Bản tin dược liệu

Bản tin dược liệu số 2/2020

 

  1.  

SCUTELLAREIN CHIẾT TÁCH TỪ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA) GÂY APOPTOSIS

TRÊN DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ ĐẠI TRÀNG NGƯỜI HCT116 THÔNG QUA CON ĐƯỜNG PHỤ THUỘC TY THỂ TRUNG GIAN BỞI GỐC TỰ DO OXY

Guo F và cs.

Nat Prod Res, 2019 Aug;33(16):2372-2375

Scutellarein được phân lập từ bán chi liên đã được đánh giá tác dụng trên dòng tế bào HCT116 để tìm kiếm liệu pháp mới cho điều trị ung thư đại tràng ở người. Kết quả cho thấy scutellarein có thể gây apoptosis ở dòng tế bào HCT116. Nghiên cứu sâu hơn về cơ chế cho thấy scutellarein có thể làm tăng sản sinh gốc tự do oxy nội bào (ROS) dẫn đến việc phá vỡ điện thế màng ty thể. Trong khi đó hoạt động của caspase-3 trong tế bào HCT116 cũng được tăng lên bởi scutellarein. Hơn nữa, cũng đã quan sát thấy có sự điều hòa giảm Bcl-2 và tăng Bax. Thêm vào đó, scutellarein cũng làm tăng giải phóng cytochrom c từ ty thể. Những kết quả này đã chỉ ra rằng scutellarein gây apoptosis ở dòng tế bào HCT116 thông qua con đường phụ thuộc ty thể được trung gian bởi ROS.

Nguyễn Thị  Phượng

  1.  

BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D. DON) (SBD) BẢO VỆ NHỮNG TỔN THƯƠNG

GÂY BỞI SỰ THIẾU HỤT/TÁI CUNG CẤP GLUCOSE OXY TRÊN TẾ BÀO PC12 BẰNG VIỆC ĐIỀU HÒA TĂNG Nrf2

Wang Y và cs.

Artif Cells Nanomed Biotechnol, 2019 Dec;47(1):1797-1807

Mục đích nghiên cứu này là đánh giá tác dụng tiềm năng của bán chi liên (SBD) đối với dòng tế bào PC12 bị tổn thương bởi sự thiếu hụt/tái cung cấp glucose oxy (OGD/R). Các tế bào PC12 được xử lý trước với SBD ở các nồng độ 0,1-0,8 mg/ml trong những khoảng thời gian nhất định (12 - 48h) và sau đó được gây tổn thương OGD/R. Đánh giá khả năng sống sót, apoptosis và sự tăng sinh tế bào bằng thử nghiệm MTT, đo dòng tế bào, nhuộm Ki67 và western blot. Tổn thương oxy hóa được đánh giá bằng xác định hàm lượng MDA, hoạt tính SOD và hàm lượng GSH. Sử dụng phương pháp nhuộm Rh123 để đo chức năng màng ty thể (Δψm). Mức độ biểu hiện của các protein liên quan đến con đường Nrf2 và PI3K/AKT được đánh giá bằng phương pháp Western blot. Chúng tôi thấy rằng, xử lý tế bào trước bằng SBD đã làm tăng khả năng sống sót và sự tăng sinh nhưng ức chế apoptosis trên tế bào PC12 bị tổn thương OGD/R theo kiểu phụ thuộc thời gian và liều. Trong khi đó, SBD làm giảm tổn thương oxy hóa và phục hồi sự rối loạn chức năng ty thể, thể hiện qua sự giảm hàm lượng MDA, tăng hàm lượng SOD và GSH, tăng Δψm. Hơn nữa, SBD gây biểu hiện của Nrf2 trong tín hiệu phụ thuộc PI3K/AKT. Việc loại bỏ Nrf2 ngăn chận tác dụng bảo vệ của SBD trên tế bào PC12. Kết luận, nghiên cứu này chứng tỏ việc điều trị trước với SBD có tác dụng bảo vệ tế bào PC12 trước tổn thương gây bởi OGD/R. Cơ chế tiềm năng có thể là SBD điều hòa tăng biểu hiện của Nrf2 trong con đường phụ thuộc PI3K/AKT.

Nguyễn Thị  Phượng

  1.  

CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D. DON)

CÓ HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM TRÊN TẾ BÀO RAW 267.4

Liu HL và cs.

J Food Drug Anal, 2018 Jan; 26(1):31-40

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định sự đa dạng và hàm lượng các thành phần chính trong cây bán chi liên cũng như nghiên cứu hoạt tính chống viêm của chúng trên tế bào RAW 264.7. Cả hai cao chiết ethanol và ethyl acetat đều có chứa các thành phần có hoạt tính bao gồm các phenolic, flavonoid, chlorophyll và carotenoid, trong đó thành phần chủ yếu của  cao chiết ethanol là các phenolic và flavonoid còn thành phần chủ yếu của cao chiết ethyl acetat là carotenoid và chlorophyll. Cả hai cao chiết đều ức chế đáng kể (p < 0,05) sự sản sinh oxid nitric, prostaglandin E2, interleukin-6 và interleukin 1β cũng như  các biểu hiện của kinase được điều hòa bởi tín hiệu phosphor ngoại bào và kinase phosphor-c-Jun N-terminal (p-JNK) gây bởi lipopolysaccharid nhưng không thể làm chậm lại biểu hiện của yếu tố hoạt tử khối u α. Cả hai cao chiết ethanol và ethyl acetat đều có hoạt tính chống viêm phụ thuộc liều trên tế bào RAW 264.7. Hơn nữa, hiệu lực chống viêm của cả hai cao chiết ethanol và ethylacetat có thể thay đổi phụ thuộc vào sự hiện diện cũng như hàm lượng của các thành phần hoạt chất khác nhau như đã đề cập ở phần trên. Những phát hiện này cho thấy rằng cao chiết bán chi liên có thể được sử dụng làm thuốc chống viêm trong ứng dụng y sinh tương lai.

 

  Nguyễn Thị  Phượng, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Chung

  1.  

SCUTELLARIN ỨC CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN KHỐI U GHÉP ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ BỆNH NHÂN THÔNG QUA

 TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP VÀO ĐÍCH AKT TRONG UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO VẢY THỰC QUẢN

Liu F và cs.

Cancer Prev Res (Phila), 2019 Dec;12(12):849-860

Scutellarin là một flavonoid có trong cây bán chi liên (Scutellaria barbata), được nghiên cứu cho thấy có tác dụng chống ung thư và kháng viêm. Tuy nhiên, hoạt tính chống ung thư của scutellarin và đích phân tử của tác dụng vẫn chưa được nghiên cứu trong ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (ESCC). Trong nghiên cứu này, scutellarin được xác định là chất ức chế AKT tiềm năng, làm hạn chế sự phát triển khối u ghép ESCC được phân lập từ bệnh nhân. Đã nghiên cứu sàng lọc các protein tiềm năng bằng phương pháp kinase in vitro và Western blot để xác định các đích phân tử của scutellarin. Chúng tôi đã phát hiện rằng scutellarin gắn trực tiếp vào các protein AKT1/2 và ức chế hoạt tính của AKT1/2 in vitro. Protein AKT được hoạt hoá ở mô ESCC và việc loại bỏ AKT sẽ ức chế điển hình sự phát triển của tế bào ESCC. Scutellarin ức chế đáng kể sự phát triển của các tế bào bám và không bám và gây dừng chu kỳ tế bào ESCC ở pha G2. Tác dụng ức chế sự phát triển tế bào của scutellarin phụ thuộc vào sự biểu hiện của protein AKT. Đáng chú ý, trên mô hình chuột nhắt trắng in vivo, scutellarin cũng ức chế mạnh sự phát triển của khối u ghép ESCC được phân lập từ bệnh nhân. Tổng hợp lại, các dữ liệu của chúng tôi cho thấy scutellarin là một chất ức chế AKT mới có thể ngăn ngừa sự phát triển của ESCC.

Trần Nguyên Hồng

  1.  

TỔNG HỢP “XANH” CÁC TIỂU PHÂN NANO VÀNG TỪ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA)

 VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG TẾ BÀO UNG THƯ TỤY (PANC-1)

Wang L và cs.

Artif Cells Nanomed Biotechnol 2019 Dec;47(1):1617-1627

Công nghệ nano là công nghệ hiệu quả và thân thiện với môi trường được ứng dụng để phát triển các tiểu phân nano chống ung thư. Thông thường, các tiểu phân nano được tạo ra bằng những phương pháp khác nhau, nhưng đều ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên. Sự tổ hợp các tiểu phân nano bằng chiết xuất từ thực vật là phương pháp bảo tồn thay thế. Bán chi liên đã được sử dụng phổ biến làm thực phẩm hoặc dược phẩm chữa nhiều loại bệnh và nhiều nghiên cứu rộng rãi đã được tiến hành để đánh giá khả năng điều trị của thảo dược này. Nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào tổng hợp các tiểu phân nano vàng từ bán chi liên bằng “phương pháp xanh” và đánh giá hoạt tính ức chế trên dòng tế bào ung thư tuỵ (PANC-1). Các tiểu phân nano vàng được tiêu chuẩn hóa bằng quang phổ khả kiến UV, TEM, SAED, AFM và phân tích FTIR. Các tiểu phân nano vàng được tổng hợp (AuNPs) có hoạt tính chống ung thư hiệu quả trên dòng tế bào ung thư tuỵ (PANC-1). Chính vì vậy, nghiên cứu sâu hơn về cây này sẽ góp phần phát triển các thuốc chống ung thư mới trong điều trị ung thư tuỵ.

 

Trần Nguyên Hồng, Trần Trung Nghĩa

  1.  

TỔNG QUAN VỀ DƯỢC LÝ HỌC DÂN GIAN, HÓA THỰC VẬT,  DƯỢC LÝ HỌC VÀ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D.DON.)

Wang L và cs.

Journal of  Ethnopharmacol, 2019 Sep 29.

Cơ sở dược lý học dân gian: Bán chi liên (S. barbata) là một  thảo dược nổi tiếng lâu đời được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở Trung Quốc, tên gọi là Ban Zhi Lian, trong khi ở Hàn Quốc, tên gọi là Banjiryun. Trong hệ thống Y học cổ truyền Trung Quốc (TCM), bán chi liên có tác dụng thanh nhiệt và giải độc (Qingre Jiedu trong tiếng Trung).

Mục đích của nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành nhằm cung cấp tổng quan có hệ thống để hiểu được đầy đủ về bán chi liên, đặc biệt nhấn mạnh vào mối liên quan giữa các công dụng cổ truyền và các tác dụng dược lý.

Nguyên liệu và phương pháp: Tất cả thông tin liên quan đến bán chi liên có sẵn từ cơ sở dữ liệu internet, bao gồm PubMed, Science Direct, Elsevier, China National Knowledge  Internet và Google Scholar (đến tháng 10 năm 2018) đã được tìm kiếm. Thông tin bổ sung được thu thập từ các cuốn sách kinh điển về Thảo dược Trung Quốc, Dược điển Trung Quốc, v.v.

Kết quả: Trong hệ thống y học cổ truyền Trung Quốc (TCM), bán chi liên chủ yếu được kê đơn cho tác dụng thanh nhiệt và giải độc. Hơn 203 hợp chất đã được phân lập và xác định từ loại dược liệu này, với hợp chất chính là các neo-clerodan diterpenoid và flavonoid. Hầu hết các neo-clerodane đã được chứng minh là có tác dụng gây độc với  các loại tế bào ung thư khác nhau trên in vitro. Các cao chiết bán chi liên có hoạt tính chống viêm, kháng khuẩn, chống ung thư và các tác dụng dược lý khác. Thêm vào đó, các flavonoid, bao gồm wogonin, baicalein, apigenin, naringenin và scutellarin, được xác định là các chất đánh dấu trong kiểm soát chất lượng.

Kết luận: Tác dụng thanh nhiệt của bán chi liên có thể là do hoạt tính chống viêm và bảo vệ gan của nó, trong khi tác dụng giải độc có thể là do tác dụng kháng khuẩn của các neo-clerodane diterpenoid và các flavon. Bán chi liên có tác dụng kháng u và qua phân tích thành phần hoạt chất cho thấy các neo-clerodane diterpenoid là các hợp chất tiêu biểu. Nhìn chung, nhiều nghiên cứu tiền lâm sàng đã được tiến hành nhưng rất ít bằng chứng cụ thể về tác dụng chuyên biệt của bán chi liên có liên quan đến ứng dụng trị liệu.

Phí Thị Xuyến

  1.  

PHÂN ĐOẠN ETHYL ACETAT TỪ BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO (HEDYOTIS DIFFUSA) KẾT HỢP BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA) CÓ TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM THÔNG QUA ĐIỀU  HÒA BIỂU HIỆN miR-155

VÀ CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU JNK

Xu Y và cs.

Evid Based Complement Alternat Med,  2018 Mar 14

Bạch hoa xà thiệt thảo và bán chi liên (HDSB) là cặp dược liệu chính trong các thuốc được sử dụng cho mục đích điều trị chống viêm và chống ung thư phổ biến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những đặc tính sinh học của cặp dược liệu này vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã sàng lọc hoạt tính chống viêm của các phân đoạn HDSB và tìm hiểu cơ chế phân tử thích hợp trên mô hình tế bào đại thực bào chuột RAW264.7. Phân đoạn ethyl acetat từ dịch chiết nước của cặp dược liệu với tỷ lệ khối lượng bằng nhau (EA11) cho thấy ức chế mạnh nhất sự tích lũy nitrit trong dịch nổi của tế bào RAW264.7 bị kích thích bởi lipopolysaccharid/interferon-γ. Ngoài ra, EA11 đã ức chế biểu hiện iNOS và IL-1β theo kiểu phụ thuộc nồng độ, trong khi thúc đẩy biểu hiện của HO-1 và PPAR- γ. Khả năng chống viêm rất có thể được hỗ trợ bởi tác dụng ức chế con đường tín hiệu JNK và biểu hiện miR-155. Nghiên cứu này cho thấy EA11 có thể được coi như là một ứng viên chống viêm tiềm năng.

Phí Thị Xuyến

  1.  

SCUTELLAREIN TẤN CÔNG CHỌN LỌC TRÊN NHIỀU DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ NGUYÊN BÀO TỦY

 BẰNG CÁCH TĂNG SẢN SINH SUPEROXID TY THỂ VÀ KÍCH HOẠT CON ĐƯỜNG APOPTOSIS NỘI SINH

Shi L vs cs.

Biomed Pharmacother, 2019 Jan;109:2109-2118

Mục tiêu: Scutellarein là một flavonoid đơn phân tử được tìm thấy trong bán chi liên (Scutellaria barbata), một vị thuốc y học cổ truyền Trung Quốc. Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng gây độc tế bào của scutellarein trên nhiều dòng tế bào ung thư nguyên bào tủy (MM)

Phương pháp: Tế bào lympho B tự do (CBL) được phân lập từ máu ngoại vi của người hiến khỏe mạnh được sử dụng làm chứng âm cho các tế bào MM.1R và IM-9 MM. Các tế bào CLB và MM được xử lý với nhiều nồng độ khác nhau của scutellarein trước khi đánh giá khả năng sống sót và apoptosis. Tiêm tĩnh mạch scutellarein với các nồng độ khác nhau trên chuột nude được cấy ghép khối u MM và ghi nhận sự thay đổi kích thước khối u. Quá trình apoptosis của các tế bào MM hoặc CBL sau khi xử lý bằng scutellarein đã được đánh giá bằng cách xác định hoạt tính caspase-3, -8 và -9. Gây đột biến gen FADD hoặc APAF1 trên các tế bào MM bằng cách chuyển nhiễm lentivirus. Sử dụng Western blot để định lượng Cytochrom C trong bào tương hoặc ty thể, protein Bax và Bcl-2. Apoptosis gây bởi ty thể đã được thử nghiệm bằng cách đo sự thay đổi điện thế màng ty thể. Sự hình thành các gốc oxy phản ứng nói chung và gốc superoxid ty thể trong MM hoặc CBL đã được phát hiện sau khi tế bào được xử lý bằng scutellarein, được khử lần lượt bằng cách xử lý với MitoTEMPO hoặc apocynin.

Kết quả: Việc xử lý bằng scutellarein cho tác dụng gây độc tế bào mạnh với các tế bào MM nhưng không độc với CBL và việc tiêm tĩnh mạch scutellarein làm giảm đáng kể kích thước khối u MM cấy ghép ở chuột nude. Tế bào MM được xử lý bằng scutellarein đã hoạt hóa con đường apoptosis nội sinh qua trung gian ty thể bằng cách tăng sản sinh gốc superoxid ty thể, sau đó được khử thành các gốc oxy phản ứng (ROS) bởi NADPH, nhưng tác dụng này đã bị suy yếu ở CBL khỏe mạnh. Xử lý phối hợp scutellarein với bortezomib có tác dụng gây apoptosis trên các tế bào MM in vitro và làm giảm thể tích khối u MM cấy ghép ở chuột nude.

Kết luận: Scutellarein gây ra apoptosis nội sinh qua trung gian ty thể một cách chọn lọc trên các tế bào ung thư ác tính so với các tế bào khỏe mạnh.

Nguyễn Văn Hiệp

  1.  

CÁC NEO-CLERODANE DITERPENOID TỪ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D.DON) GÂY ĐỘC TẾ BÀO

Wang M và cs.

Chem Biodivers, 2019 Feb;16(2). Epub 2019 Jan 23

Đã phân lập từ bán chi liên được một neo-clerodane diterpenoid mới, barbatin H (1), cùng với mười lăm đồng phân đã biết (2-16). Cấu trúc của các chất này đã được xác định trên cơ sở phân tích và so sánh phổ NMR và HR-MS với các dữ liệu được công bố. Tất cả các hợp chất này được đánh giá khả năng gây độc tế bào trên bốn dòng tế bào ung thư ở người, i. e. LoVo (ung thư ruột kết), MCF-7 (ung thư vú), SMMC-7721 (ung thư gan) và tế bào HCT-116 (ung thư ruột kết) bằng phương pháp MTT in vitro. Kết quả cho thấy một loạt các neo-clerodane diterpenoid có hoạt tính độc tế bào ở các mức độ khác nhau trên sự phát triển của các dòng tế bào ung thư được thử nghiệm, và hầu hết đều có hoạt tính độc tế bào chọn lọc với dòng tế bào LoVo. Scutebata A (14) có hoạt tính độc tế bào điển hình trên bốn dòng tế bào ung thư được thử nghiệm với các giá trị IC50 tương ứng là 4,57; 7,68; 5,31 và 6,23 μM cho thấy đây có thể là một tác nhân hóa trị liệu tiềm năng.

Nguyễn Văn Hiệp

  1.  

SỬ DỤNG THẢO DƯỢC TRUNG QUỐC BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA) TRONG ĐIỀU TRỊ NHIỄM TRÙNG ACINETOBACTER BAUMANNII  SIÊU KHÁNG THUỐC: NGHIÊN CỨU IN VITRO VÀ IN VIVO

Tsai và cs.

BMC Complement Altern Med, 2018 Mar 20;18(1):96

Đặt vấn đề: Chưa có nghiên cứu nào trên mô hình động vật được thực hiện để chứng minh hiệu quả của các hợp chất từ thảo dược trong điều trị nhiễm trùng vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumannii. Hiện nay có rất ít kháng sinh điều trị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumannii (XDRAB). Để tìm kiếm thuốc điều trị thay thế, nhiều cây thuốc cổ truyền Trung Quốc đã được sàng lọc khả năng kháng khuẩn.

Phương pháp: Nghiên cứu này đã sàng lọc 30 cây thuốc thường được y học cổ truyền Đài Loan sử dụng để thanh nhiệt và giải độc. Các cây thuốc được đánh giá hoạt tính kháng khuẩn bằng các thử nghiệm khuếch tán đĩa thạch, thử nghiệm diệt theo thời gian và mô hình gây nhiễm trùng phổi ở chuột.

Kết quả: Trong số 30 cây thuốc được thử nghiệm, chỉ có bán chi liên (Scutellaria barbata) thể hiện 100% hoạt tính kháng khuẩn in vitro với XDRAB. Hơn nữa, chúng tôi đã so sánh tác dụng kháng khuẩn của cao chiết bán chi liên với colistin thì cao chiết bán chi liên cho thấy hiệu quả kháng khuẩn tốt hơn. Trong mô hình gây viêm phổi bằng XDRAB trên chuột, chúng tôi đã so sánh tác dụng kháng khuẩn của cao chiết bán chi liên (liều uống 200 mg/kg, mỗi 24 giờ), với colistin sử dụng nội khí quản (liều 75.000 U/kg, mỗi 12 giờ) và nhóm chứng. Tải lượng vi khuẩn trong phổi của nhóm điều trị bằng cao chiết bán chi liên đã giảm đáng kể so với nhóm chứng. Ngoài ra, kiểm tra mô bệnh học cũng cho thấy ở nhóm uống cao chiết bán chi liên có cải thiện tốt hơn tình trạng viêm quanh mạch máu, viêm quanh phế quản và viêm phế nang.

Kết luận: Kết quả nghiên cứu in vitroin vivo của chúng tôi trên mô hình động vật cho thấy bán chi liên có thể được sử dụng làm thuốc thay thế để điều trị nhiễm trùng phổi XDRAB. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu đầy đủ hơn trên động vật và các thử nghiệm lâm sàng để có thể sử dụng bán chi liên trong điều trị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn đa kháng thuốc A.baumannii.

 

Nguyễn Văn Hiệp, Phạm Văn Năm

  1.  

ĐẶC ĐIỂM CỦA POLYSACCHARID TỪ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA) VÀ TÁC DỤNG ĐỐI KHÁNG TRÊN SỰ DI CĂN VÀ XÂM LẤN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG HT- 29 GÂY BỞI TGF- β1

Li H và cs.

Int J Biol Macromol, 2019 Jun 15;131:886-895

Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tinh chế một polysaccharid tan trong nước (SBPW3) từ toàn cây bán chi liên bằng cách kết tủa với ethanol, khử protein, đông khô, thẩm tách và tách bằng cột lọc cellulose DEAE và cột sắc ký lọc gel Superdex 200. SBPW3 là một polysaccharid đồng nhất có trọng lượng phân tử 10,2 kDa gồm rhamnose (2,51%), arabinose (25,68%), xylose (10,94%), mannose (12,56%), glucose (20,59%) và galactose (27,72%). Phân tích phổ FT-IR của polysaccharid cho thấy SBPW3 có chứa một vòng pyranose. Tác dụng của SBPW3 đối với quá trình chuyển dạng biểu mô - trung mô (EMT) gây bởi TGF-1 đã được đánh giá trên tế bào ung thư ruột kết. Những kết quả này cho thấy SBPW3 đã ức chế đáng kể sự di căn và xâm lấn gây bởi TGF-β1. Ngoài ra, SBPW3 làm giảm EMT thông qua tăng biểu hiện của chất đánh dấu biểu mô và giảm biểu hiện của chất đánh dấu trung mô bằng cách chặn đường truyền tín hiệu Smad2/3 trong tế bào ung thư ruột kết. Hơn nữa, để tìm hiểu tác dụng chống di căn của SBPW3, chúng tôi đã thiết lập một mô hình di căn ung thư ruột kết trên chuột và thấy rằng SBPW3 ức chế đáng kể sự di căn lan tỏa của khối u nguyên phát đến gan. Những phát hiện này đã cung cấp một liệu pháp hóa trị liệu tiềm năng cho điều trị ung thư đại trực tràng ở người.

Đỗ Thị Minh

  1.  

CÁC POLYSACCHARID TỪ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA) ỨC CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN KHỐI U VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DỮ LIỆU PROTEIN HUYẾT THANH CỦA CHUỘT MANG KHỐI U GAN H22

Li L và cs.

Mol Med Rep, 2019 Mar;19(3):2254-2262

Nghiên cứu này để đánh giá tác dụng chống ung thư của các polysaccharid từ bán chi liên (SBPS) trong mô hình chuột bị u gan và đánh giá các protein huyết thanh liên quan đến sự hình thành khối u và hiệu quả điều trị của SBPS. Mô hình gây u gan được tạo ra bằng cách cấy dưới da tế bào ung thư biểu mô gan chuột vào chuột Kunming. Việc điều trị (mỗi ngày một lần) kéo dài cho đến khi trọng lượng khối u trong nhóm chứng là ~ 1 g (~ 7 - 10 ngày sau khi cấy ghép). Tách protein huyết thanh của mỗi nhóm để làm điện di gel hai chiều. Sàng lọc các protein biểu hiện chuyên biệt, xác định protein đại diện bằng cách sử dụng phổ khối thời gian ion hóa giải hấp thụ laser hỗ trợ màng. Việc điều trị bằng SBPS ở các liều khác nhau đã ức chế đáng kể sự phát triển khối u gan (tất cả các nhóm có p <0,01 so với nhóm bệnh lý). Các nghiên cứu so sánh đặc điểm protein huyết thanh cho thấy pseudouridine synthase 1 và chuỗi A của hạt nhận dạng tín hiệu dị tính liên kết Alu RNA (Srp9 / 14) đã được tăng lên trong huyết thanh của chuột mang u gan H22 và đều giảm khi điều trị với SBPS. Protein ribosome L24 của ty thể không có trong huyết thanh của chuột mang u gan H22 nhưng được phục hồi gần về mức bình thường khi được điều trị SBPS. Tóm lại, SBPS đã ức chế sự phát triển của ung thư gan ở chuột và ảnh hưởng đến dữ liệu protein huyết thanh.

Đỗ Thị Minh

  1.  

 

PHƯƠNG PHÁP DƯỢC LÝ HỆ THỐNG MỚI TRONG NGHIÊN CỨU CÁC CƠ CHẾ PHÂN TỬ CỦA BÁN CHI LIÊN TRONG UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ

Liu J và cs.

Front Pharmacol, 2018 Dec 17;9:1473

Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) là loại ung thư phổi phổ biến dẫn đến 1/3 số ca tử vong do ung thư. Hiện nay, hóa trị gây độc tế bào, phẫu thuật cắt bỏ, xạ trị và liệu pháp quang động là những phương pháp chính để điều trị NSCLC. Tuy nhiên, NSCLC tương đối kháng với các phương pháp trị liệu ở trên, dẫn đến tỷ lệ sống được 5 năm khá thấp (20%). Do đó, bắt buộc phải xác định hay phát triển các hợp chất tiềm năng có hiệu quả điều trị NSCLC. Ở đây, chúng tôi báo cáo bán chi liên (SBD) có thể điều trị NSCLC hiệu quả bằng cách chống viêm, thúc đẩy quá trình apoptosis, dừng chu kỳ tế bào và chống tạo mạch. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân tích cơ chế phân tử của SBD để điều trị NSCLC bằng cách áp dụng nghiên cứu dược lý hệ thống. Phương pháp này kết hợp phân tích dược động học với đánh giá dược lực học để sàng lọc các hợp chất có hoạt tính, dự đoán các đích và đánh giá các mạng lưới và con đường. Kết quả cho thấy 33 hợp chất được xác định có tác dụng chống ung thư có tiềm năng. Sử dụng các hợp chất có hoạt tính này làm cơ sở, chúng tôi dự đoán rằng 145 đích có liên quan NSCLC chủ yếu tham gia vào bốn khía cạnh: apoptosis, viêm, chu kỳ tế bào và hình thành mạch. Chúng tôi đã thực hiện các thử nghiệm in vitro để đánh giá độ tin cậy của một số hoạt chất và đích tác động quan trọng. Nhìn chung, tổng quan hoàn chỉnh về phương pháp dược lý hệ thống tích hợp cung cấp một đầu dò chính xác để làm sáng tỏ các cơ chế phân tử của SBD cho NSCLC. Hơn nữa, baicalein từ bán chi liên ức chế hiệu quả sự phát triển khối u trong mô hình chuột mang khối u LLC, chứng minh tác dụng ức chế khối u của bán chi liên. Phát hiện của chúng tôi tiếp tục cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho ứng dụng trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Đỗ Thị Minh

  1.  

ĐỘC TÍNH THỰC VẬT CỦA MỘT SỐ NEO-CLERODANE DITERPENOID PHÂN LẬP TỪ PHẦN TRÊN MẶT ĐẤT CỦA CÂY BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA)

Hang-Ying Li và cs.,

Phytochemistry, 2020, 171

Quá trình phân lập chất theo định hướng tác dụng sinh học trên các phân đoạn cao chiết từ phần trên mặt đất của cây Bán chi liên (Scutellaria barbata D. Don) cho thấy các hợp chất neo-clerodane diterpenoid có độc tính thực vật mạnh. Trong số 34 hợp chất phân lập, có 13 neo-clerodane diterpenoid mới lần đầu tiên được công bố. Cấu trúc của các hợp chất này đã được xác định dựa vào dữ liệu phổ NMR và các cấu hình tuyệt đối của scutebarbolid A, scutebarbolid L và scutebata W được xác định bằng phương pháp nhiễu xạ tia X. Độc tính thực vật của các hợp chất này trên sự phát triển của rễ và chồi cây L. perenne L. sativa lần đầu tiên được công bố và trong đó một số hợp chất có tác dụng ức chế rõ, đặc biệt là scutebarbolid K có khả năng ức chế mạnh hơn đối chứng dương ở nồng độ trong khoảng 25 đến 200 μg/mL. Khi các cây giống L. perenne L. sativa được xử lý với scutebarbolid K ở nồng độ 200 μg/mL, scutebarbolid K làm cho các cây giống này héo và sau đó chết. Ngoài ra, các mối quan hệ cấu trúc-hoạt tính của các hợp chất neo-clerodane diterpenoid mới này cũng được đề cập đến.

Nguyễn Thị Nụ

  1.  

XÁC ĐỊNH ĐỒNG THỜI 15 FLAVONOID TRONG CẶP DƯỢC LIỆU SCUTELLARIA BARBATA-HEDYOTIS DIFFUSA BẰNG HPLC-QTOF-MS

Wei Yang và cs.

Journal of AOAC INTERNATIONAL, 2019, 102(1): 75–80

Cặp dược liệu bán chi liên Scutellaria barbata – bạch hoa xà thiệt thảo Hedyotis diffusa hiện diện trong nhiều đơn thuốc kinh điển và thường được sử dụng trong điều trị ung thư. Để kiểm soát chất lượng của hai dược liệu này, nghiên cứu tiến hành phát triển một phương pháp HPLC-QTOF-MS để xác định nhanh, đồng thời các chất alpinetin, apigenin-7-O-β-D-glucopyranosid, scutellarein, apigenin, quercetin-3-O-β-D-glucopyranosid, wogonosid, quercetin, amentoflavon, wogonin, chrysin, luteolin, rutin, naringenin, baicalein và baicalin trong các cặp mẫu dược liệu S. barbataH. diffusa. Phương pháp LC-MS được tiến hành trên hệ thống HPLC của hãng Shimadzu (HPLC 20ADXR kết nối hệ thống khối phổ AB-SCIEX 5600 Triple TOF). Các đường chuẩn thu được có tính tuyến tính tốt trong khoảng nồng độ tương đối rộng (r> 0,996). LOD và LOQ lần lượt nhỏ hơn 20 và 68 ng/mL. Các giá trị độ lệch chuẩn tương đối (RSD) của độ chính xác trong ngày và khác ngày đều nhỏ hơn 3,31% với tất cả các mẫu phân tích. Hiệu suất thu hồi của phương pháp nằm trong khoảng 94,6 –106,06%, với RSD <4,72%. Trong đánh giá độ ổn định, giá trị RSD của diện tích pic không quá 4,28% với tất cả các mẫu phân tích trong vòng 2 ngày. Những kết quả này cho thấy phương pháp xây dựng được có độ nhạy, độ đúng, độ chính xác và độ ổn định tốt. Phương pháp này có thể áp dụng để định lượng 15 hợp chất flavonoid trong cặp dược liệu S. barbata - H. diffusa.

Điểm nổi bật:

(1) Phương pháp HPLC-QTOF-MS xây dựng được có ưu điểm đơn giản, nhanh, độ nhạy cao và cho kết quả đáng tin cậy.

(2) Phương pháp xây dựng được có thể định lượng đồng thời 15 hợp chất flavonoid trong cặp dược liệu S. barbataH. diffusa.

Nguyễn Thị Hà Ly

  1.  

ĐẶC ĐIỂM VÀ ĐỊNH LƯỢNG THÀNH PHẦN HOÁ HỌC CỦA BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIAE BARBATAE)

VÀ PHÂN TÍCH SỰ KHÁC BIỆT VỚI LOÀI THAY THẾ BẰNG PHƯƠNG PHÁP UHPLC-PDA-QTOF-MS/MS

 KẾT HỢP VỚI UHPLC-MS/MS

Zhang Z và cs.

Journal of Pharmaceutical and Biomedical Analysis, 2015, 109:62-6

Mục đích của nghiên cứu là nhằm tìm ra khả năng sử dụng loài không chính thức Scutellaria indica L. thay cho loài chính thức Scutellaria barbata D. Don. Phương pháp UHPLC-PDA-QTOF-MS/MS là phương pháp có độ nhạy, độ đúng, độ chính xác để xác định thành phần hóa học từ các dịch chiết thô. Nghiên cứu đã phát hiện được 36 pic; xác định được cấu trúc của 28 pic bằng việc so sánh với thời gian lưu, phổ UV, dữ liệu HR-MS của các chất đối chiếu hoặc so sánh với tài liệu tham khảo. Thêm vào đó, 5 hợp chất flavonoid được định lượng bằng phương pháp ghi phổ MRM ở chế độ ion hóa âm. Kết quả chỉ ra rằng có 23 pic chung ở 2 loài. Tuy nhiên, 13 pic chỉ có ở loài S. barbata mà không có ở loài S. indica. Ngoài ra, 5 hợp chất flavonoid có hàm lượng khác nhau đáng kể. Hợp chất scutellarein không có ở S.indica, được xem là thành phần đặc trưng để phân biệt 2 loài. Với các kết quả thu được, nghiên cứu này đã chứng minh rõ ràng loài S. indica không thể được sử dụng thay thế cho loài S. barbata và cần có những nghiên cứu tiếp để xác định hiệu quả trị liệu của các dược liệu này.

Hoàng Thị Tuyết

  1.  

PHÂN LẬP VÀ ĐỊNH LƯỢNG CÁC FLAVONOID CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ SCUTELLARIA BARBATA

SỬ DỤNG QUI TRÌNH THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Yang và cs.

Food and Bioproducts Processing, 2019, 118: 77–90

Sáu hoạt chất thuộc nhóm flavonoid gồm apigenin, baicalein, baicalin, luteolin, naringenin và wogonin, được chiết xuất từ ​​một thảo được dùng làm trà-bán chi liên, bằng cách sử dụng quy trình chiết xuất kết nối (HUAE) kết hợp giữa chiết xuất hồi lưu nhiệt (HAE) và chiết siêu âm hỗ trợ (UAE); các flavonoid được phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao và phổ khối (HPLC/MS). Phương pháp HUAE cho hiệu suất chiết flavonoid cao nhất và cao hơn các phương pháp UAE và HRE lần lượt từ 8,1 – 9,2% và 18,3 – 21,1% trong khi thời gian chiết xuất ngắn hơn hẳn (ngắn hơn 45 và 165 phút) và lượng dung môi chiết xuất cũng ít hơn (ít hơn 100 và 220 ml). Sự gia tăng hiệu quả chiết xuất mà HUAE thu được chủ yếu là nhờ sự kết hợp hiệu ứng hình thành bong bóng trong chất lỏng khi xảy ra sự thay đổi áp suất một cách đột ngột với hiệu ứng cơ học và nhiệt do năng lượng tạo ra từ sóng siêu âm. Người ta còn phát hiện thêm rằng dữ liệu thực nghiệm thu được từ dịch chiết toàn phần bán chi liên thông qua các quy trình HUAE và HRE có thể đạt được mối tương quan hoàn hảo bằng cách sử dụng mô hình tốc độ bậc hai. Hằng số tốc độ bậc hai thu được từ tương quan HUAE giảm khi nhiệt độ tăng, điều này hoàn toàn trái ngược với dữ liệu của quy trình HRE. Tuy nhiên, hai thông số liên quan còn lại (nồng độ cân bằng của các chất phân tích và tốc độ chiết xuất ban đầu) đều tăng khi nhiệt độ tăng dù là thu được từ quy trình HUAE hay HRE. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng dựa vào việc đánh giá năng lượng hoạt hóa chiết xuất và các thông số nhiệt động để giải thích và chứng minh tính ưu việt của quy trình HUAE trong chiết xuất bán chi liên.

Vi Thị Tuyến

  1.  

TÁC DỤNG GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA SCUTEBARBATOLID A-C, LÀ CÁC NEO-CLERODAN DITERPENOID MỚI

TỪ BÁN CHI LIÊN

Tran Thi Hong Hanh và cs.

Phytochemistry Letters, 2019, 29: 65-69

Qua nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học toàn cây bán chi liên (Scutellaria barbata), đã phân lập được 3 hợp chất neo-clerodan diterpenoid mới là scutebarbatolide A-C (1–3), cùng với 6 hợp chất đã biết: 14-deoxy-11,12-didehydroandrographolid (4), scutehenanin H (5), 14β-hydroxyscutolid K (6), scutebata O (7), scutebartin H (8) scutebartin I (9). Cấu trúc các hợp chất được xác định bằng phương pháp phân tích phổ cộng hưởng từ hạt nhân 1 chiều và 2 chiều, phổ khối, kết hợp so sánh với dữ liệu phổ đã công bố. Các hợp chất này được đánh giá độc tính trên 5 dòng tế bào ung thư người bao gồm: LNCaP, HepG2, KB, MCF7, và SK-Mel2. Kết quả thu được cho thấy hợp chất 1 và 6 thể hiện tác dụng gây độc tế bào trung bình trên cả 5 dòng tế bào với IC50 từ 30,8 đến 51,1 μM. Nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ công dụng của bán chi liên trong ngăn ngừa và điều trị ung thư.

Nguyễn Thị Hằng

  1.  

XÁC ĐỊNH ĐỒNG THỜI 5 FLAVONOID TỪ DỊCH CHIẾT SCUTELLARIA BARBATA TRONG HUYẾT TƯƠNG CHUỘT CỐNG TRẮNG BẰNG LC-MS/MS VÀ ỨNG DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU DƯỢC ĐỘNG HỌC

Shi. R. và cs.

 Journal of Chromatography B, 2011, 879(19):1625-1632

Phương pháp sắc ký lỏng khối phổ (LS-MS/MS) mới đã được xây dựng và thẩm định để xác định đồng thời 5 flavonoid bao gồm scutellarin, naringenin, apigenin, luteoline và wogonin trong huyết tương chuột cống trắng với chuẩn nội là sulfamethazol. Các mẫu huyết tương được tiền xử lý bằng quy trình chiết lỏng-lỏng và phương pháp thủy phân bằng acid để chuyển các flavonoid dạng kết hợp về dạng tự do. Điều kiện sắc ký bao gồm cột C18 và hệ rửa giải gradient tuyến tính là pha động gồm acid acetic 0,1% và methanol. Chế độ ion hóa phun điện tử (ESI+) và chế độ định lượng MRM được sử dụng để phát hiện theo phương thức ion hóa âm. Tối ưu hóa khả năng phân mảnh của scutellarin, naringenin, apigenin, luteoline, wogonin và chuẩn nội với các cặp ion (m/z) tương ứng 461,1/285,1, 271,0/119,0, 269,0/117,0, 285,0/132,9, 283,0/268,0 và 252,0/155,9. Phương pháp tuyến tính cho tất cả mẫu phân tích ở các phạm vi khảo sát với hệ số tương quan R đều lớn hơn 0,9915. Giới hạn định lượng dưới (LLOQ) của scutellarin là 9,15 ng/ml và các hợp chất còn lại đều nhỏ hơn 2,0 ng/ml. Phương pháp được xây dựng cho thấy có độ chính xác và độ lặp lại và phù hợp cho các nghiên cứu dược động học của 5 flavonoid sau khi cho chuột uống dịch chiết bán chi liên.

Nguyễn Đình Quân

  1.  

TỔNG QUAN TOÀN DIỆN VỀ HÓA THỰC VẬT, DƯỢC LÝ HỌC VÀ SINH TỔNG HỢP FLAVONOID

CỦA CÂY BÁN CHI LIÊN

Zi-Long Wang và cs.

Pharmaceutical Biology, 56:1, 465-484, Published online: 05 Dec 2018

Cây bán chi liên chứa ít nhất 126 phân tử nhỏ và 6 polysaccharid. Bán chi liên có các tác động chống khối u, chống vi rút, chống vi khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa và bảo vệ thần kinh. Các hợp chất hóa học chịu trách nhiệm cho nhiều tác động này vẫn chưa được biết, mặc dù các hoạt tính sinh học của một vài hợp chất chính (baicalin, baicalein, wogonosid và wogonin) đã được nghiên cứu rộng rãi. Gần đây, nhóm của chúng tôi đã báo cáo mối tương quan toàn diện về các hợp chất và hoạt tính sinh học của một loại thảo dược phổ biến khác là Gan-Cao (cam thảo, Glycyrrhiza uralensis Fisch) và phát hiện ra một số sản phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học đầy hứa hẹn (Ji et al. 2016 ). Chiến lược nghiên cứu tương tự có thể được áp dụng cho Huang-Qin để khám phá các loại thuốc mới tiềm năng. Trên thực tế, thử nghiệm lâm sàng của wogonin như là một ứng viên thuốc chống ung thư đã được Cục Quản lý Dược Nhà nước Trung Quốc phê duyệt gần đây. Mặt khác, các hợp chất chính có hoạt tính sinh học đã được biết có thể được sử dụng làm chất đánh dấu hóa học để cải thiện việc kiểm soát chất lượng của các thuốc thô Huang-Qin và các thuốc liên quan có bằng sáng chế. Hơn nữa, các nghiên cứu sinh tổng hợp có thể giúp sản xuất quy mô lớn các hợp chất hoạt tính sinh học bằng kỹ thuật chuyển hóa. Mặc dù các enzym liên quan đến sinh tổng hợp các flavon tự do từ cây bán chi liên đã được báo cáo, nhưng nhiều enzym sau biến đổi vẫn chưa được đặc trưng, ​​bao gồm các enzym chịu trách nhiệm cho các phản ứng hydroxyl hóa, methyl hóa và glycosyl hóa.

Vương Đình Tuấn

  1.  

TÁC DỤNG VÀ CƠ CHẾ CHỐNG UNG THƯ CỦA BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D. DON)

TRÊN DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ PHỔI CL1-5

Chin-Chuan Chen  và cs.

Oncotarget 8 (65), Published online November 2017

Ung thư phổi, là khối u ác tính phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới. Bán chi liên (SB) là một loại thảo dược chống viêm và chống ung thư nổi tiếng. Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát tác dụng chống ung thư và cơ chế điều hòa chính xác của SB trong tế bào ung thư phổi CL1-5. Trong một thử nghiệm in vitro, chúng tôi thấy rằng cơ chế chống khối u của SB là do quá trình gây apoptosis tế bào được điều hòa bởi P38 / SIRT1 thông qua việc làm ngừng pha G2/M và các con đường stress lưới nội sinh chất (ER stress), ty thể nội bào và con đường qua trung gian FAS / FASL. Cơ chế tự thực (Autophagy) cũng đóng một vai trò quan trọng trong độc tính tế bào CL1-5 của SB. Ngoài ra, SB còn có tác dụng hiệp lực với etoposid hoặc cisplatin trên các tế bào ung thư phổi. Trong một thử nghiệm in vivo, chúng tôi thấy rằng SB làm giảm đáng kể kích thước khối u cùng với giảm tăng sinh tế bào và hình thành mạch, cũng như tăng apoptosis và autophagy ở chuột mang khối u CL1-5. Những phát hiện này cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho việc áp dụng SB trong điều trị ung thư phổi.

 

Vương Đình Tuấn, Phạm Văn Năm

  1.  

CÁC POLYSACCHARID TỪ BÁN CHI LIÊN ỨC CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHỐI U CẤY GHÉP CALU- 3

THÔNG QUA VIỆC ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG HER2 VÀ SỰ HÌNH THÀNH MẠCH

Guangyu Yang và cs.

Oncol Lett., 9(6): 2721–2725, Published online 2015 Apr 20

Bán chi liên là một loại thảo dược đa niên thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae), được phân bố  rộng rãi trên khắp Trung Quốc và Hàn Quốc và đã được sử dụng trong y học dân gian như một tác nhân chống ung thư và chống viêm. Các polysaccharid được phân lập từ cây bán chi liên (PSB), đã được báo cáo là có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên, các cơ chế chống ung thư chi tiết đằng sau tác dụng của PSB vẫn chưa rõ ràng. Trong nghiên cứu này, một dòng tế bào ung thư phổi không tế bào nhỏ chứa đột biến gen HER2 Calu-3, dòng tế bào Calu-3 đã được sử dụng để nghiên cứu các cơ chế nền tảng trong tác dụng chống ung thư của PSB. Kết quả cho thấy PSB có khả năng ức chế tăng sinh tế bào và ức chế sự phosphoryl hóa thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu mô người (HER2) in vitro và cũng điều hòa giảm biểu hiện của các phân tử tín hiệu xuống, bao gồm Akt bị phosphoryl hóa và kinase liên quan đến tín hiệu phospho ngoại bào. Trong thử nghiệm in vivo, PSB đã thể hiện hiệu quả ở các liều được dung nạp tốt, bao gồm hoạt tính chống ung thư điển hình trong mô hình chuột được cấy dưới da khối u Calu-3. Phân tích hóa mô miễn dịch (IHC) cho thấy có sự giảm mật độ vi mạch máu phụ thuộc liều PSB, được chứng minh bằng nhuộm dấu ấn bề mặt tế bào 31 (cụm biệt hóa 31, CD31). Những phát hiện này cho thấy rằng sự ức chế tăng sinh mạch của khối u thông qua việc ức chế con đường HER2 có thể là một trong những cơ chế mà PSB có hiệu quả trong điều trị ung thư.

Vương Đình Tuấn

  1.  

HAI NEOCLERODANE DITERPENOID MỚI TỪ BÁN CHI LIÊN TRỒNG Ở VIỆT NAM

Đỗ Thị Thảo và cs.

Journal of Asian Natural Products Research, Pages 364-369 Published online: 05 Feb 2014

Nhiều sự phân lập bằng sắc ký phần trên mặt đất của bán chi liên (Scutellaria barbata) đã thu được hai neoclerodan diterpenoid mới, scutebata S (1) và scutebata T (2), cùng với scutebata D (3). Cấu trúc của các hợp chất này được xác định bằng các phương pháp quang phổ bao gồm quang phổ khối ion hóa độ phân giải cao, NMR 1D và 2D và so sánh với các dữ liệu phổ đã công bố. Các hợp chất 1 và 3 thể hiện tác động gây độc tế bào trung bình trên dòng tế bào ung thư tủy HL-60 (sinh tiền tủy bào) ở người. Các hợp chất 1 và 3 thể hiện tác động gây độc tế bào yếu đối với bốn dòng tế bào ung thư ở người được thử nghiệm bao gồm KB (ung thư biểu bì), LU-1 (ung thư biểu mô tuyến ở phổi), MCF7 (ung thư vú) và Hep-G2 (ung thư tế bào gan); trong khi hợp chất 2 không thể hiện tác động trên tất cả năm dòng tế bào được thử nghiệm.

Trần Trung Nghĩa

  1.  

TÁC DỤNG CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG CỦA DỊCH CHIẾT CỒN TỪ CÂY BÁN CHI LIÊN

 (SCUTELLARIA BARBATA D. DON) TRÊN CÁC MÔ HÌNH VẾT CẮT VÀ VẾT THƯƠNG DO BỎNG

Kiran Nilrif và cs.

Scholars Research Library Der Pharmacia Lettre, 2017

 

Đánh giá hiệu quả chữa lành vết thương của dịch chiết ethanol từ bán chi liên ở chuột cống trắng.

Phương pháp: Chuột đực Sprague Dawley nặng 250-300 g được chia ngẫu nhiên thành các nhóm vết cắt và vết thương do bỏng. Mỗi nhóm được phân tầng thành ba lô nhỏ: (1) Lô chứng không được điều trị; (2) Lô đối chiếu; (3) Lô thử nghiệm bằng dịch chiết bán chi liên. Các chất thử nghiệm được đặt trên vết thương mỗi ngày một lần. Quan sát đại thể và mức độ lành vết thương được đánh giá vào các ngày 4, 8, 12, 16 và 20 sau khi gây mô hình vết cắt và vết thương do bỏng. Các thông số được nghiên cứu là tỷ lệ phần trăm của sự co diện tích bề mặt vết thương (sự liền vết thương) và thời gian hình thành biểu mô trong các mô hình này. Đánh giá mô bệnh học đã được thực hiện.

Kết quả: Trong mô hình vết cắt và vết thương do bỏng, thời gian hình thành biểu mô giảm đáng kể ở tất cả các lô được điều trị so với lô chứng. Phân tích so sánh cho thấy dịch chiết bán chi liên (nồng độ 10%) có tác dụng chữa lành vết thương. Quá trình liền vết thương trong các lô đối chiếu được điều trị bằng Povidone iodine và Sulphadiazine bạc được rút ngắn đáng kể. Kết quả mô bệnh học vào ngày 21 cho thấy có sự hoại tử dạng tơ huyết nổi bật và biểu mô hóa không hoàn chỉnh trong lô chứng, trong khi ở tất cả các lô được điều trị bằng dịch chiết bán chi liên thì sự biểu mô hóa và keratin hóa được phát triển hoàn toàn.

 Kết luận: Dịch chiết ethanol của bán chi liên có tính chất chữa lành vết thương điển hình trong cả hai mô hình vết cắt và vết thương do bỏng.

Trần Trung Nghĩa

  1.  

BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D. DON) ỨC CHẾ SỰ DI CHUYỂN VÀ XÂM LẤN

CỦA CÁC TẾ BÀO UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG THÔNG QUA VIỆC NGĂN CHẶN CÁC CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU PI3K/AKT VÀ TGF-β/SMAD

 

Yiyi Jin và cs. 

Exp Ther Med, 2017 Dec; 14(6): 5527–5534

 

Di căn là một trong những hành vi bất thường nhất của các tế bào ung thư. Bệnh nhân ung thư, bao gồm ung thư đại trực tràng (CRC), có nguy cơ tái phát khối u và tử vong liên quan đến ung thư cao hơn một khi được chẩn đoán di căn. Các liệu pháp điều trị hiện tại không thể chữa khỏi ung thư chủ yếu là do sự di căn. Do đó, di căn vẫn là một thách thức trong điều trị ung thư. Một số liệu pháp y tế hỗ trợ và thay thế bằng sử dụng y học cổ truyền Trung Quốc đã được chứng minh là có hiệu quả lâm sàng trong điều trị ung thư. Bán chi liên (SB) là một thảo dược có triển vọng. Trước đây đã có báo cáo rằng dịch chiết ethanol của SB (EESB) có thể thúc đẩy quá trình apoptosis, và ức chế sự tăng sinh tế bào và sự hình thành mạch trong tế bào ung thư ruột kết ở người. Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của SB và cơ chế nền tảng đòi hỏi phải nghiên cứu thêm, đặc biệt là vai trò chống lại sự di căn. Để làm rõ hơn hiệu quả chống di căn của SB, các thử nghiệm MTT và Transwell đã được sử dụng trong nghiên cứu này để đánh giá hiệu quả của EESB đối với sự tăng sinh, di cư và xâm lấn của dòng tế bào ung thư đại trực tràng HCT-8. Ngoài ra, phân tích Western blot đã được thực hiện để phát hiện biểu hiện của các MMP (matrix metalloproteinase), các cadherin và các protein khác liên quan đến di căn. EESB làm giảm đáng kể khả năng sống sót của tế bào HCT-8 và làm giảm khả năng di chuyển và xâm lấn của các tế bào HCT-8 theo cách phụ thuộc vào liều. Ngoài ra, EESB làm giảm biểu hiện của MMP-1, MMP-2, MMP-3/10, MMP-9 và MMP-13 và các protein trong PI3K/AKT và làm giảm các con đường TGF-β/Smad, nhưng không ảnh hưởng đến các yếu tố E-cadherin và N-cadherin liên quan đến sự chuyển đổi biểu mô-trung mô. Tóm lại, kết quả cho thấy SB ức chế sự di căn tế bào ung thư đại trực tràng  thông qua việc ức chế các con đường dẫn tín hiệu PI3K / AKT và TGF-β / Smad, đây có thể là một cơ chế mà SB cho tác dụng chống ung thư.

Trần Trung Nghĩa, Nguyễn Văn Kiên, Phạm Văn Năm

26. 

TÁC DỤNG ỨC CHẾ CỦA FLAVONOID TỔNG TỪ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D. DON)

 TRÊN SỰ DI CĂN QUA XƯƠNG CỦA TẾ BÀO UNG THƯ VÚ NGƯỜI THÔNG QUA CON ĐƯỜNG ĐIỀU HÒA

 GIẢM PTHrP

Xiao Zheng và cs.

Int J Mol Med, 2018 Jun; 41(6): 3137–3146

Protein liên quan đến hormon tuyến cận giáp có nguồn gốc từ khối u (PTHrP), chất kích hoạt thụ thể của RANKl và osteoprotegerin (OPG) rõ ràng là các tác nhân chính trong việc thúc đẩy quá trình hủy xương do ung thư biểu mô vú di căn qua xương. Nhấn mạnh trên cơ sở phân tử này, nghiên cứu đã được thực hiện để khám phá tác dụng ức chế của flavonoid tổng từ bán chi liên (Scutellaria barbata D. Don) (TF-SB) đối với sự di căn qua xương của ung thư vú. TF-SB ở các nồng độ khác nhau đã được thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư vú MDA-MB-231 và trên mô hình chuột nude bị ung thư vú có di căn qua xương. Khả năng tăng sinh, di cư và xâm lấn của các tế bào MDA-MB-231 lần lượt được khảo sát. Tác dụng của TF-SB đối với trọng lượng khối u và sự hủy xương đã được nghiên cứu. Biểu hiện mRNA và protein của PTHrP, OPG và RANKl được đánh giá bằng phân tích qPCR và Western blot. Trong nghiên cứu in vitro, TF-SB ức chế sự tăng sinh, di cư và xâm lấn của tế bào MDA-MB-231 theo cách phụ thuộc vào liều. Trong nghiên cứu in vivo, TF-SB ngăn ngừa sự di căn xương của ung thư vú bằng cách giảm số lượng tế bào hủy xương theo cách phụ thuộc vào liều, nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của khối u hoặc sự sống sót của chuột. Phân tích phân tử cho thấy rằng TF-SB đã kiểm soát sự tiết các yếu tố liên quan đến quá trình hủy xương PTHrP và làm giảm RANKl / OPG. Kết hợp các dữ liệu, bằng cách kiểm soát biểu hiện của PtHrP và giảm OPG / RANKL, TF-SB có tác dụng ức chế đáng kể đối với sự di căn xương của ung thư vú, góp phần xác định một phương pháp điều trị mới.

Phạm Văn Năm

  1.  

HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ CỦA MƯỜI LOẠI THẢO DƯỢC TRUNG QUỐC THÔNG DỤNG

VÀ CÁC HỢP CHẤT CÓ HOẠT TÍNH TRÊN UNG THƯ

Wei Liu và cs.

Evid Based Complement Alternat Med, 2019; 2019: 6057837, Published online 2019 Sep 15

(Trích đoạn liên quan đến nghiên cứu của bán chi liên): SB là toàn cây bán chi liên (Scutellaria barbata), một loại thảo dược đa niên trong họ Hoa môi (Lamiaceae), có hiệu quả tốt trong chống ung thư, chống vi rút và chống oxy hóa (Hình 8). Các hoạt chất chính của SB là các flavonoid, diterpenoid và polysaccharid [60]. Scutellarin là thành phần chính chiếm 10% các flavonoid. Trong lý thuyết y học cổ truyền Trung Quốc, SB và bạch hoa xà thiệt thảo Oldenlandia diffusa (OD) đều là thuốc thanh nhiệt và giải độc, vì vậy chúng thường được sử dụng kết hợp. Các nghiên cứu trên các tế bào ung thư buồng trứng cho thấy dịch chiết SB điều hòa giảm protein Bcl-2 và làm tăng protein caspase 3/9 để gây apoptosis. Khả năng di chuyển của các tế bào ung thư cũng bị ức chế, có thể liên quan chặt chẽ đến biểu hiện giảm của MMP-2/9 [61]. SB ức chế biểu hiện của HIF-1 và VEGF đưa đến ức chế sự hình thành môi trường vi mô xung quanh khối u và đã được chứng minh in vivo để ức chế sự phát triển của ung thư phổi và giảm mật độ mao mạch [62]. Ngoài ra, các polysaccharid của SB có thể làm tăng mức độ của Bax, Bak protein và E-cadherin; làm giảm mức độ protein Bcl-2, N-cadherin và vimentin; ức chế sự tăng sinh và sự chuyển đổi biểu mô-trung mô (EMT: Epithelial to mesenchymal transition) của tế bào ung thư ruột kết và thúc đẩy quá trình apoptosis của chúng [63]. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ứng dụng kết hợp SB và OD có thể thúc đẩy quá trình apoptosis của các tế bào ung thư bàng quang bằng cách điều chỉnh giảm biểu hiện của miR-155 và con đường truyền tín hiệu điều hòa Akt. Trong khi đó, biểu hiện của McL-1 và Bcl-2 cũng bị ức chế, và biểu hiện của caspase 3 được điều chỉnh tăng [64]. Trong các thí nghiệm in vivo trên chuột cho thấy dịch chiết ethanol của bán chi liên (EESB) làm giảm đáng kể biểu hiện của protein Ki-67, một marker của tăng sinh tế bào của ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, con đường truyền tín hiệu Wnt/β-catenin, proto-oncogene c-myc và protein kháng apoptotic survivin đều bị ức chế bởi EESB[65]. Ngoài ra, EESB ức chế hoạt hóa STAT3 qua trung gian IL-6- trong các tế bào ung thư đại trực tràng và điều hòa giảm biểu hiện của cyclin D1 và CDK4 [66]. Một thí nghiệm trên chuột mang khối u C26 cho thấy SB polysaccharid có thể ức chế sự phát triển của khối u bằng cách kích hoạt caspase 3/9 [67]. Sự kết hợp giữa bán chi liên (Scutellaria barbata) và bạch hoa xà thiệt thảo (Oldenlandia diffusa) có thể tăng cường hiệu quả chống ung thư của nhau, đây là điểm mấu chốt của liệu pháp thảo dược chống ung thư. Sự kết hợp của 2 thảo dược này chủ yếu điều trị ung thư đường tiêu hóa, ung thư phụ khoa, ung thư phổi, ung thư bàng quang và các bệnh ung thư khác.

Phạm Văn Năm

  1.  

TÁC DỤNG ỨC CHẾ SỰ TĂNG TRƯỞNG KHỐI U VÀ ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH CỦA CÁC FLAVONOID

VÀ CÁC SCUTEBARBATINE TỪ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D. DON)

TRÊN CHUỘT C57BL/6 MANG KHỐI U LEWIS

Tao Gong và cs.

Evid Based Complement Alternat Med. 2015;2015

Tác dụng điều hòa miễn dịch được phát hiện là một biện pháp điều trị quan trọng cho các đáp ứng miễn dịch chống lại ung thư. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá sự ức chế của bán chi liên (Scutellaria barbata D. Don) (SB), một loại thảo dược chống viêm và chống ung thư của Trung Quốc, bao gồm các flavonoid và các scutebarbatin đối với sự phát triển của khối u và tác dụng điều hòa miễn dịch in vivo. Phương pháp HPLC và LC / MS / MS đã được tiến hành để phân tích các flavonoid và các scutebarbatin trong SB. Mô hình chuột C57BL/6 mang khối u Lewis (ung thư phổi) được thiết lập và thể tích khối u được đánh giá bằng thí nghiệm siêu âm màu tần số cao. Phân tích ELISA và Western blot được thực hiện để xác định các yếu tố điều hòa miễn dịch. Việc điều trị bằng SB ở các liều 10; 6,67 và 3,33 g dược liệu thô/ kg trọng lượng chuột/ ngày ức chế đáng kể sự phát triển khối u của chuột C57BL/6 mang khối u Lewis với tỷ lệ ức chế lần lượt là 44,41 ± 5,44% ; 33,56 ± 4,85% và 27,57 ± 4,96%. Quan trọng hơn, việc điều trị bằng SB làm tăng điển hình các chỉ số lách và tuyến ức. SB làm giảm nồng độ của IL-17, IL-10, FOXP3, TGF- β1, ROR γ t, và IL-6 trong khi làm tăng đáng kể nồng độ của IL-2 và IFN- γ. Kết quả của chúng tôi đã chứng minh rằng SB có thể ức chế sự phát triển khối u in vivo thông qua việc điều hòa chức năng miễn dịch ở chuột mang khối u và gợi ý rằng chức năng điều hòa miễn dịch của SB có hiệu quả điều trị tiềm năng đối với ung thư phổi.

Nguyễn Văn Kiên

  1.  

SỰ PHÁT TRIỂN VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT QUY TRÌNH XANH ĐỂ CHIẾT XUẤT APIGENIN TỪ BÁN CHI LIÊN

Yu-ChiaoYang và cs.

Food Chemistry, Vol: 252, 30 June 2018:381-389

Nghiên cứu này đã so sánh việc sử dụng chiết xuất siêu tới hạn CO2 được hỗ trợ siêu âm (USC-CO2 ) để thu được các dịch chiết giàu apigenin từ bán chi liên với chiết xuất siêu tới hạn CO2 thông thường  (SC-CO2) và với chiết xuất đun hồi lưu (HRE), được tiến hành song song. Quy trình xanh này mang lại hiệu suất chiết apigenin cao hơn lần lượt là 20,1% và 31,6% so với chiết xuất SC-CO2 thông thường và so với HRE. Ngoài ra, thời gian chiết xuất đạt yêu cầu của quy trình USC-CO2, sử dụng các điều kiện đơn giản hơn, ngắn hơn lần lượt là khoảng 1,9 lần và 2,4 lần so với yêu cầu của chiết xuất SC-CO2 thông thường và HRE. Hơn nữa, độ hòa tan lý thuyết của apigenin trong hệ thống chất lỏng siêu tới hạn được lấy từ đường cong chiết xuất động học USC-CO2 và phù hợp với các giá trị tính toán của ba mô hình dựa trên mật độ kinh nghiệm. Mô hình động học bậc hai được tiếp tục áp dụng để đánh giá động học của chiết xuất USC-CO2 . Kết quả đã chứng minh rằng mô hình được chọn cho phép đánh giá tốc độ chiết xuất và quy mô của chiết xuất USC-CO2.

 

Nguyễn Trọng Chung

  1.  

ĐỘNG HỌC VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CHUYỂN KHỐI CHO MỘT QUY TRÌNH CHIẾT XUẤT SIÊU TỚI HẠN CO2 

CÓ HỖ TRỢ SIÊU ÂM  ĐỂ TẠO RA DỊCH CHIẾT GIÀU FLAVONOID TỪ BÁN CHI LIÊN

 Yu-ChiaoYang và cs.

Journal of CO2 Utilization, Volume 32, July 2019: 219-231

Sáu flavonoid có hoạt tính sinh học được phân lập từ bán chi liên với các quy trình và thông số chiết xuất khác nhau của các phương pháp chiết hồi lưu nhiệt, chiết siêu âm, chiết siêu tới hạn CO2 thông thường và chiết siêu tới hạn CO2 được hỗ trợ siêu âm (USC-CO2 ). Phương pháp chiết xuất USC-CO2 cho hiệu suất chiết sáu flavonoid cao hơn, lần lượt là 28,09–29,31; 24,64–27,74 và 18,63–19,03% cao hơn so với phương pháp hồi lưu nhiệt, siêu âm và siêu tới hạn CO2 thông thường, với thời lượng thấp hơn là 2,29; 1,14 và 2 so với ba kỹ thuật chiết xuất khác và với điều kiện vận hành ít khắc nghiệt hơn. Do đó, quy trình USC-CO2 là một kỹ thuật đầy hứa hẹn để chiết xuất nhiều thành phần hợp chất có hoạt tính sinh học từ nhiều loại nguyên liệu thô. Hơn nữa, một mô hình động học bậc hai và một mô hình chuyển khối dựa trên định luật thứ hai của Fick đã tương quan thành công với chiết xuất động học tổng thể USC-CO2 của bán chi liên. Kết quả thu được từ mô hình động học bậc hai xác định rằng hàng rào năng lượng trong quy trình USC-CO2 thấp hơn so với các kỹ thuật chiết xuất truyền thống. Ngoài ra, mô hình chuyển khối đã thể hiện rằng việc tăng nhiệt độ vận hành từ 32 lên 52 °C ở áp suất không đổi có thể tăng cường hiệu quả sự truyền và khuếch tán khối trong quy trình USC-CO2 và quy trình này được chi phối bởi sự khuếch tán trong hạt. Những kết quả này cung cấp thông tin rất hữu ích cho việc thiết kế và phát triển một quy trình hiệu quả để chiết xuất các flavonoid có hoạt tính sinh học từ nhiều loại nguyên liệu, góp phần ứng dụng cho các quy trình chiết xuất công nghiệp trong tương lai.

Nguyễn Trọng Chung

  1.  

GHI NHẬN PHÂN BỐ MỚI CỦA LOÀI BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA D. DON), HỌ BẠC HÀ

VÀ MỘT LOÀI THUỘC CHI BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA) ĐƯỢC XÁC ĐỊNH SAI Ở HÀN QUỐC

Yoonkyung LEE và cs.

Korean Journal of Plant taxonomy 2018; 48(2):123-128

Các nghiên cứu phân loại trước đây về chi bán chi liên Hàn Quốc đã công bố ghi nhận loài Scutellaria hastifolia L. ở Hàn Quốc dựa trên ba tiêu bản mẫu vật. Trong quá trình kiểm tra lại các tiêu bản này, chúng tôi thấy rằng đặc điểm lá của các tiêu bản này khác với mẫu chuẩn của S. hastifolia. Dựa trên nghiên cứu tài liệu và so sánh với mẫu chuẩn, tiêu bản trước đây được ghi nhận là S. hastifolia đã  được xác định lại là của loài bán chi liên (S. barbata D. Don). S. hastifolia  khác biệt với S. barbata ở hai bên mép lá có răng cưa dễ thẫy và kích thước lá lớn hơn. Ngoài các điểm phân bố của ba tiêu bản được sử dụng trong nghiên cứu trước đó, một điểm phân bố của bán chi liên mới được tìm thấy ở khu vực phía Nam của Hàn Quốc. Trong nghiên cứu này, chúng tôi công bố một điểm phân bố mới của bán chi liên ở Hàn Quốc, sửa công bố trước đây về S. hastifolia, mô tả đặc điểm hình thái của S. barbata và đưa ra một khóa phân loại cho chi Scutellaria Hàn Quốc bao gồm loài bán chi liên.

Tô Minh Tứ

  1.  

PHÂN LOẠI SCUTELLARIA TAIPEIENSIS (HỌ BẠC HÀ – LAMIACEAE) DỰA TRÊN DỮ LIỆU

 HÌNH THÁI VÀ PHÂN TỬ

Chien-Ti Chao và cs.

PhytoKeys 140:33-35,24 Feb 2020

Ở Đài Loan, chi Scutellaria bao gồm 8 loài phân bố ở độ cao từ 50 đến 2000m. Trong số đó, bán chi liên (S. barbata) và S. taipeiensis rất giống nhau dựa trên hình thái và thông tin trình tự DNA lạp thể. Do đó, một nghiên cứu toàn diện về phân loại của S. taipeiensis là cần thiết. Chúng tôi đã xem xét tiêu bản mẫu vật, các tài liệu  liên quan với Bản tên hợp lệ và so sánh hình thái của hai loài này, cũng như các mối quan hệ phát sinh chủng loại. Tất cả bằng chứng, bao gồm các đặc điểm chẩn đoán giữa S. taipeiensis và bán chi liên, đưa ra  đó là một loài chứ không phải hai loài khác nhau. Do đó, S. taipeiensis được coi là tên đồng danh của loài bán chi liên.

Tô Minh Tứ

  1.  

SO SÁNH HỆ GEN HOÀNG CẦM (SCUTELLARIA BAICALENSIS) VÀ BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA) CHO THẤY SỰ TIẾN HÓA SINH TỔNG HỢP FLAVONOID

Zhichao Xu  và cs.

Biorxiv Preprint, 2020

Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis) và bán chi liên (Scutellaria barbata), là cây thuốc phổ biến thuộc họ bạc hà, sản sinh ra các hợp chất flavonoid đặc hiệu với các tác dụng chống oxy hóa và chống ung thư, bao gồm baicalein, scutellarein, norwogonin, wogonin và glycosid. Ở đây, chúng tôi đã công bố vị trí nhiễm sắc thể của hai bộ gen loài hoàng cầm và bán chi liên với sự biến đổi nhiễm sắc thể định lượng đáng kể (lần lượt là 2n = 18 và 2n = 26). Sự khác biệt của hoàng cầm và bán chi liên xảy ra sớm hơn nhiều so với công bố trước đây và sự sao chép toàn bộ hệ gen đã được xác định. Khi chèn các đoạn dài lặp cuối sự hình thành có thể là nguyên nhân gây ra việc mở rộng và sắp xếp lại nhiễm sắc thể đã quan sát được. Phân tích so sánh hệ gen của các loài cùng giống làm sáng tỏ sự tiến hóa loài đặc trưng của gen sinh tổng hợp chrysin và apigenin, như là loài hoàng cầm đặc trưng lặp gen lyase phenylalanine ammonia (PAL) và chalcone synthase (CHS), và loài bán chi liên đặc trưng lặp đoạn gen 4-CoA ligase (4CL). Ngoài ra, sự lặp gen parologous, cộng tuyến và sự đa dạng của các loài trong phân họ CYP82D cho thấy sự khác biệt về chức năng của các gen flavone hydroxylase giữa hoàng cầm và bán chi liên. Hệ gen của Scutellaria biểu hiện rõ rệt sự tiến hóa phổ biến và loài đặc trưng của các gen sinh tổng hợp flavone, thúc đẩy sự phát triển công tác chọn giống ứng dụng sinh học phân tử và nghiên cứu về sinh tổng hợp và điều khiển các hợp chất có hoạt tính sinh học.

Tô Minh Tứ

  1.  

NỘI DUNG CHÍNH BIỆN PHÁP KỸ THUẬT VÀ HÌNH THỨC SINH SẢN CỦA BÁN CHI LIÊN

Wang ZQ và cs

 Tạp chí nông nghiệp điện tử Phúc Kiến  ICP mã số 15013121, số 4, ngày   14/8/2015

Gieo hạt:  Hạt bán chi liên thường được gieo vào tháng tư và hạt có khả năng nảy mầm tốt ở nhiệt độ 20oC. Có thể gieo trên luống ruộng hoặc trồng trong chậu, trong quá trình gieo hạt phải cẩn thận, hạt nảy mầm trong điều kiện phải có ánh sáng, sau khi gieo hạt xong có thể rắc một lớp đất mỏng hoặc không. Nhiệt độ thích hợp cho sự nảy mầm là 21-24oC, hạt có thể nảy mầm khoảng 7 ngày sau khi gieo. Khi nhiệt độ đất khoảng 21 °C vào ban ngày và khoảng 16 °C vào ban đêm, hạt nảy mầm nhanh hơn và cây con khỏe, nhưng sinh trưởng ban đầu rất chậm. Từ khi gieo đến nở hoa là 2,5 tháng.  Hạt có sức sống mạnh mẽ, và có thể nảy mầm sau khi được lưu trữ trong 3 đến 4 năm. Có khả năng phát tán rộng. Sau khi  trồng, đất trong chậu được giữ ẩm, mỗi một năm vào mùa xuân cây có khả năng mọc lứa mới. Giâm cành: Thường áp dụng khi quy mô canh tác nhỏ. Có thể giâm trực tiếp trên luống hoặc trong chậu. Mỗi chậu 3-5 cành. Địa điểm giâm cành cần được che mưa nếu không cành giâm rất dễ bị thối. Cành được giâm vào mùa hè, nên chọn cành khỏe mạnh để cắt giâm với chiều dài cành giâm khoảng 5-6 cm. Sau giâm 10 – 12 ngày bắt đầu  ra rễ và rất dễ dàng sống sót phát triển thành cây và ra hoa. Cách trồng trong chậu: Khi cây có 3 lá thật thường được mang trồng trên chậu hoa, đường kính là 15 cm thì mỗi chậu 3 cây, đường kính 20 cm thì mỗi chậu 5-6 cây  khoảng cách là 10-15 cm. Cây phát triển tốt nhất trên đất màu mỡ, tơi xốp, thoát nước tốt. Tránh trồng trong những vùng trũng thấp, khó thoát nước. Nếu trồng cây trong chậu thì dùng đất vườn, mùn lá và phế phụ phẩm khác. Nếu không chọn đất tốt thì thân cành dễ bị thối. Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho cây bán chi liên sinh trưởng phát triển là 20-30oC. Cây chịu lạnh kém, nhiệt độ tối thiểu không nên dưới 8°C, cây có thể chịu được nhiệt độ cao nhưng trên 30oC thì ảnh hưởng tới việc nở hoa và số lượng hoa ít. Ánh sáng:Trong suốt quá trình sinh trưởng, đầy đủ ánh sáng là yếu tố cần thiết để cây sinh trưởng và ra hoa bình thường. Vào mùa hè, khi nhiệt độ cao, là thời điểm mà tốc độ sinh trưởng và ra hoa của cây mạnh mẽ nhất. Khi phải chịu bóng râm, cây sẽ vươn dài, ra hoa ít và nhỏ. Nếu gặp mưa hoặc thời tiết mưa thì hoa nở ít, cây dễ bị thối rễ. Bán chi liên ra hoa vào buổi sáng, giống như hoa mười giờ; nếu nhiệt độ cao trong ngày thì hoa sẽ khép lại nhanh hơn.

Tưới nước: Bán chi liên có khả năng chịu hạn rất tốt do thân lá có khả năng trữ nước. Vì vậy, cây có khả năng chịu hạn và có thể ra hoa trong điều kiện tương đối khô. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng phát triển tốt và ra hoa cũng cần cung cấp đủ lượng nước. Tránh tưới nước quá ẩm ướt và ngập nước, khi bị ngập 7 cm cây rất dễ ngoi lên trên mặt nước và thời gian dài sẽ làm cho cây thân cao, lá mảnh khảnh, thậm chí bị chết. Tưới nước nên tuân theo một nguyên tắc "không khô không tưới, tưới nhỏ giọt thấm đẫm", tránh những nơi quá ẩm ướt. Trong mùa, sau mưa cần kịp thời tháo nước ra khỏi chậu hoặc ruộng. Ẩm độ môi trường: Thích hợp môi trường khô ráo, độ ẩm tương đối của không khí không được quá cao, nếu không sẽ gây ra hiện tượng thân cây thối. Phân bón: Cây yêu cầu phân bón không nhiều nhưng cây cần được bón hợp lý để cây sinh trưởng và ra hoa thuận lợi. Nếu bón không đúng thời gian thì cây sinh trưởng kém hoa sẽ nhỏ và ít. Trong thời gian sinh trưởng, cây cần được bón thúc từ 2 đến 3 lần phân đạm và lân. Cần tiến hành xới xáo, phá váng, dặm cây vào mùa hè và nửa tháng bón 1 lần phân đạm và lân kết hợp phân chuồng để thúc đẩy cây sinh trưởng và ra hoa mạnh mẽ. Phòng chống sâu bệnh hại: Các loại nguy hiểm như rỉ sét và côn trùng…

                                           Phan Thị Lâm

  1.  

SCUTELLARIA L. ,MỘT CHI QUAN TRỌNG CỦA KHU VỰC ÂU Á

Ersin Minareci và Sinem Pekönür

Biology, Vol. 4, Issue 1 (2017):35-46

Scutellaria được tìm thấy trên mọi lục địa ngoại trừ Nam Cực. Đặc biệt nó được tìm thấy ở khu vực Á - Âu nơi tập trung số lượng loài nhiều nhất. Mục tiêu của nghiên cứu này tập trung vào tầm quan trọng của chi này. Các loài Scutellaria cần được xác định giá trị và đánh giá bởi vì chi Scutellaria rất giàu flavonoid và diterpenoid và có nhiều tác dụng dược lý như chống ung thư, chống tạo mạch, chống viêm gan, chống oxy hóa, chống co giật, kháng khuẩn, chống vi rút và ức chế tế bào ung thư. Hơn nữa, các loài Scutellaria có hoa rất đẹp. Một số quốc gia như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nghiên cứu được kỹ thuật canh tác của chi này và họ trồng một số loài Scutellaria như một sản phẩm trồng trọt và trang trí. Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc trồng trọt ở quy mô lớn vẫn chưa được thực hiện. Các loài Scutellaria có thể được trồng để đạt được lợi ích kinh tế và sinh thái. Mặc dù các quần thể hoang dã của chi Scutellaria phân bố rộng rãi trên thế giới, một số loài này đang trở nên hiếm hoặc bị đe dọa với áp lực suy giảm số lượng quần thể, ô nhiễm môi trường và phá hủy môi trường sống tự nhiên của chúng. Bảo tồn bằng trồng trọt là một phương pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn gen.

Hoàng Thúy Nga

  1.  

NGHIÊN CỨU VỀ DẤU VÂN TAY HỒNG NGOẠI CỦA BÁN CHI LIÊN (SCUTELLARIA BARBATA)

Li, Jifeng

Agricultural Science & Technology; Changsha Vol. 18, No 12, Dec 2017: 2561-2562.

Mục tiêu: Nghiên cứu này được thực hiện để thiết lập dấu vân tay đặc trưng của các nguyên liệu thảo dược trong khu vực Weinan của đầm lầy sông Hoàng Hà.

Phương pháp: Vật liệu bán chi liên (Scutellaria barbata) được thu thập từ khu vực Weinan của đầm lầy sông Hoàng Hà. Phân tích dấu vân tay được thực hiện bằng cách sử dụng phổ IR giữa của chúng và phương pháp phân tích dấu vân tay IR của Scutellaria barbata đã được thiết lập.

Kết quả: Bốn vật liệu Scutellaria barbata thu thập về cơ bản có cùng đặc điểm vân tay IR.

Kết luận: Scutellaria barbata được xác định bằng phương pháp vân tay IR và FTIR có thểđược ứng dụng như một phương tiện nhận diện khoa học nhanh chóng để kiểm định dược liệu bán chi liên.

Trịnh Minh Vũ

  1.  

HIỂU BIẾT Ở MỨC ĐỘ PHIÊN MÃ GEN VỀ SỰ SINH TỔNG HỢP TERPENOID VÀ ĐẶC TÍNH CHỨC NĂNG

CỦA BA ENZYM SINH TỔNG HỢP DITERPENE TRONG CÂY BÁN CHI LIÊN

Huabei Zhang và cs.

Molecules, 23(11): 2952, Published online 2018 Nov 12

Bán chi liên (Scutellaria barbata, họ bạc hà) là một loại thảo dược quan trọng được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác. Neo -clerodan diterpenoid là nhóm hoạt chất diterpenoid lớn nhất được biết đến của cây bán chi liên và cho thấy khả năng gây độc tế bào chống lại một số dòng tế bào ung thư. Phân tích phiên mã  dựa trên Illumina của hoa, các bộ phận trên cây (lá và thân cây) và rễ của cây bán chi liên  đã được sử dụng để tìm ra các gen liên quan đến terpenoid. Tổng cộng, 121.958.564 lần đọc chuỗi RNA sạch đã được tập hợp thành 88.980 bản phiên mã, với chiều dài trung bình là 1370 nt và chiều dài N50 là 2144 nt, cho thấy chất lượng sắp xếp cao. Chúng tôi đã xác định gần như tất cả các gen liên quan đến terpenoid (33 gen) có liên quan đến sinh tổng hợp xương sống terpenoid và 14 gen tổng hợp terpene tạo ra bộ xương cho các terpenoids khác nhau. Ba gen enzyme tổng hợp diterpene  có chiều dài đầy đủ đã được xác định chức năng bằng cách sử dụng xét nghiệm in vitroSb TPS8 và Sb TPS9 được xác định là enzyme sinh tổng hợp CPP thông thường và ent -CPP. Sb TPS12 phản ứng với Sb TPS8 để tạo ra miltiradien. Hơn nữa, Sb TPS12 đã được chứng minh là một loại enzyme sinh tổng hợp diterpene ít lộn xộn hơn. Các kết quả này cho một sự hiểu biết toàn diện về sinh tổng hợp terpenoid trong cây bán chi liên và cung cấp thông tin hữu ích cho việc tăng cường sản xuất các diterpenoids hoạt tính sinh học mới thông qua kỹ thuật di truyền.

Vương Đình Tuấn

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)