NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG BẢO VỆ GAN VÀ ĐỘC TÍNH BÁN CẤP
CỦA CÂY LAN GẤM (ANOECTOCHILUS FORMOSANUS HAYATA, ORCHIDACEAE)
Panda A và cs.
International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences, 2014, 6: 617-621
Mục tiêu: Nghiên cứu được thực hiện nhằm sàng lọc thành phần hóa học của các cao phân đoạn của loài lan gấm (Anoectochilus formosanus Hayata, Orchidaceae) và đánh giá tác dụng bảo vệ gan của cao chiết nước. Nghiên cứu cũng đã đánh giá được độc tính bán cấp của phân đoạn cao chiết nước.
Phương pháp: Quá trình chiết cao được thực hiện với các loại dung môi khác nhau: ether dầu, cloroform, methanol và nước. Tác dụng bảo vệ gan của cao chiết nước được đánh giá trên mô hình gây tổn thương gan bằng carbon tetraclorid, ethanol, paracetamol sử dụng chất đối chứng silymarin (20 mg/kg). Độc tính bán cấp của cao chiết nước được đánh giá dựa trên ảnh hưởng đến sự chuyển hóa lipid máu trong cơ thể, các chỉ số sinh hóa và các chỉ số huyết học, so sánh với chất đối chứng silymarin (20 mg/kg).
Kết quả: Kết quả sàng lọc thành phần hóa học cho thấy trong cao chiết nước của loài lan gấm có các nhóm chất: anthraquinon glycosid, glycosid tim, cacbohydrad, phenolic, tannin, flavonoid và saponin. Áp dụng phương pháp phân tích phương sai hai chiều đối với các chỉ số sinh hóa như: aspartat aminotransferase, alanin amino transferase and alkalin phosphatase. Kết quả thu được (p-value < 0,0001) bằng phương pháp khác biệt nhỏ nhất có ý nghĩa (LSD), chứng tỏ sự khác nhau có ý nghĩa thống kê của các chỉ số hóa sinh giữa các nhóm chuột. Nghiên cứu về mô bệnh học của gan cũng cho kết quả tương tự. Kết quả nghiên cứu độc tính của cao chiết nước loài lan gấm cho thấy, độc tính của mẫu thử là không đáng kể.
Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết nước của cây lan gấm (200 mg/kg) có tác dụng bảo vệ gan rõ rệt so với chất đối chứng silymarin. Kết quả nghiên cứu độc tính bán cấp cũng cho thấy cao chiết nước loài lan gấm an toàn trong một khoảng thời gian dài.
N.T.H.Ly
CÁC HỢP CHẤT TRITERPENOID ACYL ESTE VÀ ALCALOID MỚI
TỪ LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII)
Han MH và cs.
Phytochemical Analysis, 2008, 19: 438-443
Hai hợp chất sorghumol acyl este mới (sorghumol 3-O-Z-p-coumarat và sorghumol 3-O-E-p-coumarat), một alcaloid mới (anoectochine) và hợp chất triterpenoid cũ là sorghumol đã được phân lập từ loài lan kim tuyến. Cấu trúc của các hợp chất này được xác định dựa trên việc phân tích các dữ liệu phổ NMR hai chiều (1H–1H COSY, HSQC and HMBC).
ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG BẢO VỆ GAN CỦA HỢP CHẤT KINSENOSID
TỪ CÂY LAN GẤM (ANOECTOCHILUS FORMOSANUS)
Wu JB và cs.
Phytotherapy Research, 2007, 21: 58-61
Carbon tetrachlorid (CCl4) là nguyên nhân gây viêm gan mãn tính, dẫn tới sự gia tăng hydroxyprolin trong gan, trọng lượng lá lách, hàm lượng GPT trong huyết thanh và làm giảm hàm lượng albumin trong huyết tương. Nghiên cứu cho thấy cao chiết của cây lan gấm (Anoectochilus formosanus) tươi có tác dụng ức chế viêm gan mãn tính gây ra bởi CCl4 trên chuột. Nghiên cứu thành phần hóa học theo định hướng tác dụng sinh học đã phân lập được hợp chất kinsenosid. Nghiên cứu (in vitro) đánh giá tác dụng bảo vệ gan trên mô hình gây độc cho tế bào gan BALB/c bởi H2O2 cho thấy, cho chuột uống kinsenosid làm tăng rõ rệt các giá trị LD50 của H2O2 so với mẫu chứng. Điều này để khẳng định rằng kinsenosid có tác dụng bảo vệ gan.
MỘT HỢP CHẤT FLAVONOID GLUCOSID MỚI
TỪ LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII (WALL.) LINDL)
He CN và cs.
Journal of Integrative Plant Biology, 2006, 48: 359-363
Tám hợp chất đã được phân lập từ phân đoạn ethyl acetat và phân đoạn n-butanol của dịch chiết ethanol loài lan kim tuyến. Dựa trên các phương pháp phổ, cấu trúc của các hợp chất được xác định là quercetin-7-O-β-D-[6''-O-(trans-feruloyl)]- glucopyranosid (1), 8-C-p-hydroxybenzylquercetin (2), isorhamnetin-7-O-β-D-glucopyranosid (3), isorhamnetin-3-O-β-D-glucopyranosid (4), kaempferol-3-O-β-D-glucopyranosid (5), kaempferol-7-O-β-D-glucopyranosid (6), 5-hydroxy-3',4',7- trimethoxyflavonol-3-O-β-D-rutinosid (7), và isorhamnetin-3-O-β-D-rutinosid (8). Trong các hợp chất phân lập, chất số 1 là một flavonoid glucosid mới và có tác dụng quét gốc tự do DPPH mạnh. Trong khi đó cao chiết ethanol có tác dụng yếu. Các hợp chất 2-8 lần đầu tiên phân lập được từ một loài thuộc họ Lan (Orchidaceae).
NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII)
China Journal of Chinese Materia Medica, 2005, 30: 761-763
Mục tiêu: Nghiên cứu thành hóa học của loài lan kim tuyến.
Phương pháp: Dịch chiết ethanol toàn cây được phân lập trên cột sắc ký silica gel và sephadex LH-20. Các hợp chất được xác định dựa trên việc phân tích các tính chất vật lý và các dữ liệu phổ.
Kết quả: 05 hợp chất đã được phân lập từ phân đoạn CHCl3 là: p-hydroxybenzaldehyd (I), acid ferulic (II), quercetin (III), daucosterol (IV), cirsilineol (V).
Kết luận: Tất cả 05 hợp chất đều lần đầu tiên được phân lập từ loài lan kim tuyến, chất số (V) lần đầu tiên được phân lập từ một loài thuộc họ Lan (Orchidaceae). Các hợp chất I-IV lần đầu tiên được phân lập từ chi Anoectochilus.
N.Đ. Quân
XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG KINSENOSID TRONG DƯỢC LIỆU LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII)
BẰNG PHƯƠNG PHÁP HPLC-ELSD
Wan T và cs.
Chinese Traditional Patent Medicine, 2014, 7
Mục tiêu: Xây dựng phương pháp xác định hàm lượng kinsenosid trong loài lan kim tuyến.
Phương pháp: Dịch chiết ethanol được tiến hành rửa giải qua nhựa macroporous và sau đó tiến hành phân tích bằng phương pháp HPLC-ELSD. Quá trình phân tích kinsenosid sử dụng cột Hypersil NH2 ( 5 μm, 4. 6 mm × 250 mm) với pha động ACN:H2O (92:8) chạy theo chương trình gradient. Tốc độ dòng 1,0 ml/ phút, nhiệt độ cột 30oC, nhiệt độ buồng phun của ELSD được giữ ở 40oC, áp suất khí N2 là 350 kPa.
Kết quả: Đường chuẩn của kinsenosid được thiết lập với khoảng tuyến tính 0,524-5,24 μg, độ thu hồi đạt 98,65 %, độ lệch chuẩn tương đối (RSD) là 1,23 %.
Kết luận: Phương pháp xây dựng đơn giản, tin cậy, chính xác, độ lặp lại cao phù hợp để đánh giá chất lượng dược liệu lan kim tuyến.
TÁC DỤNG CHỐNG LẠI SỰ TỔN THƯƠNG GAN GÂY RA BỞI TÁC NHÂN CCL4 TRÊN CHUỘT
CỦA POLYSACCHARID TỪ LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII )
Yang Z và cs.
International Journal of Biological Macromolecules, 2017, 96: 442-450
Nghiên cứu đã tiến hành phân lập, xác định các polysaccharid từ loài lan kim tuyến (ARP) và đánh giá tác dụng bảo vệ gan của ARP trên mô hình gây tổn thương gan bởi tác nhân CCl4. Kết quả cho thấy, ARP có cấu tạo là glucose và galactose với tỉ lệ mol: 1,9/1, trọng lượng phân tử là 19,5kDa. ARP có khả năng dọn các gốc tự do như gốc hydroxyl, gốc superoxid anion, DPPH. Thử nghiệm in vivo đã chứng minh cho chuột uống ARP (150mg/kg) 7 ngày trước khi sử dụng carbon tetrachlorid, có khả năng làm giảm mức độ biểu hiện của aspartat aminotransferase (AST), alanin aminotransferase (ALT), triglycerid (TG) trong huyết thanh và ức chế sự hình thành của malondialdehyd (MDA) trong gan. Việc sử dụng ARP cũng làm tăng hoạt tính của các enzym chống oxy hóa như glutathion (GSH), superoxid dismutase (SOD), và tổng hoạt tính chống oxy hóa (T-AOC) trong gan chuột khi bị gây tổn thương bởi CCl4. Ngoài ra, những thay đổi mô bệnh học của gan gây ra bởi CCl4 được bình thường hóa đáng kể bởi việc sử dụng ARP. Nghiên cứu này đã chứng minh, ARP có tác dụng tốt trong việc bảo vệ gan, chống lại tổn thương gan cấp tính gây ra bởi CCl4 thông qua sự giảm quá trình oxy hóa lipid.
B.T.K.Linh
TÁC DỤNG ỨC CHẾ XƠ GAN CỦA CAO CHIẾT NƯỚC TỪ CÂY LAN GẤM (ANOECTOCHILUS FORMOSANUS)
TRÊN MÔ HÌNH GAN CHUỘT BỊ GÂY ĐỘC BỞI CARBON TETRACHLORID
Shih CC và cs.
Phytomedicine, 2005, 12: 453-460
Nghiên cứu được tiến hành để đánh giá tác dụng tác dụng ức chế xơ gan của cao chiết nước từ cây lan gấm trên mô hình gây độc cho gan chuột bởi carbon tetrachlorid (CCl4). Tạo mô hình xơ hóa gan chuột bằng cách cho uống CCl4 (20%, 0,5 ml/con chuột, p.o) hai lần một tuần và uống trong 8 tuần. Cho chuột uống đồng thời AFE (0,5 và 2,0 g/kg, p.o) hàng ngày trong vòng 8 tuần. Kết quả nghiên cứu cho thấy, AFE có khả năng giảm hoạt độ GOT và GPT gây ra bởi CCl4. AFE làm tăng nồng độ albumin trong huyết thanh, tăng trọng lượng gan và giảm trọng lượng lá lách. CCl4 làm giảm hàm lượng protein, và gia tăng hàm lượng collagen trong gan chuột, trong khi đó AFE làm tăng đáng kể hàm lượng protein và giảm hàm lượng collagen trong gan. Ở nhóm chứng độc dùng CCl4, nồng độ glutathion trong gan không thay đổi so với nhóm chứng trắng. Nhóm thử dùng AFE có nồng độ glutathion trong gan tăng đáng kể. Tất cả những kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng, AFE có khả năng ức chế xơ gan ở chuột gây ra bởi CCl4.
PHÂN TÁCH VÀ TINH CHẾ HAI HỢP CHẤT ERGOSTEROL VÀ STIGMASTEROL TỪ LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII (WALL) LINDL) BẰNG PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ PHÂN BỐ NGƯỢC DÒNG TỐC ĐỘ CAO
Huang L và cs.
Journal of Separation Science, 2011, 34: 385-392
E rgosterol và stigmasterol là hai phytosterol phổ biến nhất trong cây thuốc cổ truyền ở Trung Quốc. Đây là hai hợp chất sterol chính của loài lan kim tuyến và được chứng minh có nhiều hoạt tính sinh học quan trọng. Phương pháp sắc ký phân bố ngược dòng tốc độ cao (HSCCC) đã được tiến hành để phân tách và tinh chế đồng thời hai hợp chất ergosterol và stigmasterol. Điều kiện tối ưu sử dụng trong phương pháp này: hệ dung môi hai pha bao gồm: n-hexan-ethyl acetat-butanol-methanol-nước (3,5:0,3:0,5:2,5:0,3, v/v); tốc độ quay: 900 rpm; tốc độ dòng ở pha thấp hơn là 1,5 ml/phút. Nghiên cứu đã phân lập được 36,5 mg ergosterol và 43,6 mg stigmasterol từ 100 g lan kim tuyến. Độ tinh khiết của hai hợp chất ergosterol và stigmasterol được xác định lần lượt là 92,0 và 95,5 % bằng phương pháp HPLC. Cấu trúc hóa học của các hợp chất được xác định bằng phổ UV, FT-IR, MS, 1H-NMR và 13C-NMR. Các kết quả đã chứng minh rằng, phương pháp sắc ký phân bố ngược dòng tốc độ cao có thể được sử dụng cho việc phân tách và tinh chế hai hợp chất ergosterol và stigmasterol từ dược liệu. Phương pháp phân tách và tinh chế này hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp thông thường khác.
H.T.Tuyết
CÁC FLAVONOID TỪ LOÀI ANOECTOCHILUS ANNAMENSIS VÀ TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM CỦA CÁC HỢP CHẤT NÀY
Hoi TM và cs.
Natural Product Communications., 2016, 11: 613-614
Một hợp chất flavonol diglycosid mới, 4',5-dihydroxy-3,3',7-trimethoxyflavone 4'-O-α-L-rhamnopyranosyl-(1→6)-β-D-glucopyranosid (1) và hai hợp chất cũ (2-3) đã được phân lập từ dịch chiết methanol phần trên mặt đất của loài Anoectochilus annamensis Aver.. Cả 03 hợp chất phân lập (1-3) được đánh giá tác dụng ức chế khả năng sản sinh chất chống viêm trung gian nitric oxid (NO) trên dòng tế bào RAW264.7 kích hoạt bởi LPS. Hợp chất 4',5-dihydroxy-3,3',7-trimethoxyflavon (2) là hợp chất có hoạt tính mạnh nhất. Khi thêm nhóm rutinosid vào vị trí C4' (chất số 1) làm giảm khả năng ức chế. Đây là báo cáo đầu tiên về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài A. annamensis.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA CÁC HỢP CHẤT TỪ CÁC LOÀI ANOECTOCHILUS VÀ GOODYERA
Du XM và cs.
Journal of Natural Medicines, 2008, 62: 132-148
Cao chiết cây lan gấm (Anoectochilus formosanus) có tác dụng làm giảm nồng độ các enzym: LDH, GOT, GPT. Do đó, có thể thấy rằng cao chiết loài lan gấm có tác dụng bảo vệ gan trước tác nhân gây độc cho gan là CCl4. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng đã chứng minh tác dụng chống béo phì của cao chiết loài lan gấm với tác nhân gây béo phì là aurothioglucose. Nghiên cứu thành phần hóa học của loài lan gấm mọc hoang và được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, đã phân lập được 10 hợp chất chính bao gồm: (3R)-3-(β-d-glucopyranosyloxy) butanolid (kinsenosid; 1), 02 hợp chất mới (3R)-3-(β-d-glucopyranosyloxy)-4-hydroxybutanoic acid (2) và 2-[(β-d-glucopyranosyloxy)methyl]-5-hydroxymethylfuran (3) cùng với các chất đã biết isopropyl-β-d-glucopyranosid (4), (R)-3,4-dihydroxybutanoic acid γ-lacton (5), 4-(β-d-glucopyranosyloxy) benzyl alcohol (6), (6R,9S)-9-(β-d-glucopyranosyloxy)megastigma-4,7-dien-3-on (7), và (3R)-3-(β-d-glucopyranosyloxy)-4-hydroxybutanolid (8). Bằng phương pháp HPLC đã chứng minh hợp chất kinsenosid (1) có hàm lượng cao trong 02 loài A. formosanus và A. koshunensis. Nghiên cứu này cũng đã xây dựng được phương pháp đơn giản, hiệu suất cao để tinh chế hợp chất kinsenosid (1) phục vụ các thử nghiệm dược lý. Từ 1,0 g dược liệu khô đã tinh chế được 180 mg kinsenosid (1). Thử nghiệm tác dụng chống béo phì trên chuột cho thấy, chất số 1 làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, đồng thời làm giảm hàm lượng triglycerid trong gan khi so sánh với nhóm đối chứng. Đồng phân epimer của 1, (3S)-3-(β-d-glucopyranosyloxy) butanolid, goodyerosid A (9) được phân lập từ loài Goodyera không có tác dụng giảm béo phì. Khi sử dụng aurothioglucose gây ra béo phì ở chuột, chất số 1 ức chế sự tăng trọng lượng cơ thể và gan, giảm đáng kể hàm lượng triglycerid trong gan và sự lắng đọng mỡ đệm tử cung. Tác dụng giải độc gan của 9 và goodyerosid B (10) được nghiên cứu trên các tế bào gan đã bị tổn thương ở chuột gây ra bởi CCl4 thông qua việc đánh giá các chỉ số LDH, GOT, GPT. Nhóm sử dụng CCl4 có nồng độ các enzym LDH, GOT, GPT cao hơn đáng kể so với nhóm chứng trắng. Trong khi đó, cho chuột uống các hợp chất 9 và 10 làm giảm đáng kể các chỉ số trên. Hợp chất goodyerin (11) là một flavon glycosid mới, có tác dụng an thần và chống co giật. Các tác dụng này của hợp chất 11 phụ thuộc vào liều sử dụng.
V. N. Khánh
NGHIÊN CỨU NUÔI CẤY MÔ LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII)
Xiao FZ và cs.
Journal of Fujian Teachers University (Natural Science), 1997-02
Bài báo nghiên cứu phương pháp nhân giống nhanh loài lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Kỹ thuật nhân giống lan kim tuyến ở qui mô công nghiệp đã sơ bộ hoàn thiện. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, thời gian lấy mô để nhân giống thích hợp nhất là vào tháng 5, pH môi trường trong khoảng 5.4 ~ 5.6. Các chất kích thích tăng trưởng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình nuôi cấy mô của lan kim tuyến. Có thể sử dụng riêng rẽ các chất tăng trưởng hoặc hỗn hợp để tưới vào thân cây cho đến khi hình thành cây non hoặc đến khi nảy mầm. Môi trường nuôi cấy có chứa các chất hấp thụ carbon hoặc thay thế thạch bằng muối khoáng sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Cây non càng lớn thì tỉ lệ sống sót khi ghép mô càng cao.
TÁC DỤNG HẠ ĐƯỜNG HUYẾT VÀ CHỐNG OXY HÓA CỦA CAO CHIẾT NƯỚC TỪ LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII)
Cui SC và cs.
Experimental and Toxicologic Pathology, 2013, 65: 485-488
Nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá tác dụng hạ đường huyết và chống oxy hóa của dịch chiết nước từ loài lan kim tuyến trên chuột bị tiểu đường do tác nhân alloxan gây ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cho chuột uống cao chiết nước từ loài lan kim tuyến với mức liều 0,5 hoặc 2,0 g/kg trong 14 ngày làm giảm đáng kể (p<0,05) nồng độ đường trong máu so với nhóm chứng. Tác dụng này không phụ thuộc vào liều sử dụng. Đồng thời, khi cho chuột uống cao chiết nước từ loài lan kim tuyến làm giảm hàm lượng cholesterol tổng số và triglycerid trong huyết thanh cũng như gia tăng nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ cao ở chuột bị tiểu đường (p<0,05) Ngoài ra, cao chiết nước từ lan kim tuyến làm tăng đáng kể (p<0,05) hoạt tính của các enzym chống oxy hoá và nồng độ vitamin E trong gan và thận của chuột bị tiểu đường. Tất cả các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, cao chiết nước từ loài lan kim tuyến có tác dụng hạ đường huyết và chống oxy hóa trên chuột bị tiểu đường do tác nhân alloxan gây ra.
M.T.Phượng
TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA VÀ BẢO VỆ GAN CỦA CÁC POLYSACCHARID TỪ LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII)
Zeng B và cs.
Carbohydrate Polymers, 2016, 153: 391-398
Nghiên cứu này báo cáo các tính chất hóa lý (khối lượng phân tử và thành phần các monosaccharid), tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ tế bào gan của các polysaccharid (ARPP bao gồm: ARPP30, ARPP60 và ARPP80) phân lập được từ lan kim tuyến. ARPP80 thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh phụ thuộc vào nồng độ. Trên mô hình gây độc gan chuột bằng carbon tetrachlorid, khi cho chuột uống ARPP80 có tác dụng (p<0,01) làm giảm đáng kể nồng độ của aspartat, alanin amino transferase và malonyldialdehyd. Đặc biệt, sử dụng ARPP80 (p<0,01) làm tăng hoạt độ của superoxid dismutase, catalase, glutathion peroxidase, giảm glutathion trong huyết thanh hoặc dịch nghiền đồng thể của tế bào gan. Tác dụng bảo vệ gan được so sánh với đối chứng dương silymarin ở mức liều 200mg/kg. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng các ARPP, đặc biệt là ARPP80 có tiềm năng để phát triển thành thực phẩm chức năng với tác dụng bảo vệ gan.
MỘT DẪN CHẤT FLAVOL TRIGLYCOSID MỚI PHÂN LẬP TỪ LOÀI ANOECTOCHILUS ELWESII
KÍCH THÍCH HOẠT ĐỘNG HẤP THU GLUCOSE TRÊN CÁC TẾ BÀO HEPG2 KHÁNG INSULIN
Cai J và cs.
Natural Product Research, 2015, 29: 1414-1418
Một flavonol triglycosid (4) mới, isorhamnetin-3-O-β-D-glucopyranosyl (1→2)-α-L-rhamnopyranosyl (1→6)-β-D-glucopyranosid (elwesosid A), cùng với 06 flavonol đã biết, isorhamnetin (1), isorhamnetin-3-O-β-D-glucosid (2), isorhamnetin-3-O-β-D-rutinosid (3), kaempferol-3-O-β-D-glucopyranosyl (1→2)-α-L-rhamnopyranosyl (1→6)-β-D-glucopyranosid (5), quercetin (6) và rutin (7), đã được phân lập từ loài Anoectochilus elwesii. Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng phân tích dữ liệu phổ kết hợp so sánh với tài liệu tham khảo. Tất cả các hợp chất đều lần đầu tiên được phân lập từ loài Anoectochilus elwesii và hai trong số đó (4 và 5) là những flavonol triglycosid lần đầu tiên được phân lập từ chi Anoectochilus. Các hợp chất 1-7 được đánh giá trên các tế bào HepG2 kháng insulin để kích thích hoạt động hấp thu glucose. Trong đó, hợp chất mới (4) thể hiện tác dụng mạnh và phụ thuộc vào liều sử dụng.
K.T.Quân
TÁC DỤNG TĂNG CƯỜNG HẤP THU GLUCOSE TRÊN TẾ BÀO HEPG2 KHÁNG INSULIN CỦA MỘT TRITERPEN MỚI
PHÂN LẬP TỪ LOÀI ANOECTOCHILUS ELWESII
Natural Product Research, 2014, 28: 2163-2168
Một triterpen mới (1), acid 3-β-O-olean-11,13(18)-dien-23,28-dioic, cùng với 05 hợp chất đã biết, sorghumol (2), epifriedelanol (3), acid oleanolic (4), (6R,9S)-9-hydroxy-megastigma-4,7-dien-3-on-9-O-β-D-glucosid (5) và dibutyl-phthalat (6) đã được phân lập từ loài Anoectochilus elwesii. Cấu trúc của chúng được xác định bằng các dữ liệu phổ và so sánh với tài liệu tham khảo. Chất số 1 là hợp chất triterpen thế nhiều oxy đầu tiên phân lập từ chi lan kim tuyến (Anoectochilus). Các chất trên được đánh giá tác dụng tăng cường hấp thu glucose ở tế bào HepG2 và hợp chất mới (1) thể hiện tác dụng mạnh.
CÁC HỢP CHẤT GLYCOSID TỪ CÂY LAN GẤM (ANOECTOCHILUS FORMOSANUS)
Chemical and Pharmaceutical Bulletin, 2000, 48: 1803-1804
Nghiên cứu đã tiến hành phân lập các hợp chất glycosid từ lan gấm được nhân giống bằng nuôi cấy mô. Kết quả đã phân lập được 01 hợp chất mới, 2-(β-D-glucopyranosyloxymethyl)-5-hydroxymethylfuran, cùng với các hợp chất đã biết, 3-(R)-3-β-D-glucopyranosyloxybutanolid (kinenosid), acid 3-(R)-3-β-D-glucopyranosyloxy-4-hydroxy-butanoic, 1-O-isopropyl-β-D-glucopyranosid, acid (R)-(+)-3,4-dihydroxy-butanoic γ-lacton, 4-(β-D-glucopyranosyloxy)benzyl alcohol, (6R,9S)-9-hydroxy-megastigma-4,7-dien-3-on-9-O-β-D-glucopyranosid, corchoinosid C.
N.T.Phương
MỘT HỢP CHẤT STEROL CÓ CẤU TRÚC ĐẶC BIỆT TỪ LOÀI ANOECTOCHILUS KOSHUNENSIS
Ito A và cs.
Phytochemistry, 1994, 36: 1465-1467
Một sterol mới với nhánh thế đặc biệt cùng với 4 sterol đã biết bao gồm sitosterol, stigmasterol, campesterol và 24ξ-isoprenylcholesterol, 01 megastigman glucosid và hợp chất 2′-deoxyadenosin đã được phân lập từ loài Anoectochilus koshunensis. Cấu trúc của sterol mới được xác định là 26-methylstigmasta-5,22,25,(27)-trien-3β-ol dựa trên các dữ liệu phổ.
CÁC HỢP CHẤT GLUCOSID MẠCH THẲNG VÀ VÒNG THƠM TỪ LOÀI ANOECTOCHILUS KOSHUNENSIS
Phytochemistry, 1993, 33: 1133-1137
Một glucosid mạch thẳng mới là 3-(R)-3-β-d-glucopyranosyloxybutanolid (kinenosid) cùng với các dẫn xuất của nó, 01 hợp chất glucosid thơm dị vòng là β-d-glucopyranosyl-3-pyridinemethanol (nicolosid) đã được phân lập từ loài Anoectochilus koshunensis. Cấu trúc của các hợp chất này được xác định dựa trên các dữ liệu phổ.
T.T.Nga
PHÂN BIỆT HAI LOÀI ANOECTOCHILUS FORMOSANUS VÀ ANOECTOCHILUS KOSHUNENSIS
DỰA TRÊN CÁC CHỈ THỊ RAPD
Cheng KT và cs.
Planta Medica, 1998, 64: 46-49
Các chỉ thị RAPD (Random amplified polymorphic DNA) được phát triển để phân biệt 02 loài Anoectochilus formosanus, Anoectochilus koshunensis và các loài lai giữa chúng. Trong khi sự khác biệt về giải phẫu trong quá trình ra hoa của 02 loài trên rất khó nhận biết, các chỉ thị RAPD cho phép phân biệt nhanh và dễ dàng 02 loài này. Trong nghiên cứu này, 40 đoạn mồi (primer) ngẫu nhiên được sàng lọc qua đó thu được 19 chỉ thị RAPD đặc trưng loài từ phản ứng chuỗi (PCR), cùng với 08 primer ngẫu nhiên. Trong số 19 chỉ thị đặc trưng, 09 chỉ thị đặc trưng cho loài A. formosanus và 10 chỉ thị đặc trưng cho loài A. koshunensis. Hai primer, OPC-08 và OPL-07, tạo thành 02 chỉ thị, một đặc trưng cho A. formosanus và một đặc trưng cho A. koshunensis, cũng đồng thời xuất hiện ở các loài lai. Các chỉ thị RAPD có thể được ứng dụng cho việc định danh 02 loài trên cũng như đánh giá mức độ lai tạo giữa chúng, rất hữu ích cho các quá trình lai tạo 02 loài lan kim tuyến trên.
CHIẾT XUẤT TINH DẦU BẰNG PHƯƠNG PHÁP CARBON DIOXID SIÊU TỚI HẠN
VÀ TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA CỦA TINH DẦU LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII)
Shao Q và cs.
Industrial Crops and Products, 2014, 60: 104-112
Để thu được hàm lượng tinh dầu cao nhất, phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) được sử dụng để tối ưu hóa hiệu suất chiết xuất tinh dầu loài lan kim tuyến bằng phương pháp CO2 lỏng siêu tới hạn (SFE). Thành phần hóa học của tinh dầu chiết xuất bằng phương pháp SFE được so sánh với 02 phương pháp là chưng cất hơi nước (HD) và chiết Soxhlet (SE). Ngoài ra, nghiên cứu này cũng đánh giá tác dụng chống oxy hóa của tinh dầu chiết xuất bằng phương pháp SFE bằng 02 phương pháp HD và SE trên 02 mô hình dọn gốc tự do DPPH và ABTS. Các điều kiện tối ưu hóa của phương pháp SFE bao gồm: Nhiệt độ 37,60C; áp suất 35 MPa, thời gian chiết xuất là 150 phút, tốc độ dòng chảy CO2 8 l/h. Áp dụng điều kiện đã tối ưu, hàm lượng tinh dầu trung bình chiết xuất được đạt 1,677%. Tinh dầu thu được bằng 02 phương pháp SFE và SE có chứa một tỷ lệ đáng kể acid cacboxylic và các hợp chất carbonyl. Tác dụng chống oxy hóa của tinh dầu giảm dần theo thứ tự phương pháp SFE>SE>HD. Nghiên cứu chỉ ra rằng RSM đã được ứng dụng thành công cho việc tối ưu hóa hiệu suất chiết xuất tinh dầu từ loài lan kim tuyến bằng phương pháp CO2 lỏng siêu tới hạn (SFE). Áp suất và tốc độ dòng chảy CO2 có ảnh hưởng tới hàm lượng tinh dầu chiết xuất bằng phương pháp SFE.
H.S .Hải
NÂNG CAO HIỆU SUẤT CHIẾT XUẤT KINSENOSID TỪ CÁC LOÀI THUỘC CHI ANOECTOCHILUS
VÀ TÁC DỤNG CHỐNG BÉO PHÌ CỦA HỢP CHẤT KINSENOSID
Du X và cs.
Biological and Pharmaceutical Bulletin, 2001, 24: 65-69
Kết quả phân tích HPLC cho thấy, trong thành phần 02 loài Anoectochilus formosanus và Anoectochilus koshunensis có chứa hàm lượng cao hợp chất kinsenosid, 3-(R)-3-β-D-glucopyranosyloxybutanolid (1). Sử dụng MeOH làm dung môi dẫn đến xảy ra phản ứng methyl hóa tạo thành methyleste hoặc làm cắt vòng lacton của 1 khi bị xúc tác bởi silica gel có trong cột gây khó khăn trong việc tinh chế 1. Để tránh phản ứng phân cắt và nâng cao hiệu suất tinh chế, nghiên cứu sử dụng cột pha đảo hoặc cột silica gel không chứa methanol 1. Kết quả thử nghiệm chống béo phì cho thấy, khi cho chuột uống 1 làm giảm đáng kể khối lượng của gan và trọng lượng cơ thể, cũng như làm giảm hàm lượng triglycerid trong gan so với nhóm chuột đối chứng. Mặt khác, đồng phân epimer của 1, 3-(S)-3-β-glucopyranosy-loxybutanolid (2), có tên thường gọi là goodyerosid A phân lập từ các loài Goodyera không có tác dụng chống béo phì. Khi sử dụng aurothioglucose gây ra béo phì ở chuột, chất số 1 ức chế sự tăng trọng lượng cơ thể và gan, giảm đáng kể hàm lượng triglycerid trong gan và sự lắng đọng mỡ đệm tử cung.
H.S.Hải
CÁC DẪN XUẤT 3-HYDROXYBUTANOLID VÀ FLAVONOID GLUCOSID
Liu Q và cs.
Phytochemistry Letters, 2014, 8: 109-115
Ba dẫn xuất 3-hydroxybutanolid mới; kinsenbenol (1), kinsendiosid A (2), kinsendiosid B (3) (kinsendiosid A và B là hỗn hợp), và một flavonoid glucosid mới; roxburosid (4), được phân lập từ loài lan kim tuyến. Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng các phổ NMR, X-ray, và phương pháp dẫn xuất hóa học. Hợp chất 1, dẫn xuất acetat của 2 (2a) và 3 (3a), 4, cùng với các hợp chất đã biết 5-8 được đánh giá tác dụng chống oxy hóa trong khảo nghiệm acid thiobarbituric. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hợp chất 2a, 3a, và 4 có tác dụng tốt, giúp tăng cường hoạt tính của enzym chống oxy hóa superoxid dismutase (SOD) trong tế bào. Nghiên cứu này góp phần làm phong phú thêm tri thức về thành phần hóa học của lan kim tuyến, cũng như tác dụng sinh học của các hoạt chất từ dược liệu này
N.T.Nụ
ANOECTOCHILUS LONGILOBUS (PHÂN HỌ ORCHIDOIDEAE: HỌ ORCHIDACEAE),
MỘT LOÀI MỚI TỪ VÂN NAM, TRUNG QUỐC
Tian HZ và cs.
Phytotaxa, 2014, 164: 276-280
Chi lan kim tuyến Anoectochilus Blume thuộc Phân tông Goodyerinae. Tên Anoectochilus có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: 'anoiktos' (mở) và 'cheilos' (môi), hoa môi đẹp khi nở. Chi này có khoảng 30 loài, phân bố ở Ấn Độ và phía đông dãy Himalaya, trải dài qua miền Nam và Đông Nam Á đến Australia và các đảo phía đông nam Thái Bình Dương. Ở Trung Quốc, chi lan kim tuyến có 15 loài, trong đó có 08 loài đã được tìm thấy ở tỉnh Vân Nam. Một loài thuộc chi lan kim tuyến đã được thu thập ở Vân Nam vào năm 2006 và 2013. Trên cơ sở phân tích đặc điểm và so sánh với các loài có hình thái gần giống, xác định đây là một loài mới. Loài mới này gần giống với loài A. zhejiangensis Wei & Chang, một loài đặc hữu ở Trung Quốc, phân bố tại trung tâm và miền Bắc tỉnh Phúc Kiến, phía bắc tỉnh Quảng Tây, phía tây nam tỉnh Chiết Giang và phía bắc tỉnh Quảng Đông. Loài này cũng gần giống với loài A. chapaensis Gagnepain, một loài đã được tìm thấy tại Trung Quốc và Việt Nam.
N.T.Nụ
TÁC DỤNG DỌN GỐC TỰ DO VÀ ỨC CHẾ QUÁ TRÌNH OXY HÓA LIPOPROTEIN TỶ TRỌNG THẤP
CỦA CAO CHIẾT NƯỚC TỪ LOÀI LAN GẤM (ANOECTOCHILUS FORMOSANUS)
The American Journal of Chinese Medicine, 2003, 31: 25-36
Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá tác dụng chống oxy hóa của cao chiết nước loài lan gấm (AFE). Ngoài ra, tác dụng ức chế quá trình oxy hóa lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) in vitro và in vivo cũng đã được báo cáo. Kết quả nghiên cứu cho thấy AFE có khả năng dập tắt các gốc tự do oxy hóa như superoxid anion và gốc hydroxyl. Các nghiên cứu về quá trình oxy hóa LDL cho thấy, AFE ức chế quá trình oxy hóa, tác dụng này phụ thuộc nồng độ. Nghiên cứu in vivo cũng cho thấy, uống AFE ức chế quá trình oxy hóa LDL trên chuột bị máu nhiễm mỡ. Tác dụng dọn gốc tự do của AFE cho thấy rằng, đây là một nguyên liệu tiềm năng để làm thuốc chống xơ vữa động mạch.
V.V.Tuấn
NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC
CỦA LOÀI LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS ROXBURGHII (III))
Chunnian H và cs.
Natural Product Research and Development, 2005, 17: 259-262
Từ cao chiết n-hexan của dịch chiết ethanol loài lan kim tuyến đã phân lập được các hợp chất sorghumol (1), friedelin (2), acid palmitic (3), hỗn hợp 02 sterol là 24-isopropenylcholesterol (4) và 26-methylstigmasta-5,22,25,(27)trien-3-beta-ol (5), sitosterol (6), stigmasterol (7), campesterol (8). Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng các phổ NMR, EI-MS, ESI-MS. Trong các hợp chất phân lập được, hợp chất 1-5 lần đầu tiên phân lập được từ loài lan kim tuyến. Hợp chất 1 và 2 lần đầu tiên được tìm thấy trong một loài thuộc chi Anoectochilus. Đây là báo cáo đầu tiên công bố về sự có mặt của chất số 1 trong họ Orchidaceae.
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)