Bản tin dược liệu

Bản tin dược liệu số 06/2019

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 6/2019

TT

Bản dịch

  1.  

TINH DẦU NGA TRUẬT-CURCUMA ZEDOARIA (BERG.) ROSC.  HIỆP LỰC VỚI PACLITAXEL

LÀM TĂNG KHẢ NĂNG APOPTOSIS CỦA TẾ BÀO SKOV3

Zhou Y và cs.

Published online on: March 11, 2015

https://doi.org/10.3892/mmr.2015.34731253-1257

Tinh dầu Curcuma zedoaria (Berg.) Rosc.  (CZEO) là thành phần chính của Curcuma zedoaria (Berg.) Rosc., một loại thuốc truyền thống có hoạt tính chống ung thư. Paclitaxel (PTX) là một tác nhân hóa trị liệu ưu tiên trong điều trị bệnh nhân bị ung thư buồng trứng. Các hợp chất này trực tiếp nhắm mục tiêu là nhân DNA, để ngăn chặn hoặc ức chế sự phát triển của tế bào khối u. Nghiên cứu hiện tại nhằm xác định tác dụng hiệp lực chống ung thư của CZEO và PTX trên dòng tế bào ung thư buồng trứng SKOV3 ở người. Các tế bào SKOV3 đã được xử lý bằng CZEO, PTX hoặc kết hợp cả hai và khả năng sống của tế bào đã được phát hiện bằng cách sử dụng bộ kit đếm tế bào-8. Ngoài ra, phân tích dòng chảy tế bào được sử dụng để xác định khả năng apoptosis cũng như phân tích chu kỳ tế bào. Những thay đổi về hình thái apoptosis của tế bào được đánh giá bằng cách nhuộm Hoechst 33342 và mức độ biểu hiện của các protein liên quan đến apoptosis, bao gồm caspase-3 và poly (ADP-ribose) polymerase (PARP), được định lượng bằng phân tích Western blot. Xét nghiệm khả năng sống của tế bào chỉ ra rằng một trong hai hợp chất này hoặc kết hợp đã ngăn chặn sự phát triển của các tế bào SKOV3. Hơn nữa, phân tích dòng chảy tế bào cho thấy điều trị kết hợp giữa CZEO và PTX dẫn đến sự ức chế tăng sinh và gây cảm ứng apoptosis của các tế bào SKOV3, so với điều trị bằng một trong hai hợp chất. Ngoài ra, mức độ biểu hiện protein của caspase-3 đã tăng lên sau khi điều trị kết hợp CZEO và PTX. Kết quả của nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng CZEO và PTX hiệp lực làm gia tăng sự ức chế tăng sinh tế bào SKOV3, và cơ chế của tác dụng này có thể là sự cảm ứng apoptosis tế bào và làm ngừng chu kỳ tế bào. Do đó, điều này chỉ ra rằng PTX được bổ sung với CZEO có thể là một chiến lược điều trị hiệu quả để giảm liều và độc tính của PTX.

Cao Ngọc Giang, Vương Đình Tuấn

  1.  

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA TINH DẦU VÀ CÁC OLEORESIN TỪ THÂN RỄ NGA TRUẬT (CURCUMA ZEDOARIA)

Pratibha Singh và cs.

Food Bioscience, Vol 3, September 2013: 42-48

Thành phần hóa học chính của tinh dầu và các oleoresin (nhựa dầu ethanol, ethyl acetat và isopropanol) từ thân rễ của Curcuma zedoaria đã được phân tích bằng kỹ thuật sắc ký khí-khối phổ. Các nghiên cứu chống oxy hóa được thực hiện bằng các phương pháp xác định các chỉ số peroxid và acid thiobarbituric, ferric thiocyanat, bắt gốc 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH), tạo phức với kim loại và năng lực khử.  Curzerenon (31,6%) là thành phần chính trong dầu dễ bay hơi, tiếp theo là germacron (10,8%).  Trong nhựa dầu ethanol, isopropanol và ethyl acetat, có tổng cộng 26, 25, và 40 thành phần được xác định tương ứng và thành phần chủ yếu là curzerenon, germacron, camphor và curcumenol.  Tinh dầu, các oleoresin (ethyl acetat và isopropanol) thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh trong tất cả các thí nghiệm. Tuy nhiên, hoạt tính chống oxy hóa của ethanol oleoresin thấp hơn so với ethyl acetat oleoresin và isopropanol oleoresin.

Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

ĐẶC TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA CÁC CAO CHIẾT TỪ  THÂN RỄ NGA TRUẬT

(CURCUMA ZEDOARIA)

S.J. Huang và cs.

Advanced Materials Research, Vols. 1120-1121:920-925, 2015

Curcuma zedoaria (Berg.) Rosc (thuộc Họ Gừng, Zingiberaceae) từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc dân gian. Các hợp chất dễ bay hơi được chiết xuất từ thân rễ bằng carbon dioxid siêu tới hạn ở 10 MPa và 45 0C. Tổng cộng có 31 hợp chất, bao gồm 15 terpen, 9 alcohol, 6 keton và một hợp chất khác, đã được xác định. Cao chiết nước và methanol được điều chế từ thân rễ khô và các phân đoạn từ cao methanol được điều chế bằng phương pháp sắc ký cột silica gel. Cao chiết nước và methanol có hoạt tính chống oxy hóa điển hình bằng phương pháp 1,3-diethyl-2-thiobarbituric acid với EC50 (nồng độ có hiệu quả 50%) <10 μg / mL. Hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết methanol và cao chiết carbon dioxid siêu tới hạn trong phương pháp phức hợp acid thiobarbituric-cơ chất và phương pháp diene liên hợp có giá trị EC50 lần lượt là 6,58-8,86 và 0,43-0,67 mg / mL. Cao chiết methanol có hoạt tính chống oxy hóa điển hình hơn trong thử nghiệm khảo sát năng lực khử, khả năng đánh bắt gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl và khả năng tạo phức với các ion sắt. Dựa trên kết quả thu được, tất cả các cao chiết đều cho thấy các đặc tính chống oxy hóa hiệu quả.

Ngô Thị Minh Huyền, Phạm Thị Lý

  1.  

PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN HÓA HỌC DỰA TRÊN HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ ĐẶC ĐIỂM HÓA HỌC CỦA CÁC HỢP CHẤT KHÁNG VIÊM CHIẾT TỪ THÂN RỄ NGA TRUẬT (CURCUMA ZEDOARIA) TRÊN MÔ HÌNH ĐẠI THỰC BÀO RAW264.7 BỊ KÍCH THÍCH BỞI LIPOPOSACCHARID

Bioorganic Chemistry (2018)

Viêm không chỉ là phản ứng tự vệ của hệ thống miễn dịch bẩm sinh, mà còn là cơ chế bệnh sinh của nhiều căn bệnh như viêm khớp, thoái hóa thần kinh, ung thư. Curcuma zedoaria Roscoe (họ Gừng - Zingiberaceae) là một loại cây bản địa được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ và kinh nghiệm dân gian. Với nỗ lực sàng lọc những cây thuốc cổ truyền có tác dụng dược lý tiềm năng cùng với đặc điểm hóa học của những hoạt chất chiết từ các dược liệu này, tác dụng kháng viêm của cao chiết methanol từ thân rễ C. zedoaria được khảo sát trên mô hình đại thực bào chuột RAW264.7 bị kích thích bởi lipopolysaccharid (LPS), kết quả cho thấy cao chiết MeOH từ thân rễ Nga truật có tác động ức chế sự tổng hợp oxid nitric (NO) phụ thuộc liều với IC50 = 23,44 ± 0,77 µg/ml. Để khảo sát cơ chế và tìm kiếm các hoạt chất có tác dụng kháng viêm, việc tách phân đoạn dựa vào tác dụng sinh học trên cao chiết MeOH được thực hiện và nghiên cứu hóa học phân đoạn tan trong n-hexan đã phân lập được 5 hợp chất sesquiterpen (1-5) với cấu trúc được xác định bằng phép phân tích phổ NMR và LC/MS. Trong đó, curcuzedoalid (5) thể hiện tác dụng ức chế mạnh đối với quá trình tổng hợp NO (IC50 = 12,21 ± 1,67 μM), ngoài ra curcuzedoalid còn ức chế biểu hiện protein tiền viêm iNOS, COX-2. Do đó, curcuzedoalid (5) được xác định là hoạt chất có tác dụng chống viêm của thân rễ nga truật và là ứng viên tiềm năng cho để điều trị các bệnh lý gây viêm.

                                                                                         Lâm Bích Thảo

  1.  

ĐẶT ĐIỂM CẤU TRÚC CỦA MỘT HETEROPOLYSACCHARID

 ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ THÂN RỄ CÂY NGA TRUẬT

(CURCUMA ZEDOARIA)

Nandan C.K et al.

Carbohydrate Polymers (2011)

Một polysaccharid tan trong nước, có trọng lượng phân tử là 1,88.102 kDa, được phân lập từ dịch chiết nước của thân rễ cây nga truật, có chứa D-glucose, D-galactose, L-arabinose, D-methyl galacturonat, L-rhamnose với tỉ lệ mol xấp xỉ khoảng 1:1:1:1. Khi phân tích cấu trúc của polysaccharid này bằng các phương pháp thủy phân acid, methyl hóa, oxy hóa periodat và NMR (1H, 13C, TOCSY, DQF-COSY, NOESY, ROESY, HMQC, HMBC), đã xác định được đơn vị lặp lại của polysaccharid có công thức như sau:

Nguyễn Nhật Minh

  1.  

ĐÁNH GIÁ IN VIVO VỀ DỊCH CHIẾT THỰC VẬT TRONG KIỂM SOÁT CÁC BỆNH CÂY TRỒNG:

MỘT LOẠI SESQUITERPENE KETOLACTON ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ NGA TRUẬT NGĂN CHẶN BỆNH GỈ SẮT Ở LÁ LÚA

Han JW et al.,

J Environ Sci Health B, 2018 Feb 1;53(2):135-140.

Để thay thế cho thuốc trừ sâu tổng hợp, các hợp chất tự nhiên, như các chiết xuất từ thực vật và vi khuẩn đã được quan tâm để kiểm soát các bệnh trên cây trồng. Trong nghiên cứu này, chiết xuất methanol của 120 loại thực vật đã được nghiên cứu về hoạt tính kháng nấm in vivo chống lại bênh nấm Rhizoctonia solani, Botrytis cinerea, Phytophthora infestans, Puccinia triticinaBlumeria graminis f. sp. hordei. Trong số 120 chiết xuất thực vật, thì có tám dịch chiết cho thấy hiệu quả kiểm soát bệnh hơn 90% đối với ít nhất một trong năm bệnh thực vật. Đặc biệt chiết xuất methanol từ thân rễ cây nga truật có hoạt tính kháng nấm P. triticina gây bệnh gỉ sắt ở lá lúa mì mạnh. Các dịch chiết phân đoạn từ dịch chiết methanol của cây nga truật như, phân đoạn n-hexan, methylen chlorid và ethyl acetat cho thấy khả năng chống lại bệnh gỉ sắt ở lá lúa mì tương ứng là 100, 80 và 43%. Từ dịch chiết nga truật, một hợp chất kháng nấm đã được phân lập và xác định dựa trên dữ liệu khối phổ và phổ cộng hưởng từ hạt nhân là sesquiterpen ketolacton. Hợp chất này kiểm soát sự phát triển của bệnh cháy lá ở lúa, bệnh gỉ sắt ở lá lúa mì và bệnh sương mai trên cà chua. Kết quả nghiên cứu các hoạt tính kháng nấm in vivo của hợp chất sesquiterpen ketolacton và các dịch chiết từ cây nga truật, cho thấy nga truật có thể được sử dụng làm chất diệt nấm trong nông nghiệp hữu cơ.

Nguyễn Văn Trí

  1.  

CÁC SESQUITERPEN TỪ THÂN RỄ NGA TRUẬT

(CURCUMA ZEDOARIA) VÀ ĐỘC TÍNH TRÊN DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ DẠ DÀY NGƯỜI AGS

Lee TK và cs.

Bioorg Chem, 2019 ;87:117-122

Thân rễ cây nga truật (Zingiberaceae) là một cây thuốc truyền thống nổi tiếng để điều trị các bệnh ung thư khác nhau được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ và Trung Quốc. Mục đích của nghiên cứu này là xác định các thành phần gây độc tế bào chiết xuất từ thân rễ cây nga truật mà có tác dụng chống ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong thứ ba trong các bệnh ung thư trên thế giới. Dịch chiết MeOH của thân rễ nga truật được chứng minh có tác dụng gây độc tế bào ung thư dạ dày người AGS. Sử dụng sắc ký cột lặp lại và tinh chế bằng HPLC bán điều chế để tách các thành phần từ dịch chiết MeOH nga truật. Hai sesquiterpen mới là curcumenol-9, 10-epoxid (1) và curcuzedoalide B (2), cùng với 12 hợp chất sesquiterpen đã biết (3-14) được phân lập từ dịch chiết MeOH nga truật. Cấu trúc của các hợp chất mới được xác định bằng phổ cộng hưởng từ NMR 1D, NMR 2D và phân tích bằng phổ HR-ESIMS, quang phổ lưỡng sắc tròn ECD. Tác dụng gây độc tế bào của các hợp chất đã phân lập được tiến hành trên dòng tế bào ung thư dạ dày người AGS bằng phương pháp đánh giá khả năng sống của tế bào MTT. Curcumenol (9), 4,8-dioxo-6β-methoxy-7α, 11-epoxycarabran (10) và zedoarofuran (12) thể hiện tác dụng gây độc tế bào ung thư dạ dày người AGS, với giá trị IC50 trong khoảng 212- 392 µM. Những phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng khoa học thực nghiệm để hỗ trợ việc sử dụng thân rễ Nga truật điều trị ung thư theo truyền thống. Curcumenol (9), 4,8-dioxo-6β-methoxy-7α, 11-epoxycarabran (10) và zedoarofuran (12) được xác định là thành phần gây độc tế bào chính trong thân rễ cây nga truật

 Bùi Thế Vinh, Nguyễn Thị Thu Trang

  1.  

TÁC DỤNG CỦA CAO CHIẾT VÀ HOẠT CHẤT CURCUMENON ĐƯỢC PHÂN LẬP

TỪ THÂN RỄ NGA TRUẬT TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT BỊ SAY RƯỢU

Kimura Y1 và cs.

Fitoterapia, 2013 Jan;84:163-9

Thân rễ nga truật (Curcuma zedoaria) được sử dụng trong y học cổ truyền trị các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt như là một thuốc có hợp chất thơm để chữa bệnh đau dạ dày. Hiện nay ở Nhật, nga truật được sử dụng để chữa trị chán ăn, buồn nôn gây bởi rượu. Khảo sát tác dụng của các phân đoạn khác nhau và các hợp chất phân lập trên mô hình chuột say rượu và trên nồng độ cồn trong máu chuột. Cao chiết ethanol 30% liều 1000 mg/kg từ thân rễ nga truật ngăn ngừa tình trạng say rượu sau khi uống rượu có nồng độ 40% 60 phút và 120 phút.  Cao phân đoạn n-hexan liều 300 mg/kg và 1 hợp chất tinh khiết liều 3, 10 hoặc 30 mg/kg ngăn ngừa tình trạng say rượu sau 30, 60 và 120 phút uống rượu. Cao phân đoạn n-hexan và hợp chất này có tác động giảm sự gia tăng nồng độ cồn trong máu sau 30 phút và 60 phút uống rượu có nồng độ 40%. Hợp chất tách chiết được (liều 10 và 30 mg/kg) có tác động tăng cường hoạt tính enzym gan ADH sau 30 phút và 60 phút uống rượu có nồng độ 40%.  Hợp chất này được xác định là curcumenone bằng cách so sánh trực tiếp dữ liệu phổ 1H-  và 13C-NMR. Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động bảo vệ của cao chiết nga truật lên chuột say rượu, có liên quan đến hoạt chất curcumenon, làm giảm nồng độ cồn trong máu thông qua việc tăng cường hoạt động của enzym gan alcohol dehydrogenase.

https://ars.els-cdn.com/content/image/1-s2.0-S0367326X12003000-fx1_lrg.jpg

Nguyễn Nhật Minh

 

  1.  

ĐỘC TÍNH TẾ BÀO CỦA NHỮNG CURCUMINOID VÀ MỘT SỐ HỢP CHẤT MỚI TỪ NGA TRUẬT (CURCUMA ZEDOARIA)

Wan-Jr Syu và cs.

J.Nat.Prod 1998:1531-1534

Từ phân đoạn có hoạt tính của dịch chiết EtOH nga truật (Curcuma zedoaria ) đã phân lập được một hoạt chất curcuminoid, chất này  được xác định là demethoxycurcumin (2) bằng cách so sánh phổ 1H và 13C-NMR của nó với các tài liệu và so sánh trực tiếp với nguyên liệu tổng hợp. Curcumin (1) và bisdemethoxycurcumin (3) cũng được phân lập. Các curcuminoid (1-3) đã được tổng hợp và chứng minh có tác dụng gây độc tế bào trên dòng tế bào ung thư buồng trứng người OVCAR-3. Các giá trị CD50 của hợp chất 1, 2 và 3 lần lượt là 4.4, 3.8 và 3.1 μg/ml. Ba hợp chất mới là acid 3,7-dimethylindan-5-carboxylic (4), curcolonol (5) và guaidiol (6) cũng được phân lập từ cao chiết EtOH. Cấu trúc và tương quan hoá lập thể của các hợp chất 4-6 được xác định bằng các phương pháp phổ và phân tích tinh thể học bằng nhiễu xạ tia X.

   Phan Thị Trang

10.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TINH DẦU LÁ NGA TRUẬT ẤN ĐỘ ( CURCUMA ZEDOARIA ROSC.)

S.N.Garg  và cs.

Journal of  Essent. Oil Research,vol 17: 29-31

Tinh dầu được cất lôi cuốn hơi nước từ lá nga truật (Curcuma zedoaria (Zingiberaceae)) đã được xác định thành phần hóa học bằng GC và GC/MS. Hai mươi ba hợp chất đã được xác định, chiếm 75% lượng  tinh dầu. Tinh dầu của nga truật có thành phần chủ yếu gồm mono- và những sesquiterpenoid, các monoterpen hydrocarbon (2.3%), các monoterpen chứa oxy (26%), các sesquiterpen hydrocarbon (38%) và các sesquiterpen chứa oxy (13.5%). α-Terpinyl acetate (8.4%), isoborneol (7%), dehydrocurdion (9%) và selina-4 (15), 7 (11) -dien-8-one (9.4%) là các thành phần chính của tinh dầu lá nga truật.                                                                                                   

    Phan Thị Trang

11.

NHỮNG HỢP CHẤT CÓ TÁC DỤNG GÂY ĐỘC TẾ BÀO TỪ  THÂN RỄ CỦA NGA TRUẬT

  (CURCUMA ZEDOARIA)

Omer Abdalla Ahmed Hamdi và cs.

The Scientific World Journal, Volume 2014, 11 pages

 Nga truật (Curcuma zedoaria) còn được gọi là Temu putih được sử dụng trong dân gian để chế biến thực phẩm và điều trị các bệnh khác nhau bao gồm cả ung thư. Hoạt tính gây độc tế bào của cao chiết hexan, dichloromethan, ethyl acetat, methanol và cao chiết soxhlet bằng methanol của thân rễ nga truật đã được thử trên hai dòng tế bào ung thư người (Ca Ski và MCF-7) và một dòng tế bào không phải tế bào ung thư (HUVEC) bằng thử nghiệm MTT. Nghiên cứu về thành phần hóa học phân đoạn hexan và dichloromethan thu được 19 chất gồm labda-8 (17), 12 diene-15,16 dial (1), dehydrocurdion (2), curcumenon (3), comoson II (4) , curcumenol (5), Procurcumenol (6), germacron (7), zerumbone epoxid (8), zederon (9), 9-isopropylidene-2,6-dimethyl-11-oxatricyclo [6.2.1.01,5] -en-8-ol (10), furanodiene (11), germacrone-4,5-epoxide (12), calcaratarin A (13), isoprocurcumenol (14), germacron-1,10-epoxid (15), zerumin A (16), curcumanolid A (17), curcuzedoalid (18) và gweicurculacton (19). Các hợp chất (1-19) đã được đánh giá về tác dụng chống tăng sinh tế bào bằng cách sử dụng thử nghiệm MTT trên bốn dòng tế bào ung thư (Ca Ski, MCF-7, PC-3 và HT-29). Curcumenon (3) và curcumenol (5) cho thấy hoạt tính chống tăng sinh mạnh và có hoạt tính gây chết tế bào theo chương trình đối với dòng tế bào MCF-7 bằng cách sử dụng kính hiển vi tương phản pha và xét nghiệm nhuộm kép Hoechst 33342/PI. Do đó, nghiên cứu này cung cấp cơ sở cho việc sử dụng dân gian nga truật trong điều trị ung thư vú.

 

Phan Thị Trang, Nguyễn Trọng Chung

12.

ĐÁNH GIÁ IN VITRO HÌNH THÁI  CỦA APOPTOSIS GÂY BỞI CÁC HỢP CHẤT CHỐNG TĂNG SINH TẾ BÀO ĐƯỢC CHIẾT TỪ THÂN RỄ NGA TRUẬT ( CURCUMA ZEDOARIA)

Syarifah Nur Syed Abdul Rahman và cs.

Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine
Volume 2013, 14 pages

Phân lập phân đoạn hexan của nga truật (Curcuma zedoaria) dựa theo định hướng tác dụng sinh học  đã xác định được năm hợp chất tinh khiết là: curzerenon (1), neocurdion (2), curdion (3), alismol (4) và zederon (5) và một hỗn hợp các sterol, cụ thể là campesterol (6), stigmasterol (7) và β-sitosterol (8). Hợp chất alismol chưa được phân lập từ nga truật trước đó. Tất cả các hợp chất phân lập được trừ hợp chất (3) đã được đánh giá về hoạt tính gây độc tế bào trên các dòng tế bào ung thư MCF-7, Ca Ski và HCT-116 và dòng tế bào nguyên bào sợi của người không ung thư (MRC-5) bằng cách sử dụng thử nghiệm độc tế bào đỏ trung tính (neutral red cytotoxicity assay). Curzerenon và alismol ức chế đáng kể sự tăng sinh tế bào trong các dòng tế bào ung thư ở người MCF-7, Ca Ski và HCT-116 phụ thuộc vào liều. Quan sát tế bào học bằng kính hiển vi tương phản pha và xét nghiệm nhuộm kép Hoechst 33342 / PI cho thấy hình thái điển hình của các tế bào ung thư chết theo chương trình (apoptosis) khi được xử lý với curzerenon và alismol. Cả hai hợp chất này gây ra sự chết tế bào theo chương trình thông qua kích hoạt caspase-3. Điều này, có thể gợi ý rằng curzerenon và alismol điều chỉnh quá trình chết tế bào theo chương trình thông qua con đường truyền tín hiệu caspase-3. Những phát hiện của nghiên cứu hiện này hỗ trợ việc sử dụng thân rễ nga truật trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh liên quan đến ung thư. Do đó, hai loại sesquiterpenoid tự nhiên là curzerenon và alismol, hứa hẹn sẽ được sử dụng trong phác đồ hóa dự phòng và hóa trị liệu ung thư.

Phan Thị Trang

13.

TÁC DỤNG KHÁNG KHUẨNGÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA TINH DẦU NGA TRUÂT

(CURCUMA ZEDOARIA)

Eric Y. C. Lai và cs.

The American Journal of Chinese Medicine, Vol. 32, No. 02: 281-290 (2004)

Thành phần hóa học của tinh dầu nga truật (Curcuma zedoaria (Berg.) Rosc.) đã được phân tích bằng sắc ký khí khối phổ (GC-MS) và cho thấy epicurzerenon và curdion  có hàm lượng cao tương ứng là 46,6% và 13,7% tổng lượng tinh dầu. Tinh dầu được đánh giá tác dụng kháng khuẩn chống lại các vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonasa aeruginosa, Vibrio parahaemolyticus, Salmonella typhimurium Bacillus cereus. Trong đó, V. parahaemolyticus nhạy cảm với tinh dầu nga truật trong khi chủng vi khuẩn kháng tinh dầu mạnh nhất là E. coli. Dựa trên  phương pháp sàng lọc 3-(4,5-dimethylthiazol-2-yl)-2,5-diphenyl-tetrazolium bromid (MTT), khử nitroblue tetrazolium (NBT) và hình thái tế bào, tinh dầu nga truật có thể ức chế sự tăng sinh dòng tế bào ung thư bạch cầu tiền tủy bào người HL-60. Những kết quả này cho thấy tinh dầu nga truật có tác dụng kháng  khuẩn đối với các vi khuẩn gây bệnh thuộc nhóm Gram dương và Gram âm và các thành phần hoạt chất của tinh dầu có tác dụng gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis) trên dòng tế bào gây ung thư ở người.

Phan Thị Trang

14.

CÁC SESQUITERPENOID MỚI VÀ NHỮNG HỢP CHẤT CHỐNG KẾT TẬP TIỂU CẦU

ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ THÂN RỄ NGA TRUẬT (CURCUMA ZEDOARIA)

Chen JJ và cs

Molecules, 2016; 21(10): 1385

Hai sesquiterpenoid mới là 13-hydroxycurzerenon (1) và 1-oxocurzerenon (2) cùng với 13 hợp chất đã biết (3-15) được phân lập từ thân rễ nga truật. Cấu trúc của hai hợp chất mới được xác định thông qua phân tích phổ và MS. Trong số các hợp chất phân lập được, 13-hydroxycurzerenon (1), 1-oxocurzerenon (2), curzerenon (3), germacron (4), curcolon (5), procurcumenol (6), ermanin (7), curcumin (8), hỗn hợp của stigmast-4-en-3,6-dion (12) và stigmasta-4,22-dien-3,6-dion (13) thể hiện khả năng ức chế chống lại sự kết tập tiểu cầu gây bởi collagen ở nồng độ 100 μM (với % ức chế nằm trong khoảng 21.28%-67.58%). Các hợp chất 1, 5, 7, 8 và hỗn hợp 12, 13 ức chế sự kết tập tiểu cầu gây bởi acid arachidonic ở nồng độ 100 μM  với % ức chế  trong khoảng 23.44%-95.36%.

Nguyễn Thị Thu Trang

15.

TỐI ƯU HÓA CÁC ĐIỀU KIỆN CHIẾT XUẤT CÁC PHENOLIC VÀ FLAVONOID

TỪ LÁ NGA TRUẬT (CURCUMA ZEDOARIA) SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁP ỨNG BỀ MẶT

Azahar NF và cs.

Chem Cent J, 2017;11(1):96

Nghiên cứu này tập trung vào tối đa hóa hiệu suất chiết xuất các phenol tổng và flavonoid từ lá nga truật dựa trên các yếu tố thời gian (80 - 120 phút), nhiệt độ (60 - 80oC), nồng độ ethanol (70-90 % v/v). Sử dụng phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) để xử lý số liệu và kết quả cho thấy các phương trình đa thức cho mọi mô hình đều có ý nghĩa, không thấy sự thiếu phù hợp và chỉ ra các hệ số hiệu chỉnh xác định (R2) trên 99% đã chứng minh sự phù hợp cho mục đích dự đoán. Sử dụng các chức năng mong muốn, các điều kiện tối ưu để thu được cao chiết phenolic và flavonoid cao hơn là nhiệt độ chiết 75oC, thời gian chiết 92 phút, tỷ lệ ethanol:nước 90:10. Trong các điều kiện tối ưu này, số liệu thực nghiệm về phenol tổng và flavonoid tương đương với 125,75 ± 0,17 mg acid gallic và 6,12 ± 0,23 mg quercetin/g cao chiết, các giá trị này gần với các giá trị dự đoán. Ngoài ra, trong nghiên cứu này, lá nga truật còn được cho là có khả năng chống oxy hóa mạnh và có thể có nhiều ứng dụng trong mỹ phầm hoặc dược phẩm.

Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Trọng Trung

16.

TÁC DỤNG CỦA CAO CHIẾT THÔ TỪ NGA TRUẬT CHỐNG LẠI SỰ TIẾN TRIỂN CỦA KHỐI U

VÀ ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH

Carvalho FR  và cs.

J. Venom. Anim, Toxins incl. Trop. Dis [online]. 2010, vol.16, n.2:324-341

Nga truật (Curcuma zedoaria Roscoe, họ Zingiberaceae) là cây thuốc  trị liệu truyền thống được trồng ở các nước châu Á và chủ yếu được sử dụng trong y học phương Đông. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, thân rễ nga truật chứa một số sesquiterpen cụ thể có hiệu quả chống đau bụng đầy hơi, suy nhược cơ quan tiêu hóa, vô kinh, bệnh xơ gan, ung thư, oxy hóa và sự đông máu. Hơn nữa, thân rễ nga truật thường được sử dụng như thuốc trị đau dạ dày ở Nhật Bản trong khi trong y học Trung Quốc, nó đã được kê đơn để điều trị hội chứng ứ máu và để thúc đẩy kinh nguyệt.

Trong số các sesquiterpen  chính có tác dụng bảo vệ gan được phân lập từ dịch chiết aceton-nước của thân rễ nga truật, furanodiene, germacrone, curdione, neocurdione, curcumenol, isocurcumenol, aerugidiol, zedoarondiol, curcumenone và curcumin có tác dụng mạnh trên tổn thương gan cấp gây bởi D-galactosamine- (D-Gain) và lipopolysaccharide- (LPS) ở chuột nhắt trắng. Các cơ chế tác động bảo vệ gan của các hợp chất này đã được làm sáng tỏ dựa trên tác dụng ức chế độc tế bào do D-Gain gây ra trong tế bào gan chuột cống trắng nuôi cấy sơ cấp, ức chế sản sinh oxid nitric (NO) gây bởi LPS trong đại thực bào phúc mạc chuột nuôi cấy và ức chế tổn thương gan ở chuột nhắt trắng gây bởi D-Gain và TNF-α.

Hơn 20 sesquiterpen, các curcuminoid và ethyl p-methoxycinnamate đã được báo cáo là thành phần hóa học của thân rễ nga truật. Trong một nghiên cứu trước đây, cao chiết ethanol thô của thân rễ nga truật cho thấy tác dụng ức chế đối với dòng tế bào OVCAR-3 (ung thư buồng trứng ở người). Ngoài ra, một phân đoạn của cao chiết ethanol từ thân rễ nga truật có hoạt tính chống ung thư và hoạt tính enzym mạnh in vitro. Trong nghiên cứu hiện tại, chúng tôi đã đánh giá tác dụng của cao chiết thô từ thân rễ nga truật dùng bằng đường uống và đường tiêm phúc mạc, cũng như tác động của chiết xuất các sesquiterpen đối với sự phát triển của khối u ác tính B16F10.

Nguyễn Văn Kiên

17.

NHẬN BIẾT VÀ ĐẶC TÍNH CỦA CÁC GEN TRONG CON ĐƯỜNG TỔNG HỢP CURCUMINOID

CÂY NGA TRUẬT (CURCUMA ZEDOARIA ROSCOE)

Lan và cs.

Current Pharmaceutical Biotechnology, Vol 19, Number 10, 2018: 839-846(8)

Tổng quan: Các gen curcuminoid đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh tổng hợp curcumin - là hợp chất có hoạt tính sinh học cao trong các loài Curcuma. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về các gen đó trong cây nga truật (Curcuma zedoaria).

Mục tiêu: Đưa ra công bố về phân lập các gen mã hóa enzym trong con đường chuyển hóa curcuminoid và biểu hiện của chúng trong cây nga truật (C. zedoaria)

Phương pháp: Các mồi được thiết kế từ vùng không dịch mã của các gen DCS, CURS1, CURS2 và CURS3 liên quan đến sinh tổng hợp curcuminoid trong cây nghệ (C. longa) để phân lập các gen nguyên vẹn tương ứng trong cây nga truật (C. zedoaria). Phản ứng khuếch đại RT-PCR và phân tích HPLC được sử dụng để đánh giá biểu hiện gen và sinh tổng hợp curcumin trong cả thân rễ và mô sẹo.

Kết quả: Kết quả chỉ ra rằng cả 4 gen trong cây nga truật (C. zedoaria) (CzDCS, CzCURS1, CzCURS2 and CzCURS3) và cây nghệ (C. longa) có sự đồng nhất cao (khoảng  99%) và chiều dài các đoạn gen trong cây nga truật (C. zedoaria) tương ứng là 1382, 1240, 1288, 1265Nu. Các gen CzCURS1, 2 và 3 có 1 đoạn intron trong khi gen CzDCS có 2 đoạn intron. Khuếch đại RT-PCR cho thấy các gen curcuminoid biểu hiện mRNA trong thân rễ và mô sẹo cây nga truật (C. zedoaria). Một hợp chất chính trong curcuminoid là curcumin cũng được tìm thấy trong mô sẹo bằng phân tích HPLC.

Kết luận: Thông tin trình tự các gen DCS và CURS1-3 trong cây nga truật (C. zedoaria) rất có giá trị với những nghiên cứu tiếp theo về tác động của elicitor trong quá trình phiên mã các gen liên quan đến con đường sinh tổng hợp curcuminoid.

Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Văn Hiếu

18.

MÔ HÌNH HÓA PHÂN TỬ VÀ ĐẶC TÍNH LẮP GHÉP CỦA CzR1, GEN R CC-NBS-LRR

TỪ CURCUMA ZEDOARIA LOEB. CÓ KHẢ NĂNG KHÁNG PYTHIUM APHANIDERMATUM

Raj Kumar Joshi và cs.

Bioinformation, 2013; 9(11): 560–564

Các gen R NBS-LRR thực vật nhận biết một số phức hợp phân tử nhận dạng tác nhân gây bệnh (PAMPs) và hạn chế xâm nhiễm cuả bệnh thông qua phản ứng phòng vệ nhiều lớp. CzR1, vùng nucleotide cuộn xoắn bám vào vùng giàu leucine của gen R-lặp được tách chiết từ Curcuma zedoaria L biểu hiện tính đối kháng với các chủng P. aphanidermatum khác nhau. Phần lớn các loài trong lớp nấm trứng hoại sinh được đặc trưng bởi sự hiện diện của carbohydrate PAMPs β-glucans trong thành tế bào của chúng xen kẽ với gen R. Trong nghiên cứu hiện tại, chúng tôi đã dự đoán cấu trúc 3D (ba chiều) của CzR1 dựa trên mô hình đồng đẳng sử dụng mô-đun đồng đẳng của Prime thông qua giao diện Maestro của Schrodinger phiên bản 2.5. Thăm dò sự liên kết của CzR1 với β-glucan bằng phần mềm Glide cho thấy sáu axit amin tồn dư, Ser186, Glam187, Ser263, Asp264, Asp355 và Tyr425 hoạt động như dư lượng xúc tác và có liên quan đến liên kết hydro với ligand β- (1,3) -D-Glucan. Khoảng cách tính toán giữa các nguyên tử oxy carboxylic của cặp Glam187 và Asp355 nằm trong khoảng cách 5Å cho thấy hoạt động glucanase dương tính của CzR1. Làm sáng tỏ các đặc điểm phân tử này sẽ giúp sàng lọc silico và hiểu được cơ sở cấu trúc của phối tử liên kết với protein CzR1 và mở ra những hướng mới để phát triển tính kháng bệnh thối thân rễ phổ rộng trên nghệ.

Nguyễn Thị Xuyên

19.

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC HỆ THỐNG NUÔI CẤY VÀ VẾT CẮT MẪU CẤY TRONG QUÁ TRÌNH

NHÂN GIỐNG IN VITRO CÂY NGA TRUẬT (CURCUMA ZEDOARIA ROSCOE)

Chong và cs.

Pertanika Journal of Tropical Agricultural Science . Nov2012, Vol. 35 Issue 4:863-873

Ba loại hệ thống nuôi cấy là hệ thống môi trường rắn, hệ thống bình lắc lỏng và hệ thống nuôi cấy ngập chìm tạm thời (TIS) đã được sử dụng để kiểm tra hiệu suất của quá trình nhân giống cây con nga truật. Môi trường nhân nhanh là môi trường MS bổ sung 0,5 mg/l BA và 0,5 mg/l IBA. Trong ba hệ thống nuôi cấy được sử dụng, hệ thống nuôi cấy bình lắc lỏng đem lại hiệu quả đáng kể, tạo nhiều chồi và chất lượng chồi cao hơn từ mẫu chồi nga truật ban đầu. Trong khi đó, những mẫu chồi được phân chia tạo lượng chồi cao hơn mẫu chồi không được phân chia. Những cây con in vitro được tạo ra từ ba hệ thống nuôi cấy khác nhau có sức sống và hình thái giống với cây mẹ sau khi được thích nghi và được chuyển ra ngoài đồng ruộng

Nguyễn Thị Xuyên

20.

TỔNG QUAN VỀ THỰC VẬT DÂN TỘC HỌC, HÓA THỰC VẬT,  CÁCH SỬ DỤNG TRUYỀN THỐNG CỦACURCUMA SPP. VÀ HỒ SƠ DƯỢC LÝ CỦA HAI LOÀI QUAN TRỌNG (C. LONGAC. ZEDOARIA)

Ayati, Zahra

Current Pharmaceutical Design (2019) 25(8), 2019: 871-935

Liên quan đến dân tộc học: Chi Curcuma, là nguồn cung cấp curcumin quan trọng nhất, đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại thuốc cổ truyền khác nhau. Nhiều loài Curcuma từ lâu đã được sử dụng cho một số mục đích như chữa lành vết thương, rối loạn chức năng gan, vàng da và bổ máu.

Mục tiêu của nghiên cứu: Đánh giá này tập trung vào các ứng dụng dân tộc học và các khía cạnh hóa học của Curcuma. Ngoài ra, trong nghiên cứu này, các tính chất khác nhau của hai loài Curcuma (C. longaC. zedoaria) trong Y học cổ truyền Hồi giáo (ITM),  cũng như các khía cạnh dược lý của chúng trong y học hiện đại đã được xem xét.

Vật liệu và phương pháp: Các tài liệu ITM đã được tra cứu để tìm ra các ứng dụng của Curcuma. Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu điện tử bao gồm PubMed và Scopus cũng đã được sử dụng để  tìm kiềm thông tin về bằng chứng các nghiên cứu in vitro, in vivo hay con người liên quan đến hiệu quả của C. longaC. zedoaria trong điều trị các bệnh khác nhau. Phần mềm ChemOffice được sử dụng để tìm cấu trúc hóa học.

Kết quả: Phân tích cho thấy việc sử dụng Curcuma trong y học đã được ghi nhận trong nhiều thế kỷ. Khoảng 427 hợp chất hóa học đã được phân lập và xác định từ các loài Curcuma. Chi này rất giàu flavonoid, tannin, anthocyanin, hợp chất phenolic, tinh dầu, axit hữu cơ và các hợp chất vô cơ. Curcumin là một trong những hoạt chất chính trong các loài Curcuma, có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Bên cạnh đó, các nghiên cứu dược lý đã chỉ ra một loạt các hoạt động của Curcuma, như bảo vệ gan, kháng nấm, hạ huyết áp và bảo vệ thần kinh.

Kết luận: Nghiên cứu tổng quan này đã đưa ra thông tin về các nghiên cứu khác nhau được thực hiện về y học dân tộc, ITM và hóa thực vật của Curcuma spp. Ngoài ra, các tác động dược lý của hai loài C. longaC. zedoaria đã được tóm tắt. Các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh một số khía cạnh truyền thống của Curcuma, như chữa lành vết thương, chống viêm khớp, chống khối u và các hoạt động bảo vệ gan. Điều này có thể liên quan đến các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của Curcuma, có thể là do một lượng lớn các hợp chất phenolic. Curcuma được đề cập là có đặc tính bổ thần kinh trong ITM, điều này đã được xác nhận bởi một số nghiên cứu trên động vật. Xem xét các nghiên cứu tiền lâm sàng khác nhau về C. longaC. zedoaria và hoạt chất của chúng là curcumin, các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cần được đảm bảo để xác nhận hiệu quả lâm sàng của tác dụng bảo vệ gan và thần kinh.

Nguyễn Văn Hiếu

 

 

(Nguồn tin: )