịch chiết cồn từ A. conyzoides được đánh giá trên các chủng lâm sàng của Staphylococcus aureus, Candida albicansEscherichia coli bằng phương pháp vi pha loãng trong các giếng. Độc tính của dịch chiết xuất từ A. conyzoides được xác định bằng cách sử dụng ấu trùng Artemia salina, trong khi hoạt tính chống gốc tự do được đánh giá bằng phương pháp Năng lượng Chống Oxy hóa Giảm Sắt (FRAP).

Kết quả: Khảo sát cho thấy người dân Nam-Benin sử dụng A. conyzoides theo các phương thức bào chế khác nhau. Ngoài ra, còn tham gia trong điều trị một loạt các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản nữ. Quá trình sàng lọc hóa chất thực vật cho thấy sự hiện diện của flavonoid, tannin, anthocyanin, triterpenes và C-heterosides. Hiệu suất 6,18% đối với chiết xuất nước và 4,32% đối với chiết xuất cồn như đã ghi. Đường kính ức chế cao nhất (24,05 ± 0,5 mm) thu được bằng cách sử dụng chiết xuất nước chống lại chủng S. aureus lâm sàng. Ngược lại, đường kính ức chế thấp nhất (10±0 mm) thu được so với S. aureus ATCC29213 với cùng chiết xuất. Nồng độ ức chế tối thiểu thay đổi từ 2,5 đến 5 mg/ml. Cả hai chiết xuất đều cho thấy tác dụng diệt khuẩn và diệt nấm đối với các chủng khác nhau được nghiên cứu nhưng độ nhạy cảm của các chủng với dịch chiết nước tốt hơn so với dịch chiết cồn. Ngoài ra, chiết xuất nước cho thấy khả năng chống oxy hóa cao hơn so với chiết xuất cồn. Không có độc tính được ghi nhận cho cả hai chiết xuất.

Kết luận: Kết quả thu được cho thấy dịch chiết trong nước và cồn của phần trên mặt đất của A. conyzoides có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn đối với các chủng liên quan đến nhiễm trùng âm đạo và không gây độc.

Nguyễn Khương Duy

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG UNG THƯ BIỂU MÔ TUYẾN CỔ TỬ CUNG DO CÁC TẾ BÀO HELA GÂY RA Ở NGƯỜI TRONG ỐNG NGHIỆM VÀ TRONG CƠ THỂ CỦA CÁC FLAVONOID TRONG CÂY NGŨ SẮC 

Zeyan Linvà cs

BioMed Research International. 2020; Article ID 2696350, 10 pages

https://doi.org/10.1155/2020/2696350

Cây ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) thường được sử dụng như một loại thuốc cổ truyền và tác dụng chống ung thư của nó cũng đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, vai trò chức năng của flavonoid của cây ngũ sắc trong các hoạt động chống ung thư vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích điều tra tác dụng sinh học của flavonoid trong cây ngũ sắc đối với ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung ở người. Đầu tiên, chúng tôi đã phát hiện ra rằng flavonoid trong cây ngũ sắc đã ức chế đáng kể sự tăng sinh, xâm lấn, di cư và vô tính của tế bào HeLa ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung ở người trong ống nghiệm. Hơn nữa, chúng tôi thấy rằng flavonoid trong cây ngũ sắc gây ra sự bắt giữ và chết theo chương trình pha S đáng kể và rõ ràng làm giảm mức độ các loại oxy phản ứng nội bào (ROS) trong các tế bào HeLa. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện ra rằng flavonoid trong cây ngũ sắc đã ức chế đáng kể sự phát triển khối u xenograft HeLa và quá trình chuyển đổi biểu mô-trung mô (EMT) in vivo. Tóm lại, kết quả của chúng tôi đã chứng minh tác dụng chống ung thư rõ ràng của flavonoid trong cây ngũ sắc trên tế bào HeLa, cho thấy rằng flavonoid trong cây ngũ sắc có thể được áp dụng như một hợp chất điều trị mới cho ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung ở người.

Nguyễn Thị Tố Duyên

  1.  

ĐẶC ĐIỂM CỦA BỘ GEN TY THỂ HOÀN CHỈNH CỦA CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES)

Ze-Ping Luo  và cs.

Mitochondrial DNA B Resour. 2019; 4(2): 3540–3541.

Là một loại cây dược phẩm có nhiều hoạt tính sinh học, Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides) dường như là một nguồn tài nguyên nông nghiệp quý giá. Trong nghiên cứu này, bộ gen ty thể (mt) hoàn chỉnh của A. conyzoides đã được giải mã thông qua phương pháp giải trình tự Illumina và trình tự bộ gen ty thể hoàn chỉnh đã được xây dựng lại sau khi lắp ráp và chú thích de novo. Kết quả cho thấy bộ gen ty thể với kích thước 219.198 bp có tổng cộng 52 gen, bao gồm 30 gen mã hóa protein, 3 gen rRNA và 19 gen tRNA. Hàm lượng GC tổng thể của hệ gen ty thể này là 45,4%. Phân tích phát sinh loài sử dụng phương pháp xác suất tối đa (ML) cho thấy A. conyzoides có mối quan hệ gần gũi nhất với Diplostephium hartwegii trong họ Asteroideae.

Nguyễn Trọng Chung, Pham Văn Năm

  1.  

TÁC DỤNG DIỆT CÔN TRÙNG VÀ MÔ BỆNH HỌC CỦA DỊCH CHIẾT LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES) CHỐNG LẠI VÉC TƠ SỐT XUẤT HUYẾT, AEDES AEGYPTI

Ai-rada Pintong và cs.

Insects. 2020;11(4):224 https://doi.org/10.3390/insects11040224

Chiết xuất thô và tinh dầu của A. conyzoides đã được thử nghiệm với ấu trùng và giai đoạn trưởng thành của Ae. aegypti để xác định đặc tính diệt côn trùng của chúng. Các chiết xuất thô và tinh dầu từ ba giống A. conyzoides (hoa trắng, hoa tím hoặc hoa trắng tím) và từ 2 vị trí trên mỗi cây (lá và hoa), tổng thể cho ra 6 loại: lá trắng (LW); lá tía (LP); lá trắng tím (LW-P); hoa trắng (FW); hoa tím (FP); và hoa trắng tím (FW-P). Thành phần hóa học và các thành phần của tinh dầu được xác định bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Các nghiên cứu mô bệnh học và kính hiển vi điện tử đã được thực hiện để xác định tác động độc tố đối với muỗi về sự thay đổi hình thái. Sáu loại chiết xuất thô không thể hiện hoạt động chống lại các cá thể trong giai đoạn ấu trùng. Tuy nhiên, sáu loại tinh dầu có hiệu quả chống lại Ae. aegypti trưởng thành cái. Tỷ lệ tử vong của muỗi Ae. aegypti trưởng thành cái cao hơn từ chất chiết xuất từ ​​lá, đặc biệt là LP (liều gây chết trung bình, LD 50 = 0,84%). Số lượng các thành phần hóa học được xác định bởi GC-MS cao trong hoa, đặc biệt là WP. Precocen I là thành phần hóa học phong phú nhất trong 5 loại tinh dầu, trừ LP, trong đó precocen II là phong phú nhất. Thay đổi mô bệnh học ở Ae. aegypticon trưởng thành cái bao gồm thoái hóa mắt kép, tổn thương cơ với thâm nhiễm tế bào, thoái hóa và hoại tử biểu mô ruột, nhân pyknotic trong biểu mô ác tính và thoái hóa tế bào buồng trứng. Các loại thực vật FW và FP thể hiện mức độ nghiêm trọng cao nhất của sự thay đổi mô bệnh học ở muỗi so với các loại thực vật khác, có thể là do sự hiện diện của các hợp chất monoterpen trong mô của chúng. Nghiên cứu hiện tại đã chứng minh chiết xuất thực vật LP từ A. conyzoides có thể là thuốc trừ sâu hiệu quả đối với Aeaegypti trưởng thành. Vì các sản phẩm tự nhiên có khả năng phân hủy sinh học và có độc tính thấp đối với động vật có vú và các sinh vật không phải mục tiêu nên chúng là những ứng cử viên thích hợp để sử dụng trong các chương trình kiểm soát véc tơ.

Nguyễn Trọng Chung

  1.  

THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SINH HỌC CỦA LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES) THÀNH HỖN HỢP GIÀU DINH DƯỠNG VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỘC TÍNH CỦA NÓ: ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG VÀ DINH DƯỠNG THÔNG QUA PHÂN TÍCH CÔNG CỤ

 

Krishna Chaitanya Maturi và cs.

Biomass Conversion and Biorefinery. 2022

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides) là một loại cây xâm lấn có phân bố khắp thế giới và ảnh hưởng xấu đến các loại cây trồng khác bằng cách thay thế chúng. Nghiên cứu này nhằm mục đích tạo ra một sản phẩm giá trị gia tăng và không độc hại bằng cách xử lý sinh học cây ngũ sắc băm nhỏ trộn với chất cấy và chất độn bằng cách sử dụng máy ủ phân thùng quay (RDC). Máy ủ phân hữu cơ có khả năng làm tăng các thông số dinh dưỡng như nitơ (50,1%), phốt pho tổng số (18,4%) và kali (26,1%) trong khi giảm lignin (42,4%), hemiaellulose (39,1%) và cellulose (47,1%) trong ngày cuối cùng (ngày thứ 20) so với ngày ban đầu. Phân tích quang phổ cho thấy sự gia tăng đáng kể về chất dinh dưỡng, giảm hàm lượng cellulose và các nhóm chức năng khác nhau ở sản phẩm phân hữu cơ cuối cùng. Các nghiên cứu nhiệt và vi mô hé lộ mức độ phân hủy. Nghiên cứu về độc tính thực vật cho thấy sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ phần trăm chỉ số nảy mầm (40,7%), chiều dài rễ (72,6%), chiều dài chồi (53,7%) và sinh khối (47,5%) ở loài Vigna radiata và chiều dài rễ (67,2%) và sinh khối (46,2%) ở loài Allium cepa khi bổ sung chiết xuất phân hữu cơ thành phẩmso với chiết xuất cây ngũ sắc ở cùng nồng độ, trong khi xét nghiệm độc tính di truyền tế bào cho thấy sự gia tăng đáng kể về chỉ số phân bào và giảm tỷ lệ phần trăm tế bào bất thường ở đầu rễ A. cepa bổ sung chiết xuất phân hữu cơ thành phẩmso với chiết xuất cây ngũ sắc. Nghiên cứu hệ số tương quan Pearson cho thấy các hệ số tương quan chặt chẽ giữa quá trình phân hủy sinh học và các yếu tố dinh dưỡng. Do đó, phân hữu cơ từ cây Ngũ sắc an toàn cho môi trường và có thể được sử dụng làm chất điều hòa đất trong canh tác cây trồng.

Nguyễn Văn Kiên, Trần Trung Nghĩa

  1.  

NGHIÊN CỨU HÌNH THÁI GIẢI PHẪU CỦA CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES)

Rafaela F. Santos và cs.

Revista Brasileira de Farmacognosia. 2016; 26: 679-687

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.), thuộc họ Cúc (Asteraceae), là một loại cây nhiệt đới được tìm thấy ở một số vùng của Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ. Loài này thường được gọi là Cỏ dê, “mentrasto” và “catinga-de-bode” có nhiều chất chuyển hóa thứ cấp và tác dụng sinh học đã được đề cập trong các tài liệu. Mục tiêu của nghiên cứu này là góp phần tiêu chuẩn hóa đặc điểm thực vật dược của cây ngũ sắc. Các lát cắt ngang được thực hiện bằng tay để mô tả đặc điểm vi học của rễ, thân, cuống lá và phiến lá; đối với phiến lá còn thực hiện các lát cắt song song với biểu bì và lát cắt dọc, phân tích bằng kính hiển vi điện tử quét và ngâm mềm. Phân tích cho thấy các ống tiết chỉ có ở cuống lá và phiến lá. Rễ có vùng nhu mô tủy; thân, cuống lá và phiến lá có biểu bì nổi vân. Lông có mặt ở thân, cuống lá và phiến lá, trong lông tuyến dạng đầu chỉ có ở phiến lá và giới hạn ở mặt dưới. Những đặc điểm giải phẫu này rất hữu ích để chẩn đoán loài và cung cấp dữ liệu cho công tác quản lý chất lượng loài này.

Nguyễn Văn Kiên, Phạm Thị Lý

  1.  

NGHIÊN CỨU HÌNH THÁI VÀ GIẢI PHẪU THÂN LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES)

Saurabh Satija và cs.

International Journal of Green Pharmacy. 2018; 12(2): 127-130

 

:

Ngũ sắc - Ageratum conyzoides L. (Asteraceae) là một cây thuốc quan trọng được sử dụng trong y học cổ truyền châu Phi để chữa bệnh rối loạn tâm thần và nhiễm trùng.

Mục tiêu: Mục tiêu của nghiên cứu này là góp phần tiêu chuẩn hóa dược động học của A. conyzoides.

Vật liệu và phương pháp: Lát cắt ngang qua thân cây được cắt bằng tay để mô tả đặc điểm hiển vi của thân. Đặc điểm bột được nghiên cứu bằng kính hiển vi và kính hiển vi điện tử quét. Các đặc điểm nhìn thấy được bằng mắt và tiêu chuẩn hóa lý của dược liệu cũng được nghiên cứu theo các phương pháp tiêu chuẩn được đề cập trong WHO.

Kết quả và thảo luận: Hình thái của A. conyzoides cho thấy mặt ngoài thân màu xanh nhạt, mặt trong màu trắng kem, vị đắng nhẹ, mùi thơm. Tinh thể canxi oxalat hình kim, mô cứng, sợi dài mỏng và tế bào bần hình lục giác đã quan sát được dưới kính hiển vi. Kính hiển vi điện tử quét cho thấy sự sắp xếp của mô mạch trong mặt cắt ngang của thân cây.

Kết luận: Những đặc điểm vi phẫu này rất hữu ích cho việc chẩn đoán loài và cung cấp hỗ trợ cho việc quản lý chất lượng loài này.

Nguyễn Khương Duy

56.

CÁC ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, GIẢI PHẪU VÀ MỘT SỐ ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) MỘT THÀNH VIÊN CỦA HỌ ASTERACEAE

Chika Wahua và cs.

Scholars Academic Journal of Biosciences. 2021; 9: 63-67

DOI: 10.36347/sajb.2021.v09i03.002

Ngũ sắc - Ageratum conyzoides là một loại cỏ phổ biến ở các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới của đồng bằng sông Niger, được sử dụng trong y học cổ truyền. Nghiên cứu này đã khảo sát các đặc điểm phân loại của loài. Thân cây mọc thẳng, đôi khi bò, phân nhánh và có lông. Lá đơn mọc đối, hình trứng, có cuống hình trứng, mép có răng cưa, dài tới 10 ± 2 cm và rộng 7 ± 2 cm, cao đến 80 ± 15 cm. Cụm hoa ở ngọn hoặc tận cùng các nách lá với các hoa nhỏ dạng ống màu trắng đến hơi xanh nhạt. Nghiên cứu biểu bì cho thấy khí khổng có dạng bất thường xuất hiện ở cả hai mặt của lá. Nghiên cứu giải phẫu cho thấy biểu bì gồm một lớp tế bào. Lớp hạ bì được tạo thành từ 2 đến 3 lớp tế bào mô dày, vỏ chung và tủy chủ yếu là nhu mô cùng loại với gân giữa, cuống lá, thân, đốt và rễ ngoại trừ sự sai khác nhỏ về số lớp tế bào và hệ thống mach thuộc loại mở. Có sự hiện diện của các tinh thể và tanin. Khảo sát các đặc tính của ngũ sắc cho thấy độ ẩm chiếm 81,45 ± 0,12%, tro 0,65 ± 0,2%, chất béo 3,70 ± 0,11%, protein 4,42 ± 0,04%, carbohydrate 3,10 ± 0,09% và chất xơ 6,68 ± 0,01%. Các thông tin trên sẽ hỗ trợ cho việc phân định loài. 

Đào Văn Châu

  1.  

HỒ SƠ DƯỢC HỌC CỦA CÂY NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES) VÀ CHI SIMPLICIA

Warsinah và cs.

Pharmacognosy Journal. 2020; 12(5): 1072-1076

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) còn được gọi là Cỏ dê, thuộc họ Asteraceae. Theo kinh nghiệm dân gian loài cây này được sử dụng như một loại thuốc trị tiêu chảy, trầy xước, chống viêm, rắn cắn, thuốc trừ sâu và thuốc diệt giun. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định đặc điểm thực vật dựa trên đặc điểm hình thái ngoài, vi học và cảm quan của cây Ngũ sắc để xác định tiêu chuẩn hóa loại thảo dược này. Kết quả cho thấy lá cây hình trứng, màu xanh nhạt, có lông mềm và hoa màu tím, hơi xanh hoặc trắng. Quan sát bằng kính hiển vi mặt cắt ngang của thân và lá cho thấy có sự hiện diện của các tế bào nhu mô, mô dày và lông đa bào, tế bào biểu bì trên và biểu bì dưới, khí khổng ở biểu bì trên và biểu bì dưới của lá. Hàm lượng nước cao nhất trong rễ. Hàm lượng tro cao nhất trong thân. Hàm lượng tro tan trong acid cao nhất trong rễ. Hàm lượng chất chiết được trong nước cao nhất là trong lá.  Hàm lượng chất chiết được trong ethanol cao nhất là trong hoa. Kết quả của nghiên cứu này có thể được sử dụng để kiểm định các bộ phận của cây và là cơ sở để phân tích các tiêu chuẩn quy định trong dược điển cho loài Ngũ sắc.

Hoàng Thị Sáu

  1.  

PHẢN ỨNG NẢY MẦM CỦA HẠT VỚI NHIỆT ĐỘ CAO VÀ TRESS NƯỚC  TRONG BA LOÀI CỎ DẠI XÂM LẤN HỌ CÚC (ASTERACEAE) Ở XISHUANGBANNA, TÂY NAM TRUNG QUỐC

Xia Yuanand và cs.

PLoS One. 2018; 13(1). https://doi.org/10.1371/journal.pone.0191710

 

Rau tàu bay (Crassocephalum crepidioides), Cúc hôi (Conyza canadensis) và  Ngũ sắc (Ageratum conyzoides) là những loài cỏ nhất niên ngoại lai và đã hoang dại ở Trung Quốc, chúng tạo ra một số lượng lớn hạt giống mỗi năm. Chúng phát triển rộng rãi ở Xishuangbanna, trở thành loại cỏ dại cạnh tranh nước và chất dinh dưỡng với các loại cây trồng. Vì sự nảy mầm của hạt là một trong những giai đoạn sống quan trọng nhất góp phần vào sự phân bố và xâm lấn của thực vật, nên sự thích nghi của nó với nhiệt độ và khô hạn đã được nghiên cứu ở ba loài này. Kết quả cho thấy: (1) Ba loài này có khoảng nhiệt độ nảy mầm rộng, ví dụ: tỷ lệ nảy mầm và hình thành cây con cao trong khoảng từ 15°C đến 30°C, nhưng sự nảy mầm bị ức chế nghiêm trọng ở 35°C; chỉ cây ngũ sắc (A. conyzoides) thích ứng tương đối với nhiệt độ ấm hơn với tỷ lệ nảy mầm và hình thành cây con xấp xỉ 25% ở 35°C; (2) ánh sáng là điều kiện tiên quyết cho sự nảy mầm của rau tàu bay (C. crepidioides) và cây ngũ sắc (A. conyzoides), trong khi hầu hết hạt cúc hôi (C. canadensis) nảy mầm trong bóng tối hoàn toàn; (3) Mặc dù cả ba loài đều có khả năng thích nghi tốt với môi trường đất trống được đặc trưng bởi nhiệt độ cao và khô hạn, bao gồm khả năng chịu nhiệt độ bề mặt đất là 70°C  đối với hạt khô trong không khí, hạt A. conyzoides thể hiện khả năng chống chịu cao hơn đối với cả điều kiện xử lý định kỳ liên tục và định kỳ hàng ngày ở nhiệt độ ở 40°C và hạn chế nước (khoảng 65% hạt nảy mầm ở -0,8 MPa do NaCl tạo ra), điều này phù hợp với tập tính ngoài tự nhiên của chúng ở Xishuangbanna. Nghiên cứu này gợi ý rằng khả năng chịu nhiệt độ cao của hạt góp phần tạo nên các đặc tính của ba loài cỏ dại này và sự thích nghi với môi trường sống vi mô tại địa phương là yếu tố quyết định quan trọng đối với khả năng xâm lấn của thực vật ngoại lai.

Phạm Văn Năm

  1.  

BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES, HỌ CÚC ASTERACEAE)

  Zi-Peng Qiao và cs.

Mitochondrial DNA Part B. 2019; 4(2): 3342-3343

 

Cây Ngũ sắc (Ageratum conyzoides L.) là một loài cây thuốc quan trọng ở Trung Quốc. Trong nghiên cứu này, bộ gen lục lạp hoàn chỉnh của loài này đã được báo cáo. Bộ gen có chiều dài 151.309 bp bao gồm một vùng sao chép đơn lớn (83.884bp), một vùng sao chép đơn nhỏ (17.771bp) và hai vùng lặp đảo chiều (24.827bp). Ghi nhận được 126 gen, trong đó bao gồm 81 gen mã hoá, 30 gen phiên mã tRNA, 8 gen phiên mã rRNA và 7 gen giả. Phân tích phát sinh loài cho thấy loài Ngũ sắc không những có quan hệ gần gũi với hai loài Xa cúc (Centaurea diffusa) và Hồng hoa (Carthamus tinctorius) mà còn cung cấp bằng chứng để phân biệt A. conyzoides với loài Praxelis clematidea.

 

Nguyễn Hoàng, Phạm Văn Năm

  1.  

BIẾN CHẤT THẢI THÀNH TÀI NGUYÊN CÓ LỢI: Ý NGHĨA CỦA LOÀI NGŨ SẮC (AGERATUM CONYZOIDES L.) TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, MÔI TRƯỜNG VÀ SINH DƯỢC BỀN VỮNG

Suman Paul và cs.

Molecular Biotechnology. 2022; 64: 221–244

 

Cây ngũ sắc - Ageratum conyzoides L. họ cúc (Asteraceae) là cây thân thảo hàng năm, phân bố khắp thế giới. Mặc dù xâm lấn, nhưng loài có thể là nguồn cung cấp hữu ích tinh dầu, dược phẩm, thuốc trừ sâu sinh học và năng lượng sinh học. Tuy nhiên, có rất ít thông tin ở mức độ phân tử về các tác dụng khác nhau của loài do các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào thành phần hóa học và tác dụng dược lý.  Ở đây chúng tôi đã khám phá các đặc tính khác nhau của cây ngũ sắc có thể mang lại lợi ích về môi trường, sinh thái, nông nghiệp và sức khỏe. Vì loại cây có mùi thơm này chứa nhiều chất chuyển hóa thứ cấp quan trọng có thể có nhiều tác dụng khác nhau, nên các nghiên cứu về công nghệ sinh học như hệ gen, trao đổi chất học và nuôi cấy mô có thể là những công cụ không thể thiếu để sản xuất trên quy mô lớn. Hơn nữa, cây ngũ sắc có tác dụng như một ổ chứa vi rút gây bệnh xoăn lá tự nhiên ảnh hưởng đến nhiều loài thực vật. Do các cơ chế lây lan và nhiễm bệnh trêncây trồng chưa hoàn toàn rõ ràng, nên việc giải trình tự toàn bộ bộ gen và các công nghệ phân tử tiên tiến khác nhau bao gồm RNAi, CRISPER/Cas9, phương pháp tiếp cận đa omics, v.v., có thể giúp giải mã cơ chế phân tử của sự phát triển bệnh đó và do đó, có thể hữu ích trong bảo vệ mùa màng. Nhìn chung, kiến ​​thức được cải thiện về cây ngũ sắc không chỉ cần thiết để phát triển chiến lược kiểm soát cỏ dại bền vững mà còn có thể đưa ra những cách thức tiềm năng cho các ứng dụng y sinh học, môi trường, nông nghiệp sạch và an toàn.

Nguyễn Văn Kiên, Trần Trung Nghĩa, Nguyễn Thị Tố Duyên

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu dịch)