Bản tin dược liệu

Bản tin Dược liệu số 6/2017

BẢN TIN SỐ 06/2017

 

NGHIÊN CỨU ĐẶC TÍNH HẤP THU TẠI RUỘT CỦA OLIGOSACCHARID

PHÂN LẬP TỪ BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS HOW.)

 

Deng SD và cs.

Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, (2015), 40(1):134-40

 

Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá sự hấp thu tại ruột của 5 oligosaccharid phân lập từ ba kích (sucrose, kestose, nystose, 1F-Fructofuranosyniystose và bajijiasu). Sự hấp thu của 5 oligosaccharid này tại ruột non (tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng) và ruột già của chuột cống được khảo sát bằng cách sử dụng mô hình truyền đơn tại chỗ (in situ single – pass perfusion) và HPLC-ELSD. Ảnh hưởng của nồng độ thuốc, pH trong perfusate và chất ức chế P-glycoprotein được đánh giá để xác định cơ chế hấp thu của 5 oligosaccharid trên chuột. Từ các kết quả cho thấy, cả 5 oligosaccharid đều được hấp thu hoàn toàn ở ruột, và tỉ lệ hấp thu bị ảnh hưởng bởi pH của dịch truyền, nồng độ thuốc và vị trí hấp thu tại các phần khác nhau của ruột. Verapamil hydrochlorid làm tăng hấp thu sucrose và Bajijiasu đạt ý nghĩa thống kê, gợi ý rằng sucrose và Bajijiasu là cơ chất của P-gp. Năm oligosaccharid được hấp thu chủ yếu nhờ sự khuyếch tán thụ động tại các vị trí khác nhau của ruột, không hấp thu bão hòa. Chúng được hấp thu tốt tại ruột và chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng.

P.T.N. Hằng

CAO CHIẾT BA KÍCH CẢI THIỆN SỰ SUY GIẢM SINH TINH TRÙNG GÂY BỞI CYTOXAN Ở CHUỘT CỐNG ĐỰC

 

Chen TJ, Wang W.

Zhonghua Nan Ke Xue(2015), 21(5):436-42.

 

Mục tiêu: Nghiên cứu ảnh hưởng của cao chiết ba kích (MO) đối với sự suy giảm sinh tinh trùng gây bởi giảm cytoxan ở chuột cống SD đực trưởng thành.

Phương pháp: 56 chuột cống SD đực trưởng thành thành được chia ngẫu nhiên thành 7 nhóm với số lượng bằng nhau: Chứng sinh lý, mô hình CTX (chứng bệnh lý), CTX+NS, CTX + MO với các mức liều khác nhau (10; 20; 30 và 40 g/kg). Gây mô hình CTX bằng cách tiêm phúc mạc cytoxan, sau đó được điều trị bằng cách cho uống MO với các mức liều 10, 20, 30 và 40 g/kg/ngày. Sau 2 tuần uống mẫu thử, tiến hành đánh giá sự thay đổi về trọng lượng cơ thể, chỉ số về tinh hoàn và mào tinh hoàn, vi cấu trúc tinh hoàn, đường kính trung bình của các ống sinh tinh (MSTD), cho điểm sinh thiết tinh hoàn (TBS) ở các nhóm khác nhau, sau đó phân tích thống kê kết quả.

Kết quả: Sau khi điều trị, nhóm CTX + NS không có sự khác biệt có ý nghĩa về trọng lượng chuột ([234,83 ± 28,77] g) và chỉ số mào tinh hoàn (2,71 ± 0,34) so với 4 nhóm CTX+MO, nhưng chỉ số tinh hoàn của nhóm CTX + NS ([12,15 ± 1,04] g) thấp hơn so với các nhóm CTX + 20 g/kg MO ([13,71 ± 0,97] g), CTX + 30 g/kg MO, ([13,30 ± 0,29] g), và CTX + 40 g/kg MO ([13,48 ± 0,51] g) đạt ý nghĩa thống kê với P < 0,05. Quan sát dưới kính hiển vi ánh sáng cho thấy những thay đổi bệnh học rõ rệt về mô tinh hoàn trong nhóm CTX+NS và cấu trúc ống sinh tinh ở các nhóm CTX + MO ở các mức liều 10, 20, 30, 40 g/kg được cải thiện đáng kể, với giá trị MSTD tương ứng là (204,78 ± 11,03), (216,55 ± 10,93), (218,03 ± 11,23), và (218,59 ± 14,06) μm; và giá trị TBS tương ứng là 9,03 ± 0,39; 9,69 ± 0,26; 9,83 ± 0,18; và 9,89 ± 0,11; tất cả đều cao hơn có ý nghĩa so với nhóm CTX +NS ((189,74 ± 8,55) μm và 5,95 ± 1,21) (P<0,05). Hiệu quả điều trị của cao chiết MO phụ thuộc vào liều sử dụng.

Kết luận: Cao chiết ba kích có thể cải thiện sự suy giảm sinh tinh trùng gây bởi cytoxan trên quá trình hình thành tinh trùng ở chuột cống, và có thể có hiệu quả tốt nhất ở nồng độ 30 và 40 g/kg/ngày.

P.T.N.Hằng

CON ĐƯỜNG BDNF-GSK-3Β-Β-CATENIN Ở VÙNG TRUNG TÂM VỎ NÃO TRƯỚC LIÊN QUAN

ĐẾN TÁC DỤNG CHỐNG TRẦM CẢM CỦA CÁC OLIGOSACCHARID TỪ BA KÍCH TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG

 

Xu LZ và cs.

Int J Neuropsychopharmacol, 2016 Nov 11. pii: pyw088. doi: 10.1093/ijnp/pyw088

 

Tổng quan: Oligosaccharid của ba kích đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ thần kinh và chống trầm cảm trên chuột nhắt trắng với thử nghiệm bơi cưỡng bức. Tuy nhiên, cơ chế tác dụng chống trầm cảm của các oligosaccharid này vẫn chưa được sáng tỏ.

Phương pháp nghiên cứu: Mô hình stress trường diễn không thể dự đoán (chronic unpredictable stress, CUS) và thử nghiệm chuột bơi cưỡng bức được tiến hành để đánh giá tác dụng chống trầm cảm của các oligosaccharid từ ba kích và tính chịu đựng đối với stress trên chuột cống trắng.  LY294002 (chất ức chế của phosphoinositid-3 kinase) được tiêm vào vùng trung tâm của vỏ não trước để đánh giá vai trò của glycogen synthase kinase-3β (GSK3β) đối với tác dụng chống trầm cảm của các oligosaccharid này. Biểu hiện của yếu tố bổ thần kinh dẫn xuất não (brain-derived neurotrophic factor, BDNF), dạng phosphoryl hóa tại vị trí Ser9 của GSK 3β (p-Ser9 GSK3β), β-catenin và các protein synaptic ở vùng trung tâm vỏ não trước và vùng vỏ não trán hốc mắt (orbitofrontal cortex) được xác định bằng kỹ thuật western blot.

Kết quả: Kết quả đã chỉ ra rằng, các oligosaccharid từ ba kích làm giảm đáng kể những biểu hiện hành vi trầm cảm gây bởi CUS trên thử nghiệm lựa chọn sucrose và thử nghiệm bơi cưỡng bức. Các oligosaccharid này cũng cải thiện sự bất thường của con đường BDNF-GSK3β-β-catenin và sự suy giảm của các protein synaptic gây bởi CUS ở vùng trung tâm vỏ não trước mà không phải ở vùng vỏ não trán hốc mắt. Sự hoạt hóa của GSK3β của LY294002 làm mất tác dụng chống trầm cảm của các oligosaccharid từ ba kích trên thử nghiệm chuột bơi cưỡng bức. Chuột bình thường khi được điều trị bằng các oligosaccharid này cũng làm tăng tính chịu đựng đối với CUS, đồng thời làm tăng mức độ biểu hiện của BDNF, p-Ser9 GSK3β và β-catenin ở vùng trung tâm vỏ não trước.

Kết luận: Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng con đường BDNF-GSK-3β-β-Catenin ở vùng trung tâm vỏ não trước có thể là cơ chế tác dụng chống trầm cảm của các oligosaccharid từ ba kích và cơ chế chống chịu với stress.

L. T. Xoan

TÁC DỤNG CỦA MỘT SỐ DẠNG BA KÍCH CHẾ VÀ CAO CHIẾT RỄ BA KÍCH

 TRÊN VIÊM KHỚP DẠNG THẤP GÂY BỞI CHẤT BỔ TRỢ TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG

 

Shi J và cs.

Zhong Yao Cai, 2015 Aug;38(8):1626-9

 

Mục tiêu: Nghiên cứu tác dụng điều trị của một số dạng ba kích chế và các cao chiết rễ cây ba kích (Morinda officinalis) trên mô hình viêm khớp dạng thấp gây bởi chất bổ trợ (AA) và tìm hiểu cơ chế tác dụng.

Phương pháp: Gây viêm khớp dạng thấp cho chuột cống trắng SD, sau đó chia chuột viêm khớp thành 7 lô: lô bệnh lý, lô uống viên Glycosid Tripterygium  (TGT),  lô uống ba kích với xylem, lô uống ba kích xông muối, lô uống ba kích chế cam thảo, lô uống cao chiết EtOAc ba kích, lô uống cao chiết n-BuOH ba kích, lô uống cắn nước, lô uống polysaccharid toàn phần và lô sinh lý. Quan sát các chỉ số viêm và phù bàn chân; định lượng các yếu tố hoại tử u  - α (TNFα), interleukin-1β (IL-1β), IL6, IL2, và INF-γ trên huyết thanh chuột AA bằng phương pháp ELISA.

Kết quả: Ba kích chế với muối và cao chiết n-BuOH đã làm giảm phù chân và hàm lượng của TNF-α, IL-1β, IL-6 and INF-γ ở huyết thanh chuột AA , cao chiết EtOAc ba kích có tác dụng đứng thứ ba. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh với lô bệnh lý (P < 0,05 hoặc P < 0,01).

Kết luận: Ba kích chế với muối và cao chiết n-BuOH ba kích có hiệu quả chữa bệnh tốt nhất, tiếp đến là cao chiết EtOAc ba kích. Cơ chế của các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể là làm giảm hàm lượng TNF-α, IL-1β, IL-6 và INF-γ trong huyết thanh.

N. T. Phượng

BA KÍCH CẢI THIỆN NHỮNG BẤT THƯỜNG VỀ LH VÀ LHR GÂY RA BỞI BỨC XẠ TỪ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG TRÊN CHUỘT CỐNG ĐỰC

 

Li R và cs.

Zhonghua Nan Ke Xue, 2015 Sep;21(9):824-7

 

Mục tiêu: Khảo sát tác động của ba kích (MOH) lên nồng độ bất thường của hormon luteotrophic (LH) và  thụ thể của LH (LHR) trong mô tinh hoàn gây ra bởi bức xạ điện thoại trên chuột cống đực.

Phương pháp: 50 con chuột cống đực trưởng thành chủng SD được chia ngẫu nhiên thành 5 nhóm với số lượng chuột mỗi nhóm bằng nhau: Nhóm chứng CPR giả, không được điều trị CPR, chứng âm được cho uống nước cất hai lần (DDW), nhóm uống dịch chiết nước (MOH) và nhóm uống dịch chiết cồn. Tất cả các động vật đều được phơi nhiễm với bức xạ điện thoại di động trừ nhóm CPR giả. Các con chuột ở hai nhóm sau sẽ được cho uống dịch chiết MOH liều 20 g/kg cân nặng/ngày. Sau 2 tuần điều trị, chuột được giết và đo nồng độ LH huyết thanh và LHR tại mô tinh hoàn.

Kết quả: Nồng độ LH huyết thanh và LHR mô tinh hoàn ở nhóm được sử dụng dịch chiết nước MOH là 30,15 ± 8,71 và 33,28 ± 6,61; nhóm sử dụng dịch chiết cồn MOH là  0,96 ± 0,06 và 0,94 ± 0,08. Cả hai nhóm đều giảm so với nhóm chứng âm DDW (P<0,05), nhưng không có sự khác biệt giữa hai nhóm sử dụng MOH (P>0,05).

Kết luận: MOH có thể cải thiện những bất thường về LH và LHR gây ra bởi bức xạ từ điện thoại di động trên chuột cống đực.

P. T. Xuyến

TÁC DỤNG BẢO VỆ CỦA CÁC OLIGOSACCHARID

BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS) TRÊN CHUỘT CỐNG MẤT TRÍ NHỚ GÂY BỞI BETA-AMYLOID

 

Chen DL và cs.

Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, 2013 May;38(9):1306-9.

 

Mục tiêu: Nghiên cứu này được tiến hành để làm sáng tỏ tác dụng của các oligosaccharid ba kích (OMO) trên mô hình chuột cống gây suy giảm trí nhớ bởi β-amyloid, và nghiên cứu cơ chế tác dụng dược lý của các oligosaccharid trong điều trị chứng suy giảm trí nhớ.

Phương pháp: Chuột cống được tiêm Abeta25-35 10 microLg vào hai bên đồi hải mã để gây mô hình suy giảm trí nhớ. Chuột được chia thành các lô thí nghiệm: lô OMO liều 20 mg/kg, lô OMO  liều 60 mg/kg, lô bệnh lý, lô chứng sinh lý và lô đối chứng dương sử dụng donepezil HCl liều 0,125 mg/kg. Sau khi phẫu thuật 15 ngày, chuột được điều trị liên tục trong 25 ngày. Sử dụng bộ Kit để tiến hành định lượng super oxid dismutase (SOD), malondialdehyd (MDA), catalase (CAT), glutathion reductase (GSH-Px), acetylcholin (ACh), acetylcholinesterase (AChE) and Na+ /K+ -ATPase.

Kết quả: Kết quả cho thấy so với lô chứng bệnh lý, mô não của các lô chuột được điều trị có hàm lượng SOD, CAT, GSH-Px cao, và hàm lượng MDA thấp hơn. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy sự tăng hoạt độ của ACh và Na+/K+-ATPase ở các lô điều trị .

Kết luận: OMO giúp cải thiện chứng suy giảm trí nhớ trên chuột cống gây bởi β-amyloid bằng cách tăng cường khả năng chống oxy hóa, tăng cường chuyển hóa năng lượng ở não và phục hồi các tổn thương trên hệ cholinergic.

T.N.Hồng

 

BAJIJIASU ỨC CHẾ SỰ BIỆT HÓA CỦA HỦY CỐT BÀO BẰNG CÁCH ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU RANKL THÔNG QUA YẾU TỐ NF-κB VÀ NFAT

 

Hong G và cs.

Int J Mol Sci. 2017 Jan 19;18(1). pii: E203. doi: 10.3390/ijms18010203

 

Bệnh thoái hóa xương thường liên quan tới bệnh loãng xương, ung thư xương, hoại tử xương và viêm mạn tính. Nó liên quan tới quá trình tái hấp thu chất nền xương của các hủy cốt bào được hoạt hóa. Ức chế con đường tín hiệu RANKL có thể là một đích tác dụng hiệu quả cho việc ngăn cản quá trình biệt hóa hủy cốt bào và tái hấp thu xương. Bajijiasu là hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ ba kích có hoạt tính chống oxy hóa; tuy nhiên, tác dụng và cơ chế phân tử lên quá trình hình thành các hủy cốt bào và tái hấp thu xương còn chưa sáng tỏ. Nghiên cứu này cho thấy Bajijiasu ức chế quá trình hình thành hủy cốt bào và tái hấp thu xương gây bởi RANKL theo kiểu phụ thuộc liều từ 0,1 mM và đạt IC50 là 0,4 mM mà không có độc tính. Bajijiasu ức chế biểu hiện các marker phân tử đặc trưng cho tế bào hủy xương gồm cathepsin K (Ctsk), yếu tố nhân của tế bào T được hoạt hóa (NFATc1), tartrate kháng acid photphatase (TRAcP), H+-ATPase V0 phân lớp D2 (V-ATPase d2) và chất nền metalloproteinase-2 (MMP2) dưới tác dụng của RANKL. Nghiên cứu gen chỉ thị luciferase cũng cho thấy tùy thuộc vào liều Bajijiasu sử dụng sẽ làm giảm biểu hiện và hoạt động phiên mã của NFAT cũng như sự hoạt hóa NF-κB bởi RANKL. Ngoài ra, Bajijiasu còn làm giảm sự photphoryl hóa kinase điều hòa tín hiệu ngoại bào (ERK), các chất ức chế κB-α (IκB-α), NFAT và V-ATPase d2 gây bởi RANKL. Nghiên cứu đã làm sáng tỏ Bajijiasu có thể làm giảm quá trình hình thành hủy cốt bào và tái hấp thu xương thông qua con đường tín hiệu trung gian RANKL, điều đó cho thấy tiềm năng của Bajijiasu trong điều trị các bệnh về xương.

T.N.Hồng, N.T.Lê

 

 

CAO CHIẾT TỪ RỄ VÀ RỄ TƠ BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS) LÀM GIẢM VIÊM ĐẠI TRÀNG MÃN TÍNH TRÊN CHUỘT NHẮT TRẮNG GÂY BỞI DEXTRAN NATRI SULFAT THÔNG QUA CƠ CHẾ ĐIỀU HÒA QUÁ TRÌNH VIÊM VÀ QUÁ TRÌNH CHẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH CỦA TẾ BÀO LYMPHO

 

Liang J. và cs.

Front Immunol. 2017 Aug 2;8:905. doi: 10.3389/fimmu.2017.00905. eCollection 2017

 

Ba kích (Morinda officinalis) có tác dụng trong điều trị viêm đại tràng (IBD). Rễ tơ với sự ổn định di truyền và sinh hóa được nuôi cấy từ ba kích có thể có tác dụng tương tự trong việc điều trị căn bệnh này. Trong nghiên cứu này, thành phần hóa học chính trong cao chiết rễ ba kích tự nhiên (MORE) và cao chiết rễ tơ  ba kích (MOHRE) đã được so sánh bằng định lượng HPLC. Sự khác biệt về hiệu quả điều trị và cơ chế tiềm tàng của chúng được đánh giá thông qua việc sử dụng 3% dextran natri sulfat để gây viêm đại tràng mạn tính trên chuột và trên dòng tế bào lympho T. Kết quả chỉ ra rằng, MOHRE có nhiều pic đặc biệt mà không quan sát thấy trên sắc ký đồ của MORE. Thành phần iridoid trên MORE (3,10%) và trên MOHRE (3,01%) tương tự nhau nhưng khá khác nhau về hàm lượng antharquinon (0,14 và 0,66%). Mặc dù vậy, việc điều trị với MORE và MOHRE đều làm giảm đáng kể những triệu chứng của viêm đại tràng, bao gồm tiêu chảy, giảm cân, ngắn ruột, tổn thương mô học và đồng thời cũng làm giảm nồng độ các cytokin gây viêm. Thêm vào đó, chúng cũng làm tăng quá trình chết theo chu trình của tế bào lympho T phụ thuộc vào liều cả trên in vivo in vitro. Sự khác biệt trong điều trị viêm loét đại tràng của hai loại dịch chiết trên trong nghiên cứu này hầu như không đáng kể. Kết quả đã chứng minh rằng, hiệu quả của MORE và MOHRE trong điều trị viêm đại tràng là tương đương nhau, mặc dù có chút khác biệt trong thành phần hóa học, cho thấy rễ tơ được nuôi cấy từ  ba kích có thể thay thế rễ ba kích tự nhiên trong điều trị viêm đại tràng. Phát triển thành công việc nuôi cấy ổn định rễ tơ ba kích sẽ cung cấp một mô hình hệ thống để nghiên cứu con đường tổng hợp những chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học, điều này sẽ giúp cho việc sử dụng những tác nhân phản ứng sinh học để sản xuất ra các loại thuốc cổ truyển trở thành hiện thực.

T. T. H. Vân

TÁC DỤNG CỦA BAJIJIASU PHÂN LẬP TỪ CÂY BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS F.C.HOW) TRÊN CHỨC NĂNG SINH DỤC CỦA CHUỘT NHẮT ĐỰC VÀ TÁC DỤNG BẢO VỆ CHỐNG OXY HÓA TRÊN TINH TRÙNG NGƯỜI

 

Wu ZQ. và cs.

J Ethnopharmacol. 2015 Apr 22;164:283-92. doi: 10.1016/j.jep.2015.02.016. Epub 2015 Feb 14.

 

Cơ sở dược cổ truyền: Trong những năm gần đây, các khía cạnh sinh lý sinh sản của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự tương tác của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Khoảng 20 người đàn ông thì một người bị ảnh hưởng bởi vô sinh nam, tạo ra một thách thức lớn cũng là một cơ hội để sử dụng các hợp chất từ thiên nhiên để thay thế các loại thuốc hóa dược với nhiều tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, các chứng minh cơ chế tác dụng của hợp chất tự nhiên trong điều trị vô sinh nam còn chưa đầy đủ. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, ba kích (Morinda officinalis F.C. How) được sử dụng rộng rãi như một loại thảo dược kích thích thận và bổ dương để chống lại bệnh tật và điều trị vô sinh ở nam giới. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá xem liệu rằng bajijiasu được phân lập từ rễ cây ba kích có phải là một thuốc tiềm năng trong điều trị vô sinh ở nam.

Nguyên liệu và phương pháp: Trong nghiên cứu này, cả chuột bình thường và chuột có thận dương suy yếu được uống bajijiasu với các nồng độ khác nhau. Để xác định cơ chế tác dụng của bajijiasu, chúng tôi quan sát những hành vi tình dục và các cơ quan sinh dục, xác định nồng độ hormon trong huyết thanh, phân tích các thông số chất lượng của tinh trùng và kiểm tra các phần mô bệnh học của chúng. Chúng tôi cũng sử dụng các phân tích hoạt độ enzym để xác định ảnh hưởng của bajijiasu trên superoxid dismutase, glutathion peroxidase và malondialdehyd. Sử dụng kính hiển vi Confocal micro-Raman để tìm hiểu những sự thay đổi trong DNA của tinh trùng người đã bị gây tổn thương bởi H2O2 sau khi điều trị bằng bajijiasu in vitro.

Kết quả: Kết quả của chúng tôi đã chỉ ra rằng bajijiasu tăng cường những hành vi tình dục trên cả chuột bình thường và chuột có thận dương suy yếu. Nó cũng tăng đáng kể nồng độ testosteron, giảm nồng độ của cortisol, cải thiện chất lượng tinh trùng và chống lại sự suy yếu trong mô bệnh học gây ra bởi hydroxyurea ở chuột có thận dương suy yếu. Thí nghiệm sử dụng enzym và phổ Raman chỉ ra rằng bajijiasu bảo vệ DNA của tinh trùng người khỏi sự phá hủy của H2O2.

Kết luận: Bajijiasu là một thuốc tương tự androgen tiềm năng, có khả năng điều chỉnh nồng độ hormon ở một mức độ nào đó mà không làm tổn thương cơ quan sinh sản, làm tăng cường chức năng sinh dục của chuột đực và bảo vệ ADN của tinh trùng người khỏi sự tổn hại của H2O2. Do đó, bajijiasu là một thành phần hoạt tính của ba kích có thể cải thiện khả năng sinh sản ở người.

T. T. H. Vân

ANTHRAQUINON TỪ RỄ BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS) TĂNG CƯỜNG SỰ BIỆT HÓA MỠ

TRONG TẾ BÀO 3T3-L1

 

Liu Q. và cs.

Nat Prod Res. 2012;26(18):1750-4. doi: 10.1080/14786419.2011.608676. Epub 2011 Oct 18

 

Để tìm kiếm những sản phẩm từ thiên nhiên có khả năng điều trị đái tháo đường và làm tăng nhạy cảm với insulin, tác động trên sự biệt hóa mỡ đã được khảo sát thông qua đánh giá sự tích tụ chất béo trong tế bào tiền mỡ 3T3-L1 sử dụng phương pháp nhuộm Oil Red O. Chiết và phân lập dịch chiết n-hexan và CHCl3 bằng cách sử dụng phương pháp sắc ký đã thu được 3 anthraquinon bao gồm 1,2-dimethoxyanthraquinon (1), alizarin-2-methyl ether (2) và rubiadin-1-methyl ether (3). Trong số 3 chất đã phân lập được, alizarin-2-methyl ether (2) cho thấy hoạt tính tăng biệt hóa mô mỡ mạnh nhất, sau đó đến rubiadin-1-methyl ether (3) và cuối cùng là 1,2-dimethoxyanthraquinon (1). Ở nồng độ 100 µM, alizarin-2-methyl ether (2) tăng cường sự biệt hóa mỡ lên đến 131% (so sánh với tế bào được điều trị bằng insulin). Do đó, những hợp chất này có thể sử dụng trong điều trị đái tháo đường.

T. T. H. Vân

 

TÁC DỤNG CỦA DỊCH CHIẾT NƯỚC CÂY BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS F.C. HOW) TRÊN TRỤC VÙNG DƯỚI ĐỒI – TUYẾN YÊN – TINH HOÀN BỊ SUY YẾU BỞI VI SÓNG Ở CHUỘT CỐNG ĐỰC SPRAGUE-DAWLEY

 

Song B và cs.

Evid Based Complement Alternat Med. 2015;2015:360730. doi: 10.1155/2015/360730. Epub 2015 Sep 8.

 

Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng bảo vệ của dịch chiết nước cây ba kích trên khả năng sinh sản bị suy giảm do vi sóng ở chuột cống đực. Cho chuột phơi nhiễm với vi sóng có tần số 900 MHz ở mật độ 218μm/cm2 radiation, 24h/ngày trong 10 ngày. Chuột cống đực chủng Sprague-Dawley được chia ngẫu nhiên thành các nhóm: nhóm sinh lý, nhóm mô hình phơi nhiễm với vi sóng, hoặc uống cao phân đoạn nước hoặc cao phân đoạn ethyl acetat của dịch chiết nước ba kích 40 g/kg. Sau 2 tuần, hành vi sinh dục, nồng độ huyết thanh của các hormon GnRH, LH, FSH hoặc testosteron, phân tích mô bệnh học của tinh hoàn và mào tinh hoàn, và sự biểu hiện của protein GnRH trên vùng dưới đồi sẽ được đánh giá. Điều trị trước đó bằng dịch chiết nước liều 40 g/kg cải thiện biểu hiện sinh dục, tăng nồng độ testosteron huyết thanh, và giảm nồng độ LH và GnRH so với chuột mô hình phơi nhiễm với vi sóng (tất cả P <0,05). Việc điều trị với cao phân đoạn nước của dịch chiết nước làm tăng số lượng tinh trùng trong tinh hoàn và mào tinh hoàn. Sự biểu hiện protein của GnRH trong vùng dưới đồi giảm đi ở nhóm điều trị với cao phân đoạn nước này (P<0,05). Cao phân đoạn ethyl acetat của dịch chiết nước không cho thấy hiệu quả rõ ràng trên các thông số đo lường được. Những phát hiện này gợi ý rằng cao phân đoạn nước của dịch chiết nước 40 g/kg cải thiện sự suy giảm khả năng sinh dục gây ra bởi vi sóng.

N.T.Thúy, T.M.Thiên, N.L.Nhân & Đ.Anh Hoàng

 

TÁC DỤNG BẢO VỆ CỦA MONOTROPEIN (PHÂN LẬP TỬ RỄ MORINDA OFFICINALIS)

CHỐNG LẠI QUÁ TRÌNH APOPTOSIS VÀ CÁC ĐÁP ỨNG DỊ HÓA GÂY BỞI IL-1β TRÊN TẾ BÀO SỤN

CỦA KHỚP BỊ VIÊM

 

Wang F và cs.

Int Immunopharmacol, 2014, 23(2):575-580

 

Viêm xương khớp, có đặc điểm là sự mất sụn khớp cùng với chứng viêm, là bệnh thoái hoá liên quan đến tuổi tác phổ biến nhất. Monotropein, một glycosid iridoid được phân lập từ rễ của ba kích (Morinda officinalis How), đã được chứng minh là có hoạt tính chống viêm. Trong nghiên cứu này, monotropein có tác dụng đầu tiên là bảo vệ sụn bằng cách giảm tiết các cytokin tiền viêm trong dịch khớp gối in vivo. Các tác dụng của monotropein chống lại quá trình apoptosis và sự thoái hóa (dị hóa) của tế bào sụn khớp bị viêm trên chuột cống gây bởi IL-1β được nghiên cứu in vitro. Trong tế bào sụn nuôi cấy, monotropein làm giảm quá trình apoptosis phụ thuộc liều để đáp ứng với kích thích của IL-1β. Hơn nữa, khi điều trị bằng monotropein, biểu hiện của MMP-3 và MMP-13 giảm đạt ý nghĩa thống kê, sự biểu hiện của COL2A1 đã được tăng lên. Kết hợp các kết quả, những phát hiện này cho thấy rằng tác dụng của monotropein chống lại quá trình apoptosis và sự thoái hóa (dị hóa) của tế bào sụn khớp bị viêm có thể hỗ trợ vai trò điều trị của nó trong viêm xương khớp.

C.T.M.Duyên, N.T.T. Hương

 

MONOTROPEIN CHIẾT TỪ RỄ BA KÍCH LÀM TĂNG SỰ HÌNH THÀNH NGUYÊN BÀO XƯƠNG VÀ NGĂN NGỪA MẤT XƯƠNG Ở CHUỘT CÁI GIẢM NĂNG SINH DỤC

 

Zhang Z và cs.

Fitoterapia, 2016, 110:166-172

 

Monotropein là một iridoid glycosid tự nhiên được phân lập từ ba kích và đã được sử dụng cho mục đích y học ở Trung Quốc. Nghiên cứu này đã khảo sát một cách có hệ thống các tác động của monotropein trên mô hình gây loãng xương do cắt buồng trứng (OVX) ở chuột nhắt trắng và ảnh hưởng lên nguyên bào xương MC3T3-E1 in vitro. Chuột nhắt trắng cái 8 tuần tuổi chủng C57/BL6 được sử dụng trong nghiên cứu để đánh giá những tác động bảo vệ xương của monotropein. Kết quả cho thấy việc sử dụng monotropein (40 hoặc 80 mg/kg/ngày) trong 4 tuần có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ xương như gia tăng lượng chất khoáng trong xương (BMC),  mật độ khoáng xương (BMD), tỉ trọng xương (BVF) và cải thiện vi cấu trúc xương. Monotropein cũng tăng cường những chỉ tiêu về cơ học, bao gồm sức tải tối đa, khả năng chịu áp lực tối đa, và hệ số mô-dun đàn hồi của xương đùi chuột bị cắt giảm buồng trứng. Bên cạnh đó, việc điều trị với monotropein làm giảm nồng độ trong máu của interleukin 1 (IL-1), interleukin 6 (IL-6) và chất hoạt hóa thụ thể của phối tử NF-κB (sRANKL) trên chuột OVX. Nghiên cứu cũng đánh giá những tác động của monotropein trên sự phát triển và biệt hóa của những nguyên bào xương MC3T3-E1 in vitro. Sau khi ủ trong 48 giờ, sự tăng sinh tế bào được tăng lên ở nồng độ 10 μM, 25 μM, 50 μM và 100 μM. Hoạt độ ALP tăng đáng kể sau khi điều trị bằng monotropein trong 72 giờ. Các phân tích định lượng với thuốc nhuộm đỏ alizarin cho thấy sự khoáng hóa của những tế bào MC3T3-E1 tăng đáng kể sau khi điều trị bằng monotropein trong 28 ngày. Căn cứ vào những kết quả đó, monotropein có thể là một hoạt chất tiềm năng cho việc phòng ngừa và điều trị loãng xương.

M.T.Chung & H.Q.Thanh, N.H.Vân, N.T.Thúy

 

CÁC OLIGOSACCHARID LOẠI INULIN DƯỢC CHIẾT 
TỪ BA KICH (MORINDA OFFICINALIS), MỘT LOẠI THUỐC ĐÔNG Y, CÓ TÁC DỤNG CẢI THIỆN SỰ SUY GIẢM HÀNH VI TRÊN MÔ HÌNH ĐỘNG VẬT GÂY HỘI CHỨNG RỐI LOẠN STRESS SAU SANG CHẤN

 

 

Qiu ZK và cs.

Metab Brain Dis., 2016, 31(5):1143-1149

 

Hội chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một bệnh tâm thần nặng. Sự sinh tổng hợp allopregnanolon là một trong những yếu tố gây nên hội chứng PTSD. Các oligosaccharid loại inulin được chiết từ ba kích (IOMO) cho thấy có hiệu quả trong điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, nghiên cứu liên quan đến tác dụng chống PTSD của IOMO còn ít. Để đánh giá khả năng chống PSTD, mô hình stress cô lập kéo dài (SPS) đã được sử dụng trong nghiên cứu. Nghiên cứu cho thấy rằng IOMO (25 và 50 mg/kg, tiêm phúc mạc) có tác dụng cải thiện sự suy giảm hành vi của chuột cống trắng bị stress, như làm đảo ngược sự tăng thời gian đông cứng của chuột trên mô hình sợ hãi có điều kiện (CFP), làm giảm thời gian và số lần vào cánh tay mở trên thực nghiệm mê cung chữ thập nâng cao (EPM) nhưng không ảnh hưởng đến khả năng vận động tự nhiên của chuột trên mô hình môi trường mở (OF). Ngoài ra, sự giảm nồng độ allopregnanolon trong vỏ trước thùy trán, vùng đồi hải mã và vùng hạch hạnh nhân của chuột SPS được đảo ngược bởi IOMO (25 và 50 mg/kg, tiêm phúc mạc). Tóm lại, nghiên cứu cho thấy rằng IOMO có tác dụng kháng lại các thay đổi hành vi của chuột trên thực nghiệm giống hội chứng rối loạn stress sau sang chấn và theo cơ chế liên quan đến sinh tổng hợp allopregnanolon trong não.

 

Đ.T.Mộng & T.M.Tiên, P.T.Xuyến

TÁC DỤNG CỦA POLYSACCHARID CHIẾT XUẤT TỪ BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS) TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG BỊ GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH THỰC NGHIỆM

Zhang L và cs.

Evid Based Complement Alternat Med., 2016, Vol 2016

 

Ba kích (Morinda officinalis) là một loại thảo dược giúp bổ thận và tráng dương được sử dụng lâu đời tại Trung Quốc. Trong nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát tác dụng của hợp chất polysaccharid chiết xuất từ ba kích (MOP) trên chuột cống trắng trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thực nghiệm. Kết quả cho thấy rằng giãn tĩnh mạch thừng tinh làm thay đổi cấu trúc các biểu mô của ống sinh tinh và giảm sự biểu hiện protein TJ (Occludin, Claudin-11, và ZO-1), làm giảm nồng độ testosteron (T) trong mô tinh hoàn bên trái và trong huyết thanh, giảm nồng độ inhibin B trong huyết thanh (INHB), làm tăng nồng độ các cytokin (TGF-β3 và TNF-α) trong mô tinh hoàn trái, làm tăng nồng độ trong huyết thanh của các hormon kích thích giải phóng gonadotropin (GnRH), hormon kích thích nang trứng (FSH), hormon kích thích thể vàng (LH) và kháng thể kháng tinh trùng (AsAb). Hợp chất polysaccharid chiết xuất từ ba kích giúp sửa chữa biểu mô của ống sinh tinh bị tổn thương và TJ, làm giảm các cytokin (TGF-β3 và TNF-α) cũng như nồng độ các hormon FSH, LH và AsAb trong huyết thanh. Đồng thời, MOP điều hòa tăng biểu hiện protein TJ, làm tăng nồng độ testosteron ở mô tinh hoàn trái và trong huyết thanh; tăng INHB trong huyết thanh. Tóm lại, nghiên cứu cho thấy hợp chất polysaccharid chiết xuất từ ba kích thúc đẩy sự sinh tinh trùng và chống lại các tổn thương gây bởi giãn tĩnh mạch thừng tinh trên biểu mô ống dẫn tinh và protein TJ, thông qua cơ chế làm giảm nồng độ các cytokin (TGF-β3 và TNF-α) và điều hòa nồng độ bất thường của các hormon ở chuột cống trắng bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thực nghiệm.

N.H.Minh, N.T.T. Hương, N. T. Phượng

ĐÁNH GIÁ VÀ ĐỊNH LƯỢNG 11 HỢP CHẤT TRONG BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS) BẰNG PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ LỎNG SIÊU HIỆU NĂNG VÀ NHẬN BIẾT BẰNG DETECTOR DÃY DIOD QUANG (PDA)

CÓ TÍCH HỢP HÓA TIN

 

Xiangsheng Zhao 1 và cs.

Journal of Separation Science

 

Ba kích Morinda officinalis (Rubiaceae) là một vị thuốc y học cổ truyền Trung Quốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị yếu sinh lý và loãng xương. Nghiên cứu này đã phát triển và đánh giá một phương pháp nhanh và đơn giản sử dụng sắc ký lỏng siêu hiệu năng sử dụng detector PDA để định lượng đồng thời 11 hợp chất có tác dụng sinh học trong ba kích. Phương pháp này đã được đánh giá hệ số tương quan (R2> 0,9991), độ đúng, độ lặp lại, giới hạn phát hiện, giới hạn định lượng và độ chính xác (với tỷ lệ thu hồi nằm trong khoảng 94,21 và 100,38%). Các kết quả định lượng cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các nồng độ của các hợp chất được chọn. Ngoài ra, các phương pháp chemometric, bao gồm sự phân loại, phân tích thành phần chính và phương pháp phân tích biệt thức nhỏ nhất từng phần đã được áp dụng để so sánh và sắp xếp 25 nhóm mẫu ba kích dựa trên dữ liệu của các chất được phân tích. Tất các các mẫu được phân loại thành 2 nhóm: Các mẫu ở Hải Nam và các mẫu từ các nguồn khác. Định lượng đồng thời các hợp chất sử dụng phương pháp đã xây dựng kết hợp với phân tích dữ liệu đã thành công trong việc so sánh và đánh giá chất lượng của ba kích.

H.T.T.Nga

 

ẢNH HƯỞNG CỦA VIÊN NANG CỨNG BA KÍCH LÊN BỆNH LOÃNG XƯƠNG Ở CHUỘT BỊ CẮT TỬ CUNG

 

Ye LI và cs.

Chinese Journal of Natural Medicines, Vol 12, No 3, March 2014, : 204-212

Mục đích: Đánh giá hiệu quả điều trị của viên nang ba kích (MOP) trên loãng xương ở những con chuột bị cắt buồng trứng.

Phương pháp: Chuột cái Sprague-Dawley 6 tháng tuổi gây loãng xương sau mãn kinh (PMOP) bằng phương pháp cắt bỏ hai bên buồng trứng và chia thành bảy nhóm như sau: nhóm điều trị placebo, nhóm chứng chuột bị cắt buồng trứng( OVX), nhóm OVX điều trị bằng xianlinggubao (XLGB) (270 mg/kg/ngày), nhóm OVX điều trị bằng alendronate natri (ALN) (3 mg/kg/ngày), và nhóm OVX điều trị với viên nang Ba kích (MOP) ở các liều  (90, 270 và 810 mg/kg/ngày). Các phương pháp điều trị qua đường uống được thực hiện hàng ngày vào tuần thứ 4 sau khi cắt bỏ tử cung và kéo dài 12 tuần. Mật độ xương được đánh giá bằng phương pháp hấp thụ tia X năng lượng kép. Các acid phosphatase kháng tartrate (TRAP), alkaline phosphatase (AKP), và mức osteocalcin (OC) trong huyết thanh và huyết tương được xác định bằng các phương pháp chuẩn độ màu và xét nghiệm miễn dịch enzym. Các đặc tính sinh hóa và các thông số hình thái học được phân tích bằng phép đo uốn ba điểm và mô học tương ứng.

Kết quả: Viên nang ba kích ở tất cả các liều có thể ngăn ngừa đáng kể việc mất khối lượng xương bởi OVX gây ra do giảm dần nồng độ AKP và TRAP trong huyết thanh trong khi nồng độ OC thì tăng trong huyết tương. Viên nang ba kích cũng làm tăng cường chắc xương và ngăn ngừa sự hư hỏng của cấu trúc vi mô.

Kết luận: Viên nang ba kích có khả năng chống loãng xương mạnh ở chuột OVX do đó có thể là một liệu pháp điều trị hiệu quả cho chứng loãng xương sau mãn kinh.

Đ.T.T.Hà

 

CHIẾT TÁCH CÁC HỢP CHẤT THEO ĐỊNH HƯỚNG

 TÁC DỤNG ỨC CHẾ ALZHEIMER TỪ CÂY BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS)

 

Yoon Kyoung Lee và cs.

Molecules. 2017 Sep 29; volume 22(issue 10). pii: E1638

Do các tác dụng không mong muốn của thuốc tổng hợp, sản phẩm tự nhiên có khả năng điều trị bệnh Alzheimer thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Morinda officinalis đã chứng minh được những tác động ức chế trên các bệnh lão hóa, chẳng hạn như loãng xương. Tuy nhiên, mặc dù Alzheimer là một bệnh lão khoa, M. officinalis vẫn chưa được đánh giá hoạt tính sinh học chính thức trên bệnh Alzheimer. Từ đó, nghiên cứu này kiểm tra tác dụng của các chất chiết xuất từ M. officinalis liên quan đến bệnh Alzheimer, bao gồm tác dụng ức chế acetylcholinesterase (AChE), butyrylcholinesterase (BChE), enzyme cắt protein amyloid β-site 1 (BACE1) và sự hình thành sản phẩm glycate hóa bền vững (AGE ). Cách tiếp cận nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học đã dẫn đến sự phân lập của 10 hợp chất hoạt tính, 8 anthraquinon (1 - 8), một coumarin  (9) và một phytosterol (10), từ n-hexan và etyl axetat của M. officinalis. Năm chất antraquinon (4 - 8) là chất ức chế AChE mạnh hơn so với các hợp chất khác. Các hợp chất 3 và 9 là các chất ức chế tốt của BChE, và các hợp chất 3 và 8 là các chất ức chế tốt của BACE1. Hợp chất 1 - 5 và 7 – 9 hoạt động mạnh mẽ hơn so với kiểm soát dương tính trong việc ức chế sự hình thành AGE. Ngoài ra, trước tiên chúng tôi đề xuất một mối liên hệ cấu trúc - hoạt động mà theo đó các chất antraquinon ức chế AChE và BACE1. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra hiệu quả phòng  và điều trị của M. officinalis đối với bệnh Alzheimer và khả năng tiềm năng của nó như một loại thuốc tự nhiên thay thế các thuốc tổng hợp.

N.T.T.Hoài

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA MẬT ĐỘ TRỒNG VÀ LIỀU LƯỢNG PHÂN NPK ĐẾN NĂNG SUẤT

VÀ CHẤT LƯỢNG HẠT GIỐNG CÂY BA KÍCH  (MORINDA OFFICINALIS HOW)

 

Phạm Xuân Luôn và cs.

Tạp chí Khoa học, Khoa học Nông lâm ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức. 8-2015; 25:69-77

 

Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên đầy đủ với 9 công thức và 3 lần nhắc lại. Ở mật độ trồng 6,969cây/ha tương đương với khoảng cách 1,2 x 1,2 m với liều lượng 400kg NPK/ha cho năng suất hạt giống đạt mức cao nhất (12,45kg hạt/ha) và chất lượng hạt giống tăng lên đáng kể: Tỷ lệ hạt chắc trên tổng số hạt đạt 83,44±5,91%; P1000 hạt đạt 50,72±5,61g và tỷ lệ hạt nảy mầm đạt 91,68±2,72.

T. T.Nghĩa

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG KÍCH PHÁT TỐ CHO HOA TRÁI ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG HẠT GIỐNG CÂY BA KÍCH 

 

Phạm Xuân Luôn và cs.

Tạp chí Khoa học, Khoa học Nông lâm ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức. 8-2015; 25:78-86

 

Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 công thức và 3 lần nhắc lại. Các công thức thí nghiệm được bố trí ở cùng khoảng cách trồng 1,2 x1,2m, cùng mức phân bón là 400kgNPK/ha (5:8:5) đã cho kết quả với liều lượng 0,25kg chất điều hoà sinh trưởng + 500 lít nước/ha năng suất hạt giống tăng cao đạt 15,98- 21,05kg (khi cây 5- 6 tuổi). Chất lượng hạt giống được cải thiện tốt lên rất nhiều, theo đó tỷ lệ cây kết quả: 23,68-28,08%; Tỷ lệ khối lượng hạt trên quả: 30,44-32,50%; Tỷ lệ hạt chắc: 72,70-75,45%; Khối lượng 1000 hạt: 50,35-53,17; Khối lượng hạt trên cá thể: 9,77-10,85g; Tỷ lệ nảy mầm của hạt: 91,85-92,33%.

T. T. Nghĩa

 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU GIEO ƯƠM HẠT GIỐNG BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS HOW)

PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN

 

Phạm Xuân Luôn và cs.

Tạp chí Khoa học, Khoa học Nông lâm ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức. 8-2016; 30:41-50

 

Kỹ thuật gieo ươm hạt giống ba kích thật sự ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây giống ở vườn ươm: Hạt tươi có tỷ lệ mọc mầm cao nhất (82,41%), thời gian hạt mọc mầm ngắn nhất (bắt đầu 49 ngày, kết thúc 57 ngày). Gieo hạt trên luống có tỷ lệ mọc mầm cao nhất (79,16%), thời gian mọc mầm của hạt ngắn nhất (bắt đầu 47 ngày, kết thúc 58 ngày), cây sinh trưởng, phát triển nhanh nhất khi cây 8-10 tháng tuổi (cây cao 65,62cm, đường kính gốc 0,42cm, số lá thật 7,21 đôi). Khoảng cách gieo hạt tốt nhất: 10x5cm, khi cây 8-10 tháng tuổi năng suất cây giống cao nhất 1,.357.600 cây/ha có chiều cao cây 66,38cm, đường kính gốc 0,4cm, số lá thật 8,65 đôi. Thời vụ gieo hạt tốt nhất từ tháng 12 đến tháng 01, tỷ lệ mọc mầm của hạt cao nhất (75,16-83,47%), thời gian mọc mầm ngắn nhất (bắt đầu 48 ngày, kết thúc 70 ngày), chiều cao cây 80,23-82,30cm, có 8,67-9,50 đôi lá thật (tiêu chuẩn xuất trồng). Liều lượng phân bón tổng hợp cho năng suất cây giống cao nhất (1.435.100-1.447.000 cây/ha) với tiêu chuẩn là chiều cao cây giống 67,65cm, đường kính gốc 0,4cm, số lá thật 9,25 đôi.

T. T.Nghĩa

 QUY TRÌNH  NHÂN GIỐNG IN VITRO CÂY BA KÍCH

 

Hoàng Thị Thế và cs.

Tạp chí Khoa học và Phát triển 2013, tập 11, số 3: 285-292 www.hua.edu.vn

 

Nghiên cứu được tiến hành nhằm xây dựng quy trình nhân giống in vitro cây ba kích (Morinda officinalis How) từ vật liệu đoạn thân. Trên môi trường MS + 0,25 mg/l kinetin + 1,0 mg/l BA, 96,6% đoạn thân ba kích cảm ứng tạo chồi sau 30 ngày nuôi cấy. Hệ số nhân chồi đạt cao nhất (10,13 lần) sau 45 ngày nuôi cấy trên môi trường MS + 3,0 mg/l BA + 0,2 mg/l IBA +10,0 mg/l Riboflavin. Môi trường thích hợp để cảm ứng tạo rễ cho chồi in vitro là ½ MS + 0,2 mg/l IBA và 0,4 g/l. Tỷ lệ chồi tạo rễ đạt 100%, số rễ trung bình đạt 3,5 rễ/chồi sau 30 ngày nuôi cấy. Cả in vitro sau tạo rễ 35 ngày tỏ ra là thích hợp nhất để chuyển ra trồng ở vườn ươm. Trên giá thể hữu cơ gồm 50% bột dừa và 50% phế liệu sản xuất nấm ăn, tỷ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng phát triển tốt.

                                                                                         H.V. Hòa

TÁC DỤNG VÀ CƠ CHẾ CỦA POLYSACCHARID CHIẾT XUẤT TỪ BA KÍCH

TRONG QUÁ TRÌNH THOÁI HÓA TẾ BÀO XƯƠNG (SỤN) GÂY RA BỞI IL-1β

 

Zhang Ru-guo 1 và cs.

Baoji Traditional Chinese Medicine Hospital, PR China, Chấp nhận ngày: 22 tháng 5 năm 2017

 

Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả và cơ chế của hợp chất polysaccharid chiết xuất từ liệu ba kích trong quá trình thoái hóa tế bào xương (sụn) và tế bào chết gây ra bởi IL (Interleukin) -1 β .

Vật liệu và phương pháp: Tế bào sụn được chia ngẫu nhiên thành 5 nhóm, nhóm đối chứng, IL-1 beta (50 μg / ml IL-1 β trong chondrocyte trong 24 giờ), nhóm polysaccharide tách từ ba kích (2 μg / ml,5 μg / ml và 10 μg / ml trong quá trình thoái hóa tế bào xương (sun). Tỷ lệ tế bào chết của năm nhóm được tính toán và sự biểu hiện tương đối của Bcl-2 (B cell bạch cầu 2), Bax(Bcl-2 Associated X Protein) và Caspase 9 là số lượng theo PCR và Western-blot. Bộ Elisa đã được sử dụng để đo sự biểu hiện của iNOS trong mỗi nhóm.

Kết quả: 50 μg / ml IL-1 β có thể làm tăng đáng kể iNOS và tỷ lệ tế thoái hóa bào chết xương (sun) so với nhóm vật chứng ,và sự khác biệt đó có ý nghĩa thống kê (p <0,05), 10 μg / ml polysaccharid tách từ ba kích có thể làm giảm đáng kể các cấp độ quá trình thoái hóa và nồng độ iNOS, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <0,05). Biểu thức biểu hiện gen và biểu hiện protein của Bax và Caspase 9 trong nhóm IL-1 β cao hơn nhóm đối chứng, và nhóm Bcl-2 thấp hơn nhóm đối chứng, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <0,05). Polysaccharid từ ba kích trong 10 μg / ml có thể làm giảm đáng kể biểu hiện gen và biểu hiện protein của Bax và Caspase 9 và giảm biểu hiện của Bcl-2, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <0,05).

Kết luận: Polysaccharid tách từ ba kích có thể làm tăng sự biểu hiện của Bcl-2, làm giảm biểu hiện của Bax và Caspase 9, do đó có thể ngăn chặn sự thoái hóa tế bào xương (sụn) gây ra bởi IL-1 β .

T. T. Nghĩa

NGHIÊN CỨU BẢO QUẢN IN VITRO BA KÍCH ( MORINDA OFFICINALIS)

 

Li Feng và cs.

Guihaia (2008) Vol 1

 

Tác động của dinh dưỡng khoáng, đường sucrose và chất điều hòa thực vật (CCC, PP333, ABA, MH) ở các nồng độ khác nhau trong việc bảo quản in vitro ba kích - Morinda officinalis đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy các ống cây con Morinda officinalis có thể bảo quản trong 360 ngày trong môi trường MS, 1/2MS và 1/4MS với tỷ lệ sống sót là 90%. Khi nồng độ sucrose trong môi trường là 20~40g/l, các cây con phát triển tốt và vẫn có thể bảo quản lâu dài. Các chồi bên sản sinh khi sự sinh trưởng của chồi đỉnh và lá bị ức chế bởi các chất điều hòa sinh trưởng tương ứng. Môi trường PP333 giúp sản sinh cây con khỏe mạnh và toàn vẹn. Trong môi trường PP3330.5 ~ 1.0 mg/L + 1/2MS, các ống cây con có thể được bảo quản trong 480 ngày với tỷ lệ sống 100%.

 

Đ.M.Tú

PHƯƠNG PHÁP TRỒNG MORINDA OFFICINALIS TRÊN ĐẤT SỎI ĐÁ

 

Zhong Jinghai

Sáng chế CN 104855252 A

Bằng sáng chế Văn phòng Sở hữu trí tuệ Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cấp ngày 26 tháng 8 năm 2015

 

Sáng chế công bố phương pháp trồng ba kích - Morinda officinalis trên đất sỏi đá. Sáng chế này bao gồm các phương pháp chuẩn bị đất và trồng cây giống ba kích từ hạt. Chuẩn bị đất: Các hốc đá tự nhiên được đào rộng để trồng cây, kích thước của các hố trồng là 20-40 cm x 20-40 cm, chiều sâu là 30-40 cm; mùn cưa được rải ở đáy hố dày 5-8 cm, các khoảng trống trong các hố được lấp đầy bằng mùn cưa; trên lớp mùn cưa là lớp đất dinh dưỡng dày 5-25cm; đất dinh dưỡng được trộn theo tỷ lệ về trọng lượng gồm: 20-30 phần cát dưới đáy sông,130-150 phần đất acid humic, 20-30 phần tro cây, 10-20 phần bã mía và 5-9 phần đất sét attapulgite. Cây giống ba kích từ hạt được đặt trong các hố trồng, lấp đất dinh dưỡng cao hơn miệng hố khoảng 2-4 cm; có thể trồng cây giống từ hạt của loài Pseudo-ginseng xung quanh trong các hố trồng.

 

Đ.M.Tú

PHƯƠNG PHÁP NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH TỪ HOM THÂN BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS )

 

Huang Zhenzhong

Sáng chế CN 104041319 A

Bằng sáng chế Văn phòng Sở hữu trí tuệ Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cấp ngày 17 tháng 9 năm 2014

 

Đối tượng: Sáng chế này cung cấp phương pháp đơn giản, giữ được các hoạt chất của cây ba kích (Morinda officinalis) hoang dại, cây nhân giống vô tính từ hom sinh trưởng nhanh.

Giải pháp kỹ thuật: Phương pháp gồm các giải pháp kỹ thuật sau:

1. Theo dõi hàng năm, lựa chọn cây không có sâu bệnh, thu thập phần cành bánh tẻ, cắt thành các đoạn hom dài từ 20 đến 30 cm, có 2 đến 3 mắt; 2. Ngâm hom trong chất điều hòa sinh trưởng NAA hoặc IBA trong 6 ~ 10 giờ, nồng độ 160mg/L ~ 190mg/L; 3. Tạo rãnh sâu 18 cm trên nền cát, hom được đặt xiên trong rãnh nghiêng 40 độ, lấp cát, độ sâu của đoạn hom ngập trong cát bằng hai phần ba chiều dài hom, khoảng cách giữa các hom là 13 cm hoặc hơn;

4. Tưới đẫm hai lần một ngày, đảm bảo nước được giữ trong đất từ 55% đến 60%.; 5. Che nắng bằng lưới, tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ nhà lưới từ 26°C ~ 30°C; lưới được mở ra dần; 6. Khi hom ra rễ có thể bỏ lưới che nắng. Sau 60 ngày có thể đem cây ra trồng.

Đ.M.Tú

NUÔI CẤY MÔ VÀ CẢM ỨNG TẠO ĐA BỘI CÂY BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS)

 

Lin M và cs.

Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, (2011);36(17):2325-8

 

Mục tiêu: Thiết lập được một quy trình hiệu quả để tái sinh và cảm ứng tạo cây ba kích đa bội thể.

 Phương pháp:  Callus được tạo thành từ những mô chưa trưởng thành của cây ba kích và gây cảm ứng tạo đa bội bằng cách xử lý colchicin. Số lượng nhiễm sắc thể được đo bằng máy đo đa bội.

Kết quả và kết luận: Tỉ lệ cảm ứng tạo đa bội cao nhất là 18,40%, thu được trên công thức xử lý mẫu bằng 500 mg/l colchicin trong 5  ngày. Rễ cây đa bội lớn hơn so với rễ cây nhị bội. Việc sử dụng phôi chưa trưởng thành làm mẫu có những ưu điểm như dễ khử trùng, tỷ lệ cảm ứng tạo callus cao hơn và mức độ phản biệt hóa thấp. Cảm ứng tạo đa bội có thể mang lại hiệu quả cao cho việc mở rộng diện tích canh tác cây ba kích.

 V.T.H. Trang

NGUYÊN NHÂN CẠN KIỆT NGUỒN TÀI NGUYÊN CÂY BA KÍCH HOANG DẠI Ở HUYỆN YONGDING

VÀ Ý TƯỞNG TRỒNG CÂY DƯỚI TÁN RỪNG

 

Lin Ren-chang

Modern Agricultural Science and Technology, 2013-11

 

Từ cuộc điều tra thực trạng về cây ba kích ở huyện Yongding County, nguyên nhân cạn kiệt nguồn ba kích hoang dại đã được phân tích, và các ý tưởng kỹ thuật trồng cây ba kích dưới tán rừng đã được đề xuất. Phân tích đầu vào đầu ra của các mô hình trình diễn cho thấy, thời gian thu hồi vốn là 5,6 năm (thời gian thực hiện mô hình), tỷ lệ lợi nhuận của vốn đầu tư hàng năm là 26,8%. Như vậy, dự án trồng ba kích dưới tán rừng có xu hướng chống được tia bức xạ mạnh, ngăn ngừa rủi ro và có lợi ích kinh tế tốt hơn.

V.T.H. Trang

PHÂN TÍCH ĐẶC ĐIỂM QUẦN XÃ THỰC VẬT VÀ SỰ ĐA DẠNG LOÀI TRONG RỪNG BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS) THỨ SINH Ở TỈNH PHÚC KIẾN

 

Huang Y. và cs.

Strait Pharmaceutical Journal, 2009-11

 

Các đặc điểm về cấu trúc không gian quần xã, thành phần loài, giá trị quan trọng của loài và sự đa dạng của quần xã rừng ba kích thứ sinh ở huyện Yongding đã được phân tích. Kết quả chỉ ra rằng số lượng loài ít, quần xã phân tầng theo chiều thẳng đứng rõ rệt, cấu trúc được lồng ghép và thành phần loài phong phú ở giai đoạn đầu khôi phục lại rừng ba kích thứ sinh. Các loài chiếm ưu thế thuộc quần xã chỉ bao gồm: thanh mai đỏ (Myrica rubra) và tô hạp (Altingia chinensis) ở tầng cây gỗ; kim cang lá thuôn (Smilax lanceifolia), cơm nguội (Ardisia japonica) ở tầng cây bụi; và guột cứng (Dicranopteris linearis), tóc vệ nữ (Adiantum capillus-veneris) ở tầng cây thân thảo. Tầng cây thân bụi dồi dào nhất, còn tầng cây gỗ thì tương đồng nhất; theo chỉ số đa dạng Shannon-wiener, tầng cây gỗ được tính là tầng đầu tiên, tiếp theo là tầng cây thân bụi và tiếp đến là tầng thảo mộc. Tuy nhiên, vì có khá nhiều loài quý hiếm nằm trong tầng cây thân gỗ và loài chiếm ưu thế của tầng thảo mộc là guột cứng, do vậy kết quả chỉ số đa dạng theo Simpson đã phân loại ngược lại.

V.T.H.Trang

NUÔI CẤY MÔ VÀ NHÂN NHANH CÂY BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS HOW.)

 

Huang N. và cs.

Guihaia, 2007-01

 

Kỹ thuật nuôi cấy mô và nhân nhanh cây ba kích đã được nghiên cứu bằng cách sử dụng vật liệu nuôi cấy là đỉnh chồi và thân non. Mẫu được nuôi cấy trên các môi trường MS khác nhau có bổ sung các loại và nồng độ chất điều hòa sinh trưởng khác nhau. Kết quả cho thấy, phương pháp khử trùng thích hợp là tráng cồn 70% trong 60 giây, sau đó ngâm mẫu trong dung dịch HgCl2 0,1% trong 10 phút. Sử dụng thân non làm mẫu cho phản ứng tốt hơn so với mẫu cấy là đỉnh chồi. Môi trường cảm ứng chồi hiệu quả và thích hợp cho giai đoạn tái sinh là môi trường MS + 0,05 mg/l IBA + 1,0 mg/l BA ; môi trường MS + 0,2 mg/l IBA + 1,0 mg/l BA là môi trường tạo cụm chồi    hiệu quả và thích hợp với giai đoạn tăng sinh và cấy truyền, hệ số nhân giống thu được là 6,0 sau mỗi 50 ngày nuôi cấy; môi trường tạo rễ tối ưu nhất là môi trường 1/2 MS + 0,4-0,8mg/l IBA, cho tỷ lệ tạo rễ đạt 100%. Cây con có rễ được giâm vào cát hoặc đất trộn với trấu hun cho tỷ lệ sống cao, đạt 90%.

V.H.Sâm

 

 

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

 VÀ PHƯƠNG PHÁP NHÂN GIỐNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG CÂY BA KÍCH  (MORINDA OFFICINALIS)

 

Lin M. và cs.

Subtropical Agriculture Research, 2009-01

 

Cây giống ba kích có nguồn gốc từ các phương pháp nhân giống khác nhau: nhân giống bằng hạt, nhân giống bằng hom và nhân giống bằng nuôi cấy mô đã được trồng để theo dõi trong thí nghiệm này. Các đặc điểm sinh học của chúng đã được quan sát, chất lượng và tỷ lệ sống của cây cũng đã được thu thập. Sau thời gian 5 năm, thu hoạch dược liệu, kết quả cho thấy đường kính rễ, trọng lượng khô và hàm lượng anthraquinon của cây ba kích được nhân từ hom cao hơn so với cây nhân bằng các phương pháp khác, và tỷ lệ sống của cây nuôi cấy mô đạt cao nhất.

V.H.Sâm

 

HỆ THỐNG VI NHÂN GIỐNG HIỆU QUẢ CÂY BA KÍCH (MORINDA OFFICINALIS HOW. (RUBIACEAE),

MỘT LOÀI CÂY THUỐC ĐANG BỊ ĐE DỌA

 

Zh. Ch. Deng và cs.

J. Agr. Sci. Tech, (2015) Vol. 17: 1609-1618 1609

 

Công trình nghiên cứu này đã thiết lập được một hệ thống tái sinh và nhân giống hiệu quả nhờ cơ quan hóa trực tiếp đối với cây ba kích, một loài cây thuốc có giá trị đang bị đe dọa. Ảnh hưởng của loại mẫu nuôi cấy đến cảm ứng tạo chồi; của chất điều hòa sinh trưởng thực vật đến sự kéo dài, đến hệ số nhân chồi; và khả năng tạo rễ của chồi đã được nghiên cứu. Trong các loại mẫu khác nhau, mẫu cấy là ngọn chồi và đốt thân cho tỷ lệ tạo cụm chồi cao, đạt 95%, với hệ số nhân chồi là 5 chồi/mẫu sau 8 tuần nuôi cấy trên môi trường tối ưu. Trong khi đó, mẫu cấy là lá và lóng thân không sản sinh chồi nào. Cytokinin hiệu quả nhất đối với sự hình thành cụm chồi là 6-benzyladenin (BA). Ở nồng độ 1,0 - 2,0 mg/l BA thu được số chồi ba kích cao nhất (khoảng 5 chồi/1 mẫu cấy). Chồi được kéo dài thành công khi được nuôi cấy trên môi trường cơ bản Murashige & Skoog (MS) có chứa 2,0 - 3,0 mg/l GA3 sau 2 tuần. 100% chồi tạo rễ trên môi trường 1/2 MS có chứa 0,2 mg/l IBA sau 3 tuần nuôi cấy. Cây con được huấn luyện thích nghi trong vườn ươm và sau đó được đưa ra trồng ngoài đồng ruộng cho tỷ lệ sống đạt 90%.

V.H.Sâm, Đ.M.Tú

SO SÁNH HÌNH THÁI CÁC GIỐNG BA KÍCH (RADIX MORINDAE OFFICINALIS)

NUÔI CẤY KHÁC NHAU THEO TIÊU CHUẨN GAP

 

Zhan R. và cs.

Journal of Guangzhou University of Traditional Chinese Medicine, 2003: 20(1)

 

Mục tiêu: Cung cấp cơ sở khoa học cho việc sàng lọc nguồn gen tốt và nhân giống cây ba kích theo tiêu chuẩn GAP (Thực hành nông nghiệp tốt).

Phương pháp: Cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô của các giống ba kích khác nhau được quan sát bằng phương pháp giải phẫu hình thái và soi qua kính hiển vi điện tử.

Kết quả: Có 6 giống ba kích được trồng theo tiêu chuẩn GAP ở huyện Deqing, tỉnh Quảng Đông. Kết quả cho thấy điều kiện sinh trưởng, đặc điểm hình thái của rễ, thân, lá và chất lượng dược liệu giữa các giống ba kích có sự khác nhau rõ rệt. Tuy vậy, đặc điểm hình thái của hoa và hạt phấn lại khá tương đồng.

Kết luận: Sự khác nhau về hình thái của 6 giống Ba kích là sự khác nhau về loài. Giống “Xixinshu” (loài lá nhỏ) và “bolishu” là tốt hơn so với các giống còn lại. Đây là những loài có giá trị lớn cần được phát triển trồng.

T.M.Vũ

 

 

 

 

 

(Nguồn tin: )