TT
BẢN TIN SỐ 4/2021
1.
KỸ THUẬT TẠO GIỌT NANO KIỂU EXOSOM CÓ NGUỒN GỐC TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) CÓ KHẢ NĂNG ỨC CHẾ SỰ TĂNG SINH TẾ BÁO UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO GAN VỚI ĐỘ AN TOÀN TỐT HƠN
Lei Zhang và cs.
International Journal of Nanomedicine 2021 Feb 26;16:1575-1586
Cơ sở: Exosom là túi sinh học ngoại bào được các tế bào sống trong cơ thể tiết ra. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các giọt nano tương tự exosom (exosome-like nanovesicles, ELNV) có nguồn gốc từ trái cây và rau củ tham gia vào các quá trình tái tạo mô và điều hòa chức năng chống lại các bệnh gây ra do viêm hoặc ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu về ELNV có nguồn gốc từ dược liệu vẫn còn rất ít.
Phương pháp: ELNV từ cây thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr. (ACNV)) được tách chiết và đánh giá tác dụng. Khả năng gây độc tế bào, chống tăng sinh và gây chết theo chương trình (apoptosis) của ACNV trên dòng tế bào ung thư biểu mô gan đã được đánh giá. Cơ chế nhập bào của ACNV được đánh giá trên dòng tế bào HepG2 khi có mặt của các chất ức chế nhập bào khác nhau. Sự phân bố của ACNV trong cơ thể được phát hiện trên chuột nhắt khỏe mạnh và chuột mang khối u sau khi đã ức chế các receptor dọn dẹp. Kỹ thuật PEG của ACNV đạt được thông qua quá trình tối ưu hóa các thông số dược động học. Tác dụng chống ung thư và độc tính in vivo được đánh giá trong mô hình ghép ngoại lai tế bào Hep G2.
Kết quả: ACNV được tách chiết và tinh chế bằng cách sử dụng các phương pháp ly tâm khác nhau kết hợp với siêu ly tâm gradient sucrose. ACNC đã tối ưu hóa có kích thước trung bình là 119 nm và có cấu trúc nano hình cốc điển hình chứa lipid, protein và RNA. ACNV có khả năng ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư một cách đặc hiệu thông qua con đường cảm ứng apoptosis. ACNV có thể xâm nhập vào bên trong các tế bào khối u chủ yếu thông qua quá trình thực bào, nhưng chúng nhanh chóng bị thanh thải sau khi vào máu.Việc ức chế các receptor dọn dẹp hoặc PEG hóa kéo dài thêm thời gian tuần hoàn trong máu và tăng cường sự tích lũy của ACNV trong các khối u. Kết quả trên khối u in vivo cho thấy PEG hóa ACNV có thể ức chế đáng kể sự tăng trưởng của khối u mà không gây nên tác dụng bất lợi.
Kết luận: Nghiên cứu này cung cấp một công thức nano đầy hứa hẹn có nguồn gốc từ cây thiên môn đông có thể được sử dụng trong điều trị ung thư với tác dụng bất lợi không đáng kể.
Trần Thị Hồng Vân, Lê Văn Minh, Đào Nguyễn Như Quỳnh
2.
CAO CHIẾT THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) CẢI THIỆN TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM MÃN KINH TRÊN CHUỘT CỐNG BỊ CẮT BUỒNG TRỨNG BỊ STRESS NHẸ TRƯỜNG DIỄN KHÔNG DỰ ĐOÁN
Hye Ryeong Kim và cs.
BMC Complementary Medicine and Therapies (2020) 20:325
Tổng quan: Trầm cảm là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng và phổ biến thường ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ hơn nam giới. Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của phụ nữ tăng dần theo tuổi và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn có liên quan đến giai đoạn tiền mãn kinh. Ở đây, chúng tôi đã đánh giá tác dụng chống trầm cảm của cao chiết thiên môn đông (AC) và nghiên cứu các cơ chế trong mô hình trầm cảm ở chuột mãn kinh.
Phương pháp: Để xây dựng mô hình chứng trầm cảm thời kỳ mãn kinh này, chúng tôi đã gây ra trạng thái giống như mãn kinh ở chuột cống trắng thông qua phẫu thuật cắt buồng trứng và gây stress nhẹ không dự đoán trường diễn (chronic unpredictable mild stress, CUMS) cho chuột trong 6 tuần, để tạo ra các triệu chứng giống như trầm cảm. Trong 4 tuần cuối cùng của CUMS, chuột được điều trị bằng cao chiết AC với 2 liều đã được báo cáo là có tác dụng chống trầm cảm (1000 và 2000 mg /kg, đường uống), hoặc với thuốc chống trầm cảm ba vòng imipramin (10 mg/kg, tiêm phúc mạc).
Kết quả: CUMS làm gia tăng sự phát triển của hành vi giống trầm cảm và làm tăng đáng kể nồng độ corticosteron và cytokin gây viêm trong huyết thanh của chuột bị cắt bỏ buồng trứng (OVX). Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng CUMS làm giảm biểu hiện của yếu tố dinh dưỡng thần kinh ở não (brain-derived neurotrophic factor, BDNF) và thụ thể chính của nó, thụ thể tropomyosin kinase B (TrkB) ở chuột OVX và điều trị bằng dịch chiết AC giúp cải thiện cả mức độ biểu hiện BDNF và TrkB.
Kết luận: Những kết quả này cho thấy chiết xuất AC có tác dụng chống trầm cảm, có thể thông qua việc điều chỉnh con đường BDNF-TrkB trong mô hình chuột bị trầm cảm thời kỳ mãn kinh.
Lý Hải Triều, Nguyễn Lan Chi, Đinh Thị Minh
3.
ĐÁP ỨNG CHỐNG VIÊM VÀ ĐIỀU HÒA HỆ MUSCARINIC CHOLINERIC TRONG TÁC DỤNG NHUẬN TRÀNG CỦA THIÊN ĐÔNG MÔN (ASPARAGUS COCHINCHINESIS) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT CỐNG SD BỊ GÂY TÁO BÓN BẰNG LOPERAMID
Ji Eun Kim và cs.
International Journal of Molecular Sciences 2019 Feb 21;20(4):946
Một số loại saponin và dược liệu chứa saponin đã được báo cáo có hoạt tính chống viêm hoặc nhuận tràng. Để xác minh tác dụng điều trị của các dịch chiết giàu saponin của thiên môn đông (SPA) trên các phản ứng chống viêm và điều hòa thần kinh đối giao cảm trong hệ tiêu hóa, các thay đổi về kiểu táo bón, phản ứng viêm và điều hòa hệ cholinergic muscarinic đã được nghiên cứu ở ruột kết ngang của chuột cống Sprague Dawley (SD) bị gây táo bón bằng loperamid (Lop) sau khi điều trị bằng SPA. Sự gia tăng đáng kể được quan sát trên tổng lượng phân, nhu động đường tiêu hóa, độ dày của lớp niêm mạc, độ phẳng bề mặt lumen, số lượng tế bào paneth và giọt lipid trong nhóm điều trị (Lop + SPA) so với nhóm chứng bệnh (Lop + dung môi). Việc điều trị với SPA dẫn đến sự phục hồi của các cytokin gây viêm (TNF-α, IL-1β và IL-6), các chất trung gian gây viêm (NF-κB và iNOS), tổng số tế bào dưỡng bào xâm nhập và sự tiết chất nhầy. Bên cạnh đó, một số cải thiện tương tự đã được quan sát thấy về mức độ hoạt động của acetylcholin esterase (AChE) và sự phosphoryl hóa của chuỗi nhẹ myosin (MLC) cũng như sự biểu hiện của thụ thể muscarinic acetylcholin M2/M3 (mAChR M2/M3) và các chất trung gian của chúng. Các kết quả được trình bày trong bài nghiên cứu này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ đầu tiên rằng SPA kích thích các đáp ứng chống viêm và điều hòa hệ đối giao cảm muscarinic khi thể hiện tác dụng nhuận tràng trong mô hình táo bón mạn tính gây bởi loperamid.
Lê Văn Minh, Lê Thị Kim Oanh, Trần Thị Hồng Vân
4.
BỐN ACID AMIN LÀM DẤU ẤN SINH HỌC HUYẾT THANH CHO TÁC DỤNG CHỐNG HEN SUYỄN CỦA DỊCH CHIẾT THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT NHẮT TRẮNG BỊ HEN SUYỄN GÂY BỞI OVALBUMIN
Jun Young Choi và cs.
Laboratory Animal Research 2019;35:32
Dịch chiết butanol của rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) được lên men với Weissella cibaria (BAW) có hiệu quả ngăn ngừa viêm và tái tạo đường thở trong mô hình hen suyễn do ovalbumin (OVA) gây ra. Để lựa chọn biomarker dự đoán tác dụng chống hen suyễn của BAW, chúng tôi đo sự thay đổi của các chất chuyển hóa nội sinh trong huyết thanh của chuột nhắt trắng bị hen suyễn do OVA gây ra sau khi dùng BAW liều thấp (BAWLo, 250 mg/kg) và BAW liều cao (BAWHi, 500 mg/kg) sử dụng dữ liệu phổ cộng hưởng từ hạt nhân proton H1-NMR. Số lượng tế bào miễn dịch và nồng độ IgE trong huyết thanh cũng như độ dày của biểu mô đường hô hấp và sự xâm nhập của các tế bào viêm trong đường thở được cải thiện đáng kể ở nhóm điều trị bằng BAW (OVA + BAW) so với nhóm chứng bệnh (OVA + dung môi). Kết quả phân tích dữ liệu chất chuyển hóa trong huyết thanh cho thấy có sự khác biệt hoàn toàn giữa nhóm điều trị bằng BAW so với nhóm chứng bệnh. Trong tổng số các chất chuyển hóa nội sinh, 19 chất chuyển hóa được điều hòa tăng hoặc giảm ở nhóm chứng bệnh so với nhóm chứng sinh lý. Tuy nhiên, chỉ có 4 acid amin (alanin, glycin, methionin và tryptophan) được phục hồi đáng kể sau khi điều trị bằng BAW liều thấp và liều cao. Nghiên cứu này cung cấp những kết quả đầu tiên liên quan đến những thay đổi về chuyển hóa ở mô hình chuột hen suyễn được điều trị bằng BAW. Ngoài ra, những phát hiện này cho thấy 4 chất chuyển hóa này có thể được sử dụng như một trong những biomarker để dự đoán tác dụng chống hen suyễn.
Lê Văn Minh, Lý Hải Triều, Trần Nguyên Hồng, Lê Thị Loan
5.
DỊCH CHIẾT GIÀU SAPONIN CỦA THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) LÀM GIẢM VIÊM VÀ TÁI TẠO ĐƯỜNG THỞ TRONG MÔ HÌNH HEN SUYỄN GÂY BỞI OVALBUMIN
Ji-Eun Sung và cs.
International Journal of Molecular Medicine 2017 Nov; 40(5): 1365–1376
Hen suyễn là một bệnh viêm mãn tính đặc trưng bởi sự thâm nhiễm của tế bào lympho T và bạch cầu ái toan, sản xuất quá mức chất nhầy và tăng phản ứng đường thở. Nghiên cứu này đã kiểm tra tác dụng điều trị và cơ chế tác dụng của dịch chiết giàu saponin từ cây thiên môn đông (SEAC) đối với tình trạng viêm và tái tạo đường hô hấp trong mô hình hen suyễn gây bởi ovalbumin (OVA). Để đạt được điều này, các thay đổi của nồng độ nitric oxid (NO), mức độ biểu hiện của inducible nitric oxide synthase (iNOS) và cyclooxygenase-2 (COX-2), cũng như các biến số về số lượng tế bào miễn dịch, nồng độ immunoglobulin E (IgE), cấu trúc mô bệnh học và nồng độ các cytokin gây viêm được đo trong tế bào RAW264.7 được kích hoạt bởi lipopolysaccharid (LPS) hoặc trong mô hình chuột hen suyễn gây bởi OVA được điều trị bằng SEAC. Nồng độ NO và mRNA của COX-2 và iNOS đã giảm đáng kể trong các tế bào RAW264.7 được xử lý SEAC + LPS so với các tế bào RAW264.7 được xử lý bằng dung môi + LPS. Ngoài ra, trong mô hình hen suyễn gây bởi OVA, số lượng tế bào miễn dịch trong dịch rửa phế quản-phế nang, nồng độ IgE đặc hiệu với OVA, sự xâm nhập của các tế bào viêm, độ dày của phế quản và nồng độ của chất trung gian gây viêm interleukin-4 (IL-4), IL-13 và COX-2 thấp hơn đáng kể ở nhóm điều trị (OVA + SEAC) so với nhóm chứng bệnh (OVA + dung môi). Thêm vào đó, một sự giảm đáng kể sự tăng sản tế bào goblet (tế bào tiết hình trụ trong biểu mô của đường hô hấp), độ dày lớp collagen ở quanh phế quản và biểu hiện VEGF để tái tạo đường thở đã được ghi nhận ở nhóm điều trị so với nhóm chứng bệnh. Những phát hiện này chỉ ra rằng SEAC là một chất ức chế viêm và tái tạo đường hô hấp, và do đó có thể hữu ích như một loại thuốc chống viêm trong điều trị hen suyễn.
Lê Văn Minh, Lý Hải Triều
6.
ĐỘC TÍNH TRÊN GAN VÀ THẬN CỦA DỊCH CHIẾT GIÀU SAPONIN CỦA THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) TRÊN CHUỘT NHẮT TRẮNG ICR
Ji Eun Sung và cs.
Laboratory Animal Research 2017 Jun;33(2):57-67
Các tác dụng ức chế của thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) chống lại phản ứng viêm gây ra bởi lipopolysaccharid (LPS), chất P và phthalic anhydrid (PA) đã được báo cáo gần đây đối với một số dòng tế bào và mô hình động vật. Để đánh giá độc tính trên gan và trên thận của thiên môn đông đối với gan và thận của chuột nhắt trắng ICR, những thay đổi trong các dấu hiệu liên quan bao gồm trọng lượng cơ thể, trọng lượng cơ quan, thành phần nước tiểu, bệnh lý gan và bệnh lý thận đã được phân tích ở chuột ICR đực và cái sau khi uống các liều 150, 300 và 600 mg/kg thể trọng/ngày dịch chiết giàu saponin của thiên môn đông (saponin-enriched extract of A. Cochinchinensis: SEAC) trong 14 ngày. Hàm lượng saponin, flavonoid tổng và phenol tổng được tìm thấy lần lượt là 57,2, 88,5 và 102,1 mg/g trong SEAC, và hoạt tính dọn gốc tự do của SEAC tăng dần phụ thuộc vào liều lượng. Trọng lượng cơ thể và nội tạng, kiểu hình lâm sàng, các thông số nước tiểu và tỷ lệ tử vong của chuột không có sự khác biệt giữa nhóm chứng dung môi và nhóm được điều trị bằng SEAC. Ngoài ra, các thông số như alkalin phosphatase (ALP), alanin aminotransferase (ALT), aspartat aminotransferase (AST), lactat dehydrogenase (LDH), nitơ urê máu (BUN) và creatinin huyết thanh (Cr) không có sự khác biệt giữa nhóm chứng dung môi và nhóm được điều trị bằng SEAC. Hơn nữa, các đặc điểm bệnh học đặc trưng gây bởi hầu hết các hợp chất độc hại không được ghi nhận qua phân tích mô học gan và thận. Nhìn chung, các kết quả của nghiên cứu này cho thấy SEAC không gây ra bất kỳ độc tính cụ thể nào trên gan và thận của chuột ICR đực và cái ở liều uống 600 mg/kg thể trọng/ngày.
7.
TÁC DỤNG KHÁNG VIÊM CỦA RỄ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) ĐƯỢC LÊN MEN TRÊN MÔ HÌNH HEN SUYỄN GÂY BỞI OVALBUMIN
Journal of Clinical Medicine 2018 Oct; 7(10):377
Giới thiệu: Rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) có các thành phần có tác dụng dược lý rất được chú ý do thể hiện tác dụng điều trị tốt đối với các bệnh lý viêm nhiễm khác nhau mà không có độc tính đặc hiệu. Nghiên cứu này đã khảo sát tác dụng chống hen suyễn của dịch chiết butanol từ rễ cây thiên môn đông đã được lên men với Weissella cibaria (BAW) và cơ chế điều hòa thần kinh đối giao cảm. Phương pháp: Sự thay đổi của các marker chống hen và các yếu tố đáp ứng phân tử được đo trong mô hình hen suyễn do ovalbumin (OVA) gây ra sau khi điều trị bằng BAW. Kết quả: Điều trị bằng BAW làm giảm sản sinh các gốc oxy hoạt động nội bào (ROS) trong tế bào RAW264.7 được hoạt hóa bởi lipopolysaccharid (LPS). Kết quả thí nghiệm trên động vật cho thấy sự xâm nhập của tế bào viêm và độ dày phế quản thấp hơn, đồng thời giảm đáng kể số lượng đại thực bào và bạch cầu ái toan, nồng độ IgE đặc hiệu OVA và biểu hiện của cytokine Th2 trong nhóm điều trị (OVA + BAW). Ngoài ra, sự phục hồi đáng kể của tăng sản tế bào goblet, biểu hiện MMP-9 và đường truyền tín hiệu VEGF đã được quan sát khi tái tạo đường thở ở nhóm điều trị. Hơn nữa, những phản ứng này của BAW có liên quan đến việc phục hồi hoạt động của acetylcholin esterase (AChE) và đường truyền tín hiệu xuôi dòng của thụ thể acetylcholin muscarin (mAChR) M3 trong tế bào biểu mô, tế bào cơ trơn và dây thần kinh cảm giác hướng tâm của chuột được điều trị bằng BAW. Kết luận: Nhìn chung, những phát hiện đầu tiên này cung cấp bằng chứng rằng tác dụng điều trị của BAW có thể ngăn ngừa viêm và tái tạo đường hô hấp thông qua việc phục hồi điều hòa thần kinh đối giao cảm trong các tế bào cấu trúc và tế bào viêm của mô hình hen suyễn mạn.
8.
DỊCH CHIẾT BUTANOL CỦA THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) LÊN MEN VỚI WEISSELLA CIBARIA ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG CẢM ỨNG COX-2 QUA TRUNG GIAN INOS VÀ CÁC CYTOKIN GÂY VIÊM TRONG TẾ BÀO ĐẠI THỰC BÀO RAW264.7 ĐƯỢC KÍCH THÍCH BỞI LPS
Hyun Ah Lee và cs.
Experimental and Therapeutic Medicine 2017 Nov;14(5):4986-4994
Rễ của cây thiên môn đông (Asparagus cochinchinesis) đã được sử dụng rộng rãi để điều trị sốt, ho, bệnh thận, ung thư vú, bệnh viêm và bệnh não, mặc dù tác dụng của các sản phẩm lên men của thiên môn đông cho đến nay vẫn chưa được đánh giá. Để nghiên cứu tác dụng chống viêm trên các đại thực bào của dịch chiết butanol từ rễ thiên môn đông lên men với Weissella cibaria (BAW), những thay đổi trong con đường cảm ứng cyclooxygenase-2 (COX-2) qua trung gian iNOS và sự biểu hiện của các cytokin gây viêm được đo trong các tế bào RAW264.7 được kích hoạt bởi lipopolysaccharid (LPS) sau khi tiền xử lý với BAW. W. cibaria được chọn từ hai chủng vi khuẩn để lên men rễ thiên môn đông dựa trên tốc độ ức chế hyaluronidase và NO. Sau khi lên men với W. cibaria, hàm lượng của các thành phần chính khác nhau bao gồm phenol tổng và protodioscin đã tăng đáng kể trong BAW. Ngoài ra, BAW thể hiện hoạt tính quét gốc tự do cao (IC50 = 31,62 µg/ml) và gây ra sự giảm sản xuất ROS nội bào trong các tế bào RAW264.7 sau khi nhuộm DCFH-DA. BAW ức chế đáng kể mức độ biểu hiện của các yếu tố quan trọng của con đường cảm ứng COX-2 qua trung gian iNOS và quá trình phosphoryl hóa của các thành viên protein kinase được kích hoạt bởi mitogen. Sự biểu hiện của các cytokine tiền viêm và chống viêm đã được phục hồi trong các tế bào RAW264.7 được tiền xử lý với BAW. Nhìn chung, những kết quả này cho thấy BAW có thể ngăn chặn các phản ứng viêm thông qua sự điều hòa khác nhau con đường cảm ứng COX-2 qua trung gian iNOS và các biểu hiện cytokin gây viêm trong các tế bào RAW264.7 được kích hoạt bởi LPS.
9.
TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA CỦA CHỒI THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS (LOUR.) MERR.) TRONG MÔ HÌNH CHUỘT LÃO HÓA GÂY BỞI D-GALACTOSE VÀ IN VITRO
Linghua Lei và cs.
Journal of the Chinese Medical Association 2016 Apr;79(4):205-211
Cơ sở: Ngày càng có nhiều thành phần và chiết xuất từ thực vật đã được chứng minh có tác dụng hữu ích đối với sức khỏe con người. Chúng tôi nhằm mục đích khám phá tác dụng chống oxy hóa của chiết xuất nước từ chồi thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.) in vivo và in vitro.
Phương pháp: Tổng số 80 con chuột Kun Ming được chia ngẫu nhiên thành bốn nhóm (20 con/nhóm). Những con chuột trong nhóm đối chứng được tiêm nước muối sinh lý dưới da hàng ngày. Tiêm D-galactose hàng ngày được thực hiện cho nhóm mô hình lão hóa, nhóm vitamin C (Vc) (nhóm đối chứng dương) và nhóm điều trị với dịch chiết thiên môn đông. Xác định thường xuyên các tế bào máu, định lượng nitric oxid synthase (NOS), hoạt động của catalase (CAT), superoxid dismutase (SOD), nitric oxid (NO), nồng độ malondialdehyd (MDA), và sự biểu hiện của NOS, SOD và glutathion peroxidase (GPX) trong huyết thanh. Ngoài ra, cấu trúc vi mô của nội tạng chuột được quan sát bằng cách nhuộm hematoxylin và eosin.
Kết quả: Dịch chiết nước của thiên môn đông có khả năng quét gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl 2,2-diphenyl-1-(2,4,6-trinitrophenyl) hydrazyl (DPPH·) [hoặc 2,2'-azino-bis (acid 3-ethylbenzothiazoline-6 -sulfonic) (ABTS+)] tương tự vitamin C và khả năng quét các gốc hydroxyl (hoặc gốc superoxid; p<0,05) cao hơn vitamin C. Hơn nữa, so với nhóm mô hình lão hóa, dịch chiết nước của chồi thiên môn đông làm tăng rõ hoạt động NOS, CAT và SOD và hàm lượng NO, và làm giảm hàm lượng MDA (p<0,05). Ngoài ra, cấu trúc vi mô của nội tạng chuột được cải thiện rõ ràng và sự biểu hiện của NOS, SOD và GPX cũng tăng lên rõ ràng trong nhóm điều trị (p<0,05).
Kết luận: Dịch chiết nước của chồi thiên môn đông có khả năng dọn gốc tự do mạnh in vivo và in vitro, và có thể được sử dụng để làm giảm các gốc tự do trong cơ thể và do đó ngăn ngừa lão hóa.
10.
METHYL PROTODIOSCIN TỪ RỄ THIÊN MÔN ĐÔNG ASPARAGUS COCHINCHINENSIS LÀM GIẢM VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP BẰNG CÁCH ỨC CHẾ SẢN XUẤT CYTOKIN
Ju Hee Lee và cs.
Evidence-based Complementary and Alternative Medicine 2015;2015:640846
Nghiên cứu này được thiết kế để tìm ra hợp chất có tác dụng dược lý chống lại chứng viêm đường hô hấp từ rễ của cây thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis). Dịch chiết ethanol 70% của rễ thiên môn đông (ACE) có tác dụng ức chế sản xuất IL-6 từ các tế bào biểu mô phổi (A549) được xử lý với IL-1β và hoạt chất chính, methyl protodioscin (MP), cũng ức chế mạnh sản xuất IL-6, IL-8 và yếu tố hoại tử khối u- (TNF-) α từ tế bào A549 ở nồng độ 10–100 μM. Tác động điều hòa giảm sản xuất cytokin tiền viêm này được phát hiện qua trung gian ức chế c-Jun N-terminal kinase (JNK) và con đường hoạt hóa c-Jun. Khi được khảo sát tác dụng trên mô hình in vivo về tình trạng viêm đường thở gây bởi tổn thương phổi cấp tính bằng lipopolysaccharide (LPS) ở chuột, ACE và MP điều trị bằng đường uống với liều tương ứng 100-400 mg/kg và 30–60 mg/kg ức chế đáng kể sự xâm nhập tế bào trong dịch rửa phế quản-phế nang. MP cũng ức chế sản xuất các cytokin tiền viêm như IL-6, TNF-α và IL-1β trong mô phổi. Tất cả những phát hiện này cung cấp bằng chứng khoa học về vai trò của thiên môn đông như một phương thuốc thảo dược trong điều trị viêm đường thở và cũng cho thấy giá trị trị liệu của MP đối với các rối loạn viêm đường hô hấp.
11.
THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) KÍCH THÍCH GIẢI PHÓNG YẾU TỐ TĂNG TRƯỞNG THẦN KINH VÀ GIẢM STRESS OXY HÓA TRONG MÔ HÌNH TG2576 ĐỐI VỚI BỆNH ALZHEIMER
BMC Complementary and Alternative Medicine 2018 Apr 6;18(1):125
Cơ sở: Sử dụng các loại thuốc đa chức năng với hoạt động hỗ trợ dưỡng thần kinh và ức chế stress oxy hóa có thể được coi là một chiến lược điều trị để bảo vệ hoặc sửa chữa tổn thương tế bào gây ra trong quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer (AD). Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã khảo sát tác dụng điều trị của dịch chiết nước từ rễ thiên môn đông (A. cochinchinesis) (AEAC), đặc biệt là vai trò của nó như một chất kích thích yếu tố tăng trưởng thần kinh (NGF) và chống oxy hóa ở chuột Tg2576 biểu hiện kiểu hình AD của người.
Phương pháp: Những con chuột Alzheimer Tg2576 được điều trị với AEAC liều uống 100 mg/kg/ngày, trong khi những con chuột trong nhóm chứng dung môi được uống dH2O trong 4 tuần. Những con cùng lứa không Tg được sử dụng như một nhóm đối chứng. Sau khi điều trị AEAC trong 4 tuần, chức năng NGF, tình trạng chống oxy hóa, mức độ peptid Aβ-42, biểu hiện γ-secretase và các chức năng tế bào thần kinh đã được phân tích trong não của chuột Tg2576.
Kết quả: AEAC chứa flavonoid, phenol, saponin và protodioscin làm tăng tiết NGF và giảm ROS nội bào trên dòng tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm. Những tác dụng này này cũng như mức độ SOD được nâng cao cũng được phát hiện ở những con chuột Tg2576 được điều trị bằng AEAC. Sự biểu hiện của p-Akt trong số các effector cùng hướng của thụ thể NGF ái lực cao đã được phục hồi đáng kể ở những con chuột Tg2576 được điều trị bằng AEAC, trong khi sự biểu hiện của p75NTR được phục hồi nhẹ ở cùng một nhóm. Sự phục hồi đáng kể về mức độ peptid Aβ-42 và sự biểu hiện của các thành viên γ-secretase bao gồm PS-2, APH-1 và NCT đã được phát hiện ở chuột Tg2576 được điều trị bằng AEAC. Hơn nữa, những con chuột Tg2576 được điều trị bằng AEAC cho thấy số lượng tế bào chết giảm và ức chế hoạt động của acetylcholin esterase (AChE).
Kết luận: Những kết quả này cho thấy AEAC góp phần cải thiện sự lắng đọng peptid Aβ-42 và tổn thương tế bào thần kinh trong giai đoạn tiến triển bệnh lý của AD trong não của chuột Tg2576 thông qua việc tăng tiết NGF và ức chế stress oxy hóa.
Lý Hải Triều, Nguyễn Thành Nam
12.
DỊCH CHIẾT NƯỚC TỪ RỄ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS (LOUR.) MERR.) CÓ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA Ở CHUỘT LÃO HÓA DO D-GALACTOSE GÂY RA
BMC Complementary and Alternative Medicine 2017 Sep 25; 17(1):469
Cơ sở: Các dịch chiết thực vật được coi là nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa tự nhiên. Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhằm mục đích khám phá khả năng chống oxy hóa của dịch chiết nước từ rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.).
Phương pháp: Sử dụng vitamin C (Vc) như một đối chứng dương, chúng tôi phân tích khả năng bắt gốc tự do in vitro của dịch chiết nước từ rễ thiên môn đông. Chúng tôi cũng đã thiết lập một mô hình chuột lão hóa bằng cách sử dụng D-galactose và sau đó điều trị bằng dịch chiết nước từ rễ thiên môn đông hoặc Vc. Số lượng tế bào máu và hoạt động của superoxid dismutase (SOD), catalase (CAT) và nitric oxid synthase (NOS) cũng như hàm lượng malondialdehyd (MDA) và nitric oxid (NO) được đo; khảo sát mô bệnh học; và mức độ biểu hiện của SOD, glutathion peroxidase (GPX) và NOS trong huyết thanh, mô gan và mô não đã được nghiên cứu.
Kết quả: In vitro, dịch chiết nước từ rễ thiên môn đông thể hiện hoạt tính bắt gốc tự do 1,1-Diphenyl-2-picrylhydrazyl và 3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic tương tự chất chống oxy hóa vitamin C và thậm chí còn làm tăng hoạt tính bắt gốc anion superoxid (p<0,05) và gốc hydroxyl (p<0,01) mạnh hơn vitamin C. Dịch chiết nước làm tăng đáng kể số lượng bạch cầu cũng như tăng cường hoạt động SOD, CAT và NOS (p<0,01) ở chuột lão hóa. Ngoài ra, dịch chiết nước cũng làm tăng hàm lượng NO (p<0,05) và giảm hàm lượng MDA (p<0,05).
Kết luận: Dịch chiết nước từ rễ cây thiên môn đông có khả năng chống oxy hóa mạnh như vitamin C và có thể ngăn ngừa lão hóa bởi hoạt tính khử các gốc tự do.
Lê Văn Minh, Nguyễn Như Mụi
13.
SỰ PHỤ THUỘC LIỀU VÀ ĐỘ BỀN TRONG HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ CỦA DỊCH CHIẾT LÊN MEN TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) TRONG MÔ HÌNH HEN SUYỄN GÂY RA BỞI OVALBUMIN
Laboratory Animal Research 2018 Sep; 34(3): 101-110
Dịch chiết butanol của rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) lên men với Weissella cibaria (BAfW) đã làm giảm đáng kể phản ứng viêm gây ra bởi lipopolysaccharid (LPS) trong các tế bào RAW264.7. Để khảo sát hiệu quả phụ thuộc liều và độ bền của BAfW trên tác dụng chống hen suyễn, những thay đổi trong các thông số chính được đo ở những con chuột Balb/c bị hen gây bởi ovalbumin (OVA) và được điều trị bằng các liều BAfW khác nhau tại ba thời điểm khảo sát khác nhau. Số lượng tế bào miễn dịch, nồng độ IgE đặc hiệu với OVA, độ dày của biểu mô hô hấp và điểm số chất nhầy giảm đáng kể theo cách phụ thuộc vào liều lượng trong đáp ứng điều trị với các liều từ 125 mg/kg đến 500 mg/kg BAfW (P<0,05), mặc dù tác dụng cao nhất được phát hiện ở nhóm BAfW liều 500 mg/kg. Hơn nữa, sự giảm các thông số này được duy trì từ 24 giờ đến 48 giờ ở nhóm được điều trị BAfW liều 500 mg/kg. Ở 72 giờ, ảnh hưởng của BAfW lên số lượng tế bào miễn dịch, nồng độ IgE đặc hiệu OVA và độ dày của biểu mô hô hấp đã biến mất một phần. Nhìn chung, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy tác dụng chống hen suyễn của BAfW có thể đạt đến mức tối đa ở những con chuột Balb/c bị hen gây bởi OVA được điều trị với liều 500 mg/kg và những tác dụng này có thể kéo dài trong 48 giờ.
Lý Hải Triều, Giang Thị Trà My
14.
DỊCH CHIẾT ETHYL ACETAT TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) CÓ TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM TRONG CÁC TẾ BÀO ĐẠI THỰC BÀO RAW264.7 ĐƯỢC KÍCH THÍCH BỞI LPS BẰNG CÁCH ĐIỀU HÒA BIỂU HIỆN COX-2/INOS, CYTOKIN GÂY VIÊM, CON ĐƯỜNG MAP KINASE, CHU KỲ TẾ BÀO VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA
Molecular Medicine Reports 2017 Apr;15(4):1613-1623
Thiên môn đông (Asparagus cochinchinesis) là một loại dược liệu truyền thống được dùng trong điều trị sốt, ho, bệnh thận, ung thư vú, viêm, hoặc các bệnh về não ở các nước phía đông Bắc Á. Mặc dù rất nhiều nghiên cứu về khả năng kháng viêm của thiên môn đông đã được thực hiện, nhưng cơ chế cơ bản của những tác dụng này trên đại thực bào vẫn chưa được chứng minh. Để khảo sát cơ chế tác động ức chế phản ứng viêm ở đại thực bào, sự thay đổi nồng độ nitric oxid (NO), khả năng sống của tế bào, enzym tổng hợp nitric oxid cảm ứng (iNOS) và mức độ biểu hiện cyclooxygenase–2 (COX-2), biểu hiện của cytokin gây viêm, con đường truyền tín hiệu kích hoạt protein kinase (MAPK), bắt giữ chu kỳ tế bào và nồng độ các gốc oxy phản ứng (ROS) được đo trong các tế bào RAW264.7 được kích thích bởi lipopolysaccharid (LPS) và được xử lý với dịch chiết ethyl acetat từ rễ thiên môn đông (EeEAC). Tế bào RAW264.7 được tiền xử lý với hai nồng độ khác nhau của EeEAC trước khi xử lý với LPS không thể hiện độc tính đáng kể. Nồng độ NO giảm rõ rệt ở nhóm điều trị (EeEAC + LPS) khi so sánh với nhóm đối chứng (dung môi + LPS). Sự giảm sút tương tự trong mức độ phiên mã mRNA của COX-2, iNOS, các cytokin tiền viêm [yếu tố hoại tử khối u – α (TNF-α) và interleukin (IL)-1β] và các cytokin kháng viêm (IL-6 và IL-10) được phát hiện trong nhóm điều trị khi so sánh với nhóm đối chứng, mặc dù tỷ lệ giảm khác nhau. Sự gia tăng phosphoryl hóa của các thành viên trong họ MAPK sau khi tế bào được xử lý với LPS được khắc phục một phần ở nhóm được tiền xử lý với EeEAC và chu kỳ tế bào bị bắt giữ ở pha G2/M. Hơn nữa, nhóm được tiền xử lý với EeEAC thể hiện mức độ sản sinh ROS giảm so với nhóm đối chứng. Tổng hợp lại, các kết quả cho thấy rằng EeEAC ngăn chặn các phản ứng viêm thông qua việc ức chế sự sản sinh NO, biểu hiện COX-2 và sản xuất ROS, cũng như điều hòa sự khác biệt của các cytokin gây viêm và chu kỳ tế bào trong tế bào RAW264.7. Ngoài ra, kết quả cung cấp một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng EeEAC có thể được xem như một ứng viên quan trọng trong điều trị các bệnh lý viêm đặc thù.
Lý Hải Triều, Cao Thái Bảo Ngọc
15.
TÁC DỤNG ĐIỀU TRỊ CỦA DỊCH CHIẾT ETHYL ACETAT TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) TRÊN MÔ HÌNH VIÊM DA DO PHTHALIC ANHYDRID
Laboratory Animal Research 2016 Mar;32(1):34-45
Thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau bao gồm sốt, ho, bệnh thận, ung thư vú, bệnh viêm và bệnh não, trong khi cytokin IL-4 được coi là chất điều hòa chính sự hằng định nội môi của da và là khuynh hướng gây viêm da dị ứng. Tuy nhiên, cho đến nay rất ít nghiên cứu khảo sát tác động của thiên môn đông và mối tương quan của IL-4 đối với chứng viêm da. Để đánh giá định lượng tác dụng ức chế của dịch chiết ethyl acetat từ thiên môn đông (EaEAC) đối với chứng viêm da gây bởi phthalic anhydrid (PA) và khảo sát vai trò của IL-4 trong cơ chế tác động của EaEAC, sự thay đổi trong các dấu hiệu sinh học kiểu hình nói chung và các tín hiệu có nguồn gốc luciferase được đo trên chuột chuyển gen IL-4/Luc/CNS-1 (Tg) bị viêm da do PA gây ra sau khi điều trị với EaEAC trong 2 tuần. Các dấu hiệu kiểu hình chính bao gồm trọng lượng hạch bạch huyết, nồng độ immunoglobulin E (IgE), độ dày lớp biểu bì và số lượng tế bào dưỡng bào xâm nhiễm đã giảm đáng kể ở nhóm điều trị (PA + EaEAC) so với nhóm đối chứng (PA + dung môi). Ngoài ra, biểu hiện của IL-1β và TNF-α cũng giảm ở nhóm điều trị so với nhóm đối chứng. Hơn nữa, một sự giảm đáng kể trong tín hiệu luciferase có nguồn gốc từ promoter IL-4 được phát hiện ở vùng bụng, hạch bạch huyết dưới hàm và hạch bạch huyết mạc treo ruột của nhóm điều trị, so với nhóm đối chứng. Tổng hợp lại, những kết quả này cho thấy điều trị bằng EaEAC có thể cải thiện thành công tình trạng viêm da do PA gây ra ở chuột IL-4/Luc/CNS-1 Tg và cytokin IL-4 đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bằng EaEAC.
Lê Văn Minh, Lê Thị Kim Oanh
16.
MỘT HỢP CHẤT FRUCTAN DẠNG INULIN MỚI TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) VÀ NHỮNG TÁC DỤNG CÓ LỢI ĐỐI VỚI HỆ VI SINH VẬT ĐƯỜNG RUỘT NGƯỜI
Qili Sun và cs.
Carbohydrate Polymers Volume 247, 1 November 2020, 116761
Một fructan loại inulin tinh khiết tên ACNP (Asparagus cochinchinensis neutral polysaccharide: polysaccharid trung tính của thiên môn đông) với trọng lượng phân tử biểu kiến là 2690 Da đã được phân lập từ cây thiên môn đông bằng sắc ký trao đổi ion và sắc ký lọc gel. Các phân tích cấu trúc cho thấy ACNP có mạch chính được cấu tạo bởi các gốc 2,1-β-D-Fruf, kết thúc bằng liên kết 1 → 2 α- D – glucose. Đã đánh giá ảnh hưởng của ACNP lên hệ vi sinh vật đường ruột trên in vitro bằng cách lên men trong môi trường nuôi cấy có phân người. Kết quả cho thấy ACNP được tiêu hóa bởi hệ vi sinh vật đường ruột, đồng thời giá trị pH trong phân nuôi cấy ACNP giảm mạnh, trong khi tổng số các acid béo chuỗi ngắn, acid acetic, acid propionic, acid isovaleric và acid n-valeric đã tăng lên đáng kể. Hơn nữa, ACNP điều chỉnh thành phần hệ vi sinh vật trong phân bằng cách kích thích sự phát triển của các vi khuẩn Prevotella, Megamonas và Bifidobacterium đồng thời tiêu diệt vi khuẩn Haemophilus. Nói chung, các kết quả trên chỉ ra rằng ACNP điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột một cách có lợi, do đó gợi ý rằng ACNP có tiềm năng được sử dụng làm thực phẩm chức năng hoặc thuốc để cải thiện sức khỏe.
Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Hiệp
17.
SO SÁNH HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA DỊCH CHIẾT THIÊN MÔN ĐÔNG ASPARAGUS COCHINCHINENSIS (LOUR.) MERR. TRƯỚC VÀ SAU KHI LÊN MEN BẰNG ASPERGILLUS ORYZAE
Guey-Horng Wang và cs.
J Biosci Bioeng, 2019 Jan;127(1):59-65
Rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) (ACR) thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Trong nghiên cứu này, ACR đầu tiên được chiết xuất với 25% ethyl acetat (EA), tiếp theo sau đó dịch chiết được lên men bằng Aspergillus oryzae để tăng hoạt tính chống oxy hoá và đánh giá hoạt tính ức chế tyrosinase tiềm năng. Dịch chiết ACR trước và sau khi lên men với A. oryzae được phân tích và so sánh thông qua hoạt tính sinh lý, độc tính tế bào, hoạt tính ức chế tyrosinase và các tác dụng trên mức độ của yếu tố sản sinh melanin trong tế bào hắc tố biểu bì người (human epidermal melanocytes: HEM). Kết quả cho thấy hoạt tính sinh lý của dịch chiết lên men in vitro hoặc trong tế bào cao hơn đáng kể so với dịch chiết không lên men. Các giá trị IC50 đối với hoạt tính dọn gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazine, năng lực khử và hoạt tính ức chế tyrosinase in vitro lần lượt là 250,6 ± 32,5; 25,7 ± 3,5 và 50,6 ± 3,1 mg/L. Dịch chiết ACR lên men ức chế tyrosinase với melanin được tạo ra thấp trong tế bào hắc tố người tốt hơn so với dịch chiết không lên men. Cơ chế ức chế tổng hợp melanin của dịch chiết chưa lên men không có quan hệ với các protein liên quan đến sự tạo thành melanin được thử nghiệm. Tuy nhiên, cơ chế ức chế tổng hợp melanin của dịch chiết lên men có thể do sự ức chế hiệp đồng của các protein này. Do đó, dịch chiết ACR lên men với A.oryzae có thể được sử dụng để phát triển thành thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm.
Nguyễn Thị Lý, Lê Thị Loan
18.
CÁC PREGNAN GLYCOSID C21, C22 VÀ ĐỘC TÍNH TẾ BÀO CỦA CÁC SPRIOSTANOL STEROID C27 CHIẾT XUẤT TỪ CÂY THIÊN MÔN ĐÔNG (AXPARAGUS COCHINCHINESIS)
Guo-Lei Zhu 1 và cs.
https://doi.org/10.1016/j.steroids.2021.108874
Nghiên cứu hóa học ban đầu trên cao chiết MeOH 70% từ rễ cây thiên môn đông (Axparagus cochinchinesis) phân lập được 9 steroid. Hợp chất phân lập được gồm 4 hợp chất glycosid C21 mới (1-4) và 1 pregnan glycosid mới (5), và 4 spirostanol steroid C27 đã biết (6-9). Cấu trúc của các hợp chất này được xác định thông qua phân tích dữ liệu phổ và kết quả phân cắt bằng thuỷ phân. Hoạt tính độc tế bào của các hợp chất được đánh giá trên dòng tế bào Hela (tế bào ung thư cổ tử cung), và hợp chất 7 và 8 thể hiện hoạt tính ở mức trung bình với IC50 lần lượt là 35,5 và 39,6 μM.
Trần Nguyên Hồng
19.
PHÁT HIỆN NHANH VÀ NHẬN DẠNG CÁC SAPONIN STEROID TRONG RỄ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) BẰNG SẮC KÝ LỎNG HIỆU NĂNG CAO KẾT HỢP ION HÓA ĐIỆN TỬ VÀ PHỔ KHỐI THỜI GIAN BAY TỨ CỰC
Yun Linh và cs.,
Journal of Chromatographic Science, 2020, 58(5), 454–463
Rễ khô thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) từ lâu đã được dùng như một vị thuốc quan trọng trong Y học cổ truyền Trung Quốc. Các saponin steroid (SSs) được cho là các hoạt chất chính trong dược liệu này. Tuy nhiên, quá trình phân lập và xác định cấu trúc các saponin steroid này tốn khá nhiều thời gian và công sức. Chính vì vậy, việc phát triển các phương pháp mới để phân tách và nhận dạng các saponin steroid này thực sự cần thiết. Trong nghiên cứu này, một phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao kết hợp ion hóa điện tử và khối phổ thời gian bay tứ cực (HPLC-ESI-QTOF-MS/MS) được phát triển, sử dụng các ion tiền thân và ion mảnh để xác định các saponin steroid trong rễ thiên môn đông. Kết quả, 30 saponin steroid đã được phát hiện và nhận dạng, bao gồm 17 hợp chất tiềm năng mới. Đây là nghiên cứu có tính hệ thống đầu tiên về saponin steroid trong rễ thiên môn đông sử dụng phương pháp HPLC-ESI-QTOF-MS/MS.
Lê Thị Loan
20.
CÁC SAPONIN STEROID TỪ RỄ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS)
Guo-Lei ZHU và cs.
Chinese Journal of Natural Medicines, 2014 March, 12(3):213-217
Mục tiêu: Nghiên cứu thành phần hoá học của rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis, họ Asparagaceae).
Phương pháp: Các hợp chất được phân lập bằng phương pháp sắc ký với chất hấp phụ là Diaion HP20, silica gel và ODS, cấu trúc của chúng được được xác định bằng các phương pháp hóa học: HR-ESI-MS, 1D- và 2D-NMR.
Kết quả: 7 hợp chất được phân lập từ phân đoạn n-butanol của rễ thiên môn đông với cấu trúc đã được xác định là (25S)-26-O-β-D-glucopyranosyl-5β-furostan-3β, 22α, 26-triol-12-one-3-O-β-D-glucopyranosid (1), (25S)-26-O-β-D-glucopyranosyl-22α-methoxy-5β-furostan-3β, 26-diol-12-one-3-O-β-D-glucopyranosid (2), (25S)-26-O-β-D-glucopyranosyl-5β-furostan-3β, 22α, 26-triol (3), (25S)-26-O-β-D-glucopyranosyl-5β-furstan-3β, 22α, 26-triol-3-O-β-D-glucopyranosid (4), (25S)-26-O-β-D-glucopyranosyl-5β-furostan-3β, 22α, 26-triol-3-O-α-L-rhamnopyranosyl-(1, 4)-β-D-glucopyranosid (5), (25S)-5β-spirostan-3β-ol-3-O-α-L-rhamnopyranosid (6), and (25S)-5β-spirostan-3β-ol-3-O-β-D-glucopyranosid (7).
Kết luận: Hợp chất 1 và 2 là hai hợp chất mới thuộc nhóm saponin furostan.
Phùng Như Hoa
21.
HAI GLYCOSID NHÓM FUROSTAN MỚI TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS (LOUR.) MERR.)
Rui Jian và cs.
Journal of Chinese Pharmaceutical Sciences, 2013, 22: 201–204
Hai glycosid nhóm furostan mới gồm aspacochinosid L (1) và aspacochinosid M (2), được phân lập từ rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr). Cấu trúc của các glycosid này được xác định bằng các phương pháp hóa học và phân tích phổ NMR, bao gồm các phổ 1D NMR và 2D NMR mở rộng. Hợp chất 1 và 2 đã được nghiên cứu về hoạt tính chống viêm tế bào thần kinh trên các tế bào BV-2 được cảm ứng bởi LPS. Hợp chất 2 cho thấy tác dụng ức chế vừa phải đối với việc sản xuất NO trong các tế bào BV-2 được cảm ứng bởi LPS với giá trị IC50 là 32,26 μM.
22.
CÁC STEROID GLYCOSID MỚI TỪ RỄ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS)
Xu Pang và cs.
Journal of Asian Natural Products Research, 2021 Jan, 23(3): 205-126
Các saponin steroid là thành phần hoạt chất chính của cây thuốc cổ truyền thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis). Nghiên cứu về hóa thực vật rễ thiên môn đông đã thu được 9 glycosid steroid mới (1–9) và bảy đồng phân đã biết (10–16). Cấu trúc của các glycosid steroid này được thiết lập bằng các phân tích phổ cũng như các chứng cứ hóa học cần thiết.
23.
HAI ALKALOID TỪ LOÀI THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS)
Xing-Nuo Li và cs.
Chemistry of Natural Compounds, 2014 May, 50: 326–328
Nghiên cứu về hoá thực vật các dịch chiết từ rễ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) thu được một alkaloid khung andol dạng dimer mới là N-methyl-2,2′-ditryptamine (1) và một alkaloid β-carbolin đã biết là acid (–)-(1S,3S)-1-methyl-1,2,3,4-tetrahydro-β-carboline-3-carboxylic (2). Cấu trúc của các alkaloid này được thiết lập trên cơ sở dữ liệu phổ, đặc biệt bằng cách sử dụng 1D NMR và hàng loạt các tương tác tương quan 2D NMR (1H – 1H COZY, HSQC và HMBC).
Tạ Thị Thuỷ
24.
CÁC NORLIGNAN TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS)
Xing-Nuo L và cs.
Nat Prod Commun, 2012 Oct, 7(10):1357-8
Một norlignan glycosid mới được gọi là iso-agatharesinosid (2), và aglycon của nó là iso-agatharesinol (1), đã được phân lập từ phần rễ củ của loài thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis). Cấu trúc của chúng được thiết lập trên cơ sở dữ liệu phổ, đặc biệt bằng cách sử dụng 1D NMR và hàng loạt các tương tác tương quan 2D NMR (1H-1H COSY, HSQC, HMBC và ROESY).
25.
MỘT SAPONIN NHÓM FUROSTAN MỚI TỪ THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS)
Yang Shen và cs.
Archives of Pharmacal Research, 2011, 34: 1587–1591
Một saponin nhóm furostan mới là (25S)-26-O-β-D-glucopyranosyl-5β-furost-20(22)-en-3β, 15β,26-triol-3-O-[α-L-rhamnopyranosyl-(1–4)]-β-D-glucopyranosid thường gọi là aspacochiosid D (1), đã được phân lập từ thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr), cùng với 3 saponin đã biết là aspacochiosid C (2), (25S)-5β-spirostan-3β-yl-O-[O-α-L-rhamnopyranosyl-(1–4)]-β-D-glucopyranosid (3) và pseudoprotoneodioscin (4). Cấu trúc của hợp chất (1) được thiết lập trên cơ sở các phản ứng hóa học và phân tích dữ liệu phổ (IR, GC, ESI-MS, 1H-NMR, 13C-NMR, DEPT, HMBC, HMQC và NOESY). Tác dụng chống tăng sinh của các chất 1–4 đã được đánh giá trong một thử nghiệm gây độc tế bào đối với dòng tế bào ung thư người A549. Hợp chất 2 (Aspacochiosid C) thể hiện độc tính tế bào trung bình đối với dòng tế bào A-549, với giá trị IC50 là 3,87 μg/mL.
26.
ĐÁNH GIÁ TẾ BÀO CÁC CÂY TÁI SINH Ở CÁC GIAI ĐOẠN TẠO MÔ SẸO, PHÁT SINH CHỒI VÀ TẠO CÂY HOÀN CHỈNH TRONG QUÁ TRÌNH NHÂN GIỐNG IN VITRO CÂY THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS)
Yong-Goo Kim và cs.
Plant Cell, Tissue and Organ Culture , Volume 144, pages 421- 433 (2021)
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phát triển một quy trình vi nhân giống in vitro có khả năng lặp lại cho cây dược liệu thiên môn đông, dựa trên sự phát sinh cơ quan gián tiếp bằng cách sử dụng các đoạn lá được cắt từ cây con của hạt nảy mầm trong ống nghiệm. Chúng tôi thu được tỷ lệ tạo mô sẹo là 85% từ các mô lá trong 4 – 5 tuần trên môi trường MS có bổ sung benzylaminopurine (BAP, 1,0 mg / l) và axit 1-naphthaleneacetic (NAA, 0,5 mg / l). Ở giai đoạn tạo chồi, chúng tôi nhận thấy rằng môi trường MS bổ sung Kin (1,0 mg / l) kết hợp với NAA (1,0 mg / L) và BAP (1,0 mg / L) kết hợp với NAA (0,5 mg / L) là hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy tái sinh chồi, hệ số nhân chồi thu được tương tứng là 6,72 và 6,48. Khi được nuôi cấy trên môi trường MS ½ không bổ sung chất điều hòa sinh trưởng, cây phát triển hệ thống rễ với số lượng rễ trung bìnhlà 11,0 rễ trên một cụm chồi và chiều dài rễ trung bình 36,14 mm sau 9 tuần. Trong quá trình di thực, các cây con in vitro đạt tỷ lệ sống 96,4% và thể hiện các đặc điểm và hình thái sinh trưởng bình thường. Chúng tôi cũng đã cố gắng tái sinh trực tiếp từ chồi thiên môn đông nhưng không thành công. Các phân tích tế bào học cho thấy sự xuất hiện của nguyên bào gốc tinh thể trong các lá non từ giai đoạn đầu của quá trình phân hóa lá. Kỹ thuật tái sinh cây từ mô lá được phát triển ở đây có thể được sử dụng để nhân giống cây trên quy mô lớn trong một thời gian ngắn, do đó góp phần đáng kể vào việc bảo tồn nguồn gen và nhân nhanh cây thiên môn đông.
Dương Thị Ngọc Anh, Trần Văn Lộc, Đào Văn Châu
27.
PHÁT TRIỂN CÁC CHỈ THỊ PHÂN TỬ DỰA TRÊN CÁC TRÌNH TỰ ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG CÂY THIÊN MÔN ĐÔNG
Bo-Yun Kim và cs.
Applications in Plant Sciences, 18 April 2017 Volume 5, Issue 4: 1700021
Đặt vấn đề: Chỉ thị phân tử SSR phát triển dựa trên các trình tự phiên mã được phát hiện trên hệ gen thiên môn đông. Do những ứng dụng quan trọng của thiên môn đông trong y học cổ truyền, các quần thể ngoài tự nhiên của loài này đang bị đe dọa do khai thác quá mức ngay cả trong các khu bảo tồn, đòi hỏi cần có các phương pháp bảo tồn hiệu quả nhanh chóng
Phương pháp và kết quả: Dựa trên dữ liệu phiên mã của A. cochinchinensis, 96 cặp mồi có từ hai đến bảy alen trên mỗi vị trí đã được chọn để đánh giában đầu; trong số đó, 27 cặp mồi được khuếch đại trên tất cả các mẫu, tạo ra 15 chỉ thị đa hình và 12 đơn hình. Tính hữu ích của các chỉ thị này đã được đánh giá ở 60 cá thể đại diện cho ba quần thể thiên môn đông. Các giá trị dị hợp tử thu được lần lượt nằm trong khoảng từ 0,050 đến 0,950 và 0,049 đến 0,626. Khả năng khuếch đại chéo giữa các loài bởi 27 cặp mồi này đã được thử nghiệm trên các loài A. rigidulus và A. schoberioides.
Kết luận: Các chỉ thị SSR đa hình phát triển dựa trên trình từ phiên mã này có thể được sử dụng làm chỉ thị phân tử để nghiên cứu sự đa dạng di truyền quần thể và bảo tồn sinh thái ở thiên môn đông và các loài có liên quan.
Dương Thị Ngọc Anh
28.
MỘT KIỂUĐA DẠNG DI TRUYỀN KHÁC BIỆT VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH QUẦN THỂ CỦA LOÀI CÂY THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS) TẠI HÀN QUỐC
Soo-Rang Lee và cs.
Scientific Reports volume 9, Article number: 9757 (2019) Cite this article 1308 Accesses; 2 Citations Metrics
Các nghiên cứu về quần thể trên phạm vi rộng của các loài có phân bố rộng thường liên quan đến các kiểuđa dạng di truyền phức tạp từ kết quả phân tích dựa trên đơn vị đánh giá sự phân ly gene trong quá trình tiến hoá (ESU). Lịch sử tiến hóa hợp chất tạo ra một kiểu đa dạng như vậy có thể được đánh giáthông qua các phân tích phân tử. Thiên môn đông (Asparaguscochinchinensis), một loại thảo mộc lâu năm quan trọng có giá trịy học, đang bị suy giảm do khai thácquá mức ở Hàn Quốc. Tám quần thể A. cochinchinensis ở Hàn Quốc và ba quần thể từ các quốc gia lân cận (Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan) đã được kiểm tra bằng cách sử dụng 9 locus microsateliite nhân và 3 locus microsatellite lục lạp để phân tích kiểu đa dạng phân tử. Sự đa dạng trung bình trong quần thể bị hạn chế có khả năng do những tắc nghẽn lâu dài được quan sát thấy ở tất cả tám quần thể. Các giá trị FST theo từng cặp cao chỉ ra rằng các quần thể phần lớn đã phân kỳ, nhưng sự phân kỳ không tương quan với khoảng cách địa lý. Các phân tích cụm cho thấy một kiểu cấu trúc không gian rất phức tạp liên quan đến hai ESU. Kết quả phân tích dựa vào Approximate Bayesian Computation (ABC) cho thấy rằng hai ESU tách ra khoảng 21.000 BP đã được đưa vào Hàn Quốc một cách độc lập khoảng 1.800 năm trước, và được kết hợp trong các vùng tiếp xúc thứ cấp. Hai ESU được tìm thấy trong nghiên cứu của chúng tôi có thể có môi trường sống và khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái khác nhau. Kết quả này cho thấy rằng hai nhóm khác nhau về mặt di truyền nên được xem xét không chỉ để bảo tồn và quản lý nguồn gen mà còn phục vụ các chương trình chọn giống trong các khu vực trồng trọt.
Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Tố Duyên
29.
CÁC NGHIÊN CỨU SO SÁNH VỀ HÌNH THÁIGIẢI PHẪU PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH GIỮA ASPARAGUS OFFICINALIS L. VÀ A. COCHINCHINENSIS
Du JiaHuan và cs.
Journal of Yunnan Agricultural University 2019 Vol.34 No.5 pp.745-753 ref.20
Mục đích: Phân tích đặc điểm phân biệt giới tính giữa Asparagus officinalis L. và A. cochinchinensis.
Phương pháp: Nghiên cứu về hình thái giải phẫu các giai đoạn phát triển nụhoa của giống măng tây ‘purple passion’ (A. officinalis) ở sáu giai đoạn khác nhau của cây cái, cây đực và cây lưỡng tính, nụ hoa của cây thiên môn đông(A. cochinchinensis) ở giai đoạn đầu và giai đoạn muộn của cây cây cái, cây đực và cây lưỡng tính và bao phấn của hoa lưỡng tính loài A. officinalis được thực hiện bằng cách sử dụng mặt cắt parafin và quan sát bằng kính hiển vi.
Kết quả: Sự bất thụ của bao phấn ở hoa cái loài A. officinalis xảy ra ở giai đoạn 2 (1 mm ≤ chiều dài <2 mm), đầu nhụy ngừng phát triển ở hoa đực ở giai đoạn 3 (2 mm ≤ chiều dài <3 mm), và phấn hoa trưởng thành ở hoa lưỡng tính có khả năng sinh sản. Đồng thời, các nghiên cứu giải phẫu trên A. cochinchinensis cho thấy nhị hoa cái có đặc điểm bất thụ rõ rệt, hoa đực có cấu trúc đầu nhụy bị thoái hóa và cấu trúc của hoa lưỡng tính tương tự như hoa lưỡng tính loài A. officinalis.
Kết luận: Các đặc điểmquan trọng để phân biệt giới tính của A. officinalis đã được xác định bằnghình thái. Giai đoạn trước khi nụ hoa cái có đường kính 1 mm là thời điểm mấu chốt quyết định giới tính cái. Giai đoạn đường kính nụ hoa đực dưới 2 mm là thời điểm mấu chốt để xác định giới tính của nó. Quá trình sản xuất hoa đơn tính ở A. cochinchinensis tương tự nhưA. officinalis. Nghiên cứu này đặt nền tảng để làm sáng tỏ cơ chế xác định giới tính ở các loài trong chi thiên môn và cung cấp bằng chứng giải phẫu hỗ trợ cho việc tìm kiếm nguyên liệu lý tưởng trong quá trình tạo giống chuyên câyđực.
Trần Văn Lộc
30.
ẢNH HƯỞNG CỦA MƯA AXIT MÔ PHỎNG ĐẾN ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ VÀ HÀM LƯỢNG HOẠT CHẤT CỦA CÂY THIÊN MÔN ĐÔNG (ASPARAGUS COCHINCHINENSIS (LOUR.). MERR.)
J. Liang và cs.
December 2018, Pakistan Journal of Botany 50(6):2395-2399
Ảnh hưởng của mưa axit mô phỏng ở pH 2,0, 3,0, 4,0, 5,6 và 6,8 (đối chứng) đến các đặc điểm hình thái, hàm lượng diệp lục, sinh lý kháng thuốc và hàm lượng hoạt chất của thiên môn đông trồng trong chậu đã được nghiên cứu để khám phá độ nhạy và khả năng chống chịu của thiên môn đông đối với mưa axit với hy vọng cung cấp cơ sở lý thuyết cho việc trồng thiên môn đông. Kết quả cho thấy 1) so với đối chứng, mưa axit với pH 5,6 không ảnh hưởng đáng kể đến hình dạng, màu sắc của lá cũng như hàm lượng axit amin và đường hòa tan trong rễ củ của cây thiên môn đông, nhưng làm tăng đáng kể hoạt động của superoxide dismutase (SOD) và peroxidase (POD) và 2) với sự gia tăng mưa axit stress (pH≤3), mức độ hư hại của lá và hàm lượng malondialdehyd (MDA) trong lá tăng dần, nhưng hàm lượng sắc tố quang hợp, chiều dài thân, khối lượng rễ, hoạt động POD và SOD, cũng như hàm lượng axit amin, đường hòa tan và saponin trong rễ củ đều giảm. Các thí nghiệm chỉ ra rằng 1) mưa axit ảnh hưởng đáng kể đến đặc điểm sinh lý và sự tích tụ hoạt chất của thiên môn đông, 2) thiên môn đông có khả năng chống chịu mưa axit nhất định, 3) pH ≤ 3 là điểm tới hạn (ngưỡng) gây hại của mưa axit cho cây thiên môn đông và 4) canh tác cây thiên môn đông nên tránh ô nhiễm mưa axit ở mức vừa và mạnh .
Nguyễn Trọng Chung
31.
PHÂN TÍCH TRÌNH TỰ TRNH-PSBA CỦA CÂY THIÊN MÔN ĐÔNG TỪ CÁC NGUỒN GỐC ĐỊA LÝ KHÁC NHAU Ở TRUNG QUỐC
Yingzi Maa và cs.
College of Life Science and Technology, Central South University of Forestry and Technology, Changsha, Hunan 410004, China
BioWeb Conference - 2016 International Conference on Medicine Sciences and Bioengineering (ICMSB2016), Volume 8, 2017
Nghiên cứu này phân tích trình tự trnH-psbA của 13 quần thể thiên môn đông từ 6 tỉnh của Trung Quốc. Kết quả cho thấy độ dài của sự thay đổi trnH-psbA và sự đột biến của hàm lượng GC là nhỏ. Độ dài của trình tự trnH-psbA là từ 619 bp đến 632 bp, và hàm lượng GC là khoảng 36%. Tổng tỷ lệ biến dị của 13 quần thể là từ 2,21% đến 3,47%, khi các vị trí bị thiếu được coi là các vị trí biến dị. Thiên môn đông từ các nguồn khác nhau có 10 vị trí thông tin theo trình tự trnH-psbA, chiếm 1,58% tổng số trình tự. Các vị trí thông tin lần lượt được đặt tại các trang 8, 9, 120, 457, 458, 486, 487, 491, 492 và 593. Phân tích cụm cho thấy các quần thể Càn Tây và Hành Sơn tập hợp lại thành một nhóm; Dushan, Yuqing, và quần thể Quảng Châu được nhóm lại; Quần thể Nam Ninh và Tân Ninh hình thành một cụm khác. Trình tự trnH-psbA có thể xác định các quần thể thiên môn đông khác nhau. Tập hợp các quần thể thiên môn đông khác nhau liên quan chủ yếu đến vĩ độ và có ít mối quan hệ với kinh độ.
Phạm Đức Tân, Đào Văn Châu
(Nguồn tin: )