Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 5/2020

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 5/2020

 

TT

BẢN DỊCH

  1.  

TÁC DỤNG HẠ HUYẾT ÁP CỦA CAO CHIẾT TỪ HOA ĐỰC CỦA ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIV)

TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG BỊ TĂNG HUYẾT ÁP TIÊN PHÁT

 

Ding và cs.

Evid Based Complement Alternat Med, 2020 Apr 30;2020:6432173

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) là một dược liệu cổ truyền ở Châu Á; tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết liệu hoa đỗ trọng đực có tác dụng hạ huyết áp trên chuột cống trắng bị tăng huyết áp tiên phát (SHR) hay không. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện ra rằng cao chiết nước của hoa đỗ trọng đực có thể làm giảm huyết áp của SHR phụ thuộc vào liều lượng. Các nghiên cứu cơ chế cho thấy rằng cao chiết nước từ hoa đực có thể thúc đẩy sự biểu hiện của mRNA và protein của ACE2 trong thận của SHR. Thử nghiệm ELISA cho thấy nồng độ ANG II trong huyết tương giảm xuống, trong khi ANG-(1-7) được tăng lên trong SHR được điều trị với cao chiết nước hoa đực. DX600, chất ức chế ACE2 có thể đảo ngược sự điều hòa giảm Ang II và sự điều hòa tăng Ang-(1-7), cũng như sự giảm huyết áp trong SHR. Hơn nữa, A-779, chất đối kháng thụ thể Ang-(1-7)-Mas đã làm mất tác dụng hạ huyết áp của cao chiết nước hoa đực Đỗ trọng ở SHR. Cao chiết nước từ hoa đực đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp thông qua việc kích hoạt các đường dẫn truyền tín hiệu ACE2-Ang-(1-7)-Mas ở chuột cống trắng bị tăng huyết áp tiên phát.

Lê Văn Minh, Đỗ Lại Tuấn Lập, Đặng Quốc Tuấn

  1.  

CÁC FLAVON TỪ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES) LOẠI BỎ TỔN THƯƠNG TẾ BÀO RUỘT

GÂY RA BỞI LPS LIÊN QUAN ĐẾN CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU NF-κB

 

Hussain và cs.

Toxicol In Vitro, 2020 Feb;62:104674

 

Nghiên cứu này được thực hiện để khám phá những cơ chế điều hòa của các flavon đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), viết tắt EUF, sử dụng mô hình tổn thương tế bào ruột gây ra bởi lipopolysaccharide (LPS). Dòng tế bào biểu mô ruột lợn (IPEC-J2) được nuôi cấy trong môi trường Dulbecco với nồng độ cao glucose (DMEM-H) có chứa 0 hoặc 10 μg/mL EUF, 0 hoặc 40 ng/mL LPS. Kết quả cho thấy LPS làm suy giảm khả năng tổng hợp DNA, khả năng sống của tế bào, chức năng của ty thể, gây ngừng chu kỳ tế bào và gây apoptosis, giảm hoạt tính của SOD trong khi các tế bào được xử lý bằng EUF mang lại hiệu quả có lợi trên tất cả các thông số này (P < 0,05). Việc bổ sung EUF làm tăng phosphoryl hóa Akt, IκBα và IKKα/β, nhưng làm giảm biểu hiện protein Bax và Caspase-3 ở tế bào được xử lý bằng LPS (P < 0,05). Đối với thí nghiệm thứ hai, các tế bào được xử lý bằng môi trường DMEM-H chứa 10 μg/mL EUF + 40 ng/mL LPS hoặc 10 μg/mL EUF + 40 ng/mL LPS + 10 μmol/L LY29400. Điều trị với EUF + LPS + LY29400 làm giảm đáng kể khả năng sống của tế bào, tăng sinh, các thông số năng lượng sinh học của ty thể, hoạt tính SOD và giảm biểu hiện protein PI3K, p-Akt, p-IKKα/β, p-NFκB và Bax (P < 0,05). Những phát hiện này cho thấy tác dụng bảo vệ tế bào ruột của EUF, có thể liên quan đến con đường tín hiệu PI3K-NFκB và đã cung cấp cơ sở lý thuyết để khám phá EUF như một hợp chất chống viêm tiềm năng trong điều trị các bệnh lý viêm đường ruột.

 

Lý Hải Triều, Đỗ Lại Tuấn Lập

 

  1.  

FLAVONOID TOÀN PHẦN CỦA ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES) LÀM CÁC TẾ BÀO U NGUYÊN BÀO

THẦN KINH ĐỆM NHẠY CẢM VỚI XẠ TRỊ THÔNG QUA CON ĐƯỜNG HIF- α/MMP-2 VÀ KÍCH HOẠT CON ĐƯỜNG APOPTOSIS NỘI BÀO

 

Wang và cs.

Onco Targets Ther, 2019 Jul 11;12:5515-5524 

 

Cơ sở: Các u nguyên bào thần kinh đệm người (GBMs), một trong những khối u não nguyên phát ác tính gây tử vong phổ biến nhất, được xác định là sự tăng sản cấp độ IV, cấp độ nặng nhất dựa trên hệ thống phân loại của WHO. Kết quả của phẫu thuật trên GBMs bị hạn chế vì thường xuyên xảy ra tái phát. Xạ trị là một phương pháp điều trị quyết định và được sử dụng rộng rãi sau phẫu thuật, thế nhưng tính kháng bức xạ mạnh của GBM đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng của xạ trị. Cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, như hạ huyết áp và viêm. 

Mục đích: Tìm hiểu tác dụng của cây đỗ trọng trên GBMs.

Phương pháp: Các thử nghiệm về liều lượng được tiến hành để khảo sát tác dụng chống khối u. Các thử nghiệm khảo sát trên sự xâm lấn và di căn của GBMs (Would-healing and transwell assays) được thực hiện để đánh giá tác dụng của đỗ trọng. Quá trình apoptosis tế bào được phát hiện bằng cách nhuộm 33, 258 và sự biểu hiện của các protein quan trọng được kiểm tra bằng phương pháp Western blot.

Kết quả: Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã chứng minh tác dụng ức chế của flavonoid toàn phần trong cây đỗ trọng trên sự tăng sinh, di cư và xâm lấn của GBMs. Từ những kết quả khả quan được ghi nhận, tiềm năng của đỗ trọng trong việc tăng cường độ nhạy phóng xạ của các tế bào GBM được khảo sát. Các kết quả đã chứng minh rằng đỗ trọng có thể tiếp tục gây ra quá trình apoptosis tế bào trong khi xạ trị thông qua con đường apoptosis nội bào. Bên cạnh đó, đỗ trọng làm giảm đáng kể nồng độ malondialdehyd sau khi xạ trị, cho thấy đỗ trọng ức chế tế bào khối u và bảo vệ các tế bào thần kinh bình thường trước tổn thương oxy hóa. Bằng cách kiểm tra sự biểu hiện của các gen quan trọng trong con đường chống lại bức xạ, chúng tôi nhận thấy sự giảm đáng kể của HIF-α/MMP-2 khi sử dụng flavonoid toàn phần của cây đỗ trọng trong quá trình xạ trị. 

Kết luận: Kết quả này gợi ý rắng cơ chế việc đỗ trọng làm tăng độ nhạy cảm của GBMs với xạ trị có thể trung gian bởi sự điều hòa biến dưỡng glucose của GBMs trong con đường HIF-α/MMP-2.

Lê Văn Minh, Đào Nguyễn Như Quỳnh, Đặng Quốc Tuấn

  1.  

TÌM HIỂU CƠ CHẾ PHÂN TỬ TRONG TÁC DỤNG HẠ ACID URIC MÁU CỦA CÂY ĐỖ TRỌNG

 (ECOMMIA ULMOIDES) TRÊN CHUỘT NHẮT VÀ CHUỘT CỐNG.

 

Fang và cs.

Pharm Biol. 2019 Dec;57(1):112-119

 

Mở đầu: Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliver) (Ecommiaceae) có nhiều dược tính khác nhau. Những nghiên cứu trước đây của chúng tôi đã chỉ ra đỗ trọng có tác dụng bảo vệ trên sự tăng acid uric máu.

Mục đích: Nghiên cứu này khảo sát tác dụng của cao chiết ethanol từ vỏ cây đỗ trọng (EU) trên chuột nhắt trắng Kunming và chuột cống trắng Sprague-Dawley bị tăng acid uric máu và khám phá cơ chế liên quan. 

Vật liệu và phương pháp: 60 con chuột nhắt trắng và 60 con chuột cống trắng được chia thành các lô: chứng sinh lý, chứng bệnh lý bị gây tăng acid uric máu, lô bệnh lý sử dụng allopurinol (10 mg/kg) và 3 lô bệnh lý sử dụng EU. Các lô EU được cho uống cao EU ở các liều 80, 160, 320 mg/kg ở chuột nhắt trắng và 100, 200, 400 mg/kg ở chuột cống trắng trong 7 ngày. Nồng độ uric acid huyết thanh (SUA) được đo bằng kit chuyên dụng. mRNA và protein được định lượng tương ứng bởi RT-qPCR và xét nghiệm hóa mô miễn dịch (IHC). 

Kết quả: Liều dung nạp tối đa (MTD) của EU qua đường uống là 18 g/kg ở chuột nhắt trắng. Điều trị bằng EU với liều trung bình (160 mg/kg) và liều cao (320 mg/kg) làm giảm đáng kể (p<0,05) SUA tương ứng còn 130,16 μmol/l và 109,29 μmol/l và làm tăng rõ rệt  sự biểu hiện mRNA của các protein vận chuyển OAT1 và OAT3, trong khi làm giảm đáng kể mức độ mRNA của các protein vận chuyển GLUT9 và URAT1 trong thận chuột nhắt trắng (p<0,05). Ở chuột cống trắng tăng acid uric máu, liều cao EU (400 mg/kg) làm giảm đáng kể SUA xuống còn 253,85 μmol/l và làm tăng các protein vận chuyển OAT1 và OAT3 nhưng làm giảm URAT1 và GLUT9, điển hình so với lô chứng bệnh lý (p < 0,05).

Bàn luận và kết luận: Nghiên cứu đã chứng minh tác dụng làm giảm sự tăng uric acid máu tiềm năng của EU. Các thành phần hoạt tính đặc hiệu của EU cần được khảo sát. Kết quả này có giá trị trong việc phát triển các hợp chất từ EU làm giảm sự tăng acid uric máu.

 

Lê Văn Minh, Cao Thái Bảo Ngọc

  1.  

VAI TRÒ CỦA CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU NRF2 TRONG TÁC DỤNG ĐIỀU HÒA STRESS OXY HÓA CỦA CÁC FLAVON TỪ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES) Ở RUỘT CỦA LỢN CON

 

Xiao và cs.

Oxid Med Cell Longev, 2019 Sep 2;2019:9719618

 

Các flavon của đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) viết tắt EUF, đã được chứng minh có khả năng làm giảm stress oxy hóa và tổn thương đường ruột ở lợn con, nhưng cơ chế tác dụng vẫn chưa được hiểu rõ. Nrf2 đóng vai trò rất quan trọng trong cơ chế kháng stress oxy hóa. Nghiên cứu này được thiết kế để nghiên cứu về sự điều hòa của EUF trên con đường Nrf2 và sự ức chế của Nrf2 trên stress oxy hóa ở ruột của lợn con. Nghiên cứu in vivo được thực hiện trên lợn con đã cai sữa với khẩu phần cơ bản; khẩu phần cơ bản với diquat và khẩu phần 100 mg/kg EUF với diquat trong 14 ngày để xác định các biểu hiện của protein Nrf2 và Keap1, cũng như biểu hiểu mRNA gen chống oxy hóa. Một nghiên cứu in vitro đã được thực hiện trên dòng tế bào biểu mô hỗng tràng của lợn để khảo sát tác động của việc ức chế Nrf2 đối với sự phát triển tế bào và các thông số stress oxy hóa nội bào. Kết quả cho thấy sự bổ sung EUF làm giảm nồng độ glutathion bị oxy hóa (GSSG) và giảm tỉ lệ của GSSG với glutathion (GSH) nhưng tăng các biểu hiện của Nrf2 và Keap1 cũng như biểu hiện mRNA của heme oxygenase 1 (HO-1), NAD(P)H: quinon oxidoreductase 1 (NQO-1) và tiểu đơn vị xúc tác glutamat cystein ligase (GCLC) trong niêm mạc ruột non của lợn con có diquat. Khi Nrf2 bị ức chế bởi sử dụng ML385, khả năng sống của tế bào, khả năng kháng oxy hóa tế bào, các biểu hiện của protein Nrf2 và Keap1, biểu hiện mRNA của enzym kháng oxy hóa (HO-1, NQO-1GCLC) bị suy giảm trong các tế bào ruột được xử lý với paraquat. Những kết quả này cho thấy con đường tín hiệu Nrf2 đóng vai trò quan trọng trong cơ chế tác dụng điều hòa stress oxy hóa của EUF trên ruột lợn con.

Lý Hải Triều, Cao Thái Bảo Ngọc

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM THẦN KINH CỦA CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIV.) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT PARKINSON THÔNG QUA VIỆC ĐIỀU HÒA BIỂU HIỆN GEN P38/JNK-FOSL2

 

Fan và cs.

J Ethnopharmacol. 2020 Oct 5;260:113016

 

Sự liên quan của dược lý dân gian: Vỏ của cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), một loại dược liệu Trung Quốc (Duzhong) đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ đáng kể trên bệnh Parkinson (PD). Tuy nhiên, cơ chế phân tử vẫn còn chưa rõ ràng.

Mục tiêu của nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, chúng tôi khám phá cơ chế chống viêm thần kinh của đỗ trọng trên mô hình chuột PD do 1-methyl-4-phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridin (MPTP) gây ra để làm sáng tỏ những lý thuyết về y học cổ truyền với các phương pháp dược lý hiện đại và cung cấp một cơ sở tham khảo để làm rõ hơn về cơ chế tác động.

Nguyên liệu và phương pháp: Các hợp chất đại diện trong dịch chiết cây đỗ trọng được xác định bởi UPLC-Q-TOF/MS. Chuột đực C57BL/6J được tiêm màng bụng MPTP để gây mô hình PD in vivo. Các thử nghiệm tìm lỗ (pole test), trục quay (rotarod) và sức bám (grip strength) được thực hiện để đánh giá khả năng phối hợp vận động của chuột PD. HPLC-ECD được sử dụng để phát hiện nồng độ dopamin (DA), acid 3,4 dihydroxyphenylaxetic (DOPAC) và acid homovanillic (HVA) trong thể vân não. Sự biểu hiện của tyrosin hydroxylase (TH) đã được nghiên cứu bằng xét nghiệm hóa mô miễn dịch (IHC) và Western blot. ELISA và Q-PCR được sử dụng để kiểm tra mức độ các cytokin tiền viêm tương ứng trong huyết thanh và não giữa. Phân tích Whole-transcriptome não giữa đã được thực hiện để khám phá hiệu quả điều trị của đỗ trọng trên chuột PD và Q-PCR sau đó được sử dụng để xác nhận những thay đổi biểu hiện gen khác biệt ở chuột PD được điều trị với đỗ trọng.

Kết quả: Mười hợp chất đã được xác định từ dịch chiết đỗ trọng. Đỗ trọng làm giảm đáng kể tình trạng suy hỏng hành vi và thoái hóa tế bào thần kinh sản sinh dopamin ở chuột PD và ức chế sự biểu hiện của các cytokine tiền viêm. Phân tích Whole-transcriptome cho thấy chín gen được điều hòa nghịch và gen Fosl2 thì phù hợp với hướng khảo sát bởi RNA-seq. Hơn nữa, đỗ trọng điều hòa giảm sự biểu hiện mRNA của p38 và JNK, là những gen ngược dòng quan trọng của Fosl2.

Kết luận: Đỗ trọng có tiềm năng điều trị đầy hứa hẹn ở chuột PD và cơ chế phân tử được trung gian bởi cách điều hòa giảm biểu hiện gen p38/JNK-Fosl2 để làm giảm viêm thần kinh.

Lý Hải Triều, Trần Phương Lam

  1.  

TÁC DỤNG ỨC CHẾ VIÊM KHỚP DẠNG THẤP CỦA DỊCH CHIẾT TỪ VỎ, LÁ VÀ HOA ĐỰC CỦA CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

Xing và cs.

Evid Based Complement Alternat Med. 2020 Aug;2020:3260278

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), một loài thực vật bản địa của Trung Quốc, được sử dụng như một bài thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp (RA), làm mạnh cơ xương, và giảm huyết áp. Các bộ phận khác nhau của đỗ trọng như vỏ, lá và hoa đã được phát hiện có đặc tính chống viêm. Đỗ trọng có những ứng dụng tiềm năng như một tác nhân điều trị chống lại các bệnh rối loạn xương và được khảo sát trong nghiên cứu này. Trong khảo sát in vitro, tế bào hoạt dịch giống nguyên bào sợi khớp RA (RA-FLS) được xử lý với các nồng độ khác nhau (0, 25, 50, 100, 200, 400, 800 và 1000 μg/mL) của dịch chiết cồn vỏ, lá và hoa đực của cây đỗ trọng (EB, EL và EF) để xác định khả năng gây độc tế bào của chúng. Nồng độ của yếu tố hoại tử khối u- (TNF-) α và nitric oxid (NO) trong RA-FLS được định lượng bằng thử nghiệm ELISA. Ngoài ra, những con chuột cống trắng bị gây viêm khớp bằng collagen (CIA) và được điều trị bằng EB, EL, EF, Tripterygium wilfordii polyglycosid (TG) hoặc chứng bình thường (Nor) và sau đó tiến hành đánh giá bệnh học khớp cổ chân, hình thái xương, nồng độ cytokine viêm trong huyết thanh và lách. Kết quả trên RA-FLS cho thấy, EB, EL và EF không gây độc tế bào; EB và EF làm giảm TNF-α trong dịch nổi sau ly tâm; EB, EL và EF giảm NO. Kết quả của các thử nghiệm in vivo cho thấy EB, EL và EF làm giảm sung phù cổ chân và viêm khớp, trong khi tất cả các dịch chiết làm giảm thâm nhiễm tế bào viêm, giảm mô viêm hạt sản xuất từ bao hoạt dịch của khớp, giảm sự hủy xương và mòn xương. Tất cả các dịch chiết được thử nghiệm đều ức chế mRNA của interleukin- (IL-) 6, IL-17 và TNF-α trong lách của chuột CIA, trong khi EB làm giảm hiệu quả nhất các tế bào hủy xương và ức chế mòn xương. EF cho ức chế rõ nhất đối với các yếu tố gây viêm và mô viêm hạt sản xuất từ bao hoạt dịch của khớp. Do đó, EB, EL và EF có thể giảm sự phá hủy xương bằng cách ức chế quá trình viêm.

Lê Văn Minh, Trần Phương Lam

  1.  

ACID GENIPOSIDIC CẢI THIỆN KHẢ NĂNG HỌC TẬP KHÔNG GIAN VÀ SỰ SUY GIẢM TRÍ NHỚ VÀ GIẢM VIÊM THẦN KINH THÔNG QUA ỨC CHẾ HMGB-1 VÀ ĐIỀU HÒA GIẢM CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU TLR4/2 Ở CHUỘT APP/PS1

 

Zhou và cs.

Eur J Immunopharmacol, 2020 Feb;869:172857

 

Acid geniposidic (GPA) được tách từ vỏ cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) (Eucommiaceae). Các bằng chứng tích lũy đã báo cáo GPA có tác dụng chống lão hóa, chống stress oxy hóa, chống viêm và dưỡng não trên tế bào thần kinh. Tuy nhiên, liệu GPA có thể làm giảm sự suy giảm trí nhớ ở mô hình động vật bị Alzheimer’s (AD) hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát các tác dụng của GPA đối với khả năng nhận thức, sự lắng đọng amyloid-β (Aβ) và hoạt hóa tế bào thần kinh đệm trên chuột nhắt trắng chuyển gen AD. Chuột APP/PS1 ở tháng thứ 6-7 được cho uống GPA trong 90 ngày, các thử nghiệm hành vi được kiểm tra để đánh giá khả năng học tập và ghi nhớ không gian của chuột và cơ chế bảo vệ thần kinh của GPA được khảo sát tập trung vào sự lắng đọng Aβ, sự hoạt hóa tế bào thần kinh đệm astrocyte và microglia, và viêm thần kinh. Điều trị bởi GPA giúp tăng khả năng học tập và ghi nhớ đáng kể đồng thời giảm sự lắng đọng amyloid-β ở não chuột APP/PS1. Thông qua nhuộm HE, chúng tôi thấy rằng GPA có khả năng cải thiện các thay đổi mô bệnh học ở não. Chúng tôi cũng nhận thấy GPA còn ức chế sự kích hoạt của tế bào thần kinh đệm astrocyte và microglia, điều hòa giảm sự biểu hiện của các cytokin tiền viêm và iNOS và tăng biểu hiện của các cytokin kháng viêm và Arg-1. GPA giảm sự biểu hiện gen của thụ thể HMGB-1 (TLR2, TLR4 và RAGE), trung gian cho MyD88, TRAF6 và phospho-ERK1/2, và sau đó điều chỉnh sự biểu hiện của các protein quan trọng AP-1 và NF- κB (c-Fos, c-Jun và p65). Tác dụng đảo ngược tình trạng tiền viêm cho thấy GPA có thể là một ứng cử viên điều trị đa mục tiêu trong việc làm giảm sự lắng đọng Aβ và viêm thần kinh cho liệu pháp hỗ trợ chữa bệnh Alzheimer’s.

Lý Hải Triều, Tô Minh Anh

  1.  

AUCUBIN, MỘT IRIDOID GLUCOSID TỰ NHIÊN, LÀM GIẢM TỔN THƯƠNG TINH HOÀN DO STRESS OXY HÓA BẰNG CÁCH ỨC CHẾ SỰ KÍCH HOẠT JNK VÀ CHOP THÔNG QUA ĐIỀU HÒA TĂNG NRF2

 

Ma và cs

Phytomedicine, 2019 Nov;S64:153057

 

Cơ sở: Cây Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) đã được dùng từ lâu trong chữa bệnh vô sinh ở nam giới như là một giải pháp thành công. Aucubin (AU) là thành phần hoạt tính quan trọng được chiết từ cây đỗ trọng. Tuy nhiên, tác động bảo vệ và cơ chế chính xác trên chấn thương tinh hoàn chưa được hiểu rõ.

Mục tiêu: Tác dụng bảo vệ và cơ chế tác động của AU trên tổn thương tinh hoàn gây bởi stress oxy hóa được khảo sát in vivoin vitro.

Phương pháp: Đối với thử nghiệm in vivo, chuột nhắt trắng đực được chia thành năm nhóm và mô hình tổn thương tinh hoàn được gây bằng cách tiêm phúc mạc triptolid (TP) (120 μg/kg) trong hai tuần. Động vật trong nhóm AU được điều trị trước với AU, tiêm phúc mạc ở các liều khác nhau (5, 10 và 20 mg/kg) trong 1 giờ và sau đó tiêm TP (120 μg/kg). Kết thúc giai đoạn thí nghiệm, tinh hoàn được tách để khảo sát sinh hóa và mô học. Đối với thử nghiệm in vitro, tế bào Sertoli (SCs) được sử dụng để khảo sát tác dụng bảo vệ và cơ chế tác động của AU chống lại sự phá vỡ hàng rào máu-tinh hoàn (BTB) và quá trình apoptosis do TP gây ra thông qua phát hiện apoptosis, các kỹ thuật Western blot, phân tích miễn dịch huỳnh quang và siRNA transient transfection.

Kết quả: Động vật bị tiêm TP thể hiện sự teo tinh hoàn, phá vỡ BTB, tăng nồng độ ROS và rối loạn chức năng sinh tinh. Sử dụng trước AU giúp bảo vệ tinh hoàn giữ được trọng lượng bình thường, hình thái của tinh trùng, sự nguyên vẹn của BTB và mức độ bình thường của các marker stress oxy hóa và chất chống oxy hóa. Ngoài ra, AU giúp ngăn chặn apoptosis thông qua sự ức chế hiệu quả con đường apopsis phụ thuộc vào PERK/CHOP và JNK, đồng thời bảo vệ BTB bằng cách điều hòa tăng cường biểu hiện của các protein liên kết kiểu chữ x (ZO-1, Occludin, Claudin-11) và protein liên kết khe (Cx43). Nghiên cứu cơ chế cho thấy AU kích hoạt đáng kể sự chuyển vị Nrf2, do đó tăng sự tích tụ Nrf2 ở nhân và gây biểu hiện của những enzym chống oxy hóa trong tinh hoàn và SCs. Ngoài ra, sự tắt tín hiệu Nrf2 đã đảo ngược không thành công biểu hiện tăng của CHOP và p-JNK gây bởi TP và từ đó hủy tác dụng bảo vệ của AU.

Kết luận: Những kết quả này cho thấy AU có thể được xem là một tác nhân bảo vệ đầy tiềm năng chống lại tổn thương tinh hoàn.

Lê Văn Minh, Tô Minh Anh

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG BỆNH PARKINSON CỦA CÁC ACID PHENOLIC TỪ DỊCH CHIẾT

 LÁ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) VÀ CƠ CHẾ HOẠT HÓA TỰ THỰC BÀO

Shang và cs.

Food Funct. 2020 Feb 26;11(2):1425-1440

 

Mặc dù bệnh Parkinson (PD) là bệnh rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai, các tác nhân phòng ngừa hoặc điều trị PD còn hạn chế. Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliver) (EuO) được sử dụng rộng rãi như một loại thảo mộc truyền thống để điều trị các bệnh khác nhau. Dịch chiết từ ​​vỏ cây EuO đã được báo cáo có hoạt tính chống PD. Ở đây, chúng tôi đã nghiên cứu xem liệu dịch chiết từ lá EuO (EEuOL) cũng có tác dụng điều trị PD vì lá có các thành phần tương tự và ứng dụng lâm sàng đã được tìm thấy giữa vỏ và lá của cây này. Chúng tôi đã xác định thành phần hóa học của EEuOL bằng HPLC-Q-TOF-MS và thử nghiệm tác dụng chống PD của EEuOL trên mô hình cá ngựa vằn PD. Kết quả cho thấy, 28 hợp chất bao gồm 3 acid phenolic, 7 flavonoid và 9 iridoid đã được xác định. EEuOL đã đảo ngược đáng kể việc mất tế bào thần kinh sản sinh dopamin và hệ mạch thần kinh cũng như giảm số lượng tế bào apoptotic trong não cá ngựa vằn theo cách phụ thuộc vào nồng độ. Ngoài ra, EEuOL làm hồi phục sự giảm vận động tự nhiên ở mô hình cá ngựa vằn PD gây bởi MPTP. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu cơ chế cơ bản và phát hiện ra rằng EEuOL có thể kích hoạt quá trình tự thực bào, góp phần làm thoái hóa α-synuclein, do đó làm giảm các triệu chứng giống PD. Mô phỏng docking phân tử cho thấy có sự tương tác giữa các chất điều hòa tự thực bào (Pink1, Beclin1, Ulk2 và Atg5) và các acid phenolic của EEuOL, khẳng định sự liên quan của sự tự thực bào trong tác động chống PD của EEuOL. Kết quả tổng thể cho thấy tác dụng chống PD của EEuOL, mở ra khả năng ứng dụng trong điều trị PD.

Lý Hải Triều, Nguyễn Thành Nam

  1.  

TÁC DỤNG KHÁNG VIÊM VÀ KHÁNG OXY HÓA CỦA POLYSACCHARID TỪ ĐỖ TRỌNG (ECUCOMMIA ULMOIDES) TRÊN TỔN THƯƠNG THIẾU MÁU GAN CỤC BỘ-TÁI TƯỚI MÁU BẰNG CÁCH ĐIỀU HÒA ROS VÀ CON ĐƯỜNG TLR-4-NF- κB

 

Gao và cs.

Biomed Res Int. 2020 May 25;2020:1860637

 

Polysaccharid từ đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) (EUP) đã được chứng minh có tác dụng kháng viêm và kháng oxy hóa. Tuy nhiên, cơ chế những tác dụng này rất ít được báo cáo và EUP có thể làm giảm tổn thương gan trong tổn thương do thiếu máu cục bộ ở gan-tái tưới máu (HIRI) hay không vẫn chưa được báo cáo. Trong nghiên cứu này, 40 con chuột cống trắng Spague-Dawley (SD) được chia ngẫu nhiên thành 5 nhóm: nhóm chứng sinh lý, nhóm chứng mô hình tái tưới máu thiếu máu cục bộ gan (I/R) và ba nhóm điều trị dự phòng với EUP (320 mg/kg, 160 mg/kg và 80 mg/kg). Chuột SD được điều trị dự phòng với EUP trong 10 ngày, uống mỗi ngày một lần trước khi bị tổn thương I/R. Ngoại trừ nhóm chứng mô hình, lưu lượng máu ở thùy gan giữa và trái bị chặn ở tất cả các nhóm I/R, dẫn đến thiếu máu cục bộ gan 70%, và thời gian thiếu máu cục bộ lẫn tái tưới máu lần lượt là 1 giờ và 4 giờ. Mô gan thiếu máu cục bộ và huyết thanh được thu nhận để phát hiện các marker sinh hóa và tổn thương mô bệnh học gan. So với nhóm I/R, sau khi điều trị dự phòng với EUP, nồng độ alanin aminotransferase, aspartat aminotransferase huyết thanh, yếu tố hoại tử khối u-α và interleukin-1β đã giảm đáng kể, nồng độ malondialdehyd trong các mô gan giảm đáng kể, nồng độ superoxid dismutase tăng và vùng gan bị hoại tử đã giảm đáng kể. Để hiểu cơ chế đặc thù có liên quan, đề tài đã khảo sát in vivo in vitro mức độ của các protein phối hợp trong con đường TLR-4-NF-κB (Toll-like receptor-4-nuclear factor-kappaB). Dữ liệu cho thấy EUP có thể làm giảm tốn thương gan bằng cách giảm nồng độ ROS và ức chế sự kích hoạt con đường TLR-4-NF-κB và có thể là một loại thuốc đầy hứa hẹn trong phẫu thuật gan để ngăn ngừa HIRI.

Lê Văn Minh, Nguyễn Thành Nam

  1.  

TỐI ƯU HÓA QUY TRÌNH CHIẾT XUẤT BẰNG VI SÓNG, ĐẶC TÍNH VÀ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA CỦA CÁC POLYSACCHARID SINH HỌC TỪ LÁ ĐỖ TRỌNG

 

Jikun Xu và cs.

Scientific Reports  (2018) 8:6561

 

Kỹ thuật vi sóng được kết hợp với phương pháp đáp ứng bề mặt để tối ưu hóa việc phân lập các polysaccharid từ lá đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.). Hiệu suất chiết polysaccharid tối đa là 12,31% đạt được bằng cách chiết vi sóng ở 74°C trong 15 phút với tỷ lệ rắn và lỏng là 1: 29 g/mL, phù hợp với giá trị dự kiến và cao hơn 2,9 lần so với phương pháp hồi lưu. Thành phần hoạt chất chính chiếm ưu thế trong dịch chiết là acid chlorogenic (1,3- 1,9%), tiếp theo là acid geniposidic (1,0 -1,7%). Các polysaccharid từ quá trình chiết tối ưu có trọng lượng phân tử cao và độ phân tán đa dạng (Mw 38,830 g/mol, Mw /Mn 2,19), so với dịch chiết trong điều kiện không có vi sóng (Mw 12,055g / mol, Mw/ Mn 1,26). Glucose là thành phần đường chính (38,2–39,1%) của các polysaccharid dị thể thuộc cấu trúc acid loại β với một nhóm glucan và mức độ phân nhánh cao. Các polysaccharid cho thấy chỉ số đánh bắt gốc DPPH (0,87–1,22) cao hơn BHT (0,41) nhưng thấp hơn BHA (3,56), cho thấy chúng có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa thích hợp trong thực phẩm chức năng.

Nguyễn Thị Ngọc Đan, Phạm Thị Lý, Nguyễn Trọng Chung

  1.  

PHÂN LẬP VÀ PHÂN TÍCH BỐN HOẠT CHẤT TỪ VỎ VÀ LÁ CỦA ĐỖ TRỌNG BẰNG QUY TRÌNH NHIỀU BƯỚC

 

Ming-Qiang Zhu và cs.

Industrial Crops and Products 83(2016): 124-132

 

Vỏ và lá của đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được chiết xuất phân đoạn thành công bằng quy trình xử lý nhiều bước. Dịch chiết và các polysaccharid tan trong nước, các polysaccharid chiết bằng kiềm, và guttapercha, lần lượt thu được bằng cách chiết nóng trong nước, xử lý bằng kiềm và thủy phân bằng enzym. Kết quả cho thấy các thành phần có hoạt tính sinh học chính của dịch chiết từ lá chủ yếu bao gồm acid chlorogenic, quercetin, geniposid và aucubin, và các thành phần từ vỏ cây bao gồm acid geniposidic, geniposid và aucubin. Ngoài ra, các polysaccharid tan trong nước từ vỏ và lá chủ yếu bao gồm glucose, trong khi polysaccharid chiết bằng kiềm chủ yếu là arabinose. Về mặt thực tế, các phần guttapercha thu được từ vỏ cây có trọng lượng phân tử cao hơn và độ phân tán hẹp so với phần từ lá. Dữ liệu được trình bày chỉ ra rằng quy trình xử lý nhiều bước là một quy trình thân thiện với môi trường và có lợi cho việc gia tăng giá trị và tiềm năng ứng dụng công nghiệp của đỗ trọng.

Nguyễn Thị Ngọc Đan

  1.  

PHÂN LẬP ĐIỀU CHẾ ACID CHLOROGENIC TỪ CAO ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES) THÔNG QUA CHIẾT XUẤT PHÂN ĐOẠN

 

Wanru Wang và cs.

Journal of Chemical Technology & Biotechnology, 2020

 

Nền tảng: Acid chlorogenic là một hoạt chất sinh học quan trọng có tác dụng dược lý rộng, hầu hết liên quan đến việc loại bỏ các gốc tự do và kháng vi rút. Bài báo này báo cáo về việc phân lập liên tục acid chlorogenic từ cao chiết thô của đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) bằng cách sử dụng chiết xuất ly tâm phân đoạn nhiều tầng.

Kết quả: Một hệ thống chiết xuất hiệu quả được xây dựng. Một mô hình định lượng toán học đã được thiết kế để mô phỏng và tối ưu hóa quy trình chiết phân đoạn, và các điều kiện tối ưu được tìm thấy. Phần cắn được đánh giá độ tinh khiết để tối ưu quá trình phân lập acid chlorogenic. Acid chlorogenic được lấy một cách liên tục từ cao đỗ trọng bằng chiết phân đoạn gồm mười giai đoạn với độ tinh khiết 97.2% và hiệu suất 81.4%.

Kết luận: Chiết phân đoạn là một phương pháp hiệu quả và ít phổ biến để phân lập một cách liên tục và chọn lọc hợp chất mục tiêu từ cao chiết phức tạp. Nó có lợi thế về sản lượng lớn và giá thành rẻ, và phù hợp hơn trong sản xuất ở quy mô công nghiệp.

Vũ Thị Hương Anh, Lâm Bích Thảo

  1.  

XÁC ĐỊNH SỰ HIỆN DIỆN BẢY POLYPHENOL TRONG  CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES) VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG STRESS OXY HÓA CỦA TRÊN C. ELEGANS

 

Peilin Hou và cs.

Journal of Food Measurement and  Characterization, 2019:  2903–2909

 

Trong nghiên cứu này, một phương pháp HPLC hiệu quả đã được phát triển và thẩm định để xác định 7 polyphenol, bao gồm acid chlorogenic, acid caffeic, acid protocatechuic, geniposide, rutin, quercetin và isorhamnetin được phân lập từ các bộ phận khác nhau (lá, vỏ và quả) của cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.). Phương pháp HPLC, sử dụng cột Luna C18 (150 mm x 3,9 mm, 5,0 μm), pha động rửa giải là acetonitrile – nước (bao gồm 1% acid acetic), bước sóng phát hiện là 260 nm, 326 nm và 360 nm. Phương pháp này giúp xác định được các polyphenol và so sánh hàm lượng của chúng trong các bộ phận của cây đỗ trọng.  Kết quả cho thấy các polyphenol có sự phân bố khác nhau trong lá, vỏ và quả. Acid chlorogenic, acid caffeic và rutin được xác định là thành phần chính trong các bộ phận của cây đỗ trọng. Thử nghiệm đánh bắt gốc tự do ABTS và DPPH đã xác định đỗ trọng có hoạt tính chống oxy hóa in vitro điển hình. Ngoài ra, chiết xuất từ ba bộ phận của đỗ trọng làm tăng đáng kể khả năng chống oxy hóa và kéo dài thời gian sống của loài giun tròn wild-type C. elegans, chứng tỏ thêm hoạt tính chống oxy hóa in vivo của đỗ trọng.

Lâm Bích Thảo

  1.  

DỮ LIỆU VỀ CHUYỂN HÓA, HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ DẤU VÂN TAY HPLC CỦA CÁC LOẠI  ĐỖ TRỌNG KHÁC NHAU: HƯỚNG TỚI VIỆC SỬ DỤNG CÂY ĐẶC HỮU CỦA TRUNG QUỐC LÀM THUỐC VÀ THƯƠNG MẠI

 

Dong Wu và cs.

Molecules, 2018 Aug; 23(8): 1898

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được coi là cây thuốc quý ở Trung Quốc và là dược liệu đặc thù thương mại. Do sự lai tạo chéo hoặc sự biến đổi tự nhiên của đỗ trọng, thành phần chất chuyển hóa có thể thay đổi đáng kể, khiến việc kiểm soát chất lượng dược liệu trở nên khó khăn. Để cải thiện sự phát triển và sử dụng hợp lý, chất lượng của bảy loài đỗ trọng được đánh giá dựa trên các dữ liệu chất chuyển hóa thứ cấp (phenolic toàn phần, flavonoid toàn phần, gutta-percha, aucubin, acid geniposidic, acid chlorogenic, geniposid, pinoresinol diglucosid, rutin , hyperosid và astragalin), hoạt tính sinh học (hoạt tính kháng oxy hóa in vitro, in vivo và hoạt tính kháng khuẩn) và dấu vân tay HPLC kết hợp với phân tích chemometrics. Trên cơ sở này, sự khác biệt của các bộ phận làm thuốc (lá và vỏ cây) đã được thực hiện. Loài đỗ trọng lá tím thích hợp nhất đối với việc sử dụng vỏ cây theo cách truyền thống. Đối với việc sử dụng lá, loài Qinzhong 1 và đỗ trọng lá tím đều thích hợp. Phân tích dấu vân tay HPLC cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa bảy loài đỗ trọng trong dữ liệu chất chuyển hóa thứ cấp. Kết hợp với phân tích chemometrics, bảy loại đỗ trọng được chia thành ba nhóm từ việc sử dụng lá và vỏ cây. Phân tích không chỉ đánh giá chất lượng của bảy loài đỗ trọng mà còn có thể phân biệt các thứ (variety) khác nhau và các vùng xuất xứ khác nhau. Kết quả có thể cung cấp cơ sở lý thuyết cho việc sử dụng nguồn tài nguyên và phát triển trồng các loài đỗ trọng tốt.

Nguyễn Văn Trí

  1.  

ĐẶC TÍNH CỦA MỘT LOẠI DẦU MỚI GIÀU ACID Α-LINOLENIC: DẦU HẠT ĐỖ TRỌNG

 

Zhen-Shan Zhang  và cs.

Journal of Food Science, 2018, 83(3):617-623

 

Dầu hạt đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) là sản phẩm phụ chính của việc canh tác đỗ trọng. Để hiểu rõ hơn các tính chất của nó, dầu hạt đỗ trọng được mô tả một cách toàn diện trong công trình này. Thành phần của hạt đỗ trọng, đặc tính hóa lý, đặc tính nhiệt, thành phần acid béo, thành phần triacylglycerol (TAG) và thành phần vitamin E của dầu hạt đỗ trọng đã được xác định. Kết quả cho thấy hạt đỗ trọng chứa khoảng 34,63% dầu. Các đặc tính hóa lý tuyệt vời của dầu hạt đỗ trọng đảm bảo tiềm năng phát triển như một loại dầu ăn. Các acid béo chính trong dầu hạt đỗ trọng là acid linolenic (61,36%), acid oleic (17,02%) và acid linoleic (12,04%). Phương pháp HPLC-ELSD xác định rằng LnLnLn (37,99%), LnLnO (22,62%), LnLnL (14,5%) và LnLnP (8,78%) là các thành phần TAG chính của dầu hạt đỗ trọng. Dầu đã thể hiện đường cong nhiệt độc đáo với 2 đỉnh nóng chảy tương ứng ở –38,45 và –2,22 ° C. Tổng hàm lượng vitamin E trong dầu hạt đỗ trọng là 190,96 mg /100g, hiện diện chủ yếu ở dạng đồng phân γ -tocopherol và δ-tocopherol. Nhìn chung, các kết quả chỉ ra rằng dầu hạt đỗ trọng là một loại dầu đầy hứa hẹn trong thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và các ngành công nghiệp phi thực phẩm khác.

Nguyễn Văn Trí

  1.  

ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT DÂN TỘC HỌC, HÓA THỰC VẬT VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER)

Chao-Yong Wang  và  cs.

Am J Chin Med . 2019;47(2):259-300

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), một thực vật đơn loài trong chi đỗ trọng thuộc họ Eucommiaceae, là loài đặc hữu ở Trung Quốc và đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc gần hai nghìn năm. Các ghi chép từ các giai đoạn lịch sử khác nhau nêu bật đỗ trọng và các bộ phận thực vật chính của nó, công dụng trong việc thích ứng với bệnh tật và vai trò trung tâm trong lý thuyết y học Trung Quốc. Ngoài ra còn có các tài liệu thu thập tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc. Xé lá, vỏ và quả tạo ra các sợi nhựa mủ; mô tả về các đặc điểm hình thái của E. ulmoides được ghi lại trong bài báo nghiện cứu này. Đánh giá này tóm tắt 204 hợp chất tự nhiên được phân lập từ loại cây này, được phân loại thành 7 nhóm: các lignan, iridoid, flavonoid, phenol, steroid, tecpen và những loại khác. Các thành phần này có phổ hiệu quả dược lý rộng, chẳng hạn như tác dụng hạ huyết áp, hạ đường huyết, hạ lipid máu, chống oxy hóa, chống loãng xương, chống u, các tác động điều hòa miễn dịch và bảo vệ thần kinh. Tổng quan này nhằm mục đích cung cấp tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sâu rộng về thuốc thô của đỗ trọng, đặc biệt là để kiểm soát chất lượng, sinh tổng hợp và sửa đổi cấu trúc của các thành phần hoạt tính và cơ chế tác dụng dược lý.

Cao Ngọc Giang , Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Thu Hằng

  1.  

CAO CHIẾT LÁ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIV) CẢI THIỆN RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG Ở CHUỘT CỐNG TRẮNG BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GÂY BỞI STREPTOZOTOCIN BẰNG CÁCH BẢO VỆ CHỨC NĂNG NỘI MÔ VÀ CẢI THIỆN CHỨC NĂNG TRỤC VÙNG DƯỚI ĐỒI- TUYẾN YÊN-TUYẾN SINH DỤC

Hui Fu và cs

Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, 2019, 2019:82953.

Rối loạn cương dương (ED) là một biến chứng chính của bệnh đái tháo đường. Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được sử dụng như một loại thuốc truyền thống cho chứng yếu sinh lý ở nam giới, nhưng chưa có nghiên cứu có hệ thống nào kiểm tra tác động của nó đối với ED liên quan đến bệnh đái tháo đường. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tìm hiểu tác dụng của cao chiết lá đỗ trọng (EULE) trên sự phục hồi chức năng cương dương trong mô hình chuột mắc bệnh đái tháo đường do streptozotocin (STZ) gây ra. Sau 16 tuần điều trị, việc sử dụng EULE đã làm tăng đáng kể áp lực, hàm lượng nitric oxide (NO) và nồng độ guanosine monophosphate vòng (cGMP) trong thể hang. Hàm lượng superoxid dismutase (SOD) và glutathione peroxidase (GSH-Px) trong huyết thanh cao hơn rõ rệt và hàm lượng malondialdehyd (MDA) trong huyết thanh ở nhóm được điều trị EULE thấp hơn so với nhóm chứng bệnh lý. EULE khôi phục sinh tổng hợp NO bằng cách tăng đáng kể protein kinase B (Akt) và kích hoạt eNOS. Ngoài ra, EULE tạo thuận lợi cho hoạt động của trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục (HPG), vì làm tăng gonadotropin-releasing hormon (GnRH), follicle-stimulating hormon (FSH), luteinizing hormon (LH) và nồng độ testosterone (T) như cũng như tăng mức độ biểu hiện của các thụ thể hormon Gnrhr, Fshr và Lhr. Do đó, EULE làm giảm stress oxy hóa, tăng sản xuất NO và kích hoạt con đường Akt-eNOS để phục hồi chức năng nội mô; ngoài ra, EULE còn tăng cường trục HPG để cải thiện chức năng cương dương. Những kết quả này cho thấy việc sử dụng cao chiết lá đỗ trọng có thể là một hướng điều trị mới cho ED liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Cao Ngọc Giang, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Thu Hằng
  1.  

ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI MƯỜI MỘT HOẠT CHẤT TRONG HOA ĐỰC CỦA CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) BẰNG HPLC VÀ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CỦA CHÚNG DỰA TRÊN PHÂN TÍCH DẤU

VÂN TAY HOÁ HỌC KẾT HỢP VỚI THUẬT TOÁN PHÂN TÍCH CỤM THEO THỨ BẬC

 

Ding Y. và cs.

Pharmacognosy Magazine, 2014, 10(40):435-40

 

Eucommia ulmoides Oliv (EU) là cây thực vật hạt kín lâu năm, là một trong những vị thuốc truyền thống của y học cổ truyền Trung Quốc. Sản phẩm trà từ hoa đực của EU đã rất phổ biến và là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe triển vọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có tiêu chí và phương pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng hoa đực của EU. Nghiên cứu này nhằm phát triển một phương pháp HPLC đơn giản và hiệu quả để định lượng đồng thời 11 hoạt chất (4 iridoid, 1 phenylpropanoid, 6 flavonoid) trong mẫu hoa đực của EU. Phân tích dấu vân tay hoá học kết hợp thuật toán phân cụm theo thứ bậc được sử dụng để đánh giá và phân loại các mẫu hoa đực của EU thu thập từ các địa phương khác nhau ở Trung Quốc. Các mẫu được phân tích trên cột Thermal hypersil gold (250 mm x 4,6 mm, 5 µm) với detector UV. Bước sóng UV được đặt ở 236 và 206 nm. Pha động bao gồm methanol (B) và acid phosphoric-nước (0,5%) (C) sử dụng phương pháp rửa giải gradient. Quá trình phân tích được thực hiện ở 25°C với tốc độ dòng là 1 ml/phút. Trong phân tích định lượng, đường chuẩn của mười một hoạt chất có tính tuyến tính tốt (R2> 0,9996), độ thu hồi của chúng nằm trong khoảng 98,65-102,31%. Trong phân tích dấu vân tay sắc ký, 16 pic được chọn làm các pic đặc trưng để đánh giá sự tương đồng giữa các mẫu. Áp dụng thuật toán phân cụm theo thứ bậc (HCA) để phân biệt các mẫu dựa trên diện tích của tất cả các pic chung. Các mẫu có độ tương đồng cao về  dấu vân tay HPLC được phân loại thành một cụm. Kết quả thu được của nghiên cứu này nhằm cung cấp tài liệu tham khảo về phương pháp kiểm soát chất lượng và phân loại mẫu  hoa đực của E. ulmoides.

Nguyễn Thị Hà Ly

 

  1.  

ĐỊNH TÍNH ĐỒNG THỜI VÀ ĐỊNH LƯỢNG TRANS-1,4-POLYISOPREN TRONG ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) BẰNG PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ THẨM THẤU GEL (GPC)

 

Tianyang Guo. và cs.

Journal of chromatography B, 2015, 1004: 17-22

 

Hợp chất tự nhiên trans-1,4-polyisopren (TPI) là vật liệu sinh học được quan tâm để sử dụng trong công nghiệp cao su. Mục đích của nghiên cứu này là phân tích đồng thời hàm lượng và sự phân bố khối lượng phân tử của hợp chất TPI bằng phương pháp sắc ký thẩm thấu gel (GPC). Hợp chất TPI  từ lá, vỏ quả, vỏ cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được chiết bằng toluen, sau đó tinh chế bằng ethanol. Kết quả, hàm lượng TPI từ lá, vỏ quả là 3,5% và 13,8%. Giới hạn phát hiện (LOD) của TPI là 0,58 mg/mL trong lá và 0,47 mg/ml trong vỏ quả. Phân bố khối lượng phân tử của TPI là phân bố lưỡng đỉnh ở lá cây; phân bố đơn đỉnh ở vỏ cây và phân bố đơn đỉnh cùng với một pic nhỏ ở vỏ quả. Kết quả phân tích real-life đỗ trọng thu được từ ba phương pháp độc lập (GPC, phương pháp trọng lực và quang phổ hồng ngoại) có sự phù hợp.

Hoàng Thị Tuyết

  1.  

CÁC HỢP CHẤT MEGASTIGMAN GLYCOSID TỪ LÁ CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) VÀ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ ACE

Jian-Kun Yan và cs.,

Fitoterapia, 2017, 116:121-125

 

Từ lá cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), đã phân lập được 4 hợp chất megastigman glycosid mới: eucomegastigsid A-D (2, 3, 57), cùng với 3 hợp chất megastigman glycosid đã biết là (6R, 7E, 9R)-9-hydroxy-4, 7-megastigmadien-3-on-9-O-[α-l-arabinopyranosyl-(l → 6)-β-d-glucopyranosid (1), foliasalaciosid B1 (4) and eleganosid A (6). Các hợp chất này được thử tác dụng chống tăng huyết áp in vitro dựa trên khả năng ức chế men chuyển (Angiotensin Converting Enzyme, ACE), có sử dụng HPLC. Kết quả cho thấy các hợp chất 2, 3, 4, 5, 7 đều có tác dụng ức chế ACE trung bình so với captopril.

 

Nguyễn Thị Hằng

  1.  

PHÂN TÍCH CHÍN HOẠT CHẤT TRONG ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIV.) VÀ CÁC CHẾ PHẨM ĐỖ TRỌNG BẰNG HPLC-DAD-MS

Luo. X.

Journal of liquid chromatography & related technologies, 2004, 27(1): 63-81

 

Một phương pháp HPLC-DAD-ESI-MS với ưu điểm nhanh, đặc hiệu và độ lặp lại cao được xây dựng để xác định chín hoạt chất trong đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.). Các mẫu phân tích bao gồm vỏ, lá, các cao chiết, chế phẩm hỗn hợp dược liệu theo y học cổ truyền Trung Quốc có bản quyền, đồ uống từ đỗ trọng. Định tính 9 hợp chất bao gồm aucubin, acid geniposidic, acid chlorogenic, acid caffeic, geniposid, (+)‐pinoresinol‐di‐Oβ‐D‐glucopyranosid, rutin, quercetin và kaemferol dựa vào thời gian lưu, phổ UV và phổ khối so sánh với chuẩn. Diện tích píc được lựa chọn theo chế độ SIM được sử dụng để định lượng 9 hợp chất trong mẫu thử. Phương pháp đã xây dựng có thể kiểm soát chất lượng dược liệu đỗ trọng cũng như các chế phẩm có đỗ trọng.

Nguyễn Đình Quân

  1.  

NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT CHIẾT XUẤT VÀ TINH CHẾ ACID CHLOROGENIC

TRONG LÁ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER)

 

Liu J và cs.

Journal of Chinese Medicinal Materials, 2004; 27(12): 942-946

 

Ethanol được dùng làm dung môi chiết acid chlorogenic từ lá đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.). Các điều kiện tối ưu thu được bằng phương pháp phân tích bề mặt đáp ứng. Sử dụng ethanol 51,7%, nhiệt đô chiết xuất 55.8 oC, tỉ lệ dược liệu – dung môi 1:12.8, thời gian chiết 2 giờ. Nghiên cứu hấp phụ tĩnh được tiến hành với 6 loại hạt nhựa, lựa chọn NKA-II làm hạt nhựa tối ưu để hấp phụ acid chlorogenic trong lá đỗ trọng. Điều kiện rửa giải tối ưu là: tốc độ dòng hấp phụ 2 ml/phút, dịch chiết đi qua cột 2 lần, dung môi rửa giải là ethanol 40%.

 

Hoàng Thành Dương

 

  1.  

SO SÁNH CÁC KỸ THUẬT CHIẾT XUẤT THUỐC HẠ HUYẾT ÁP ACID GENIPOSIDIC VÀ GENIPOSIDE TỪ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

S. D. Wu và cs.

Journal of the Iranian Chemical Society, 2007; 4: 205-214

 

Chiết xuất acid geniposidic và geniposide từ đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được thực hiện bằng các kỹ thuật chiết Soxhlet, chiết nước với sự hỗ trợ enzyme, chiết xuất bán sinh học và chiết lỏng siêu tới hạn, và các dịch chiết được phân tích bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao. Kết quả cho thấy phương pháp tốt nhất để chiết xuất acid geniposidic và geniposide là phương pháp chiết nước sử dụng hỗ trợ của enzyme và chiết bán sinh học. So sánh với các phương pháp chiết khác, chiết bán sinh học hiệu quả hơn, cho hiệu suất acid geniposidic và geniposid lớn nhất. Phương pháp chiết bán sinh học cũng không sử dụng dung môi hữu cơ. Phương pháp này được thực hiện với độ pH tương tự trong cơ thể người. Kết quả cho thấy chiết bán sinh học là phương pháp tốt nhất để chiết acid geniposidic và geniposide hiệu quả trên quy mô lớn từ dược liệu. Quy trình chiết xuất lỏng siêu tới hạn cần nhiều thời gian hơn các phương pháp khác và cho hiệu suất chiết acid geniposidic và geniposide thấp nhất.

Hoàng Thành Dương

  1.  

SỬ DỤNG SẮC KÝ LỎNG HIỆU NĂNG CAO ĐỂ XÁC ĐỊNH ACID CHLOROGENIC TRONG LÁ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES) BẰNG CHIẾT SIÊU ÂM

 

 

Xueyuan Jin và cs.

2010 4th International Conference on Bioinformatics and Biomedical Engineering, 2010

 

Để phân tích acid chlorogenic trong đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), chiết siêu âm được sử dụng để chuẩn bị mẫu. Với hiệu suất chiết acid chlorogenic làm chỉ tiêu đánh giá. Ảnh hưởng của nồng độ ethanol, công suất siêu âm, thời gian chiết, và tỉ lệ rắn- lỏng được nghiên cứu. Dịch chiết sau đó được định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Kết quả cho thấy điều kiện chiết tối ưu là: ethanol 70% (thể tích/thể tích), công suất chiết 200W, thời gian chiết 18 phút, tỉ lệ dược liệu-dung môi 1:10 (g:mL). Sau khi phân tích HPLC thu được đường chuẩn tuyến tính (R2=0.993) với dải nồng độ từ 200~1000μg/mL đối với chlorogenic acid. Phương pháp có độ chính xác với độ lệch chuẩn tương đối 1.50~2.55% với dãy nồng độ chlorogenic acid. Độ thu hồi của phương pháp 98.46 -100.05%. Phương pháp này có thể được dùng như một kỹ thuật thực nghiệm để phát hiện acid chlorogenic trong đỗ trọng vì nhanh chóng, đơn giản, có độ nhạy cao và thuận tiện.

 

Hoàng Thành Dương

  1.  

TỐI ƯU QUÁ TRÌNH CHIẾT XUẤT ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) VÀ TÁC DỤNG TRÊN CHẤT LƯỢNG XƯƠNG CỦA CHUỘT CỐNG TRẮNG BỊ CẮT BUỒNG TRỨNG

 

ZhengNan Zhao và cs.

Tropical Journal of Pharmaceutical Research, 2020; 19(3)

 

 

Mục tiêu: Tối đa hiệu suất thu được của quá trình chiết xuất đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) và khảo sát tác dụng trên chất lượng xương.

Phương pháp: Các thông số chiết khác nhau được tối ưu bằng phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) để cho hiệu suất chiết xuất cao nhất từ đỗ trọng. Mô hình Box-Behnken được sử dụng để xác định ảnh hưởng của nhiệt độ, thời gian và tỉ lệ lỏng-rắn đến hiệu suất chiết đỗ trọng. Sau 4 tuần thích nghi, 32 con chuột cống trắng được chia thành 4 nhóm (n=8): nhóm 1 (sham; chỉ phẫu thuật, không tách buồng trứng) được cho sử dụng dung môi pha mẫu; nhóm 2 (chứng OVX: chuột bị cắt bỏ 2 buồng trứng); nhóm 3 (sham + cao chiết đỗ trọng với liều 4 g/kg); nhóm 4 (OVX+ cao chiết đỗ trọng với liều 4 g/kg). Sau phẫu thuật, chuột được tiêm gentamicin trong 3 ngày liên tiếp. Hai tháng sau phẫu thuật, máu và xương xốp được lấy để phân tích.

Kết quả: Nhiệt độ và tỉ lệ dung môi-dược liệu có tác động đáng kể đến hiệu suất chiết đỗ trọng, với điều kiện tốt nhất thu được là nhiệt độ 88 oC, thời gian 137 phút, và tỉ lệ DM/DL là 16:1. Sử dụng các điều kiện này, hiệu suất tối đa khi chiết thực nghiệm (2.53%) tương đối gần so với giá trị lý thuyết là 2.49%. Điều đó cho thấy có sự tương đồng giữa mô hình toán học và dữ liệu thực tế của hiệu suất chiết. Cao chiết đỗ trọng làm tăng đáng kể (p<0.01) hàm lượng Ca và P và Cr trong nhóm OVX + cao đỗ trọng so với nhóm chứng OVX. Hơn nữa, dịch chiết cũng làm tăng đáng kể chỉ số cơ học đại thể của xương xốp trong nhóm OVX + cao đỗ trọng khi so sánh với nhóm chứng OVX.

Kết luận: Hiệu suất chiết đỗ trọng đã được tối ưu thành công sử dụng RSM. Cao chiết có tác dụng mạnh đến chất lượng xương.

Vũ Thị Hương Anh

  1.  

CHIẾT XUẤT AUCUBIN TỪ HẠT ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIV.) BẰNG CO2 SIÊU TỚI HẠN

 

Hui Li và cs.

Journal of AOAC INTERNATIONAL, 2019; 1(92): 103-110

 

CO2 siêu tới hạn được sử dụng làm dung môi để chiết xuất aucubin từ hạt của đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.). Các hệ hai dung môi được thử nghiệm và điều kiện chiết xuất được tối ưu. Kết quả cho thấy hệ dung môi tốt nhất là hỗn hợp nước-ethanol (1+3, thể tích/thể tích), và hiệu suất cao nhất đạt được khi chiết xuất ở điều kiện 26 Mpa và nhiệt độ phân lập 55 oC và 30 oC trong 120 phút, sử dụng 6 ml hệ 2 dung môi/g dược liệu với tốc độ dòng CO2 20 L/giờ. So sánh giữa phương pháp CO2 siêu tới hạn và chiết Soxhlet, phương pháp Soxhlet cần 3 giờ để chiết được 10 g dược liệu, trong khi đó chiết CO2 siêu tới hạn chỉ cần 2 giờ để chiết 100 g dược liệu, chứng minh hiệu năng chiết tốt hơn của phương pháp này. Chiết CO2 siêu tới hạn cho hiệu suất cao hơn với giá thành rẻ hơn. Với các ưu thế về nhiệt độ chiết thấp, hiệu suất cao, và dễ dàng phân tách sản phẩm khỏi dung môi, chiết CO2 siêu tới hạn có khả năng được phát triển thành một kỹ thuật lý tưởng để chiết xuất aucubin, một hợp chất không ổn định về nhiệt, từ hạt của đỗ trọng.

Vũ Thị Hương Anh

  1.  

NGHIÊN CỨU QUÁ TRÌNH CHIẾT XUẤT VÀ TINH CHẾ GUTTA-PERCHA TỪ LÁ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES) SAU XỬ LÝ TOÀN PHẦN

 

Fu Rong Shan và cs.

Advanced Materials Research, 2011;236-238

 

Nghiên cứu này tập trung vào một công đoạn cụ thể trong quy trình chiết xuất và tinh chế Gutta-percha (nhựa nhiệt dẻo cứng). Gutta-percha được chiết xuất từ phần cắn ủa lá, qua công nghệ xử lý toàn phần. Sau khi chiết xuất và phân lập chlorophyll, β-carotene, các lignan, aucubin, acid chlorogenic, flavonoid, polysaccharide and các protein, vv với phương pháp chiết ngược dòng đa tầng, lá xanh chuyển thành phần cắn, sau đó được ngâm vào ether dầu hoả (có dải nhiệt độ sôi từ 60 – 90 oC) và kết tủa trong aceton. Kết quả của nghiên cứu cho thấy: Gutta-percha chiết xuất được từ cắn có màu sáng, giải quyết được vấn đề lớn là tiêu chuẩn gum xuất khẩu không được có màu tối. Bên cạnh đó, hiệu suất gum tạo thành trong thí nghiệm này xấp xỉ 2.0%, tốc độ tăng 17.6% so với 1.7% của các phương pháp chiết xuất tức thời khác. Hơn thế nữa, giá thành của quy trình công bố trên bài báo thì thấp hơn so với các phương pháp khác, tiêu tốn dung môi ít hơn, ít chất thải và hồi lưu dung môi hiệu quả hơn. Và trên đây là một phương pháp mới để chiết xuất gutta-percha.

Hoàng Thành Dương

  1.  

CHẤT CHỐNG OXY HOÁ: FLAVONOID TỪ LÁ ĐỖ TRỌNG,

 CHIẾT XUẤT, TINH CHẾ VÀ ĐÁNH GIÁ IN VITROIN VIVO

 

Xianmeng Xu và cs.

AgroFOOD Industry Hi Tech, 2016; 27(4)

 

Các flavonoid từ lá đỗ trọng (Eucommia ulmoides) được chiết xuất bằng thiết bị siêu âm phá vỡ tế bào với hiệu suất chiết 2.04%. Hạt hấp phụ XDA-8 được sử dụng để tinh chế cao thô, kết quả hàm lượng flavonoid tăng 47.9% trong cao tinh chế. Hoạt tính chống oxy hoá của flavonoid được đánh giá in vitro bằng hoạt tính bắt gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhdrazyl (DPPH), gốc hydroxyl, và gốc superoxid và đánh giá in vivo hoạt tính superoxid dismutase (SOD) and glutathion peroxidase (GSH-PX) và hàm lượng malondialdehyd trong huyết thanh chuột. Kết quả cho thấy hoạt tính bắt gốc DPPH tăng từ 15,6% đến 97,6% tại các nồng độ khác nhau (0,030 – 0,300 mg/mL) của flavonoid tinh khiết, trong khí đó hoạt tính bắt gốc DPPH của cao flavonoid thô tăng từ 18,5% đến 95,2% tại các nồng độ khác nhau (0,10 – 1,00 mg/mL). Hoạt tính GSH-PX và SOD giảm từ 498,4 U/L và 186,4 U/L xuống tương ứng 448,5 U/L và 168,2 U/L khi mẫu cao thô được tinh chế, và hàm lượng MDA trong huyết thanh tăng từ 13,6 nmol/mL lên 15,2 nmol/mL. Khả năng chống oxy hoá dường như phụ thuộc vào hàm lượng flavonoid bởi vì hoạt tính chống oxy hoá in vivo giảm khi flavonoid trong cao thô được tinh chế, và kết quả này có thể do sự mất mát của các hoạt chất. Kết quả cho thấy flavonoid trong cao thô và flavonoid được tinh chế bằng nhựa resin từ lá đỗ trọng có hoạt tính chống oxy hoá rõ rệt trong in vitroin vivo và có khả năng trở thành nguồn cung cấp chất chống oxy hoá.

Vũ Thị Hương Anh

  1.  

ỨNG DỤNG KỸ THUẬT SIÊU ÂM VÀO CHIẾT XUẤT ACID CHLOROGENIC

TỪ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMODIES OLIV.)

 

Hui Li và cs.

Ultrason Sonochem, 2005 ;12(4):295-300

 

Một phương pháp siêu âm để chiết acid chlorogenic từ lá tươi đỗ trọng (Eucommia ulmoides) được nghiên cứu và tối ưu. Ảnh hưởng của 4 yếu tố đến hiệu suất chiết acid chlorogenic được nghiên cứu. Điều kiện chiết xuất tối ưu được tìm thấy : methanol 70%, tỉ lệ dung môi :mẫu= 20 :1 (thể tích/khối lượng) ; thời gian chiết 3 x 30 phút. Độ thu hồi của acid chlorogenic được nghiên cứu (HPLC) và độ lặp lại của phương pháp được xác định. Điều kiện chiết siêu âm tối ưu được áp dụng vào chiết acid chlorogenic từ lá tươi, vỏ cây tươi và vỏ cây khô của đỗ trọng và 4 vị thuốc cổ truyền Trung Quốc. Ứng dụng của phương pháp siêu âm được chứng minh có hiệu quả cao khi chiết acid chlorogenic từ đỗ trọng và các vị thuốc Trung Quốc khác khi so sánh với các phương pháp truyền thống.

Đỗ Thị Thùy Linh

  1.  

CHIẾT HỖ TRỌ VI SÓNG VÀ TINH CHẾ ACID CHLOROGENIC TỪ PHỤ PHẨM

CỦA ĐỐ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG UNG THƯ TIỀM NĂNG

 

P Shao và cs.

J Food Sci Technol, 2015; 52(8):4925-34

 

Một phương pháp hiệu quả để chiết xuất, phân lập và tinh chế nhanh chóng acid chlorogenic (CGA) từ phụ phẩm của đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) bằng chiết hỗ trợ vi sóng (MAE) kết hợp với sắc ký ngược dòng tốc độ cao (HSCCC) được xây dựng. Các thông số tối ưu cho quá trình chiết MAE được đánh giá bằng phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) bao gồm là thời gian chiết xuất 12 phút, công suất 420W, nồng độ ethanol 75%, tỉ lệ dung môi/mẫu 30:1 (mL/g), hiệu suất CGA đạt 3.59%. Cao thô được phân lập và tinh chế trực tiếp bằng hệ thống HSCCC sử dụng hệ dung môi 2 pha ethyl acetate- butyl alcohol-nước (3:1:4, thể tích/thể tích). Từ 400 mg cao thô thu được 14.5 mg CGA với độ tinh khiết 98.7% qua một bước phân lập. Công thức hoá học của CGA được kiểm chứng bằng phân tích IR, ESI-MS. Bên cạnh đó, cao CGA tinh chế được đánh giá bằng thử nghiệm MTT và kết quả cho thấy cao CGA có hoạt tính chống ung thư tiềm năng cho tế bào ung thư dạ dày AGS.

Đỗ Quang Thái

  1.  

ỨNG DỤNG CỦA CHIẾT XUẤT ION HÓA LỎNG CÓ HỖ TRỢ  ENZYM VỚI ACID CHLOROGENIC

 TỪ LÁ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

Tingting Liu, et al.

Anal Chim Acta, 2016; 903:91-9

 

Một hướng tiếp cận mới của kỹ thuật chiết xuất ion hóa lỏng có hỗ trợ enzym (ILEAE) với acid chlorogenic (CGA) từ đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được trình bày trong đó enzyme được tiền xử lý trong môi trường chất lỏng ion để tăng hiệu quả chiết. Vì mục đích này, độ tan của CGA và hoạt tính của cellulase được nghiên cứu trong 8 chất lỏng ion 1-alkyl-3-methylimidazolium. Cellulase trong dung dịch [C6mim]Br 0,5 M được tìm thấy cho hiệu suất chiết tốt nhất, Các yếu tố của quy trình ILEAE bao gồm thời gian chiết, pH, nhiệt độ chiết và nồng độ enzym được nghiên cứu. Hơn nữa, cách tiếp cân mới cung cấp nhiều lợi thế về hiệu suất và hiệu quả so với các kỹ thuật chiết xuất thông thường khác. Quét kính hiển vi điện tử của các mẫu thực vật cho thấy thành tế bào được xử lý với cellulase trong môi trường chất lỏng ion, từ đó dẫn đến quy trình chiết xuất hiệu quả hơn do giảm thiểu rào chắn chuyển khối. Phương pháp ILEAE được đề xuất phát triển một quy trình liên tục để chiết xuất có hỗ trợ enzym bao gồm quá trình ủ enzym và quá trình chiết dung môi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất một quan điểm mới cho chiết xuất có enzym hỗ trợ của các hoạt chất trong thực vật, bên cạnh tập trung vào việc enzym làm thuận lợi cho phân huỷ thành tế bào, hướng đến cải thiện khả năng thẩm thấu của dung dịch chất lỏng ion.

 

Đặng Tuấn Anh

  1.  

MỘT MONOTERPEN MỚI PHÂN LẬP TỪ VỎ CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

Hui-Ming Hua và cs.

Journal of Asian Natural Products Research, 2002 Sep, 4(3): 201-204

  

Một hợp chất monoterpen mới là eucommidiol (1) cùng với một hợp chất đã biết là 1,4a,5,7a-tetrahydro-7-hydroxymethyl-cyclopenta[c]pyran-4-carboxylic methyl ester đã được phân lập từ vỏ cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv. thuộc họ Eucommiaceae). Cấu trúc của hợp chất 1 được chỉ ra là 6,6a-di(hydroxymethyl)-3,3a,4,6a-tetrahydro-2H-cyclopenta[b]furan-2-on dựa trên các kết quả về tính chất hoá học và dữ kiện phổ 2D-NMR.

 

Phùng Như Hoa

  1.  

CÁC IRIDOID PHÂN LẬP TỪ LÁ XANH CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

Chika Takamura và cs

Journal of Natural Products, 2007 Aug, 70(8): 1312-6

 

Vỏ cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được biết đến là loại dược liệu nổi tiếng trong y học phương đông, lá đỗ trọng được dùng làm thức uống. Từ lá xanh của loài này, ba hợp chất iridoid mới (1-3) cùng với 12 hợp chất đã biết đã được phân lập. Hợp chất 1 là iridoid đầu tiên sở hữu liên kết bão hòa giữa C-3 và C-4 và liên kết ete giữa C-3 và C-2 của đơn vị glucose. Hơn nữa, hợp chất 23 có thể được coi là những hợp chất là liên hợp iridoid và acid amin đầu tiên được phát hiện trong tự nhiên.

 

Phùng Như Hoa

  1.  

LÀM GIÀU ACID CHLOROGENIC TỪ CHIẾT XUẤT LÁ CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 BẰNG CARBON HẤP PHỤ

 

Guotong Qin và cs

Journal of Chromatography.B, Analytical Technologies in the Biomedicak and Life sciences, Vol 1087-1088, 15 June 2018: 6-13

 

Trong nghiên cứu này, chúng tôi báo cáo phương pháp tách và làm giàu hiệu quả acid chlorogenic từ chiết xuất thô của lá cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) bằng cách sử dụng chất hấp phụ carbon. Sự ảnh hưởng của cấu trúc chất hấp phụ carbon đến khả năng hấp phụ đã được nghiên cứu. Trong số bốn chất hấp phụ được khảo sát, vật liệu carbon kích thước lỗ trung bình (MC3) cho thấy khả năng hấp phụ cao nhất (294 mg/g carbon) đối với acid chlorogenic do dung tích của lỗ xốp lớn. Sự hấp phụ tĩnh của CGA trên carbon được mô tả chính xác bằng cách sử dụng phương trình hấp phụ đẳng nhiệt Freundlich. Quá trình hấp phụ tuân theo mô hình giả động học bậc 2. Sự chuyển khối bên ngoài là bước kiểm soát của quá trình hấp phụ. Quá trình động học hấp phụ trên MC3 chứng tỏ rằng acid chlorogenic bắt đầu đi vào sau khi nạp 28 BV dịch chiết. Quy trình xử lý vật liệu carbon kích thước lỗ trung bình này an toàn, kinh tế và có tiềm năng được mở rộng để ứng dụng trong thương mại.

 Tạ Thị Thủy

  1.  

CÁC HỢP CHẤT CHỐNG BÉO PHÌ ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ LÁ XANH CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

Tesuya Hirata và cs

Bioorganic &  Medicinal Chemistry Letter, Volume 21, Issue 6, 15 March 2011, Page 1786-1791

 

Tác dụng chống tăng huyết áp của lá cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) đã được chứng minh trên lâm sàng và có nhiều nghiên cứu về đặc tính chống béo phì. Tuy nhiên, các hợp chất liên quan đến tác dụng chống béo phì của đỗ trọng vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá tác dụng chống béo phì từ cao chiết của lá cây đỗ trọng (EGLE) được chia thành năm phân đoạn bằng polystyren dạng gel, xốp và các hợp chất được phân lập, tương ứng là acid geniposidic, acid asperulosid và acid chlorogenic. Một mô hình lâm sàng tương tự hội chứng chuyển hóa ở chuột được tạo ra bằng cách cho chuột ăn với chế độ cao chất béo 40% để kiểm tra tác dụng chống béo phì của mẫu thử nghiệm được sử dụng dài ngày. Sau 4 tuần, phân đoạn MeOH 30% (chứa hàm lượng asperulosid cao hơn so với các phân đoạn khác) làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, trọng lượng mô mỡ, nồng độ triglyceride và cholesterol toàn phần trong huyết tương ở chuột mô hình và những tác dụng này tương đương với tác dụng của cao chiết tổng từ lá cây đỗ trọng (EGLE). Điều trị lâu dài bằng asperulosid được phân lập từ lá đỗ trọng làm ngăn chặn sự gia tăng của trọng lượng cơ thể, trọng lượng mô mỡ, nồng độ triglyceride và acid béo tự do trong huyết tương của chuột mô hình. Kết quả này cho thấy asperulosid trong lá đỗ trọng có tiềm năng trong việc chống béo phì.

 Tạ Thị Thủy

  1.  

CÁC FLAVONOID TỪ CÂY ĐTRNG (EUCOMMIA ULMOIDES) CÁC HOẠT TÍNH BO VGAN IN VITRO

 

Weixing Huang và cs

Natural Product Research, 28 Jan 2020:1-8

 

Nghiên cứu về hóa thực vật của vỏ cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) dẫn đến việc phân lập được 18 flavonoid (1-18). Hợp chất mới, eucommiaflavone (1) đã được xác định cấu trúc bằng các phân tích phổ khác nhau. Đặc biệt, phân tích phổ lưỡng sắc tròn cảm ứng (ICD) sử dụng Mo2(OAc)4 đã được áp dụng để xác định cấu hình tuyệt đối của 1. Hơn nữa, năm flavonoid (4, 9, 11, 1315) cho thấy có hoạt tính bảo vệ gan in vitro điển hình chống lại độc tính gây bởi D –galactosamin trên dòng tế bào gan HepG2.

Lê Thành Nghị

  1.  

 CÁC HỢP CHẤT LIGNAN PHENOLIC ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER)

 

Qi Huang và cs

Natural Product Research, 9 Dec 2019, 1-8

 

Hai lignan mới, noreucol A (1) và (+) - epicycloolivil (2), cùng với bảy hợp chất đã được công bố trước đó (3-9) đã được phân lập từ cao chiết  nước của cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliver). Hợp chất 1 là một norlignan mới và chất 2 là một epimer ở vị trí C-7 của (+)-cycloolivil (3). Cấu trúc của chúng đã được xác định bằng các phương pháp phổ, trong khi cấu hình tuyệt đối của các hợp chất mới được xác định bằng phân tích đối xứng và tính toán phổ lưỡng sắc điện tử theo lý thuyết DFT. Ngoài ra, tác dụng bảo vệ thần kinh của hợp chất 1-3 chống lại tổn thương tế bào HT-22 do glutamat gây ra đã được đánh giá, và chỉ hợp chất 1 thể hiện tác dụng trung bình ở các nồng độ từ 10 ∼ 50 μM.

Lê Thành Nghị

  1.  

HAI CẶP ĐỒNG PHÂN ĐỐI QUANG  PHENYLPROPANOID ĐƯỢC PHÂN LẬP

TỪ LÁ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

Xu-Liu Shi và cs.

J.Asiam Nat Pro Res, 2018 Nov; 20(11): 1045-1054

 

Hai cặp đồng phân đối quang phenylpropanoid là: (+)-(7S, 8S)-alatusol D (1a), (-)-(7R, 8R)-alatusol D (1b), (-)-(7S, 8R)-alatusol D (2a) và (+)-(7R, 8S)-alatusol D (2b) được phân lập từ lá cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliver). Trong đó, 1a2b lần đầu tiên được phân lập bằng phương pháp phân giải bất đối xứng. Cấu trúc của chúng được xác định bằng các phương pháp phổ lưỡng sắc tròn cảm ứng (ICD) bằng cách thêm Mo2(AcO)4 trong DMSO. Các hợp chất này đã được thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư Hep G2. Tuy nhiên, không có hợp chất nào cho thấy hoạt tính gây độc tế bào Hep G2 in vitro.

Phan Thị Trang

  1.  

HAI CẶP ĐỒNG PHÂN ĐỐI QUANG  PHENOLIC ĐƯỢC PHÂN LẬP

TỪ LÁ  CÂY ĐỖ TRỌNG  (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER)

 

Jian-Kun Yan và cs.

Nat Prod Res. 2019 Apr;33(8):1162-1168

 

Hai cặp đồng phân đối quang phenol mới  là: (+)-eucophenolic A (1a), (-)-eucophenolic B (1b), (-)-eucophenolic C (2a), (+)-eucophenolic D (2b) được phân lập từ lá cây đỗ trọng (Eucommia ulmodies Oliver) bằng phương pháp phân giải bất đối xứng. Cấu trúc của chúng đã được xác định dựa trên các phương pháp phổ. Các cấu hình tuyệt đối của 1a/1b2a/2b được xác định bằng phương pháp thực nghiệm và tính toán ECD và OR. Tất cả các hợp chất đã được thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư Hep G2. Tuy nhiên, không có hợp chất nào cho thấy hoạt tính gây độc tế bào Hep G2 in vitro.

 

Phan Thị Trang

  1.  

(+) PINORESINOL-O-β‑D-GLUCOPYRANOSID TỪ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) CÓ TÁC DỤNG KHÁNG VIÊM VÀ KHÁNG VIRUS CÚM A (H1N1)

 

Jing Li và cs.

Mol Med Rep, 2019 Jan;19(1):563-572

 

Eucommia ulmoides Oliver  (đỗ trọng) là một dược liệu cổ truyền của Trung Quốc được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Cho đến nay, tác dụng của các lignan lên virus cúm vẫn đang được làm sáng tỏ. Trong nghiên cứu này, một lignan glycosid đã được phân lập và tinh chế từ đỗ trọng. Cấu trúc của nó được xác định bằng các phương pháp phổ. Tác dụng kháng virus, kháng viêm, đặc biệt là tác dụng kháng virus cúm của hợp chất này được xác định thông qua thử nghiệm hiệu lực tế bào học (cytopathic-CPE), thử nghiệm ức chế sự nhân lên của virus trong chu kỳ tế bào, thử nghiệm phân tích định lượng phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược và thử nghiệm Luminex. Ngoài ra, phân tích Western blot được thực hiện để nghiên cứu các cơ chế tác dụng chính đối với virus cúm. Các phương pháp phổ và hóa học đã xác định cấu trúc của lignan glycosid là (+)-pinoresinol-O-β-D-glucopyranosid. Các xét nghiệm CPE cho thấy (+)-pinoresinol-O-β-D-glucopyranosid có tác dụng ức chế với giá trị IC50 tương ứng là 408.81 ± 5.24 và 176.24 ± 4.41 µg/ml đối với virus A/PR/8/34 (H1N1) và A/Guangzhou/GIRD07/09 (H1N1). Tác dụng chống virus được khẳng định qua các thử nghiệm định lượng kháng thể và ức chế sự nhân lên của virus. Phân tích các cơ chế chỉ ra rằng tác dụng chống virus H1N1 của (+)‑pinoresinol‑O-β‑D-glucopyranosid có thể là do sự bất hoạt các yếu tố nhân kB (nuclear factor-kB), protein kinase kích hoạt p38 mitogen và các con đường tín hiệu AKT. Hơn nữa, (+)‑pinoresinol‑O-β‑D-glucopyranosid thể hiện tác dụng ức chế rõ rệt biểu hiện các chất trung gian tiền viêm của virus H1N1, bao gồm yếu tố hoại tử khối u-α, interleukin (IL)‑6, IL‑8 và protein hóa ứng động bạch cầu đơn nhân (monocyte chemoattractant protein 1). Các dữ liệu cho thấy (+)‑pinoresinol‑O‑β‑D-glucopyranosid có thể là ứng viên tiềm năng trong điều trị bệnh cúm do nhiễm virus H1N1.

Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

LÀM GIÀU VÀ TINH CHẾ AUCUBIN TỪ DỊCH CHIẾT ION HÓA LỎNG CỦA CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES ) SỬ DỤNG CÁC NHỰA MACROPOROUS

 

Xinyu Yang và cs.

Materials (Basel), 2018 Sep 18;11(9):1758

 

Các dịch chiết có nồng độ ethanol hoặc methanol cao thường phải cô thu hồi dung môi hoặc pha loãng bằng nước trước khi hấp phụ lên nhựa macroporous. Để khắc phục hạn chế này, một phương pháp hiệu quả để làm giàu và tinh chế aucubin từ dịch chiết ion hóa lỏng của cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được để xuất. Trong số 9 loại nhựa macroporous khảo sát, nhựa HPD850 cho thấy là phù hợp nhất. Nghiên cứu cân bằng hấp phụ chỉ ra mô hình đẳng nhiệt Langmuir phù hợp hơn cả. Sau các thí nghiệm về động hoc trên cột chứa HPD850, thu được các điều kiện tối ưu như sau: đối với quá trình hấp phụ, nồng độ aucubin ban đầu là 9,87 mg/l, thể tích mẫu là 13 lần thể tích tĩnh (bed volume - BV), và tốc độ dòng là 2 BV/h; đối với quá trình rửa bằng nước, 5 BV nước đề ion hóa với tốc độ dòng 3 BV/h;  đối với quá trình giải hấp bằng ethanol, rửa giải bằng các phân đoạn có 10% - 80% ethanol, mỗi phân đoạn có thể tích 2 BV và tốc độ dòng 3 BV/h. Dịch rửa giải của phân đoạn 40 - 80% ethanol được gộp lại, cô đặc tạo sản phẩm cuối có độ tinh khiết và độ thu hồi của aucubin lần lượt là 79,41% và 72,92%.

Nguyễn Thị Thu Trang, Vương Đình Tuấn

  1.  

HIỆU QUẢ VÀ TÍNH AN TOÀN CỦA CAO CHIẾT VỎ ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER) TRÊN ĐỐI TƯỢNG BỊ VIÊM XƯƠNG KHỚP NHẸ

 

Hyeon Y A và cs.

Medicine (Baltimore), 2019 Dec; 98(50): e18318.

 

Viêm xương khớp (OA) là bệnh thoái hóa chính ảnh hưởng đến người cao tuổi. Mức phổ biến của bệnh viêm khớp trên toàn cầu tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện nay không thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Hiện nay, các điều trị dược lý bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc ức chế cyclooxygenase-2 (COX-2) kiểm soát được cơn đau; tuy nhiên, khi sử dụng có thể gây ra tác dụng phụ. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng cao chiết vỏ cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) được sử dụng để bổ sung trong chế độ ăn, có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh viêm xương khớp.

Đào Thu Huế

  1.  

VIÊN SỦI ĐƯỢC LÀM BỞI ĐỖ TRỌNG VÀ LÁ TRE MOSO: CÓ TÁC ĐỘNG HẠ ĐƯỜNG HUYẾT TRÊN TẾ BÀO HEPG2

 

Xiang-Zhou Li   và cs.

2016; 2016: 6362094.Published online 2016 Aug 28. doi: 10.1155/2016/6362094 PMCID: PMC5021894 PMID: 27656239

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) và lá tre moso được dùng làm thuốc dân gian ở miền tây-trung bộ Trung Quốc để điều trị bệnh đái tháo đường. Để khảo sát hoạt động hạ đường huyết của các viên sủi được bào chế bằng cách sử dụng đỗ trọng và lá tre moso (EBEG) trong tế bào HepG2, EBEG được điều chế với 5% mỗi polysaccharid và acid chlorogenic chiết xuất từ tre moso và lá đỗ trọng tương ứng. Tế bào HepG2 nuôi cấy trong môi trường cao glucose được chia thành các nhóm khác nhau. Kết quả hiển thị các tế bào được xử lý EBEG sử dụng glucose tốt hơn so với chứng âm; do đó, tác dụng hạ đường huyết của EBEG lớn hơn nhiều so với các chế phẩm dạng hạt chỉ sử dụng một trong hai thành phần, từ đó cho thấy rằng hiệu quả này là do tác dụng hiệp lực của các thành phần. Ngoài ra, có sự tương đồng về mức độ tiêu thụ glucose trong các tế bào được xử lý bằng EBEG (156,35% ở 200 μg/mL) với các đối chứng dương (metformin, 162,29%; insulin, 161,52%). Vì vậy, EBEG thể hiện tiềm năng tốt để sử dụng như một tác nhân tự nhiên chống đái tháo đường. Tác dụng hạ đường huyết của EBEG có thể là do tác dụng hiệp đồng của polysaccharid từ lá tre moso và acid chlorogenic từ lá đỗ trọng thông qua sự ức chế enzyme alpha-glucosidase và enzyme glucose-6-phosphate dehydrogenase.

Phạm Thị Lý

 

  1.  

TỔNG QUAN VỀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC, CÁC HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

CHO VIỆC SỬ DỤNG TOÀN BỘ CÂY Đ TRỌNG (Eucommia ulmoides Oliver)

 

Yi- Fan Xing và cs.

Food Science and Human Wellness

Volume 8, Issue 2, June 2019:177-188

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.) là một loại cây bản địa, có giá trị làm thuốc bổ, được sử dụng lâu đời ở Trung Quốc, có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển cao. Theo kinh nghiệm cổ truyền chỉ sử dụng vỏ cây làm thuốc, tỷ lệ sử dụng toàn bộ cây đỗ trọng vẫn còn rất thấp, các bộ phận khác của cây không được sử dụng, ngay cả lá đỗ trọng đã được sử dụng tốt trong các sản phẩm thực phẩm ở Nhật Bản trong những thập kỷ qua. Để sử dụng toàn bộ bộ phận cây đỗ trọng hiệu quả, trong tổng quan này, chúng tôi đã tóm tắt các giống và dữ liệu về các hoạt chất chính, tác dụng sinh học và tác dụng dược lý trong các phần khác nhau của cây đỗ trọng. Các phát hiện cho thấy các bộ phận khác của cây đỗ trọng có thể thay thế vỏ của cây đỗ trọng ở một vài tác dụng bên cạnh các ứng dụng tương ứng của các bộ phận này. Các chức năng sinh lý độc đáo và rộng rãi giữa các phần khác nhau của cây đỗ trọng chỉ ra rằng việc sử dụng toàn bộ cây đỗ trọng có phạm vi phát triển rộng, đó cũng là một cách hiệu quả để bảo vệ nguồn tài nguyên và cải thiện tỷ lệ sử dụng của cây đỗ trọng.

 

Hoàng Thị Sáu, Phạm Văn Năm

  1.  

TỔNG QUAN CÁC ĐẶC TÍNH TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE

CỦA CÂY ĐỔ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER)

 

Tarique và cs.

Evid Based Complement Alternat Med. 2016;2016:5202908.

 

Đỗ trọng ((Eucommia ulmoides Oliv., còn được gọi là “Du Zhong” trong tiếng Trung Quốc) là một loại thực vật có chứa nhiều nhóm hợp chất hóa học khác nhau như các lignan, iridoid, phenolic, steroid, flavonoid và các hợp chất khác. Các thành phần này của đỗ trọng có các đặc tính dược học khác nhau và đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) như một thức uống dân gian và thực phẩm chức năng trong vài nghìn năm. Đỗ trọng có một số đặc tính dược lý như tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, chống dị ứng, kháng khuẩn, chống ung thư, chống lão hóa, bảo vệ tim mạch và bảo vệ thần kinh. Do đó, đỗ trọng đã được sử dụng rộng rãi hoặc kết hợp với các hợp chất khác trong điều trị các bệnh tim mạch và mạch máu não, rối loạn chức năng tình dục, ung thư, hội chứng chuyển hóa và các bệnh thần kinh. Tài liệu đánh giá này tóm tắt các thành phần hoạt tính khác nhau có trong đỗ trọng và các đặc tính tăng cường sức khỏe của chúng, do đó được dùng làm tài liệu tham khảo cho các ứng dụng của đỗ trọng.

Phạm Thị Lý, Phạm Văn Năm

 

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA MẬT ĐỘ TRỒNG ĐẾN SINH KHỐI ĐỖ TRỌNG

 

Liu HD và cs.

Journal of Northeast Forestry University 2018 Vol.46 No.4 pp.1-5 ref.28

 

Trên một đồn điền đỗ trọng trồng với năm mật độ 13,333; 16,667; 22,222, 33,333 và 66,667 cây/ha, chúng tôi đã phân tích ảnh hưởng của mật độ trồng đến các đặc điểm sinh trưởng và sinh khối trên mặt đất của từng cây trên một đơn vị diện tích mặt đất, đồng thời đưa ra hướng dẫn lý thuyết về mật độ trồng của đỗ trọng. Chúng tôi đã so sánh sự khác biệt của các đặc điểm sinh trưởng của từng cây giữa các mật độ khác nhau, đồng thời phân tích mối  tương quan giữa các chỉ số tăng trưởng, mật độ trồng và ảnh hưởng của mật độ đến sản xuất sinh khối trên một đơn vị diện tích đất. Số cành mang chồi, đường kính gốc, số lá trên cây và tỷ lệ trọng lượng lá trung bình tỷ lệ nghịch với mật độ trồng; trong khi chỉ số diện tích lá (LAI) tỷ lệ thuận với mật độ trồng.  Khối  lượng lá khô, vỏ và thân cây không có vỏ trung bình trên mỗi cây tỷ lệ nghịch với mật độ, trong khi sinh khối lá, vỏ và thân (không có vỏ) trên một đơn vị diện tích tỷ lệ thuận với mật độ. Đặc biệt, chúng có tương quan thuận rõ ràng với chỉ số diện tích lá. Chỉ số diện tích lá tại mật độ 66 667 cây/ha là 7,98 và các giá trị sinh khối của lá, vỏ và thân là 6 864,84; 1 605,73 và 11 445,30 kg/ha, tăng tương ứng là 2,5; 2,8 và 2,7 lần so với mật độ 13 333 cây/ha. Dựa trên nguyên lý quản lý thu hoạch lá, vỏ và thân cây hàng năm, đỗ trọng có thể được trồng với mật độ cao hơn như 66 667 cây/ha để sản xuất nhiều sinh khối hơn trên một đơn vị diện tích hàng năm.

Lương Vũ Đức

  1.  

ĐỖ TRỌNG: MỘT NGUỒN NGUYÊN LIỆU TIỀM NĂNG CHO CÁC SẢN PHẨM HOẠT TÍNH SINH HỌC

 

Ming Q Z và cs.

J. Agric. Food Chem, 2018, 66, 22: 5433–5438

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliver), một  cây thuốc truyền thống của Trung Quốc, chứa nhiều loại hoạt chất có hoạt tính sinh học, bao gồm lignan, iridoid, phenolic, steroid, terpenoit, flavonoid, v.v. Những hoạt chất có hoạt tính sinh học này có tác dụng bổ gan, thận và điều hòa huyết áp. Ở các bộ phận khác nhau (lá, hạt, vỏ cây và nhị hoa) và mô hình trồng khác nhau có thành phần hoạt chất chiết được khác nhau. Các bộ phận có hoạt tính sinh học của đỗ trọng được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu thô  để sản xuất thuốc và thực phẩm, chất chiết dạng bột, bài thuốc thảo dược và rượu thuốc. Những đặc điểm này chính là tiềm năng để phát triển trong tương lai và khai thác thương mại các sản phẩm có hoạt tính sinh học từ cây đỗ trọng.

Lương Vũ Đức, Đào Thu Huế

  1.  

HIỆN TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG CỦA VIỆC CHỌN GIỐNG CẢI TIẾN Ở CÂY ĐỖ TRỌNG

 

Kang X Y

Journal of Beijing Forestry University, 2017, 39(3): 1-6

Đỗ trọng không chỉ là một vị thuốc cổ truyền độc đáo của Trung Quốc, mà còn là một loài cây cung cấp nguồn cao su ôn đới tiềm năng, có giá trị lớn trong công nghiệp hóa khai thác sản xuất dược phẩm và cao su. Trong bài báo này, hiện trạng thu thập và bảo tồn nguồn gen, đánh giá sự biến đổi di truyền của các tính trạng, chọn tạo giống, lai tạo, chọn giống đa bội và nhân giống vô tínhcủa các giống đỗ trọng đã được tổng hợp. Lá đỗ trọng có nhiều ưu điểm như số lượng nhiều, giá thành rẻ, dễ thu hái, là nguyên liệu thô tốt nhất để sản xuất dược phẩm và cao su khi mà việc trồng đỗ trọng đã được phát triển ở một số khu vực có điều kiện  canh tác kém và thiếu nguồn lao động. Dochọn giống đa bội có thể làm tăng hàm lượng các chất chuyển hoáthứ cấp, tạo giốnglai tam bội bằng cách nhân đôi nhiễm sắc thể có thể là cách tốt nhất để cải thiện đáng kể hàm lượng cao su và thành phần dược chất của lá cũng như năng suất lá. Trong tương lai, chọn giống đa bội thể đỗ trọng nên tập trung lai chéo các cây bố mẹ có khả năng kết hợp cao hơn về hàm lượng cao su và hàm lượng dược chất của lá. Không chỉ các ưu thế dị bội do tác động của liều lượng gen mà ưu thế lai có nguồn gốc từ dung hợp các giao tử cũng có thể được sử dụng. Để tăng hiệu quả chọn lọc các cá thể ưu tú, việc phát triển các phương pháp phát hiện chất chuyển hoá thứ cấp như cao su hay các chất có hoạt tính với kỹ thuật đơn giản và chi phí thấp đlà yêu cầu cần thiết. Một kỹ thuật nhân giống vô tính đơn giản và nhanh chóng với chi phí thấp cũng cần thiết để rút ngắn thời gian trồng cây con và tăng tốc độ sản xuất cây giống chất lượng cao của các giống cải tiến. Với sự phát triển thành công giống đỗ trọng tam bội, có thể dự đoán rằng việc cải thiện nhiều tính trạng thông qua chọn giống đa bội thể một vòng sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh với cốt lõi là sản xuất dược phẩm và cao su ở Trung Quốc.

Chu Thị Thúy Nga

  1.  

SỰ ĐA DẠNG VỀ DI TRUYỀN VÀ CẤU TRÚC QUẦN THỂ CỦA ĐỖ TRỌNG,

 MỘT LOÀI CÂY THUỐC THUỘC DIỆN NGUY CẤP Ở TRUNG QUỐC

Yu J và cs.

Genetics and Molecular Research 14 (1): 2471-2483 (2015)

 

Đỗ trọng, một trong những loài chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc, là loài duy nhất còn tồn tại của họ Eucommiaceae. Bằng cách sử dụng các chỉ thị: trình tự lặp lại đơn giản các đoạn giữa (ISSR) và đa hình khuếch đại các trình tự liên quan (SRAP), chúng tôi đã nghiên cứu sự đa dạng di truyền và cấu trúc di truyền quần thể của 187 cá thể từ 17 quần thể đỗ trọng trên các vùng phân bố chính của nó ở Trung Quốc. Tổng cộng có 65 dải được khuếch đại bằng cách sử dụng tám mồi ISSR, trong đó 50 dải (76,9%) là đa hình. Trong khi đó, 244 dải khác được quan sát bằng cách sử dụng tám tổ hợp mồi SRAP và 163 (66,8%) trong số này là đa hình. Phân tích sự biến đổi phân tử (AMOVA) chỉ ra rằng 88,8 và 92,4% tổng số biến dị nằm trong quần thể dựa trên phân tích ISSR và SRAP. Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy rằng các quần thể đỗ trọng được tập hợp thành sáu nhóm riêng biệt bằng cách sử dụng các dấu hiệu ISSR và SRAP thông qua phương pháp nhóm cặp không trọng số (UPGMA). Hơn nữa, phân tích STRUCTURE cho thấy 17 quần thể này có thể được phân loại thành bốn nhóm bằng cách sử dụng chỉ thị ISSR, nhưng chỉ có hai nhóm sử dụng chỉ thị SRAP. Không quan sát thấy sự liên quan đáng kể giữa kiểu gen và khoảng cách địa lý giữa các quần thể được lấy mẫu. Kết quả của nghiên cứu này củng cố quan điểm rằng việc trao đổi hạt giống giữa người dân bản địa ở các vùng khác nhau đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành mô hình phân bố gen hiện tại. “Tập đoàn lõi” được đề xuất để bảo tồn đa dạng di truyền của đỗ trọng ở Trung Quốc.

Chu Thị Thúy Nga, Nguyễn Hải Văn

  1.  

SỰ NẢY MẦM CỦA HẠT ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIV.)

PHỤ THUỘC VÀO PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ HẠT GIỐNG

 

Nguyen Quynh Trang và cs.

Earth and Environmental Science 316 (2019) 012042

 

 Bài báo thảo luận về kỹ thuật, phương pháp và kết quả của nghiên cứu xác định độ nảy mầm của hạt đỗ trọng trong đất. Trong nghiên cứu hai lô hạt giống được thu thập từ cây mẹ ở hai vùng sinh thái khác nhau (vườn Bách thảo Sochi và Sukhumi). Hạt giống được bảo quản dưới tuyết,  gia sau đó trong tủ lạnh và được gieo trên bãi đất trống. Sau khi xử lý trong tủ lạnh ở Sukhumi, khả năng nảy mầm của hạt giống đỗ trọng trong đất tăng từ 11,1% lên 18,5%, tức là gần 1,7 lần. Đáng chú ý làsự nảy mầm của hạt đỗ trọng trong đất phụ thuộc trực tiếp vào khối lượng trong khi kích thước của hạt ít quan trọng hơn.

 

Chu Thị Thúy Nga, Đào Thu Huế

  1.  

NGHIÊN CỨU TẠO MÔ SẸO

VÀ NHÂN NHANH ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

Zhang H B và cs.

Journal of Agricultural Science and Technology (Beijing) 2019 Vol.21 No.10 pp.157-162

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides) là một trong những cây dược liệu Trung Quốc có giá trị nhất và là cây có triển vọng nhất về nguồn cao su thiên nhiên. Trong bài báo này, hệ thống nuôi cấy cảm ứng mô sẹo và nuôi sinh khối đỗ trọng được thiết lập bằng cách sàng lọc mẫu cấy và tối ưu hóa môi trường nuôi cấy. Kết quả cho thấy rằng lá mầm và trụ dưới mầm có thể tạo ra mô sẹo, nhưng các mẫu cấy tốt hơn là các lá mầm. Môi trường nền tốt hơn để tạo mô sẹo là B5, và phytohormon tối ưu là NAA 1,0 mg/L và 2, 4-D 2,0 mg/L. Phytohormon tối ưu cho nuôi cấy tăng sinh mô sẹo là 6-BA 0,5 mg/L, NAA 0,5 mg/L và 2,4-D 1,0 mg/L. Bài báo này đã đưa ra một phương pháp nuôi cấy mô sẹo của đỗ trọng, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thu được các chất chuyển hóa thông qua nuôi cấy tế bào.

 

 

Nguyễn Hải Văn, Đặng Quốc Tuấn

 

  1.  

CẤU TRÚC VÀ CHỨC NĂNG CỦA HỆ VI KHUẨN  Ở VỎ CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMIA ULMOIDES)

 

Dong C B và cs.

Current Microbiology (2020)

 

Nghiên cứu nhằm xác định được thành phần của quần thể vi khuẩn và các chức năng của vi sinh vật chính trong vỏ cây đỗ trọng (Eucommia ulmoides). Các mẫu vỏ câyđỗ trọng được thu thập lần lượt từ tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam và Quý Châu ở Trung Quốc. Thông qua các phương pháp và kỹ thuật giải trình tự thông lượng cao, thành phần quần thể, hệ vi sinh vật chính và chức năng của vi khuẩn đã được nghiên cứu. Quần thểvi khuẩn trên vỏ cây Đỗ trọng bao gồm 9 ngành, 11 lớp, 22 bộ, 28 họ, 31 chi và 37 đơn vị phân loại (OTUs). Ở cấp độ chi, chi ưu thế là vi khuẩn chưa được phân loại của Cyanobacteria, với số lượng đến 97,01%. Các quần thểvi khuẩn trên vỏ cây Đỗ trọng từ các khu vực khác nhau có các điểm đặc trưng ngoại trừ hệ vi sinh vật chung. Hệ vi sinh vật chính của vi khuẩn bao gồm một chi chưa được phân loại của Cyanobacteria, một chi chưa được phân loại của Mitochondria, Pseudomonas, Sphingobium, Rhizobium, Novosphingobium, Enterobacter, Rhodococcus, CurtobacteriumRalstonia. Phần mềm dự đoán chức năng FAPROTAX cho thấyhệ vi sinh vật chính có tiềm năng quan trọngđối với tính quang tự dưỡng, tính hướng quang, khí hóa dị dưỡng và hóa dị dưỡng. Mười đơn vị phân loại cấu tạo nên hệ vi sinh vật chính, và phần lớn trong số chúng có liên quan đến các thành phần hoạt chất có hoạt tính dược học của vỏ cây đỗ trọng. Nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho chỉ thị sinh học về tính chính xác và công nghệ vi sinh vật để cải thiện hoạt chất trong dược liệu đỗ trọng.

Trần Đại Hải

  1.  

ĐẶC ĐIỂM BỘ GEN LỤC LẠP CỦA ĐỖ TRỌNG (EUCOMIA ULMOIDES),

MỘT CÂY THUỐC CỔ TRUYỀN Ở TRUNG QUỐC

 

Bin Z J và cs.

Journal Mitochondrial DNA part B 2020, VOL. 5, NO. 2: 1705–1706

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides) là một cây thuốc truyền thống quan trọng và là một vị thuốc phổ biến để điều trị chỉnh hình ở Trung Quốc. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã báo cáo và phân tích bộ gen lục lạp hoàn chỉnh của cây đỗ trọng. Chiều dài bộ gen lục lạp của đỗ trọng có kích thước 163.586 bp có cấu trúc 4 phần điển hình. Nó chứa một vùng sao chép đơn (LSC) lớn 86,773 bp, vùng sao chép đơn nhỏ (SSC) 14,167 bp và được phân tách bởi hai vùng lặp lại ngược (IRa và IRb) là 31.323 bp. Hàm lượng GC tổng thể của hệ gen là 38,4% trong khi A là 30,8% (50,496 bp), T là 30,8% (50,414 bp), C là 19,2% (31.341 bp), G là 19,2% (31.335 bp). Trong bộ gen lục lạp, người ta đã tìm thấy 135 gen, trong đó có 89 gen mã hóa protein (PC), 38 gen ARN vận chuyển (tRNA) và 8 gen ARN ribosome (rRNA). Phân tích mối quan hệ phát sinh loài cho thấy rằng Eucommia ulmoides được nhóm với Aucuba japonica trong mối quan hệ tiến hóa bằng phương pháp Maximum-Likelihood (ML).

Trần Đại Hải

  1.  

ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER):

MỘT NGUYÊN LIỆU TIỀM NĂNG CHO CÁC SẢN PHẨM HOẠT TÍNH SINH HỌC

Ming Quang Zhu và cs.

2018 Jun 6;66(22):5433-5438. doi: 10.1021/acs.jafc.8b01312. Epub 2018 May 23.

 

Đỗ trọng, một loại thảo mộc truyền thống của Trung Quốc, chứa nhiều loại hoạt chất sinh học, bao gồm lignans, iridoids, phenolics, steroid, terpenoid, flavonoid, vv. Các hợp chất mang hoạt tính sinh học này có chức năng hiệu quả trong việc nuôi dưỡng gan, thận và điều hòa huyết áp. Dịch chiết xuất đỗ trọng có thành phần của các hoạt chất sinh học khác nhau ở các bộ phận khác nhau (lá, hạt, vỏ cây và nhị hoa) và trồng trong môi trường khác nhau . Các hoạt chất sinh học của đỗ trọng được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu thô sản xuất thuốc và thực phẩm, cao dạng bột, thuốc và cồn. Trong tương lai các hoạt chất sinh học này từ đỗ trọng có tiềm năng phát triển và khai thác thương mại.

Phạm Thị Lý, Nguyễn Văn Kiên

  1.  

SỰ ĐA DẠNG DI TRUYỀN TRONG CÁC QUẦN THỂ LAI CỦA ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES OLIVER)

 ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ TỪ PHÂN TÍCH CHỈ THỊ PHÂN TỬ ISSR VÀ SRAP

 

J Yu và cs.

Genet Mol Res. 2015 Jul 3;14(3):7417-25. doi: 10.4238/2015.July.3.17

 

Đỗ trọng, loài duy nhất còn tồn tại của họ Eucommiaceae, là loài thực vật thuộc nhóm thứ hai có nguy cơ tuyệt chủng được nhà nước bảo vệ ở Trung Quốc. Đánh giá sự đa dạng di truyền giữa một số quần thể lai cùng loài của đỗ trọng là rất quan trọng đối với các chương trình nhân giống và bảo tồn loài quý hiếm này. Chúng tôi đã nghiên cứu sự đa dạng di truyền của 130 mẫu vật từ 13 quần thể lai cùng loài của đỗ trọng bằng cách sử dụng các dấu hiệu liên quan đến trình tự đơn giản (ISSR) và đa hình khuếch đại liên quan đến trình tự (SRAP). Trong số 100 mồi ISSR và 100 tổ hợp mồi SRAP được sàng lọc, tám ISSR và tám SRAP được sử dụng để đánh giá mức độ đa hình và khả năng phân biệt. Tổng số 65 dải được khuếch đại bằng cách sử dụng tám mồi ISSR, trong đó 50 dải (76,9%) là dải đa hình, với trung bình 8,1 đoạn đa hình trên mỗi mồi. Ngoài ra, 244 dải khác được quan sát bằng cách sử dụng tám tổ hợp mồi SRAP, và 163 (66,8%) trong số đó là đa hình, với trung bình 30,5 đoạn đa hình trên mỗi mồi. Phương pháp phân tích nhóm theo cặp không trọng số (UPGMA) cho thấy 13 quần thể này có thể được phân loại thành ba nhóm bằng điểm đánh dấu ISSR và hai nhóm bằng dấu hiệu SRAP. Phân tích tọa độ chính sử dụng SRAP hoàn toàn giống với phân nhóm dựa trên UPGMA, mặc dù điều này đã được xác nhận một phần bởi kết quả phân tích cụm UPGMA sử dụng điểm đánh dấu ISSR. Nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nền tảng di truyền của các giống lai cùng loài của đỗ trọng. Các thế hệ con của các biến thể "Huazhong-3", "quả to", "Yanci" và "vỏ nhẵn" thể hiện sự đa dạng di truyền cao và mang lại tiềm năng lớn cho việc nhân giống và bảo tồn đỗ trọng.

Phạm Thị Lý, Nguyễn Thị Tố Duyên

  1.  

NHỮNG THAY ĐỔI LINH HOẠT TRONG TÍCH LŨY TRAO ĐỔI CHẤT VÀ HỆ THỐNG PHIÊN MÃ TRONG QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LÁ Ở CÂY ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 

Long Li và cs.

Int J Mol Sci. 2019 Aug; 20(16): 4030

 

Đỗ trọng phân bố rộng rãi ở Trung Quốc. Loài này đã được sử dụng chính trong y học do nồng độ cao của axit chlorogenic (CGA), flavonoid, lignans và các hợp chất khác trong lá và vỏ cây. Tuy nhiên, các loại chất chuyển hóa, sự thay đổi linh hoạt trong tích lũy chất chuyển hóa và cơ chế phân tử tổng thể liên quan đến sinh tổng hợp chất chuyển hóa trong quá trình sinh trưởng và phát triển của lá đỗ trọng vẫn chưa được biết rõ. Ở đây, có tổng số 515 chất phân tích, bao gồm 127 flavonoid, 46 organic acids, 44 amino acid derivatives, 9 phenolamid, and 16 vitamin, đã được xác định từ bốn mẫu đỗ trọng sử dụng phương pháp sắc ký lỏng siêu hiệu năng - khối phổ (UPLC-MS) (đối với các chất chuyển hóa được nhắm mục tiêu rộng rãi). Sự tích tụ của hầu hết các flavonoid đạt đến đỉnh điểm trong các lá đang phát triển, sau đó là các lá già. Phân tích UPLC-MS chỉ ra rằng sự tích lũy CGA tăng đều đặn với nồng độ cao trong quá trình sinh trưởng và phát triển của lá, và rutin cho thấy mức độ tích lũy cao trong chồi lá và lá đang phát triển. Dựa trên công nghệ giải trình tự đơn phân tử, 69.020 bản sao và 2880 locus mới đã được xác định ở E. ulmoides. Phân tích biểu hiện chỉ ra rằng các đồng dạng trong con đường sinh tổng hợp flavonoid và con đường chuyển hóa flavonoid được thể hiện nhiều ở lá đang phát triển và lá già. Đồng thời phân tích mạng lưới biểu hiện cho thấy có mối liên hệ trực tiếp tiềm năng giữa con đường sinh tổng hợp flavonoid và phenylpropanoid thông qua việc điều hòa các yếu tố phiên mã, bao gồm MYB (v-myb avian myeloblastosis viral oncogene homolog) và bHLH (basic/ helix-loop-helix). Nghiên cứu của chúng tôi dự đoán các mô hình trao đổi chất linh hoạt trong quá trình sinh trưởng và phát triển của lá và sẽ hỗ trợ các nghiên cứu sinh học phân tử sâu hơn về sinh tổng hợp chất chuyển hóa ở E. ulmoides. Ngoài ra, kết quả của chúng tôi cải thiện đáng kể chú thích của bộ gen E. ulmoides .

Đào Văn Châu, Vương Đình Tuấn

  1.  

GIẢI TRÌNH TỰ DE NOVO CỦA BẢN SAO NỤ HOA ĐỖ TRỌNG ĐỂ NHẬN BIẾT CÁC GEN

LIÊN QUAN ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HOA

 

Huimin Liu và cs.

Genom Data. 2016 Sep; 9: 105–110

 

Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliver) là loài cây tự nhiên thân gỗ, lâu năm đơn tính có nguồn gốc từ Trung Quốc và có giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, ít người biết về sự phát triển nụ hoa ở loài này. Trong nghiên cứu này, các bản sao của nụ hoa đực và cái đã được giải trình tự bằng cách sử dụng nền tảng Illumina, một công nghệ giải trình tự thế hệ tiếp theo cung cấp cấu hình bản sao hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí. Tổng cộng, 11.558.188.080 lần đọc đã được lắp ráp thành 75.065 đơn gen với độ dài trung bình là 1011 bp bằng cách lắp ráp de novo sử dụng phần mềm Trinity. Thông qua các so sánh tương tự với cơ sở dữ liệu protein đã biết, 47,071 đơn gen đã được chú thích, 146 trong số đó có liên quan một cách giả định đến sự phát triển hoa của E. ulmoides. Mười lăm trong số 146 đơn gen có mức độ biểu hiện khác nhau đáng kể giữa hai mẫu. Ngoài ra, 24.346 lần lặp lại trình tự đơn giản đã được xác định trong 18.565 đơn gen với 12,793 trình tự phù hợp với các mồi được thiết kế. Tổng cộng, 67,447 và 58,236 đa hình nucleotid đơn lần lượt được xác định trong chồi đực và chồi cái. Nghiên cứu này cung cấp một nguồn tài nguyên có giá trị để tiếp tục nghiên cứu về di truyền học bảo tồn và nghiên cứu hệ gen chức năng của đỗ trọng.

Đào Văn Châu

 

  1.  

ĐẶC TÍNH BIẾN DỊ MỚI CỦA THÀNH PHẦN CẤU THÀNH BIẾN ĐỔI MÀU ĐỖ TRỌNG (EUCOMMIA ULMOIDES)

 TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN 

 

Mengpei Liu và cs.

http://www.woodresearch.sk/wr/202003/06.pdf, doi:/10.37763/wr.1336-4561/65.3.415422

 

Một kiểu biến dị mới ở đỗ trọng (Eucommia ulmoides) với xylem đỏ được tìm thấy và màu đỏ này sẽ dần chuyển hóa theo thời gian. So sánh các tính chất hóa học và chất biến đổi trong xylem đột biến và kiểu tự nhiên đã được nghiên cứu phân tích, đã phát hiện nguyên nhân của đột biến đỏ. Kết quả cho thấy rằng hàm lượng hợp chất lignin không tan trong axit loại đột biến khoảng 13,83% cao hơn ở kiểu tự nhiên, nhưng protein gốc kiểu tự nhiên cao gấp gần 2 lần loại đột biến. Trong khi 6 axit amin quan trọng nhất và các dẫn xuất axit amin được tìm thấy và có mối tương quan với protein gốc.

Ngoài ra, hàm lượng các axit hữu cơ, polyphenol và ancaloit loại đột biến lần lượt là 243%, 316% và 281% tương ứng so với kiểu tự nhiên, trong khi hàm lượng flavonoid và phenolamin lần lượt là 78,8% và 27,3% tương ứng so với với kiểu tự nhiên. Kết quả này là tài liệu tham khảo quan trọng để biết về sự biến đổi màu gỗ trong quá trình phát triển.   

Đặng Quốc Tuấn

  1.  

XỬ LÝ V HẠT ĐỖ TRỌNG BẰNG ACID ACETIC VÀ NẤM TĂNG CƯỜNG QUÁ TRÌNH THỦY PHÂN ENZYM

 

Hui Ouyang và cs.

Published 2017

 

Tác dụng của9 chủng nấm tiềm năng trong xử lý vỏ hạt đỗ trọng (EUOSSs) đã được nghiên cứu. Phanerochaete chrysosporium Burds. được tìm thấy là chủng nấm cho hiệu quả xử lý vỏ hạt đỗ trọng cao nhất. Sau khi xử lý trước với axit axetic và P. chrysosporium Burds., được nuôi cấy ở trạng thái rắn với độ ẩm xấp xỉ 74% ở 28°C trong 28 ngày, mức giảm trọng lượng của vỏ hạt đỗ trọng là 51,9%. Do hiệu quả tương tác của quá trình tiền xử lý hóa sinh, giá trị phân huỷ enzym đã đạt được là 86,6%. Giá trị phân huỷ cao được cho là do sự phối hợp giữa xử lý axit axetic và xử lý nấm, dẫn đến cải thiện khả năng tiếp cận enzym của vỏ hạt đỗ trọng. Là một phương pháp xử lý thân thiện với môi trường, tiền xử lý nấm kết hợp với xử lý axit axetic, có thể tiết kiệm một lượng năng lượng lớn và hiệu quả hơn trong việc cải thiện tốc độ chuyển hóa đường.

Hoàng Thị Sáu, Nguyễn Thị Tố Duyên

  1.  

MỘT CHỦNG VI KHUẨN NỘI SINH PHÂN LẬP TỪ CÂY ĐỖ TRỌNG ỨC CHẾ BỆNH ĐỐM LÁ NHỎ TRÊN NGÔ

 

Ting Dingcs.

Front Microbiol, 2017 May 18, 8: 903

 

Bacillus subtilis DZSY21 phân lập từ lá cây đỗ trọng,  được đánh dấu bằng chất kháng sinh và được phát hiện là có khả năng xâm nhập hiệu quả vào lá của cây ngô. Các thử nghiệm nuôi cấy trên môi trường thạch và các thí nghiệm phòng trừ sinh học cho thấy rằng chủng DZSY21 và các lipopeptit của nó có hoạt tính đối kháng với nấm Bipolaris maydis và có hiệu quả phòng trừ sinh học cao đối với bệnh đốm lá nhỏ trên ngôdo B. maydis gây ra . Sử dụng phân tích MALDI-TOF-MS, chúng tôi đã phát hiện thấy sự hiện diện của chất kháng vi sinh vật Surfactin A, Surfactin B và Fengycin trong chủng DZSY21. Các con đường tín hiệu qua trung gian DZSY21 được phân tích bằng cách thử nghiệm sự biểu hiện của các gen thực vật quan trọng liên quan đến việc điều chỉnh các con đường axit salicylic (SA) hoặc JA / ET, các gen liên quan đến khả năng tự vệ PR1 và LOX được biểu hiện đồng thời trên lá của cây được xử lý DZSY21; điều này tương ứng với sự gia tăng nhẹ mức độ biểu hiện của PDF1.2 và giảm mức độ phiên mã gen ERF. Các kết quả cho thấy một phản ứng hệ thống được hình thành phụ thuộc vào con đường SA và axit jasmonic (JA). Do đó, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng chủng DZSY21 ức chế B. maydis bằng cách sản xuất lipopeptid kháng nấm và kích hoạt phản ứng hệ thống thông qua các con đường tín hiệu phụ thuộc SA và JA. Công trình này mô tả một cơ

chế đằng sau việc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh trên cây trồng được cấy vi khuẩn nội sinh DZSY21.

Vương Đình Tuấn

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)