Bản tin dịch
1.
ASTRAGALOSID IV MANG LẠI LỢI ÍCH VỀ NHẬN THỨC VÀ THÚC ĐẨY TÁI TẠO TẾ BÀO THẦN KINH HỒI HẢI MÃ Ở CHUỘT ĐỘT QUỴ BẰNG CÁCH ĐIỀU HÒA GIẢM BIỂU HIỆN INTERLEUKIN-17 THÔNG QUA CON ĐƯỜNG WNT
Cơ sở: Đột quỵ vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở người trưởng thành và nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ phục hồi chức năng ở người bị đột quỵ. Astragalosid IV (As IV) là một hợp chất có hoạt tính sinh học chính của rễ cây hoàng kỳ: Astragalus mongholicus Bunge (Fabaceae) có thể là một liệu pháp điều trị đột quỵ đầy hứa hẹn.
Phương pháp: Để khảo sát tác động của As IV trên chuột trưởng thành sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ, một mô hình thiếu máu cục bộ quang hóa đã được thiết lập trên chuột C57BL/6, và chuột được tiêm tĩnh mạch As IV trong ba ngày liên tiếp sau đó. Tiếp đó những kết quả về cải thiện nhận thức và sự tái tạo tế bào thần kinh vùng hồi hải mã được đánh giá bằng thử nghiệm mê cung nước Morris (MWM), nhuộm Golgi và nhuộm hóa mô miễn dịch in vivo và in vitro. Hơn thế nữa, để tìm ra cơ chế cơ bản, chuột knockout (bị loại bỏ) interleukin-17 (IL-17) đã được sử dụng, thông qua phân tích trình tự RNA (RNA-seq) và hóa mô miễn dịch. Sau đó, cơ chế As IV làm tăng tái tạo tế bào thần kinh được quan sát bằng phương pháp western blot trên cả in vivo và in vitro. Cụ thể, As IV, IL-17A và IL-17F tái tổ hợp của chuột và virus biểu hiện protein Wingless/integrated (Wnt) được áp dụng tương ứng trên các tế bào gốc thần kinh (NSC), sau đó đường kính của NSC và sự biểu hiện protein Nestin, IL-17 và protein liên quan đến con đường Wnt đã được xác định in vitro.
Kết quả: Việc sử dụng As IV mang lại sự cải thiện đáng kể các suy giảm nhận thức gây bởi đột quỵ. Nhiều tế bào thần kinh vùng hồi hải mã với hình thái bình thường và sự gia tăng đáng kể chiều dài của các đuôi gai cũng như mật độ gai của tế bào thần kinh đã được quan sát thấy ở những con chuột được điều trị bằng As IV. Thêm vào đó, kết quả nhuộm hóa mô miễn dịch của DCX/BrdU và Sox2/Nestin cho thấy As IV có thể thúc đẩy sự tái tạo tế bào thần kinh vùng hồi hải mã và tăng sinh NSC sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng như trong khảo sát in vitro. Đối với cơ chế cơ bản, sự biểu hiện IL-17 đã được điều chỉnh giảm đáng kể khi điều trị bằng As IV và knockout IL-17 có liên quan đến sự tái tạo tế bào thần kinh và sửa chữa synap dựa vào phân tích trình tự RNA. Tương tự với điều trị bằng As IV, việc knockout IL-17 đã thúc đẩy sự tái tạo tế bào thần kinh vùng hồi hải mã và sự tăng sinh các NSC bằng việc kích hoạt con đường Wnt sau đột quỵ. Cuối cùng trong khảo sát in vitro, đường kính của các NSC và sự biểu hiện protein Nestin, IL-17 và con đường Wnt đã được điều chỉnh bởi As IV hoặc do ức chế IL-17.
Kết luận: As IV kích thích sự tái tạo tế bào thần kinh vùng hồi hải mã sau đột quỵ, do đó tạo thuận lợi cho não tái cấu trúc và sửa chữa bằng cách điều hòa giảm biểu hiện IL-17 thông qua con đường Wnt.
Lý Hải Triều, Nguyễn Như Mụi
2.
POLYSACCHARID CỦA CÂY HOÀNG KỲ ỨC CHẾ SỰ TÍCH TỤ COLLAGEN QUÁ MỨC TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT BỊ XƠ CỨNG BÌ GÂY BỞI BLEOMYCIN
Xơ cứng bì hệ thống là một bệnh tự miễn được đặc trưng bởi những thay đổi cấu trúc sợi ở da và các cơ quan khác liên quan đến sự lắng đọng quá mức collagen. Con đường tín hiệu yếu tố tăng trưởng biến đổi-β (TGF-β) đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xơ hóa ở bệnh xơ cứng bì hệ thống (SSc). Polysaccharid được phân lập từ cây hoàng kỳ (Astragalus mongholicus, APS), một trong những thảo dược Trung Quốc, được biết có nhiều tác động điều hòa miễn dịch. Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát tác động của APS đối với tín hiệu TGF-β và cơ chế tiềm năng của APS bằng cách sử dụng mô hình chuột bị xơ cứng bì gây bởi bleomycin (BLM). Bệnh xơ cứng bì được gây ra ở chuột C3H/He N bằng cách tiêm bleomycin dưới da hàng ngày trong 21 ngày. Các mẫu da được lấy trong 7, 14 và 21 ngày và biểu hiện mRNA của TGF-β1, Smad2, Smad3 được quan sát bằng real time PCR. Hàm lượng hydroxyprolin cùng với hàm lượng collagen trong các mẫu da của nhóm tiêm BLM cao hơn đáng kể so với nhóm chứng sinh lý và tương ứng với sự dày lên của da tại vị trí tiêm. Ngược lại, những con chuột được điều trị bằng APS sau khi bắt đầu tiêm BLM có hàm lượng collagen ít hơn nhiều. Tăng biểu hiện mRNA của TGF-β1, Smad2, Smad3 cũng được quan sát thấy trong nhóm BLM. Biểu hiện TGF-β1, Smad2, Smad3 ở nhóm APS ít hơn đáng kể so với nhóm BLM. Ngược lại, sự biểu hiện mRNA TGF-β1 bị ức chế đáng kể bởi APS. Những kết quả này cho thấy rằng điều trị APS có thể ức chế sản sinh TGF-β1 và do đó có thể là một loại thuốc tiềm năng để kiểm soát các rối loạn xơ hóa ở bệnh xơ cứng bì hệ thống.
Lê Văn Minh, Nguyễn Thành Nam, Lý Hồng Ngân
3.
TÁC DỤNG BẢO VỆ THẦN KINH CỦA FORMONONETIN CHỐNG LẠI APOPTOSIS Ở TẾ BÀO THẦN KINH VỎ NÃO GÂY BỞI NMDA
Formononetin (FMNT) là một isoflavon được tìm thấy trong nhiều loại thảo mộc bao gồm chẽ ba đỏ (Trifolium pratense L.), huyết đằng hoa trắng (Spatholobus suberectus Dunn.), và hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge). Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát các đặc tính dược lý của FMNT đối với độc tính thần kinh gây ra bởi N-methyl-D-asparat (NMDA) trong các tế bào thần kinh vỏ não nuôi cấy sơ cấp. Khả năng sống của tế bào giảm đáng kể sau khi tiếp xúc với NMDA (200 μM) trong 40 phút. Tiền xử lý tế bào với FMNT (10 μM) trong 12 giờ sẽ làm giảm đáng kể sự mất tế bào do tiếp xúc với NMDA. Phân tích dòng chảy tế bào cho thấy điều trị bằng FMNT làm giảm số lượng tế bào apoptotic gây bởi NMDA, đặc biệt là các tế bào apoptotic giai đoạn đầu. Phân tích western blot cho thấy FMNT điều chỉnh sự biểu hiện của các protein liên quan đến quá trình apoptosis bằng cách tăng mức Bcl-2 và pro-caspase-3 và giảm mức Bax và caspase-3. Những phát hiện này chứng minh rằng FMNT có khả năng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương do bị kích thích bởi NMDA và có triển vọng trong điều trị lâm sàng cho các rối loạn thoái hóa thần kinh ở hệ thần kinh trung ương.
Lý Hải Triều, Lê Ngọc Dung
4.
HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS (FISCH.) BGE) CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG MẤT CÂN BẰNG MIỄN DỊCH TẾ BÀO TREG NGOẠI VI Ở TRẺ EM BỊ VIÊM CƠ TIM DO VIRUS BẰNG CÁCH GIẢM MỨC ĐỘ CỦA MIR-146B VÀ MIR-155
Viêm cơ tim do virus (VMC) là bệnh tim phổ biến, tuy nhiên vẫn còn thiếu một chiến lược điều trị hiệu quả. Hoàng kỳ (Astragalus mongholicus (Fisch.) Bge) (AB), một loại thảo mộc Trung Quốc với một số chất chuyển hóa chức năng có thể có một số tác dụng dược lý trên VMC. Các thành phần của hoàng kỳ được định lượng bằng khối phổ LCQ ở chế độ quét toàn dải. Tác dụng của của hoàng kỳ trên trẻ em mắc VMC được đánh giá bằng cách khảo sát cân bằng nội môi của tế bào Treg ngoại vi. Tổng số 68 trẻ em VMC được phân nhóm ngẫu nhiên và đồng đều vào nhóm AG (nhận 10 ml hoàng kỳ uống hàng ngày) và nhóm CG (nhận giả dược mỗi ngày). Tế bào đơn nhân máu ngoại vi (PBMC) được lấy từ máu ngoại vi và tế bào Treg được phân lập. Mức độ miR-146b, miR-155, hoạt động miễn dịch Treg và dấu ấn sinh học viêm cơ tim được đo trong các tế bào Treg. Có bốn thành phần chính (sucrose, calycosin, Astragalosid IV và calycosin-7-glucosid) trong hoàng kỳ. Các trường hợp nhịp nhanh xoang, các cơn co bóp tâm thất sớm và nhịp nhanh trên tâm thất giảm đáng kể ở nhóm AG (P < 0,05). Trong khi đó, các chỉ số enzym cơ tim và chức năng tim được cải thiện ở nhóm AG khi so sánh với nhóm CG (P < 0,05). Thời gian hồi phục trên điện tâm đồ, thời gian hết triệu chứng và thời gian nằm viện ở nhóm AG ngắn hơn so với nhóm CG (P < 0,05). Mức độ miR-146b và miR-155 ở nhóm CG cao hơn ở nhóm AG (P < 0,05). Mức độ ROR-γt (retinoic acid receptor-related orphan nuclear receptor gamma), FoxP3 (forkhead transcription factor), IL-10 (interleukin-10) và TGF-β (transforming growth factor beta) ở nhóm CG thấp hơn ở nhóm AG (P < 0,05). Ngược lại, mức độ IL-17, IL-21, CK-MB (creatin kinase-MB), cTnI (troponin tim I), GrB (granzym B), sFasL (soluble fas ligand) và caspase-3 cao hơn ở nhóm CG so với nhóm AG (P < 0,05). Hơn nữa, mức độ ROR-γt, FoxP3, IL-10 và TGF-β là dương tính, trong khi mức độ IL-17, IL-21, CK-MB, cTnI, GrB, sFasL và caspase-3 là âm tính, liên quan đến mức độ miR-146b và miR-155 (P < 0,05). Điều trị bằng hoàng kỳ đã cải thiện chức năng tim và sự mất cân bằng miễn dịch tế bào Treg ngoại vi ở trẻ em bị VMC bằng cách giảm mức độ miR-146b và miR-155.
Lý Hải Triều, Hồ Nguyễn Hồng Trinh, Trần Nguyễn Trúc My
5.
TÁC ĐỘNG CỦA POLYSACCHARID TỪ CÂY HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS) LÊN DỮ LIỆU BIỂU HIỆN GEN CỦA CÁC TẾ BÀO TUA ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ NHỮNG NGƯỜI HIẾN TẶNG KHỎE MẠNH
Mục tiêu: Khảo sát cơ chế chống xơ vữa động mạch của polysaccharid từ cây hoàng kỳ (Astragalus mongholicus) (APS) bằng cách kiểm tra những tác động của APS đối với dữ liệu biểu hiện gen của tế bào tua (DCs) được phân lập từ những người hiến tặng khỏe mạnh.
Phương pháp: DCs máu ngoại vi từ những người hiến tặng khỏe mạnh được ủ với 200 mg/L APS qua đêm và những thay đổi trong dữ liệu biểu hiện gen được khảo sát bằng kỹ thuật microarray và RT-PCR.
Kết quả: So với các tế bào đối chứng, DCs được xử lý APS cho thấy những biểu hiện điều hòa tăng lên đáng kể của CD36 (0,97 ± 0,23 so với 5,45 ± 1,14) và IL-27 (1,08 ± 0,22 so với 2,97 ± 0,61) và biểu hiện điều hòa giảm của IFI16 (0,98 ± 0,18 so với 0,46 ± 0,11).
Kết luận: APS có thể thúc đẩy sự trưởng thành và biệt hóa của DCs bằng cách điều hòa tăng CD36 và IL-27 và điều hòa giảm IFI16, và do đó tác động tích cực đến sự phát sinh và tiến triển của xơ vữa động mạch.
Lê Văn Minh, Ngô Thị Ngọc Diệu
6.
NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG CỦA FLAVONOID TOÀN PHẦN CỦA CÂY HOÀNG KỲ ĐỐI VỚI SỰ HÌNH THÀNH XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH VÀ CÁC CƠ CHẾ TIỀM NĂNG
Cây hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge) từ lâu đã được sử dụng để điều trị bệnh tim mạch trong y học cổ truyển Trung Quốc. Tuy nhiên, các cơ chế tác dụng vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Trong nghiên cứu này, những cơ chế tiềm năng và tác dụng bảo vệ của flavonoid toàn phần của cây hoàng kỳ (TFA) trên bệnh xơ vữa động mạch được xác định bằng các thử nghiệm in vitro và qua khảo sát trên thỏ bị xơ vữa động mạch do chế độ ăn. Đề tài đã xác định được 6 hợp chất và tỷ lệ của chúng trong TFA. Các thí nghiệm trên động vật cho thấy TFA làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần và LDL cholesterol trong huyết tương (P < 0.05 to 0.01), tăng nồng độ HDL cholesterol (P < 0.01) và giảm độ dày xơ vữa ở động mạch chủ từ 43.6% đến 63.6% (P <0.01). Đề tài cũng xác định TFA có hoạt tính quét các gốc superoxid và hydroxyl và tác dụng này tăng khi nồng độ TFA tăng. Trong các thử nghiệm in vivo, TFA ức chế một cách hiệu quả phổ gốc tự do trong mô hình thiếu máu cục bộ/tái tưới máu.
Kết luận: TFA là hoạt chất của cây hoàng kỳ đem lại nhiều lợi ích đối với bệnh tim mạch nhờ vào khả năng kháng oxy hóa mạnh giúp cải thiện tình trạng bị xơ vữa động mạch.
Lê Văn Minh, Cao Thái Bảo Ngọc
7.
HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS BUNGE) VÀ TAM THẤT (PANAX NOTOGINSENG) (A&P) KẾT HỢP VỚI BIFIDOBACTERIUM GÓP PHẦN BẢO VỆ THẬN TRONG BỆNH THẬN MÃN TÍNH THÔNG QUA VIỆC ỨC CHẾ ĐÁP ỨNG VIÊM CỦA ĐẠI THỰC BÀO Ở THẬN VÀ RUỘT
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh thận mãn tính (CKD) có thể gây rối loạn chức năng đường ruột dẫn đến những tiến triển nghiêm trọng của bệnh thận. Các nghiên cứu cho thấy đáp ứng miễn dịch của đại thực bào đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy viêm ở thận và ruột trong CKD. Công thức kết hợp giữa hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge) và tam thất (Panax notoginseng) (A&P) là một bài thuốc cổ truyền được sử dụng rộng rãi để điều trị CKD ở Trung Quốc, tuy nhiên, cơ chế cơ bản phần lớn chưa rõ ràng. Trong nghiên cứu này, đề tài khám phá vai trò của A&P và sự kết hợp điều trị với Bifidobacterium trong việc điều hòa đáp ứng viêm của đại thực bào ở thận và ruột của chuột CKD, cũng như cơ chế phân tử tiềm năng. Đề tài đã thiết lập một mô hình chuột CKD với cắt 5/6 thận và một mô hình viêm tế bào đại thực bào bằng LPS và urotoxin trên in vivo và in vitro. Kết quả cho thấy A&P kết hợp với Bifidobacterium làm giảm đáng kể sự biểu hiện và tiết IL-1β, IL-6, TNFα và MCP-1 trong thận và máu, cũng như trong đại thực bào bị gây viêm. Thú vị là, A&P kết hợp với Bifidobacterium đã cải thiện mạnh mẽ hệ vi khuẩn đường ruột và bảo vệ hàng rào ruột. Đáng chú ý là Mincle, chất duy trì sự phân cực của đại thực bào và được kích hoạt trong thận và ruột của chuột CKD cũng như trong đại thực bào được kích thích bởi urotoxin, đã bị ức chế hiệu quả bởi điều trị kết hợp A&P và Bifidobacterium. Sự biểu hiện quá mức của Mincle bằng cách chỉnh sửa gen có thể phá hủy tác dụng ức chế của A&P kết hợp với Bifidobacterium trên tình trạng viêm ở các tế bào RAW264.7 được kích thích bởi urotoxin. Tóm lại, những phát hiện này đã chứng minh rằng A&P kết hợp với Bifidobacterium có thể bảo vệ thận chống lại CKD bằng cách điều hòa giảm phản ứng viêm của đại thực bào ở thận và ruột thông qua việc ngăn chặn tín hiệu Mincle, điều này cung cấp một cái nhìn mới trong điều trị CKD bằng y học cổ truyền.
Lê Văn Minh, Tô Minh Anh
8.
CÔNG THỨC PHỐI HỢP HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS BUNGE) VÀ TAM THẤT (PANAX NOTOGINSENG (BURKILL) F.H. CHEN) CHO VIỆC ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG THẬN TRONG BỆNH THẬN DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG – BẰNG CHỨNG IN VIVO VÀ IN VITRO CHO SỰ ĐIỀU HÒA TỰ THỰC BÀO
Cơ sở: Bệnh thận do đái tháo đường (DN) là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường (DM) với các lựa chọn điều trị bị hạn chế. DN dẫn đến suy thận tiến triển và diễn biến nhanh chóng thành bệnh thận giai đoạn cuối. Công thức kết hợp hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge) và tam thất (Panax notoginseng (Burkill) F.H. Chen) (APF) là một công thức y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh thận mãn tính (CKD) tại các phòng khám ở tây nam Trung Quốc. Mục đích của nghiên cứu này là khám phá cách thức tác động của APF và nền tảng lý thuyết TCM liên quan trên DN và liệu tín hiệu mTOR/PINK1/Parkin có đóng một phần trong quá trình này hay không.
Phương pháp: HPLC được sử dụng để phân tích sơ bộ hóa học và phân tích định lượng năm thành phần của APF. Một mô hình thiếu hụt tự thực bào (autophagy) in vivo được thiết lập ở chuột C57BL/6 bởi streptozocin (STZ) kết hợp với chế độ ăn giàu chất béo và đường, trong khi mô hình thiếu hụt tự thực bào in vitro được gây ra với lượng glucose cao (HG) trong tế bào gian mao mạch thận (RMCs). Phương pháp nhuộm mô bệnh học thận được thực hiện để khảo sát mức độ viêm và tổn thương. Kỹ thuật Real time-PCR và Western blot đã được sử dụng để đánh giá các protein liên quan đến tự thực bào.
Kết quả: APF cải thiện đáng kể tổn thương thận ở chuột DN, đặc biệt phục hồi các chỉ số BUN máu, creatinin huyết thanh và albumin niệu trong 24 giờ. APF cũng làm giảm biểu hiện mRNA và protein của TNFα, IL-1β và IL-6 ở chuột DN do STZ gây ra. Hơn nữa, APF đã cải thiện sự thiếu hụt tự thực bào gây ra bởi STZ in vivo hoặc HG in vitro, kết quả được thể hiện bằng những thay đổi trong biểu hiện của mTOR, PINK1, Parkin, Beclin 1, p62 và LC3B. Đáng chú ý, việc ức chế tự thực bào với 3-methyladenin trong các RMCs được điều trị bằng APF làm trầm trọng thêm tổn thương tế bào và thay đổi tín hiệu mTOR/PINK1/Parkin, cho thấy APF đã khắc phục tổn thương HG thông qua việc thúc đẩy tự thực bào.
Kết luận: APF có thể bảo vệ thận khỏi các tổn thương viêm ở bệnh thận do đái tháo đường bằng cách điều chỉnh tăng quá trình tự thực thông qua ức chế mTOR và kích hoạt tín hiệu PINK1/Parkin. Bằng chứng thực nghiệm này củng cố việc sử dụng APF như một lựa chọn tiềm năng trong phòng ngừa và điều trị bệnh thận do đái tháo đường.
Lê Văn Minh, Nguyễn Lan Chi
9.
CÁC NGHIÊN CỨU IN SILICO VỀ TÍNH THẤM CỦA CÁC SAPONIN TRITERPEN QUA HÀNG RÀO MÁU NÃO KẾT HỢP VỚI NGHIÊN CỨU TRÊN MÔ NÃO CỦA CHUỘT ĐƯỢC SỬ DỤNG ASTRAGALOSIDE IV
Khi số lượng ứng viên thuốc có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương (CNS) ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu nghiên cứu cấp thiết là liệu một hợp chất được sử dụng có thể vượt qua hàng rào máu não (BBB) trong CNS hay không. Mục đích của nghiên cứu này là để đánh giá khả năng vượt qua BBB của các saponin triterpen có trong rễ cây hoàng kỳ (Astragalus mongholicus). Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp in silico và nghiên cứu trên mô não của chuột được điều trị bằng astragalosid IV được phân lập từ hoàng kỳ (AIV). Đầu tiên, để đánh giá khả năng vượt qua BBB của các mẫu saponin thử nghiệm, các mô hình định lượng mới về tương quan cấu trúc-tác động (quantitative structure-activity relationship, QSAR) đã được thiết lập. Độ tin cậy và khả năng dự đoán của mô hình dựa trên các giá trị của bộ mô tả tính thấm qua hàng rào máu não (logBB), sự khác biệt giữa hệ số phân bố n-octanol/nước và cyclohexan/nước logP (ΔlogP), logarit của hệ số phân bố n-octanol/nước (logPow) và khúc xạ mol dư (E) đều được xác nhận bằng cách sử dụng miền ứng dụng (AD). Giá trị đòn bẩy tới hạn (critical leverage value) h* được tìm thấy là 0,128. Những mối quan hệ giữa phần dư tiêu chuẩn hóa (standardized residuals) và các đòn bẩy (leverage) đã được nghiên cứu trong bài báo này. Việc ứng dụng thử nghiệm ức chế acetylcholinesterase in vitro cho thấy AIV có thể được công nhận là chất ức chế acetylcholinesterase mạnh nhất trong số các hợp chất được thử nghiệm. Vì vậy, AIV được phân lập cho các nghiên cứu trên mô não chuột và máu bằng cách sử dụng sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) bán điều chế với pha động bao gồm nước, methanol và ethyl acetat (1,7:2,1:16,2 v/v/v). Kết quả của các nghiên cứu trên mô não chuột cho thấy có sự phụ thuộc thường xuyên của nồng độ AIV cuối trong các mẫu não được phân tích của chuột được điều trị với AIV liều 12,5 và 25 mg/kg thể trọng (tương ứng với nồng độ AIV là 0,00012299 và 0,0002306 mg trên một não chuột). Ngoài ra, giá trị logBB của AIV được xác định bằng thực nghiệm là 0,49 ± 0,03.
Lý Hải Triều, Đào Nguyễn Như Quỳnh
10.
POLYSACCHARID TỪ CÂY HOÀNG KỲ BẢO VỆ BỆNH LÝ CƠ TIM DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG BẰNG CÁCH KÍCH HOẠT CON ĐƯỜNG NRG1/ERBB
Bệnh lý cơ tim do đái tháo đường (DCM) là một trong những biến chứng tim chính ở bệnh nhân đái tháo đường. Theo các nghiên cứu trước đây, cơ chế bệnh sinh của DCM có liên quan đến stress oxy hóa, apoptosis và sự tăng sinh các tế bào tim cục bộ. Các nghiên cứu này cho thấy, NRG1 có thể cải thiện chức năng của ty thể, và do đó, làm tăng sự tăng sinh và giảm apoptosis tế bào cơ tim thông qua tín hiệu ErbB/AKT, đồng thời phát huy chức năng chống oxy hóa. Bên cạnh đó, con đường NRG1/ErbB bị suy hỏng trong mô hình DCM, điều này cho thấy tín hiệu này đóng vai trò quan trọng trong DCM. Polysaccharid từ cây hoàng kỳ (Astragalus mongorecusi) (APS), một trong những hoạt chất chính, đã cho thấy hiệu quả chống oxy hóa nổi bật. Ở đây, dữ liệu trong nghiên cứu này cho thấy APS có thể thúc đẩy tăng sinh và giảm apoptosis trong mô hình tế bào DCM do AGE (advanced glycation end‐products) gây ra, bên cạnh đó, APS có thể làm giảm mức ROS nội bào, tăng hoạt động của SOD, GSH-Px và hạ thấp mức độ của MDA và NO trong mô hình tế bào DCM, cho thấy APS đã thể hiện chức năng chống oxy hóa nội bào trong mô hình DCM. Bên cạnh đó, kết quả western blot cho thấy APS cảm ứng biểu hiện NRG1 và mức độ phosphoryl hóa ErbB2/4. Ngoài ra, sự tăng NRG1 sẽ thúc đẩy quá trình phosphoryl hóa AKT và PI3k, điều này cho thấy APS có thể có tác dụng thông qua con đường NRG1/ErbB và tín hiệu AKT/PI3K xuôi dòng. Canertinib là chất ức chế ErbB. Tác động của APS trên sự tăng sinh, apoptosis, chống oxy hóa và con đường NRG1/ErbB đã bị loại bỏ một phần sau khi các tế bào DCM được đồng xử lý với APS và canertinib. Tổng hợp lại, các kết quả này gợi ý APS thể hiện chức năng bảo vệ các tế bào DCM bằng cách kích hoạt đường truyền tín hiệu NGR1/ErbB và nghiên cứu này đã làm tăng tiềm năng ứng dụng của polysaccharid từ cây hoàng kỳ trong phòng ngừa và điều trị bệnh lý cơ tim do đái tháo đường.
Lý Hải Triều, Lê Thị Kim Oanh
11.
POLYSACCHARID TỪ CÂY HOÀNG KỲ VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG VIÊM IN VITRO
Hoàng kỳ chế biến với mật ong là một dạng thuốc kết hợp rễ hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge) với mật ong bằng phương pháp chế biến theo y học cổ truyển Trung Quốc nhằm tăng tác dụng bổ của vị thuốc. Polysaccharid từ cây hoàng kỳ (APS) thể hiện tác dụng điều hòa miễn dịch dựa trên tác dụng bổ của rễ hoàng kỳ, vì thế, tác dụng dược lý được cải thiện của APS chế biến với mật ong (honey-processed Astragalus polysaccharide: HAPS) có thể là do sự thay đổi cấu trúc trong quá trình chế biến. Khối lượng phân tử của HAPS và APS lần lượt là 1,695,788 Da và 2,047,756 Da được xác định bằng phương pháp HPGFC-ELSD (sắc kí lọc gel hiệu năng cao kết hợp với tán xạ ánh sáng bay hơi). Thành phần monosaccharide được xác định bằng UPLC/ESI-Q-TOF-MS (sắc ký lỏng siêu hiệu năng ghép khối phổ tứ cực/ thời gian bay) sau khi dẫn xuất hóa tiền cột với 1-phenyl-3-methyl-5-pyrazolon (PMP). Kết quả cho thấy các thành phần chủ yếu của HAPS gồm mannose, glucose, xylose, arabinose, acid glucuronic và rhamnose với tỉ lệ mol lần lượt là 0,06 : 28,34 : 0,58 : 0,24 : 0,33 : 0,21 và 0,27 : 12,83 : 1,63 : 0,71 : 1,04 : 0,56. Kết quả phân tích FT-IR và NMR của HAPS cho thấy sự có mặt của acid uronic và nhóm acetyl. Hoạt tính kháng viêm của HAPS có hiệu quả hơn so với hoạt tính kháng viêm của APS dựa vào hàm lượng NO và sự biểu hiện của IFN-γ, IL-1β, IL-22 và TNF-α do lipopolysaccharid (LPS) gây ra trong tế bào RAW264.7. Kết quả này cho thấy hoạt tính chống viêm và sự cải thiện hoạt tính sinh học có thể liên quan tới sự thay đổi cấu trúc phân tử, đem lại hoạt tính điều hòa miễn dịch tiềm năng cho HAPS.
Xa Thị Phương Thảo
12.
PHÂN TÍCH CHẤT CHUYỂN HÓA VÀ XÁC ĐỊNH NHANH NHỮNG THAY ĐỔI VỀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC TRONG RỄ HOÀNG KỲ THÔ VÀ ĐÃ QUA CHẾ BIẾN BẰNG UPLC- QTOF-MS KẾT HỢP VỚI NỀN TẢNG TIN HỌC MỚI UNIFI
Rễ của cây hoàng kỳ [Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge. var. mongholicus (Bge.) Hsiao hoặc Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge] được sử dụng rộng rãi như một dạng thuốc bổ sắc uống trong y học cổ truyền Trung Quốc (TCM). Rễ hoàng kỳ có nhiều sản phẩm qua chế biến với tác dụng dược lý đa dạng. Tuy nhiên chưa có các bằng chứng khoa học hiện đại để giải thích sự khác nhau giữa tác dụng dược lý và các cơ chế liên quan. Nghiên cứu này đã tìm ra sự thay đổi thành phần hóa học trong rễ hoàng kỳ sau khi chế biến bằng cách sử dụng UPLC-QTOF-MS kết hợp với nền tảng thông tin UNIFI mới và phân tích thống kê đa biến. Kết quả cho thấy rễ hoàng kỳ thô và các sản phẩm đã qua chế biến có thể được phân biệt rõ ràng trong biểu đồ điểm của phân tích các thành phần chính (Principal Component Analysis: PCA) và 15 marker đặc hiệu bằng OPLS-DA trên nền tảng UNIFI. Để kết luận, nghiên cứu này đã cung cấp một nền tảng những hợp chất hóa học có ý nghĩa cho các kỹ thuật chế biến khác nhau của rễ hoàng kỳ.
Nguyễn Thị Lê
13.
PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH THÀNH PHẦN CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA HOÀNG KỲ CHẾ BIẾN VỚI MẬT ONG BẰNG PHÂN TÍCH SINH HÓA HUYẾT THANH VÀ THỐNG KÊ ĐA BIẾN
Hoàng kỳ chế với mật ong được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc có tác dụng tăng cường « Khí » (Qi, năng lượng sống) tốt hơn khi sử dụng dạng dược liệu thô. Một nghiên cứu so sánh phân tích chất chuyển hóa trong huyết tương chuột cống trắng để phát hiện các hoạt chất được tiến hành sử dụng phân tích sinh hóa huyết thanh và thống kê đa biến. Đầu tiên tối ưu hóa phương pháp và thời gian thu thập mẫu máu. Sau đó, các chất ban đầu (prototypes) và chất chuyển hóa sau khi uống trong các mẫu huyết thanh được phân tích bằng sắc ký lỏng hiệu năng cực cao kết hợp với khối phổ tứ cực thời gian bay ion hóa tia điện tích hợp với phân tích thành phần chính và phân tích phân biệt bình phương tối thiểu một phần trực giao. Hàm lượng của các chất chuyển hóa cũng được phân tích để đánh giá sự khác biệt trong dữ liệu chuyển hóa. Kết quả là chín chất ban đầu và 36 chất chuyển hóa đã được xác định. Chỉ có hai chất ban đầu và 15 chất chuyển hóa là khác nhau giữa dược liệu hoàng kỳ thô và sản phẩm chế với mật ong. Các phản ứng chuyển hóa sinh học của hoàng kỳ bao gồm quá trình oxi hóa, khử methyl, thủy phân ở pha I và liên hợp glucuronid hoặc sulfat ở pha 2. Phần lớn các chuyển hóa được phát hiện là sự biến đổi của các isoflavon và isoflavan. Kết quả đã mở ra thêm những kiến thức về ảnh hưởng của quá trình chế biến hoàng kỳ với mật ong và sự khác biệt về hiệu quả chữa bệnh giữa dược liệu thô so với hoàng kỳ chế với mật ong có thể do sự khác nhau về các thành phần có hoạt tính trị liệu.
14.
NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXI HÓA CỦA HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS BUNGE)
Mục tiêu: Đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của các thành phần hóa học khác nhau từ hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge) và khả năng bảo vệ chống lại độc tính trên tế bào PC12 gây bởi xanthine (XA)/xanthine oxidase (XO).
Phương pháp: Các hợp chất phân lập được từ hoàng kỳ bằng phương pháp sắc kí và được xác định cấu trúc trên nền tảng các dữ liệu phổ. Hoạt tính chống oxy hóa in vitro được đánh giá bằng hoạt tính bắt gốc tự do 1, 1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH). Tác dụng chống lại độc tính của XA/XO được đánh giá bằng thử nghiệm MTT trên dòng tế bào PC12.
Kết quả: Đã phân lập và xác định được cấu trúc của mười chất gồm formononetin (I), ononin (II), calycosin (III), calycosin-7-O-β-D-glucosid (IV), 9,10-dimethoxypterocarpan-3-O-β-D-glucoside (V), adenosine (VI), pinitol (VII), daucosterol (VIII), β-sitoster (IX) và saccharose (X) từ hoàng kỳ. Các chất I, III, IV thể hiện hoạt tính bắt gốc tự do DPPH in vitro. Formononetin and calycosin thể hiện hoạt tính ức chế điển hình độc tổn thương tế bào gây bởi XA/XO với EC50 là 50 ng/ml.
Kết luận: Các chất II, VI và VII lần đầu được phân lập từ hoàng kỳ. Calycosin thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất trong cả hai khảo sát in vitro và tế bào.
15.
BÀO CHẾ THUỐC TIÊM DẠNG VI NHŨ TƯƠNG TỪ HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS) VÀ ĐÁNH GIÁ SỰ GIẢI PHÓNG THUỐC IN VITRO
Mục tiêu: Bào chế thuốc tiêm dạng vi nhũ tương từ hoàng kỳ (Astragalus mongholicus), đánh giá chất lượng và giải phóng thuốc in vitro.
Phương pháp: Thiết lập tối ưu hóa bằng giản đồ 3 pha và nghiên cứu độ ổn định. Xác định astragalosid IV bằng HPLC, con-saponin của rễ cây được khảo sát bằng máy đo quang phổ UV. Đánh giá sự giải phóng thuốc in vitro và liều tải thuốc.
Kết quả: Tối ưu hóa xây dựng công thức thuốc tiêm dạng vi nhũ tương từ hoàng kỳ bao gồm OP (chất nhũ hóa), Gly (chất nhũ hóa bổ trợ), aethylis oleas (pha dầu). Tỉ lệ ghi nhận là 4 ∶ 4 ∶ 2 ∶ 2.58. Giới hạn tuyến tính 0,0041456 – 0,0414560 mg/ml với r = 0,9999. Độ thu hồi trung bình là 96,60% với RSD = 0,76%, hàm lượng con-saponin trong rễ hoàng kỳ là 13.54 mg/ml, astragaloside IV là 0.3885 mg/ml. Dạng vi nhũ tương giải phóng chậm trong 24 giờ.
Kết luận: Dạng thuốc ổn định, sử dụng đơn giản, độ lặp lại tốt, sự giải phóng thuốc in vitro chậm.
16.
ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG TRÊN CHỨC NĂNG HỆ THẦN KINH TRUNG ƯƠNG CỦA DỊCH CHIẾT SAPONIN TỪ HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS BUNGE)
Y học cổ truyền: Trong y học cổ truyền, hoàng kỳ (Astragalus mongholicus) được sử dụng để điều trị suy nhược toàn thân, bệnh mạn tính và tăng cường sinh khí.
Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng của phân đoạn saponin chiết xuất từ hoàng kỳ (AM saponin) trên chức năng của hệ thần kinh trung ương. Các ảnh hưởng của AM saponin tới chức năng vận động, sự lo âu và hình thái hồi hải mã được khảo sát.
Đối tượng và phương pháp: AM saponin đã được thử nghiệm tác dụng đối với chức năng vận động bằng Moti-Test, đối với trạng thái âu bằng thử nghiệm mê lộ nâng cao (elevated plus maze) và tác dụng chống co giật chống lại các cơn co giật gây bởi pentylenetetrazole (PTZ) trong mô hình PTZ cấp và mạn.
Kết quả: Kết quả cho thấy AM saponin (50, 100, 200 mg/kg) không ảnh hưởng tới chức năng vận động và tình trạng lo lắng. Ở những liều này, AM saponin ức chế đáng kể co giật cấp gây bởi PTZ (p < 0.05). Hiệu quả chống co giật của AM saponin cũng thể hiện rõ đối với các cơn co giật mạn (p < 0,05). Điều này cho thấy khả năng hữu ích trong điều trị. Sau khi AM saponin được sử dụng dài ngày, số lượng tế bào trong vùng CA1 hồi hải mã đã giảm xuống, trong khi số lượng tế bào trong vùng CA3 và hilus không bị ảnh hưởng.
Kết luận: Các liều thử AM saponin hữu ích trong điều trị rối loạn co giật nhưng không ảnh hưởng đến chức năng vận động và trạng thái lo âu. Các cơ chế cơ bản của tác động này lên hình thái hồi hải mã vẫn chưa được sáng tỏ.
17.
TÁC DỤNG CỦA DỊCH CHIẾT TỪ HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS BUNGE) TRÊN MÔ HÌNH ISOPROTERENOL GÂY NHỒI MÁU CƠ TIM Ở CHUỘT CỐNG TRẮNG
Mục tiêu: Nghiên cứu đánh giá tác dụng bảo vệ tim của hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge), một loại thuốc dược liệu được trồng ở Mông Cổ.
Phương pháp: Năm mươi con chuột cống trắng được chia thành năm nhóm, mỗi nhóm mười con. Nhóm đối chứng không điều trị và nhóm điều trị được tiêm dưới da isoproterenol (150 mg/kg) hai ngày liên tiếp trong ngày 29 và 30 để gây nhồi máu cơ tim. Nhóm điều trị được dùng hoàng kỳ ở các liều thử 71, 142, or 284 mg/kg trong 28 ngày trước khi gây nhồi máu cơ tim. Kết thúc thí nghiệm, tác dụng bảo vệ tim của hoàng kỳ được đánh giá thông qua mô bệnh học, đo nồng độ creatine kinase (CK), aspartate transaminase (AST), alanin transaminase (ALT), lactate dehydrogenase (LDH), và các marker malondialdehyd (MDA) và enzyme superoxid dimustase (SOD) toàn phần trong huyết thanh.
Kết quả: Việc điều trị bằng hoàng kỳ liều 71 mg/kg làm giảm đáng kể nồng độ LDH, AST và CK huyết thanh so với nhóm đối chứng (p < 0,05). Việc điều trị bằng hoàng kỳ ở các liều 71, 142 và 284 mg/kg làm giảm đáng kể MDA so với nhóm đối chứng (p < 0,05). Điều trị bằng hoàng kỳ với các liều trên còn làm giảm đáng kể tổn thương tim bằng sự gia tăng nồng độ enzym chống oxi hóa có ích SOD trong tế bào (p < 0,05). Đánh giá mô bệnh học của nhóm điều trị với hoàng kỳ ở liều 142 mg/kg cho thấy có sự giảm vùng tổn thương xơ và tế bào viêm ở mô tim.
Kết luận: Tác dụng bảo vệ cơ tim của hoàng kỳ theo cơ chế bảo vệ nồng độ superoxid dismutase tự nhiên của cơ tim, làm giảm nồng độ MDA và các enzym marker trong huyết thanh là LDH, AST và CK.
18.
ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC TIÊM HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS) LÊN SỰ TĂNG SINH VÀ CHẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH CỦA DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ VÚ NHẠY CẢM VỚI HORMON (MCF-7) VỚI LIỀU SINH LÝ ESTRADIOL
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng của việc tiêm Astragalus mongholicus (AM, hoàng kỳ) lên sự tăng sinh và chết theo chương trình (apoptosis) của dòng tế ung thư vú nhạy cảm với hormon (MCF-7) ở liều sinh lý estradiol (E2).
Phương pháp: Thiết lập nhóm tế bào đối chứng, nhóm đối chiếu tiêm tamoxifen (TAM) và năm nhóm tiêm AM ở các liều khác nhau với liều sinh lý E2. Sự tăng sinh của tế bào ở MCF-7 được đánh giá bằng thử nghiệm MTT, tỷ lệ tế bào aopototic được đo bằng phép đo dòng chảy tế bào, thang DNA và chu kỳ tế bào.
Kết quả: Ở liều sinh lý E2, việc tiêm hoàng kỳ ức chế sự tăng sinh tế bào MCF-7 ở tất cả các nồng độ. Khi kéo dài thời gian tiếp xúc, nhóm tiêm AM cho tác dụng ức chế tốt hơn nhóm TAM (P < 0,05). Trong dãy nồng độ khảo sát từ 2 x 10-1 g / mL đến 2 x 10-4 g / mL, việc tiêm AM làm tăng đáng kể phần trăm tăng sinh pha G0 / G1 và pha S của chu kỳ tế bào, giảm phần trăm tế bào pha G2-M (P < 0,05) tại thời điểm 24 giờ. Sau tiếp xúc 72 giờ, nhóm tiêm AM làm tăng tốc độ apoptosis đạt 16,7% ở nồng độ 2 x 10-1 g / mL.
Kết luận: Ở một số mức liều, việc tiêm hoàng kỳ có thể ức chế sự tăng sinh, gây apoptosis, làm gián đoạn gián phân ở pha G0-G1 hoặc pha S trên dòng tế bào ung thư vú nhạy cảm với hormon (MCF-7) với liều sinh lý E2.
19.
TỐI ƯU HÓA VÀ ĐÁNH GIÁ IN-SITU DẠNG GEL PHẢN ỨNG NHIỆT SỬ DỤNG ĐƯỜNG TIÊM CỦA POLYSACCHARID TỪ HOÀNG KỲ
Mục tiêu của nghiên cứu này là phát triển một in-situ gel đường tiêm dựa trên poloxamer cho việc phóng thích chậm của polysaccharid từ cây hoàng kỳ (Astragalus mongholicus, APS), do đó chỉ phải sử dụng 1 tới 2 lần thay vì sử dụng liều thường xuyên trong trị liệu dài ngày. Công thức tối ưu là 10 g APS, 18 g poloxamer 407, 2 g poloxamer 188, 0,15 g CMC-Na, 0,85 g natri chlorid trong 100 ml in-situ gel, gel này có nhiệt độ chuyển hoá sol-gel (T sol-gel) là 34,1 ± 0,4 °C và có độ ổn định tốt. Trong các nghiên cứu giải phóng thuốc in vitro, tất cả các công thức có thêm polymer có thời gian giải phóng kéo dài và giảm sự giải phóng nhanh không kiểm soát (initial burst) của thuốc đến mức độ nào đó. Công thức tối ưu có chứa 0,15% CMC-Na cho dữ liệu giải phóng chậm tốt nhất trong vòng 132 giờ với giá trị initial burst in vitro khoảng 16,30% trong 12 giờ. Trong nghiên cứu in vivo, loài chuột đực BALB/c (18 – 20 g) được dùng với gel in-situ APS chỉ một lần, các chỉ số miễn dịch, tăng sinh tế bào lympho ở lách, nồng độ IgM, IgG, IL-2 và IL-6 ở huyết thanh tăng lên điển hình so với những con chuột được tiêm APS hàng ngày (7 lần) và các chỉ số trên tăng lên một cách đáng kể hơn khi được cho sử dụng gel in-situ APS 2 lần. Dựa trên những kết quả đó, poloxamer có thể là một chất mang phù hợp cho sự phóng thích chậm APS ở mức độ giải phóng thuốc lý tưởng.
Nguyễn Tiến Hoàng
20.
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DƯỢC ĐỘNG HỌC TRÊN 3 CÔNG THỨC CỦA RỄ CÂY HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS BUNGE) BẰNG PHƯƠNG PHÁP LC – MS/MS ĐỂ XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG FORMONONETIN Ở HUYẾT TƯƠNG NGƯỜI
Rễ hoàng kỳ (AR) được sử dụng phổ biến trong các vị thuốc cổ truyền Trung Quốc để điều trị bệnh tim mạch, bệnh gan và hệ thống miễn dịch. Gần đây, công nghệ nghiền bột siêu mịn đã được áp dụng với các công thức bào chế thông thường để làm tăng sinh khả dụng của hoạt chất trong dược liệu, chẳng hạn như bột cốm siêu mịn của AR. Trong nghiên cứu này, một phương pháp định lượng phổ biến và có độ nhạy dựa trên LC – MS/MS đã được áp dụng để xác định hàm lượng formononetin – flavonoid chính trong AR – trong huyết tương người để so sánh dược động học của 3 công thức bào chế AR đường uống. Formononetin và IS (quercetin) đã được chiết bằng ethyl acetat từ huyết tương người và được tách trên cột C18 với pha động là acetonitril và acid formic 0,1%. Chế độ ion hoá điện tử ion dương đã được sử dụng trong phát hiện khối phổ. Phương pháp định lượng đã được thẩm định dựa trên các tiêu chí về độ chọn lọc, độ tuyến tính, độ chính xác và độ đúng, hiệu ứng ma trận, độ thu hồi và độ ổn định. Phương pháp này đã được áp dụng để so sánh dược động học của bột cốm siêu mịn (UGP), bột siêu mịn (UP) và dạng thuốc sắc truyền thống (TDP) của rễ hoàng kỳ sau khi uống. Nồng độ peak và diện tích dưới đường cong nồng độ-thời gian (areas under the concentration–time curve) của formononetin ở dạng UGP và UP cao hơn đáng kể so với TDP. UGP và UP cải thiện một cách đáng kể sinh khả dụng đường uống của rễ hoàng kỳ trên người so với TDP.
21.
VI CẦU CHỨA POLYSACCHARID HOÀNG KỲ/CHITOSAN DÙNG CHO PHÂN BỐ THUỐC THEO ĐƯỜNG MŨI: BÀO CHẾ, TỐI ƯU HÓA, TÍNH CHẤT VÀ DƯỢC LỰC HỌC
Chitosan (CTS) có tiềm năng trong điều trị các bệnh lý liên quan tới mũi, như là chất vận chuyển thuốc sử dụng theo đường mũi. Polysaccharid từ cây hoàng kỳ (Astragalus mongholicus, APS), có tác dụng làm giảm đáng kể bạch cầu ái toan và bạch cầu trung tính liên quan đến viêm đường hô hấp và có tiềm năng ứng dụng trong điều trị hen suyễn nặng. Mục đích của nghiên cứu này là bào chế dạng vi cầu APS/CTS dùng theo đường hít bằng phương pháp sấy phun. Đánh giá tính chất của vi cầu APS/CTS bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM), quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier, quét nhiệt lượng vi sai và khả năng giải phóng thuốc in vitro. Tác dụng của vi cầu APS/CTS trên chuột bị viêm mũi dị ứng (AR) được đánh giá bằng số lượng bạch cầu ái toan và bạch cầu trung tính trong dịch rửa mũi. Kết quả SEM cho thấy vi cầu có dạng hình cầu và nhăn nheo. Thí nghiệm giải phóng thuốc in vitro cho thấy 67,48 – 93,76% APS đã được giải phóng từ vi cầu APS/CTS ở pH 6,8 trong vòng 24 giờ. Vi cầu APS/CTS làm giảm các triệu chứng dị ứng và làm giảm sự thâm nhập của bạch cầu ái toan, giảm biểu hiện của interleukin – 4 trong niêm mạc mũi chuột cống trắng nhưng không có độc tính trên gan và thận chuột qua khảo sát nhuộm hematoxylin – eosin. Tổng hợp lại, kết quả trên đã cho thấy vi cầu APS/CTS có các tính chất tốt trong điều trị viêm mũi dị ứng.
22.
HYDROGEL GIÀU HẠT NANO TẢI ASTRAGALOSID IV CÓ TÁC DỤNG CHỮA LÀNH VIẾT THƯƠNG VÀ CHỐNG SẸO QUA SỰ PHÂN BỐ TẠI CHỖ
Mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát dạng bào chế mới hydrogel giàu hạt nano lipid rắn (SLN-gel) trong sự phân bố qua da của astragalosid IV và xác định tác dụng của SLN-gel chứa astrogalosid IV trên quá trình lành vết thương và hình thành sẹo. Nano lipid rắn (SLNs) được bào chế qua phương pháp bốc hơi dung môi. Các tiêu chí đánh giá gồm kích thước hạt, chỉ số phân tán (PDI), thế zeta (ZP), hiệu năng bao gói (EE), sự giải phóng thuốc và đặc điểm cấu hình của SLNs. Công thức SLNs tối ưu nhất sẽ được kết hợp với carbomer hydrogel để tạo thành chất mang gel giàu SLN (SLN-gel). Tác dụng của SLNs chứa astragaloside IV trên sự lành vết thương được thực hiện sử dụng thử nghiệm tạo vết thương rạch da và sự hấp thu qua các tế bào da trong thử nghiệm in vitro. Với mô hình chuột bị cắt bỏ toàn bộ da, khả năng điều trị in vivo của SLN-gel chứa astragaloside IV trên các giai đoạn của vết thương gồm tái tạo biểu mô, tăng sinh mạch máu và tái cấu trúc chất nền ngoại bào đã được nghiên cứu. Công thức tốt nhất của SLNs chứa astragalosid IV có EE cao (93% ± 5%) và ZP (−23,6 mV ± 1,5 mV), với PDI là 0,18 ± 0,03 và phần trăm tải thuốc là 9%. SLNs chứa astragalosid IV và SLN-gel có thể giải phóng thuốc kéo dài. SLNs chứa astragalosid IV giúp làm tăng sự xâm lấn và tăng sinh tế bào sừng, tăng khả năng dung nạp thuốc trên nguyên bào sợi in vitro (P < 0,01) qua con đường nhập bào hốc (caveolae endocytosis) bị ức chế bởi methyl-β-cyclodextrin. SLN-gel chứa astragalosid IV tăng cường quá trình làm lành vết thương và ức chế sự hình thành sẹo in vivo bằng cách tăng tỷ lệ đóng vết thương (P < 0,05), góp phần tăng sinh mạch máu và tái cấu trúc collagen. SLN-gel hứa hẹn là một dạng phân phối thuốc qua da tiềm năng. SLN-gel chứa astragalosid IV đã được chứng mình là dạng bào chế dùng ngoài tốt với khả năng làm lành vết thương và ngăn ngừa sẹo.
23.
SỰ ĐA DẠNG VỀ HÓA HỌC VÀ DI TRUYỀN CỦA HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MONGHOLICUS BUNGE) ĐƯỢC TRỒNG Ở CÁC VÙNG KHÍ HẬU SINH THÁI KHÁC NHAU
Hoàng kỳ (Astragalus mongholicus Bunge, họ Đậu) là một nguồn thực vật quan trọng được biết đến với tên gọi Radix Astragali (rễ hoàng kỳ), được sử dụng trên toàn thế giới như một thuốc dược liệu và một thành phần của thực phẩm bổ sung. Liên bang Nga, Mông Cổ, Kazakhstan và Trung Quốc là những khu vực phân bố tự nhiên chính của hoàng kỳ trên thế giới. Tuy nhiên, chất lượng của cây thuốc khác nhau giữa các địa điểm khác nhau. Đối với hoàng kỳ, tài liệu nghiên cứu tập trung vào cơ chế đa dạng sinh học của nó. Ở đây, chúng tôi kết hợp phân tích hóa học của các thành phần hóa học với sự biến đổi di truyền, cũng như các đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng, để khám phá cơ chế đa dạng sinh học của hoàng kỳ. Kết quả cho thấy các đặc điểm hóa học, di truyền và khí hậu được phát hiện đã đóng góp một cách toàn diện vào sự đa dạng về chất lượng của hoàng kỳ. Tám thành phần hóa học chính, cũng như các nguyên tố vô cơ P, B và Na đều là những yếu tố hóa học đặc trưng. Lượng mưa và thời gian nắng là các yếu tố khí hậu phân biệt chính. Các nguyên tố vô cơ As, Mn, P, Se và Pb là những yếu tố thổ nhưỡng để phân biệt. Phương pháp hệ thống lần đầu tiên được thiết lập cho cây thuốc này nhằm minh họa sự hình thành đa dạng về chất lượng và cung cấp bằng chứng khoa học về chỉ dẫn địa lý và thích ứng khí hậu trong sản xuất và ứng dụng lâm sàng của các dược liệu.
Phạm Văn Năm
24.
TÁC DỤNG TRỊ LIỆU CỦA HOÀNG KỲ (ASTRAGALUS MEMBRANACEUS) ĐỐI VỚI BỆNH THẬN DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ TƯƠNG QUAN VỚI SỰ ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG iNOS CỦA ĐẠI THỰC BÀO KHÔNG?
Mục tiêu: Để khảo sát mối tương quan giữa tác dụng lâm sàng của hoàng kỳ (Huangqi, Astragalus membranaceus) trên các giai đoạn khác nhau của bệnh thận do đái tháo đường (DN) và tác dụng dược lý của hoàng kỳ đối với hoạt động của enzym cảm ứng tổng hợp nitric oxit (iNOS) trong các đại thực bào ở các trạng thái khác nhau.
Phương pháp: Các cơ sở dữ liệu PubMed, Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc và Wanfang đã được tìm kiếm. Dữ liệu lâm sàng được lấy từ các tài liệu về các giai đoạn điều trị DN khác nhau với hoàng kỳ, và dữ liệu dược lý lấy từ các tài liệu về tác động của hoàng kỳ trên hoạt động iNOS của đại thực bào ở trạng thái nghỉ hoặc trạng thái bị kích hoạt.
Kết quả: Phân tích tổng hợp các lần tiêm hoàng kỳ trên DN giai đoạn III và III-IV và các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng ở các giai đoạn khác cho thấy hoàng kỳ có tác dụng điều trị trên các giai đoạn khác nhau của DN và trên các đại thực bào ở các trạng thái khác nhau: cảm ứng các đại thực bào bình thường ở trạng thái nghỉ sản sinh nitric oxit (NO), TNF-α tùy vào sự hoạt hóa iNOS; ức chế sản sinh NO bởi các đại thực bào bình thường bị kích hoạt bởi lipopolysaccharid (LPS); và tăng cường sản sinh NO bởi các đại thực bào bị LPS kích hoạt trong các bệnh nhân suy thận.
Kết luận: Hoàng kỳ có thể điều hòa hoạt động iNOS của đại thực bào ở các trạng thái khác nhau trong khảo sát in vitro. Những tác động 2 pha hoặc đối kháng này có thể giải thích tại sao hoàng kỳ có thể được sử dụng để điều trị các giai đoạn khác nhau của bệnh thận do đái tháo đường.
Nguyễn Trọng Chung
25.
MÔ HÌNH SINH THÁI THÍCH HỢP CỦA HOÀNG KỲ(ASTRAGALUS MEMBRANACEUS VAR. MONGHOLICUS) Ở NỘI MÔNG, TRUNG QUỐC
Dược liệu hoàng kỳ (Radix Astragali) thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, và chất lượng của nó liên quan chặt chẽ đến các yếu tố sinh thái như khí hậu và đất đai trong khu vực trồng. Để cung cấp dược liệu hoàng kỳ chất lượng cao cho thị trường Trung Quốc và nước ngoài, chúng tôi đã sử dụng mô hình entropy cực đại và phương pháp phân tích thống kê, kết hợp với dữ liệu về các yếu tố sinh thái, sự phân bố địa lý của A. membranaceus var. mongholicus, và nội dung thành phần chỉ số để dự đoán sự phân bố phù hợp sinh thái của A. membranaceus var. mongholicus và thiết lập mối quan hệ giữa astragalosid IV và calycosin-7-glucosid ở loài này và các yếu tố sinh thái. Sau đó, chúng tôi có thể xác định vùng sinh thái phù hợp cho dược liệu A. membranaceus var. mongholicus chất lượng cao ở Nội Mông, Trung Quốc. Kết quả cho thấy độ lệch chuẩn của sự thay đổi nhiệt độ theo mùa (40,6%), lượng mưa trong tháng 10 (15,7%), loại thực vật (14,3%), loại đất (9,2%) và thời gian chiếu sáng trung bình trong mùa sinh trưởng (9,1%) là các yếu tố quan trọng nhất trong số 17 yếu tố sinh thái chính ảnh hưởng đến sự phân bố của A. membranaceus var. mongholicus. Sự thay đổi theo mùa về nhiệt độ, lượng mưa vào tháng 10, lượng mưa vào tháng 4, độ pH của đất và thời gian chiếu sáng trung bình được phát hiện là các yếu tố sinh thái quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tích luỹ astragalosid IV và calycosin-7-glucosid trong A. membranaceus var. mongholicus. Các vùng có chất lượng cao nhất của A. membranaceus var. mongholicus được phân bố ở Baotou (Guyang County), Hohhot (Wuchuan), trung tâm Wulanchabu (Chahar Right Middle Banner, Chahar Right Back Banner, Shangdu County) và vùng phụ cận ở Nội Mông. Baotou, Hohhot, và các khu vực phụ cận là những khu vực sản xuất truyền thống của A. membranaceus var. mongholicus, và trung tâm Wulanchabu là khu vực phân bố thích hợp tiềm năng của loài này. Các vùng trồng chính này phù hợp với vùng sản xuất thực tế của A. membranaceus var. mongholicus. Vì vậy, nghiên cứu này đưa ra cơ sở khoa học để định hướng cho việc phát triển trồng A. membranaceus var. mongholicus.
Nguyễn Trọng Chung, Phạm Văn Năm
(Nguồn tin: )