Bản tin dược liệu

Bản tin Dược liệu số 01/2013: Giảo cổ lam & một số cây thuốc có tác dụng chống ung thư

SỰ THAY ĐỔI HÀM LƯỢNG SAPONIN TOÀN PHẦN, FLAVONOID

TOÀN PHẦN VÀ CÁC NGUYÊN TỐ KHOÁNG CHẤT THEO MÙA

TRONG 3 LOÀI GIẢO CỔ LAM

LI Xinyun và cs.

Trung Dược tài, 2012, Vol 35, No 1: 26-30

Mục đích: Xác định hàm lượng saponin toàn phần (gypenosid), flavonoid toàn phần và hàm lượng các nguyên tố trong 3 loài: giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum (Thunb).), giảo cổ lam Quảng Tây (Gynostemma guangxiense X. X. Chen et D. H. Qin) và giảo cổ lam ngũ quế (Gynostemma pentagynum Z. P. Wang) ở các mùa khác nhau để tìm hiểu quy luật biến đổi các chất trong cây.

Phương pháp: Định lượng hàm lượng saponin toàn phần và flavonoid toàn phần bằng phương pháp đo quang phổ UV-VIS tại các bước sóng lần lượt ở 550nm và 510nm. Đo hàm lượng nguyên tố vi lượng trong mẫu dược liệu bằng máy Phổ phát xạ nguyên tử Plasma cao tần cảm ứng ICP-AES (Inductively coupled plasma atomic emission spectroscopy).

Kết quả: Từ tháng 4~11, trong mùa cây sinh trưởng phát triển 3 loài giảo cổ lam, đều cho thấy quy luật biến đổi hoạt chất là trước tăng lên rồi giảm xuống. Cụ thể, cả 3 loài giảo cổ lam đều có hàm lượng saponin toàn phần cao nhất vào tháng 9; hàm lượng flavonoid toàn phần cao nhất vào tháng 7 hoặc tháng 8; hàm lượng nguyên tố K vào kỳ dinh dưỡng sinh trưởng cao hơn vào kỳ ra hoa và quả, hàm lượng nguyên tố Ca vào kỳ ra hoa và quả cao hơn kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, hàm lượng nguyên tố S có xu hướng tăng lên vào kỳ cuối sinh trưởng phát triển.

Kết luận: Vào kỳ thu hái giảo cổ lam, tháng 8~9, hàm lượng saponin toàn phần và nguyên tố vi lượng ở  giảo cổ lam Quảng Tây đều cao nên dược liệu có chất lượng tốt cho khai thác.

N.T.M.Lộc

TÁC DỤNG BẢO VỆ GAN CỦA GYPENOSID TRÊN CHUỘT UỐNG CARBON TETRACHLORIDE (CCl4)

LI Xuemei và cs.

Chinese Journal of Integrated Traditional and Western Medicine on Liver Diseases, 2012,

Vol 22, No 3: 151-154

Mục đích: Quan sát tác dụng bảo vệ gan của gypenosid trên chuột cống trắng uống CCl4.

Phương pháp: Sử dụng mô hình gây xơ gan chuột cống trắng gây bởi CCl4, chia thành nhóm thường (T, n=6), nhóm mô hình (M, n=8), nhóm dùng gypenosid (G, n=8), nhóm dùng colchicine (C, n=8). Tạo mô hình 6 tuần thì bắt đầu dùng thuốc (gypenosid 200mg/kg thể trọng; colchicine 0,1mg/kg thể trọng), cho dùng thuốc trong 3 tuần.

Quan sát:

(a) Sự thay đổi về tỷ lệ thể trọng và trọng lượng gan, lá lách chuột cống trắng;

(b) Hoạt tính ALT, AST, GGT và nồng độ Alb, Tbil, Hyp;

(c) Nồng độ SOD, MDA, GSH, GSH-Px;

(d) Bệnh lý mô gan và tình trạng lắng đọng collagen.

Kết quả:

(a) Hàm lượng ALT, AST, GGT, Tbil trong huyết thanh ở chuột cống trắng nhóm M tăng cao rõ, còn hàm lượng Alb giảm xuống rõ rệt; Hàm lượng ALT, AST, GGT, Tbil trong huyết thanh ở chuột cống trắng nhóm J và Q giảm xuống rõ rệt, còn hàm lượng Alb lại tăng cao rõ rệt;

(b) Nồng độ Hyp trong mô gan chuột cống trắng nhóm M tăng cao, còn ở nhóm G và C lại giảm xuống rõ rệt;

(c) Nhuộm màu HE mô gan cho thấy: Lipid tế bào gan chuột cống trắng nhóm M bị biến chất, tăng sinh lượng lớn mô liên kết xơ, hình thành tiểu thuỳ giả (pseudo lobule). Lipid tế bào gan chuột cống trắng nhóm J và Q giảm nhẹ quá trình biến chất, tăng sinh xơ giảm bớt, hiếm khi thấy kết cấu tiểu thùy giả hoàn chỉnh. Nhuộm màu đỏ cho thấy: Chuột cống trắng nhóm M có sự lắng đọng collagen ở xoang mạch gan rõ rệt, hình thành vách xơ giữa xoang mạch và tĩnh mạch trung tâm khá dày, còn ở nhóm G và C thì hiện tượng vách xơ này giảm nhẹ rõ rệt;

(d) Hoạt tính của SOD và nồng độ GSH trong mô gan chuột cống trắng nhóm M giảm thấp, hàm lượng MDA tăng cao, còn hoạt tính SOD trong mô gan chuột cống trắng nhóm G tăng cao rõ rệt.

Kết luận: Gypenosid có tác dụng bảo vệ gan và chống tổn thương oxy hóa ở chuột cống trắng gây bởi CCl4, có ý nghĩa thống kê.

N.T.M.Lộc

TÁC DỤNG BẢO VỆ GAN CỦA GYPENOSID TRÊN CHUỘT GÂY TỔN THƯƠNG GAN BẰNG

DIMETHYLNITROSAMINE (DMN)

FENG Qin và cs.

Trung Quốc Trung dược tạp chí, 2012, Vol 37, No 4: 505-508

Mục đích: Nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của gypenosid trên chuột cống trắng uống DMN.

Phương pháp: Sử dụng mô hình gây tổn thương gan chuột cống trắng bằng tiêm DMN vào khoang bụng, sau khi tạo mô hình được 4 tuần, chia ngẫu nhiên chuột cống trắng thành nhóm mô hình, nhóm gypenosid (gypenosid 200mg/kg thể trọng) và nhóm dùng thuốc đối chiếu colchicine (0,1mg/kg thể trọng), mỗi nhóm 10 con, sau 2 tuần đưa thuốc vào dạ dày thì quan sát và đo các chỉ tiêu sau:

(a) Tỷ lệ thể trọng lần cuối và trọng lượng gan, lá lách;

(b) Xác định hàm lượng hydroxyproline trong mô gan;

(c) Các chỉ tiêu chức năng gan: hoạt tính ALT, AST, GGT và nồng độ của Alb, TbiL;

(d) Nhuộm đỏ mô gan và nhuộm màu HE;

(e) Chỉ tiêu peroxy hóa lipid mô gan: nồng độ của SOD, MDA, GSH và GSH-Px.

Kết quả: Nhóm mô hình xuất hiện sự thay đổi về bệnh lý xơ gan điển hình, so với nhóm thường, hàm lượng Hyp mô gan nhóm mô hình cũng như hoạt tính ALT, AST, GGT và hàm lượng TbiL, MDA tăng cao rõ rệt, đồng thời nồng độ Alb huyết thanh, hoạt tính của SOD, GSH và hoạt tính GSH-Px mô gan tăng cao rõ rệt; so với nhóm mô hình, mức độ xơ gan ở nhóm dùng gypenosid giảm nhẹ rõ rệt, hàm lượng hydroxyproline trong mô gan giảm thấp rõ rệt (P<0,01), tương đương với hiệu ứng của nhóm colchicine. Chỉ tiêu chức năng gan nhóm dùng gypenosid đều được cải thiện rõ rệt, đồng thời hoạt tính của các enzyme SOD, GSH-Px tăng có ý nghĩa (P<0,05), còn nồng độ MDA giảm xuống thấp.

Kết luận: Gypenosid có tác dụng chống tổn thương gan trên chuột cống trắng gây bởi DMN.

N.T.M.Lộc

NGHIÊN CỨU ĐỘNG HỌC HẤP THU GYPENOSID TRONG RUỘT CHUỘT CỐNG TRẮNG TRÊN THỰC NGHIỆM

CHEN Zhongwen và cs.

Trung Quốc Y Dược chỉ nam, 2012, Vol 10, No 12: 5-7

Mục đích: Nghiên cứu dược động học hấp thu gypenosid trong các phần ruột khác nhau của chuột cống trắng, cung cấp số liệu lý thuyết cho việc nghiên cứu bào chế thuốc.

Phương pháp: Nghiên cứu sự hấp thu gypenosid ở các phần ruột của chuột cống trắng bằng mô hình hấp thu ruột in vivo và định lượng hàm lượng thuốc bằng phương pháp đo quang phổ.

Kết quả: Trong khoảng nồng độ 0,17~0,37mg/mL, gypenosid có hằng số tốc độ hấp thu (Ka) ở ruột non không bị ảnh hưởng rõ rệt; ở hành tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng, và trực tràng không có sự khác biệt rõ rệt

Kết luận: Sự hấp thu gypenosid ở ruột chuột cống trắng thể hiện quá trình động học cấp 1, tức là sự khuếch tán bị động, cửa hấp thu khá rộng, có thể thai thác thành thuốc chế có tác dụng kéo dài (Sustained-release preparation).

N.T.M.Lộc

TÁC DỤNG VÀ CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA GYPENOSID ĐỐI VỚITỔN THƯƠNG TẾ BÀO PODOCYTE CHUỘT CỐNG TRẮNG TIỂU ĐƯỜNG BỊ BỆNH THẬN

HUANG Ping và cs.

Trung Hoa Trung Y Dược tạp chí, 2012, Vol 27, No 03: 723-726

Mục đích: Nghiên cứu sự ảnh hưởng của gypenosid đối với tế bào podocyte thận thông qua sự biểu hiện mRNA của nephrin, VEGF ở chuột cống trắng bị bệnh thận tiểu đường (DN). Tìm hiểu cơ chế giảm nồng độ protein niệu và bảo vệ thận của hoạt chất.

Phương pháp: Sử dụng phương pháp cắt bỏ một bên thận và tiêm STZ để tạo mô hình DN, chia chuột thành các nhóm thường, nhóm mô hình, nhóm dùng thuốc (uống gypenosid các liều cao, vừa và thấp) và nhóm valsartan. Sau 4 tuần, quan sát bằng kính hiển vi điện tử sự thay đổi kết cấu siêu vi của tiểu cầu thận, sự biểu hiện mRNA của nephrin và VEGF.

Kết quả: Sự thay đổi bệnh lý ở các nhóm chữa trị so với nhóm mô hình đều có sự cải thiện với các mức độ khác nhau: Khoảng cách giãn rộng hoặc một số chỗ hợp lại, giảm bớt độ tăng dày của màng đáy (basilar membrane), đồng thời mức độ biểu hiện mRNA nephrin tăng lên rõ rệt so với nhóm mô hình (P< 0,01), sự biểu hiện VEGF bị ức chế rõ rệt (P< 0,01), trong đó nhóm liều cao và vừa, nhóm dùng valsartan có hiệu quả tương tự nhau, tốt hơn hẳn so với nhóm dùng liều thấp (P< 0,01).

Kết luận: Gypenosid có thể điều chỉnh sự biểu đạt nephrin đi leencuar tế bào podocyte để ức chế sự biểu đạt VEGF, giảm nhẹ sự thay đổi kết cấu siêu vi tế bào podocyte, từ đó bảo vệ được tế bào podocyte, giảm nồng độ protein niệu, và làm chậm quá trình xơ hóa tiểu cầu thận.

N.T.M.Lộc

ẢNH HƯỞNG CỦA GYPENOSIDE ĐỐI VỚI SỰ BIỂU ĐẠT CỦA THỤ THỂ SR-B I TẾ BÀO HEP G2 GÂY BỞI HDL-CE

WANG Pinger và cs.

Trung Quốc Dược lý học thông báo, 2012, Vol 28, No 11: 1539-1543

Mục đích: Nghiên cứu ảnh hưởng của gypenoside (GPS) đối với sự biểu đạt của thụ thể SR-B I tế bào Hep G2 gây bởi HDL-CE, phân tích cơ chế của GPS trong việc chống xơ vữa động mạch.

Phương pháp: Nuôi cấy tế bào HepG2 của người cùng với GPS và HDL-CE với các nồng độ khác nhau trong 24 giờ, dùng phương pháp nhuộm màu đỏ để quan sát tình trạng vón lipid trong tế bào và định lượng sự thay đổi hàm lượng cholesterol toàn phần trong tế bào bằng phương pháp so màu enzym, lần lượt kiểm tra sự biểu hiện của GPS đối với mRNA SR-B I và protein thụ thể màng tế bào.

Kết quả: GPS với nồng độ 0~120mg/L không gây ảnh hưởng tới sự tăng sinh tế bào HepG2, sau khi xử lý riêng với HDL-CE và xử lý HDL-CE cùng với GPS với các nồng độ khác nhau để nuôi cấy tế bào sẽ làm tăng quá trình vón lipid trong tế bào HepG2, hàm lượng cholesterol toàn phần và cholesterol ester tăng lên rõ rệt, còn sự biểu hiện của mRNA và protein của SR-B I lại giảm. Kết quả còn cho biết các tác dụng kể trên phụ thuộc vào liều thử GPS.

Kết luận: GPS có tác dụng bảo vệ gan trong môi trường lipid cao, GPS có thể ức chế quá trình hấp thu lipid không hạn chế của tế bào gan.

N.T.M.Lộc

ẢNH HƯỞNG CỦA GYPENOSIDE ĐỐI VỚI SỰ TĂNG SINH VÀ SỰ CHẾT TẾ BÀO THEO CHƯƠNG TRÌNH CỦA TẾ BÀO UNG THƯ GAN NGƯỜI Bel-7402

LI Xiaolong và cs.

Trung Quốc Thực nghiệm phương tễ học tạp chí, 2012, Vol 18, No 19: 238-241

Mục đích: Nghiên cứu ảnh hưởng của gypenoside (Gyp) đối với sự tăng sinh và gây chết tế bào theo chương trình của tế bào ung thư gan người Bel-7402.

Phương pháp: Tác dụng ức chế của Gyp đối với sự tăng sinh tế bào ung thư gan người Bel-7402 được nuôi cấy in vitro được thử bằng phương pháp MTT; ảnh hưởng của Gyp đối với sự tổn thương DNA tế bào ung thư gan người Bel-7420 bằng phương pháp điện di SCGE; xác định cơ chế tác dụng gây chết tế bào theo chương trình của Gyp đối với tế bào này bằng kỹ thuật RT-PCR.

Kết quả: Trong khoảng liều 100~400mg/mL, Gyp với có tác dụng ức chế sự tăng sinh phát triển của tế bào ung thư gan người Bel-7420. Ở liều thử 182mg/mL, tổn thương DNA của tế bào gây ra bởi Gyp sau khi ủ 4, 8, 12, 16, 24 giờ được đo bằng điện di trên gel cho thấy tác dụng tổn gây thương phụ thuộc vào thời gian; lớn nhất sau 12 giờ thì đạt tới (81,15±14,23)%. Các tế bào ủ với Gyp có sự biểu hiện caspase-8 lớn, trong khi nhóm đối chứng không có sự biểu hiện protein này.

Kết luận: Gyp có thể ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư gan người Bel-7420 và thúc đẩy sự chết tế bào theo chương trình theo cơ chế gây tổn thương DNA và sự biểu hiện lượng lớn caspase-8.

N.T.M.Lộc

NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG HẠ HUYẾT ÁP CỦA GYPENOSIDE TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG THỰC NGHIỆM

LIANG Xiaohui và cs.

Lishizhen Medicine and Materia Medica Research, 2012, Vol 23, No 10: 2417-2419

Mục đích: Nghiên cứu ảnh hưởng của gypenoside (GPs) đến huyết áp của chuột cống trắng được gây tăng huyết áp thực nghiệm và ở chuột cống trắng bình thường.

Phương pháp: Chuột cống trắng được chia ngẫu nhiên thành các lô đối chứng (không dùng gì), lô đối chứng GPs (360mg/kg), lô mô hình (gây tăng huyết áp), các lô sử dụng với các liều 180, 360, 720mg/kg. Ngoài nhóm đối chứng không làm gì và nhóm đối chứng GPs, các nhóm còn lại cho ăn thức ăn có hàm lượng lipid và đường cao, đồng thời cho uống nước muối đường (đường 4% và muối 1%) và nước fructose (6%), thắt ống động mạch cổ, và đo huyết áp bằng hệ thống chức năng sinh học BL-420.

Kết quả: Thức ăn có lipid và đường cao có thể khiến cho huyết áp của chuột cống trắng tăng cao, áp suất tâm thu tăng (35,1±10,7)% và huyết áp tâm trương tăng lên (18,1±8,6)% có ý nghĩa so với lô đối chứng. Ở các lô thử thuốc, GPs có tác dụng giảm sự tăng huyết áp của chuột cống trắng bị gây tăng bởi thức ăn lipid và đường và tác dụng này phụ thuộc vào liều đối thử; Tác dụng hạ huyết áp khi dùng thuốc GPs cấp tính đối với chuột cống trắng bị tăng huyết áp cũng mạnh hơn hẳn so với chuột cống trắng bình thường.

Kết luận: GPs có thể phòng chứng tăng huyết áp ở chuột cống trắng khi cho ăn thức ăn lipid và đường cao, đồng thời cũng có tác dụng chữa trị bệnh tăng huyết áp tương đối an toàn.

N.T.M.Lộc

ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG VÀ SỰ TÍCH LŨY SAPONIN TOÀN PHẦN (GYPENOSID) CỦA GIẢO CỔ LAM (GYNOSTEMMA PENTAPHYLLUM THUNB.) VÀ GIẢO CỔ LAM NGŨ QUẾ (GYNOSTEMMA PENTAGYNUM Z. P. WANG)

LIU Shibiao và cs.

Quảng Tây thực vật, 2012, Vol 32, No 02: 253-256 và 259

Nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường quan trọng ảnh hưởng tới sự sinh trưởng phát triển của giảo cổ lam và còn ảnh hưởng tới khả năng tích lũy gypenosid. Trong thí nghiệm này, cây con giảo cổ lam và giảo cổ lam ngũ quế trong thùng nuôi cấy được chiếu sáng ở các nhiệt độ 10, 15, 20, 25 và 30oC trong 40 ngày, kiểm tra chỉ tiêu hình thái và hàm lượng gypenosid. Kết quả cho thấy: ở điều kiện 25oC, các chỉ số như diện tích mặt lá, chiều dài cuống lá, chiều dài cành, số phiến lá nhú lên, hàm lượng sinh khối và diệp lục tố toàn phần cũng đều cao nhất. Sự sinh trưởng phát triển của giảo cổ lam ngũ quế cũng có quy luật tương tự. Vì vậy, có thể kết luận nhiệt độ 25oC là điều kiện nhiệt độ thích hợp để hai loài giảo cổ lam và giảo cổ lam ngũ quế sinh trưởng và phát triển. Sản lượng gypenosid phụ thuộc vào hàm lượng sinh khối và hàm lượng gypenosid của giảo cổ lam. Kết quả cho thấy ở nhiệt độ 25~30oC sẽ có lợi nhất để tăng sản lượng gypenosid, hàm lượng gypenosid của 2 loài này ở nhiệt độ 30oC cao nhất, 30oC là nhiệt độ thích hợp nhất để tăng cao sản lượng gypenosid của giảo cổ lam ngũ quế.

N.T.M.Lộc

ORIDORIN THÚC ĐẨY CHẾT TẾ BÀO THEO CHƯƠNG TRÌNH, ỨC CHẾ SỰ DI CHUYỂN VÀ XÂM NHẬP TRÊN CÁCTẾ BÀO UNG THƯ VÚ DI CĂN CAO Ở NGƯỜI

Wang S và cs.

Am J Chin Med 2013;41(1): 177-96

Oridonin, một tetraxiclin diterpenoid tự nhiên phân lập từ cây thuốc Trung Quốc Rabdosia rubescens, được biết là một tác nhân gây độc mạnh đối với tế bào của nhiều khối u. Tuy nhiên, tác dụng của nó trên các tế bào ung thư vú di căn cao ở người chưa được đề cập đến. Các kết quả của chúng tôi cho biết oridonin ức chế mạnh sự phát triển gây bởi trên các tế bào ung thư vú MCF-7 và MDA-MB-231 ở người, phụ thuộc vào liều và thời gian thử. Qua phân tích đếm tế bào, oridonin đã ngăn chặn tế bào MCF-7 phát triển bằng việc ngừng chu kỳ tế bào ở giai đoạn G2/M và gây ra sự tích lũy các tế bào MDA-MB-231 ở giai đoạn dưới G1. Tác dụng tự chết tế bào theo chương trình cảm ứng của oridonin còn được khẳng định bằng các phương pháp điểm hình thái học và TUNEL. Phụ thuộc vào thời gian ủ với tế bào, oridonin đã làm giảm tỷ lệ các protein Bcl-2/Bax, làm giảm mức biểu hiện caspase-8, NF-κB (p65), IKKα, IKKβ, phospho-mTOR, và làm tăng mức biểu hiện các protein PARP, Fas và PPARγ. Phân tích huỳnh quang miễn dịch đã cho biết trong nhân có chứa γH2AX trong các tế bào MDA-MB-231 được ủ với oridonin, kết quả có ý nghĩa thống kê. Trong khi, oridonin đã ngăn chặn sự di chuyển và xâm nhập tế bào MDA-MB-231 có ý nghĩa, làm giảm sự hoạt hóa của MMP-2/MMP-9 và ức chế sự biểu hiện của Integrin β1 và FAK. Kết luận, oridonin đã ức chế sự phát triển và gây ra sự tự chết tế bào theo chương trình ở các tế bào ung thư vú MCF-7 và MDA-MB-231 có thể theo cơ chế làm tổn thương ADN và sự kích thích các kênh dẫn truyền trong và ngoài màng tế bào. Hơn nữa, oridonin cũng ngăn chặn sự xâm nhập và di căn u trên mô hình in vitro có thể do làm giảm biểu hiện MMPs và điều chỉnh kênh  β1/FAK ở tế bào MDA-MB-231.

V.T.A

KURARINONE ĐIỀU CHỈNH CÁC ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH THÔNG QUA VIỆC ĐIỀU CHỈNH JAK.STAT VÀ ĐƯỜNG TÍN HIỆU THÔNG QUA TCR

Kim BH và cs.

Biochem Pharmaco, 2013 Jan 16

Khổ sâm cho rễ (Sophora flavescens), vị thuốc có chứa các flavonoid và các quinolizidine alkaloid, có nhiều tác dụng sinh học như chống viêm, kháng khuẩn và chống ung thư. Trong công trình này, chúng tôi đã phân lập các flavonoid từ rễ của khổ sâm (Sophora flavescens) và đã thử tác dụng ức chế các đáp ứng miễn dịch của chúng. Trong số các flavonoid phân lập được,  kurarinone đã thể hiện tác dụng ức chế mạnh nhất. Kurarinone ngăn chặn sự biệt hóa các tế bào CD4(+) T thông qua việc ức chế sự biểu hiện và sản sinh các chất điều chỉnh chủ đặc hiệu dòng tế bào T và các cytokine. Các kết quả của chúng tôi chứng minh kurarinone ức chế trực tiếp yếu tố tải nạp tín hiệu Janus kinase gây bởi cytokine và yếu tố hoạt hóa tín hiệu phiên mã (JAK/STAT) và các đường dẫn truyền thụ thể tế bào T (TCR). Trong 2 mô hình viêm da mãn tính thử trên động vật, gồm bệnh viêm da vảy nến được gây bởi tiêm interleukin 23 (IL-23) vào tai chuột và mô hình bôi 2,4,6-trinitrochlorobenzene (TNCB) lên bụng chuột đã được sử dụng để gây cảm ứng viêm da tiếp xúc, kurarinone đã ngăn chặn sự phát triển bệnh bằng việc ức chế sản sinh ra các yếu tố tiền trung gian viêm, gồm có các cytokin, chemokin và enzym ở da tai chuột. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng khoa học mới là kurarinone có thể cải thiện các bệnh viêm da mạn tính thông qua việc ngăn chặn sự biệt hóa tế bào CD4(+) T và đáp ứng miễn dịch tổng thể.

V.T.A

SAM TRẮNG (BACOPA MONNIERI) VÀ  L-DEPRENYL THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ENZYM CHỐNG OXY HÓA VÀ THÚC ĐẨY SỰ BIỂU HIỆN CỦA TYROSINE HYDROXYLASE VÀ YẾU TỐ PHÁT TRIỂN THẦN KINH THÔNG QUA ĐƯỜNG DẪN TRUYỀN ERK 1/2 VÀ NF-B Ở TẾ BÀO LÁ LÁCH CHUỘT CỐNG WISTAR CÁI

Priyanka HP và cs.

Chem Res 2013 Jan; 38(1): 141-52

Lão hóa được biểu hiện qua sự tiến triển bệnh và ung thư là do sự mất các đáp ứng miễn dịch trung tâm và đáp ứng miễn dịch nội tiết ngoại vi. Các gốc tự do có độc đối với các chức năng miễn dịch thần kinh ở não, tim và các cơ quan bạch huyết, và vì vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe. Sam trắng [Bacopa monnieri (brahmi)], một cây thuốc trong Y học cổ truyền Ấn Độ, và  L-deprenyl, một chất ức chế  monoamine oxidase-B , đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh suy thoái thần kinh. Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát việc xử lý brahmi (10 và 40 mg/kg thể trọng) và deprenyl (1 và 2.5 mg/kg thể trọng) đối với chuột cống trắng cái Wistar trong vòng 3 tháng, 10 ngày có thể điều chỉnh tác dụng của các enzym chống oxy hóa [superoxide dismutase (SOD), catalase (CAT) và glutathione peroxidase (GPx)] trong não và lách. Ngoài ra, tác dụng của các hợp chất này trên biểu hiện của tyrosine hydroxylase (TH), yếu tố phát triển thần kinh (NGF), các chất chỉ thị gây tín hiệu nội bào, các protein p-ERK1/2, p-CREB, và p-NF-kB, và sự sản sinh oxide nitơ ở lách được phân tích bằng kỹ thuật điện di Western blot. Kết quả cho thấy cả brahmi và deprenyl làm tăng hoạt tính của CAT, p-TH, NGF, và làm tăng sự biểu hiện của p-NF-kB, nhưng chỉ có deprenyl thúc đẩy sự biểu hiện của p-ERK1/2 và p-CREB ở tế bào lá lách. Các tác dụng của SOD, CAT, và GPx trong tuyến ức, hạch bạch huyết mạc treo ruột, tim, và các vùng của não (vỏ não trước, trung tâm vùng dưới đồi, vùng vân, và hồi cá ngựa) có sự thay đổi khác nhau do tác dụng của brahmi và deprenyl. Chỉ có brahmi làm tăng sự sản sinh Oxid nitơ trong lá lách. Tóm lại, những kết quả của nghiên cứu gợi ý rằng cả brahmi và deprenyl có thể bảo vệ các hệ thần kinh trung tâm và ngoại vi do các tác dụng quan trọng là làm tăng hoạt tính của các enzym chống oxy hóa và đường tải nạp tín hiệu nội bào.

V.T.A

TÁC DỤNG ỨC CHẾ CHỌN LỌC CỦA MOLLUGIN TRÊN CYP1A2 Ở CÁC TY LẠP THỂ GAN NGƯỜI

Kim H và cs.

Food Chem Toxicol 2013 Jan; 51: 33-7

Mollugin được phân lập từ cây thiến thảo (Rubia cordifolia) là một hợp chất có tác dụng chống viêm, chống ung thư và chống virus. Trong nghiên cứu này, thử nghiệm que dò dung dịch hỗn hợp thuốc đã được sử dụng để xác định tác dụng ức chế chọn lọc của mollugin trên các enzym sắc tố tế bào P450 (CYP) ở các ty lạp thể của tế bào gan người (HLM). Khi ủ sắc tố tế bào CYP bằng que dò đồng phân đặc hiệu của cơ chất với mollugin (0-25μM) trong HLM dẫn đến sự ức chế mạnh sự loại bỏ ethyl của phenacetin, xúc tác bởi CYP1A2, có giá trị IC50 đối với không ủ và có ủ trước lần lượt là 1,03 và 3,55μM. Sự ức chế việc loại bỏ nhóm ethyl của phenacetin bởi mollugin phụ thuộc vào nồng độ ở các ty lạp thể gan người nhưng lại không phụ thuộc thời gian. Ngoài ra, kết quả từ biểu đồ Lineweaver-Burk cho thấy sự ức chế của mollugin là ức chế cạnh tranh điển hình. Tác dụng ức chế của mollugin đến biểu hiện cADN trên CYP1A1 và 1A2 tái tổ hợp người là tương đương. Tóm lại, các kết quả nghiên cứu gợi ý rằng mollugin có thể gây ra hiện tượng ức chế chọn lọc CYP1A2 ở người dùng thuốc có chứa dược liệu thiến thảo.

V.T.A

PHÂN ĐOẠN DIẾP CÁ (HOUTTUYNIA CORDATA Thunb) GÂY RA SỰ TỰ CHẾT TẾ BÀO THEO CHƯƠNG TRÌNH BỆNH BẠCH CẦU MOLT-4 THÔNG QUA ĐƯỜNG STRESS MÔ LƯỚI ENDOPLASMIC

Prommaban A và cs.

Asian Pac J Cancer Prev, 2012, 13(5) : 1977-81

 

Diếp cá (Houttuynia cordata Thunb (HCT)) là một thảo dược bản địa của Đông Nam Á có nhiều tác dụng dược lý đối với các bệnh dị ứng, viêm, nhiễm khuẩn và virus, và ung thư. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định tác dụng độc tế bào của 6 cao phân đoạn thu được từ sắc ký cột silica gel của cao chiết cồn từ diếp cá trên tế bào bạch cầu Molt-4 và tìm hiểu cơ chế gây chết tế bào. Kết quả thí nghiệm bằng phương pháp MTT cho thấy 6 phân đoạn diếp cá đều có độc đối phụ thuộc liều thử với các tế bào bệnh bạch cầu Molt-4 tạo limphô bào, trong đó phân đoạn 4 có tác dụng mạnh nhất. Thử ở nồng độ IC50, phân đoạn 4 của HCT gây ra sự tự chết tế bào Molt-4 theo chương trình có ý nghĩa thống kê, được chứng minh bởi sự xuất hiện của phosphatidylserine ở lớp màng tế bào bên ngoài và phát hiện bởi thuốc thử annexinV-FITC/propidium iodide. Khả năng liên màng của ty thể bị giảm xuống ở các tế bào Molt-4 ủ với phân đoạn 4 của HCT. Hơn nữa, kỹ thuật điện di immunoblotting cho thấy phân đoạn 4 giảm biểu hiện của Bcl-xl và tăng biểu hiện của các protein Smac/Diablo, GRP78 và Bax. Như vậy phân đoạn 4 HCT thúc đẩy tế bào Molt-4 chết theo chương trình thông qua đường dẫn truyền trong màng tế bào.

V.T.A

TINH DẦU CỦA CỎ MÙI (TRIDAX PROCUMBENS) GÂY RA SỰ TỰ CHẾT TẾ BÀO THEO CHƯƠNG TRÌNH VÀ NGĂN CHẶN SỰ TẠO MẠCH VÀ DI CĂN PHỔI CỦA DÒNG TẾ BÀO B16F-10 Ở CHUỘT NHẮT TRẮNG C57BL/6

Manjamalai A và cs.

Asian Pac J Cancer Prev, 2012,13(11): 5887-95

Cơ sở: Để đánh giá tác dụng của tinh dầu của cây thuốc y học cổ truyền Cỏ mùi (Tridax procumbens L.) đến sự di căn và phát triển của tế bào u hắc sắc tố B16F-10 ở chuột nhắt trắng chủng C57BL/6 ở phổi. Nguyên liệu và phương pháp: Các thông số được nghiên cứu là độc tính, đếm số hạch khối u phổi, các đặc điểm mô bệnh học, sự hình thành mao mạch dẫn máu đến khối u, sự tự chết tế bào theo chương trình và mức biểu hiện của các protein P53 và caspase-3. Các kết quả: Thử nghiệm MTT in vitro cho biết tinh dầu thể hiện độc tính cao đối với tế bào, cụ thể là gây chế 70,2% tế bào ung thư trong 24h ở liều thử 50μg. Trên mô hình in vivo, tinh dầu ức chế sự hình thành các u hạch khoảng 71,7% có ý nghĩa thống kê so với các chuột không dùng thuốc. Sự hình thành các mạch máu mới dẫn máu tới khối u cũng bị ức chế khoảng 39,5%. Thí nghiệm TUNEL cũng chứng minh sự tăng tự chết theo chương trình có ý nghĩa thống kê của các tế bào ung thư. Sự biểu hiện các protein P53 và caspase-3 cũng được phát hiện lớn hơn ở nhóm được dùng tinh dầu so với nhóm chuột gây ung thư và nhóm bình thường. Kết luận: Kết quả thí nghiệm thu được chứng minh rằng tinh dầu cỏ mùi có tác dụng phòng ngừa sự di căn của tế bào B16F-10 ở phổi trên chuột nhắt trắng chủng C57BL/6. Việc ngăn ngừa sự tạo mạch máu tới tế bào ung thư và thúc đẩy tế bào tự chết theo chương trình cần được nghiên cứu thêm bằng kỹ thuật sinh học phân tử để khẳng định tác dụng của cỏ mùi có tác dụng chống ung thư.

V.T.A

HAI SAPONIN TRITERPENOID MỚI TỪ RỄ CỦA CÁT CÁNH (PLATYCODON GRANDIFLORUM)

Ma G và cs.

Chem Pharm Bull (Tokyo), 2013, 61(1): 101-4

Hai saponin triterpenoid mới được phân lập từ rễ cát cánh  (Platycodon grandiflorum) và được đặt tên là platycodon A (3-O-β-D-glucopyranosyl-16-O-β-D-glucopyranosyl-2β,3β,16β,21β-tetrahydroxyolean-12-en-28-oic acid, chất 1) và platycodon B (3-O-β-D-glucopyranosyl-16-O-β-D-xylopyranosyl-2β,3β,16β,21β-tetrahydroxyolean-12-en-28-oic acid, chất 2). Cấu trúc của các hợp chất này được xác định qua phân tích các phổ có liên quan. Các hợp chất 1 và 2 đã được thử tác dụng độc tính đối với các dòng tế bào ung thư người HepG-2, A549 và DU145. Kết quả là 1 và 2 và đã thể hiện tác dụng độc mạnh trên các dòng tế bào ung thư HepG-2 và A549 với các giá trị  IC(50) dao động từ 4,9 đến 9,4 µM, nhưng có tác dụng yếu đối với dòng tế bào ung thư DU145 với các giá trị IC(50) > 10 µM.

V.T.A

PLUMBAGIN, DẪN XUẤT 1,4-naphthoquinone TỪ CÂY BẠCH HOA XÀ (PUMBAGO ZEYLANICA)  ỨC CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN VÀ DI CĂN CỦA CÁC TẾ BÀO UNG THƯ TIỀN LIỆT TUYẾN NGƯỜI PC-3M Ở MÔ HÌNH CHUỘT NHẮT TRẮNG NGOẠI LAI ĐÚNG VỊ TRÍ

Hafeez BB và cs.

Mol Oncol, 2012 Dec 14

Chúng tôi công bố phát hiện mới về Plumbagin (PL), một dẫn xuất 1,4 –naphthoquinone từ cây thuốc, ức chế sự phát triển và di căn các tế bào ung thư tiền liệt tuyến của người trên mô hình chuột nhắt trắng ngoại lai đúng vị trí. Trong mô hình nghiên cứu này, 2 × 106 tế bào ung thư tiền liệt tuyến PC-3M-luciferase đã được tiêm vào tiền liệt tuyến của chuột nhắt trắng trụi lông không tuyến ức. Ba ngày sau khi cấy tế bào ung thư, tiêm PL vào màng bụng chuột liều 2 mg/kg thể trọng 5 ngày trong tuần và liên tục trong 8 tuần. Sự phát triển và di căn của các tế bào PC-3M-luciferase được kiểm tra hàng tuần bằng hình ảnh phát quang sinh học ở những chuột còn sống.Việc tiêm PL vào màng bụng đã ức chế sự phát triển khối u ngoại lai đúng vị trí có ý nghĩa thống kê (p = 0,0008). Kết quả cho thấy sự ức chế sự di căn vào gan có ý nghĩa thống kê (p = 0,037), trong khi sự ức chế di căn vào phổi (p = 0,60) và các hạch bạch huyết (p = 0,27) lại không có ý nghĩa thống kê. Phân tích mô bệnh học các cơ quan này cung cấp them bằng chứng khẳng định các kết quả đã thu được. Các kết quả phân tích mô bệnh học đã thể hiện sự ngăn chặn tế bào ung thư di căn vào các hạch bạch huyết có ý nghĩa (p = 0,034) và phổi (p = 0,028), và đực biệt vào gan có ý nghĩa thống kê (p = 0,075). Không có chuột nhắt trắng nào trong nhóm được tiêm PL có biểu hiện sự di căn tế bào ung thư tiền liệt tuyến vào gan, nhưng chúng có những di căn nhỏ vào các hạch bạch huyết và phổi. Tuy nhiên, lô chuột đối chứng đã có nhiều di căn lớn vào các hạch bạch huyết, phổi và gan. Sự ức chế phát triển và di căn của các tế bào PC-3M bởi  PL đi kèm với sự ức chế biểu hiện của các protein 1) PKCε, pStat3Tyr705, và pStat3Ser727, 2) Các gen đích Stat3 downstream (survivin và Bcl(xL)), 3) các chỉ thị tăng sinh Ki-67 và PCNA, 4) chỉ thị di căn MMP9, MMP2, và uPA, và 5) các chỉ thị tạo mạch CD31 và VEGF. Như vậy, những kết quả nghiên cứu gợi ý PL ức chế sự phát triển u và di căn của các tế bào ung thư tiền liệt tuyến PC3-M-luciferase của người, có thể được sử dụng làm thuốc dự phòng và điều trị  ung thư tiền liệt tuyến ở người.

V.T.A

LECTIN TỪ LÁ CÂY DÂU TẰM TINH CHẾ GÂY RA SỰ TỰ CHẾT TẾ BÀO THEO CHƯƠNG TRÌNH VÀ NGỪNG CHU KỲ TẾ BÀO Ở CÁC TẾ BÀO UNG THƯ VÚ NGƯỜI VÀ CÁC TẾ BÀO UNG THƯ RUỘT KẾT Ở NGƯỜI

Deepa M và cs.

Chem Biol Interact, 2012, Oct 25; 200(1):38-44

Giá trị làm thuốc của dâu tằm được con người biết đến từ lâu. Dâu tằm (Morus alba L.) có chứa rất nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học. Từ các nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã tinh chế và xác định được một lectin chống (MLL) từ lá của cây này có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tìm hiểu thêm về cơ chế gây chết tế bào ung thư của MLL trên các tế bào ung thư vú (MCF-7) và các tế bào ung thư ruột kết (HCT-15) của người. Các tế bào được ủ với MLL ở nồng độ GI (50) (nồng độ tại đó lectin ức chế cần 50% sự phát triển tế bào), 8.5 μg/ml đối với MCF-7 và 16 μg/ml đối với HCT-15, trong 24h để tế bào chết theo chương trình. Phân tích hình thái học, phân mảnh ADN, nhuộm tế bào và phân tích protein caspase 3 để tìm hiểu cơ chế chết theo chương trình của tế bào. Các tế bào tự chết theo chương trình ở giai đoạn G0-G1 đã được phân tích bằng phương pháp đếm tế bào dòng. Kết quả cho thấy MLL gây ra những thay đổi nhiều về hình thái học và phân mảnh AND trong quá trình các tế bào MCF-7 và HCT-15 tự chết tế bào theo chương trình. Annexin V dương tính và các tế bào nhuộm màu da cam acridin/ethidium bromide đã chứng minh rằng sự tự chết tế bào theo chương trình của các tế bào này do gây ra MLL. Tế bào được ủ với MLL cũng cho thấy sự tăng hoạt động của protein caspase 3. Phân tích đếm tế bào cho thấy phần trăm của các tế bào ở giai đoạn dưới G0-G1 tăng, khẳng định rằng MLL đã gây ra sự tự chết tế bào theo chương trình. Kết luận, MLL đã gây ra sự tự chết theo chương trình ở các tế bào MCF-7 và HCT-15 có liên quan đến hoạt động của caspase 3.

V.T.A.

TÁC DỤNG CỦA CÁC CAO CHIẾT LÁ MÃ ĐỀ (PLANTAGO MAJOR L.) ĐỐI VỚI TẾ BÀO BIỂU MÔ TRONG MỘT THỬ NGHIỆM VẾT XƯỚC

Muhammad Zubair và cs.

Journal of Ethnopharmacology, 2012, 141: 825-830

Liên quan giữa tác dụng dược lý và sử dụng trong dân gian: Nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá tác dụng của những cao chiết khác nhau của lá cây thuốc cổ truyền Mã đề (Plantago major L.) đối với sự tăng sinh và di cư tế bào in vitro, nhằm thăm dò hoạt tính chất chữa lành vết thương của dược liệu.

Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu: Các cao chiết nước, cao chiết ethanol-nước (50:50), và cao chiết ethanol từ lá tươi và lá khô của cây Mã đề được thử tác dụng bằng một mô hình in vitro trong thí nghiệm vết xước với các tế bào biểu mô miệng.

Kết quả: Thí nghiệm vết xước đã cho kết quả đáng tin cậy sau 18 giờ. Phần lớn các cao chiết thử nghiệm đã làm tăng sự tăng sinh và di cư các tế bào nội mô miệng so với nhóm đối chứng âm. Tất cả các cao chiết ở nồng độ 1.0 mg/mL (tính theo trọng lượng khô) cho kết quả tốt nhất, trong khi nồng độ 0,1mg/mL luôn luôn cho tác dụng tốt hơn nồng độ 10 mg/mL. Các cao chiết ethanol với nồng độ 10mg/mL gây cản trở sự tăng sinh và di cư của tế bào. Ở hai nồng độ còn lại (0,1 mg/mL và 1 mg/mL), cao chiết ethanol có tác dụng tốt nhất, tiếp theo lần lượt đến cao chiết nước của lá tươi, cao chiết ethanol-nước của lá khô và cuối cùng là cao chiết nước của lá khô.

Kết luận: Nghiên cứu này gợi ý rằng cả hai cao chiết nước và cao chiết cao chiết ethanol giàu polyphenol của lá mã đề đều có thể dùng làm thuốc chữa lành vết thương. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để xác định những hợp chất nào là hoạt chất của cây thuốc.

N.P.Thanh

TÁC DỤNG CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG CỦA CAO CHIẾT CỐT KHÍ CỦ (POLYGONUM CUSPIDATUM)

TRÊN CHUỘT

Xiao – bo Wu  và cs.

Journal of Ethnopharmacology, 2012, 141: 934-937

Mục đích nghiên cứu: Cây cốt khí từ lâu đã được sử dụng làm thuốc để chữa lành vết thương trong y học cổ truyền. Trong nghiên cứu này, cao chiết từ một cây thuốc Trung Quốc là cốt khí củ được nghiên cứu về tác dụng chữa lành vết thương nhằm khẳng định giá trị sử dụng của vị thuốc trong dân gian.

Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu: Cao chiết cồn 50% từ cây thuốc cốt khí củ đã được bôi vào vết thương sau khi được gây theo mô hình nghiên cứu chữa lành vết thương trên lưng chuột. Tính từ ngày gây thương tích, tỷ lệ làm lành vết thương đã được theo dõi và tính toán ở các ngày 3, 7, 14 và 21; còn các mô đã được thu ở các ngày 1,3,7,14 và 21 để làm phân tích về mô và thành phần miễn dịch. Các giai đoạn của sự tạo hạt trong các mô bị thương được đánh giá bằng phương pháp mô bệnh học. Xác định sự biểu hiện của TGF-β1 bằng phương pháp phân tích hóa mô miễn dịch học.

Kết quả: Tỷ lệ làm lành vết thương ở chuột đã cao hơn ở các ngày 3, 7, 14 và 21trong nhóm dùng cao chiết so với nhóm đối chứng có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Kết qủa mô học cho thấy có nhiều giải collagen được cấu tạo tốt hơn, nhiều nguyên bào và nang lông hơn, ít các tế bào bị viêm hơn.  Kết quả phân tích các thành phần miễn dịch cũng chứng minh rằng nhóm có dùng cao chiết có hàm lượng TGF-β1tăng lên trong ở các ngày 1,3 và 7 kể từ khi gây thương tích (p<0,05).

Kết luận: Nghiên cứu này đã chứng minh rằng cao chiết từ cây thuốc cốt khí củ Trung Quốc có hoạt tính chữa lành vết thương, cung cấp bằng chứng khoa học về giá trị sử dụng của vị thuốc trong dân gian.

N.P.Thanh

(Nguồn tin: )