Bản tin dược liệu

Bản tin Dược liệu số 5/018: Chùm ngây và hương nhu tía

TT

BẢN DỊCH

  1.  

NGHIÊN CỨU ĐỘC TÍNH TẾ BÀO, KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA VÀ GÂY CẢM ỨNG APOPTOSIS CỦA QUERCETIN-3-O-GLUCOSIDE AND 4-( β-D-GLUCOPYRANOSYL-1→4-α-L-RHAMNOPYRANOSYLOXY)-BENZYL ISOTHIOCYANATE TỪ CÂY CHÙM NGÂY

Maiyo FC và cs.

Anticancer Agents Med Chem, 2016; 16(5):648-656

Cây chùm ngây được sử dụng như một nguồn rau thực phẩm và thuốc thảo dược trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau ở nhiều nước Châu Phi, bao gồm cả Kenya. Nghiên cứu này liên quan đến các phân tích hóa thực vật của các cao chiết thô từ cây chùm ngây và các hoạt tính sinh học (khả năng chống oxy hóa, độc tế bào và cảm ứng apoptosis in vitro) của các hợp chất được phân lập. Các hợp chất phân lập từ lá và hạt của cây là quercetin-3-O-glucoside (1), 4-(β-D-glucopyranosyl-1→4-α-L-rhamnopyranosyloxy)-enzyl isothiocyanate (2), lutein (3) và sitosterol (4). Hoạt tính chống oxy hóa của hợp chất 1 điển hình khi so sánh với hoạt tính của đối chứng, trong khi hợp chất 2 có hoạt tính trung bình. Độc tính tế bào của các hợp chất 1 và 2 đã được thử nghiệm trên ba dòng tế bào là tế bào ung thư biểu mô gan (HepG2), tế bào ung thư đại tràng (Caco-2) và một dòng tế bào không phải ung thư Human Embryonic Kidney (HEK293) bằng thử nghiệm MTT khảo sát khả năng sống sót của tế bào có so sánh với một loại thuốc chống ung thư tiêu chuẩn, 5-fluorouracil. Nghiên cứu apoptosis được thực hiện bằng cách sử dụng phương pháp nhuộm kép acridin orange/ethidium bromid. Các hợp chất phân lập có hoạt tính độc tế bào in vitro và hoạt tính gây chết tế bào chọn lọc chống lại các dòng tế bào ung thư và không phải ung thư, tương ứng. Hợp chất 1 có hoạt tính gây độc tế bào điển hình đối với dòng tế bào Caco-2 với IC50 là 79 μg/mL và độc tính trung bình đối với dòng tế bào HepG2 với IC50 là 150 μg/mL, trong khi hợp chất 2 cho thấy độc tính đáng kể đối với các dòng tế bào Caco-2 và HepG2 với IC50 là 45 μg/mL và 60 μg/mL, tương ứng. Cả hai hợp chất đều thể hiện hoạt tính gây độc tế bào thấp hơn trên dòng tế bào HEK293 với giá trị IC50 là 186 μg/mL và 224 μg/mL, tương ứng.

Mai Thành Chung, Hồ Đức Duy

  1.  

CÁC CAO CHIẾT TỪ LÁ CHÙM NGÂY LÀ THÀNH PHẦN ĐA CHỨC NĂNG CÓ ĐẶC ĐIỂM “TỰ NHIÊN

VÀ KHÔNG HÓA CHẤT” TRONG CÁC CHẾ PHẨM CHỐNG NẮNG VÀ BẢO VỆ DA KHỎI TIA CỰC TÍM

Baldisserotto A và cs.

Molecules, 2018; 23(3)

Cây chùm ngây ngày càng phổ biến như là một loại thực phẩm bổ sung nhưng lại không phổ biến trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm. Mục đích của công trình nghiên cứu này là chiết xuất, tiêu chuẩn hóa và đánh giá tác dụng của các cao chiết từ lá của cây chùm ngây như là một thành phần trong công thức phối hợp các thảo dược có tác dụng chống nắng. Ba cao chiết khác nhau của lá chùm ngây thu hái từ Senegal, đã được chuẩn bị và được định tính-định lượng hợp chất phenol bằng phương pháp HPLC-DAD và Folin-Ciocalteu. Để khảo sát các đặc tính chống tia cực tím, các đánh giá sâu về sự lọc tia UV, hoạt tính chống oxy hóa (qua các thử nghiệm DPPH, FRAP, ORAC, PCL) và hoạt tính chống tăng sinh (trên tế bào u ác tính ở người Colo38) đã được tiến hành. Ngoài ra, nghiên cứu in vitro của các công thức mỹ phẩm từ cao chiết chùm ngây đã được thực hiện để xác định chỉ số chống nắng (SPF: Sun Protection Factor). Các cao chiết từ lá của cây chùm ngây được chứng minh là có giá trị bảo vệ, với chỉ số SPF bằng 2, đồng nghĩa với việc bảo vệ 50% trước tác hại của tia UV-B, ở nồng độ thấp từ 2% đến 4%. Cuối cùng, việc đánh giá về tính kích ứng da của các công thức sản phẩm từ cao chiết được thực hiện bằng test áp bì (Patch Test) đã cho thấy tính an toàn trên da của các sản phẩm. Những minh chứng trên đã góp phần mở rộng hoạt tính, tiềm năng ứng dụng và tầm quan trọng của cây chùm ngây trong các lĩnh vực dược phẩm và dinh dưỡng.

Mai Thành Chung, Từ Khởi Thành

  1.  

GẠC HYDROCOLLOID MANG CAO CHIẾT NƯỚC TỪ LÁ CÂY CHÙM NGÂY ĐƯỢC CHUẨN HÓA: ĐÁNH GIÁ TÍNH AN TOÀN TRÊN DA VÀ TÁC DỤNG CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG IN VIVO TRONG MÔ HÌNH CHUỘT CỐNG TRẮNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GÂY BỞI STREPTOZOTOCIN KẾT HỢP CHẾ ĐỘ ĂN CAO LIPID

Chin CY và cs.

Drug Deliv Transl Res, 2018 Mar 20 [Epub ahead of print]

Các màng hydrocolloid mang cao chiết nước được chuẩn hóa từ lá cây chùm ngây (MOL) đã được phát triển thành công qua các nghiên cứu trước đây và cho thấy có hoạt tính chữa lành vết thương in vitro. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tính an toàn trên da cũng như hiệu quả chữa lành vết thương của màng hydrocolloid từ MOL (chứa 0,1; 0,5 và 1% MOL) trên mô hình chuột cống trắng bị đái tháo đường. Độc tính cấp trên da được thực hiện trên chuột cống trắng khỏe mạnh và các dấu hiệu của độc tính được quan sát trong 14 ngày. Đối với các nghiên cứu chữa lành vết thương, vết cắt bỏ da và vết xước trên da được tạo ra trên mô hình chuột cống trắng bị đái tháo đường gây bởi streptozotocin kết hợp chế độ ăn giàu lipid và sự lành vết thương được nghiên cứu trong 21 ngày. Việc đánh giá sự lành vết thương được xác định bằng nhuộm mô học, thử nghiệm hydroxyproline và thử nghiệm ELISA trên các yếu tố tăng trưởng liên quan đến sự lành vết thương, các cytokine và chemokine. Các công thức tạo màng hydrocolloid từ MOL không biểu hiện độc tính cấp trên da. Trong mô hình vết thương do cắt da, màng hydrocolloid từ MOL 0,5% làm tăng đáng kể trong việc khép mép vết thương, đạt 77,67 ± 7,28% vào ngày thứ 7 so với nhóm đối chứng. Trong khi ở các vết thương do  trầy xước, màng hydrocolloid từ MOL 0,5% làm tăng nhanh điển hình việc khép mép vết thương, đạt 81 ± 4,5% so với nhóm đối chứng. Các kết quả mô học và thử nghiệm hydroxyproline cho thấy sự lắng đọng collagen cao và sự tái biểu mô (biểu mô hóa) hoàn chỉnh được quan sát trên các vết thương được điều trị bằng màng hydrocolloid từ MOL 0,5% và 1%. Tất cả các gạc hydrocolloid từ MOL đã được chứng minh không có độc tính trên da qua khảo sát in vivo tính an toàn trên da. Do đó, nghiên cứu này đã kết luận rằng màng hydrocolloid từ cao chiết nước 0,5% từ lá cây chùm ngây là giải pháp tiềm năng trong việc thúc đẩy quá trình chữa lành các vết thương trong bệnh đái tháo đường trên cả hai trường hợp vết cắt gây mất da diện rộng hoặc vết trầy xước cục bộ trong mô hình đái tháo đường type II gây bởi streptozotocin kết hợp chế độ ăn giàu lipid.

Nguyễn Thị Thu Hương, Từ Khởi Thành

  1.  

TÁC DỤNG CỦA CÁC CAO CHIẾT TỪ VỎ CÂY CHÙM NGÂY LÊN SỰ ĐỀ KHÁNG INSULIN GÂY BỞI DEXAMETHASON Ở CHUỘT CỐNG TRẮNG

Sholapur HN và cs.

Drug Res (Stuttg), 2013 Oct;63(10):527-31

Tiền đề: Nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy tiềm năng trị đái tháo đường của cao chiết cồn từ vỏ cây chùm ngây (Moringa oleifera Lam., Moringaceae), một dược liệu có nhiều ứng dụng ở Nam Á.

Mục tiêu: Nghiên cứu tác dụng của cao chiết cồn và cao chiết ether dầu hỏa của vỏ cây chùm ngây lên sự đề kháng insulin cấp và mạn gây bởi dexamethason ở chuột cống trắng.

Vật liệu và phương pháp: Dexamethason (dexa) được sử dụng các liều lập lại trong 11 ngày (1 mg/kg, tiêm dưới da một lần mỗi ngày) và liều đơn (1 mg/kg, tiêm phúc mạc) để kích thích sự đề kháng insulin mạn và cấp. Hai liều của cao cồn (AE125 và AE250 mg/kg) hay cao ether dầu hỏa (PEE30 và PEE60 mg/kg) và mỗi liều đơn của cao cồn (AE250 mg/kg) hay cao ether dầu hỏa (PEE 60 mg/kg) của vỏ cây chùm ngây được thử nghiệm trong các mô hình kích thích sự đề kháng insulin mạn và cấp. Khi kết thúc các nghiên cứu, nồng độ glucose máu lúc đói, nồng độ triglyceride và sự dung nạp glucose được xác định.

Kết quả: Trong nghiên cứu mạn, việc điều trị với AE125 và AE250 trên chuột có tác dụng ngăn ngừa sự tăng triglycerid máu và sự không dung nạp glucose gây bởi dexamethason nhưng không ảnh hưởng trên sự tăng nồng độ glucose máu lúc đói, trong khi đó, cả PEE30 và PEE60 không có ảnh hưởng đến các thông số trên ngoại trừ sự suy giảm đáng kể nồng độ triglycerid được ghi nhận ở chuột được điều trị với PEE60. Sự không dung nạp glucose gây bởi liều đơn dexamethason được ngăn ngừa bởi AE250 nhưng không phải bởi PEE60. Ở chuột cống trắng bình thường việc điều trị bằng AE250 làm cải thiện sự dung nạp glucose, trong khi PEE60 không ảnh hưởng đến thông số này.

Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy rằng cao cồn từ vỏ cây chùm ngây ngăn ngừa sự đề kháng insulin ở các mô ngoại biên gây bởi dexamethason.

Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Đặng Huỳnh Anh

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM KHỚP VÀ GIẢM ĐAU IN VIVO CỦA CAO CHIẾT CỒN TỪ LÁ CHÙM NGÂY

TRÊN MÔ HÌNH GÂY VIÊM KHỚP BẰNG BỔ THỂ FREUND Ở CHUỘT CỐNG TRẮNG

Mahdi HJ và cs.

Integr Med Res. 2018 Mar;7(1):85-94

Tiền đề: Việc sử dụng cây cỏ làm thuốc trong nhiều trường hợp chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian mà không đủ bằng chứng khoa học. Các bộ phận khác nhau của cây chùm ngây được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau trong đó có viêm khớp và đau khớp. Nghiên cứu này được thiết kế để đánh giá hoạt tính chống viêm khớp và giảm đau của cao chiết cồn từ lá chùm ngây, đây là bộ phận có trữ lượng dồi dào nhất thích hợp cho việc sản xuất lớn các sản phẩm dược thảo.

Phương pháp nghiên cứu: Thử nghiệm gây viêm khớp bằng bổ thể Freund (CFA) ở chuột cống trắng được sử dụng để gây mô hình bệnh lý. Các thông số như độ viêm phù gan bàn chân chuột gây bởi CFA, trọng lượng cơ thể, chỉ số viêm khớp, chụp ảnh tia X, các thông số huyết học, và sự phân tích vết đi bộ cùng vận động tự nhiên của chuột được ghi nhận để đánh giá mức tiến triển của bệnh lý. Thêm vào đó, hoạt tính giảm đau được kiểm tra ở những mức liều khác nhau trên chuột bình thường và chuột đã bị gây viêm khớp bằng thực nghiệm đĩa nóng của Eddy và phản xạ đau ở đuôi do kích thích nhiệt.

Kết quả: Việc phân tích các thông số khác nhau được sử dụng trong đánh giá viêm khớp cho thấy rằng cao chiết chùm ngây có tác dụng điển hình trong việc ngăn ngừa sự phát triển bệnh hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp. Ngoài ra, cao cồn lá chùm ngây có hoạt tính giảm đau phụ thuộc vào liều trên cả chuột bình thường và chuột bị viêm khớp do CFA.

Kết luận: Cao cồn lá chùm ngây có tiềm năng trong giảm đau và điều trị viêm khớp, tuy nhiên cần thực hiện tiếp các nghiên cứu tiền lâm sàng một cách chi tiết hơn để có thể định hướng cho nghiên cứu lâm sàng trên người.

Đào Trần Mộng, Nguyễn Yến Nhi

  1.  

TÁC DỤNG CỦA VIỆC SỬ DỤNG LÁ CHÙM NGÂY TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Villarruel-López A và cs.

BMC Complement Altern Med. 2018 Apr 10;18(1):127

Tiền đề: Công dụng của lá chùm ngây đã được đánh giá trong điều trị bệnh đái tháo đường vì khả năng làm giảm nồng độ glucose và các lipid trong máu sau khi uống, kết quả là do hàm lượng của các polyphenol và các hợp chất khác. Tuy nhiên, hầu hết các kết quả thu được đều từ cao chiết lá, do đó nghiên cứu này sẽ sử dụng bột lá là dạng tiêu thụ phổ biến để khảo sát tác dụng trên nồng độ glucose, triglycerid, cholesterol trong máu, trọng lượng cơ thể, và các lợi khuẩn đường ruột.

Phương pháp nghiên cứu: Bột lá được cho uống ở các liều lượng khác nhau để khảo sát độc tính và độc tính di truyền bằng thử nghiệm tìm LD50 và thử nghiệm khả năng gây đột biến của các tác nhân. Mô hình tăng đường huyết được gây ra bởi alloxan trên chuột cống trắng chủng Sprague Dawley. Glucose máu và trọng lượng cơ thể được đo một lần mỗi tuần trong khi đó nồng độ cholesterol và triglycerid trong máu được phân tích vào cuối nghiên cứu bằng các bộ kit thương mại. Các cơ quan khác nhau được khảo sát mô học bằng kỹ thuật hematoxylin-eosin. Hệ vi khuẩn acid lactic và Enterobacteriaceae được xác định từ các mẫu phân.

Kết quả: Các liều thử nghiệm cho thấy không có liều gây chết và không có sự khác biệt đạt ý nghĩa thống kê trong các thông số độc tính trên di truyền. Việc uống bột lá chùm ngây cho thấy có tác dụng hạ đường huyết (< 250 mg/dL ở nhóm chuột đái tháo đường điều trị bằng chùm ngây), tuy nhiên có sự tăng trọng lượng cơ thể (> 30 g ở nhóm chuột đái tháo đường điều trị bằng chùm ngây). Không có sự thay đổi về lượng vi khuẩn acid lactic (8,4 CFU/g) nhưng có sự khác biệt về mật độ của các lợi khuẩn chủng Lactobacillus Enterobacteria.

Kết luận: Những kết quả này củng cố thêm thông tin về công dụng và tính an toàn của chùm ngây. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn về cơ chế hạ đường huyết và tác dụng trên hệ lợi khuẩn đường ruột.

Đào Trần Mộng, Nguyễn Yến Nhi

  1.  

SỰ BIẾN ĐỔI THÍCH NGHI GÂY BỞI STREPTOZOTOCIN CỦA SIÊU PHỨC HỢP TY THỂ GAN CHUỘT CỐNG TRẮNG CHỦNG WISTAR VÀ TÁC DỤNG BẢO VỆ CỦA CÂY CHÙM NGÂY

Alejandra Sánchez-Muñoz M và cs.

 Biochem Res Int. 2018 Mar 1; 2018:5681081

Tần suất ngày càng gia tăng của bệnh đái tháo đường đang là một vấn đề sức khỏe lớn trên toàn thế giới. Sự thay đổi của chuỗi vận chuyển điện tử ty thể là một dấu hiệu để nhận định sự suy giảm các năng lượng sinh học ở gan liên quan đến bệnh đái tháo đường; tuy nhiên, các dữ liệu ở mức độ phân tử tham gia sinh lý bệnh chỉ được hiểu rất ít. Cây chùm ngây thường được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, vai trò của chùm ngây đối với chức năng của ty thể vẫn chưa được tìm hiểu. Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của cao chiết từ cây chùm ngây lên sự hình thành siêu phức hợp, hoạt tính ATPase, sự sản sinh các gốc tự do oxy hoạt động (ROS), nồng độ glutathione (GSH), sự peroxy hóa lipid và sự carbonyl hóa protein. Các mức độ peroxy hóa lipid và carbonyl hóa protein được tăng lên ở nhóm bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, mức độ này giảm ở chuột cống trắng đái tháo đường được điều trị bằng cao chùm ngây. Phân tích hoạt tính bằng thử nghiệm in-gel cho thấy có sự gia tăng hoạt tính của tất cả các phức hợp trong ty thể ở nhóm bệnh đái tháo đường, nhưng việc xác định quang phổ hoạt tính của các phức hợp II và IV không bị ảnh hưởng trong quá trình điều trị. Nghiên cứu đã xác định có một sự tiêu hủy tiêu thụ oxy thông qua con đường phức hợp I-III-IV trong nhóm bệnh đái tháo đường được điều trị bằng cao chùm ngây. Quá trình hô hấp tế bào có sự cung cấp succinate vào phức hợp II-III-IV được tăng lên trong nhóm bệnh đái tháo đường. Những phát hiện này gợi ý rằng sự tăng đường huyết làm tăng mức tiêu thụ oxy, hình thành siêu phức hợp ty thể, và làm tăng nồng độ ROS trong ty thể gan của chuột cống trắng bị đái tháo đường do streptozotocin, trong đó cao chùm ngây có vai trò bảo vệ chống lại những thay đổi này.

Nguyễn Hoàng Minh, Chương Ngọc Hiếu

  1.  

CÂY CHÙM NGÂY LÀM GIẢM BỆNH LÝ GIỐNG BỆNH ALZHEIMER VÀ CÁC SUY HỎNG NHẬN THỨC

 GÂY BỞI HOMOCYSTEIN

Mahaman YAR và cs.

J. Alzheimers Dis,2018;63(3):1141-1159

Bệnh Alzheimer (AD) là bệnh lý đa yếu tố có bệnh căn không rõ ràng. Do sự phức tạp của AD, nhiều phương pháp điều trị với liệu pháp duy nhất, như tạo miễn dịch với amyloid beta (Aβ), thường thất bại. Do đó, cần có các loại thuốc có nhiều lợi ích. Các hợp chất tự nhiên với đặc tính bảo vệ thần kinh, chống hình thành Aβ, chống oxy hóa và kháng viêm nên có thể là một hướng giải quyết khả thi. Trong nghiên cứu này, tác dụng của cây chùm ngây (MO), loài thực vật tự nhiên có tác dụng chống oxy hóa cao, kháng viêm và bảo vệ tế bào thần kinh, được đánh giá trên mô hình gây ra bệnh lý giống AD do gia tăng homocysteine máu (HHcy) ở chuột cống trắng. Việc tiêm homocystein (Hcy) trong 14 ngày được sử dụng để tạo ra bệnh lý giống AD. MO được cho uống đồng thời ngay sau khi tiêm Hcy theo phác đồ dự phòng hoặc, sau khi tiêm Hcy hoàn tất MO được cho uống trong 14 ngày sau đó theo phác đồ điều trị. MO được xác định không chỉ ngăn chặn mà còn cải thiện tình trạng stress oxy hóa và suy giảm nhận thức gây ra bởi việc tiêm Hcy. Ngoài ra, MO còn phục hồi các protein bị giảm ở synap (khớp thần kinh) như PSD93, PSD95, Synapsin 1 và Synaptophysin, và cải thiện sự thoái hóa tế bào thần kinh. Điều thú vị là, MO làm giảm quá trình protein tau bị thay đổi về mặt hóa học, trở nên phosphorylat hóa quá nhiều do Hyc gây ra ở các vị trí khác nhau bao gồm S-199, T-231, S-396 và S-404, đồng thời giảm sản sinh Aβ thông qua điều chỉnh làm giảm của BACE1. Những ảnh hưởng này ở chuột HHcy đi kèm với sự giảm hoạt động calpain trong điều trị bằng MO góp phần khẳng định rằng sự hoạt hóa calpain có thể liên quan đến sinh bệnh học AD ở chuột HHcy. Tóm lại, dữ liệu của nghiên cứu này, lần đầu tiên đã cung cấp bằng chứng cho thấy MO làm giảm sự tăng phosphorylat hóa protein tau và bệnh lý Aβ trong mô hình bệnh AD ở chuột HHcy. Nghiên cứu này và các nghiên cứu trước đây của nhóm góp phần định hướng chùm ngây như một ứng viên tốt cho việc điều trị Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh khác có liên quan đến tau protein.

Nguyễn Hoàng Minh, Chương Ngọc Hiếu

  1.  

HÀM LƯỢNG PHENOL, FLAVONOID TOÀN PHẦN, KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA VÀ DỮ LIỆU SẮC KÝ KHÍ GHÉP KHỐI PHỔ CÁC HỢP CHẤT DỄ BAY HƠI CỦA CÁC PHÂN ĐOẠN PHÂN CỰC TỪ HẠT CHÙM NGÂY CHÍN

Adebayo IA và cs.

Pharmacogn. Mag. 2018 Apr-Jun;14(54):191-194

Tiền đề: Các báo cáo đã xác nhận lá chùm ngây có khả năng chống oxy hóa điển hình tuy nhiên không có các nghiên cứu theo hướng này trên hạt chùm ngây mặc dù hạt được tiêu thụ nhiều hơn do có vị ngọt.

Mục tiêu: Nghiên cứu này khảo sát về khả năng chống oxy hóa của 4 cao chiết phân cực (cao nước, cao ethanol, cao butanol và cắn nước) từ hạt chín của cây.

Vật liệu và phương pháp: Những hợp chất có trong hạt chùm ngây chín được chiết xuất bằng các dung môi ethanol và nước ở giai đoạn đầu. Cao butanol và cắn nước được phân đoạn tiếp từ cao ethanol. Xác định hàm lượng phenol và flavonoid của các cao chiết phân cực. Khả năng chống oxy hóa của các cao chiết này được xác định bằng các thử nghiệm bắt gốc tự do 2,2'-azino-bis (3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic acid) (ABTS) và 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH). Cuối cùng, các cao chiết được phân tích sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS).

Kết quả: Các cao chiết phân cực có khả năng chống oxy hóa điển hình, dao động từ 29 đến 35,408 μM TEAC/mg mẫu trong thử nghiệm DPPH  và trong khoảng từ 7 đến 29 μM TEAC/mg mẫu trong thử nghiệm ABTS (TEAC: tương đương với khả năng chống oxy hóa của Trolox). Khả năng chống oxy hóa của các cao chiết tương ứng với hàm lượng phenol tổng dao động từ 13,61 đến 20,42 mg acid gallic tương đương/g mẫu và flavonoid toàn phần trong khoảng từ 0,58 đến 9,81 mg quercetin tương đương/g mẫu. Phân tích GC-MS phát hiện các hợp chất phenol có hoạt tính kháng khuẩn như, 4-hydroxybenzaldehyd trong cao nước và 4-hydroxybenzene acetonitrile trong cao ethanol, cao butanol và cắn nước.

Kết luận: Những kết quả cho thấy hạt chùm ngây chín có hoạt tính chống oxy hóa điển hình, có thể là do hàm lượng của hợp chất thuộc nhóm phenol và các hợp chất không thuộc nhóm phenol.

Hà Quang Thanh, Châu Lam Linh

  1.  

ISOTHIOCYANAT TRONG HẠT CHÙM NGÂY LÀM GIẢM ĐỘC TÍNH GÂY BỞI HYDROGEN PEROXID VÀ BẢO VỆ CÁC ĐẶC TÍNH HÌNH THÁI CỦA TẾ BÀO THẦN KINH NGƯỜI

Jaafaru MS và cs.

PLoS One. 2018 May 3;13(5):e0196403

Các gốc oxy hoạt động có liên quan đến tình trạng stress oxy hóa qua việc oxy hóa các marker sinh học quan trọng dẫn đến sự chết tế bào gây bởi apoptosis và các quá trình khác, từ đó gây tổn thương các cơ quan của vật chủ. Những tác động này được cho là liên quan đến những thay đổi bệnh lý được tìm thấy trong một số bệnh thoái hóa thần kinh. Nhiều hợp chất tự nhiên được chứng minh là có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, giúp tế bào chống lại các stress gây độc tế bào từ môi trường, do đó bảo vệ tế bào khỏi apoptosis. Dựa trên quan điểm này đề tài đã nghiên cứu tiềm năng của glucomoringin-isothiocyanate (GMG-ITC) hay moringin phân lập từ hạt chùm ngây để giảm thiểu quá trình dẫn đến thoái hóa thần kinh theo nhiều cách khác nhau. Tác dụng bảo vệ thần kinh của GMG-ITC được thực hiện trên các tế bào ung thư thần kinh hạch phôi bào bị biệt hóa bởi acid retinoic (SHSY5Y, u nguyên bào thần kinh) qua các thực nghiệm khảo sát khả năng sống của tế bào, phân tích dòng chảy tế bào và phương pháp kính hiển vi huỳnh quang bằng phương pháp nhuộm kép acridine orange và propidium iodide, để đánh giá hoạt tính chống apoptosis và khả năng bảo tồn hình thái tế bào của GMG-ITC. Bên cạnh đó, phân tích tính toàn vẹn của bề mặt các sợi thần kinh và các siêu cấu trúc bằng việc sử dụng kính hiển vi điện tử quét và kính hiển vi điện tử truyền suốt để đánh giá đặc tính bên ngoài và bên trong của các tế bào thần kinh được điều trị. Các tế bào thần kinh đã được điều trị trước bằng GMG-ITC cho thấy khả năng kháng lại apoptosis gây bởi H2O2, cho thấy mức độ bảo vệ cao của hợp chất này. GMG-ITC ức chế sự gia tăng stress oxy hóa nội bào gây bởi H2O2. Vì vậy, việc điều trị sớm bằng GMG-ITC giúp bảo vệ một cách đáng kể từ khung tế bào đến tế bào chất, cùng với việc bảo tồn đặc điểm hình thái bên ngoài và sự nguyên vẹn của các tế bào thần kinh. Do đó, các phát hiện được trình bày trong nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của GMG-ITC trong việc bảo vệ tính nguyên vẹn các tế bào thần kinh trước các quá trình gây độc tế bào liên quan đến stress oxy hóa- dấu hiệu đánh giá các bệnh lý suy thoái tế bào thần kinh.

Hà Quang Thanh, Châu Lam Linh

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA CAO CHÙM NGÂY, VITAMIN C VÀ NATRI BICARBONAT LÊN SỰ BIỂU HIỆN PROTEIN HSP70

VÀ CÁC ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH TẾ BÀO GÂY BỞI STRESS NHIỆT Ở THỎ

Abdel-Latif M và cs.

Cell Stress Chaperones, 2018 May 4

Nghiên cứu này nhằm kiểm tra ảnh hưởng của cao chùm ngây, vitamin C và natri bicarbonat (NaHCO3) lên những thay đổi gây bởi stress nhiệt trên thỏ. Năm nhóm thỏ được thiết kế gồm: nhóm chứng sinh lý, nhóm bị stress nhiệt, nhóm stress nhiệt + cao chùm ngây, nhóm stress nhiệt + vitamin C và nhóm stress nhiệt + NaHCO3. Các nhóm stress nhiệt được cho tiếp xúc với nhiệt độ cao và các phác đồ điều trị được cung cấp qua nước uống trong 6 tuần. Nồng độ cortisol trong máu, leptin, IFN-γ, TNF-α và IL-10 được phân tích bằng ELISA, trong khi adrenalin được phân tích theo phương pháp đo nhiệt lượng. Biểu hiện của HSP70, FOXP3, thụ thể tế bào T (TCR) γ, và δ mRNA được kiểm tra bằng cách sử dụng RT-PCR, trong đó sự biểu hiện protein HSP70 được khảo sát bằng kỹ thuật western blot trong mô gan và thận. Sự xâm nhập của các tế bào T điều hòa (Treg; CD25 +) và NK (CD56 +) đã được khảo sát bằng phương pháp hóa mô miễn dịch (IHC). Hàm lượng men gan (ALT & AST), urea và creatinin được xác định theo phương pháp đo nhiệt lượng, trong khi sự tăng trọng lượng cơ thể và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn được tính toán. Kết quả cho thấy nồng độ cortisol, adrenaline, leptin, IFN-γ, TNF-α, ALT, AST, urea và creatinin tăng nhưng IL-10 bị giảm trong nhóm stress nhiệt. Có sự tăng biểu hiện của HSP70 trên cả hai mức độ mRNA và protein đi đôi với sự tăng tế bào NK và γδ T ngược với sự giảm xâm nhập tế bào Treg trong mô gan và thận của nhóm bị stress nhiệt. Trọng lượng cơ thể giảm, trong khi tỷ lệ chuyển hóa thức ăn tăng lên trong nhóm stress nhiệt so với nhóm chứng sinh lý. Tất cả các điều trị được sử dụng trong nghiên cứu này (cao chùm ngây, vitamin C và NaHCO3) đã đảo ngược các thay đổi gây bởi stress nhiệt. Tóm lại, cao chùm ngây, vitamin C và NaHCO3 có thể được bổ sung vào khẩu phần ăn của thỏ để cải thiện các triệu chứng do stress nhiệt gây ra.

Chung Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Thị Hồng Thắm

  1.  

CÂY CHÙM NGÂY CẢI THIỆN CHUYỂN HÓA LIPID TRONG SỰ BIỆT HÓA TẠO MỠ

CỦA TẾ BÀO GỐC NGƯỜI

Barbagallo I và cs.

Eur Rev Med Pharmacol Sci. 2016 Dec;20(24):5223-5232

Mục tiêu: Cây chùm ngây, một thực vật có rất nhiều chức năng, thường được dùng theo kinh ngiệm dân gian với các đặc tính dinh dưỡng và dược phẩm. Cây chùm ngây đã được sử dụng để điều trị một số tình trạng bệnh lý bao gồm viêm, ung thư và rối loạn chuyển hóa.

Vật liệu và phương pháp: Đề tài đã nghiên cứu ảnh hưởng của chùm ngây trên sự biệt hóa tạo mỡ của tế bào gốc trung mô được ly trích từ mô mỡ người và tác động của chùm ngây đối với chuyển hóa lipid và hệ thống chống oxy hóa nội bào.

Kết quả: Việc điều trị bằng chùm ngây trong quá trình biệt hóa tạo mỡ làm giảm viêm, giảm tích tụ lipid và gây sinh nhiệt bằng cách kích hoạt protein không ghép cặp 1 (uncoupling protein 1: UCP1), sirtuin 1 (SIRT1), peroxisome proliferator-activated receptor alpha (PPARα), và coactivator 1 alpha (PGC1α). Ngoài ra, chùm ngây tạo ra heme oxygenase-1 (HO-1), một enzym có tác dụng bảo vệ và chống oxy hóa tốt. Cuối cùng chùm ngây làm giảm đáng kể sự biểu hiện của các phân tử liên quan đến tạo mô mỡ và tăng cường điều hòa biểu hiện của các chất trung gian có liên quan đến sự sinh nhiệt và chuyển hóa lipid.

Kết luận: Kết quả của đề tài cho thấy chùm ngây có thể thúc đẩy việc tái tạo mỡ nâu của mô mỡ trắng gây ra sự sinh nhiệt và cải thiện cân bằng nội môi chuyển hóa lipid.

Chung Thị Mỹ Duyên, Hồ Đức Duy

  1.  

CÂY CHÙM NGÂY LÀ MỘT TÁC NHÂN KHÁNG UNG THƯ CHỐNG LẠI CÁC DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ VÚ

 VÀ UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Al-Asmari AK và cs.

PLoS One, 2015 Aug 19;10(8):e0135814

Nghiên cứu này khảo sát tác dụng kháng ung thư của các cao chiết từ lá, vỏ và hạt của cây chùm ngây. Qua các thử nghiệm kháng các dòng tế bào ung thư MDA-MB-231 và HCT-8, các cao chiết từ lá và vỏ cây chùm ngây có hoạt tính kháng ung thư điển hình, trong khi cao chiết từ hạt hầu như không thể hiện. Sự sống sót của tế bào thấp đáng kể ở cả hai dòng tế bào ung thư trên khi được xử lý bằng các cao chiết từ lá và vỏ cây. Hơn nữa, sự hình thành cụm tế bào cũng như sự di động của tế bào ung thư có sự suy giảm rõ rệt (khoảng 70-90%) khi được xử lý với các cao chiết từ lá và vỏ cây. Ngoài ra, thử nghiệm apoptosis được thực hiện trên các dòng tế bào ung thư vú và đại trực tràng được xử lý với các cao chiết cho thấy có sự gia tăng đáng kể số lượng tế bào chết theo chương trình (apoptotic cell); với sự gia tăng gấp 7 lần ở dòng tế bào MD-MB-231 cho đến sự gia tăng nhiều lần ở các dòng tế bào ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, không có tế bào apoptotic nào được phát hiện khi xử lý với cao chiết từ hạt. Ngoài ra, sự phân bố của chu trình tế bào cho thấy có sự gia tăng G2/M (gấp khoảng 2-3 lần) chứng tỏ rằng các cao chiết này có hiệu quả ngăn chặn sự phát triển của tế bào ở pha G2/M. Phân tích GC-MS của các cao chiết thu được nhiều hợp chất kháng ung thư đã được biết, cụ thể là eugenol, isopropyl isothiocynat, D-allose, và hexadeconoic acid ethyl ester, tất cả các chất này đều có các hydrocarbon chuỗi dài, phân tử đường và một vòng thơm. Điều này cho thấy rằng các đặc tính chống ung thư của chùm ngây có thể là do sự hiện diện các hợp chất có hoạt tính sinh học trong các cao chiết từ loài thực vật này. Đây là một nghiên cứu mới vì chưa có báo cáo nào trích dẫn về hiệu quả của các cao chiết từ chùm ngây như một tác nhân kháng ung thư chống lại ung thư vú và đại trực tràng. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên để đánh giá các đặc tính chống ung thư ác tính của chùm ngây không chỉ ở lá mà còn trong vỏ cây. Những phát hiện này gợi ý rằng các cao chiết từ lá và vỏ của chùm ngây được thu hái từ khu vực Ả Rập Saudi đều có hoạt tính chống ung thư và có thể được sử dụng để phát triển các loại thuốc mới trong điều trị ung thư vú và đại trực tràng.

Trần Mỹ Tiên, Nguyễn Đặng Huỳnh Anh

  1.  

CÂY CHÙM NGÂY: ĐỊNH HƯỚNG CHO HÓA DỰ PHÒNG UNG THƯ

Karim NA và cs.

Asian Pac J Cancer Prev, 2016;17(8):3675-86

Cây chùm ngây (Moringa oleifera Lam, họ Moringaceae), là một loại cây đa niên và được gọi bằng nhiều tên, nhưng được biết đến ở Malaysia là "murungai" hoặc "kelor". Glucomoringin, một glucosinolat từ chùm ngây là chất chuyển hóa thứ cấp chính. Hạt và lá của chùm ngây được báo cáo có hàm lượng các glucosinolat cao nhất. Cây chùm ngây nổi tiếng với nhiều công dụng và lợi ích cho sức khỏe. Cây chùm ngây vừa có tiềm năng dinh dưỡng, dược liệu và hóa dự phòng ung thư. Tác dụng hóa dự phòng ung thư của chùm ngây được dự đoán là do sự hiện diện của glucosinolat có khả năng gây apoptosis trong các nghiên cứu kháng ung thư. Hơn nữa, tác dụng hóa dự phòng ung thư của chùm ngây đã được chứng minh trong các nghiên cứu sử dụng cao chiết lá chùm ngây để ức chế sự phát triển của các dòng tế bào ung thư ở người. Tổng quan này nhấn mạnh những ưu điểm của chùm ngây định hướng cho hóa dự phòng ung thư, trong đó các glucosinolat có thể giúp làm chậm quá trình hình thành ung thư thông qua một số mục tiêu ở cấp độ phân tử. Những tác dụng định hướng của chùm ngây, gồm ức chế kích hoạt chất gây ung thư (carcinogen), cảm ứng giải độc carcinogen, chống viêm, chống tăng sinh tế bào ung thư, cảm ứng apoptosis và ức chế sự hình thành khối u. Cuối cùng cần thiết cho hóa dự phòng ung thư là tác dụng hiệp lực của chùm ngây với các thuốc điều trị ung thư khác và quan trọng là tính an toàn để được tiêu thụ và hoạt động tốt trong cơ thể con người. Mặc dù đã có bằng chứng về triển vọng của chùm ngây trong hóa dự phòng ung thư, các nghiên cứu sâu rộng vẫn cần thực hiện tiếp do tần suất bệnh ung thư ngày càng gia tăng và cần có thêm thông tin về các cơ chế liên quan đến tác dụng của chùm ngây, để định hướng chùm ngây là một nguồn nguyên liệu tốt có khả năng ức chế một số cơ chế chính liên quan đến sự phát triển ung thư.

Trần Mỹ Tiên, Huỳnh Ngọc Bảo Trân

  1.  

ĐÁNH GIÁ IN VITRO HOẠT TÍNH ĐỘC TẾ BÀO CỦA TINH DẦU CHIẾT XUẤT TỪ HẠT CHÙM NGÂY

TRÊN CÁC DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ HELA, HEPG2, MCF-7, CACO-2 VÀ L929

Elsayed EA1 và cs.

Asian Pac J Cancer Prev. 2015;16(11):4671-5

Cây chùm ngây được tiêu thụ rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với các đặc tính dinh dưỡng và dược liệu có giá trị. Gần đây, nghiên cứu chuyên sâu đã được tiến hành trên các cao chiết từ ​​lá chùm ngây để đánh giá tác dụng gây độc tế bào tiềm năng. Tuy nhiên, ngoại trừ các hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa đã được chứng minh thì có ít thông tin về hoạt tính độc tế bào của tinh dầu thu được từ hạt chùm ngây. Do đó, nghiên cứu này được thiết kế để khảo sát hoạt tính độc tế bào tiềm năng của tinh dầu hạt chùm ngây trên các dòng tế bào HeLa, HepG2, MCF-7, CACO-2 và L929. Các dòng tế bào khác nhau được cho tiếp xúc với các nồng độ tinh dầu tăng dần, từ 0,15 đến 1 mg / mL trong 24 giờ, và hoạt tính độc tế bào được đánh giá bằng thử nghiệm MTT. Tất cả các dòng tế bào được xử lý với tinh dầu hạt chùm ngây có sự giảm đáng kể tế bào sống tương quan với sự gia tăng nồng độ tinh dầu. Ngoài ra, việc giảm phụ thuộc vào dòng tế bào cũng như nồng độ tinh dầu cũng được nghiên cứu. Dòng tế bào HeLa bị ảnh hưởng nhiều nhất theo sau là HepG2, MCF-7, L929 và CACO-2, trong đó % độc tính tế bào ghi nhận lần lượt là 76,1; 65,1; 59,5; 57,0 và 49,7%. Ngoài ra, các giá trị IC50 thu được đối với các tế bào MCF-7, HeLa và HepG2 lần lượt là 226,1; 422,8 và 751,9 μg / mL. Kết luận, nghiên cứu đã cung cấp những kết quả sơ bộ cho thấy rằng tinh dầu hạt chùm ngây có hoạt tính độc tế bào mạnh chống lại các dòng tế bào ung thư.

Trần Mỹ Tiên, Huỳnh Ngọc Bảo Trân

  1.  

CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC TỪ LÁ CÂY CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA)

Lawrence Onyango Arot Manuro* và cs.

Natural Product Research, Vol 21, pp.56–68, 2007

    Năm hợp chất flavonol glycosid được nhận dạng là kaempferide 3-O-(2″,3″-diacetylglucoside), kaempferide 3-O-(2″-O-galloylrhamnoside), kaempferide 3-O-(2″-O-galloylrutinoside)-7-O-α-rhamnoside, kaempferol 3-O-[β-glucosyl-(1→2)]-[α-rhamnosyl-(1→6)]-β-glucoside-7-O-α-rhamnoside và kaempferol 3-O-[α-rhamnosyl-(1→2)]-[α-rhamnosyl-(1→4)]-β-glucoside-7-O-α-rhamnoside cùng với acid benzoic 4-O-β-glucosid, acid benzoic 4-O-α-rhamnosyl-(1→2)-β-glucosid và benzaldehyd 4-O-β-glucosid được phân lập từ cao chiết methanol của lá cây chùm ngây (Moringa oleifera). Cũng từ cao chiết này phân lập được các hợp chất đã biết là kaempferol 3-O-α-rhamnosid, kaempferol, acid syringic, acid gallic, rutin và quercetin 3-O-β-glucosid. Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng các phương pháp phổ cũng như so sánh với các tài liệu tham khảo.  

Tạ Thị Thủy

  1.  

PHÂN LẬP CÁC CHẤT TỪ CAO CHIẾT N-BUTANOL  CỦA LÁ CÂY CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA)

Li FH và cs.

Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, 2018; 43(1):114-118

       Mười bảy hợp chất được phân lập từ cao chiết n-butanol của lá chùm ngây (Moringa oleifera), sử dụng cột sắc ký với hạt nhựa macroporous HP-20, Sephadex LH-20 và ODS. Cấu trúc của chúng được xác định là hai carbolin: tangutorid E (1) và tangutorid F(2); ba hợp chất phenolic glycosid: niazirin (3), benzaldehyd 4-O-α-L-rhamnopyranosid (4) và acid 4-O-β- D glucopyranosidebenzoic (5); bốn acid chlorogenic và dẫn xuất: acid 4-caffeoylquinic (6), methyl 4-caffeoylquinat (7), acid caffeoylquinic (8) và methyl affeoylquinat (9); hai nucleosid: uridin (10) và adenosin (11); một flavon: quercetin 3-O-β-D-glucopyranosid (12); năm hợp chất khác: acid phthalimidineacetic (13), 3-pyridinecarboxamid (14), acid 3,4-dihydroxy-benzoic (15), acid 5-hydroxymethyl-2-furancarboxylic (16) và 5-hydroxymethyl-2-furaldehyd (17) cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng dữ liệu phổ 1H, ¹³C-NMR và MS. Trong đó các hợp chất 1-2, 7, 9-10, 1617 lần đầu tiên được phân lập từ  cây chùm ngây (M. oleifera).

Tạ Thị Thủy

  1.  

CHƯƠNG 22 –  CHÙM NGÂY (MORINA OLEIFERA)

V.Kuete

Medicinal Spices and Vegetables from Africa: 485-496, 2017

    Chùm ngây (Moringaceae) thường gọi là Moringa, có nguồn gốc từ Tây Bắc Ấn Độ, được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở châu Phi, chúng được sử dụng rộng rãi để điều trị cho bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp, hoặc HIV/AIDS. Một số hợp chất chính trong tinh dầu như pentacosan, hexacosan, (E)-phytol và 1-[2,3,6-trimethylphenyl]-2-butanon. Một số hợp chất phenolic cũng được báo cáo trong cây. Trong chương này, tác dụng dược lý như chống ung thư, chống đái tháo đường, kháng viêm và kháng khuẩn cùng với thành phần hóa học của cây chùm ngây (Moringa oleifera) đã được đề cập.

Tạ Thị Thủy

  1.  

PHÂN TÍCH HÀM LƯỢNG TỔNG PHENOLIC, TANNIN VÀ FLAVONOID TỪ CAO CHIẾT HẠT CHÙM NGÂY

(MORINGA OLEIFERA)

Sulaiman Mohammed và cs.

Journal of Chemical and Pharmaceutical Research, 2015,7(1):132-135

Chùm ngây (Moringa oleifera) là cây trồng phổ biến trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao do được dùng làm dược phẩm và thực phẩm dinh dưỡng. Hạt chùm ngây (M. oleifera) có chứa các thành phần khác nhau phù hợp cho mục đích điều trị. Mục đích của nghiên cứu này là định lượng một số hợp chất chống oxy hóa quan trọng từ cao chiết hạt Chùm ngây (M. oleifera). Hàm lượng tổng phenolic (TP), tannin (TT) và flavonoid (TF) được xác định bằng phương pháp đo quang. Kết quả cho thấy cao chiết hạt có chứa hàm lượng tổng phenolic là 10,179 ± 2,894 (mg acid gallic tương đương/g chất khô) cao hơn so với hàm lượng tổng flavonoid 2.900 ± 0.0002 (mg quercetin tương đương/g chất khô) và hàm lượng tổng acid tannic 0,890 ± 0,020 (mg acid gallic tương đương /g chất khô). Hàm lượng tổng phenolic trong hạt được coi là chìa khóa để xác định khả năng thu dọn gốc tự do và giảm gốc tự do có oxy (ROS) .

Tạ Thị Thủy

  1.  

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA LÁ CÂY CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA LAM.)

Consolacion Y Ragasa và cs

Der Pharma Chemica, 2015, 7(7): 395-399

Nghiên cứu thành phần hóa học của cao chiết ethanol từ lá cây chùm ngây (Moringa oleifera Lam) thu được lutein (1), β-caroten (2), este của acid béo phytyl (3), polyprenol (4), chất diệp lục a (5), β-sitosterol (6), triacylglycerol (7), acid béo, alcohol béo và hydrocacbon bão hòa. Cấu trúc của chúng được xác định bằng cách so sánh phổ NMR với tài liệu tham khảo.

Tạ Thị Thủy

  1.  

CHIẾT VI SÓNG VÀ PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA LÁ CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA)

Varsha Saxena và cs.

International Journal of Current Research, 2016; 8(3):27432-27433

Cây cỏ với các thành phần có hoạt tính sinh học đã được sử dụng trong một thời gian dài để chữa các bệnh khác nhau. Các thành phần hóa học như các flavonoid, phenolic, alcaloid, tannin ... được cho là có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch của bất kỳ cá thể nào. Chùm ngây (Moringa oleifera) một trong những nguồn giàu hoạt chất nhất được sử dụng rộng rãi ở miền nam Ấn Độ. Nghiên cứu này dựa trên phương pháp chiết suất có sự hỗ trợ của vi sóng sử dụng hai dung môi khác nhau là methanol và chloroform. Lá khô chùm ngây được ngâm trong methanol và chloroform và cho tiếp xúc với bức xạ vi sóng (800W). Dịch chiết đươc lọc và làm khô bằng máy cất quay. Cao chiết thô được phân tích thành phần hóa học. Chiết xuất có hỗ trợ vi sóng lá chùm ngây trong methanol cho thấy sự có mặt của các protein, flavonoid, glycosid nhiều hơn so với dịch chiết chloroform. Cao chiết methanol giàu hoạt chất có thể do bản chất phân cực của methanol làm phân cắt liên kết, giúp giải phóng các hoạt chất.

Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

ĐẶC TÍNH SINH HỌC CỦA CÁC PHÂN ĐOẠN PEPTID CÓ HOẠT TÍNH  PHÂN LẬP TỪ PROTEIN

 CỦA HẠT CHÙM NGÂY 

González và cs

J Food Sci Technol. 2017 Dec;54(13):4268-4276

Chùm ngây (Moringaceae) là một loài có tầm quan trọng lớn bởi giá trị dinh dưỡng cao dẫn đến lượng tiêu thụ tăng cao. Hạt chứa tỷ lệ protein cao (37,48%). Tuy nhiên, hoạt tính sinh học của protein và peptid ít được biết đến đặc biệt là những chất được tạo ra khi thủy phân enzym. Mục tiêu của nghiên cứu này để đánh giá các chức năng sinh học của hỗn hợp tổng sau thủy phân (TH) và các phân đoạn peptid tách ra từ protein của hạt chùm ngây. Các protein được tách tại điểm đẳng điện và TH thu được bằng cách thủy phân với trypsin, chymotrysin và pepsin-trypsin trong 2,5 và 5 giờ. TH được phân đoạn bằng phương pháp siêu lọc (ultrafiltration-UF) với màng lọc 10 kDa tạo ra các phân đoạn peptid. Trong mọi thử nghiệm thì khả năng chống oxy hóa cao hơn đáng kể ở phân đoạn peptid > 10 kDa với 5 h thủy phân. Kết quả cho thấy phân đoạn > 10 kDa của quá trình thủy phân pepsin-trypsin trong 5 h có hoạt tính tốt hơn thuốc ức chế men chuyển (Angiotensin converting enzyme inhibition ACE-I) với IC 0,224 µg/ml. Ngoài ra, tác dụng điều trị đái tháo đường cũng được tăng cường khi thủy phân pepsin-trypsin trong 5 h với IC là 0,123 µg/ml. Cuối cùng, nghiên cứu này cho thấy thủy phân protein hạt chùm ngây thu được giá trị dinh dưỡng tuyệt hảo khi thử nghiện in vitro.

Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA): TỔNG QUAN VỀ GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG, CHỮA BỆNH VÀ TẦM QUAN TRỌNG TRONG CÔNG NGHIỆP

Ramesh Kumar Saini và cs.

3 Biotech (2016) 6:203-217

Chùm ngây (Moringa oleifera Lam.) còn được goi là cây “drumstick” được công nhận là nguồn cung cấp hoạt chất dồi dào với giá cả phải chăng có tiềm năng trong ứng dụng làm thuốc, điều chế thực phẩm chức năng, làm sạch nước và sản xuất diesel sinh học. Nhiều hoạt tính sinh học bao gồm chống tăng sinh, bảo vệ gan, kháng viêm, giảm đau, chống xơ vữa động mạch, bảo vệ ADN trước tổn thương oxy hóa, chống peroxy hóa, bảo vệ tim mạch, cũng như kinh nghiệm sử dụng dân gian của chùm ngây (MO) là do sự có mặt của các hợp chất có hoạt tính sinh học như acid phenolic, flavonoid, alkaloid, phytosterol, đường tự nhiên, vitamin, khoáng chất và acid hữu cơ. Các protein cationic có khối lượng phân tử thấp (MOCP) chiết từ hạt rất hữu ích và được sử dụng trong quá trình lọc nước bởi tính kháng khuẩn mạnh và làm đông tụ. Do các M. oleifera methyl esters (MOME) được sản xuất từ dầu của hạt đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản tiêu chuẩn dầu biodiesel của Đức, Châu Âu và Mỹ. Nên, MO đang nổi lên là một trong những cây trồng công nghiệp nổi bật để sản xuất biodiesel bền vững ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Với tầm nhìn về giá trị dinh dưỡng cao, và giá trị trong công nghiệp; rất cần thiết để tổng hợp, cập nhật các đánh giá toàn diện về các khía cạnh liên quan với nhiều mục đích sử dụng của cây thần kỳ này. Do đó, nghiên cứu này tập chung vào các giá trị về dinh dưỡng, thuốc và các đặc tính sinh học để khám phá các ứng dụng tiềm năng của MO trong chế biến thực phẩm giàu dinh dưỡng. Hơn nữa, khả năng làm đông tụ nước, các protein, các methyl ester của acid béo từ hạt chùm ngây được xem xét, nghiên cứu có thể ứng dụng vào công nghiệp sản xuất dầu diesel sinh học và làm sạch nước. Ngoài ra, các quan điểm tương lai về vấn đề này cũng được đề cập tới.

Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

CHÙM NGÂY (MORIGA OLEIFERA): TỔNG QUAN VỀ TẦM QUAN TRỌNG DINH DƯỠNG

VÀ ỨNG DỤNG LÀM THUỐC CỦA NÓ

Lakshmipriya  Gopalakrishnan và cs.

Food  Science  and  Human  Wellness  5  (2016): 49–56

Chùm ngây (Moringa  oleifera) có nguồn gốc từ Ấn Độ, phát triển ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Nó thường được gọi là cây “drumstick” hay cây “horseradish”. Cây chùm ngây có thể chịu được cả hạn hán khắc nhiệt và điều kiện sương giá nhẹ; do đó được trồng rộng rãi trên toàn thế giới. Với các giá trị dinh dưỡng cao, các bộ phận dùng của cây đều phù hợp với mục đích dinh dưỡng hoặc thương mại. Lá rất giàu các dưỡng chất, vitamin, và các hoạt chất thiết yếu khác. Chiết xuất từ lá được sử dụng trong điều trị suy dinh dưỡng, tăng cường sữa mẹ ở các bà mẹ đang cho con bú. Nó có tiềm năng để sử dụng như tác nhân chống oxy hóa, chống ung thư, kháng viêm, trị đái tháo đường và kháng khuẩn. Hạt chùm ngây, một chất làm đông tụ tự nhiên được sử dụng rộng rãi trong xử lý nước. Nỗ lực khoa học của nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về việc sử dụng chùm ngây như một phương thuốc chữa bệnh đái tháo đường, ung thư và củng cố giá trị chùm ngây trong các sản phẩm thương mại. Tổng quan này nghiên cứu việc sử dụng chùm ngây trên các ngành cho các giá trị về dược phẩm và cung cấp các đặc tính dược lý, dinh dưỡng, thương mại nổi bật của cây thần kỳ này

Nguyễn Thị Thu Trang, Đặng Minh Tú

  1.  

PHÂN TÍCH ĐỊNH TÍNH THÀNH PHẦN HÓA HỌC LÁ

CHÙM NGÂY Ở BA VÙNG KHÍ HẬU CỦA NIGERIA

Adamu Aliyu và cs.

Journal of Chemical and Pharmaceutical Research, 2016, 8(8):93-101

Chùm ngây (Moringa oleifera Lam., Moringaceae)) là một trong những cây có nhiều tác dụng được trồng khắp nơi trên thế giới, phổ biến ở Nigeria bởi giá trị dinh dưỡng và giá trị làm thuốc; hầu như tất cả các phần của cây có thể được sử dụng làm thực phẩm, thuốc hoặc với mục đích công nghiệp. Chùm ngây được dùng để điều trị các bệnh khác nhau trong hệ thống y học bản địa. Các giá trị dinh dưỡng và làm thuốc là do sự hiện diện hoặc vắng mặt của một số một số chất chuyển hóa sơ cấp và thứ cấp được tổng hợp trong cây. Điều kiện khí hậu, thành phần đất và các yếu tố khác được báo cáo là có ảnh hưởng đến sự tổng hợp các chất chuyển hóa này. Do đó, hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất của cây có thể thay đổi từ nơi này đến nơi khác. Một số báo cáo về phân tích định tính thành phần hoạt chất lá chùm ngây ở các vùng khí hậu khác nhau ở Nigeria được đánh giá, đối chiếu. Các dữ liệu cho thấy sự hiện diện của các alkaloid, flavonoid, saponin, steroid, tannin và phenolic trong lá chùm ngây từ các vùng khí hậu. Tuy nhiên, một số hoạt chất có mặt trong lá chùm ngây ở một vùng lại vắng mặt hoặc không phát hiện từ một khu vực khác và điều này có thể do ảnh hưởng của khí hậu và dung môi dùng để chiết xuất.

Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

ĐÁNH GIÁ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA LÁ CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA (LAM.)) THU HÁI TỪ VÙNG PUDUCHERRY, NAM ẤN ĐỘ

G. Shanmugavel và cs.

International Journal of Zoology and Applied Biosciences 2018, 1 (3): 1-8

Chùm ngây (Moringa oleifera Lam.) là cây có giá trị dinh dưỡng cao, đã được sử dụng trong y học dân gian để điều trị một số bệnh và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát thành phần hóa học của chiết xuất lá chùm ngây bằng phương pháp sinh hóa và quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR). Sàng lọc định tính thành phần hóa học chỉ ra sự có mặt của các alkaloid, triterpenoid, flavonoid, tannin, saponin, glycosid, carbohydrat trong dịch chiết lá. Phân tích định lượng dịch chiết nước lá chùm ngây cho thấy hàm lượng cao của vitamin C và các hoạt chất như polyphenol, flavonoid với tác dụng chống oxy hóa mạnh. Dữ liệu quang phổ hồng ngoại xuất hiện các liên kết O-H, N-H, C=O, N-O, C-N, C-H, và C-Br là các dấu hiệu để nhận ra các hợp chất không vòng, cũng như các vòng thơm. Cao chiết methanol lá chùm ngây, cho thấy sự có mặt của các nhóm chức đặc trưng như alcohol, hydroxyl, alkan, aldehyd, nhóm alken, hợp chất nitro, amin vòng, amin béo, các alkyl halide .... Sự có mặt của các hoạt chất dẫn đến các giá trị dinh dưỡng và khả năng làm thuốc của lá chùm ngây. 

Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

LÀM SÁNG TỎ CẤU TRÚC VÀ TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA CỦA MỘT ARABINOGALACTAN TỪ LÁ CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA)

He TB và cs.

Int J Biol Macromol, 2018; 112:126-133

Một arabinogalactan mới (MOP-1) được phân lập từ lá chùm ngây và tinh chế bằng nhựa macro-porous, sắc ký lọc gel DEAE-52 cellulose và Sepharose 6B. Phân tích trên sắc ký thẩm thấu gel hiệu năng cao (HPGPC) cho thấy trọng lượng phân tử của MOP-1 là 7,65 x 10 Da. Phân tích thành phần monosaccharid chỉ ra thành phần đường là Rha:Ara:Gal theo tỷ lệ mol là 1:7,32:12,12. Phân tích cấu trúc chỉ ra MOP-1 có bộ khung là →1)-β-d-Galp-(3,4→ với các chuỗi phân nhánh cao ở vị trí O-4. Các nhánh này bao gồm →1)-β-d-Galp-(4→, →1)-α-d-Galp-(2→, Araf-(1→, Galp-(1→. Tác dụng chống oxy hóa của nó được đánh giá bởi khả năng dọn dẹp gốc DPPH, khả năng dọn dẹp gốc cation 2,2'-Azinobis-(3-ethylbenzthiazoline-6-sulphonat) (ABTS) và năng lực khử ion sắt III (FRAP). Kết quả chỉ ra MOP-1 có tác dụng chống oxy hóa đáng kể

Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

KẾT HỢP MORIGIN VÀ AVENANTHRAMIDE 2F ỨC CHẾ SỰ TĂNG SINH CỦA TẾ BÀO UNG THƯ GAN HEP3B

 THÔNG QUA CON ĐƯỜNG CHẾT THEO CHU TRÌNH NGOẠI SINH VÀ NỘI SINH

Antonini E và cs.

Nutr Cancer, 2018 Sep 11:1-7

Moringin (MOR), một glycosyl-isothiocyanat thu được bằng cách thủy phân tiền chất  4-(α-l-rhamnosyloxy)-benzyl glucosinolat (glucomoringin) xúc tác nhờ enzym  myrosinase, được tìm thấy chủ yếu trong hạt của cây chùm ngây (Moringa oleifera), đã cho thấy tác dụng chống ung thư trên một số dòng tế bào ung thư. Avenanthramide (AVN) 2f là một hợp chất tự nhiên được tinh chế từ yến mạch có khả năng chống oxi hóa và chống ung thư. Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát tác dụng chống tăng sinh và thúc đẩy chết theo chu trình của MOR và AVN 2f khi được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với nhau trên tế bào ung thư Hep3B, một dòng tế bào đã kháng với các thuốc ung thư thông thường. Chúng tôi phát hiện ra rằng MOR kết hợp với AVN 2f ức chế đáng kể tốc độ tăng sinh của tế bào Hep3B bằng cách tăng cường hoạt tính của caspase 2, 8, 9 và 3. Chết theo chu trình ngoại sinh gây ra nhờ hoạt hóa caspase 8 qua trung gian AVN 2f, trong khi con đường chết theo chu trình nội sinh được gây ra bởi MOR bằng cách gia tăng nồng độ các gốc tự do oxi nội bào, hoạt hóa caspase 2 và 9 và điều hòa ngược gen BIRC 5. Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng sự kết hợp của MOR và AVN 2f có thể hiệu quả trong việc chống lại sự phát triển của ung thư gan.

Trần Thị Hồng Vân

  1.  

CAO CHIẾT HẠT CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA) LÀM GIẢM NHẸ SỰ SUY GIẢM KHẢ NĂNG HỌC HỎI

VÀ GHI NHỚ GÂY BỞI SCOPOLAMIN TRÊN CHUỘT NHẮT

Zhou J và cs.

Front Pharmacol, 2018 Apr 24;9:389

Cao chiết hạt chùm ngây (Moringa oleifera) đã được chứng minh có nhiều tính chất dược lý khác nhau. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá tác dụng dược lý thần kinh của cao chiết cồn 70% của hạt cây chùm ngây (MSE) trên sự suy giảm nhận thức khi tiêm scopolamin ở chuột thông qua các thử nghiệm né tránh thụ động và mê lộ nước Morris (MWM). Chuột được cho uống MSE (liều 250 hoặc 500 mg/kg) trong 7 hoặc 14 ngày, và gây suy giảm nhận thức cho chuột bằng cách tiêm màng bụng scopolamin (4 mg/kg) trong ngày thứ 1 hoặc ngày thứ 6. Những con chuột chỉ được tiêm scopolamin biểu hiện sự suy giảm khả năng học tập và ghi nhớ; và hoạt động của hệ thống cholinergic cũng như sự phát sinh thần kinh trong hồi hải mã giảm đáng kể. Việc sử dụng MSE cải thiện đáng kể sự suy giảm nhận thức gây ra bởi scopolamin và tăng cường hoạt động của hệ thống cholinergic và sự phát sinh thần kinh trong hồi hải mã. Thêm vào  đó, sự biểu hiện protein của Akt, ERK1/2 phosphoryl hóa và CREB trong hồi hải mã bị giảm đáng kể bởi scopolamin nhưng đã được đảo ngược khi điều trị MSE. Những kết quả này cho thấy rằng sự cải thiện nhận thức gây ra bởi MSE có liên quan đến việc tăng cường hệ thống dẫn truyền thần kinh cholinergic và phát sinh thần kinh thông qua hoạt hóa Akt, ERK1/2 và con đường truyền tin CREB. Những phát hiện này gợi ý rằng MSE có thể là một loại thuốc thần kinh tiềm năng trong điều trị chứng mất trí nhớ, và cơ chế của nó có thể là điều hòa hoạt động cholinergic thông qua Akt, ERK1/2 và con đường truyền tin CREB.

Trần Thị Hồng Vân, Nguyễn Thị Hồng Thắm

  1.  

ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA  CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA) TỚI THÀNH PHẦN VI KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT VÀ VIÊM RUỘT KẾT HỢP BÉO PHÌ TRONG CHẾ ĐỘ ĂN GIÀU CHẤT BÉO

Elabd EMY và cs.

Open Access Maced J Med Sci, 2018 Aug 19;6(8):1359-1364

Mục đích: Thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột được coi là một trong những yếu tố chính liên quan đến béo phì và rối loạn chuyển hoá. Tới nay, ít có thông tin về sự can thiệp dinh dưỡng của chùm ngây (Moringa oleifera) trong điều hoà sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột kết hợp béo phì. Do đó chúng tôi tiến hành làm sáng tỏ vai trò của cao chiết nước lá chùm ngây đối với vi khuẩn LactobacilliBifidobacteria trong bệnh béo phì do chế độ ăn giàu chất béo đồng thời đánh giá có hay không sự phục hồi số lượng vi khuẩn LactobacilliBifidobacteria có thể điều hoà quá trình viêm gây bởi béo phì.

Thí nghiệm: Chuột nhắt trắng Swiss non được chia đều vào 3 lô với các chế độ ăn khác nhau. Lô chứng sinh lý ăn chế độ ăn bình thường, lô chứng bệnh lý được ăn chế độ ăn giàu chất béo, lô điều trị  sử dụng chế độ ăn giàu chất béo và điều trị cao chiết lá chùm ngây. ADN vi khuẩn được tách từ đường tiêu hóa chuột các lô để xác định lượng vi khuẩn bằng qPCR kết hợp xác định hàm lượng interleukin-6 và thông số lipid trong huyết thanh.

Kết quả: So với lô sinh lý, lô chuột được ăn chế độ giàu chất béo đã giảm đáng kể số lượng vi khuẩn Bifidobacteria trong ruột và tăng trọng lượng cơ thể, interleukin-6 và vi khuẩn Lactobacilli. Với lô được điều trị cao chiết chùm ngây, khối lượng cơ thể, interleukin-6, và số lượng vi khuẩn Lactobacilli Bifidobacteria đường ruột đều trở về mức bình thường.

Kết luận: Các kết quả thu được cho thấy cao chiết nước lá chùm ngây có thể tham gia vào điều hoà sinh lý bệnh của việc tăng cân, viêm gây bởi chế độ ăn giàu chất béo thông qua điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột.

Trần Nguyên Hồng

  1.  

TÁC DỤNG CỦA CAO CHIẾT LÁ CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA) LÊN NHỮNG THAY ĐỔI CHUYỂN HOÁ 

GÂY BỞI NỒNG ĐỘ GLUCOSE CAO TRÊN TẾ BÀO HEPG2

Sosa-Gutiérrez JA và cs.

Biology (Basel), 2018 Jun 26;7(3)

Suy giảm chức năng ty thể là dấu hiệu đặc trưng của bệnh đái tháo đường, tuy nhiên những thay đổi trong chuyển hoá ở giai đoạn sớm của bệnh chưa được sáng tỏ. Khả năng tái sắp xếp quá trình chuyển hoá của tế bào gan đóng vai trò quan trọng trong việc bù lại sự thiếu  năng lượng và cung cấp cho hoạt động sống của tế bào. Lá cây chùm ngây đã được nghiên cứu các đặc tính có lợi cho sức khỏe như chống bệnh đái tháo đường, cải thiện sự đề kháng insulin, bệnh lý gan (không do cồn). Chúng tôi cho rằng chùm ngây (M. oleifera) có vai trò bảo vệ chức năng của ty thể ở tế bào HepG2 xử lý bằng nồng độ cao glucose. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá ảnh hưởng của nồng độ glucose cao tới chức năng của ty thể tế bào HepG2 bằng hệ thống máy phân tích Seahorse (Agilent, Santa Clara, CA, USA), điện di trên gel polyacriamid xanh (BN-PAGE) và phân tích western blot. Để đánh giá sự bất thường của ty thể, chúng tôi tiến hành đánh giá hoạt độ của phức hợp ty thể I và IV cũng như protein không bắt cặp 2 và hàm lượng protein sirtuin 3. Kết quả cho thấy, trong điều kiện mô phỏng tăng đường huyết, hoạt tính phức hợp 1, UCP2, hàm lượng tiểu đơn vị phức hợp III và IV, sự hình thành siêu phức hợp và hàm lượng acetyl hoá bị biến đổi so với điều kiện bình thường. Tuy nhiên, mức tiêu thụ oxy cơ bản không bị ảnh hưởng và sự sản sinh các gốc oxy hoạt động ở ty thể không bị thay đổi. Khi điều trị với cao chiết chùm ngây, tế bào HepG2 tăng cả hàm lượng protein và hoạt tính của phức hợp ty thể. Tuy nhiên, nhóm tế bào đối chứng; tỷ lệ kiểm soát hô hấp (RCR) là 4,37 so với các tế bào xử lý với nồng độ cao glucose có RCR là 15,3 và nhóm kết hợp giữa xử lý với glucose nồng độ cao và điều trị với cao chiết chùm ngây có RCR là 5,2; điều này cho thấy chất lượng ty thể và hiệu quả phosphoryl  oxy hoá gắn liền với nhau. Ngoài ra, trạng thái tế bào không thay đổi giữa các điều trị khác nhau gợi ý rằng không có sự thay đổi trong chuỗi hô hấp tế bào. Kết quả khẳng định tác động của cao chiết chùm ngây trong kháng bệnh đái tháo đường, và một phần cơ chế tác động là tham gia điều hoà chuỗi hô hấp ở ty thể.

Trần Nguyên Hồng

  1.  

VICENIN-2 ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU WNT/Β-CATENIN VÀ GÂY RA SỰ CHẾT THEO CHU TRÌNH

 DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ ĐẠI TRÀNG NGƯỜI HT-29

Yang D và cs.

Drug Des Devel Ther, 2018 May 18;12:1303-1310

Tổng quan: Ung thư đại trực tràng (CRC) là một trong những ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Vì nhiều lý do, người bệnh thích sử dụng các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên hơn là các chất tổng hợp để điều trị ung thư. Vicenin-2 là một apigenin có cấu trúc 6,8-di-C-glucosid, có hàm lượng lớn trong cây hương nhu tía (Ocimum sanctum), được công bố có nhiều tác dụng dược lý như chống oxy hoá, bảo vệ gan, kháng viêm và chống ung thư. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng chống tăng sinh của Vicenin-2 trên dòng tế bào ung thư đại tràng người thông qua ức chế con đường tín hiệu Wnt/β-catenin.

Phương pháp: Sử dụng thử nghiệm MTT để đánh giá sự khả năng sống sót của tế bào ở những nồng độ khác nhau tại từng thời điểm. Vicenin-2 ở nồng độ 50 µM (IC50) đã làm giảm quá trình phosphoryl hoá (bất hoạt) glycogen synthase kinase-3β, cyclin D1 và biểu hiện non-p-β-catenin ở tế bào HT-29, xác định bằng kỹ thuật Western blot.

Kết quả: Vincenin-2 giảm hoạt tính của yếu tố tế bàoT (TCF)/yếu tố bạch cầu (LEF) ở tế bào HT-29. Vicenin-2 cũng làm tăng sự dừng chu trình tế bào tại pha G2M của tế bào HT-29 cũng như gây ra quá trình chết theo chu trình của tế bào HT-29, được làm sáng tỏ thông qua hệ thống đo dòng chảy tế bào. Ngoài ra, phân tích miễn dịch protein cho thấy Vicenin-2 cũng tăng cường biểu hiện Cytochrome C, Bax, Caspase-3 trong khi lại ức chế biểu hiện Bcl-2.

Kết luận: Những kết quả này cho thấy Vicenin-2 là chất tiềm năng ức chế tăng sinh tế bào HT-29 và có thể được sử dụng như là tác nhân chống thư đại tràng.

Trần Nguyên Hồng

  1.  

CAO CHIẾT RỄ CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA) BẢO VỆ TẾ BÀO SỪNG CỦA DA CHỐNG LẠI TỔN THƯƠNG STRESS OXY HÓA BẰNG CÁCH TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG CHỐNG OXY HÓA VÀ HOẠT HÓA PPARα

 Zhou Y1 và cs.

Biomed Pharmacother, 2018 Aug 2;107:44-53

Stress oxy hóa do bức xạ UVB là một nguyên nhân quan trọng gây tổn thương da. Chùm ngây (Moringa oleifera) được biết đến với tên gọi khác là cây cải ngựa hay cây dùi trống, có nhiều tác dụng về dinh dưỡng và dược lý. Tuy nhiên, chùm ngây có khả năng bảo vệ da chống lại tổn thương stress oxy hóa hay không vẫn còn chưa sáng tỏ. Để nghiên cứu ảnh hưởng của cao chiết cồn thân chùm ngây (MSE) trên tổn thương da do stress oxy hóa và cơ chế phân tử của nó, trước tiên chúng tôi xác định ảnh hưởng của MSE đối với tổn thương stress oxy hóa biểu bì gây  bởi H2O2 trên tế bào sừng (tế bào HaCaT) và bởi bức xạ UVB trên chuột nhắt trắng. Sau đó chúng tôi nghiên cứu ảnh hưởng của MSE lên việc tăng cường hệ thống chống oxy hóa và hoạt hóa PPARα trên in vitro và in vivo. Ngoài ra, thành phần các flavonoid trong MSE được phân tích bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), và sau đó nghiên cứu bằng computer sự gắn kết phân tử (docking) để tìm ra thành phần chính trong MSE hoạt hóa PPARα. Kết quả chỉ ra rằng MSE (100-400 μg/ml) đã bảo vệ tế bào biểu mô chống lại tổn thương oxy hóa in vitro và khi điều trị tại chỗ bằng kem MSE (6%) đã ức chế tổn thương oxy hóa do UVB gây ra ở lớp biểu bì da chuột nhắt trắng. Sự hoạt hóa PPARα có liên quan đến tác dụng bảo vệ của MSE. Kỹ thuật HPLC và nghiên cứu gắn kết phân tử chỉ ra rằng rutin có thể là thành phần chính trong MSE có vai trò hoạt hóa PPARα. Những kết quả này khẳng định rằng MSE có tác dụng bảo vệ đối với những tổn thương tế bào sừng do stress oxy hóa gây ra.. Ngoài ra, tác dụng bảo vệ của MSE được trung gian bởi sự tăng cường hệ thống bảo vệ chống oxy hóa và sự hoạt hóa PPARα tế bào sừng da.

Phí Thị Xuyến

  1.  

NGHIÊN CỨU SƠ BỘ ẢNH HƯỞNG CỦA BỘT LÁ CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA) TRÊN HỘI CHỨNG

 CHUYỂN HÓA Ở CHUỘT CỐNG ĐỰC WISTAR

López M và cs.

Journal of International Medical Research: 2018 Aug;46(8):3327-3336

Mục tiêu: Đánh giá tác dụng dự phòng của chùm ngây (Moringa oleifera) trên hội chứng chuyển hóa (MS) ở chuột cống đực Wistar.

Phương pháp: Gây hội chứng chuyển hóa bằng cách cho chuột ăn chế độ giàu chất béo và nước uống có chứa 10% fructose trong 6 tuần. Lô dự phòng được cho uống chùm ngây trong 3 tuần trước khi gây MS, trong khi lô điều trị được cho uống chùm ngây sau 3 tuần gây MS. Các lô điều trị được so sánh với lô đối chứng có gây MS mà không được điều trị. Các chỉ số glucose lúc đói, khả năng dung nạp glucose đường uống, dung nạp insulin, cholesterol toàn phần, triglycerid, chu vi bụng, huyết áp tâm thu và tâm trương được đo trước và sau khi gây MS có hoặc không được điều trị với chùm ngây.

Kết quả: Sau khi gây MS, lô chứng có mức đường huyết lúc đói cao hơn lô dự phòng. Không có sự khác biệt đáng kể trong dung nạp insulin, dung nạp glucose đường uống, cholesterol, triglycerid, chu vi bụng hay huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương. So với lô không được điều trị, chuột trong lô điều trị đã cải thiện đáng kể khả năng dung nạp glucose, triglycerid và chu vi bụng.

Kết luận: Điều trị bằng chùm ngây làm giảm hội chứng chuyển hóa MS ở chuột cống đực Wistar.

Phí Thị Xuyến

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA TRÀ THẢO DƯỢC LÁ VÀ TRÀ THÂN CHÙM NGÂY

(MORINGA OLEIFERA L.) ĐẶC BIỆT LÀ VỚI HỆ THỐNG GỐC ANION SUPEROXID

Sugahara S và cs.

Biosci Biotechnol Biochem, 2018 Jul 11:1-12

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tác dụng chống oxy hóa độc đáo của sản phẩm chùm ngây Nhật Bản, trà thảo dược lá và thân, sử dụng các thử nghiệm gốc tự do đã được thiết lập, dựa trên các hệ thống gốc anion superoxide (O2-). Các cao chiết nước nóng trà chùm ngây có hoạt tính thu dọn gốc tự do khác nhau nhưng thấp hơn Trolox trên bốn mô hình gốc tự do tổng hợp. Điều thú vị là các cao chiết này có hoạt tính thu dọn gốc tự do O2- mạnh hơn Trolox trong các thử nghiệm  phenazine methosulfate-NADH-nitroblue tetrazolium và xanthine oxidase. Ủ các cao chiết này vào môi trường nuôi cấy bạch cầu trung tính người đã có tác dụng ức chế sự tạo gốc tự do O2- nội bào mạnh hơn Trolox. Trong 8 hợp chất phenolic đã biết của lá chùm ngây, có thể acid cafeic và acid chlorogenic có hoạt tính thu dọn gốc tự do O2- mạnh hơn Trolox. Những kết quả nghiên cứu này gợi ý rằng trà thảo dược chùm ngây là nguồn chống oxy hóa tự nhiên tốt ngăn ngừa những rối loạn được trung gian bởi gốc O2-.

Nguyễn Thị Phượng

  1.  

TÁC DỤNG CẢI THIỆN CHỨNG SUY GIẢM TRÍ NHỚ GÂY BỞI CUPRIZON CỦA CHÙM NGÂY

TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT CHỐNG TRẮNG BỊ BỆNH ĐA XƠ CỨNG

Omotoso GO và cs.

Anat Cell Biol, 2018 Jun;51(2):119-127

Cuprizon là một chất độc thần kinh với khả năng tạo phức với đồng được sử dụng gây bệnh đa xơ cứng trong mô hình động vật, trong đó stress oxy hóa đã được ghi nhận là một nguyên nhân sinh bệnh học. Chùm ngây (Moringa oleifera) là một thảo dược có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ thần kinh. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá khả năng cải thiện sự thay đổi hành vi  và mô bệnh học ở vùng não trước và vùng dưới đồi gây bởi cuprizon trên chuột cống trắng Wistar. Bốn lô chuột được điều trị bằng nước muối sinh lý, cuprizon, cao chiết chùm ngây và cao chiết chùm ngây cùng cuprizon trong 5 tuần. Chuột cống sau đó được đánh giá trí nhớ dài hạn và ngắn hạn trên mô hình mê lô nước Morris và mê lộ chữ Y. Giết chuột, tách lấy mô não để làm hóa mô và thử nghiệm miễn dịch phân giải enzym catalase, superoxid dismutase và nitric oxid. Cuprizon gây ra sự stress oxy hóa và nitro hóa đồng thời gây suy giảm trí nhớ và thiếu hụt tế bào thần kinh vùng dưới đồi. Tuy nhiên, chùm ngây đã làm đảo ngược các tổn thương bệnh lý thần kinh do cuprizon gây ra.

Nguyễn Thị Phượng

  1.  

VINCENIN-2: CHẤT GÂY CẢM THỤ BỨC XẠ TIỀM NĂNG VỚI TẾ BÀO UNG THƯ PHỔI KHÔNG NHỎ

Baruah TJ và cs.

Mol Biol Rep, 2018 Oct;45(5):1219-1225

Ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC) là dạng chính của ung thư và có khả năng kháng với hóa trị và xạ trị. Vicenin-2 (VCN-2) là một flavonoid chiết xuất từ hương nhu tía (Ocimum sanctum L.) được báo cáo là có đặc tính bảo vệ bức xạ và chống ung thư. Nghiên cứu này được thực hiện để kiểm tra khả năng gây cảm thụ bức xạ của VCN-2 với dòng tế bào NSCLC, NCI-H23. Tế bào NCI-H23 được điều trị với VCN-2 đơn lẻ hoặc được cho phơi nhiễm với tia X sau đó. Sử dụng các thử nghiệm độc tế bào, tăng sinh tế bào, hoạt tính caspase-3, phân mảnh ADN và Western blotting cho Rad50, MMP-2 và p21 để đánh giá tác dụng cảm thụ bức xạ của VCN-2. Dùng thử nghiệm sống sót nguyên bào trên dòng tế bào HEK293T để đánh giá tác dụng phụ của VCN-2 trên dòng tế bào nguyên bào bình thường. Điều trị với VCN-2 đơn lẻ hoặc kết hợp với phóng xạ đã làm giảm sự sống sót của tế bào ung thư, tăng hoạt tính capase-3, tăng phân mảnh ADN, tăng hàm lượng Rad50 và giảm hàm lượng protein MMP-2 và p21 trong khi không gây độc và bảo vệ bức xạ với tế bào nguyên bào. VCN-a cho thấy khả năng gây cảm thụ bức xạ tiềm năng và tác dụng hóa trị liệu chống lại dòng tế bào NSCLC là NCI-H23.

Nguyễn Thị Phượng

  1.  

TIỀM NĂNG KHÁNG KHUẨN CỦA NẤM NỘI SINH TRÊN CÂY CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA)

Arora DSKaur N.

Appl Biochem Biotechnol. 2018 Jul 19. doi: 10.1007/s12010-018-2770-y.

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm phân lập nấm nội sinh trên cây chùm ngây có hoạt tính kháng khuẩn. Trong số các chủng nấm đã phân lập, chủng DSE 17 phân lập từ vỏ cây chùm ngây được sử dụng để nghiên cứu sâu hơn và được xác định là chủng Aspergillus fumigatus. Bằng phương pháp cổ điển được tối ưu hóa cho thấy lượng mẫu được đưa vào nuôi cấy trong 4 đĩa chứa môi trường Czapek dox ở nhiệt độ 25oC và pH 7,0 với thời gian ủ 6 ngày là tốt nhất. Sucrose (1%) là nguồn carbon và muối nitrat (0,2%) là nguồn nitơ được tìm thấy là tốt nhất cho hoạt tính kháng khuẩn. Phương pháp phản ứng bề mặt có hiệu quả để tối ưu hóa các thành phần môi trường được chọn trong thiết kế Plackett-Burman, ví dụ: magnesium sulphat, dikali photphat  và muối natri nitrat, dẫn đến tăng hoạt tính kháng khuẩn gấp 1,7 lần. Chloroform là dung môi tốt nhất để chiết xuất trong số các dung môi đã dùng. Giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của cao chiết chloroform dao động từ 0,05 đến 0,5 mg/ml và nghiên cứu số lượng tế bào sống sót cho thấy tác dụng kháng khuẩn của cao chiết này. Hiệu quả sau kháng sinh của cao chiết chloroform kéo dài từ 2 đến 20 h. Thử nghiệm tính gây đột biến Ames và thử nghiệm MTT cho thấy cao chiết thô không gây độc tế bào cũng như không gây đột biến, chứng tỏ có tính an toàn sinh học tốt. Vì vậy, nghiên cứu cho thấy rằng nấm nội sinh từ cây chùm ngây này có thể là nguồn dược liệu tiềm năng để sản xuất các hợp chất kháng khuẩn phổ rộng.

Phạm Thị Nguyệt Hằng

  1.  

HOẠT TÍNH ỨC CHẾ ENZYM CHOLINESTERASE

 VÀ CHỐNG OXY HÓA IN VITRO CỦA CAO CHIẾT CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA )

Nwidu LL và cs.

Medicines (Basel). 2018 Jul 5;5(3). pii: E71.

Nghiên cứu này đã đánh giá tác dụng ức chế enzyme cholinesterase và chống oxi hóa của cao chiết chùm ngây thu hái tại 2 địa điểm Niger Delta. Cao chiết methanol, cao chiết nước và cao chiết ethanol  đã được đánh giá tác dụng ức chế chế hoạt tính enzyme cholinesterase (AChE) và chống oxy hóa; hàm lượng phenolic và flavonoid tổng số được sử dụng theo quy trình chuẩn. Cao chiết methanol, cao chiết nước và cao chiết ethanol  chùm ngây có tác dụng ức chế AChE đáng kể và phụ thuộc nồng độ. Đối với các cao chiết tốt nhất, phần trăm ức chế/  giá trị IC50 (µg/ml) của cao chiết methanol từ rễ (MORME): ~80%/0,00845; cao chiết ethanol từ rễ 1 (MOREE1): ~90%/0,0563; cao chiết ethanol từ rễ 2 (MOREE2): ~70%/0,00175; và cao chiết ethanol từ vỏ (MOBEE): ~70%/0,0173. Thứ tự giảm dần tiềm năng ức chế AChE của các bộ phận cây là: rễ > vỏ > lá > hoa > hạt. Tất cả các cao chiết methanol ở nồng độ 1000 µg/ml đều có tác dụng dọn gốc tự do DPPH đáng kể (p < 0,05⁻0.001), với giá trị khoảng 20⁻50% so với acid ascorbic. Hàm lượng phenolic và flavonoid tổng số (TPC/TFC) của MORME, cao chiết methanol từ vỏ (MOBME), MOREE1, MOREE2 và cao chiết cồn từ lá (MLEE) là (287/254), (212/113), (223/185), (203/343) và (201/102) mg lần lượt tương đương với acid gallic/g và tương đương với quercetin/g. Có sự tương quan tỷ lệ nghịch giữa sự ức chế AChE của cao chiết với hàm lượng phenolic (p < 0.0001) và flavonoid tổng (p <0,0012). Tóm lại, nghiên cứu này đã chứng minh 5 trong số 19 cao chiết từ chùm ngây có tiềm năng kháng cholinesterase và chống oxi hóa in vitro.

Phạm Thị Nguyệt Hằng

  1.  

HÌNH THÁI VÀ ĐA DẠNG KIỂU GEN CỦA HAI LOÀI MORINGA OLEIFERAMORINGA PEREGRINA

Anber Hassanein và cs.

Horticulture, Environment, and Biotechnology (2018),

Vol. 59(2): 251-261

Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự đa dạng của hai loài Moringa oleiferaMoringa peregrina ở Ả-Rập-Xê-Út. Bảy kiểu gen trên mỗi loài sử dụng 14 đặc điểm hình thái đặc trưng và đánh giá đa dạng di truyền sử dụng 10 mồi ISSR. Sự nghiên cứu các kiểu gen được phân loại theo từng đặc điểm, và mối tương quan giữa đa dạng hình thái và di truyền đã được kiểm chứng. Các kiểu gen M. oleifera được phân biệt bởi đặc điểm cành dài, mọng với tán lá dày, và diện tích lá kép lông chim lớn hơn so với lá loài M. peregrina. Chiều cao cây và kích thước của lá kép lông chim là các tiêu chí thích hợp nhất để phân biệt các kiểu gen của hai loài này, bởi tất cả các đặc điểm hình thái và đặc điểm phân loại khác đều có sự tương quan. Sự đa dạng đã được tìm thấy giữa hai loài và trong các kiểu gen của mỗi loài. Các chỉ thị phân tử ISSR tỏ ra có hiệu quả trong việc mô tả tính đa dạng di truyền của Moringa, thể hiện qua tính đa hình trung bình trên 14 kiểu gen là đủ lớn (90,8%). Cặp Nucleotide (AC) được lặp lại nhiều lần với các mồi (UBC825, UBC826 và UBC827) và mồi (UBC864) với một bộ 3 Nucleotide là tốt nhất khi tái tạo số lượng đa hình tối đa trên mỗi mồi (8-10) và tỉ lệ đa hình cao nhất trong số các kiểu gen (91–100%). Phân tích chủ yếu cho thấy sự tương tự về mặt phân loại đối với cả dữ liệu hình thái và phân tử, trong đó hai loài này được tách ra thành hai nhóm chính với ba phân nhóm trên mỗi loài. Phân tích kết hợp cho thấy mối tương quan tốt, hệ số xác định lên  đến 0,84, giữa sự đa dạng di truyền và biến đổi về hình thái học. Các mồi UBC826 và UBC827 là các chỉ thị cung cấp thông tin tốt nhất, cho thấy mối tương quan với 12 đặc điểm hình thái. Các kết quả của nghiên cứu này cung cấp các đặc tính hình thái và phân tử có giá trị của hai loài quan trọng nhất thuộc chi Moringa. Phân loại hình thái học hiệu quả dựa trên ba đặc điểm đặc trưng có thể tạo điều kiện cho việc đánh giá sự đa dạng hình thái trong chi Moringa. Đa dạng di truyền có thể được đánh giá đơn giản bằng cách sử dụng hai loại mồi ISSR tốt nhất (UBC826 và UBC827). Sự đa dạng được tìm thấy trong các kiểu gen 2 loài Moringa có thể có tầm quan trọng lớn đối với việc lựa chọn các dòng vô tính với các đặc tính mong muốn.

Nguyễn Văn Hiếu

  1.  

BIẾN ĐỔI HÌNH THÁI GIỮA CÁC QUẦN THỂ CÂY CHÙM NGÂY Ở AI CẬP

Ahmed Abdelrazek Mobarak & cs.

Egyptian Journal of Botany (2017), vol. 57(1): 241-257

Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu sự biến đổi hình thái giữa các quần thể Moringa oleifera ở 8 địa điểm của Ai Cập. Quần thể tại Viện Nghiên cứu Trồng trọt Qanatir có kích thước tối đa (853,8 m3/cây) và đường kính tán (9,9 m/cây), phần thân cây từ mặt đất đến ngang ngực có đường kính lần lượt 76,1 cm và 63,4 cm, trong khi quần thể tại Sheikh Zuweid có kích thước tối thiểu (5,6 m3/cây) và chiều cao 2,0 m. Nhiều chế độ phân nhánh của thân chính đã được quan sát thấy, những cây đã được tiến hành ghép gốc có sự phân nhánh chiếm ưu thế ở hầu hết các vị trí. Lá của quần thể M. oleifera trong Vườn Bách thảo Khoa Giáo dục - Đại học Ain Shams là dài nhất (59,6 cm) và lá của quần thể M. oleifera tại Sheikh Zuweid là ngắn nhất (24,5 cm). Mặt khác, kích thước quả của quần thể M. oleifera tại Viện nghiên cứu trồng trọt Qanatir là dài nhất (50,4 cm). Quả của M. oleifera tại Vườn Bách thảo Khoa Giáo dục - Đại học Ain Shams chứa số lượng hạt nhiều nhất (21,8 hạt giống), trong khi trọng lượng hạt lớn nhất thuộc về quần thể tại Sheikh Zuweid (270,0 mg/hạt). Các biến thể về hình thái của các cơ quan M. oleifera (thân, lá, quả và hạt) có thể không chỉ liên quan đến điều kiện môi trường, đặc biệt là tính chất của đất, mà còn chứa đựng sự khác biệt về di truyền trong các loài. Vì vậy, cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn về sự biến đổi di truyền giữa các quần thể của loài này.

Nguyễn Văn Hiếu

  1.  

ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ BẢO TỒN NHỮNG LOÀI THUỘC CHI MORINGA

Sheikh Muhammad Sarwar

Journal of Biodiversity and Conservation (2017), 1(1):5-5

Đa dạng sinh học là sự đa dạng của các sinh vật sống được xem xét ở cấp độ di truyền, loài và hệ sinh thái hoặc cảnh quan. Nó bao gồm không chỉ thực vật và động vật như chúng ta biết chúng, mà quan trọng là vi sinh vật cũng có. Moringaceae là họ thực vật bao gồm những cây gỗ mềm, lâu năm, phân bố ở các vùng nhiệt đới trên thế giới. Những cây này có nguồn gốc ở vùng Tây và vùng đệm dãy Himalaya, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, châu Á, Châu Phi và Ả Rập, nhưng hiện đã lan sang các vùng khác trên thế giới, bao gồm Philippines, Campuchia, Trung Mỹ, Bắc và Nam Mỹ, và quần đảo Caribê. Tổng cộng có 13 loài thuộc chi Moringa được biết đến, phân bố tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, và trong số này, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm M. arborea, M. borziana, M. longituba, M. rivae, M. ruspolianaM. stenopetala. Chúng ta có hiểu biết hạn chế về sự đa dạng di truyền có sẵn trong các loài Moringa nói chung và M. oleifera nói riêng. Tuy nhiên, sự thay đổi đáng kể về các đặc điểm di truyền định lượng đã được ghi nhận trong các quần thể tự nhiên của Moringa ở Ấn Độ. Hơn nữa, một số nghiên cứu đã được tiến hành bằng cách sử dụng các chỉ thị ADN để xác định và đánh giá sự đa dạng giữa các kiểu gen khác nhau của M. oleifera. Muluviet và cộng sự, Ulloa sử dụng đa hình độ dài khuyếch đại đoạn (AFLPs) để điều tra quần thể M. oliefera phân bố ở Kenya, cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các vùng và quần thể. Moringa oleifera Lam. (còn được gọi là horseradish, dùi trống, hoặc cây dầu) là loài thuộc chi Moringa được trồng rộng rãi nhất, Moringaceae bao gồm những cây gỗ mềm lâu năm, mọc nhanh, nó có lịch sử lâu đời về y học cổ truyền và được sử dụng trong công nghiệp, có nguồn gốc từ các vùng đất nhỏ Himalaya của Tây Bắc Ấn Độ. M.oleifera (còn có tên đồng nghĩa M. pterygosperma Gaertn.) đang trở thành cây trồng quan trọng ở Ấn Độ, Philippines và Sudan. Nó đang được trồng ở Tây, Đông và Nam Phi, nhiệt đới châu Á, châu Mỹ Latinh, vùng Caribê, và ở các đảo Thái Bình Dương. M. stenopetala là cây trồng quan trọng ở Kenya và Ethiopia. Moringa peregrine được người Ai Cập cổ đại sử dụng dầu từ hạt. Tất cả các loài khác thuộc chi này đều được chú ý chủ yếu dựa trên đặc tính dược lý của chúng, tuy nhiên một số loài có nguy cơ tuyệt chủng, và ít nhất một loài (M. hildebrandtii) đã tuyệt chủng, trong khi các loài Moringa arborea, M. borziana, M. longituba, M. rivae, M. ruspoliana, và M. stenopetala đang bị đe dọa. M. peregrina là một loài hiếm, tỷ lệ tái sinh thấp, M. arborea được đưa vào Danh lục đỏ IUCN - các loài bị đe dọa và M. hildebrandtii năm 2006 đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Trong số các loài thuộc chi Moringa chỉ có M. oleifera đã được nghiên cứu và phát triển đồng bộ. Phần còn lại vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Các loài Moringa với phân bố của chúng là: M. drouhardii (Madagascar), M. concanensis (chủ yếu là Ấn Độ), M. arborea (đông bắc Kenya), M. hildebrandtii (Madagascar), M. oleifera (Ấn Độ), M. borziana (Kenya và Somalia), M. ovalifolia (Namibia và cực tây nam Angola), M. peregrina (Châu Phi, Ả Rập), M. longituba (Kenya, Ethiopia, Somalia), M. stenopetala (Kenya và Ethiopia), M. pygmaea (miền bắc Somalia), M. rivae (Kenya và Ethiopia), M. ruspoliana (Kenya).

Do đó, việc bảo tồn các loài Moringa mang tính cấp bách. M. oleifera có tiềm năng lớn đối với nông nghiệp nhất là ở các vùng bán khô hạn. Mặc dù ít được nghiên cứu hơn, tất cả các loài Moringa hiện nay trong tự nhiên đều được sử dụng trong y học cổ truyền. Đây là những đối tượng dễ bị đe dọa, gây nguy cơ suy giảm đa dạng các loài Moringa.

Nguyễn Văn Hiếu

  1.  

ĐẶC TÍNH CỦA CÁC KIỂU GEN MORINGA (MORINGA OLEIFERA LAM.) ĐỐI VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG, ĐẶC ĐIỂM QUẢ VÀ HẠT VÀ DẦU TỪ HẠT SỬ DỤNG CHỈ THỊ HÌNH THÁI VÀ PHÂN TỬ

S. Natarajan và cs.

International journal of Plant Research (2015), 28(2):64

Moringa (Moringa oleifera Lam.), thường được gọi là dùi trống, được biết đến với nhiều giá trị dinh dưỡng. Dầu Moringa có hàm lượng acid oleic cao và có thể dùng làm thực phẩm, nó còn được sử dụng như một chất bôi trơn trong ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ và ngành công nghiệp mỹ phẩm. Mục tiêu của nghiên cứu này là ghi nhận sự đa dạng di truyền của 34 kiểu gen loài Moringa oleifera được tìm thấy ở các vùng khác nhau của bang Tamil Nadu ở Ấn Độ sử dụng các chỉ thị hình thái và phân tử. Trong số 20 chỉ thị SSR được sử dụng trong nghiên cứu này, 14 chỉ thị cung cấp khuyếch đại tốt, và được sử dụng để đánh giá tính đa dạng di truyền trong 34 kiểu gen của Moringa. Trung bình, số lượng alen cho 14 chỉ thị SSR dao động từ 2 đến 6. Tổng cộng có 41 alen được phát hiện trong tất cả các mẫu với số lượng trung bình là 5,47 alen/ô. SSR MO 10 ghi nhận giá trị PIC cao nhất (0,84), tiếp theo là SSR MO 58 (0,75). Giá trị PIC thấp nhất (0,39) được ghi nhận cho SSR MO 18. Giá trị trung bình PIC là 0,52. Trong số 14 mồi được sử dụng để phân tích chỉ thị SSR, SSR MO 58 đã cho ra số lượng alen cao nhất (6). Các đặc tính kiểu gen được xác định từ chỉ thị MO 56, tiếp theo bởi MO 6 và MO 1 liên quan đến chương trình lai tạo để cải thiện sản lượng dầu từ hạt.

Nguyễn Văn Hiếu

  1.  

GIÁ TRỊ VÀ VIỆC SỬ DỤNG CÂY CHÙM NGÂY

TRONG CHẾ BIẾN THỰC PHẨM

El – Massry và cs.
Egypt. J. Agric. Res. 2013, 91 (4): 1597-1609

Một số tính chất vật lý và thành phần hóa học của các bộ phận khác nhau của cây chùm ngây như quả, hạt, lá tươi và khô đã được nghiên cứu. Dữ liệu thu được cho thấy hạt và lá khô của Moringa oleifera là nguồn nguyên liệu tốt cho chiết xuất ether, protein thô, tro và sợi thô. Hàm lượng khoáng chất tại các bộ phận khác nhau của chùm ngây đã được nghiên cứu, kết quả cho thấy chùm ngây rất giàu các khoáng chất quan trọng đặc biệt là Ca, K, Mg, P, Cu, Fe và Zn. Khảo sát về thành phần acid amin trong chùm ngây đã xác định được 18 acid amin có mặt tại các bộ phận khác nhau của cây. Trong đó có các acid amin thiết yếu, 2 acid amin là acid argenin và glutamic chiếm tỷ lệ cao so với các acid amin khác. Kết quả cũng cho thấy các bộ phận khác nhau của chùm ngây là nguồn cung cấp giàu chất chống oxy hóa tự nhiên. Ngoài ra, hợp chất phenolic trong chùm ngây cũng được phân tích và kết quả chỉ ra rằng quercetin, axit caffeic và kaempferol chiếm ưu thế trong quả và hạt. Trong khi đó, các rutin, caffeic và ferulic acid là chiếm ưu thế trong dịch chiết từ lá. Đánh giá cảm quan các sản phẩm từ chùm ngây cho thấy trà chùm ngây với 25% bạc hà và đinh hương khô chùm ngây cho đánh giá tốt; hạt chùm ngây chế biến với nước ép chùm ngây và nước ép dứa ( tỷ lệ 1: 1, V/V) được đánh giá cao nhất về màu sắc, hương vị, mùi, kết cấu và khẩu vị tổng thể. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, chùm ngây có thể trồng và sử dụng trong chế biến thực phẩm ở Ai Cập.

Đặng Minh Tú

  1.  

ĐÁNH GIÁ VỀ TIỀM NĂNG CỦA CHÙM NGÂY TRÒNG LÀM THỨC ĂN CHO GIA SÚC

Wasif Nouman và cs.

Turk J Agric For (2014) 38: 1-14

Sản xuất sữa và thịt ở vùng khô hạn gặp khó khăn do nguồn thức ăn gia súc ít ỏi với chất lượng thấp, đặc biệt là trong mùa khô. Các nhà khoa học chăn nuôi đang nỗ lực điều tra, khám phá các loại thức ăn có chất lượng tốt có thể thúc đẩy sản xuất sữa và thịt theo cách hữu cơ và kinh tế. Một số loại thức ăn hữu cơ như đậu tương, bánh hạt bông, và nhiều loại cỏ đang được sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn thức ăn này có một số hạn chế do không sẵn có từ tháng 12 đến tháng 5 khi mà lúa mì, cỏ linh lăng, cải và ngô đã được thu hoạch. Điều này dẫn đến giảm sản lượng chăn nuôi, giảm chất lượng sữa và các sản phẩm từ thịt. Đồng thời, sự gia tăng nhanh chóng dân số đã làm tăng các yêu cầu về lương thực đe dọa ngược lại đến việc bảo tồn môi trường và tăng khoảng cách giữa nhu cầu của con người và khả năng đáp ứng của nguồn cung cấp. Các nhà khoa học thực vật đang khám phá các loài thực vật có thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống của cả con người và vật nuôi đồng thời có thể được sử dụng làm chất tăng trưởng cho cây trồng mà không làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Trong vài năm qua, nhiều loài cây bao gồm cả những loài chưa được sử dụng đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học về thực vật, dinh dưỡng và trồng trọt. Chùm ngây là một trong những thực vật đã bị bỏ quên trong nhiều năm nhưng hiện đang được nghiên cứu do khả năng sinh trưởng nhanh, hàm lượng dinh dưỡng cao và có thể sử dụng làm thức ăn gia súc. Nó có thể trồng trên các vùng đất khó trồng trọt với nhiệt độ cao và nguồn nước ít ỏi, nơi mà rất khó để trồng các loài cây nông nghiệp khác. Bài tổng quan đã đưa ra những đánh giá chi tiết về chất lượng dinh dưỡng của chùm ngây, tiềm năng làm thức ăn cho gia súc, cá và gia cầm, cũng như các điều kiện sinh trưởng và tập quán canh tác phù hợp.

Đặng Minh Tú

  1.  

TRI THỨC BẢN ĐỊA: MÔ HÌNH  SỬ  DỤNG  VÀ  PHÂN BỐ ĐỊA LÝ LOÀI CHÙM NGÂY (MORINGACEAE) Ở NIGERIA

Jacob O. Popoola và cs.

Journal of  Ethnopharmacology 150 (2013) 682–691

Tất cả các bộ phận của Moringa oleifera đều có giá trị làm thuốc với nhiều công dụng khác nhau trong điều trị hàng loạt các loại bệnh như đau nhức cơ thể và suy nhược, sốt, hen suyễn, ho, huyết áp, viêm khớp, tiểu đường, động kinh, vết thương và nhiễm trùng da. Moringa cũng có khả năng mạnh mẽ hỗ trợ các bệnh nan y như HIV / AIDs, thiếu máu mãn tính, ung thư, sốt rét và xuất huyết. Nghiên cứu này đã thu thập các thông tin về cách sử dụng, sự đa dạng trong tri thức bản  địa, phân bố địa lý và thu thập các giống Moringa oleifera từ các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau ở Nigeria, phục vụ các nghiên cứu sâu hơn.

Vật liệu và phương pháp: Dữ liệu thực vật học được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp, bảng câu hỏi và thảo luận với những người có kiến ​​thức về thực vật được lựa chọn. Mức tin cậy (FL%) và giá trị sử dụng cho các công dụng và các bộ phận khác nhau của Moringa oleifera đã được đánh giá. Sự đa dạng về tri thức dân tộc học được đánh giá bằng cách so sánh giá trị sử dụng trung bình giữa các nhóm dân tộc, giới tính và tuổi sử dụng phương pháp kiểm định t cho mẫu. GPS Garmin được sử dụng để xác định tọa độ (vĩ độ và kinh độ) và độ cao ở các khu vực nghiên cứu để đánh giá sự phân bố của loài.

Kết quả: 7 giá trị sử dụng của Moringa oleifera được ghi nhận (làm thực phẩm, thuốc, thức ăn gia súc, hàng rào, chất đốt, chất dính, chất làm đông). Công dụng làm thực phẩm và thuốc có mức độ tin cậy cao nhất khi lá và hạt là những bộ phận được sử dụng nhiều nhất cho các mục đích này. Có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm dân tộc, giới tính và tuổi liên quan tới giá trị sử dụng trong tri thức bản địa. Kiểu phân bố cho thấy Moringa oleifera phân bố ở tất cả các vùng sinh thái của Nigeria, thích nghi tốt với hầu hết các điều kiện khí hậu và được nhiều người biết tới.

Kết luận: Mặc dù là một loài nhập trồng, Moringa oleifera đã được chấp nhận và có giá trị hữu ích đối với các cộng đồng dân tộc tại các khu vực nghiên cứu. Các nguồn nhập trồng, sự thuần hóa và sự đa dạng sắc tộc khác nhau đã ảnh hưởng tới sự phân bố của loài ở các các khu vực địa lý.

Lại  Việt Hưng

  1.  

THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG TRONG LÁ CHÙM NGÂY TỪ HAI VÙNG SINH THÁI NÔNG NGHIỆP CỦA GHANA

William Jasper Asante và cs.

African Journal of Plant Science, Vol. 8(1): 65-71, January 2014

Moringa oleifera Lam. (MO) là một cây gỗ nhỏ, cao từ 5 đến 10 m có nhiều giá trị sử dụng và được trồng trên toàn thế giới. Nghiên cứu được tiến hành tại vùng đồng cỏ Guinea và các khu rừng nửa rụng lá của Ghana vào tháng 12 năm 2011 để so sánh hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lá Moringa oleifera ở hai vùng sinh thái nông nghiệp này. Các mẫu lá được thu thập ngẫu nhiên từ 3 huyện thuộc mỗi vùng sinh thái để phân tích một số thành phần dinh dưỡng đa lượng và vi lượng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về hàm lượng protein thô và hàm lượng carbohydrate trong lá MO ở hai vùng sinh thái, tuy nhiên lá MO thu thập tại vùng rừng nửa rụng lá có giá trị protein thô trung bình (26,54%) cao hơn so với lá tại vùng đồng cỏ Guinea (25,65%). Giá trị calci trung bình trong lá MO ở rừng nửa rụng lá và đồng cỏ Guinea lần lượt là 1880 và 1474,33 mg / 100g bột lá. So sánh giá trị trung bình của kali và sắt trong lá MO cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa lá MO từ hai vùng sinh thái. Nghiên cứu kết luận rằng vùng sinh thái nông nghiệp không có ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng của hầu hết các chất dinh dưỡng trong lá MO.

Lại Việt Hưng

  1.  

NGHIÊN CỨU ĐA ĐẠNG DI TRUYỀN VÀ CẤU TRÚC QUẦN THỂ CỦA CÂY CHÙM NGÂY

BẰNG CÁC CHỈ THỊ  HÌNH  THÁI  VÀ SSR

Santhosh kumar Ganesan và cs.

Industrial Crops and Products 60 (2014) 316–325

Đánh giá đa dạng di truyền là điều kiện tiên quyết cho quá trình cải thiện mùa vụ cây trồng trong tương lai, do đó nghiên cứu đã được đánh giá sự đa dạng hình thái và phân tử của 12 quần thể chùm ngây của Ấn Độ (Moringa oleifera Lam.). Tổng cộng có 300 kiểu gen thuộc 12 quần thể chùm ngây (M. oleifera Lam.) được thu thập ở miền bắc (Himachal Pradesh) và miền nam (Tamil Nadu) Ấn Độ. Trong điều kiện đồng ruộng, 14 đặc điểm hình thái về chất lượng và 11 đặc điểm hình thái về số lượng được ghi nhận để đánh giá sự đa dạng hình thái. Nghiên cứu cho thấy mối tương quan đáng kể giữa các đặc điểm về số lượng. Ở cấp độ phân tử, 19 mồi SSR khuếch đại cho các băng rõ nét và có thể lặp lại được lựa chọn cho các nghiên cứu khác nhau. Tổng số có 35 băng được khuếch đại trong đó có 29 băng (82,86%) có tính đa hình với trung bình 1,84 băng/ 1 cặp  mồi. Hệ số đa dạng di truyền (PIC) cho mồi SSR dao động từ 0,01 đến 0,37  với mồi MO64, từ 0,01 đến 0,15 đối với mồi MO1. Sự đa dạng gen dao động từ 0,01 đến 0,49 với giá trị trung bình là 0,18. Phân tích nhóm dựa trên các đặc điểm hình thái (định tính và định lượng) phân chia các quần thể thành hai nhóm trong khi sử dụng chỉ thị SSR lại chia thành ba nhóm. Quần thể MO9 (PKM1) từ Periyakulum, Tamil Nadu không thể xếp nhóm dựa trên các đặc điểm về số lượng. Phân tích phối hợp chính (PCoA) dựa trên chỉ thị SSR cho thấy sự đa dạng lớn tồn tại trong các mẫu chùm ngây ở Ấn Độ. Tỷ lệ biến dị căn cứ trên 3 trục đầu tiên là 31,69% (trục1 - 14,35%, trục 2 - 9,39% và trục 3 - 7,95%). Phân tích phương sai phân tử (AMOVA) chỉ ra rằng sự đa dạng 2% là do sự khác biệt giữa các vùng, 3% ở mức quần  thể và 95% bởi kiểu gen trong quần thể. Mô hình dựa trên cấu trúc quần thể đã được thử nghiệm sử dụng giá trị K từ 1 đến 20, nhưng không cho cấu trúc quần thể rõ ràng, do đó đồ thị Delta k suy từ hàm Ln (PD) được thể hiện để xác định số lượng cá thể của quần thể. Dựa trên phân tích cấu trúc quần thể, xác định được 5 quần thể rõ ràng thay cho 12 quần thể tự nhiên. Nghiên cứu phân tích nhóm và cấu trúc quần thể cho thấy rằng, không có sự phân ly địa lý tồn tại giữa các kiểu gen được thu thập từ miền bắc và miền nam của Ấn Độ. Phân tích phối hợp chính cho thấy sự đa dạng di truyền lớn trong các mẫu Chùm ngây thu thập tại Ấn Độ có thể được sử dụng cho chương trình cải thiện mùa vụ đặc biệt là các tính trạng liên quan đến sản lượng dầu.

Lại Việt Hưng

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI GIAN VÀ KHOẢNG CÁCH TRỒNG ĐẾN SỰ SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ HÀM LƯỢNG TINH DẦU CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA (OCIMUM SANCTUM)

Udit Kumar và cs.

Bull. Env. Pharmacol. Life Sci., Vol 6 Special issue  2017: 305-309

Thí nghiệm được thực hiện để nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian và khoảng cách trồng đến sinh trưởng, năng suất và hàm lượng tinh dầu của cây hương nhu tía  tại  Herbal Garden của dự án  AICRP trên MAP & B, Khoa Nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp Trung ương Rajendra Prasad, Pusa (Bihar), trong thời gian của các năm 2015-16 và 2016-17. Tiến hành kiểm tra với 5 thời điểm trồng (ngày 1 tháng 6, ngày 15 tháng 6, ngày 1 tháng 7, ngày 15 tháng 7 và ngày 1 tháng 8) với ba khoảng cách (40 x 20 cm, 40 x 30 cm và 40 x 40 cm) thí nghiệm được bố trí khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh với 3 lần lặp lại. Kết quả thu được trong nghiên cứu này chứng minh rằng cả thời gian trồng và khoảng cách đều có ảnh hưởng đến chiều cao cây tại thời điểm ra hoa, số cành trên mỗi cây, năng suất tươi và khô cũng như năng suất tinh dầu.  Cây trồng vào ngày 1 tháng 7 với khoảng cách 40x30 cm cho các  giá trị sinh trưởng, năng suất dược liệu, hàm lượng tinh dầu cao hơn.

Trần Văn Thắng

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA PHÂN BÓN VÔ CƠ VÀ KHOẢNG CÁCH ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG

CỦA HƯƠNG NHU TÍA (OCIMUM SANCTUM LINN.)

Pooja MR và cs.

Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry 2018; SP3: 05-08

Nghiên cứu để tăng năng suất của cây hương nhu tía đã được thực hiện trong một thí nghiệm đồng ruộng nào năm 2015-16 tại trường Cao đẳng Nghề làm vườn Kittur Rani Channamma, Arabhavi. Kết quả cho thấy sử dụng mức phân bón vô cơ 175: 95: 80 kg NPK / ha cây đạt chiều cao tối đa (85,33 cm). Trong khi đó chiều rộng tán cây đạt tối đa theo hướng Đông Tây (68,74 cm), Bắc Nam (70,14 cm), năng suất tươi trên mỗi ha (15,18 t / ha), hàm lượng tinh dầu (0,40%) và hàm lượng eugenol (60,69%) ở mức phân bón vô cơ 150: 85: 70 kg / ha. Tại thời điểm thu hoạch khoảng cách 45 × 30 cm đạt mức chiều cao cây tối đa  (81,12 cm) và năng suất tươi trên mỗi ha (15,72 t). Trong khi đó, cây trồng ở khoảng cách rộng hơn 45 × 60 cm được ghi nhận có chiều rộng tán lá tối đa theo hướng Đông Tây (68,74 cm), Bắc Nam (70,14 cm), hàm lượng tinh dầu (0,30%) và hàm lượng eugenol (54,75%).

Trần Văn Thắng

  1.  

TÁC DỤNG DIỆT CÔN TRÙNG CỦA TINH DẦU HƯƠNG NHU TÍA TRÊN LOÀI CHRYSOMIA POTURIA TRUYỀN BỆNH

Idelsy Chil-Núñez và cs.

Journal of Pharmacy & Pharmacognosy Research, 6 (3), 148-157, 2018

Bối cảnh: Loài ruồi Chrysomya putoria có phân bố rộng rãi ở khu vực nhiệt đới Trung và Nam Mỹ; bên cạnh việc truyền mầm bệnh; chúng có thể gây nhiễm trùng thứ phát. Thuốc trừ sâu thực vật được  dùng  thay thế cho thuốc trừ sâu tổng hợp vì sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu tổng hợp dẫn đến tăng sức đề kháng của sâu đối với các hóa chất này, làm giảm hiệu quả của chúng và với tác động tiêu cực đến môi trường. Tinh dầu chiết xuất từ ​​cây hương nhu tía  đã cho thấy hoạt tính diệt một số côn trùng nhưng chưa có nghiên cứu nào được báo cáo về tác động chống lại ruồi của cây này.

 Mục tiêu: Để đánh giá tác dụng diệt côn trùng của hương nhu tía sử dụng hoạt chất tinh dầu trên sự phát triển phôi thai của loài ruồi Chrysomya putoria.

Phương pháp: Các chủng của loài ruồi  Chrysomya putoria được phân lập  và duy trì tại Laboratório de Entomologia Médica e Forense (FIOCRUZ), Rio de Janeiro, Brazil. Tinh dầu hương nhu tía  đã được thử nghiệm với sáu nồng độ (4.13, 8.25, 20.63, 41.25, 61.87 và 80,25 mg / mL). Những thay đổi trong vòng đời được ghi lại hàng ngày.

Kết quả: β-caryophyllen, β-selinen và eugenol, là thành phần chính của tinh hương nhu tía . Các thí nghiệm đã chứng minh rằng ở tất cả các nồng độ thử nghiệm, tinh dầu hương nhu tía rút ngắn thời gian của tất cả các giai đoạn phôi thai có tác động trực tiếp đến khả năng sống sót của loài ruồi này với ngưỡng gây chết LC50 là 7,47 mg / mL nồng độ. Ngoài ra, tinh dầu gây ra biến đổi hình thái ở bụng, cánh và ptilinum ở nồng độ thấp hơn.

Kết luận: Sử dụng tinh dầu hương nhu tía là điều cần thiết cho sự lựa chọn tốt để kiểm soát sự truyền bệnh  của  loài ruồi  Chrysomya putoria.

Trần Văn Thắng

  1.  

CÁC THÀNH PHẦN CÓ HOẠT TÍNH CHỐNG BỆNH LEISHMANIASE CỦA HƯƠNG NHU TÍA NEPAL (OCIMUM SANCTUM L.)

Suzuki A. và cs.

Chem Pharm Bull, 2009, 57(3):245-51

Trong quá trình sàng lọc các hợp chất có hoạt tính chống bệnh leishmaniase từ các loài thảo dược Châu Á và Nam Mỹ, hương nhu tía (Tulsi) thu hái ở Nepal đã cho thấy hoạt tính mạnh. Từ đó, chúng tôi nghiên cứu quá trình phân lập và làm sáng tỏ cấu trúc của các thành phần có hoạt tính từ Ocimum sanctum L.. Từ dịch chiết phân đoạn ethyl acetat của loài cây này, 7 dẫn xuất neolignan mới đã được phân lập cùng với 16 hợp chất đã biết. Cấu trúc của các hợp chất mới (1-7) được xác định là 6-allyl-3',8-dimethoxy-flavan-3,4'-diol (1), 6-allyl-3-(4-allyl-2-methoxyphenoxy)-3',8-dimethoxyflavan-4'-ol (2), 5-allyl-3-(4-allyl-2-methoxyphenoxymethyl)-2-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)-7-methoxy-2,3-dihydrobenzofuran (3), 1,2-bis(4-allyl-2-methoxyphenoxy)-3-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)-3-methoxypropan (4), 1-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)-1,2,3-tris(4-allyl-2-methoxyphenoxy)propan (5), 1-allyl-4-(5-allyl-2-hydroxy-3-methoxyphenoxy)-3-(4-allyl-2-methoxyphenoxy)-5-methoxybenzen (6) và 3-(5-allyl-2-hydroxy-3-methoxyphenyl)-1-(4-hydroxy-3-methoxyphenoxy)-prop-1-ene (7) bằng phương pháp phổ  1H-NMR, 13C-NMR, và 2D-NMR. Một số hợp chất trong đó chỉ ra hoạt tính  chống bệnh leishmaniase.

                             Phùng Như Hoa

  1.  

PHÂN LẬP VÀ XÁC ĐỊNH CẤU TRÚC THÀNH PHẦN CÓ TÁC DỤNG CHỐNG  TIỀU ĐƯỜNG (DỰA TRÊN SÀNG LỌC ĐỊNH HƯỚNG TÁC DỤNG) TỪ PHÂN TRÊN MẶT ĐẤT CÂY HƯƠNG NHU TÍA (OCIMUM SANCTUM L.) (LAMIACEAE)

Patil R. và cs.

Asian Pac J Trop Med, 2011, 4(4):278-82

Mục đích: Để phân lập và xác định cấu trúc thành phần có tác dụng chống đái tháo đường (dựa trên sàng lọc các phân đoạn định hướng tác dụng) từ cao chiết ethanol - nước của phần trên mặt đất hương nhu tía (Ocimum sanctum)

Phương pháp: Mười phân đoạn (F1-F10) được phân lập từ cao chiết ethanol - nước của phần trên mặt đất hương nhu tía (Ocimum sanctum) bằng sắc ký cột. Tất cả các phân đoạn từ F1 đến F10 được sàng lọc tác dụng chống đái tháo đường trên mô hình chuột bị gây đái tháo đường bằng alloxan thông qua xác định nồng độ glucose và chỉ số lipid huyết thanh. Các thành phần hoạt chất đã phân lập được xác định cấu trúc dựa trên việc phân tích dữ kiện phổ UV, IR, MS, 1H và 13C NMR.

Kết quả: Phân đoạn chính (F5) được chỉ ra có tiềm năng chống đái tháo đường thông qua việc cải thiện các chỉ số glucose và lipid máu (cholesterol tổng số, triglycerid, LDL và HDL). Phân tích dữ liệu phổ cho thấy hoạt chất được phân lập là tetracyclic triterpenoid [16-hydroxy-4,4,10,13-tetramethyl-17-(4-methyl-pentyl)-hexadecahydro-cyclopenta[a]phenanthren-3-one]

Kết luận: Nghiên cứu hiện tại của chúng tôi kết luận rằng tetracyclic triterpenoid phân lập từ phần trên mặt đất của O. sanctum có tiềm năng chống đái tháo đường.

    Phùng Như Hoa

  1.  

NGHIÊN CỨU MỐI QUAN HỆ GIỮA CẤU TRÚC VÀ HOẠT TÍNH GÂY ĐỘC TRÊN DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ GAN HEPG2 CỦA FLAVOINOID ORIENTIN VÀ DẪN XUẤT TỪ HƯƠNG NHU TÍA (HOLY BASIL)

Sharma P. và cs.

Comb Chem High Throughput Screen., 2016, 19(8):656-666

Hương nhu tía (O. sanctum L. hay O. tenuiflorum) là một loài cây thuốc quan trọng của Ấn Độ được biết đến là Holy Basil hay Tulsi. Thành phần hóa học của tinh dầu rất phức tạp, chứa lượng lớn các phenylpropanoid và terpene, một vài hợp chất phenolic  hay flavonoid như orientin và vicenin. Những flavonoid này được biết đến là các chất chống oxy hóa và chống ung thư tự nhiên. Orientin được coi là tác nhân chống ung thư tiềm năng do hoạt tính chống tăng sinh trên dòng tế bào ung thư gan người HepG2, nhưng cơ chế tác dụng của nó chưa được nghiên cứu đầy đủ. Công trình này đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa cấu trúc và hoạt tính của orientin đã được thực hiện và xây dựng bản đồ cấu trúc hoạt tính và mô hình định lượng mối quan hệ cấu trúc-hoạt tính (QSAR) để sàng lọc các dẫn xuất có cấu trúc tương tự trong cơ sở dữ liệu của Discovery Studio (DSv3.5, Accelrys, USA). Hợp chất tương tự fenofibryl glucuronid được chọn cho đánh giá hoạt tính gây độc/ chống ung thư trên mô hình in vitro thông qua thử nghiệm MTT. Ái lực gắn kết và cơ chế tác dụng của orientin và các dẫn chất được thăm dò thông qua mô hình docking phân tử nghiên cứu trên enzym oxidoreductase quinon, một đích tiềm năng của các flavonoid. Trái ngược với giả định, kết quả trên in vitro chỉ cho thấy có 41% tế bào chết ở nồng độ 202.389 µM (ở 96 giờ). Do đó, chúng tôi kết luận rằng hợp chất tương tự orientin được chọn là fenofibryl glucuronid không gây độc / không ức chế tế bào ung thư HepG2 ở người ở nồng độ 100 μg / ml (202,389 μM) (96 giờ). Chúng tôi kết luận rằng orientin và dẫn chất fenofibryl glucuronid của cho thấy không có hoạt tính hoặc hoạt tính gây độc thấp trên dòng tế bào ung thư gan HepG2.

                                             Phùng Như Hoa

  1.  

TƯƠNG TÁC DƯỢC ĐỘNG HỌC VÀ DƯỢC LỰC CỦACAO CHIẾT ETHANOL-NƯỚC HƯƠNG NHU TÍA

(OCIMUM SANCTUM) VỚI VALPROAT

Sarangi S. C. và cs.

Epilepsy Behav, 2017 Oct; 75: 203-209

Để kiểm soát có hiệu quả các cơn co giật, thuốc chống động kinh (AED) được dùng ở liều cao hơn, việc này được cho là có liên quan đến một số tác dụng phụ. Nghiên cứu này đã dự đoán tiềm năng chống động kinh và bảo vệ thần kinh của hương nhu tía (Tulsi), một loại thảo dược được sử dụng phổ biến bởi khả năng điều hòa miễn dịch của nó. Liều tối ưu của cao chiết ethanol-nước hương nhu tía (OSHE) được xác định thông qua mô hình chuột Wistar (200-250 g) bị gây co giật bởi sốc điện tối đa (MES) và pentylenetetrazol (PTZ) sau khi dùng OSHE đường uống (200-1000 mg/kg) trong 14 ngày. Trong nghiên cứu về tương tác thuốc, liều tối ưu của OSHE được kết hợp với liều điều trị tối đa và liều thể hiện hoạt tính của valproat được dùng trong 14 ngày. Nồng độ trong huyết thanh của valproat được ước tính bằng cách sử dụng HPLC cho nghiên cứu dược động học. Đối với tương tác dược lực học, tác dụng chống động kinh trên mô hình gây co giật, hiệu lực trên thần kinh được đánh giá bằng cách sử dụng mê cung Morris, thử nghiệm tránh thụ động và mê cung chữ thập nâng cao cùng với  khả năng chống oxy hóa. Cao chiết ethanol-nước với liều 1000 mg/kg có khả năng bảo vệ tối ưu là 50% chống co giật gây ra bởi cả MES và PTZ. Sự kết hợp của OSHE với valproat không làm thay đổi đáng kể hiệu quả chống động kinh so với valproat. Tuy nhiên, sự kết hợp này cho thấy khả năng lưu lại trí nhớ tốt hơn trong các thử nghiệm về hoạt động thần kinh và bảo vệ chống lại stress oxy hóa so với nhóm chỉ được điều trị bằng valproate. Các thông số dược động học không chỉ ra bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong nhóm kết hợp so với nhóm chỉ dùng valproate. Mặc dù Ocimum có tác dụng chống động kinh nhưng không ảnh hưởng đến tác dụng chống động kinh của valproat khi dùng kết hợp. Tuy nhiên, việc điều trị kết hợp có lợi thế hơn so với khi chỉ sử dụng valproat về chức năng hoạt động thần kinh và giảm stress oxi hóa- điều này cho thấy tiềm năng bổ trợ của hương nhu tía trong điều trị động kinh.

                                                     Phùng Như Hoa

  1.  

HIỆU QUẢ CỦA THỰC PHẨM BỔ SUNG TỪ HƯƠNG NHU TÍA (TULSI) LÊN CÁC CHỈ SỐ CHUYỂN HÓA

VÀ ENZYM GAN Ở TRẺ EM BỊ THỪA CÂN VÀ BÉO PHÌ

Satapathy S. và cs.

Indian J Clin Biochem, 2017, 32(3): 357–363

Hương nhu tía (còn được biết đến là Tulsi) là một loài thực vật quan trọng của Ấn Độ, tác dụng có lợi của nó đối với béo phì và bệnh đái tháo đường đã được mô tả trong y học cổ truyền. Đây là nghiên cứu lâm sàng mở, ngẫu nhiên đánh giá tác dụng của hương nhu tía trên các chỉ số chuyển hóa và hóa sinh của 30 người thừa cân/ béo phì được chia làm 2 nhóm A và B. Nhóm A (n=16) được uống hai lần mỗi lần 1 viên nang từ cao chiết Tulsi (hương nhu tía) hàng ngày lúc dạ dày rỗng và nhóm B (n = 14) không nhận được sự can thiệp. Sự cải thiện đáng kể có ý nghĩa thống kê các giá trị triglycerid huyết thanh (p = 0,019), lipoprotein tỉ trọng thấp (p = 0,001), lipoprotein tỉ trọng cao (p = 0,001), lipoprotein tỉ trọng rất thấp (p = 0,019) chỉ số khối của cơ thể BMI (p = 0,005), insulin huyết tương (p = 0,021) và sự kháng insulin (p = 0,49) được quan sát sau 8 tuần trên nhóm can thiệp với hương nhu tía. Việc cải thiện HDL-C trong nhóm can thiệp được so sánh với nhóm chứng có ý nghĩa thống kê (p = 0,037). Không có sự thay đổi đáng kể của các enzym gan SGOT và SGPT tương ứng ở cả nhóm can thiệp (p = 0,141; p = 0,074) và nhóm chứng (p = 0,102; p = 0,055). Kết quả này cho thấy rõ ràng tác dụng có lợi của hương nhu tía trên các thông số sinh hóa khác nhau ở các đối tượng thừa cân hoặc béo phì.

                                                  Phùng Như Hoa

  1.  

CAO CHIẾT ETHANOL CỦA HƯƠNG NHU TÍA (OCIMUM SANCTUM) TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG NHẬN THỨC TỪ TUỔI TRƯỞNG THÀNH ĐẾN TRUNG NIÊN BẰNG CÁCH TĂNG HOẠT TÍNH CỦA CHOLINE ACETYL TRANSFERASE TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT CỐNG TRẮNG

Kusindarta DL và cs.

Res Vet Sci, 2018 Jun;118:431-438

Bệnh nhân sa sút trí tuệ đang gia tăng đều đặn, suy giảm nhận thức do sa sút trí tuệ không chỉ có ở người già mà còn có ở những người trẻ tuổi đến trung niên. Tuy nhiên, cơ chế của sự suy giảm nhận thức ở người trẻ tuổi vẫn chưa được biết đến. Hơn nữa, những thuốc điều trị hiện nay không mang lại kết quả khả quan. Vì vậy chúng tôi  đã nghiên cứu tiềm năng của cao chiết ethanol hương nhu tía (Ocimum sanctum) trong việc tăng cường khả năng nhận thức của chuột cống trắng trên mô hình in vivo. Chuột cống từ trưởng thành đến trung niên được chia thành 3 nhóm (3, 6, 9 tháng tuổi) và được sử dụng hương nhu trắng (0, 50 và 100 mg/kg) trong vòng 45 ngày. Chúng tôi sử dụng một thử nghiệm hành vi để đánh giá khả năng nhận thức. Ngoài ra, nhuộm Nissl được tiến hành để phân tích sự hình thành hồi hải mã trong hồi răng (DG), cornu ammonis 1 (CA1), cornu ammonis 3 (CA3). Sự biểu hiện và hoạt tính của ChAT trong não được phân tích bằng kỹ thuật RT-PCR và ELISA. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc điều trị với hương nhu tía ở liều 100 mg/kg trong 45 ngày đã gây ra khả năng nhận thức ở chuột 9 tháng tuổi. Ngoài ra, đề tài đã ghi nhận có sự gia tăng đáng kể mật độ của các tế bào hạt và tháp trong DG, CA1 và CA3. Những kết quả này được chứng thực bởi sự gia tăng hoạt tính của ChAT và sự biểu hiện gen trên mô hình chuột cũng như trên mô hình nuôi cấy tế bào HEK 293. Kết hợp lại, việc sử dụng hương nhu tía liều 100 mg/kg gây ra sự biểu hiện của ChAT. Sự gia tăng biểu hiện và hoạt tính của ChAT có thể tăng cường khả năng nhận thức ở chuột 9 tháng tuổi mô phỏng giống tình trạng ở những người trẻ và trung niên

Trần Thị Hồng Vân

  1.  

TÁC DỤNG CÓ LỢI CỦA HƯƠNG NHU TÍA (OCIMUM SANCTUM LINN) CHỐNG LẠI TĂNG HUYẾT ÁP PHỔI

 GÂY BỞI  MONOCROTALIN TRÊN CHUỘT CỐNG

Meghwani H và cs.

Medicine and Health Sciences  - University of Basel: 2018 Apr 17;5(2)

 Tổng quan: Nghiên cứu được thiết kế để đánh giá tác dụng có lợi của hương nhu tía (OS) trên thí nghiệm gây tăng huyết áp phổi (PH) ở chuột cống. OS theo tiếng Ấn Độ còn được gọi là “húng quế thánh” và “Tulsi”; được sử dụng trong Hệ thống Y học Ấn Độ làm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, chất chống oxy hóa,  bảo vệ gan, tăng sức đề kháng thích nghi (adaptogen) và bảo vệ tim mạch. 

Phương pháp: Gây tăng huyết áp phổi PH bằng Monocrotalin (MCT) ở chuột cống sau 28 ngày và chuột được theo dõi trong 42 ngày. Sau 29 ngày gây PH, chuột được điều trị bằng sildenafil liều 175 µg/kg, OS liều 200 mg/kg  liên tục trong 14 ngày. Các thông số để đánh giá sự phát triển của bệnh và hiệu quả của điều trị là siêu âm tim, huyết áp tâm thu thất trái và phải và huyết áp tâm trương cuối tâm thất phải, phần trăm độ dày vách trung gian (% MWT) của động mạch phổi, các dấu hiệu stress oxy hóa trong mô phổi, biểu hiện protein NADPH oxidase (Nox-1) trong phổi, và biểu hiện mRNA của Bcl2 và Bax trong mô tâm thất phải.

Kết quả: Điều trị với OS liều 200 mg/kg đã cải thiện sự tăng  tỷ lệ trọng lượng phổi/trọng lượng cơ thể, phì đại thất phải, tăng RVSP và tỷ lệ RVoTD/AoD. Hơn nữa, điều trị bằng OS đã làm giảm biểu hiện Nox-1 và làm tăng biểu hiện  tỷ lệ Bcl2/Bax do MCT gây ra.

Kết luận: Nghiên cứu này chứng minh rằng hương nhu tía có khả năng chống lại tăng huyết áp phổi trên chuột cống gây bởi MCT nhờ tác dụng chống oxy hóa của nó. Tác dụng của OS được so sánh với sildenafil.

Phí Thị Xuyến

  1.  

PHÂN TÍCH MẬT ĐỘ TẾ BÀO THẦN KINH THÙY HẢI MÃ (CA1 VÀ CA3) SAU KHI ĐIỀU TRỊ BẰNG CAO CHIẾT ETHANOL HƯƠNG NHU TÍA (OCIMUM SANCTUM) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT CỐNG TRẮNG TRƯỞNG THÀNH

VÀ TRUNG NIÊN

Kusindarta DL và cs.

Vet World.  11(2): 135-140, 2018

Mục đích: Nghiên cứu này nhằm đánh giá thay đổi mật độ tế bào thần kinh vùng CA1 và CA3 thùy hải mã của chuột cống trắng trưởng thành và trung niên sau khi được điều trị bằng cao chiết ethanol hương nhu tía.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, 30 chuột cống đực Wistar bao gồm chuột non đến trung niên được chia thành ba nhóm (3, 6, và 9 tháng tuổi) và được điều trị bằng cao chiết ethanol hương nhu tía với các mức liều khác nhau (0, 50 và 100 mg/kg thể trọng chuột) trong 45 ngày. Hơn nữa, nghiên cứu cũng tiến hành nhuộm cresyl tím để phân tích sự hình thành thùy hải mã chủ yếu ở vùng CA1 và CA3. Nồng độ acetylcholin (Ach) trong mô não được phân tích bằng xét nghiệm miễn dịch liên kết enzyme (ELISA).

Kết quả: Kết quả nghiên cứu trên động vật thực nghiệm cho thấy cao chiết ethanol hương nhu tía với liều 100 mg/kg trong 45 ngày có tác dụng tăng mật độ tế bào tháp điển hình ở vùng CA1 và CA3 thùy hải mã. Những kết quả này được hỗ trợ bởi sự gia tăng nồng độ Ach trên mô não.

Kết luận: Điều trị cao chiết cồn hương nhu tía có thể làm tăng mật độ tế bào tháp ở vùng CA1 và CA3 thùy hải mã thông qua sự điều hòa xuôi của nồng độ Ach.

Phạm Thị Nguyệt Hằng

 

(Nguồn tin: )